Báu vật của đời - Chương 04 - Phần 01 - 02

Về chuyện Trương Thiên Tứ gọi hồn, đối với tôi, nó như một cái xương cá mắc trong họng, chừng nào chưa lấy ra thì tôi còn khó chịu. Đó là một buổi trưa gió rét căm căm, con trai của người khách thương Quan Đông thuê một cỗ xe ngựa và bốn người khỏe mạnh, chở thi thể bố anh ta từ thôn Ngải Khưu đến thôn tôi, hỏi thăm nhà Trương Thiên Tứ. Lúc đó, tôi cùng Tư Mã Lương đang chơi đùa trên phố. Tư Mã Lương dẫn đường cho họ. Ngôi nhà của Trương Thiên Tứ tọa lạc ở góc tây nam của thôn, tách hắn với những nhà khác. Tường vây rất cao, cổng đóng im ỉm, cánh cổng dán hai đạo bùa vẽ trên giấy vàng. Tư Mã Lương trỏ cái cổng cho con trai người khách thương rồi né sang một bên. Con trai người khách thương móc túi lấy ra một tờ giấy bạc nhét vào tay Tư Mã Lương rồi bước tới trước cổng, chần chừ một thoáng, cuối cùng cầm lấy cái vòng đập vào cánh cổng. Đập lần thứ hai, cánh cổng hé mở, ló ra khuôn mặt Trương Thiên Tứ bôi đầy chu sa.

- Đến rồi hả? - Ông ta hỏi.

Con trai người khách thương mặc chiếc áo dài cổ lông chồn, hất đầu về phía cỗ xe ngựa, không trả lời. Trương Thiên Tứ chìa tay ra, nói:

- Đưa đây!

Con trai người khách thương lôi trong bọc ra một gói giấy, nói:

- Đây là tiền đặt cọc. Nếu ông đưa đến ngày mồng Bốn tháng Chạp thì tôi thưởng cho ông thêm một khoản nữa, khoản này là...

Trương Thiên Tứ nói:

- Không phải khoan kim cương thì khoan sao nổi vật rắn! Ông yên tâm đi, chuẩn bị ngày mồng Bốn tháng Chạp đón hỉ thần!

Con trai người khách thương nói:

- Nếu lỡ hẹn...

Trương Thiên Tứ nói:

- Lỡ hẹn thì tôi không lấy một xu.

Con trai người khách thương nói:

- Nếu như thiếu chân thiếu tay thì...

Trương Thiên Tứ nói:

- Thiếu gì trên người ông già thì cứ xẻo lấy trên người tôi mà bù vào?

Con trai người khách thương nói:

- Tôi vẫn cứ phấp phỏng thế nào ấy, từ đây đến quê tôi chí ít cũng nghìn dặm, trèo đèo vượt suối, qua sông qua đò...

Trương Thiên Tứ nói:

- Ông có gọi hồn hay không thì bảo? Không gọi nữa thì cuốn xéo! Đạo Hoạt nạn chúng tôi ba nghìn thầy trò, gọi hồn khắp cái đất nước Trung Quốc này chưa hề sai sót điều gì?

Con trai người khách thương nói:

- Xin ông đừng nóng, sao tôi lại không tin ông. Không tin ông thì tôi chở đến đây làm gì?

- Thôi được, thỏa thuận như vậy nhé, ngày mồng Bốn tháng Chạp tôi bày cơm rượu đón hỉ thần, anh em, khênh vào đi!

Bốn người đàn ông mặc áo chẽn, thận trọng chuyển cái xác sang một cái cáng tạm bợ. Xác chết to bằng con trâu, bụng bằng cái chum đựng nước, đầu hói quá nửa, trên mặt đậy tờ giấy vàng. Ông ta dễ nặng đến hai tạ, khi còn sống chắc là đi đứng khá vất vả, nay chết rồi thì làm sao vượt hàng nghìn dặm để về quê ở Quan Đông? Nhân tiện xin nói thêm, vùng đông bắc Cao Mật, kề một bên thôn lớn thuộc châu Bình Độ, đó là thôn Ngải Khưu. Bắt đầu từ đời Minh, họ sáng tác tranh niên họa vẽ trên giấy điệp, bán khắp ba tỉnh Quan Đông.

