Nếu Tôi Biết Được Khi Còn 20 - Chương 05-02

Từ đó chúng ta có

thể thấy rằng điều quan trọng ở đây là việc nhận thức được bạn có đang dốc sức vào một việc có tiềm năng đạt được thành quả hay không. Đó là một trong những thử thách lớn nhất của cuộc đời. Chúng ta thường ở quá lâu trong những tình huống không thể tiến xa hơn. Điều này xảy ra khi các công ty kiên nhẫn với một sản phẩm hay một dự án không đi đến đâu, hay khi ai đó vẫn giữ những công việc hay các mối quan hệ làm họ bất hạnh và hy vọng rằng tình hình sẽ khá hơn.

Vậy, làm sao bạn biết được khi nào nên từ bỏ? Đây là một vấn đề mang tính triết lý rất lớn. Thách thức lớn nhất là việc tách rời mong muốn hoàn thành công việc với thực tế xác suất thành công của nó. Đương nhiên là bạn càng nỗ lực cho một dự án bao nhiêu thì khả năng thành công của nó sẽ nâng lên bấy nhiêu. Nhưng có những nỗ lực sẽ không bao giờ tạo ra thành quả dù cho bạn có tốn abo nhiêu công sức, thời gian và tiền của. Câu trả lời có lý nhất mà tôi đã tìm ra là: hãy lắng nghe cảm giác của bạn và nhìn nhận những lựa chọn thay thế mà bạn có. Về bản chất, bạn phải thật lòng với chính mình. Bạn có đủ ngoan cường để vượt qua các vấn đề trước mắt và đạt được thành quả, hay tốt hơn hết bạn nên chọn một con đường khác?

Tóm lại từ bỏ không hề là một việc đơn giản, nhưng để từ bỏ một cách đúng đắn còn khó hơn nhiều. Tôi đã thấy nhiều người từ bỏ một cách khéo léo, còn những người khác thì vụng về đến mức họ để lại một cái hố lớn sau lưng. Như sẽ bàn đến ở chương 8, rất có khả năng bạn sẽ tình cờ gặp lại cùng những người đó lần nữa trong đời, thường là trong những tình huống không mong đợi. Chỉ lý do này thôi cũng đủ để bạn biết rằng khi từ bỏ, bạn cần phải suy nghĩ rất kỹ về những hệ quả nó sẽ gây ra cho những người xung quanh. Ngoài những tác động mà việc từ bỏ khéo léo có thể ảnh hưởng đến bạn sau này, nó thật ra chỉ là điều cần phải làm. Bạn không bao giờ có thể hợp lý hóa việc từ bỏ khi bạn gây tổn hại đến đồng nghiệp, bạn bè, hay công việc trước đây của mình.

Một đồng nghiệp kể với tôi về trợ lý của anh ấy, người đã làm một công việc tuyệt vời. Anh đã nhận xét về cô ấy rất tốt và dành nhiều thời gian nói chuyện với cô về con đường sự nghiệp của cô trong nhóm làm việc của mình. Cô ấy thẳng thắn trao đổi rằng cuối cùng cô muốn chuyển sang làm ở một lĩnh vực khác, và anh bạn đồng nghiệp của tôi cũng ủng hộ cô. Và anh nói với cô ấy rằng anh sẵn lòng là người giới thiệu cho cô bất cứ lúc nào. Mặc dù vậy, bạn tôi không khỏi ngạc nhiên khi một ngày nọ cô trợ lý đến và báo rằng sau hai tuần nữa cô sẽ nghỉ việc. Trong khi đó nhóm làm việc của anh đang tiến hành một dự án rất lớn, và chỉ còn ba tuần nữa là đến hạn chót. Cô ấy dự định ra đi vào tuần cuối cùng trước khi dự án hoàn thành và đặt cả nhóm vào một tình thế vô cùng khó khăn. Anh bạn tôi hỏi cô nhiều lần rằng cô có thể xem xét việc ở lại thêm một tuần để giúp anh hoàn thành dự án, bao gồm hàng chục người làm chính thức và vài ngàn cộng tác viên. Cô ấy từ chối và nói rằng: “Em biết anh sẽ không cảm thấy khó chịu về việc em ra đi bất cứ lúc nào, nên em quyết định làm những gì em muốn.” Anh bạn tôi cảm thấy như thế mình bị thúc một cú ngang hông. Thời điểm đó thực sự khó khăn đến mức gần như không thể lấp đầy lỗ hổng mà cô ấy bỏ lại vào tuần cuối cùng của dự án, và tất cả mọi

người phải làm việc cả ngày lẫn đêm để bù đắp. Tất cả những người đã từng làm việc với cô

