Những Đứa Con Của Tự Do - Phần 1 - Chương 01- 02

PHẦN MỘT - Chương 1
m cần hiểu bối cảnh trong đó chúng tôi từng sống, bối cảnh là quan trọng, đối với một câu chẳng hạn. Ra khỏi ngữ cảnh câu thường thay đổi nghĩa, và trong những tháng năm về sau, rất nhiều câu sẽ ra khỏi ngữ cảnh của chúng để xét đoán một cách thiên vị và để bài xích nhiều hơn. Đó là một thói quen sẽ chẳng mất đi.
Vào những ngày đầu tháng Chín, quân đội Hitler đã xâm lược Ba Lan, nước Pháp đã tuyên chiến và chẳng ai ở nơi đây hay nơi ấy lại nghi ngờ rằng quân đội chúng ta sẽ không đẩy lùi được kẻ địch đến giới. Nước Bỉ đã bị làn sóng những sư đoàn xe bọc thép Đức quét sạch, và trong vài tuần lễ mười vạn binh sĩ của chúng ta sẽ chết trên các chiến trường phía Bắc và mạn sông Somme.
Thống chế Pétain được cử đứng đầu chính phủ; hôm sau nữa, một vị tướng không chấp nhận thất bại đã ra lời kêu gọi kháng chiến từ Luân Đôn. Pétain ưng ký kết đầu hàng, từ bỏ mọi hy vọng của chúng ta. Chúng ta đã bại trận nhanh hết sức.
Quy phục nước Đức quốc xã, thống chế Pétain kéo nước Pháp vào một trong những thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử đất nước. Nền cộng hòa bị thủ tiêu vì cái mà từ nay trở đi người ta sẽ gọi là Quốc gia Pháp. Bản đồ bị gạch ngang một nét và đất nước chia thành hai vùng, một vùng ở phía Bắc, bị chiếm đóng, còn vùng kia ở phía Nam, gọi là vùng tự do. Nhưng tự do ở đấy hết sức tương đối. Mỗi ngày lại thấy xuất hiện một loạt sắc lệnh, dồn vào tình trạng bấp bênh hai triệu đàn ông, đàn bà và trẻ em ngoại quốc đang sống tại Pháp từ nay bị tước mất các quyền: quyền làm nghề của mình, quyền đến trường học, quyền đi lại tự do và chẳng bao lâu nữa, rất nhanh, quyền chỉ tồn tại mà thôi.
Tuy nhiên, những người ngoại quốc đến từ Ba Lan, từ Rumani, từ Hungari ấy, những người tị nạn Tây Ban Nha hay Italia ấy, đất nước ấy đã thành mất trí nhớ từng cần đến họ vô cùng. Từng rất cần làm đông đảo lại dân cư cho một nước Pháp đã bị mất đi, hai mươi lăm năm trước, một triệu rưởi người, chết trong những đường hào của cuộc Đại chiến. Người ngoại quốc, đó là trường hợp của hầu hết bạn bè tôi, và mỗi người đều đã chịu sự đàn áp, ngược đãi từ nhiều năm nay ở nước mình. Các nhà dân chủ Đức hiểu rõ Hitler là ai, các chiến sĩ Tây Ban Nha biết rõ nền độc tài của Franco, các chiến sĩ Italia biết chế độ phát xít của Mussolini. Họ đã là những người đầu tiên chứng kiến mọi niềm căm ghét, mọi sự quyết liệt không dung tha, chứng kiến các dịch bệnh lan khắp châu Âu kéo theo hậu quả khủng khíêp là chết chóc và khốn khổ. Tất cả đều đã biết rằng bại trận chỉ là một mùi vị đoán trước, điều tệ hại hơn hãy còn chưa tới. Nhưng ai muốn nghe những kẻ đưa tin xấu tới chứ? Ngày nay, nước Pháp không còn cần họ nữa. Thế là những kẻ tha hương ấy, đến từ phía Đông hay phía Nam, bị bắt và giam giữ trong các trại.