Hàng năm cứ vào đầu mùa đông, các lái tranh vùng đông bắc đều về đây trong khi đợi lấy hàng thì uống rượu chơi gái vì họ rất nhiều tiền. Thôi, không nói dông dài nữa. Cái xác của ông chủ thương nặng trĩu bên phải, hai người khiêng bên phải mồ hôi đầm đìa, hai người khiêng bên trái thì lại tương đối nhẹ nhàng. Đây chính là hiện tượng người chết nặng một bên. Bốn trai tráng khênh cáng vào trong cổng liền đặt xuống theo lệnh của Trương Thiên Tứ, đặt trên một chiếc chiếu cói đã chuẩn bị sẵn. Trương Thiên Tứ không lịch sự gì cả, nói luôn:

- Các vị ra ngay để tôi tiếp linh khí.

Con trai người khách thương còn định nói gì nữa, nhưng Trương Thiên Tứ đẩy tất cả ra ngoài cổng rồi đóng sập cổng lại. Bốn trai tráng như bị trúng tà khí, đứng ngây ra như phỗng. Con trai người khách thương rút tiền trả bốn người. Anh ta lại bước tới bên cổng ghé mắt nhìn vào trong. Không nhìn thấy gì, vì cổng nhà Trương Thiên Tứ không một kẽ hở. Lại áp tai vào cánh cổng nghe động tĩnh, nhưng bên trong im ắng như nghĩa địa. Tường vây xây bằng gạch cao hơn mái nhà, trên tường chăng dây thép gai, ngôi nhà của Trương Thiên Tứ khiến người ta kính nể, ngay cả Lỗ Lập Nhân và chị Phán Đệ khi phát động phong trào Bần Nông Đoàn cũng không dám vào nhà, mặc dù rất biết mức sinh hoạt của Trương Thiên Tứ hơn hẳn trung nông. Nhân vật bự thích nghịch nghiên mực từng tặng Bần Nông Đoàn một câu như sau: Đấu một trung nông hơn đập chết mười con thỏ đồng. Con trai người khách thương không biết làm thế nào, đành phải ra về cùng với bốn trai tráng. Mười mấy đứa trẻ chúng tôi nhìn những phù chú quái gở trên cánh cổng mà rợn tóc gáy, lặng lẽ rút lui. Không biết ai đã kêu lên: Ma đấy? Thế là chúng tôi co giò chạy, để đối phó với quỉ nhập tràng, chúng tôi chạy thẳng vào gốc cây cổ thụ, sắp chạm gốc thì rẽ đột ngột. Chạy ngay sau lưng tôi là Tư Mã Lương né không kịp, vêu cả môi lên khi dập vào gốc cây liễu.

Cái hôm Trương Thiên Tứ dẫn người chết ra đi, người trong thôn đã đến đợi sẵn ngoài cổng. Trời chưa sáng hẳn, vầng trăng tròn vành vạnh vẫn chưa lặn, chân trời phía đông lảng vảng mấy đám mây mỏng màu hồng, mặt trời chua mọc. Chúng tôi đứng im, cố nén cả tiếng hắt hơi. Không có gió, chỉ có hơi lạnh thấu quang, người khác thì tôi không rõ, riêng tôi run cầm cập. Phía đầm xa xa là màu kim nhũ. Mấy con ngỗng trời vươn cổ cong cong trên băng mỏng rúc mỏ vào trong cánh. Khói trắng cuồn cuộn trên ống khói nhà Trương Thiên Tứ, từng đám tàn giấy theo khói bay lên cao, một mùi lạ khiến người lộn mửa tỏa ra khắp nơi. Rồi lửa tắt, khói trắng cũng không bốc lên nữa, trong sân sáng mờ mờ, không một tiếng động, có thể nghe rõ tiếng đánh rắm của con ngỗng trời ngoài đầm. Cái mùi lạ càng đậm đặc khiến người ta phải lấy tay áo bịt mũi. Đợi rất lâu, cuối cùng cánh cổng mở ra, kẹt lên một tiếng như tiếng xé vải. Trương Thiên Tứ mình mặc áo chẽn màu đen, phía dưới mặc quần hẹp ống cũng màu đen, chân đi giày gai, đầu đội mũ dạ đen giống như cái nón, bước ra cổng. Ông ta khoác trên tay trái một chiếc làn, tay phải xách chiếc đèn lồng phết bằng giấy bồi. Trong đèn có ánh sáng leo lét ông ta đứng nghiêng bên cổng, nói nhỏ vào trong bằng một giọng cực kỳ nghiêm trang:

- Xin mời hỉ thần đi ra?

