Báu vật của đời - Chương 03 - Phần 08 - 01

8
Ngày đầu tiên khi rút lui, dân chúng mười tám thôn trấn vùng Cao Mật dắt ngựa ôm gà, dìu già dắt trẻ, tập trung ở bãi đất phèn ở bờ bắc sông Thuồng Luồng. Mặt đất phủ một lớp vảy như những mảnh băng chưa tan. Những loại cây cỏ chịu được mặn như cỏ lác, cỏ mao, cây sậy thì cành lá khô héo, lắc lư trong gió lạnh. Những con quạ thích ồn ào sà thấp trên đầu mọi người mà nhòm ngó, thậm chí còn kêu vang quạ quạ như những thi sĩ lãng mạn.

Bị giáng chúc làm phó huyện trưởng, Lỗ Lập Nhân đứng trên bệ tế ở đầu nấm mộ của vị cử nhân Đan Đình đời Tiền Thanh, gân cổ ra mà gào bài phát biểu có tính động viên cho cuộc rút lui. Chủ đề diễn thuyết của anh ta là: Mùa đông năm nay đã bắt đầu, vùng Cao Mật trở thành chiến trường, không sơ tán đi nơi khác thì cầm chắc cái chết? Lũ quạ đậu kín những cây tùng, đậu trên các mộ, trên người đá ngựa đá. Chúng quà, chúng quạ ầm ĩ, phá đám cuộc diễn thuyết của Lỗ Lập Nhân, khiến dân chúng càng kinh hoảng, góp phần tăng thêm quyết tâm cùng chính quyền huyện, khu rút chạy.

Một tiếng súng nổ vang, cuộc rút chạy bắt đầu. Đám người đông như kiến ồn ào tản ra. Thế là lừa kêu ngựa hí, gà bay chó chạy, bà già khóc mếu, trẻ con kêu gào: Một thanh niên nhanh nhẹn tay cầm cờ đỏ, cưỡi ngựa trắng, chạy ngược chạy xuôi trên con đường đất phèn kéo dài vô tận về phía dông bắc, chốc chốc lại phất ngọn cờ chỉ hướng cho dòng người tiến lên. Đi đầu là đơn vị gồm hơn chục con la chở hồ sơ giấy má của huyện phủ, dưới sự điều khiển của hơn chục chú lính, uể oải cất bước. Cuối đoàn la là những con lạc đà còn lại từ thời Tư Mã Khố, với bộ lông dài bẩn thỉu màu vàng xỉn, thồ hai hòm sắt tây. ở vùng Cao Mật đã lâu, nó đang từ lạc đà biến thành trâu. Đi liền sau lạc đà, là đội dân phu khênh cỗ máy in của huyện và một số máy móc của xưởng sửa chữa cơ khí huyện. Hơn chục dân phu, đều là đàn ông, quần áo đều mỏng, trên vai mỗi người đều có tấm đệm vai hình lá sen. Qua bước chân loạng choạng và cái dáng mắm môi mắm lợi của họ, thì biết máy móc rất nặng.

Sau đội dân công, là đội ngũ tạp nham của dân chúng. Đám cán bộ huyện, khu như Lỗ Lập Nhân và Phán Đệ thì cưỡi lừa hoặc ngựa chạy lên chạy xuống trên những vạt đất phèn, cố duy trì tình trạng có trật tự. Nhưng mặt đường quá hẹp, quá chật chội, mà hai bên đường thì lại rộng rãi bằng phẳng, dân chúng bèn bỏ con đường, mở rộng đội hình theo hàng ngang dẫm lép bép trên những vảy đất đi về hướng đông bắc. Ban đầu là một cuộc rút lui, nhưng nhanh chóng biến thành một cuộc tháo chạy vô cùng lộn xộn.

