Bộ sưu tập tội ác - Chương 45

Chương 45

Roger Seagraves đọc tin trên mạng trong giờ làm việc, kẻ bị tình nghi là hung thủ đã được nhận dạng là Reuben Rhodes, có tật xấu là nghiện rượu, từng phục vụ trong quân đội và Cơ quan Tình báo Quốc phòng, là người đốt sạch nhiều cây cầu trong những năm còn đương chức. Hiện kẻ tình nghi này đang làm việc ở một kho bốc dỡ hàng tại thủ đô Washington và sống ẩn dật trong một căn nhà tồi tàn ở ngoại ô phía bắc bang Virginia. Tờ báo còn cố ý nhấn mạnh rằng, hung thủ là một tay chế tạo mìn hẹn giờ tài tình, và chính người này, với sự chán ghét chiến tranh đã từng thủ tiêu một tay chuyên làm giàu bằng cách cung cấp thứ vũ khí chết người cho những nơi cần chúng để tạo ra chiến tranh. Câu chuyện hay đến đáng ngờ.
Khi Seagraves nhìn thấy gã đàn ông to lớn bước vào nhà từ cánh cửa sau, hắn không biết phải xử lý thế nào. Liệu đó có phải là kẻ trộm, nhưng rõ ràng là chuông báo động không vang lên, và sáng sớm hôm sau, gã ra khỏi nhà tay không. Đêm hôm sau nữa, Seagraves đã tìm ra một cơ hội vàng để tạo ra vở kịch hay cho đám cảnh sát.
Hắn đã dành thời gian cho chính phủ, và tốn giờ cho liên bang, và bây giờ là lúc dành riêng cho hắn, hắn cần phải nhận một chút gì đó. Tuy hành động này chẳng có vẻ gì là thư giãn như với cô nàng ở Cơ quan An ninh Quốc gia, nhưng mà công việc thì phải có lúc này lúc khác. Điều quan trọng là phải giữ cho những mối làm ăn với hắn vui vẻ và theo guồng, đồng thời không bị nghi ngờ. Cũng may, nhờ vào vị trí của mình ở CIA, hắn có thể được tiết lộ vài thông tin quan trọng về những cuộc điều tra dành cho đám nhân viên tình báo nội bộ. Hơn thế, FBI có nhúng tay và giữ nhiều trọng trách quan trọng đi nữa, với mối quan hệ của mình, hắn có thể tìm hiểu xem kẻ nào được hân hạnh “trong danh sách tình nghi”.
Tài năng của hắn đã được chứng minh qua việc mũi tên tình nghi không bao giờ chĩa về hắn cả. Có vẻ như CIA không thể tin rằng một trong những tay ám sát kỳ cựu như hắn lại giở trò. Liệu chúng có ngây thơ nghĩ về điều đó một cách giản đơn như vậy? Nếu sự thật là thế, hắn thật sợ cho một viễn cảnh an ninh quốc gia suy yếu chỉ vì những kẻ cầm đầu đám tình báo lại dễ bị xỏ mũi đến vậy. Nhưng cũng còn tên Alderich Ames là bằng chứng được phanh phui đấy chứ, có điều Seagraves này khôn ngoan hơn gã đó nhiều lắm.
Seagraves nhận lệnh giết người từ chính phủ, do vậy, nguyên tắc cam kết, trong ngữ cảnh này pháp luật và mệnh lệnh không được áp dụng với hắn. Hắn giống như một vận động viên chuyên nghiệp, khéo léo xử lý tình huống khi làm chủ được sàn đấu. Những tay như vậy bộc lộ những nét hấp dẫn khán giả ngay trên sân thi đấu, và cũng chính những tính cách đặc trưng ấy làm họ trở nên nguy hiểm hơn. Nếu như Seagraves có thể không bị vướng vào những vụ giết người bao năm qua, thì hắn tin rằng không có gì mà hắn không thể làm cả. Thậm chí cho dù hắn có xem sát thủ là nghề của mình, hắn cũng không muốn làm việc cho ai cả. Hắn tự thân vận động, cho dù là ở Trung Đông hay Viễn Đông, hay bất cứ nơi nào người ta muốn hắn đến và kết liễu đời kẻ nào đó. Hắn vẫn là kẻ thích một mình, đã được chứng nhận về tâm lý, và đó cũng là lý do ngay từ đầu hắn được đào tạo làm tay sát thủ.