Thống chế Pétain không chỉ bỏ cuộc mà thôi, ông ta sắp câu kết với những kẻ độc tài của châu Âu, và trên đất nước chúng ta, đất nước đang thiu ngủ quanh ông lão ấy, đã chen chúc nào thủ tướng, nào các bộ trưởng, tỉnh trưởng, quan tòa, hiến binh, cảnh sát, dân binh, kẻ nọ năng nổ hơn kẻ kia trong công việc kinh khủng của họ.
Chương 2
ọi sự đã khởi đầu như một trò chơi con trẻ, cách đây ba năm, ngày 10 tháng Mười một năm 1940 Vị thống chế thảm hại của nước Pháp, có vài tỉnh trưởng đeo nhành nguyệt quế bạc tháp tùng, mở đầu bằng Toulouse chuyến thăm vùng tự do của một đất nước tuy nhiên lại chính là tù nhân của chiến bại của mình.
Nghịch lý lạ lùng là những đám đông quần chúng hoang mang, thán phục khi nhìn cây gậy của Thống chế giơ lên, cây quyền trượng của một cựu chỉ huy nay trở lại cầm quyền và mang theo một trật tự mới. Nhưng trật tự mới của Pétain sẽ là một trật tự của khốn cùng, của phân biệt đối xử, của tố cáo, của loại trừ, của giết chóc và dã man.
Trong những người sắp tạo thành đội của chúng tôi, một số có biết các trại giam giữ, nơi chính phủ Pháp đã cho nhốt tất cả những ai mắc lỗi là người ngoại quốc, Do Thái hay cộng sản. Và trong những trại ở mạn Tây Nam ấy, dù là Gurs, Argelès, Noé hay Rivesaltes, cuộc sống thật tồi tệ. Khác nào nói với em rằng đối với những ai có bạn bè, có người thân trong gia đình bị giam giữ, việc Thống chế đến được trải nghiệm như một đòn tấn công cuối cùng vào chút tự do ít ỏi còn lại của chúng tôi.
Và bởi dân chúng đang sửa soạn hoan hô ông ta, cái ông Thống chế ấy, thì cần phải khua lên hồi chuông cảnh báo của chúng tôi, đánh thức mọi người khỏi nỗi sợ hãi hết sức nguy hiểm ấy, cái nỗi sợ lây lan trong các đám đông và dẫn họ đến chỗ buông tay, chấp nhận bất cứ điều gì; đến chỗ câm nín với lý do duy nhất bào chữa cho sự hèn nhát là người bên cạnh cũng làm thế và nếu người bên cạnh cũng làm thế, vậy thì cần phải làm như thế.
Với Caussat, một trong những người bạn thân nhất của em trai tôi, cũng như với Bertrand, Clouet hay Delacourt, không có chuyện buông tay, không có chuyện câm nín, và cuộc diễu hành hiểm ác bày ra trên các đường phố Toulouse sẽ là diễn trường cho một tuyên cáo oai nghiêm.
Điều quan trọng hôm nay, đó là những lời lẽ của chân lý, một vài lời lẽ của lòng dũng cảm và phẩm giá trút xuống đoàn người. Một bài viết vụng về, tuy thế vẫn tố cáo điều đáng phải tố cáo; với lại có quan trọng gì đâu điều bài viết nói lên hoặc không nói lên. Còn phải nghĩ cách nào để truyền đơn được tung ra rộng rãi nhất, mà không để mình bị các lực lượng an ninh bắt giữ ngay.
Nhưng các bạn đã suy nghĩ kỹ miếng đòn. Vài giờ trước cuộc diễu hành, họ băng qua quảng trường Esquirol. Trên tay họ là những bọc những gói. Cảnh sát đã triển khai lực lượng, nhưng ai quan tâm đến những gã trai mới lớn có dáng dấp ngây thơ ấy? Họ đến đúng địa điểm rồi, một tòa nhà ở góc phố Metz. Thế là, cả bốn lẻn vào cầu thang và trèo lên tận mái nhà, mong sao không một lính canh nào ở đó. Chân trời thoáng đãng và thành phố trải rộng dưới chân họ.