Cả nhà tôi bị kẹt trong dòng người đông đặc, lúc thì đi trên đường, về sau cùng không rõ là đang đi trên đường hay đi dưới ruộng. Mẹ đeo bao đay trước ngực, đẩy chiếc xe cút kít bánh gỗ hai càng cách nhau khá xa, mẹ phải đang rộng tay hết cỡ. Hai chiếc sọt hình hộp buộc hai bên xe, sọt bên trái là Lỗ Thắng Lợi và chăn gối, quần áo của cả nhà, sọt bên phải là Câm anh và Câm em. Tôi và Sa Tảo Hoa mỗi người một bên, vịn vào sọt mà đi cùng xe. Chị Tám mù thì bám vạt áo mẹ, lếch thếch đi cuối cùng. Chị Lai Đệ lúc tỉnh lúc lú thì đi trước xe, vai khoác dây, lưng gập lại, cổ ươn ra như kiếp trâu kéo. Chiếc xe rít kin kít chói tai, mẹ và chị Cả thở như kéo bễ, bàn chân nhỏ khiến chị và mẹ cực kỳ vất vả. Ba đứa trẻ trên xe đầu ngất ngưỡng, quay hết bên nọ đến bên kia xem cảnh huyên náo. Chúng tôi dẫm chân lên đất phèn lạo xạo, mũi ngửi mùi mặn của muối, lúc đầu rất thú, nhưng đi được vài dặm thì đầu váng mắt hoa, chân tay bủn rún, mồ hôi ướt đầm trong nách. Con dê trắng khỏe mạnh như lừa của tôi ngoan ngoãn theo sau, nó rất hiểu ý người, không cần dùng đến thừng chạc. Hôm ấy có gió bấc nhẹ nhưng buốt như cắt tai. Trên cánh đồng mênh mông cuộn lên những làn bụi trắng. Đó là hỗn hợp của muối, phèn và kiềm. Vào mắt, mắt chảy nước, vào da, da đau rát, ăn vào miệng thì chẳng ngon lành gì? Mọi người ngược gió mà đi, mắt nhíu lại. Những dân phu khiêng máy người ướt đẫm quần áo, nhất loạt biến thành người trắng. Mẹ cũng đã thành người trắng, lông mi lông mày trắng toát, tóc cũng trắng.

Khi tiến vào vùng trũng và ẩm ướt, bánh xe chuyển động khó khăn. Chị Cả phía trước đánh vật với con đường, sợi dây kéo hằn sâu vào thịt. Không trông thấy mặt chị, chỉ nhìn thấy lưng áo mồ hôi từng mảng. Tiếng thở của chị khiến người ta phát hoảng. Còn mẹ thì sao? Nói rằng đẩy xe, thực ra mẹ chẳng khác Chúa Giêsu chịu cực hình.

Cặp mắt u buồn của mẹ đẫm nước mắt. Nước mắt trộn mồ hôi chảy từng vệt dài trên mặt mẹ. Chị Tám đeo sau mẹ như một cái bị. Chúng tôi để lại phía sau vết hằn rất sâu của bánh xe, nhưng nó lại bị xóa hoặc mờ đi bởi những bánh xe, chân người và gia súc của những toán đi sau. Phía trước, phía sau, bên phải, bên trái chúng tôi đều là những người tị nạn. Những khuôn mặt quen và không quen đều trở nên mơ hồ. Tất cả đều vất vả, người vất vả ngựa vất vả, lừa vất vả. Tương đối dễ chịu là con gà mái trong bọc bà lão, và con dê của tôi. Nó nhanh nhẹn, trên đường đi nó tranh thủ ăn được một ít lá khô.

Mặt trời rọi những tia nắng xuống mặt đất nhiễm phèn, ánh phản quang làm lóa mắt, làn sáng trắng đi động trên mặt đất từng mảng màu bạc. Cánh đồng hoang mênh mông làm cho phía trước giống như biển bắc trong truyền thuyết.

Đến trưa, y như bệnh hay lây, mọi người không ai bảo ai mà cũng chẳng hiệu lệnh nào cả, nhất loạt ngồi xuống nghỉ. Không có nước, cổ họng khô bỏng, lưỡi rát như bị dao cứa, đưa đẩy trong miệng rất khó khăn. Mũi phả hơi nóng nhưng lưng và bụng thì lạnh toát, gió thổi khô mồ hôi, quấn áo cứng như tôn lá. Mẹ ngồi trên một càng xe, lấy trong sọt một cái bánh bột ngô, bẻ đôi chia cho chúng tôi. Chị Cả cắn một miếng, đôi môi khô nẻ của chị tóe máu, vài giọt thấm vào bánh. Ba sinh vật nhỏ trên xe mặt mày xanh tái chẳng khác lũ quỉ trong đền, chẳng còn ra hình người. Chúng không chịu ăn, cau có. Chị Tám nhe hàm răng trắng, đều dặn, nhấm từng tí một chiếc bánh khô cứng.