đều không thể quên quyết định ra đi đó. Dù rằng trước đó cô đã thực hiện nhiều công việc tuyệt vời khi làm chung với họ, nhưng những hau tổn cô gây ra cho danh tiếng của mình trong vài tuần cuối cùng ở cơ quan đã làm lu mờ tất cả mọi điều tốt đẹp cô đã làm trong những năm trước.

Trái ngược hoàn toàn với tình huống kể trên, tôi đã nhìn thấy nhiều người thôi việc bằng những cách hay hơn nhiều. Ngay cả khi họ thôi việc vì công việc không phù hợp với mình, sự khéo léo của họ đã để lại những ấn tượng tốt mà những người liên quan đều thấy hài lòng khi trao cho họ những lời giới thiệu tốt đẹp bất cứ lúc nào trong tương lai. Họ báo nghỉ việc đủ sớm để người ta có thể lấp đầy các khoảng trống. Họ dành thời gian sắp xếp lại các công việc của mình để người khác có thể thay thế khi họ ra đi. Và thậm chí họ còn đề nghị giúp đỡ trong việc chuyển đổi nhân sự. Những người này là những anh hùng. Họ đã thuần thục nghệ thuật ra đi một cách tốt đẹp, và sử dụng kỹ năng của mình để chuyển một tình huống xấu thành một điều tích cực.

Vậy làm thế nào để bạn chuẩn bị cho thất bại không thể tránh khỏi? Những người dành nhiều thời gian của họ cho các nỗ lực sáng tạo biết rằng thất bại là một phần tự nhiên của quá trình sáng tạo và luôn sẵn sàng khi nó xảy ra. Jeff Hawkins cảm thấy lo lắng khi mọi việc diễn ra quá êm đẹp, và anh biết rằng thất bại đang ẩn nấp đâu đó xung quanh. Khi anh điều hành công ty Handspring, mọi thứ đều thuận buồm xuôi gió vào thời điểm phát hành các phiên bản “Visor” đầu tiên, một loại máy kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân mới. Nhưng Jeff vẫn luôn nhắc nhở các cộng sự của mình rằng một điều gì đó sẽ xảy ra. Và nó thực sự đã xảy ra. Trong vòng vài ngày phát hành lô sản phẩm đầu tiên, họ đã bán ra và giao khoảng 10.000 sản phẩm. Đây là một con số đáng nể phục. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống thanh toán và vận chuyển đã gặp trục trặc lớn. Một số khách hàng không nhận được sản phẩm mà họ đã thanh toán, còn những người khác thì lại nhận được gấp ba hay bốn lần số lượng họ đặt hàng. Đó là một thảm họa, đặc biệt với một doanh nghiệp mới đang cố gắng xây dựng danh tiếng của mình. Vậy họ đã làm gì để cứu vãn tình thế? Jeff và toàn thể công ty bắt tay vào giải quyết vấn đề. Họ gọi cho từng khách hàng một. Họ hỏi từng người những gì họ đã đặt hàng, họ đã nhận được nó hay chưa, và họ có nhận được hóa đơn chính xác hay không. Nếu có điều gì không đúng, công ty sẽ điều chỉnh ngay tại chỗ. Điểm mấu chốt ở đây là Jeff luôn biết rằng khó khăn sẽ xuất hiện. Anh không chắc chắn nó là gì, nhưng anh đã chuẩn bị để đối phó với bất cứ chướng ngại vật nào trên con đường của mình. Kinh nghiệm đã dạy anh rằng thất bại là không thể tránh khỏi, và rằng chìa khóa để thành công không phải là lẩn tránh từng viên đạn mà là khả năng phục hồi thật nhanh chóng

.

