Tuyển Tập Truyện Ngắn Của Jack London - 08 - Part 1

Trước kia El-Soo đã từng sống trong nhà chung. Nàng mồ côi mẹ ngay từ khi còn thơ ấu; vào một ngày mùa hạ, nàng được Bà Phước Alberrta đón về Tu-Viện Thánh Giá như một kẻ lạc loài trong đám người sa ngã để hiến dâng cho Chúa. Tuy là một cô gái Da Đỏ thuần túy, nhưng El-Soo tỏ ra có nhiều năng khiếu hơn các cô gái khác có giòng máu lai dù nhiều hay ít. Chưa bao giờ các bà phước thấy một cô gái nhỏ có khả năng thích ứng và linh lợi như vậy. 
El-Soo lanh lẹn, khéo léo, lại thêm thông-minh, nhưng có điều đáng nói hơn hết là nàng có một sức sống tiềm tàng mãnh liệt tạo thành một cá tính được hun đúc bằng ý chí, bằng sự dịu dàng và gan dạ. Thần phụ nàng là một tù trưởng và giòng máu của ông chảy trong huyết quản nàng. Đối với El-Soo, sự phục tòng là một vấn đề điều kiện và thỏa thuận. Nàng rất trọng lẽ công bằng hợp lý và có lẽ đó là lý do khiến cho nàng xuất sắc về môn toán học. 
Nhưng El-Soo còn xuất sắc về nhiều thứ khác nữa. Nàng học đọc và viết tiếng Anh mau hơn bất cứ cô gái nào từng học từ trước tới nay trong nhà chung. Về hát nàng cũng dẫn đầu và nàng mang cả tinh thần công-bình vào trong bài hát. Nàng có tâm hồn nghệ sĩ và lòng nhiệt thành của nàng hướng về sự sáng tạo; Nếu như từ thuở mới chào đời, được sống giữa một khung cảnh thuận lợi hơn, thì hẳn nàng đã trở thành nhà văn hay nhà soạn nhạc. 
Nhưng nàng chỉ là El-Soo, con gái của Klakee-Nah, một vị tù trưởng, và nàng sống trong Tu-Viện Thánh Giá, nơi không có nghệ sĩ mà chỉ toàn những bà phước với tâm hồn tinh trắng, chỉ chú trọng đến sự thanh tịnh ngay thẳng và sự cứu rỗi linh hồn thuộc thế giới bất diệt ở cao vút trên chín tầng mây xanh. 
Thời gian thấm thoát trôi qua. Khi bước chân đến tu-viện, nàng mới lên 8 tuổi; năm 16 tuổi, vừa lúc các bà phước liên lạc với các bề trện về việc gởi nàng qua Hoa-Kỳ để bổ túc công việc giáo dục cho nàng, thì môt nguời đàn ông thuộc bộ lạc của nàng tới tu viện nói chuyện với nàng. Gã đàn ông đó làm cho El-Soo hơi kinh sợ. Trông hắn bẩn thỉu và giống như thằng ngợm, dáng dấp thô bạo, mớ tóc rối bù có lẽ không bao giờ biết đến cái lược. Hắn nhìn nàng với cặp mắt dè bỉu và không chịu ngồi xuống. 
Hắn nói cộc lốc:” Anh cô chết rồi!” 
El-Soo không lộ vẻ quá xúc động khi hay tin này vì nàng chỉ còn nhớ mang máng tới anh nàng. Gã đàn ông mang tin nói tiếp: “Lúc này, cha cô già yếu, sống trơ trọi một mình trong một căn nhà rộng thênh thang vắng vẻ, cụ muốn cô về chăm sóc cho cụ.” 
Nàng nhớ cụ ấy là Klakee-Nah, vị tù trưởng trong làng, người bạn của các nhà truyền giáo và các thương-gia. Vóc người cao lớn, trông ông vạm vỡ như một người khổng lồ với đôi mắt hiền từ và những cử chỉ oai phong, đi đứng bệ vệ như ý thức được cái quyền thế thô sơ của mình. 
El-Soo đáp: “Hãy nói với cha tôi là tôi sẽ về”. 
Các bà phước rất buồn bực, thực vậy, nay không khác nào khúc củi kéo ra khỏi đống lửa cháy lại trở về đống lửa cháy. Bao nhiêu lời khuyên dụ cũng không sao lay chuyển nổi El-Soo. Hết trình bày điều hơn lẽ thiệt, lại cản ngăn, rồi khóc lóc, Dì Alberta lại còn tiết lộ cả với nàng dự tính gởi nàng sang Hoa-Kỳ. El-Soo đăm đăm nhìn vào con đường dài trong sáng đầy hoa thơm cỏ lạ mở ra trước mắt nàng, nhưng nàng lắc đầu vì trong mắt nàng còn có một con đường khác. Đó là khúc sông Yukon hùng vĩ uốn quanh Trạm Tanana, có nhà chung thánh George ở một bên, về phía bên kia là một thương xã, và nó ở giữa khoảng đường từ làng dân Da Đỏ và một căn nhà gỗ lớn rộng, nơi có một ông già đang sống nhờ sự săn sóc của nhóm nô lệ. 