Mẹ thở dài, nói:

- Đây là những chủ trương tốt đẹp của các ông bố bà mẹ yêu quí của các cháu?

Sa Tảo Hoa sụt sịt:

- Ngoại ơi, mình về nhà đi! Mẹ nhìn đoàn người đông như kiến cỏ mà thở dài, không nói gì. Mẹ bảo tôi:

- Kim Đồng, từ nay phải thay đổi cách ăn.

Mẹ lấy trong bọc ra chiếc bình gốm có in ngôi sao năm cánh đi đến phía sau con dê, dùng tay phủi sạch cát bụi trên vú nó. Con dê không chịu, mẹ bảo tôi ôm lấy đầu nó. Tôi ôm lấy cái đầu lạnh như đá của nó, xem mẹ vắt sữa. Sữa rỏ tưng giọt vào bình. Con dê chắc là không thoải mái, nó đã quen với việc cho tôi nằm ngửa dưới bầu vú nó mà bú. Cái đầu nó lắc lắc trong tay tôi, lưng nó cong lên, cựa quậy như con rắn. Mẹ nhắc lại câu nói mà tôi rất sợ:

- Kim Đồng, khi nào thì con có thể ăn cơm?

Những năm tháng qua tôi đã từng ăn thử, nhưng dù tôi ăn những thức ngon đến mấy, dạ dày tôi vẫn không chịu, ăn vào là nôn ọe, nôn ra mật xanh mật vàng. Tôi xấu hổ nhìn mẹ, tự kiểm điểm nghiêm khắc bản thân, vì cái tật này mà thêm biết bao phiền toái cho mẹ, đồng thời cho tôi. Tư Mã Lương đã từng hứa chữa khỏi tật này cho tôi, nhưng từ khi nó bỏ trốn, tôi không gặp lại nó. Bộ mặt láu cá và đáng yêu của nó ẩn hiện trước mặt tôi. Lổ đạn có vết gỉ đồng xanh trên trán Tư Mã Thượng và Tư Mã Hoàng phát ra những tia đáng sợ. Tôi nhớ lại khung cảnh hai đứa nằm chung trong một quan tài nhỏ bằng gỗ liễu. Mẹ lấy miếng giấy hồng điều dán vào lỗ đạn, biến vết đạn thành nốt ruồi trang điểm của người.

Mẹ đã vắt được nửa bình sữa, đứng dậy tìm cái chai mà ngày trước cô Đường cho Sa Tảo Hoa bú, mở nút, đổ sữa vào chai. Mẹ đưa chai sữa cho tôi. Để khỏi phụ lòng mong mỏi của mẹ, vì tự do và hạnh phúc của tôi, tôi kiên quyết nhét đầu vú cao su màu vàng nhạt vào miệng. Chiếc đầu vú cao su không súc sống làm sao sánh được bầu vú màu phấn hồng đẹp tuyệt của mẹ tôi, đó là sự yêu thương, là thơ ca, là bầu trời cao vời vợi, là mảnh đất thuần hậu dập dềnh sóng lúa; cũng không sánh được bầu vú to tướng, căng phồng, đầy những vết tàn nhang của con dê. Bầu vú cao su là một vật chết, tuy bóng loáng nhưng không mịn màng. Cái đáng sợ nhất là nó là không mùi vị. Một cảm giác lạnh tanh và lờm lợm trong miệng. Vì mẹ và vì bản thân, tôi cố nén cảm giác ngán ngẩm, cắn nó một cái, nó hăng hái rít lên một tiếng khe khẽ, một ít sữa mằn mặn rỉ ra một cách khó khăn thấm trên khoang miệng và đầu lưỡi tôi. Tôi lại ti một ngụm nữa. Tôi nhủ thầm: ngụm này cho mẹ, ngụm này cho Kim Đồng. Tôi tiếp tục ti, vì Lai Đệ này, vì Lãnh Đệ này, vì Tưởng Đệ này, vì tất cả những người trong nhà Thượng Quan đã yêu tôi, đã thương tôi, đã giúp đỡ tôi vì Tư Mã Lương, thằng nhỏ thông minh nhanh này, cũng có quan hệ máu mủ gì với nhà Thượng Quan chúng tôi. Tôi nín thở, dùng công cụ đưa chất nuôi sống vào cơ thể. Khi tôi đưa trả mẹ cái chai, nước mắt ràn rụa trên mặt mẹ. Chị Lai Đệ cười sung sướng. Sa Tảo Hoa nói:

- Cậu lớn rồi!