Những điều đó diễn ra lặp đi lặp lại khi tôi nghe chuyện về những người đã có được thành công. Họ sẵn sàng thử rất nhiều thứ và rất tự tin rằng vài trong số các thí nghiệm của họ sẽ tạo ra kết quả tuyệt vời. Nhưng họ cũng hiểu sẽ có các ổ gà trên đường đi. Cách tiếp cận này có thể được sử dụng cho cả những thách thức lớn hay nhỏ. Hãy xem xét câu chuyện sau đây do một người bạn kể cho tôi: Có một người đàn ông dường như luôn gặp may mắn với phụ nữ. Ông ta không đặc biệt quyến rũ, hài hước, thông minh, hay hấp dẫn; do đó, việc ông luôn may mắn với phụ nữ thực sự là một bí ẩn. Một hôm người bạn của tôi hỏi làm thế nào ông có thể có được đều đặn những người phụ nữ trong cuộc sống của mình. Ông tâm sự rằng điều đó khá đơn giản

– ông hẹn hò với từng người phụ nữ hấp dẫn ông đã gặp, và vài người trong số đó đồng ý. Ông sẵn sàng chấp nhận bị từ chối để có được một ít thành công. Điều này mang đến bài học ở cấp độ cơ bản nhất của nó. Nếu bạn ra ngoài và thử làm nhiều việc, bạn sẽ có nhiều khả năng tìm thấy thành công hơn là những người chỉ ngồi đó chờ đợi điện thoại reo.

Câu chuyện này rất phù hợp với điều cha tôi luôn khuyên tôi: là một cái bánh xe kêu chát tai

hiếm khi thay đổi kết quả, nhưng nó cho phép bạn tiến đến kết luận sớm hơn. Đừng ngồi yên đó

chờ đợi một lời đồng ý sẽ không bao giờ đến. Thà nhận được lời từ chối sớm còn hơn là kéo dài thời gian mà kết quả vẫn vậy, để bạn có thể tập trung năng lượng của mình vào các cơ hội có khả năng thành công cao hơn. Điều này có thể áp dụng vào các tình huống như săn việc làm, tìm kiếm nguồn tài trợ kinh doanh, hẹn hò, và hầu hết những nỗ lực khác. Nó có nghĩa là nếu bạn tiếp tục đẩy lùi các giới hạn, và sẵn sàng thất bại trên đường đi, bạn rất có thể sẽ tìm thấy thành công.

Những câu chuyện này đánh dấu một điểm quan trọng: một sự nghiệp thành công không phải là một đường thẳng mà là một con sóng với những thăng trầm. Michael Dearing mô tả điều này rất tuyệt vời với một đồ thị đơn giản vẽ ra một sự nghiệp điển hình, trong đó thời gian nằm ở trục X và thành công nằm ở trục Y. Hầu hết mọi người đều cảm thấy như thể họ cần được liên tục tiến lên và di chuyển sang bên phải, dọc theo một đường thẳng thành công. Nhưng điều này vừa phi thực tế lại vừa hạn chế. Thật sự, khi bạn nhìn kỹ vào đồ thị của những người thành công nhất, luôn có những thăng trầm. Tuy nhiên, khi xem xét tổng thể một quãng thời gian dài thì đường này thường di chuyển lên và sang phía bên phải. Khi bạn đang trong một chu kỳ suy giảm, đôi khi rất khó nhận thức được rằng đường dốc xuống tạm thời đó thực ra là một sự chuẩn bị cho bước tiến tiếp theo. Trong thực tế, độ dốc của đường hướng lên thường tăng sau một chu kỳ đi xuống, nghĩa là bạn đang thực sự đạt được nhiều hơn so với khi bạn chỉ ở lại trên một con đường ổn định và có thể dự đoán trước.

Carol Bartz, cựu giám đốc điều hành của Autodesk và là giám đốc điều hành mới của Yahoo!, sử dụng một phép loại suy tuyệt vời để mô tả con đường sự nghiệp thành công. Cô ấy nghĩ bạn nên xem sự tiến bộ nghề nghiệp của mình như việc di chuyển xung quanh và lên trên một kim tự tháp ba chiều, chứ không phải đi lên một chiếc thang hai chiều. Lối di chuyển theo cạnh bên của kim tự tháp thường giúp bạn xây dựng nền tảng kinh nghiệm của mình. Có thể trông bạn đang đi lên không nhanh cho lắm, nhưng bù lại bạn đang thu thập một nền tảng các kỹ năng và kinh nghiệm sẽ chắc chắn rất có giá trị sau này.

