21. Đối Tết Nhà Họ Đỗ

ĐỐI TẾT NHÀ HỌ ĐỖ

Cứ mỗi lần Tết đến, nhà cửa đồng bào ta lại đỏ rực lên những câu đối. Không có câu đối kể như là thô kệch, là kém phần thanh nhã, nhất là không có gì để cho ra vẻ Tết. Chẳng thế mà đời đã có câu :

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ,

Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh.

Quả thật câu đối là cần thiết. Vai trò của nó quan trọng chẳng kém gì thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh là những thứ để cho ngon miệng, no bao tử, và nêu cao, pháo nổ là những thứ để trừ tà diệt quỷ. Bởi thế, một người khinh đời ngạo vật như Tú-Xương Tết đến cũng nghĩ phải có câu đối dán nhà :

Nhập thế cục bất khả vô văn tự,

Chẳng hay ho cũng phải nghĩ một đôi bài.

Huống chi mình đã đỗ tú tài,

Ngày Tết đến cũng phải dán một hai câu đối.

Lại như ông hàng thịt nọ cả năm chỉ sống bằng nghề thọc huyết heo. Tết đến cũng phải đến cụ Yên-Đỗ để xin hai câu về dán nhà :

Tứ thời bát tiết canh chung thủy,

Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang.

四時八節更終始

岸柳堆蒲欲點粧

Vì thế có người nghĩ rằng Tết dán câu đối chẳng những để cho ra vẻ mà còn cho thiên hạ biết mình cũng có chữ trong nhà, bởi không có chữ, chưa hẳn là đã hoàn toàn là người.

Nghĩ như vậy, kể ra cũng đúng, nhưng chỉ đúng phần nào vì ở đời thiếu chi những kẻ có chữ mà vẫn chẳng hoàn toàn là người, và những kẻ càng tỏ ra có chữ bao nhiêu lại càng thêm bêu chuyện bấy nhiêu.

Thí-dụ : trường-hợp của nhà tổng-đốc Đỗ-Hữu-Phương xưa kia, cho đến bây giờ vẫn còn là cái bia miệng ở đất Đồng-nai này.

Phương người tỉnh Chợ-lớn, xuất thân từ một tên hộ trưởng, khi thực dân Pháp đem binh sang xâm chiếm nước ta, Phương trở thành một tay sai đắc lực của « nhà nước tân trào » sau thăng dần đến chức vụ Tổng-đốc.

Đối với thời ấy, Phương chẳng những là tay quyền thế mà còn là tay giàu thứ hai sau Huyện-Sĩ, trên Bá-Hộ Xường, Hộ-trưởng Định, nên đời đã có câu :

Nhất Sĩ nhì Phương,

Tam Xường tứ Định.

Phương có năm con trai đều được giặc Pháp cho làm quan to và 3 người con gái đều lấy chồng làm quan to cho giặc…

Nếu gác bốn chữ « mãi quốc cầu vinh » ra, nhà Phương quả đúng là « Tam đa ngũ phúc ».

Có lẽ tự hào như thế, nên gặp dịp Tết nọ, Phương cho dán ngay trước cửa nhà một câu đối : « Đất Chợ-lớn có nhà họ Đỗ, đỗ trước cửa ngũ phúc tam đa. »

Phương treo giải mười nén bạc cho ai đối được. Phương chủ quan tưởng thế là hay, là một cách làm tăng uy tín chớ có biết đâu, đối với nhà Phương, sang đấy, giàu đấy, nhưng đồng-bào mỗi khi nhìn thấy cái bộ mặt « bán nước hại dân » của y, vẫn thấy kinh tởm như lũ phong cùi ở đất cù lao Rồng. Bởi vậy nhân dịp có người đã gởi lại một câu để đối. Đối rằng : « Cù lao Rồng có lũ thằng phung, phun 11 một lũ cửu trùng bát nhã. »

Đối hay, người đối lại không thèm lấy tiền vì mục đích chỉ để cảnh cáo một kẻ xây phú quý trên máu và nước mắt đồng bào.

Nghe truyền lại, khi nhận được câu ấy, Phương đỏ mặt gay lên, tỏ vẻ sượng sùng thay. Y nghĩ tức giận lắm nhưng không lý gì trả thù được, nên đành phải phục, và nén bụng làm thinh cho qua câu chuyện đi.

Từ đó Tết đến, Phương không còn dám ngo ngoe chữ nghĩa nữa.

Thật cũng là một giai-thoại để thế nhân nhắc nhở trong mỗi độ xuân về, và cũng là một cái tiếng « muôn đời không đẹp » cho nhà « quan » họ Đỗ, thông gia của hai tên trùm bán nước Lê-Hoan, Hoàng-Cao-Khải.

Bởi thế, kẻ thuật chuyện này trộm nghĩ gặp ngày Tết, chúng ta cũng nên dán câu đối cho lịch-sự cửa nhà, vì Tết là một dịp để phô của, phô đẹp, phô chữ. Có mà không phô để góp với trần gian cũng uổng. Nhưng văn những ai như gia-đình họ Đỗ thì chớ nên phô làm gì, vì càng phô bao nhiêu, thiên hạ càng tởm, càng muốn nhổ vào mặt bấy nhiêu. Hay có muốn phô thì hãy trở lại cái bản chất làm người đi đã.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3