Tất cả dân chúng ở vùng Yukon dẫu cách xa hàng ngàn dặm cũng biết căn nhà lớn rộng ấy, ông già và những người nô lệ ấy. Cả các bà phước cũng biết rõ căn nhà ấy cùng các cuộc vui chơi bất tận, cảnh tiệc tùng hoan lạc diễn ra tại căn nhà ấy. Vì thế các bà phước đã khóc thương khi El-Soo rời bỏ Tu-Viện Thánh Giá. 
Có một sự cải tổ quan trọng trong căn nhà lớn rộng này khi El-Soo trở về. Vốn chính mình cũng rất chuyên đoán, Klakee-Nah phản đối sự chuyện quyền củ cô con gái ông, nhưng rồi sau quá thiết tha mơ mộng về huy-hoàng, Klakee-Nah đã nhất quyết tới vay lão giả Porpotuk, tay giàu có nhất vùng Yukon một ngàn Mỹ kim. Klakee-Nah mang số tiền vay được đi sắm sửa; El-Soo trang hoàng lại căn nhà rộng lớn đó. Nàng mang lại cho nó cảnh huy hoàng mới trong khi Klakee-Nah vẫn duy trì những truyền thống hiếu khách và hoan lạc xưa. 
Đối với một người dân Da Đỏ ở Yukon mà có tất cả những điều ấy thật là bất thường, nhưng Klakee-Nah là một người da đỏ phi thường. Không những ông ưa chiêu đãi khách quá độ, nhưng phần vì tư cách một vị tù trưởng, phần vì kiếm được nhiều tiền, nên ông làm như vậy. Trong thời buôn bán đầu tiên, ông có một uy quyền đối với dân chúng của ông, và ông đã giao dịch một cách có lợi với các công ty thương mại của người da trắng. Về sau, ông đã cùng Porpotuk khai thác một mỏ vàng trên triền sông Koyokuk. Nhờ giáo dục và nhờ bản chất, Klakee-Nah là một người thuộc phần giai cấp quí tộc. Trong khi đó Porpotuk thuộc thành phần trưởng giả và đã bỏ tiền mua cả mỏ vàng. Porpotuk cần cù làm giàu còn Klakee-Nah trở lại căn nhà lớn rộng và dấn mình vào các cuộc hoan lạc. Nếu Porpotuk được tiếng là người Da Đỏ giàu nhất miền Alaska thì Klakee-Nah được tiếng là người hào hoa nhất vùng. Porpotuk là người chuyên cho vay tiền, một kẻ cho vay nặng lãi. Còn Klakee-Nah là một người bất phùng thời, một tàn tích của thời trung cổ, một tráng sĩ, và một người ưa thích yến tiệc linh đình, vui trong ly rượu và tiếng ca. 
El-Soo thích ứng với căn nhà lớn rộng ấy cùng với các lề thói của nó cũng như nàng đã từng sẵn sàng uốn theo nếp sống trong tu viện. Nàng không tìm cách cải tạo thân phụ nàng và hướng ông về với Chúa. Thật thì nàng có trách móc ông rượu chè quá độ nhưng đó là vì nàng muốn bảo vệ sức khỏe cho ông và muốn cho bước chân ông đi đươc vững chắc. 
Then cửa căn nhà rộng lớn đó bao giờ cũng mở. Phần vì người ta lui tới tấp nập, nên căn nhà này không bao giờ yên tĩnh cả. Căn phòng khách lớn rộn ràng những lời chúc và tiếng ca. Tân khách gồm những nhân vật từ khắp mọi nơi, nào các vị tù trưởng từ những bộ lạc xa xôi, nào người Anh, nào dân bản xứ, các thương gia Hoa-Kỳ dáng người dong dỏng, cùng những nhân viên người đẫy đà, thuộc những hội lớn các dân chăn bò từ những cảnh đồng cỏ miền Tây, những thủy thủ của trùng dương, những dân săn bắn, những người chuyên đi xe trượt tuyết. Tất cả thuộc tới hai mươi quốc tịch. 
El-Soo sống trong bầu không khí tứ chiếng đó. Nàng nói được tiếng Anh thông thạo. Nàng biết rõ những nghi lễ cổ xưa của dân Da Đỏ, cùng những truyền thống nay đã mai một đi rồi. Nàng biết cách phục sức đúng tư cách ái nữ của một vị tù trưởng vào dịp cần đến. Nhưng hầu hết các lúc khác nàng ăn mặc như một phụ nữ da trắng. Công việc kim chỉ tại tu viện và khiếu thẩm mỹ bẩm thụ của nàng không phải là vô ích. Nàng phục sức như một phụ nữ da trắng và nàng may được những tấm áo rất đúng thời trang. 