Một trong những câu chuyện yêu thích của tôi về tính chu kỳ và không thể đoán trước của sự nghiệp là do Steve Jobs kể lại. Là người sáng lập Apple và Pixar, những câu chuyện thành công của ông thực sự mang tính huyền thoại. Tuy nhiên, rất nhiều trong số những thành công lớn nhất của ông đều bắt nguồn từ những thất bại. Ông kể lại những câu chuyện này rất hay khi ông phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp tại đại học Stanford vào năm 2005. Dưới đây là trích đoạn bài diễn văn của ông.

Chúng tôi đã cho phát hành tác phẩm tốt nhất của chúng tôi – chiếc Macintosh – một năm trước đó, và tôi chỉ vừa bước sang tuổi ba mươi. Rồi sau đó tôi bị sa thải. Làm sao bạn có thể bị đuổi việc khỏi một công ty do bạn sáng lập? Vâng, khi Apple phát triển chúng tôi thuê một người mà tôi nghĩ là rất tài năng để điều hành công ty với tôi, và trong năm đầu tiên thì mọi thứ đều ổn. Nhưng sau đó tầm nhìn của chúng tôi về tương lai bắt đầu đi theo những hướng khác nhau và cuối cùng chúng tôi đã bất hòa. Khi đó Hội đồng quản trị đã đứng về phía anh ta. Vì vậy, vào tuổi ba mươi tôi bị sa thải, và bị sa thải rất công khai. Tâm điểm phấn đấu của toàn bộ cuộc sống trưởng thành của tôi đã biến mất, và nó thật sự khủng khiếp.

Tôi thực sự không biết phải làm gì trong vòng vài tháng sau đó. Tôi cảm thấy mình đã làm thế hệ các doanh nhân trước đây thất vọng – rằng tôi đã đánh rơi chiếc gậy tiếp sức của lượt chạy khi nó được chuyền đến tôi. Tôi đã gặp David Packard và Bob Noyce để xin lỗi về việc xử lý các tình huống quá kém cỏi. Tôi là một kẻ thất bại nổi tiếng, thậm chí tôi còn nghĩ đến

việc chạy ra khỏi Thung lũng [Sillicon]. Nhưng một cái gì đó dần dần lóe lên trong tâm trí tôi – tôi vẫn rất yêu những gì tôi đã làm. Những biến cố ở Apple chẳng hề làm thay đổi tình yêu đó dù chỉ một chút nào. Tôi đã bị từ chối, nhưng tôi vẫn còn tình yêu. Và vì vậy tôi quyết định bắt đầu lại.

Lúc đó tôi không nhận thấy, nhưng hóa ra việc bị đuổi khỏi Apple là điều tốt nhất từng xảy đến với tôi. Gánh nặng của việc phải thành công được thay thế bởi sự nhẹ nhàng khi trở thành một người mới bắt đầu lại, và ít chắc chắn hơn về mọi thứ. Nó đã giải thoát cho tôi để tôi bước vào một trong những thời kỳ sáng tạo nhất của cuộc đời mình.

Trong những năm sau đó, tôi đã thành lập một công ty tên là NeXT, một công ty khác tên Pixar, và đem lòng yêu một người phụ nữ tuyệt vời sau này đã trở thành vợ tôi. Pixar đã tạo ra bộ phim hoạt hình vi tính đầu tiên trên thế giới, Toy Story, và bây giờ là hãng phim hoạt hình thành công nhất trên thế giới. Trong một loạt diễn biến đáng chú ý, Apple đã mua NeXT, tôi trở lại Apple, và những công nghệ chúng tôi phát triển ở NeXT là trung tâm cho những đổi mới hiện tại của Apple. Còn Laurence và tôi thì có một gia đình tuyệt vời với nhau.

Tôi khá chắc chắn rằng tất cả những điều này không thể xảy ra nếu tôi không bị đuổi khỏi Apple. Thuốc luôn rất đắng, nhưng tôi chắc là bệnh nhân cần dùng thuốc. Và đôi khi cuộc đời cứ quẳng gạch vào đầu bạn.

