31. Ôn Kỳ Như Ngọc
Nói đên ông thám hoa Vũ-Phạm-Hàm (người làng Đôn-thư, huyện Thanh-oai, tỉnh Hà-đông, sinh năm 1864 mất năm 1910, đỗ thám hoa năm 1884 đời Kiến-Phúc nhà Nguyễn) người ta lại nhớ đến bốn chữ « Ôn kỳ như ngọc ».
Đây là chữ trong thiên Tần phong ở kinh Thi : « Ngôn niệm quân tử, ôn kỳ như ngọc » 言念君子溫其如玉 tức là câu thơ khen người rợ Tây-nhung. Cái khéo và cái hay của bốn chữ này là ở chỗ ông Thám đã dụng ý lấy đó để tặng tên công sứ Pháp, ở Hải-dương, khi hắn mến ông là bậc danh nho đến xin đại tự làm kỷ niệm. Lúc ấy ông đang làm án sát tỉnh này.
Ông cắt nghĩa cho tên công sứ biết là rút trong câu trên, câu ấy có nghĩa là « nhớ nhung người quân tử, ôn hòa như ngọc ». Hắn thích lắm cho khắc vào hoành phi sơn đen thiếp vàng để treo ngay nhà khách. Chớ có hiểu đâu cái dụng ý của tác giả bảo hắn chỉ là thứ mọi rợ phương Tây như đám rợ Tây-nhung thời Chu.
Cái dụng ý này chỉ có các nhà thâm nho mới biết nhưng một tên quan người Việt khác vì có hiềm với ông lại đến hót tên công sứ, xuyên tạc nói ngọc là ngọc hành và nói ông Thám chủ ý bảo tên công sứ là ngọc hành.
Tên công sứ chưa tin, hắn đi lại các thuộc cấp người Việt, lấy tay chỉ vào đũng quần hỏi : Cái này là cái gì ?
Ai cũng trả lời theo lối lễ phép là ngọc hành. Hắn nổi giận, cho hạ ngay bức hoành chẻ ra, và gọi ông Thám đến trách. Ông Thám cắt nghĩa thế nào, hắn cũng không nghe. Cuối cùng ông Thám phải cáo quan về nghỉ để tránh các việc làm khó dễ của hắn.
Xét ra thật oan cho ông Thám và đáng đánh đòn thật nặng cho cái tên quan người Việt nọ. Nhưng suy cho cùng cái gốc cũng do tính tự phụ của ông Thám. Tuổi trẻ đỗ cao, khi làm đốc học ở Ninh-bình rồi Hà-nội, trong các kỳ thi khảo ông thường ra đầu bài hiểm hóc để làm khuất phục đám học trò đa số là những người lớn tuổi hơn mình, thành đa số bị hỏng, mà tên quan người Việt nọ vốn là một nạn nhân trong đó, như có lần ông ra đầu bài :
Ngụy du vân mộng quả chấp tín phủ ?
偽遊雲夢果執信否
Chữ trong sách Hán, ai cũng nghĩ là « giả đi chơi Vân mộng, có phải để bắt Hàn Tín không ? » và giải theo nghĩa ấy, nhưng đến khi xong mới hiểu « chấp tín » không phải là « bắt Hàn Tín » mà là « giữ điều tín », điển lấy trong câu « nhân quân chấp tín, nhân thân chấp trung » ở trong sách Tả truyện (sách của Tả-Khâu-Minh) nghĩa là « làm vua giữ tín, làm tôi giữ trung » mà đầu bài trên có nghĩa là hỏi việc vua Hán Cao-Tổ giả đi chơi Vân mộng có phải là giữ điều tín không ?
Có lần ông ra đầu bài cũng lấy điển sách Hán nhưng rất lắt léo.
Hà Hà Tín Tín giai Hán chi tá,
Cửu giang chi sử sử Hà nhi bất sử Hà ?
Huỳnh dương chi vi hữu Tín nhi bất hữu Tín ?
Quyết hậu định công hành thưởng,
Phong Hà nhi bất phong Hà, phong Tín nhi bất phong Tín, phi hậu ư Hà nhi bạc ư Hà, dữ trọng ư Tín nhi khinh ư Tín rư ?
何何信信皆漢之佐
九江之使使何而不使何榮陽之園有信而不有信
厥後定功行賞
封何而不封何封信而不封信非厚於何而薄於何與重於信而輕於信歟
Nghĩa là :
Hà (Tiêu) Hà (Tùy) Tín (Kỷ) Tín (Hàn) đều là tôi nhà Hán.
Sao đi sứ Cửu-Giang lại sai Hà (Tùy) mà không sai Hà (Tiêu) ?
Lúc bị vây ở Huỳnh-dương chỉ có Tín (Kỷ) mà không có Tín (Hàn) ?
Sau luận công ban thưởng,
Phong Hà (Tiêu) mà không phong Hà (Tùy) phong Tín (Hàn) mà không phong Tín (Kỷ). Thế chẳng phải là hậu với Hà (Tiêu) mà bạc với Hà (Tùy) cùng trọng với Tín (Hàn) mà khinh với Tín (Kỷ) ư ?…
Nhân nói tánh tự phụ của ông Thám tưởng chúng ta cũng nên biết thêm một giai thoại giữa ông và ông Triệu ở Thanh-hóa như sau :
Nguyên khi ông thám mới đỗ, ông Triệu nghe đồn mới ngoài 20 tuổi, không biết sao giỏi thế mà mình thì ngoài bảy chục vẫn thi hoài không đỗ. Thế rồi ông Triệu vi hành làm kẻ bán cau, ra tận làng Đôn-thư, tìm đến nhà ông Thám.