Dưới ánh trăng, cái xác chết to béo đứng trước bức tường ngăn làm bình phong, mặc chiếc áo dài đen rộng thùng thình không tay, cái đầu hói tròn xoay được quấn bằng một chiếc khăn đen, chụp lên khăn là một chiếc mũ cói. Phần dưới của áo choàng quét đất, do vậy không nhìn thấy chân. Các xác như một cây tháp biết đi. Chúng tôi không tin vào mắt mình. Cái xác cứng đơ nhưng rõ ràng là biết đi. Nó đi động theo ánh trăng, ra đến cổng thì dừng lại, thân hình to lớn chao đi một cái như sắp ngã. Nó có vẻ đầu nặng chân nhẹ, cái mùi rất gắt là từ trong áo choàng tỏa ra. Trương Thiên Tứ khóa cổng lại bằng một chiếc khóa to tướng bằng đồng. Ông ta đến trước mặt hỉ thần, ngồi xuống đốt một thếp tiền giấy. Chiếc áo dài của người chết phất phơ trong ánh lửa. Đốt vàng mã xong, Trương Thiên Tứ cúi lạy một lạy rồi đứng lên niệm thần chú. Niệm chú xong, ông ta đi trước, mặt xoay nghiêng, nói nhỏ: Hỉ thần, hỉ thần, xin hãy lên đường, trở về cố hương, chôn cùng tổ tiên. Con hiền cháu thảo, đêm ngày ngóng trông. Hỉ thần, hỉ thần, lên đường may mắn?. Đọc xong, ông ta rắc nắm tiền giấy rồi chậm rãi đi trước. ánh sáng leo lét của chiếc đèn lồng chấp chới như ma trơi. Cái xác hưởng ứng lời kêu gọi của Trương Thiên Tứ một cách miễn cưỡng, chậm rãi đi theo ông ta.

Cho phép tôi trở lại Chợ Tuyết. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, kiếm được một món tiền lớn trở về, Trương Thiên Tứ liền đi với cô hiếng trong tay ôm cây cải bẹ. Ông ta rửa sạch bụi đường trong ánh mắt tình tứ của cô ta. Nhiệm vụ tuần du Chợ Tuyết của tôi đã xong, dàn nhạc câm lại đưa tôi về trước cây tháp. Anh em họ Vương gác cáng vào chỗ cũ. Tôi cảm thấy hai chân tê dại, bàn chân buốt đến nỗi không dám chạm đất. Trong võng có mười mấy đôi giày cỏ và những tờ giấy bạc nhàu bẩn. Những tiền này là tiền dâng lên Công tử Tuyết, là của tôi vì đây là tiền thù lao cho tôi sắm vai Công tử Tuyết. Bây giờ nhớ lại, Chợ Tuyết đúng là ngày Tết của phụ nữ. Tuyết như một tấm chăn trùm lên mặt đất, tưới cho đất, khiến đất đai sinh sôi nảy nở. Tuyết là thứ nước của sinh nở, là tượng trưng của mùa đông, càng là báo hiệu của mùa xuân. Tuyết rơi, nghĩa là mùa xuân đầy sức sống đã nhảy lên lưng con tuấn mã, tới gần.

Dưới chân tháp có một tịnh thất nho nhỏ. Trong tịnh thất không thờ cúng thần tiên nào cả, thực tế là cúng vái ở ngoài tháp. Trong tịnh thất thắp hương vòng mùi thơm nhẹ nhàng, trước lư hương có một chậu gỗ to đầy tuyết trắng tinh, không một vết bẩn. Phía sau cái chậu là một chiếc ghế đẩu, đây là chỗ ngồi của Công tử Tuyết.

Tôi ngồi xuống ghế, nghĩ ngay đến nhiệm vụ cuối cùng khiến tôi vô cùng xúc động. Lão đạo sĩ vén tấm ri đô ngăn tịnh thất với bên ngoài, bước vào. Lão trùm lên đầu tôi chiếc khăn sa mỏng màu trắng. Theo lời dặn của lão, tôi hiểu trong khi thực hành chức trách, tôi không được vén chiếc khăn sa lên. Tôi nghe thấy tiếng chân lão đạo sĩ nhẹ nhàng đi ra. Trong tịnh thất chỉ có tiếng thở, tiếng tim dập của tôi. Bên ngoài, vọng tới tiếng chân dẫm lên tuyết lạo xạo của mọi người.