Tôi cố gắng kiềm chế cảm giác buồn nôn và cái đau âm ỉ ở dạ dày, coi như không có chuyện gì xảy ra, tiến lên vài bước như một trang tu mi nam tử và đứng đái theo chiều gió, và hứng lên, tôi bơm chất nước màu vàng đó đi thật xa. Tôi trông thấy con đê: trên sông Thuồng Luồng nằm vắt ngang, cái nóc nhọn của nhà thờ và cây bạch dương chọc trời của nhà Tư Phạm. Chúng tôi vất vả cả một buổi sáng, vậy mà chỉ mới đi được một đoạn đường ngắn đến thảm hại.

Bị giáng xuống làm Chủ nhiệm Hội phụ nữ cứu quốc khu, chị Phán Đệ cưỡi con ngựa chột mắt trái, trên mông phải có đóng đấu bằng chữ số ả rập, từ phía tây đi đến. Con ngựa của chị vẹo cổ một cách quái gở, vụng về cất bước với những bộ vó lóng ngóng phát ra những tiếng lạch cạch, khập khiễng đi lại chỗ chúng tôi. Nó là con ngựa ô đực, sau khi bị thiến, nó trở thành con ngựa thái giám, giọng the thé, tính tình quái đản. Bốn chân và cái bụng của nó dính một lớp đất phèn màu trắng, yên cương thấm đẫm mồ hôi bốc lên mùi chua loét. Trong một thời gian dài, con ngựa rất nhu mì, nhu mì đến nỗi bọn trẻ tinh nghịch có thể vặt lông đuôi của nó. Nhưng một khi nó đã nổi máu thì có thể làm những chuyện động trời.

Mùa hè năm ngoái, khi ấy là thời đại của Tư Mã Khố, nó cắn một miếng vào đầu Phùng Lan Chi, con gái ông lái ngựa Phùng Quí, cô bé đã tưởng không sống được, trán và sau gáy để lại những vết sẹo khủng khiếp. Loại ngựa như vậy lẽ ra phải giết quách, nhưng nghe nói nó từng lập chiến công nên ân xá. Nó đứng trước cỗ xe nhà tôi, giương con mắt độc nhỡn nhìn con dê của tôi. Con dê của tôi cảnh giác lùi lại chỗ có đất phèn dày nhất, liếm những phấn trắng trên mặt đất. Chị Phán Đệ vẫn tỏ ra nhanh nhẹn dù rằng cái bụng của chị đã lùm lùm. Chị xuống ngựa. Tôi nhìn bụng chị, đoán thử hình dáng đứa trẻ trong đó, nhưng không đoán nổi, chỉ nhìn thấy những vết ố trên bộ quân phục màu xám của chị.

- Không nên dừng lại ở đây. Mẹ ơi, chúng con đã chuẩn bị nước nóng, cơm trưa ở thôn trước mặt, ta phải đến đó - Phán Đệ nói.

Mẹ nói:

- Phán Đệ, mẹ bảo này, mẹ không muốn rút với các con nữa!

Phán Đệ cuống quít lên:

- Mẹ, dứt khoát không được, quân địch trở lại lần này hoàn toàn khác với những lần trước, một ngày giết bảy ngàn người ở khu vực Bột Hải. Bọn Hoàn Hương Đoàn hiếu sát, giết cả mẹ đẻ.

Mẹ nói:

- Tao không tin lại có người giết cả mẹ đẻ.

Chị Phán Đệ nói:

- Mẹ, dù thế nào chăng nữa cũng không thể để mẹ quay lại, quay lại là tự đâm đầu vào lưới, chắc chắn là chết! Mẹ không lo cho mẹ thì thôi, nhưng phải nghĩ đến những đứa này chứ?