Hắn đánh xe đến một khu thể thao tại McLean, bang Virginia, cách đầu não của CIA một đoạn không xa, chạy theo đường Chain Bridge. Hôm nay hắn sẽ chơi quần vợt với tay trưởng ban, một gã lúc nào cũng tự phụ về lòng yêu nước, yêu công việc và cả cú sở trường đánh xoáy bóng bằng tay trái.
Họ hòa nhau trong hai ván đầu, và Seagraves phải đấu tranh với bản thân xem liệu có nên cho ông sếp của mình thắng ván thứ ba hay không. Nhưng cuối cùng, tinh thần thể thao không nhân nhượng của hắn đã chiến thắng dù hắn cũng giả bộ sắp thua tới nơi. Dẫu sao thì hắn cũng trẻ hơn ông ta mười lăm tuổi mà.
“Tôi thua rồi, Roger”, gã sếp than thở.
“Có lẽ tối nay tôi chơi hăng thôi, nhưng mà cũng chẳng phải dễ dàng gì đâu, nếu chúng ta trạc tuổi nhau, chắc gì tôi có thể đánh bại ông”.
Theo đánh giá của người sếp, hắn là một tay đã trụ vững ở tổng hành dinh của CIA tại Langley, Virginia trong một thời gian dài, và sự đối mặt với nguy hiểm bao nhiêu lại càng khiến hắn thích thú bấy nhiêu. Tay sếp này biết rất ít về những hoạt động trong quá khứ của hắn cho Cục, vì rõ ràng câu lạc bộ ba số sáu của hắn được bưng bít thông tin gần như tuyệt đối, điều dễ hiểu thôi. Tuy vậy, gã lại biết rất rõ việc Seagraves đã làm việc nhiều năm cho lĩnh vực tình báo, và được Cục cho leo lên hàng “đỉnh”. Cũng vì những lý do đó, Seagraves nhận được nhiều sự kính trọng hơn mấy tay ngang hàng với hắn.
Trở lại khu giữ đồ, trong lúc đợi tay sếp tắm táp, Seagraves mở hộc tủ và lấy khăn tắm ra. Hắn lau mặt và lau khô tóc. Rồi cả hai cùng lái xe đến trung tâm Reston và dùng bữa tối tại nhà hàng Clyde, cùng ngồi thưởng thức các món ngon gần lò sưởi trong không khí ấm cúng của nhà hàng. Sau đó, cả hai tạm biệt nhau, và mỗi người đi mỗi ngả. Seagraves đợi tay sếp lái xe chạy đi, rồi thong dong tản bộ xuống khu đường chính của trung tâm, hắn dừng trước một rạp hát.
Rạp hát, công viên và những nơi công cộng đại loại như vậy là nơi cung cấp tài liệu và nhận tiền của đám tình báo trước đây. Seagraves có thể hình dung ra cảnh trao tay một gói bắp rang, mà bên trong chắc chắn chứa những thứ quan trọng hơn chỉ là bơ, tuy tế nhị, nhưng hoạt động tình báo kiểu vậy có vẻ vụng về. Rõ ràng là hắn đã thực hiện việc trao đổi với tay trưởng ban mà chắc hẳn kẻ nào cho dù có quan sát cũng không nhìn ra được. Đám CIA hầu như chưa bao giờ thực hiện những màn theo dõi hai nhân viên gặp gỡ, đặc biệt là chơi vài ván quần vợt và ăn tối với nhau. Khái niệm về những tay đặc vụ truyền thống cho rằng đó là hành động một mình, nên đó cũng là lý do hắn mời tay sếp ngây thơ làm tấm bình phong cho mình.
Hắn lái xe về nhà, cầm chiếc khăn tắm mang theo từ tủ đồ, bước vào một gian phòng nhỏ ở tầng hầm, ẩn sau vách tường ngụy trang. Đó là một dạng “két sắt” của hắn, nơi không ai được phép dòm ngó. Hắn để khăn tắm lên bàn và với tay lấy chiếc bàn ủi hơi nước. Biểu tượng của trung tâm thể thao được may thẳng vào bề mặt khăn, có điều nếu khăn này là khăn của khu trung tâm đó. Bản sao cũng tạm chấp nhận, có điều cái lô-gô chỉ dính hờ lên trên nền vải, kiểu mấy miếng dán được là lên quần áo của trẻ nhỏ. Miếng lô-gô nhanh chóng bị tróc ra và mặt sau của nó là thứ mà Seagraves phải trầy trật đổ mồ hôi sau 3 ván quần vợt mới có được: đoạn băng ghi âm dài đúng 4 inch.
