22. Một Đạo Chẳng Hai Đường

MỘT ĐẠO CHẲNG HAI ĐƯỜNG

Trong hàng khoa bảng suốt thời nhà Nguyễn, người đỗ vẻ vang nhất phải nói là ông Tam-Nguyên Trần-Bích-San. Sinh năm 1833 mất năm 1877, người làng Vị-xuyên, huyện Mỹ-lộc, tỉnh Nam-định, ông Trần-Bích-San thi hương đỗ giải-nguyên trường Nam năm 1864, qua năm sau thi đỗ hội nguyên rồi đình nguyên, tức liên trúng tam nguyên, nên vua Tự-Đức ban cho biệt hiệu là Hy-Tăng, để sánh với Vương-Tăng, một nho sĩ bên Trung-quốc xưa đã liên trúng tam nguyên đời Tống.

Thi đỗ sớm, làm quan sớm, lại không may mất sớm, thành thử sự nghiệp văn chương của ông Tam-Nguyên Trần-Bích-San lưu lại cho đời, không được lừng lẫy như ông Tam-Nguyên Nguyễn Khuyến (tức Yên-Đỗ) người cùng bạn học một thầy : cụ Hoàng-Giáp Tam-Đăng Phạm-Văn-Nghị.

Có người bảo ông Trần-Bích-San chỉ tài về Hán-tự không giỏi về quốc âm, nên thi văn ông làm cũng nhiều mà không được phổ biến sâu rộng trong quảng đại quần chúng. Vả lại, đa số là những bài thù tạc, nên ngay cả giới sĩ phu cũng không truyền tụng mấy. Bằng chứng quyển thơ « Tam-Nguyên Vị-Xuyên thi tập » của ông lưu lại có cả hàng trăm đầu đề mà nhắc đến, người ta chỉ kể mỗi bài « Tam quá Hải-vân quan » (3 lần qua đèo Hải-vân) :

Tam niên tam thưởng Hải-vân đài

Nhất điểu thân khinh độc vãng hồi

Thảo thụ bán không đệ nhật nguyệt

Càn khôn chích nhỡn tiểu trần ai.

Vân phi sơn thủy vô kỳ khí

Nhân bất phong sương vị lão tài.

Hưu đạo Tần quan chinh lộ hiểm

Mả đầu hoa tận đới yên khai.

三年三上海雲臺

一渺身輕獨往回

草樹半空低日月

乾坤雙眼小塵埃

文非山水無奇氣

人不風霜未老才

休道秦闗征路險

馬頭花盡帶煙開

Ông Tô-Nam Nguyễn-Đình-Diệm đã dịch ra quốc âm :

Nhẹ bỗng mình chim lối Hải-vân,

Ba năm qua lại đủ ba lần,

Nửa con mắt ngó trần ai hẹp,

Sát ngọn cây trông nhật nguyệt gần,

Chửa dạn phong sương tài chửa luyện,

Không pha sơn thủy bút không thần,

Mây lồng cổ ngựa hoa đua nở,

Có hiểm gì đâu lối ải Tần…

Nhưng theo tôi, có lẽ không đúng vì ông Tam-nguyên họ Trần có một giai thoại hy hữu, xin kể lại sau đây :

Tục truyền khi ông đi lãnh chức tuần-phủ Hà-nội, có ông khâm-sai linh mục Trần-Văn-Lục (tục gọi cụ Sáu) ở xứ đạo Thiên-Chúa Giáo Phát-Diệm đến ra mắt.

Cụ Sáu họ Trần (1825-1899) người làng Mỹ-quán, tỉnh Thanh-hóa, vốn cũng tay thâm nho, nên trong khi trò chuyện có đưa một câu đối nói thác của người khác ra, khó quá, đối không được, muốn nhờ ông Tam-Nguyên đối hộ. Ông Tam-Nguyên lễ phép thưa : Xin Cụ cứ cho nghe, xem kẻ hậu sinh này có thể đối được không ?

Cụ Sáu đọc : Ba cụ ngồi một cỗ, cụ đủ đều cụ chẳng sợ ai ?

Câu này ra bao hàm một ý nghĩa ngạo nghễ, muốn gián tiếp chỉ cho ông Tam-Nguyên biết rằng : « Các anh muốn ghét đạo Gia-tô thì ghét, bài xích thì bài xích. Ta đây không sợ, và cũng đủ lý lẽ để đối lại như ai ». Cái khó về hình thức của nó là ở chỗ trong câu ra đã có chữ « Cụ » để chỉ tiếng cụ đạo (linh-mục) lại có cụ là cỗ, cụ là đủ, cụ là đều, cụ là sợ.

Với óc thông-minh, ông Tam-Nguyên nghe xong, biết ngay ông cụ đạo họ Trần vừa muốn thử tài, vừa chơi chữ xỏ xiên, nên trả lời : Thưa Cụ, tưởng sao, chớ dễ thế, kẻ hậu sinh này tuy dốt vẫn có thể đối được chỉ sợ đối rồi, không hay lắm, và sợ cụ buồn giận !

Cụ Sáu cười ra vẻ đắc-ý, nói : Được « văn hành công khí » miễn quan lớn đối hộ cho là cám ơn, có chi mà giận, cốt hay thôi !

Ông Tam-Nguyên khiêm tốn : Dạ, cụ đã cho phép, kẻ hậu sinh này xin đối : Một đạo chẳng hai đường, đạo dẫn trộm đạo còn nói láo.

Câu đối lại này có bao hàm một ý nghĩa để đáp lại với một chuỗi dài những chữ « cụ » ở trong câu ra trên. Đặc biệt là dùng chữ « đạo » để đối với chữ cụ, cụ đạo.

Thế là ông Sáu họ Trần bị chơi lại ngay một cú đau đớn hơn hoạn. Nhưng biết làm sao được. Chính ông ta là kẻ đã gieo gió, gieo gió thì phải chịu gặt bão, nhất là đã tuyên bố « văn hành công khí » và chỉ « cốt hay thôi ». Vỏ quýt dày móng tay nhọn. Thành ông chỉ còn nước rút lui, cáo từ ra về với vẻ mặt xúi xị.

Kể ra thì ông Sáu hớ thật, nếu không nói là dại. Nhưng ai bảo ông tự kiêu tự đại, không biết ngắm lại bản thân trước.

Chuyện này chỉ là giai thoại giữa hai người, một bên là nhà Nho, quan chức của triều đình, một bên là tu sĩ của một tôn giáo đang bị khủng bố vì nghi oan tất cả theo giặc. Nhưng xuyên qua đó, ta thấy ông Trần-Bích-San về tài học quả xứng danh một vị Tam-Nguyên, đồng thời cũng là tay cừ Nôm, không kém như người ta tưởng đâu ! Và đây tuy là giai thoại, nhưng với ông, có lẽ câu chuyện này đáng để cho đời nhắc lại hơn là những thi văn kia vậy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3