Một phụ nữ nhẹ nhàng tiến lại phía tôi. Qua tấm sa mỏng, tôi lờ mờ nhìn thấy người này có thân hình thanh mảnh, trên người toát ra cái mùi lông lợn cháy. Người này chắc không phải là dân trấn Đại Lan, rất có thể là người thôn Sa Lương. Thôn này có một cơ sở sản xuất bàn chải bằng lông lợn. Bất kể là người ở đâu, Công tử Tuyết đều coi như nhau. Tôi lập tức thọc hai bàn tay vào chậu tuyết để tuyết thiêng rửa sạch những gì ô uế trên tay tôi, rồi tôi giơ hai tay ra phía trước. Theo qui định, những phụ nữ đến cầu tự, đến xin được có nhiều sữa, đều vén áo lên, đưa vú đến tận tay Công tử Tuyết. Quả nhiên, hai khối thịt ấm và mềm mại đã chạm vào bàn tay lạnh giá của tôi. Tôi cảm thấy chóng mặt, qua hai bàn tay, luồng hơi ấm hạnh phúc lan khắp cơ thể tôi. Tôi nghe thấy tiếng thở khó kìm hãm của người phụ nữ. Hai bầu vú mềm mại như đôi chim bồ câu chững lại một thoáng rồi tuột khỏi tay tôi.

Cặp vú thứ nhất tôi sờ chưa đã, thì đã bay mất. Tôi hơi thất vọng nhưng càng hy vọng nhiều hơn, nhúng hai tay vào chậu tuyết để lấy lại sự tinh khiết thiêng liêng. Tôi hơi sốt ruột chờ đợi cặp vú thứ hai. Cặp vú thứ hai đã tới, lần này tôi không để chúng bay đi một cách dễ dàng! Tôi giơ bàn tay rắn chắc chộp lấy chúng. Chúng xinh xắn và rất dàn hồi, không mềm cũng không rắn, như chiếc màn thầu mới ra lò, không nhìn rõ chúng nhưng tôi biết chúng rất trắng, rất mịn, núm vú rất nhỏ, chỉ như hai cái nấm tí hon. Tôi nắm lấy chúng, thầm chúc cho chúng những lời tốt đẹp nhất. Bóp một cái, chúc chị đẻ sinh ba - ba đứa con bụ bẫm; bóp hai cái, chúc sữa chị tuôn trào như suối, bóp ba cái, chúc sữa chị vừa ngọt vừa thơm. Chị rên lên khe khẽ rồi giật mạnh ra. Tôi sững sờ vì bị giáng một đòn vào tình cảm, trong lòng rất đỗi hổ thẹn. Để tự trừng phạt, tôi thọc hai tay thật sâu vào chậu tuyết. Ngón tay tôi chạm vào đáy chậu trơn tuột cho đến khi hai tay tôi tê dại hẳn đi, tôi mới rút chúng ra. Công tử Tuyết giơ cao hai tay chúc phúc cho tất cả phụ nữ vùng đông bắc Cao Mật. Tình cảm của tôi bị tổn thương, hai bầu vú lõng thõng như hai cái bị chạm vào tay tôi. Tôi sờ chúng, chúng không chịu, kêu trong họng như con gà mái, mặt da nhăn lại. Tôi dùng hai ngón tay kẹp lấy cái đầu vú to tướng rồi nhả ra luôn. Người đàn bà phả vào mặt tôi hơi thở sặc mùi gỉ sắt. Công tử Tuyết coi ai cũng như ai, chúc bà thực hiện được nguyện vọng, thích sinh con trai thì sinh con trai, thích sinh con gái thì sinh con gái, muốn có bao nhiêu sữa thì có bấy nhiêu sữa? Bầu vú của bà sẽ luôn luôn khỏe mạnh, nhưng nếu muốn trở lại thời thanh xuân thì Công tử Tuyết bất lực!

Cặp vú thứ tư tính tình bạo liệt như con điều hâu, lông cánh màu nâu, mỏ cứng, cổ ngắn và khỏe. Cái mỏ cưng của chúng cứ mổ mổ vào lòng bàn tay tôi. Bên trong cặp vú thứ năm hình như có cả một tổ ong vò vẽ. Tay tôi vừa sờ vào, bên trong hến nổi lên những tiếng vù vù. Do va đập của lũ ong, nên bề mặt của vú nóng hôi hổi. Tay tôi rân rân như kiến bò, tôi gửi tới chúng những lời chúc mừng tốt đẹp!

Ngày hôm đó tôi sờ khoảng một trăm hai mươi cặp vú những ấn tượng về một số cặp tiếp nối nhau như một quyển sách, có thể giở từng trang. Nhưng tất cả những ấn tượng rõ nét ấy bị một chiếc vú cuối cùng làm đảo lộn tất cả. Nó như một con tê giác húc lung tung, tạo nên một trận động đất trong kho ký ức của tôi, hay như một con trâu rừng xông vào vườn rau, đẫm bẹp tất cả.