Sử dụng một dụng cụ phóng đại khá tinh vi, mà chỉ có những người giữ chức vụ quan trọng mới được sở hữu, hắn bắt đầu đọc và giải mã thông tin trên đoạn băng ghi âm. Sau đó hắn lại mật mã hóa đoạn băng, sắp xếp thành hình thức thích hợp và gửi cho Albert Trent. Hắn mày mò làm đến tận khuya, nhưng có hề gì, khi đóng vai là sát thủ, hắn thường phải làm việc lúc khuya như vậy, và những thói quen cũ khó mà bỏ được.
Hắn còn một việc nữa để làm trước khi ngày kết thúc. Hắn đến ngăn tủ đặc biệt của mình, mở khóa, tắt hệ thống bảo vệ và bước vào trong. Mỗi ngày hắn đến đây một lần để nhìn bộ sưu tập của mình. Tối nay, hắn đã tìm thêm một thứ nữa, dù hắn thấy hơi bực mình khi chỉ có một cái, đáng lý phải là một cặp. Hắn lôi thứ đó ra khỏi túi áo khoác. Đó là khuy áo măng-sét của Cornelius Behan mà một cộng sự của hắn hiện đang làm việc cho Công ty Cứu hỏa đã đưa cho hắn. Chắc là Behan đã làm rơi nó khi đi thăm khu nhà kho, một cuộc viếng thăm đã dẫn đến cái chết của hắn. Behan đã có thể phần nào đoán ra cái chết của Jonathan và hắn không được phép tiết lộ thông tin cho bất cứ ai.
Seagraves đặt khuy áo măng-sét lên một cái kệ nhỏ trong phòng cạnh một cái yếm của trẻ em. Hắn vẫn chưa có thứ gì của cô gái hắn đã bắn, nhưng hắn sẽ tìm ra được tông tích của cô ta và lấy thứ gì đó. Hắn đã bắn Behan đầu tiên, gã nằm quỵ xuống sàn, và chừa một khoảng trống để hắn dễ xử lý luôn cô ả. Hắn vẫn còn nhớ rõ lúc đó, cô ả vẫn đang quỳ gần cửa sổ và nhìn ra phía viên đạn đầu tiên được bắn ra. Seagraves không biết liệu cô ả có thấy hắn hay không, nhưng điều đó không quan trọng nữa. Hắn cũng chẳng cho ả có cơ hội rên la, vì viên đạn bay thẳng vào khuôn mặt xinh đẹp của ả. Đám tang với quan tài đậy kín sẽ dành cho cả hai vì vết thương ra lúc nào cũng nặng hơn vết thương vào cả.
Khi hắn nhìn đến khoảng trống kế bên cái khuy măng-sét, hắn tự hứa với lòng sẽ tìm cho ra một vật của ả ta và như vậy bộ sưu tập của hắn sẽ luôn được cập nhật mới hoàn toàn. Và hắn thích thế.

Chương 46

Phải mất một ít sức lực Stone mới cắt được hai cái đuôi theo sau. Sau đó, ông lập tức vào trong một ngôi nhà bỏ hoang, ông gọi đó là nơi ẩn nấp an toàn, ông thay đổi trang phục và quay trở lại phố Good Fellow. Ông đi ngang qua nhà của DeHaven rồi đến nhà của Behan. Đám phóng viên đã đứng lố nhố phía bên ngoài chờ đợi sự xuất hiện của người góa phụ xấu số và bị qua mặt. Căn nhà bị hỏa hoạn phía đối diện đường lần trước vẫn hoang tàn.
Từ góc đường ông giả vờ dừng lại xem bản đồ và bí mật quan sát ngôi nhà của Behan thì một chiếc xe tải chở đồ đạc dừng trước cửa nhà, có hai gã lực lưỡng bước xuống xe. Một cô hầu gái bước ra mở cửa và cả đám phóng viên nhộn nhạo hẳn lên. Đám thợ vào trong nhà, vài phút sau họ khệ nệ khiêng ra một rương gỗ lớn. Rõ ràng đám thợ rất khoẻ nhưng cũng phải dùng hết sức bình sinh để khiêng cái rương, và cũng như đám phóng viên, Stone có chung ý nghĩ: Bà quả phụ đang nấp trong rương để thoát khỏi đám phóng viên. Thế nào đó cũng lại là một tin sốt dẻo cho mà xem!