Chị lấy trong xắc cốt cái lọ nhỏ mở nút đổ ra mấy viên thuốc màu trắng đưa cho mẹ, nói:

- Đây là vitamin, một viên bằng một cây cải bẹ và hai quả trứng, mẹ, khi nào mệt mỏi chịu không nổi thì mẹ uống một viên, chia cho bọn trẻ một viên. Ra khỏi vùng đất phèn là đường dễ đi, bà con Bắc Hải sẽ nhiệt tình đón tiếp chúng ta. Mẹ, đi ngay đi, đừng ngồi ở đây nữa!

Chị túm lấy bờm ngựa, lồng chân vào bàn đạp nhảy lên yên vội vã chạy đi, vừa chạy vừa nói to:

- Bà con ơi, dậy mà đi, trước mặt là Vương Gia Khưu, có nước nóng có dầu mỡ, có củ cải có hành tây, chuẩn bị sẵn cả rồi!...

Được khuyến khích, mọi người đứng dậy, tiếp tục cuộc hành trình.

Mẹ lấy khăn tay gói mấy viên thuốc chị Phán Đệ cho, bỏ vào túi, rồi vớ lấy hai càng xe:

- Nào, ta đi các con.

Đội quân rút lui ngày càng dài ra, nhìn trước không thấy đầu, nhìn sau không thấy cuối. Chúng tôi đã tới Vương Gia Khưu. Vương Gia Khưu không có nước nóng cũng không có dầu, càng không có củ cải hành tây! Đội la của huyện đã rời đây trước khi chúng tôi đến, cỏ khô và phân la vung vãi là vết tích của họ để lại. Dân chúng đốt đống lửa ở giữa sân để nướng lương khô. Mấy đứa con trai dùng cành cây đào hành dại ở ngoài đồng. Khi chúng tôi rời Vương Gia Khưu thì bắt gặp Thằng Câm dẫn hơn chục đội viên đi vào. Hắn không xuống ngựa, móc trong túi hai củ khoai lang chín dở và một củ cải đỏ ném vào sọt trên xe, suýt bươu đầu Thằng Câm em.

Tôi đặc biệt chú ý cái cười nhe cả lợi của hắn với chị Cả, cái cười của sài lang hổ báo? Gì thì chị Cả từng đính hôn với hắn. Những người có mặt không bao giờ quên màn trình diễn kinh hồn giữa hắn với chị bên bờ đầm. Các đội viên đều đeo súng tiểu liên, Thằng Câm đeo lủng lẳng trước ngực bốn quả địa lôi đen bóng.

Khi mặt trời gác núi, chúng tôi kéo theo cái bóng dài lê thê, lần tới một thôn nhỏ. Trong sân tiếng người ồn ào tất cả các ống khói của các gia đình đều tuôn khói trắng. Nhân dân nằm đầy đương, ngổn ngang như củi. Một số cán bộ mặc quần áo xám len lỏi giữa đám đông. Bên giếng nước đầu thôn, người xếp hàng dài chờ lấy nước, người len vào đã đành, súc vật cũng len vào. Mùi nước giếng trong lành khiến mọi người phấn chấn, con dê của tôi cũng hếch mũi lên, hắt hơi rõ to. Chị Lai Đệ cầm cái bát rạn vừng men xanh, nghe nói cái bát này là đồ cổ có giá len vào lấy nước. Mấy bận đã tưởng chị len vào được lại bị người ta dẩy bật ra. Một dân phu làm cấp dưỡng cho huyện nhận ra chúng tôi, bèn xách đến một thùng nước. Sa Tảo Hoa và chị Cả là những người đầu tiên chạy tới quì xuống vục đầu vào trong thùng uống nước, vội đến nỗi cụng đầu vào nhau. Mẹ không bằng lòng, trách chị Cả:

- Cho bọn nhỏ uống trước chứ!

Chị Cả sững lại, Sa Tảo Hoa đã uống ừng ực như con bê, chỉ khác con bê ở chỗ hai tay bám lấy mép thùng.

- Thôi cháu, uống ít thôi kẻo đau bụng - Mẹ khuyên, nắm vai nó đẩy ra.

Nó liếm môi như vẫn còn thèm, nước reo ùng ục trong bụng nó. Chị Cả uống một trận, lúc đứng lên, bụng chị lớn hơn nhiều. Mẹ múc nước bằng bát cho Câm anh, Câm em và Sa Tảo Hoa uống. Sau đó là chị Tám, chị đánh hơi lần đến chỗ thùng nước, quì xuống, vục đầu mà uống. Mẹ hỏi:

- Kim Đồng, con có uống không?