Khi đó hai bàn tay tôi đờ đẫn ra vì những cảm giác nóng bỏng, chờ đợi cặp vú sau để thực hiện chức trách của Công tử Tuyết. Vú chưa tới mà tôi đã nghe tiếng cười rúc rích quen thuộc. Má hồng môi thắm, mắt đen láy khuôn mặt ăn chơi của người phụ nữ trẻ có biệt hiệu là Kim Một Vú bỗng hiện ra trong đầu tôi. Tay trái tôi sờ trúng vú phải đồ sộ của chị, còn tay phải thì sờ vào khoảng không. Vậy là tôi biết chắc chắn Kim-Một-Vú đây rồi. Người phụ nữ phong lưu góa chồng buôn bán dầu thơm này suýt bị tử hình trong đại hội đấu tranh. Sau đó, chị lấy một người nghèo nhất trong thôn, nhà không một gian, đất không một tấc cắm dùi, một hành khất, tên là Nhỡn Phương Kim, trở thành vợ của cố nông đỏ. Chồng chỉ có một mắt, vợ chỉ có một vú, thật là một cặp trời sinh. Kim-Một-Vú được gọi là mụ Kim, mụ nhưng không già, về cách chơi độc đáo của chị ta vẫn được lưu truyền trong giới đàn ông trong thôn, tôi đã được nghe nhiều lần, hiểu mà không hiểu. Tay trái tôi nắm vú chị, chị dùng tay trái dẫn tay tôi sang bên phải. Hai tay tôi nâng bầu vú nặng chịch, to quá cỡ, cảm thấy hết sức nặng của nó. Chị hướng dẫn tôi sờ nắn từng phần da trên vú chị. Nó như một quả núi đơn côi, nghễu nghện trên ngực trái, nửa trên là bờ dốc thoai thoải, nửa dưới là nửa quả cầu hơi chúc xuống. Nó là chiếc vú ấm nhất trong những cái vú mà tôi đã sờ, nóng bỏng như da con gà trống bị bệnh đậu. Nó thật mịn màng, nếu không quá nóng, nó sẽ mịn hơn nữa. ở đầu mút của bán cầu dưới, trước hết là bộ phận nhô ra như một cái chén úp ngược, và phần cong ngược lên chính là núm vú. Nó khi mềm khi cứng như viên đạn bọc cao su, vài giọt sữa lành lạnh bám trên đầu ngón tay tôi. Tôi bỗng nhớ lại câu nói của Thạch Tân, anh chàng từng đi buôn lụa mãi tận miền nam xa xôi, nói với tôi trong lò sấy cỏ. ánh ta nói rằng, Kim Một Vú dâm như quả đu đủ xanh, hễ động tới là chảy nhựa trắng ra. Quả đu đủ giống Kim Một Vú ư? Tôi chưa trông thấy quả đu đủ, nhưng bằng vào cảm giác tôi hiểu rằng đu đủ là xấu, là mê hoặc người ra. Nhiệm vụ thiêng liêng của Công tử Tuyết đã bị Kim Một Vú lái trệch sang một lối khác. Bàn tay tôi như miếng bọt biển thấm lấy sức nóng trên vú chị, còn chị hình như thỏa mãn đến mức cao nhất qua những ve vuốt của tôi. Chị rên rỉ như lợn con, ghì nhặt đầu tôi vào ngực chị, ấp bầu vú nóng bỏng lên mặt tôi. Tôi nghe thấy chị lẩm bẩm:

- Bạn thân yêu, bạn thân yêu của tôi...

Qui ước của Chợ Tuyết đã bị phá.

Một câu nói là một tai họa.

Một chiếc xe Jeep màu xanh lá cây dừng lại trên bãi trống trước cửa nhà lão đạo sĩ, từ trên xe nhảy xuống bốn nhân viên công an mặc quân phục màu vàng, huy hiệu trắng đeo trước ngực. Họ nhanh nhẹn như những con báo, xông vào nhà lão đạo sĩ. Vài phút sau, lão đạo sĩ tay bị còng sấp ngửa chui ra. Lão đạo sĩ buồn bã nhìn tôi không nói gì, nhẫn nhục chui vào xe. Ba tháng sau, lão đạo sĩ Môn Thánh Vũ, tên đầu sỏ của một đạo phản động, tên gián điệp nằm vùng thường xuyên bắn pháo hiệu trên định dốc, bị bắn dưới cầu Đoạn Hồn ở huyện. Con chó mù của đạo sĩ bị bắn bể sọ khi nó rượt theo chiếc xe Jeep.