Một vài tiếng chuông điện thoại reo vang, và đám phóng viên nhảy vào xe, theo đuôi chiếc xe tải. Hai chiếc xe hơi đang bám trụ tại phía sau nhà xuất hiện và chạy theo. Tuy nhiên, còn vài tay phóng viên ở lại, có lẽ họ cũng cảm nhận được chút mánh khóe gì đó. Họ giả vờ như chạy theo về phía cuối đường, nhưng lại đậu xe ở một góc khuất nào đó và tiếp tục quan sát. Một phút sau, cửa trước nhà mở toang, và lần này một phụ nữ trong trang phục người làm xuất hiện cùng chiếc mũ rộng vành. Người phụ nữ leo lên một chiếc xe đậu sẵn phía trước sân và lái đi.
Stone lại cảm nhận ý nghĩ hiện tại của đám phóng viên còn lại, theo đó chiếc xe tải chở hàng chỉ là kế ngụy trang, và bà quả phụ hóa trang thành cô hầu gái. Lần này những tay phóng viên còn lại chạy theo chiếc xe của cô người hầu. Có sự tham gia của hai chiếc xe khác từ góc đường kế bên, hòa chung sự nhộn nhịp của những người cùng ngành.
Stone nhanh chóng đi vòng ra cuối góc phố và đến dãy nhà kế tiếp, tiếp giáp với phía hông sau nhà của Behan. Ở đó có một hẻm nhỏ, ông kiên nhẫn đợi tại bờ tường rào khu đó. Ông chẳng phải đợi lâu vì vài phút sau, một phụ nữ trong trang phục quần tây, áo khoác đen dài và đội mũ rộng vành lụp xụp xuất hiện. Đó chính là Marilyn Behan, vợ của người quá cố. Khi đi đến cuối hẻm, bà ta dừng lại và nhìn xung quanh.
Lúc này, Stone bước ra khỏi bờ tường và cất tiếng, “Bà có phải là bà Behan không ạ?”
Bà ta giật mình và nhìn ông.
“Anh là ai? Lại là tay phóng viên dai như đỉa nữa chứ gì?”
“Không, tôi là bạn của Caleb Shaw, người hiện đang làm việc tại Thư viện Quốc hội. Chúng ta từng gặp nhau tại đám tang của Jonathan DeHaven”.
Bà ta có vẻ đang lục lọi trí nhớ, với thái độ của bà ta, có vẻ như bà ta đang say, dù không thấy mùi rượu trong hơi thở. Liệu có phải do bà ta say thuốc không?
“Ah, tôi nhớ rồi. Tôi còn nhớ mình đã đưa ra lời châm biếm về cách hiểu của CB về đột tử nữa kìa”. Bà ta thình lình ho khan và lúi húi lôi ra một mảnh khăn giấy trong giỏ.
“Tôi xin chia buồn cùng bà”, Stone thành khẩn, dù hy vọng bà ta sẽ không nhớ ra chuyện Reuben, kẻ đã bị buộc tội giết chồng bà ta, cũng nằm trong nhóm của họ.
“Cám ơn anh”, đoạn bà ta nhìn về phía cuối hẻm và nói tiếp, “Tôi nghĩ đứng đây có vẻ hơi kỳ nhỉ”.
“Tôi có nhìn thấy đám phóng viên thưa bà. Tôi hiểu đây quả là một giai đoạn khó khăn của bà, nhưng bà đã lừa được họ. Điều này chẳng dễ chút nào cả”.
“Nếu anh lấy một tay giàu có, người lúc nào cũng là tâm điểm của sự chú ý, chắc hẳn anh sẽ biết cách đánh lừa giới báo chí mà”.
“Tôi có thể nói chuyện với bà một chút không? Hay dùng một cốc cà phê nhé”.
Bà ta bối rối, “Tôi không biết nữa, lúc này quả là khó khăn”. Mặt bà ta đanh lại, “Tôi lại vừa mất chồng, mẹ kiếp!”
Giọng Stone vẫn thản nhiên, “Việc này có liên quan đến cái chết của chồng bà đấy. Tôi muốn hỏi bà về những gì ông ta đã nói tại đám tang”.
Bà ta đột ngột ngưng lại, giọng cảnh giác. “Anh biết về cái chết của chồng tôi à?”
