Báu vật của đời - Chương 02 - Phần 04 - 02

Các chị mê mẩn trước quang cảnh kỳ lạ đó, phấn chấn đến nỗi quên cả rét, đi xem lần lượt cái lỗ, từ tam giác đến hình trụ, từ hình trụ đến hình vuông, từ hình vuông đến hình chữ nhật. Nước sông từ lỗ tràn lên thấm ướt giày của các chị, chỉ một loáng đã đông lại thành băng. Làn hơi tưới mát của dòng sông ùa lên miệng lỗ khiến lòng dạ lâng lâng. Chị Hai, chị Ba và chị Tư đều rất ngưỡng mộ Tư Mã Khố. Do chị Cả đã nêu gương, trong đầu chị Hai một ý nghĩ thoáng qua: Lấy Tư Mã Khố. Hình như có tiếng ai đó cảnh cáo chị: Tư Mã Khố đã có ba vợ.... Vậy thì chị làm vợ thứ tư? Tất nhiên đó là chuyện về sau này. Chị Tưởng Đệ hốt hoảng kêu:

- Chị ơi, cây thịt kia kìa!

Cái mà chị Tư gọi là cây thịt là con lệch, một loại lươn to bự. Nó vụng về quẫy khúc, từ dưới đáy sông nổi lên. Cái đầu gần giống đầu rắn, to bằng nắm tay, hai mắt tối sầm khiến người ta nghĩ đến sự thâm hiểm của loài rắn. Nó ló đầu sát mặt nước, mũi sủi bong bóng. Chị Hai kêu lên:

- Một con lệch bự!

Và chị vung đòn gánh nhằm đầu con lệch bổ một nhát. Móc sắt ở đầu đòn gánh kêu lanh canh, nước bắn tung tóe. Con lệch chìm xuống nhưng lập tức nổi lên, một bên mắt dập nát. Chị Hai dùng đòn gánh đánh tiếp. Con lệch đuối sức dần, đờ ra. Chị Hai quẳng đòn gánh, tóm lấy đầu con lệch lôi lên. Lên khỏi mặt nước, con lệch đông cứng lại như một cây thịt. Chị Hai bảo chị Ba và chị Tư khiêng thùng nước, còn chị thì tay cầm choòng, tay kéo lê con lệch, mãi mới về đến nhà.

Mẹ dùng cưa cắt bỏ đuôi, chia phần thân làm mười tám khúc. Mỗi khúc khi rơi xuống đất, vang lên một tiếng bịch. Dùng nước sông Thuồng Luồng nấu lệch của sông Thuồng Luồng thơm ngon không thể tả. Từ hôm đó, hai bầu vú mẹ hồi xuân, dù rằng, như trên đã từng nói, vết hằn như nếp gấp tờ giấy vẫn còn.

Và cũng trong cái đêm ăn canh lệch thơm bổ ấy, mẹ thấy trong lòng khoan khoái, gương mặt hiền từ như Đức Mẹ, như Quan âm Bồ Tát. Các chị quây quần xung quanh, nghe mẹ kể chuyện vùng Cao Mật. Đêm xuân ấm áp, nhi nữ tình thương. Gió vi vu trơn theo lòng sông Thuồng Luồng, thổi vào ống khói như thổi sáo. Cây trong vươn rũ băng lắc rắc. Rèm băng dưới mái hiên rớt xuống tảng đá dùng để giặt quần áo vỡ vụn, vang lên một tiếng khô khốc.

