25. Như Thế Này Mới Hạ Được Quan Cử Quan Nghè
1. Sáo sậu là cậu sáo đen
Đánh trống thổi kèn đưa ma sáo sậu
2. Cậu đậu quả cà
Cậu già cậu chết
Thổi nồi cơm nếp
Đưa cậu ra đồng
Đánh ba tiếng cồng
Cậu lồng xuống lỗ.
Đó là hai câu ca dao ở miền Bắc Việt-Nam, có tính cách trào phúng. Nhưng nói chung, với cái óc tôn sùng Khổng-Mạnh quá lố của các nhà nho xưa, các quan cử quan nghè nước mình trước vẫn cho đó là dở, là thứ « nôm na cha mách qué », Bụt chùa nhà không thiêng, cứ cái gì là của văn-minh Trung-quốc mới để ý, cũng như các ông đồ Tây đồ Anh hiện nay, cái gì cũng phải này là của học giả Luân-đôn đã nói, trí thức Hoa-thịnh-đốn đã rằng, này là văn hào Pháp đã dạy, này là triết nhân Đức đã bảo…
- Không biết cái đó, gốc rễ ở chỗ muốn khoe tài học giỏi tiếng ngoại quốc mà ra hay ở chỗ quá tự ti mặc cảm cho dân tộc mình bốn ngàn năm văn hiến nhưng chẳng gì đáng kể.
Ấy chính cũng vì thế mà cụ phó bảng Đỗ-Huy-Uyển, một người tự nhận là sức học quán thông kim cổ, kết quả phải chịu đi hỏi điển tích ở một ông thầy đồ công danh khoa hoạn chẳng có gì hết thảy.
Vốn tánh cụ xem đời là mục hạ vô nhân, một ông đồ ở trong làng biết vậy, lấy làm căm tức nhưng chưa có dịp để nói ra.
Một bữa nọ, người cậu ruột ông đồ là một cụ tiến sĩ từ trần. Đám tang ông tiến sĩ phải có lắm vị đại khoa như Thám-hoa, Hoàng-giáp, và lẽ tất nhiên không thể vắng mặt cụ phó bảng Đỗ-Huy-Uyển, người cùng làng La-ngạn. Trong đám, các quan đại khoa chú ý từng câu đối và từng bức chướng một.
Câu này khá, câu này kém, bức kia hay, bức nọ xoàng, các quan thi nhau mà bàn cãi phê bình. Duy với câu đối của ông đồ trên kia làm khóc cậu thì các ngài chịu thôi. Ai nấy đều dán cả mắt vào, mà rồi mặt mũi đều ngay như cán tàn vì có hiểu biết gì đâu, sự tích gì đâu mà dám phẩm với bình. Lại phải nói ngay ; câu đối đó đọc cũng khá kêu và chải chuốt :
Cố điểu hốt cao phi, kích cổ suy xinh, ta hà cập hĩ !
Già viên không điển tích, khởi chinh chữ phạm dĩ nghinh tống chi.
(…) 鳥忽高飛擊鼓吹笙嗟何及矣
茄園空典籍起鉦煑飯以迎送之
Nghĩa là « Con sáo vụt bay cao, đánh trống thổi kèn, hỡi ơi sao kịp ! Vườn cà thôi chẳng ở, nồi cống nấu cơm, đưa tiễn gọi là. »
Cụ Đỗ-Huy-Uyển nghĩ nát óc không ra. Khi đám xong, cụ phải buộc lòng tới nhà tác giả câu đối trên để hỏi : Này thầy, thầy làm câu đối lấy điển tích ở đâu thế ?
Thú thật, tôi tra kinh sách đã nhiều, đã hết mà cũng tìm không ra. Vậy ở quyển nào bộ nào, thầy làm ơn cho biết, thực ra, thánh nhân cũng có chỗ không thể biết.
Ông đồ khiêm tốn trả lời : Dạ bẩm cụ lớn, chúng con ít học, nên không dám dùng chữ đâu xa. Sự tích ấy không được ghi chép trong sách vở nào cả. Con xin thưa thật với cụ lớn là lấy tích ở trong câu ca dao :
Sáo sậu là cậu sáo đen
Đánh trống thổi kèn đưa ma sáo sậu.
Cậu đậu quả cà
Cậu già cậu chết
Thổi nồi cơm nếp
Đưa cậu ra đồng
Đánh ba tiếng cồng
Cậu lồng xuống lỗ.
Con tự nghĩ, thưa cụ lớn, đám ma cậu mà làm câu đối cho cháu viếng, thiết tưởng không gì sát nghĩa bằng dịch lại ý nghĩa những câu ca dao đó.
Cụ Phó Bảng nghe xong giựt mình : Thôi xin phục thầy. Tôi tự thấy sức học tôi còn dở. Ai ngờ ấy sự tích ở ngay trong nước đến cả con nít đàn bà cũng biết cũng thuộc mà mình thì lại đặc cán mai làu táu.
Cụ cáo lui ra về. Từ đó ít còn lên mặt khoe khoang, hợm mình như trước nữa.
Bài học này chẳng phải chỉ riêng cho mình cụ. Theo thiển ý tôi còn nhiều kẻ khác, nhất là những kẻ đi học mà quên gốc, thứ là những kẻ hay lên mặt làm tàng, không biết rằng :
Ở nhà nhất mẹ nhì con,
Ra ngoài lắm kẻ còn dòn hơn ta,
Nhì con nhất mẹ ở nhà,
Ra ngoài lắm kẻ hơn ta còn dòn !…