“Cũng không hẳn là nhiều, có điều tôi nghĩ nó phần nào liên quan đến cái chết của Jonathan, cũng có vẻ mờ ám, và cả hai người lại là hàng xóm, cả hai đều chết rất lạ”.
Đột nhiên bà ta tỉnh táo hẳn, “Anh cũng không nghĩ là Jonathan cũng chết vì bị nhồi máu cơ tim phải không?”
Cũng? “Bà Behan, bà có thể dành ra vài phút không, chuyện rất quan trọng đấy”.
Họ cùng ngồi nhấm nháp cà phê tại một nhà hàng nhỏ. Stone lên tiếng trước, “Chồng của bà có nhắc với bà vì cái chết của DeHaven à?”
Bà ta nhấp một ngụm cà phê, kéo mũ thấp xuống và nói nhỏ, “Tôi có thể khẳng định với anh rằng CB không nghĩ là anh ta bị đau tim mà chết đâu”.
“Sao lại không? Ông ta biết điều gì?”
“Tôi không rõ, anh ấy chẳng trực tiếp nói gì cho tôi biết cả”.
“Vậy làm sao bà biết ông ấy không tin?”
Marilyn Behan ngần ngừ, “Sao tôi lại phải cho ông biết chuyện này nhỉ?”
“Vậy để tôi thể hiện sự thành thật của mình, và hi vọng bà sẽ đáp trả”. Rồi ông kể cho bà ta nghe chuyện của Reuben và tại sao anh ta lại vào nhà tù dù Stone khéo léo không đề cập vụ ống nhòm. “Anh ta chẳng giết chồng của bà đâu, anh ta ở đó vì tôi bảo anh ta trông nom căn nhà thôi. Có nhiều chuyện lạ đang xảy ra gần đây ở khu vực này”.
“Giống như chuyện gì?”
“Giống như kẻ ở căn nhà đối diện”.
Giọng bà ta căng thẳng, “Tôi chẳng biết tí gì về điều này cả, mà CB cũng chẳng bao giờ nhắc chuyện này. Tôi biết rằng anh ấy luôn có cảm giác người ta theo dõi mình, giống như bọn FBI, lúc nào cũng dò xét bới móc công việc của anh ấy. Việc xấu có thể có, có thể không, nhưng anh ấy có nhiều kẻ thù”.
“Bà bảo rằng ông ta chẳng nói trực tiếp với bà về cái chết của Jonathan nhưng tại đám tang, có vẻ như ông ta muốn có sự chắc chắn rằng đó chính là vì nhồi máu cơ tim. Ông ta còn cho rằng có khi việc khám nghiệm tử thi cũng không chính xác”.
Bà ta đặt cốc cà phê xuống, bối rối đưa tay chùi vệt son dính trên miệng cốc. “Ngày nọ, tôi có loáng thoáng nghe một cuộc điện thoại của CB, tôi chẳng phải cố tình nghe trộm hay ra sao cả”, bà ta nhanh chóng phân bua, “chỉ là vì lúc đó tôi đang tìm một quyển sách và anh ấy cũng có mặt trong thư viện và gọi điện, còn cửa thì chỉ khép hờ”.
“Tôi nghĩ bà không cố tình”, Stone trấn an.
“Tôi nghe thấy anh ấy nói chuyện với ai đó, rằng DeHaven vừa kiểm tra tim mạch và mọi thứ đều bình thường. Anh ta còn tiết lộ thêm rằng, sau vài cuộc nói chuyện với đám cảnh sát ở D.C anh ta biết thêm kết quả khám nghiệm tử thi của DeHaven có khi chẳng làm người ta vui đâu. Có điều họ chẳng nói ra thôi. Giọng anh ta có vẻ lo lắng và anh ta muốn tự mình sẽ tìm ra sự thật”.
“Liệu ông ta có làm điều đó?”
“Tôi chẳng có thói quen hỏi xem anh ta sẽ đi đâu và làm gì, và anh ấy cũng lịch sự như vậy với tôi. Ý tôi là, nguyên nhân cái chết của anh ấy đã chứng thực sự lầm lạc của mình. Lúc đó, tôi bay sang New York hơi vội cho nên tôi cũng không biết liệu mình có nhạy cảm, vì ánh mắt của anh ấy lúc đó làm tôi phải hỏi anh ấy đi đâu và có chuyện gì không. Mà nói thật, tôi còn không biết anh ấy đang sở hữu cái công ty quỷ quái đó nữa”.