Tôi lắc đầu. Mẹ múc một bát nước. Tôi thả con dê, nó rất muốn xông tới, nhưng bị tôi ôm chặt cổ. Con dê của tôi khát nước là đúng vì nó ăn rất nhiều đất phèn, nó cắm đầu uống, nước trong thùng cạn rất nhanh, bụng nó thì phình dần lên. Ông già cấp dưỡng vô cùng cảm khái, nhưng ông chỉ thở dài không nói gì. Mẹ cảm ơn ông ta, ông thở dài càng dữ.

- Mẹ, sao mẹ đến muộn thế? Chị Phán Đệ phê bình mẹ.

Mẹ không giải thích. Chúng tôi đẩy xe, dắt dê đi theo chị, quanh co luồn lách giữa đám đông, nghe đủ những lời nguyền rủa và oán trách, cuối cùng vào trong một cái sân có tường vây bằng đất, cổng gỗ. Phán Đệ giúp mẹ bế mấy đứa trẻ ra khỏi sọt. Chị định đưa cái xe và con dê ra ngoài, nơi có mười mấy con lừa và ngựa, rơm cỏ chẳng có, thức ăn thì không, lũ lừa ngựa đành gặm vỏ cây. Chúng tôi để xe trong ngõ, con dê theo tôi vào trong sân. Phán Đệ nhìn tôi không nói gì, chị biết con dê là nguồn sống của tôi.

Gian giữa ánh đèn sáng trưng, một bóng người to lớn dưới ánh đèn. Các cán bộ huyện đang tranh cãi điều gì đó, trong đó có tiếng khàn khàn của Lỗ Lập Nhân. Ngoài sân, mấy chú lính bồng súng đứng gác, không chú nào đứng thẳng vì chân bị đau. Trời đầy sao, màn đêm nặng trĩu. Phán Đệ dẫn chúng tôi vào một gian chái, trên tường treo ngọn đèn leo lét. Một bà già nằm ngay ngắn trong chiếc quan tài mở nắp, thấy chúng tôi vào, bà mở mắt bảo:

- Làm ơn đậy nắp lại hộ tôi, tôi phải chiếm cái nhà này của tôi!

Mẹ nói:

- Bà ơi, sao bà lại làm vậy?

Bà già nói:

- Hôm nay là ngày lành tháng tốt của tôi, làm ơn đậy cái nắp lên hộ tôi một tí.

Phán Đệ nói:

- Phiên phiến thôi mẹ, so với ngủ ngoài đường còn tốt chán!

Đêm ấy chúng tôi ngủ không ngon giấc. Cuộc tranh cãi ngoài gian giữa đến nửa đêm mới chấm dứt. Tranh cãi vừa dứt thì ngoài đường có tiếng súng nổ, cảnh nhốn nháo vừa tạm yên thì giữa thôn có đám cháy, ngọn lửa phần phật như những dải lụa đỏ, soi rõ mặt mọi người, soi rõ cả khuôn mặt bà già nằm trong quan tài. Lúc trời sáng, bà già không động cựa gì cả, mẹ gọi, bà không mở mắt, bắt mạch thì thấy bà lão đã chết. Mẹ nói:

- Số như vậy là số tiên!

Mẹ và chị Cả đậy nắp quan tài cho bà lão.

Mấy ngày tiếp theo lại càng gian khổ. Khi tới chân núi Đại Trạch, mẹ và chị Cả đã phồng rộp cả hai bàn chân. Câm anh và Câm em đều bị ho. Lỗ Thắng Lợi bị sốt và đi ỉa chảy. Mẹ nhớ tới mấy viên thuốc của chị Năm, liền nhét một viên vào miệng nó. Chỉ có chị Tám tội nghiệp là chẳng ốm đau gì. Đã hai ngày nay chúng tôi không trông thấy bóng dáng của chị Phán Đệ. Cán bộ huyện, khu cũng không thấy một ai. Một bận trông thấy Thằng Câm, hắn cõng một đội viên bị thương từ phía sau chạy lên. Người đó gãy cả hai chân, máu rỏ giọt xuống đường qua hai ống quần rỗng, khóc mếu nài nỉ Thằng Câm:

- Đội trưởng giúp tôi một tí cho thanh thản, đau chết mất, mẹ ơi!