Caussat ráp nối dụng cụ mà cậu cùng các bạn đã nghĩ ra. Bên rìa mái nhà, một tấm ván con dựa trên một giá đỡ nhỏ, sẵn sàng chao nghiêng như một chiếc đu. Bên này họ đặt chồng truyền đơn mà họ đã đánh máy, bên kia là một bi đông đầy nước. Một lỗ thủng nhỏ dưới đáy bình, thế là nước chảy vào ống máng trong lúc họ đã chuồn ra phố.
Xe hơi của Thống chế tiến lại gần, Caussat ngẩng đầuvà mỉm cười. Chiếc limousine ngả mui từ từ đi ngược con phố. Trên mái nhà, chiếc bi đông gần như rỗng không, nó chẳng còn trọng lượng; thế là tấm ván chao nghiêng và truyền đơn bay phấp phới. Ngày 10 tháng Mười một năm 1940 ấy sẽ là mùa thu đầu tiên của viên thống chế phản bội. Hãy nhìn lên trời, các tờ giấy xoay lượn, và hạnh phúc tột cùng cho các chú gavroche 1 với dũng khí đầy ngẫu hứng ấy, một vài tờ đến đậu trên vành mũ của thống chế Pétain. Đông đảo mọi người cúi xuống nhặt truyền đơn. Mọi sự rối tung, cảnh sát chạy khắp các ngả và những kẻ tưởng nhìn thấy các chú nhãi hoan hô đoàn diễu hành như tất cả những người khác không biết rằng các chú đang ăn mừng thắng lợi đầu tiên của mình.
Họ phân tán và giờ đây mỗi người lánh ra xa. Chiều tối hôm ấy về nhà, Caussat không tưởng tượng được rằng ba ngày sau, do có kẻ tố cáo, cậu sẽ bị bắt và sẽ trải qua hai năm tù ngục tại đề lao Nîimes. Delacourt không biết rằng vài tháng nữa cậu sẽ bị cảnh sát Pháp giết chết, trong một nhà thờ ở Agen, nơi cậu ẩn náu vì bị truy lùng. Clouet không biết rằng năm sau, cậu sẽ bị xử bắn ở Lyon; còn Bertrand thì sau này chẳng ai tìm lại được mảnh ruộng nhỏ nơi cậu yên nghỉ. Ra tù, phổi bị bệnh lao ăn ruỗng, Caussat sẽ tìm vào chiến khu. Lại bị bắt, lần này cậu phải đi đày. Khi chết ở Buchenwald, cậu hai mươi hai tuổi.
Em thấy đó, với bạn bè của chúng tôi, mọi sự đã khởi đầu như một trò chơi con trẻ, một trò chơi của những đứa trẻ sẽ không bao giờ có thời gian thành người lớn.
Vậy tôi cần phải nói với em về họ, Marcel Langer, Jan Gerhard, Jacques Insel, Charles Michalak, José Linarez Diaz, Stefan Barsony, về tất cả những ai sẽ tham gia cùng họ trong những tháng ngày sắp tới. Họ chính là những đứa con đầu tiên của tự do, những người đã lập nên đội 35. Để làm gì? Để kháng chiến! Chính câu chuyện của họ mới quan trọng, không phải chuyện của tôi, và hãy tha lỗi cho tôi nếu thỉnh thoảng ký ức tôi lầm lạc, nếu tôi mơ hồ lẫn lộn hoặc nhầm tên nhầm họ.
Có cần gì những cái tên, một hôm anh bạn Urman của tôi đã nói thế, thuở ấy chúng tôi không đông đảo, và kỳ thực, chúng tôi chỉ là một mà thôi. Thuở ấy chúng tôi sống trong nỗi sợ hãi, trong cảnh bất hợp pháp, chúng tôi không biết mỗi ngày hôm sau sẽ ra sao, và hôm nay lật giở lại ký ức của chỉ một trong những ngày đó thôi bao giờ cũng khó khăn.