26. Chuyện Nhà Cách Mệnh Lê Trung Đình

CHUYỆN NHÀ CÁCH MỆNH LÊ-TRUNG-ĐÌNH

Trong các lãnh tụ văn thân chống giặc Pháp, người có nhiều chuyện văn chương lý thú phải nói ông Lê-Trung-Đình, tục gọi là Cử Đình.

Cử Đình là con thứ sáu cụ nghè Lê-Trung-Lương ở xã Phú-nhân, huyện Sơn-tịnh, tỉnh Quảng-ngãi. Ông sinh năm 1863, đỗ cử nhân năm 1881. Năm Ất Dậu, dương lịch 1885, sau ngày kinh thành Huế thất thủ, ông đứng ra lãnh đạo phong trào chống Pháp ở tỉnh. Tháng sáu năm ấy, ông chỉ huy đánh chiếm được thành Quảng-ngãi, nhưng chỉ giữ được 5 ngày thì bị giặc lấy lại. Ông bị bắt và bị giặc xử tử, năm ấy mới 22 tuổi.

Phải nói Cử Đình là một anh hùng tráng niên trong lịch sử dân tộc.

Tuy nhiên, người ta chỉ biết ông là một nhà cách mạng mà quên rằng Cử Đình còn là một tay văn chương đã vang bóng một thời với nhiều giai thoại nữa.

Theo các vị bô lão ở địa phương kể lại, năm 15 tuổi, Cử Đình đã tỏ ra thông minh xuất chúng. Có lần, ông tuần phủ Điện ra câu đối : Đình siêu giữa chợ ăn mày ngủ.

Cử Đình ứng khẩu đối : Điện tế bên đường chó đói ăn.

Ông Tuần muốn chọc cậu bé, không ngờ bị cậu bé xỏ lại. Lần khác ông Cử nhân Trần-Bá-Võ ra : Đình không dừng, đình thế đình thôi, đình gặp sét đình tung cả nóc 15.

Cử Đình liền lấy ngay câu của Trạng Quỳnh ngày xưa đối lại : Võ cây mạnh, võ ra võ múa, võ bị mưa võ bèn vén lông 16

Năm 17 tuổi, Cử Đình đến tập văn tại nhà cựu án sát Nguyễn-Duy-Cung ở huyện Tư-nghĩa. Cô con gái cụ mến tài ông, nên một hôm hai người cùng chuyện trò thân mật. Cụ án bắt gặp ngờ Cử Đình làm con mình thất tiết nên sai nọc ra đánh. Cử Đình đọc ngay bài thơ rằng :

Khoan khoan con nói để thầy nghe,

Trót đã yêu thơ ý rụt rè.

Hai cánh hồng môn còn khép nép,

Ngọn cờ xích xí chửa lo le.

Nghĩa là mới nói chuyện thôi, chớ chưa xâm phạm gì. Cụ án nghe xong phải phì cười mà tha ngay.

Năm sau Cử Đình đi thi Hương, ai cũng đoán sẽ đỗ thủ khoa. Cử Đình cũng tin lắm, không dè kết quả đỗ á nguyên (thứ hai). Cử Đình tức lắm, nhân thấy ông thủ khoa tài học kém mình, lúc vào ra mắt quan trường, Cử Đình sẵn cầm cây quạt giấy, liền lấy gióng quạt gõ lên đầu ông thủ khoa và nói : Thứ anh mà thủ khoa cái mẹ gì.

Lẽ phải phạt nặng, nhưng các quan vì nể cụ nghè Lượng, chỉ phạt đánh (…) roi, và bắt phải làm thơ tức cảnh. Cử Đình đọc ngay :

Đầu thầy khoa thủ ăn ba quạt,

Đít Cử Trung-Đình bị sáu roi.

Rõ thật đầu khinh mà đít trọng,

Đầu thày khoa thủ đít Đình tôi.

Các quan biết rõ Cử Đình chơi xỏ thủ khoa nữa. Nhưng cũng bỏ qua luôn.

Quả thật Cử Đình là tay bướng. Nhưng nhờ cái bướng ấy sau đó ông đã trở thành một người xứng đáng của dân tộc, giặc Pháp và ngụy quyền Đồng-Khánh không thể nào dùng danh lợi để thay đổi được ông. Bởi thế ông tuy bị chết sớm, nhưng tên tuổi vẫn sống đời đời trong lòng người dân Việt, nhất là trong lòng người dân tỉnh Quảng-ngãi. Và khi nói đến ông, người ta lại nhắc những câu chuyện về văn chương trên này.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3