Khoảng ngày thứ năm kể từ khi chạy nạn, chúng tôi trông thấy dãy núi lớn phía bắc, trên núi có những lùm cây, đỉnh núi hình như có một cái miếu nhỏ. Từ con đê Thuồng Luồng sau nhà, vào những hôm đẹp trời, tôi có thể nhìn thấy quả núi này, nhưng khi đó nó có màu xanh đen. Ngọn núi đã ở trước mặt, hình thế của núi, khí hậu mát mẻ của núi khiến chúng tôi hiểu rằng mình đã rời quê rất xa. Chúng tôi đi trên con đường rải đá rất rộng, trúc mặt có một chi đội người ngựa đi ngược chiều, các binh sĩ ăn mặc như binh sĩ của trung đoàn 17. Bộ đội đi ngược chiều chứng tỏ ở quê chúng tôi đã trở thành chiến trường. Sau đội kỵ mã là bộ binh, sau bộ binh là những con la kéo pháo, đầu nòng cắm một bó hoa, các pháo thủ vênh váo ngồi trên nòng pháo. Sau pháo là đội cứu thương. Sau đội cứu thương là những xe nhỏ xếp hàng hai, trên xe là những bao bột mì hoặc bao gạo, ngoài ra còn có một số bao cỏ.

Những người dân tị nạn vùng Cao Mật sợ hãi đứng nép hai bên nhường đường cho đại quân. Trong đoàn bộ binh, có mấy người đeo súng pạc-hoọc tách ra khỏi đội ngũ, đến hỏi thăm tình hình trong đám dân tị nạn. Anh thợ cắt tóc Vương Siêu đẩy cỗ xe bánh cao su rất thời thượng, dọc đường đã trải qua ung dung, nhưng đến đoạn đường này thì anh ta gặp vận xui. Một chiếc xe trong đội vận chuyển Lương thảo bị gãy trục, người đàn ông đẩy xe tuổi trung niên lật nghiêng xe, tháo cái trục ra ngắm nghía mãi, hai bàn tay đen sì dầu mỡ. Làm bò kéo xe là một thiếu niên khoảng mười lăm tuổi trên đầu có cái nhọt mạch lươn, hai khóe mép lở loét, mình mặc chiếc áo cộc không có cúc, thắt lưng băng sợi dây thừng.

Chú hỏi:

- Sao vậy, bố?

Thì ra đó là hai bố con. Người bố mặt mày rầu rĩ, nói:

- Trục gãy rồi, con ạ!

Hai cha con hè nhau lôi cái bánh xe nặng chịch ra.

- Bố ơi làm thế nào bây giờ - chú hỏi.

Người bố ra chỗ cây bạch dương bên đường, chùi tay vào vỏ cây:

- Chẳng còn cách nào? Lúc này, một người đeo tiểu liên, cụt một tay, mặc quân phục mỏng đã cũ nhưng trên đầu lại đội một chiếc mũ da chó, người nghiêng nghiêng đi tới.

- Vương Kim, Vương Kim! - Người cụt tay giận dữ quát - sao tụt lại đằng sau hả? Có phải anh định làm mất mặt đại đội gang thép của chúng tôi?

- Thưa chỉ đạo viên - Vương Kim nhăn nhó - Xe tôi gãy trục rồi?...

Chỉ đạo viên cụt tay giận điên lên:

- Đ. mẹ, không gãy vào lúc khác mà lại nhằm vào lúc ra mặt trận? Đã bảo anh phải kiểm tra xe cho kỹ?

Chỉ đạo viên cụt tay càng nói càng cáu, khuôn mặt xám ngoét của anh ta khiến tôi lại nhớ tới Sạ nguyệt Lượng. Anh ta giơ cánh tay đặc biệt phát triển đánh Vương Kim một bạt tai. Vương Kim ối lên một tiếng, gục đầu xuống, máu chảy ra từ hai lỗ mũi.

- Ông là ai mà đánh bố tôi? - Chú bé chất vấn chỉ đạo viên. Chỉ đạo viên nói.

- Sao, không chịu hả? Giao Lương không đúng kỳ hạn thì tao bắn chết cả hai bố con!

Chú thiếu niên nói:

- Ai muốn gãy trục xe làm gì? Nhà cháu nghèo, chiếc xe này cháu mượn của cô cháu.