“Công ty à, công ty gì?”
“Công ty Cứu hoả, tôi nghĩ thế. Hay đại loại thế”.
“Vậy là ông ta đến công ty?”
“Vâng”
“Có nói cho bà biết tại sao không?”
“Chỉ nói sơ rằng anh ta muốn kiểm tra thứ gì đó. À, anh ấy có nói về thư viện, hay là cái nơi nào đó mà Jonathan đang làm việc đấy, cả chuyện công ty anh ấy ký kết hợp đồng với thư viện để lắp đặt hệ thống chữa cháy này nọ. Và chuyện anh ấy biết rằng có một số xilanh bị tráo, và nhận xét rằng có vẻ như có sự lộn xộn kiểm kê gì đó”.
“Bà biết rằng ông ấy đã tìm ra điều gì à?”
“Không, tôi đã nói rằng tôi đi New York mà. Anh ấy chẳng gọi báo tôi, mà lúc tôi gọi thì anh ấy chẳng nhắc đến, tôi quên béng”.
“Giọng ông ấy có bực bội khi bà hỏi không?”
“Không, cũng như thường lệ”, bà ta ngừng một chút. “À, tôi nhớ rồi, anh ấy bảo chắc phải kiểm tra lại hệ thống ống dẫn trong nhà, tôi đang nghĩ anh ta nói đùa”.
“Hệ thống ống dẫn à? Ông ta nói đến ống nào?”
“Tôi không rõ. Tôi nghĩ đó là hệ thống khí gas, có thể bị rò rỉ và dễ gây nổ”.
Trong đầu Stone liên tưởng đến những gì đã xảy ra với ngài Bob Bradley, Chủ tịch Hạ viện. Nhưng sau đó, nghĩ đến chuyện khác làm ông hỏi ngay.
“Bà Behan này, trong nhà bà có hệ thống phun nước chữa lửa không?”
“Không, không thể. Chúng tôi có một bộ sưu tập tranh khá lớn, và không dùng nước được. Nhưng CB cũng sợ hỏa hoạn lắm, cứ nhìn những gì xảy ra phía căn nhà đối diện là anh cũng hiểu. Anh ấy cho lắp đặt một hệ thống có thể dập tắt lửa mà không dùng nước đấy. Tôi chẳng biết nó hoạt động ra sao cả”.
“Tôi hiểu rồi”.
“Vậy là anh tin rằng kẻ nào đã giết Jonathan cũng sát hại CB luôn à?”
Stone gật đầu, “Tôi tin vậy. Và nếu tôi là bà, tôi sẽ đến ở chỗ khác, tránh xa chỗ này càng sớm càng tốt”.
Bà ta mở to mắt, “Anh nghĩ tôi đang gặp nguy hiểm ư?”
“E là vậy”.
“Vậy tôi sẽ quay về New York trong chiều nay”.
“Hoàn toàn là quyết định sáng suốt”.
“Tôi mong là cảnh sát sẽ cho phép, vì tôi phải trình hộ chiếu cho họ xem. Tôi cũng thuộc diện tình nghi nữa. Dẫu sao tôi cũng là vợ, tuy tôi có chứng cớ ngoại phạm hoàn toàn thuyết phục, nhưng biết đâu họ lại chẳng nghĩ tôi sẽ mướn người khác làm”.
Stone thẳng thắn, “Chuyện này đã từng xảy ra”.
Họ cùng im lặng trong vài giây, rồi bà ta tiếp, “Anh biết đấy, CB rất yêu tôi”.
“Tôi cũng nghĩ thế”, Stone lịch sự trả lời.
“Không đâu, tôi hiểu những gì anh đang nghĩ. Nhưng đúng là anh ấy yêu tôi, những phụ nữ khác chỉ là chơi qua đường, họ đến và đi. Tôi là người duy nhất cùng anh ấy làm lễ ở nhà thờ, anh ấy để lại cho tôi mọi thứ”.
Bà ta nhấp thêm một ngụm cà phê nữa rồi nói tiếp, “Anh biết không, một điều nghịch lý là anh ấy làm giàu bằng việc buôn bán vũ khí, nhưng bản thân CB lại ghét súng ống, và chẳng có lấy một khẩu ở nhà. Anh ấy xuất thân từ kỹ sư và rất giỏi, anh ấy lại làm việc rất siêng năng”. Bà ta ngưng một chút, “Anh ấy yêu tôi, bằng bản năng của người phụ nữ, tôi cảm nhận điều đó. Tôi cũng rất yêu anh ấy, cho dù anh ấy phạm nhiều sai lầm. Tôi mãi vẫn không tin được anh ấy đã ra đi, và một phần tâm hồn tôi cũng chết theo anh ấy”. Bà ta lau vội nước mắt.