Mẹ kể, những năm thời Hàn Phong triều Thanh, vùng này chưa có người đến định cư. Mùa hè, mùa thu, người ta đến đánh cá, hái thuốc, chăn dê cừu. Tại sao gọi là Đại Lan? Vì đây là nơi đàn cừu nghỉ đêm.Những người chăn cừu dùng cành cây quây thành chuồng, nhốt đàn cừu lại, chuồng kiểu ấy, người ta gọi là đại lan. Mùa đông, người ta đến đây săn cáo, chồn, nhưng nghe nói họ đều chết bất đắc kỳ tử, không chết cóng trong tuyết thì cũng mắc những bệnh quái gở. Về sau, cũng không rõ năm nào tháng nào, có một người to khỏe, chân tay vạm vỡ, gan cóc tía. Người ấy chính là Tư Mã Răng-To, ông nội của anh em Tư Mã Đình và Tư Mã Khố. Răng-To là biệt hiệu của ông ta, tên thật thì không ai biết. Biệt hiệu là Răng-To nhưng răng cửa thì không còn chiếc nào, khi nói cứ uôm uôm, phát âm không rõ. Răng-To dựng một túp lều bên bờ sông, sống nhờ ngọn lao cá và khẩu súng săn. Thời bấy giờ cá nhiều vô kể, ngoài sông, trong rạch, trong đầm, nửa là cá, nửa là nước. Mùa hè năm ấy, Răng-To ngồi lao cá bên bờ sông, trông thấy một cái chum lớn từ thượng lưu trôi xuống. Ông giỏi bơi lội, có thể lặn dưới nước bằng thời gian hút tàn điếu thuốc. Ông nhảy xuống sông lôi cái chum vào bờ. Trong chum là một cô gái mù.

Chúng tôi nhìn chăm chăm vào Ngọc Nữ. Chị ngoẹo đầu, dỏng tai nghe, mạch máu trên vành tai rõ mồn một.

Cô gái đó cực kỳ xinh đẹp, nếu không bị mù, thì nên lấy vua, trở thành hoàng hậu. Về sau, cô gái mù sinh được một người con trai thì chết. Răng-To nuôi thằng nhỏ bằng canh cá, đặt tên là Tư Mã Ông, chính là cha đẻ của Tư Mã Đình và Tư Mã Khố bây giờ.

Tiếp theo, mẹ kể về lịch sử di dân đến quê hương đông bắc này, kể về ông thợ rèn - cụ tổ của chúng tôi - và tình thân hữu của cụ với Tư Mã Răng-To; kể về Nghĩa Hòa Quyền khuấy đảo miền đông bắc, kể về trận ác chiến cười nôn ruột ở Bãi-Cát-Dài phía tây thôn, giữa một bên là cụ tổ chúng tôi và Tư Mã Răng-To với một bên là người Đức, cho rằng quân Đức không có đầu gối, chân thẳng đuột không gập lại được. Còn nói quân Đức ưa sạch, rất sợ dính phân vào người, hễ dính phân là nôn oẹ cho đến chết. Lại nói bọn Tây đầu là con chiên. Chiên thì sợ hổ báo lang sói. Thế là hai vị tiên phong trong công cuộc khai phá vùng đông bắc, tụ tập một số bợm rượu, con bạc, du đãng... Tất nhiên họ đều là những kẻ không sợ chết, võ nghệ siêu quần, thành lập đội hổ Lang. Tư mã Răng-To và cụ tổ Thượng Quan Đẩu cùng đội Hổ Lang dụ quân Đức tới Bãi-Cát-Dài, nghĩ rằng chúng sẽ sa lầy vì chân chúng thẳng đuỗn như cây củi. Rồi đội Hổ Lang rung cây để những bọc phân rơi tung tóe lên đầu quân giặc, khiến chúng lợm giọng mà chết. Để chuẩn bị cho trận này, Răng-To và cụ tổ Thông Quan Đẩu bỏ ra một tháng gom nhặt phân người bỏ vào lọ đem đến Bãi-Cát-Dài. Họ đã biến nơi sực nức hương thơm của hoa hòe thành nơi xú uế không thể chịu nổi, khiến hàng ngàn vạn con ong mật bị sặc mùi thối mà chết.

Cũng trong cái đêm tuyệt diệu ấy, chúng tôi mê mẩn với lịch sử đầy hấp dẫn của vùng Cao Mật. Khi chúng tôi đang tưởng tượng ông Răng-To và cụ tổ Thượng Quan Đẩu với trận địa phân của hai vị, thì cháu đích tôn của ông Răng-To là Tư Mã Khố đang ở cách chúng tôi ba mươi dặm, dưới cây cầu đường sắt bắc qua sông Thuồng Luồng, viết trang sử mới cho vùng Cao Mật.