Thấy ông già bán cau tươi, bà Thám gọi mua, bà Thám gọi mua, lúc ấy là ngày gần giáp năm, nhân lúc bà Thám chọn cau, ông Triệu nhìn vào phòng khách xem hoành phi câu đối. Vừa thấy ông Thám, ông Triệu gật gù ngâm mấy câu đối và khen hay. Ông Thám thấy vậy hỏi : Ông lão cũng biết chữ nữa à ?
- Dạ thưa quan lớn, lõm bõm thôi.
Rồi nhân thấy bàn cờ, ông Triệu giả cách ngớ ngẩn hỏi : Chà có bàn cờ, quan lớn cũng biết đánh cờ ư ?
Ông Thám tuy tức, nhưng cũng bấm bụng đáp : Thế lão biết đánh không ?
- Cái gì, chứ cờ thì khỏi nói, quan lớn có thư thả, tôi xin hầu mấy ván.
- Được, vào đây !
Ông Thám ngả bàn cờ ra, ngồi trên sập bày quân, còn ông Triệu đứng lom khom dưới đất. Cờ bày xong, ông Thám toan đi trước, ông Triệu đưa tay bảo : Lão dốt nát quê mùa mà được hầu cờ quan lớn là phúc đức lắm rồi, nhưng đánh cờ thì phải có thưởng phạt…
Ông Triệu nói chưa dứt, ông Thám gạt ngang : Thưởng phạt, thế lão muốn bằng rượu hay bằng tiền ?
Lão muốn vừa đánh vừa làm thơ, nếu không xong thơ thì phạt 3 chén rượu.
- Lão cũng biết làm thơ nữa à ?
- Cái gì, chứ thơ xin lỗi quan lớn, ai làm mà không được.
Ông Thám tức nữa, nhưng cố giữ bình tĩnh : Thế à, nhưng xong một ván cờ phải xong một bài thơ, lão chịu không ?
Ông Triệu cười, trả lời : Một ván cờ một bài thơ, xoàng lắm, ý lão hễ đi một nước phải ngâm một bài kia, như thế mới xứng là tao nhân mặc khách.
Ông Thám giật mình, không biết ông lão là hạng người thế nào mà kiêu hãnh như vậy, là tiên hay là ẩn sĩ nào muốn tới để thử tài mình chăng. Ông cảm thấy mình ngồi trên sập mà để người già cả đứng dưới thì coi cũng bất tiện, nên gọi người nhà lấy ghế để chỉ ông Triệu ngồi. Ông Triệu làm ngơ không để ý, chỉ chăm chú đứng nhìn vào bàn cờ, và hỏi : Ý quan lớn thế nào ?
Ông Thám trả lời được, ông Triệu mời ông Thám đi, ông Thám vì thâm ý muốn để cái khó khăn về ông Triệu trước, đồng thời cũng muốn để thử tài địch thủ, nên bảo : Tiên khách hậu chủ, xin nhường lão đi trước.
Ông Triệu không ngần ngại, vừa để tay lên con cờ, vừa ngâm :
Chi giao tình khởi tại văn chương,
Nhất kiến chi như nhập lý hương.
Tức vũ trụ trung giai phận sự.
Ư thiên địa nội hữu cương thường.
之交情豈在文章
一見之如入裡香
即宇宙中皆分事
於天地内有綱常
Nghĩa là :
Giao tình há ở chốn văn chương,
Một thấy như vào chỗ ngát hương.
Vũ trụ đó đây là phận sự,
Đất trời còn phải có cương thường.
Bài thơ có vẻ đặc biệt là lấy những chữ đệm như : « chi nhất, tức, ư » để lên đầu câu mà trước nay không mấy ai làm. Nội dung lại có ý ngầm chê ông Thám thiếu cương thường ở chỗ kém lễ phép khi gặp người tuổi tác.
Ông Thám nghe xong lạnh toát người, nhân thấy ông Triệu nói tiếng miền Thanh-hóa, liền nhớ câu « Nghệ Lương Hành, Thanh Triệu Bích » nghĩa là « ở Nghệ có ông Lương ông Hành, ở Thanh có ông Triệu ông Bích », tức những tay văn chương nổi tiếng… và thầm nghĩ có lẽ đây là một trong hai ông ở Thanh, nên vội vàng từ trên sập nhảy xuống, chắp tay lễ phép thưa : Thưa cụ, xin cụ tha lỗi cho hỏi, có phải cụ là cụ Triệu ở Thanh không ?
Ông Triệu đáp : Dạ thưa quan lớn, chính lão đây !
Ông Thám nghe nói, vội mời ông Triệu lên sập ngồi, tôn gọi bằng bác, nói : Bác chẳng ngại nghìn dặm đường xa đến đây, sao không cho cháu hay, cháu đỗ với người khác, đâu dám đỗ với bác, cháu còn kém gì, xin bác chỉ giáo cho, chớ thử thách làm chi ?
Ông Thám nói xong, xin dẹp bàn cờ để bàn luận văn chương. Ông gọi bà Thám ra chào, và lưu ông Triệu ở chơi, ăn tết xong mới tiễn chân ra về.
Từ đó, ông Thám bớt tánh tự phụ. Nhưng khi làm quan, tánh ấy vẫn còn, và chính đó là cái động cơ đẩy ông phải gặt cái hậu quả như trên. Tuy nhiên, đối với bọn cướp nước mà khi dùng chữ, ông còn cái thâm ý như trên thì cũng đáng khen lắm. Thâm ý của ông không phải như kẻ đã xuyên tạc, nhưng các quan thầy và bè lũ của hắn thật ra cũng chỉ là những kẻ như ngọc « hành » thôi vậy.