“Thưa bà Behan, tại sao bà lại nói dối tôi”.
“Sao cơ ạ?”
“Bà đã nói dối tôi? Bà vẫn không biết tôi là ai, sao lại nói dối?”
“Anh đang nói cái quái gì vậy? Tôi không nói dối. Tôi rất yêu anh ấy”.
“Nếu bà thật sự yêu ông ta thì bà đâu có thuê thám tử tư theo dõi ông ta từ căn nhà đối diện. Liệu hắn có phải là người chụp mấy tấm hình của những cô nàng trẻ trung hay ra vào nhà bà?”
“Sao anh dám nói vậy! Tôi chẳng có liên quan gì việc này cả. Biết đâu đó là người của FBI đang theo dõi CB”.
“Không đâu, đám nhân viên FBI đủ khôn ngoan để lập thành trạm ở đó, ít nhất cũng có một nam một nữ, và sẽ sống như gia đình bình thường ở đó. Họ cũng biết cách hòa nhập cuộc sống, như bỏ rác, và những công việc lặt vặt thường ngày, mà chẳng để cho ai phát hiện ra họ cả. Mà tại sao FBI lại phải quan sát nhà của bà nhỉ? Liệu họ có tin vào một lý lẽ kém thuyết phục rằng chồng bà sẽ gặp gỡ vài tên đồng bọn ở đó? FBI cũng không hẳn là có nhiều kinh phí để bám tại những nơi cần canh giữ, mặc cho chúng đáng ngờ cỡ nào”. Ông lắc đầu, “Tôi hy vọng bà không trả cho công ty đó nhiều tiền, vì họ chẳng được việc tí nào”.
Bà ta nhổm người dậy và nói to, “Đồ chết tiệt!”
“Bà đã nên ly dị ông ta, rồi ôm nửa gia tài, trở thành một phụ nữ tự do”.
“Sau khi hắn đã bôi nhọ tôi như thế ư? Kéo cả ổ điếm vào nhà của tôi? Tôi muốn hắn phải trả giá. Anh nói đúng: tôi đã thuê thám tử tư và sắp đặt cho anh ta trong căn nhà đó. Vậy thì sao nào? Ngay cả hình của lão chồng tôi và đám quỷ cái đó nữa? Với những thứ đó, tôi bắt lão phải trả bằng máu và ép lão phải đưa mọi thứ cho tôi. Nếu không, mọi thứ sẽ bị phanh phui hết, rõ ràng chính quyền liên bang không thích chuyện những nhà thầu tiến hành thỏa hiệp. Còn lão CB lại có rất nhiều cái gọi là sự dàn xếp tối mật. Lão sẽ chẳng làm ăn suôn sẻ nếu như chính phủ biết lão đang có âm mưu bất chính và bị đe dọa tống tiền. Sau khi hắn đã ký nhận sẽ chuyển mọi thứ cho tôi, tôi sẽ bỏ rơi lão. Lão không phải là người duy nhất lăng nhăng, tôi cũng có, và tôi sẽ chọn người mình tin tưởng cho bản thân để cùng sống chung. Nhưng giờ thì tôi có mọi thứ mà không cần phải tống tiền. Quả là một sự trả thù hoàn hảo”.
“Bà nên hạ giọng một chút, vì như bà cũng có nói, cảnh sát vẫn nghĩ bà trong diện tình nghi. Và cũng không nên làm tăng thêm sự nghi ngờ đó”.
Marilyn Behan nhìn xung quanh, mọi ánh mắt đang đổ dồn về phía bà ta. Bà tái mặt và ngồi xuống ghế.
Giờ thì đến lượt Stone đứng dậy, “Cám ơn vì đã dành thời gian cho tôi. Thông tin của bà thật hữu ích”. Và ông nghiêm mặt, “Một lần nữa chia buồn vì sự mất mát của bà”.
Giọng bà ta rít lên, “Hãy xuống địa ngục đi”.
“Nếu là tôi, tôi chắc rằng mình sẽ không đi một mình đâu”.