Con đường sắt Giao Đông-Tế Nam này do Đức xây dựng, các anh hùng hào kiệt của đội Hố Lang anh dũng chiến đấu, dùng những chiến thuật chưa từng thấy tự cổ chí kim, kéo dài thời han hoàn thành con đường. Nhưng rốt cuộc cũng không ngăn được con đường xẻ đôi cái bụng mềm mại của vùng Cao Mật, mà nói như Tư Mã Ông thì là: Mẹ kiếp, chẳng khác rạch một nhát dao lên bụng mẹ vợ mình! Con rồng khổng lồ bằng thép nhả khói, trườn qua vùng Cao Mật như dán trên ngực chúng tôi. Giờ đây, con đường này thuộc quyền quân Nhật, chở đi than và bông của chúng tôi, chở đến là vũ khí đạn được mà cuối cùng là để giáng lên đầu chúng tôi. Hành động phá cầu đường sắt của Tư Mã Khố, có thể nói là tiếp tục ý chí của ông nội anh ta, phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, có điều, thủ đoạn cao cường hơn tổ tiên mà thôi.

Sao Hôm đã ngả về tây, vầng trăng lưỡi liềm gác trên ngọn cây. Gió tây hoành hành trên sông, rít ù ù qua những thanh sắt trên cầu. Đêm ấy lạnh kinh khủng, băng trên sông nứt toác thành từng vệt. Tiếng băng vỡ còn ròn hơn tiếng súng. Cỗ xe trượt của Tư Mã Khố dùng lại chỗ bờ sông dưới chân cầu. Anh ta nhảy xuống trước, cảm thấy mông đau như bị mèo cắn. Trên trời là ánh sao yếu ớt, dưới đất là ánh sáng mờ mờ của dòng sông, khoảng giữa là màn đen giơ tay không nhìn thấy ngón. Tư Mã Khố vỗ tay một cái, xung quanh đáp lại tiếng vỗ tay rời rạc. Đêm đen thần bí khiến họ bị kích động, phấn chấn đến căng thẳng. Sau này người ta hỏi tâm trạng trước khi phá cầu như thế nào, Tư Mã Khố trả lời: Vui lắm, vui như Tết.

Các đội viên nắm tay nhau lần xuống chân cầu. Tư Mã Khố mò mẫm trèo lên trụ, rút búa ở thắt lưng chém một nhát vào dầm cầu. Lưỡi búa tóe lửa, Tư Mã Khố chửi:

- Đ. bà nó, toàn sắt là sắt!

Một ánh sao sa rạch dứt bầu trời, kéo theo một cái đuôi dài, ngọn lửa màu lam tuyệt đẹp khiến trời đất. bùng lên trong khoảnh khắc. Nhân lúc sao đổi ngôi, Tư Mã Khố trông rõ mố cầu bằng bê tông và những thanh sắt ngang dọc. Anh ta gọi:

- Kỹ sư Khương, lên đây!

Mọi người đùn kỹ sư Thương trèo lên mố cầu, tiếp theo là cậu thiếu niên trợ thủ của anh ta. Những cục băng trên cầu nhiều như nấm. Tư Mã Khố giơ tay kéo cậu nhỏ thì bị trượt chân, khi cậu ta gượng lại được trên mố thì Tư Mã Khố rớt xuống đất, máu tóe ra từ chỗ mông bị thương thấm đẫm băng vải.

- ối mẹ ơi! - Anh ta kêu - Đau quá, mẹ ơi!

Các đội viên chạy đến nâng anh ta dậy. Anh ta tiếp tục kêu đau, giọng oang oang lan đi rất xa. Một đội viên khuyên:

- Nhịn đau một tí, đại ca, kẻo lộ mất!

Nghe nói vậy, Tư Mã Khố mới chịu im, người cứ run bần bật, ra lệnh:

- Kỹ sư Khương, cắt mau lên, cắt vài thanh rồi rút. Đ. mẹ thằng Sa Nguyệt Lượng, cho mình thuốc mà càng đắp càng đau?

Một đội viên nói:

- Đại ca bị trúng gian kế rồi!

- Lẽ nào cậu không biết câu có bệnh thì vái tứ phương hay sao? Tư Mã Khố cãi.