Câu chuyện này vẫn được kể đi kể lại. Về bản chất, hầu hết con đường của mỗi chúng ta đều có đầy rẫy những thất bại lớn nhỏ. Chìa khóa ở đây là khả năng phục hồi từ những thất bại. Đối với đa số những người thành công, phía dưới đáy đồ thị của họ được lót bằng cao su chứ không phải bê tông. Khi họ chạm đáy, họ chìm xuống trong giây lát và sau đó bật lên trở lại, lợi dụng nguồn năng lượng của các tác động đó để đẩy họ vào cơ hội khác. Một ví dụ tuyệt vời là

[29]

David Neeleman, người sáng lập JetBlue.

 

Ban đầu David mở một hãng hàng không tên là

Morris Air, sau đó nó phát triển thịnh vượng và ông đã bán nó cho Southwest Airline với giá 130 triệu đôla. Sau đó ông trở thành một nhân viên của Southwest. Chỉ năm tháng sau David đã bị sa thải. Theo ông kể, ông làm việc cho họ rất cực nhọc mà họ còn nổi điên lên với ông. Theo hợp đồng thì David đã có một thỏa thuận không cạnh tranh kéo dài năm năm ngăn ông không được thành lập một hãng hàng không khác. Đó dường như là một thời gian dài cả đời người. Nhưng sau khi dành thời gian để phục hồi từ cú đánh này, David quyết định sử dụng năm năm đó để lập kế hoạch cho một thương vụ kinh doanh hàng không mới. Ông lập kế hoạch cho tất cả các chi tiết của công ty, bao gồm cả các giá trị của công ty, toàn bộ những trải nghiệm của khách hàng, loại người mà họ sẽ thuê, cũng như các chi tiết về cách thức họ sẽ đào tạo và bồi thường nhân viên. David nói rằng việc bị sa thải và phải chờ đợi để bắt đầu một hãng hàng không mới là điều tốt nhất từng xảy ra với ông. Khi thời kỳ không cạnh tranh đã qua, ông đã sẵn sàng để vươn tới thành công nhanh chóng. Giống Steven Jobs, ông đã chuyển những gì có vẻ như là một tình huống khủng khiếp thành một giai đoạn có năng suất và sáng tạo rất cao.

Thất bại tất nhiên không hề vui chút nào. Chúng ta vui hơn nhiều khi nói với thế giới về những thành công của mình. Nhưng thất bại có thể là những cơ hội tuyệt vời đang bị che đây. Chúng buộc ta phải đánh giá lại những mục tiêu và ưu tiên của mình, và thường đẩy chúng ta về phía trước nhanh hơn nhiều so với khi thành công liên tục.

Tuy nhiên, việc quá thoải mái với thất bại lại có vẻ rủi ro. Phải chăng những người đề cao vai trò của thất bại cam chịu bị thất bại? Hãy tưởng tượng những hình ảnh về “Nhân viên của Tháng” lại trưng bày những việc tồi tệ nhất của công ty. Tuy nhiên, như Bob Sutton chỉ ra trong

cuốn Weird Ideas That Work (Tạm dịch: Những ý tưởng kỳ quặc nhưng hiệu quả), việc chỉ khen thưởng thành công có thể kiềm chế sự đổi mới vì nó không khuyến khích chấp nhận rủi ro. Bob gợi ý rằng các tổ chức nên xem xét việc khen thưởng cả những thành công lẫn thất bại, và phạt những trường hợp không làm gì cả. Như vậy sẽ khuyến khích mọi người thử nghiệm, và nhiều khả năng dẫn đến các kết quả thú vị và bất ngờ.

Tôi không nói rằng công ty của bạn nên khen thưởng những người ngu ngốc, lười biếng, hay không có năng lực. Tôi muốn nói rằng bạn nên thưởng cho những thất bại thông minh, không phải những thất bại ngớ ngẩn. Nếu bạn muốn có một tổ chức sáng tạo, việc không hành động là loại thất bại tồi tệ nhất... Hơn bất cứ điều gì khác, sự sáng tạo có kết quả từ hành động, chứ không phải là việc không hành động.

Bob cho biết thêm về một bằng chứng mạnh mẽ rằng tỷ lệ giữa những thành công và thất bại của cá nhân chúng ta là bằng nhau. Vì thế, nếu bạn muốn thành công nhiều hơn, bạn sẽ phải sẵn sàng sống với thất bại nhiều hơn. Thất bại là mặt bên kia của thành công, và bạn không thể có một thứ mà không có thứ kia.