30. Đại Hạ Không Phải Nhà Lớn

ĐẠI HẠ KHÔNG PHẢI LÀ NHÀ LỚN

Thời Lê trung-hưng, ông Trạng-Quỳnh (tức Cống-Quỳnh) có lần dâng Chúa Trịnh một hũ mắm Đại-phong. Chúa ăn rất lấy làm ngon miệng, nhưng không biết thứ mắm Đại-Phong là mắm gì.

Khi ăn hết hũ mắm, chúa còn thèm, nên bảo Quỳnh làm nữa, và gọi vào bắt phải giải nghĩa hai chữ « đại phong ». Quỳnh tâu : « Đại phong là gió lớn, gió lớn thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo, tượng lo là lọ tương ».

Thì ra thứ mắm Đại-phong chẳng phải là thứ cao lương mỹ vị gì, trái lại chỉ là thứ ăn tầm thường của giai cấp bình dân, hạng bình dân nghèo khó.

Lại mội lần nữa, theo tục truyền, năm hết tết đến, có viên thái-giám (tức hoạn quan) đến xin chữ « đại tự » treo nhà. Trạng-Quỳnh viết cho hai chữ « Thiện Đức ». Thiện đức có nghĩa là đức tốt. Nhưng khổ nỗi, có phải như thế đâu, mà đọc lái ra là « đực thiến », ấy thế mới chết đời cho những kẻ, nói theo danh từ ngôn ngữ sau này, là những tên trưởng giả học làm sang làm bảnh.

Những danh từ ấy là những danh từ phải nói lái mới tìm ra được nghĩa chính và chỗ dụng ý của tác giả.

Câu chuyện ấy, theo một số thức giả chỉ là những bịa đặt có tính chất trào lộng. Người nghe chỉ nên giải trí, chớ không nên cho đó là thật.

Quan niệm này rất đúng.

Nhưng đến câu chuyện sau đây, cũng dùng chữ nói lái thì hoàn toàn là thật. Câu chuyện cách đây không lâu mà tác giả cũng chính là Cụ Tam-Nguyên Yên-Đổ, một nhà cự nho cuối thời Nguyễn mà chúng tôi đã nhiều lần nhắc đến.

Trong làng cụ lúc đó có anh chàng tuy tài chẳng đáng kể, nhưng nhờ nhà nước Lang-Sa sang cướp đất Việt-Nam, chú ta được nhảy vào trong đội quân của Pháp, bắt đầu là một tên lính kèn, sau thăng đến chức cai kèn, rồi hưu trí về nhà.

Nhờ tiền của nhà nước Lang-Sa phát cho trong những ngày tại ngũ, chú ta trở nên một tay khá giả ; về làng chú cất một ngôi nhà rất đẹp. Theo tập quán hồi đó, nếu cất nhà mới mà được mấy chữ của một ông khoa mục viết cho để treo lên nóc, thì chẳng những đó là vinh dự, mà còn có tác dụng trấn yểm tà ma, hơn cả những lá bùa của những lão thầy chùa thầy pháp cao tay.

Cụ Yên-Đổ biết anh chàng sẽ cũng tính toán theo quan niệm ấy, nên cụ hỏi các học trò : Nếu nó đến xin thì các thầy tính xem nên cho nó chữ gì ?

Học trò cụ lúc đó hầu hết là các ông Tú ông Cử tới tập văn để sửa soạn thi Đình thi Hội, nhưng nghe thầy hỏi, tất cả đều đáp : Thưa cụ lớn, chúng con thiết nghĩ là tùy nơi cụ lớn.

Cụ Yên-Đổ cười nói : Theo ý tôi, tôi định cho nó hai chữ « đại hạ ».

Tất cả đều đồng thanh khen hay vì ai cũng nghĩ hai chữ ấy có nghĩa là nóc nhà lớn, lấy tích trong câu : nhất mộc yên năng chi đại hạ… (một cây gỗ sao chống nổi nóc nhà lớn).

Cụ Tam-Nguyên định thế thôi. Không dè, trong số học trò lại có ông mau miệng đem nói với chú cai kèn nọ. Chú này không đến xin cụ nữa, vì sợ làm phiền, rồi cứ y lời, mượn người có hoa tay giỏi viết ngay hai chữ « đại hạ » lên.

Tới ngày ăn mừng tân gia, anh lại thỉnh cụ Yên-Đổ. Cụ tới lấy làm ngạc nhiên vì thấy hai chữ của mình đã không cánh mà bay lên sà nhà chú nọ. Cụ gọi chú Cai Kèn lại hỏi, chú kể lại đầu đuôi, cụ gọi ông học-trò, cũng có mặt tại bữa tiệc lại chất vấn : Thế nào, anh có hiểu nghĩa « đại hạ » là gì không ?

- Dạ, bẩm cụ lớn, ông học trò thưa, là nóc nhà lớn ạ !

Cụ mắng vốn : Sao anh dốt như vậy ? Anh không suy nghĩ sao ? Nó là Cai Kèn ai mà lại cho chữ « Đại Hạ » như anh viết, hạ là nóc nhà bao giờ. Chữ ấy, ai treo lên chẳng được !

Ông học trò xanh mặt : Dạ, bẩm cụ lớn, cái đó lỗi ở con, xin cụ lớn chỉ giáo.

Cụ Tam-Nguyên cười nói : Nhưng thôi, thế cũng được, lỡ rồi, chẳng sao, anh viết chỉ sai một chữ thôi. Chữ « Đại » là to, anh viết đúng. Còn hạ, chính chữ hạ là mùa hè kia. Anh phải viết thế, mới hợp với nhà chú Cai Kèn này, vì « Đại Hạ » (…) là hè to, hè to nói lái tò he, ấy đó chỉ vào việc chú ta làm nghề thổi kèn đó.

Cả bữa tiệc tân gia, mọi người nghe chuyện đều bật cười. Ông học trò kia và chú Cai Kèn đều mắc cỡ, mặt đỏ ửng lên như gấc chín, kẻ bị diễu, người mang tiếng còn dốt. Hai chữ đã trót treo lên, lại có mặt cụ Tam-Nguyên ở đó, phần kiêng cữ nữa, không lẽ lại đem hạ bệ xuống.

Theo tôi, thì đó chẳng phải là câu chuyện diễu gì, mà còn là vinh dự, là đúng với cảnh mình nếu ở địa vị chú Cai Kèn. Vì đã cho việc ra làm tay sai thổi kèn cho giặc là một cái « hãnh diện » hiu hiu tự đắc với làng xóm, thì với hai chữ « tò he » có đáng kể gì gọi là nhục. Vả lại, biết tò he là xấu tại sao không biết cái sự đi theo giặc là xấu. Cái xấu là ở chỗ theo giặc, chớ không phải ở chỗ tò he. Nếu tò he mà đứng về phía dân-tộc, phía những người chống giặc cứu nước thì đó lại chính là người đáng hoan nghênh.

Có người bảo cụ Yên-Đổ dùng lối chữ đó là bắt chước Trạng-Quỳnh. Song, biết đâu chỉ là giống nhau một cách ngẫu nhiên thôi. Một người có tài và tư tưởng như cụ, rất khó phải theo đuổi những cái tiểu xảo ấy, nhất là cụ lại dùng nó để diễu những kẻ mà đa số người thấy cần phải diễu cho bõ cay bõ ghét, khi chưa có thể nọc cổ ra đánh được.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3