Đội viên ấy lại nói:

- Đại ca ráng chịu vậy. Về nhà tôi sẽ chữa cho, bị bỏng thì chỉ mỡ con hoan mới khỏi, bôi đâu khỏi đấy!

Một chùm nửa xanh bùng lên giữa các thanh dầm cầu, sáng chói, mắt chảy nước. Vòm cầu, mố cầu, dầm cầu, các thanh giằng, áo khoác da chó và mũ lông chồn, xe trượt màu vàng, ngựa Mông Cổ, tất cả rõ mồn một, sợi lông rơi trên băng cũng có thể nhìn thấy. Hai người, kỹ sư Phương và cậu giúp việc, leo lên dầm cầu như khỉ, dùng súng phun lửa cắt dầm cầu, khói trắng bốc trên mặt dầm thép, mùi kỳ lạ của thép bị nung chảy lan tỏa mặt sông. Tư Mã Khố ngây ra mà nhìn những tia lửa hồ quang, quên cả chỗ đau ở mông, lửa hàn ăn vào thép như tằm ăn dâu, chỉ một lát, một thanh dầm đã gục xuống, gác chênh chếch trên lớp băng dày.

- Cắt nữa đi! Tư Mã Khố quát to.

Công bằng mà nói, nếu như trước đó tin tức mà họ nhận được là chính xác, thì trận đánh bằng phân và nước tiểu chắc chắn là thắng. Mẹ nói, sau khi thất bại, đội Hổ Lang có mở cuộc điều tra nửa công khai nửa bí mật kéo dài đến nửa năm, thăm dò hàng nghìn người, cuối cùng mới biết đích xác người đầu tiên nhận được cái tin bậy bạ lính Đức không có đầu gối, dính phân là chết, lại chính là Đội trưởng Răng-To, mà người cung cấp tin này lại là Tư Mã Ông, thằng con trai ăn chơi đàng điếm, con của bà mù. Người điều tra lôi Tư Mã Ông ra khỏi chăn của một con điếm, hỏi nguồn tin do ai cung cấp. Hắn nói do Nhất Phẩm Hồng, cô điếm ở Lầu-quên-buôn nói với hắn. Người điều tra hỏi Nhất Phẩm Hồng, cô bảo cô không bao giờ nói như thế. Cô nói, cô đã tiếp tất cả kỹ sư và binh lính Đức trong đội đo đạc, từng bị đầu gối của chúng dằn nát đùi, làm sao có thế cái tin bậy bạ ấy lại từ miệng cô nói ra? Đầu mối đến đây thì bị đứt, các đội viên thoát chết của đội Hổ Lang trở về với nghề cũ của mình, ai đánh cá thì đi đánh cá, ai cày ruộng thì về cày ruộng. Mẹ nói rằng, chồng của dì chúng tôi là Vu-Bàn-Vả khi ấy là một thanh niên cường tráng, tuy không tham gia đội Hổ Lang, nhưng có dự trận đánh phân và nước tiểu, cõng ba vò phân trên cây gậy. Ông kể, khi quân Đức qua cầu, Răng-To bắn về phía chúng một phát hỏa mai, Thượng Quan Đẩu bắn một phát súng săn, rồi dẫn toàn đội rút về Bãi-Cát-Dài. Bọn lính Đức đầu đội mũ đen cắm lông chim năm màu, mình mặc áo màu xanh lục đầy cúc đồng, quần bó ống màu trắng, chân vừa thon vừa dài, khi chạy không co gối, quả nhiên trông như không có đầu gối. Rút đến chân Bãi-Cát-Dài, toàn đội dàn hàng ngang mà chửi, chửi có vần có vè, đều do ông giáo trường tư thục Trần Đằng Giao soạn thảo. Đội Hổ Lang dàn trận chửi, bọn lính Đức nhất loạt quì một chân xuống. Sao bảo bọn Đức không biết quì? Ông chú dượng chúng tôi băn khoăn thầm nghĩ. Mẹ nói, ông chưa hiểu nếp tẻ ra sao, đã thấy những cụm khói trắng tỏa ra từ đầu nòng súng của bọn Đức, tiếp đó là hàng loạt tiếng nổ, vài đội viên của đội Hổ Lang đang chửi bỗng ngã gục, trên người chảy máu. Thấy tình thế bất lọi, Răng-To vội ra lệnh khênh những xác chết về phía sau Bãi-Cát-Dài. Cát lún sâu đến bắp chân, họ đang nghĩ đến chuyện bọn Đức không có đầu gối. Lính Đức rượt theo có thể trông rõ đầu gối to tướng hằn lên trong quần.

Chúng chạy trong cát không vất vả như các đội viên đội Hổ Lang. Các đội viên hoang mang, Răng-To cũng dâm hoảng nhưng nói cứng:

- Đừng sợ, anh em ơi, cát không vùi chúng nó, thì ta đã có chiêu khác!

Đúng khi ấy, bọn Đức vượt được bãi cát, xông vào rừng cây hòe. Cụ tổ nhà mình hô: Giật! Mấy chục đội viên cầm lấy đầu thừng giấu trong cát giật mạnh, những chum lọ đựng cứt đái treo lẫn trong những cụm hoa hòe ào ào trút xuống trên đầu trên người bọn Đức như mua, vài chum buộc không chặt rơi trúng đầu một tên Đức chết tại chỗ. Bọn Đức kêu rầm trời, xách súng bỏ chạy tán loạn. Chú dượng tôi nói, giá như dội Hổ Lang thừa thắng xông lên thì chẳng khác mãnh hổ xông vào đàn dê, tám mươi tên lính Đức chắc chắn không một tên sống sót. Đăng này các ông tướng lại cứ đứng đực ra mà vỗ tay hoan hô, mà cười hể hả, để mặc bọn Đức rút về mé sông. Chúng nhảy ào xuống nước, tắm gội thật sạch cứt đái trên người, rồi nâng súng bắn từng loạt. Một viên đạn xuyên từ miệng ra sau gáy ông Răng-To, ông chết ngay lập tức, không kêu được tiếng nào. Bọn Đức đốt trụi vùng Cao Mật. Viên Thế Khải đem quân đến bắt sống cụ tổ Thượng Quan Đẩu. Để hù dọa mọi người, chúng áp dụng hình phạt cực kỳ thảm khốc đối với cụ tổ dưới cây liễu cổ thụ giữa thôn: đi chân trần trên lưỡi mai nung đỏ. Hôm thi hành án, cả vùng Cao Mật rung động, người đến chứng kiến có cả hàng ngàn, dì chúng tôi cũng có mặt. Dì kể, bọn quan lại cho xếp đá để dặt trên đó mười tám cái lưỡi mai, chất củi ở dưới đốt cho lưỡi mai đỏ lên. Rồi bọn đao phủ dẫn cụ tổ đến, bắt đi trên lưỡi mai đỏ rục bằng chân trần. Bàn chân cụ tổ cháy khét lẹt, khiến dì tôi chóng mặt mấy ngày liền. Dì tôi kể rằng, Thượng Quan Đẩu không hổ danh là thợ rèn, xương đồng da sắt, hình phạt thảm khốc như vậy, tuy có khóc, có gào, nhưng tuyệt nhiên không một lời van xin. Cụ đi lại hai lượt trên lưỡi mai, đôi bàn chân không còn ra hình thù gì nữa... Sau đó, bọn quan lại giết chết cụ tổ, chặt lấy đầu đem đi triển lãm tại thủ phủ Tế Nam.

- Đại ca, hòm hòm rồi đấy - Anh đội viên hứa sẽ dùng mỡ con hoan chữa bỏng cho Tư Mã Khố, bảo với Tư Mã Khố như vậy - chuyến tầu trước lúc trời sáng sắp đến rồi.

Dưới chân cầu đã có hàng chục thanh sắt nằm ngổn ngang, tia lửa tràng xanh vẫn đang hoạt động phía trên.

- Mẹ kiếp! - Tư Mã Khố nói - Chúng tưởng bở! Cậu có đảm bảo cầu sẽ gục không?

- Đại ca, cắt nữa thì tầu chưa đến, cầu đã gục!

- Vậy thì thôi, kỹ sư Khương, kỹ sư Khương, xuống đi! - Tư Mã Khố nói to - Các cậu đỡ hai hảo hán này xuống, thưởng cho mỗi người một chai rượu!