Với nếp sống riêng của nàng, nàng cũng phi thường như thân phụ nàng, và nàng cũng có địa vị độc đáo như ông. Nàng là người phụ nữ Da Đỏ độc nhất; về phương diện xã hội, được đối xử ngang hàng với nhiều phụ nữ da trắng tại trạm Tanana. Nàng là phụ nữ Da Đỏ độc nhất được đàn ông da trắng cầu hôn. Và nàng cũng là phụ nữ da đỏ độc nhất không bị đàn ông da trắng nào nhục mạ bao giờ. 
Sở dĩ như vậy vì El-Soo đẹp - không phải cái đẹp thông thường của đàn bà da trắng hoặc của phụ nữ Da Đỏ. Cái đẹp của nàng không tùy thuộc vào khuôn mặt nhưng nó phát xuất từ tính tình thiết tha nồng nàn của nàng. Nếu chỉ xét dáng người thon thon, và khuôn mặt thanh tú, nàng là một phụ nữ Da Đỏ điển hình. Nàng có mái tóc đen, nước da bánh mật, cặp mắt đen lánh và sắc như dao của nàng tỏa ra một niềm tự tin, một ý chí cương quyết. Mũi nàng dọc dừa với đôi cánh mũi phập phồng, lưỡng quyền cao và đôi môi mỏng nhưng không đến nỗi quá mỏng. Nhưng điều đáng nói hơn hết là tất cả đều toát ra cái vẻ nồng nàn linh hoạt của nàng, một cái gì khó diễn tả và phân tích; nó biểu lộ sự nhiệt thành của tâm hồn nàng. Niềm thiết tha nồng thắm ấy phảng phất trên tất cả, từ ánh mắt đến làn môi. 
El-Soo lại rất ranh mãnh; nàng ít khi châm biếm mất lòng người ta, nhưng hay tìm ra những khuyết điểm nhỏ để diễu cợt. Tính vui vẻ của nàng như ngọn đuốc sáng bao quanh nàng, và mọi người xung quanh đều chia sẻ niềm vui đó. Tuy vậy, nàng không bao giờ tự cho mình là quan trọng. Nàng không muốn vậy. Căn nhà lớn đó, và tất cả những gì thuộc về nó là của cha nàng, và thân hình oai hùng đó di chuyển khắp căn nhà cho tới ngày cuối cùng của ông. Ông là chủ nhân ông, chủ tọa mọi tiệc hoan lạc và ông là người ban bố lệ luật. Thật vậy, sức mạnh của ông kém đi, thì nàng lại đỡ lấy trách nhiệm từ bàn tay suy yếu của ông. Nhưng bề ngoài, ông vẫn cai quản, có khi ông ngủ gục trên bàn ăn, thật là một thân hình tàn tạ của hoan lạc; tuy vậy, ông vẫn có vẻ chủ nhân ông của tiệc liên hoan. 
Và lã Porpotuk đi đi, lại lại trong căn nhà lớn đó, vẻ bi quan, đầu lắc lư tỏ vẻ không tán thành, nhưng vẫn bỏ tiền ra trả tất cả. Không phải lão trả tiền thực sự đâu, lão đủ mánh lới tính lời kép vào số tiền đó, và cứ thế hết năm này qua năm khác, lão thu hút dần cả tài sản của Klakee-Nah. Có lần Porpotuk trách El-Soo về nếp sống lãng phí trong căn nhà lớn ấy - đó là lúc lão gần thâu nốt phần chót của gia sản Klakee-Nah - nhưng lão không bao giờ dám mở miệng trách nàng lần nữa. El-Soo, cũng như cha nàng, là con người quý tộc, coi rẻ tiền như ông cụ vậy, và có ý thức về danh dự y như cha nàng. 
Porpotuk tiếp tục ứng tiền ra một cách miễn cưỡng, và tiền của lão vẫn chảy ra như nước. Có một điều El-Soo cương quyết - thân phụ nàng sẽ phải qua đòi như ông đã sống. Đối với ông không có chuyện ở bể vào ngòi, không có vấn đề tiết giảm những cuộc yến tiệc linh đình, giảm bớt những cuộc thù tiếp đôn hậu. Hồi trước khi trời làm đói kém, những người Da Đỏ tới kêu van ở căn nhà rộng đó đều được thỏa mãn khi ra đi. Lúc trời làm đói kém mà tiền đã hết thì phải vay của Porpotuk, nhưng những người Da Đỏ đến kêu xin cũng vẫn được thỏa mãn. El-Soo có thể bắt chước các người quý tộc ở thời đại khác và ở nơi khác, và nói rằng sau này tai họa có tới cũng mặc. Trong trường hợp của nàng, tại họa đó là lão Porpotuk. Cứ mỗi lần nàng xuất tiền ra lão lại nhìn nàng với con mắt ngụ ý là nàng dần dần thuộc về lão và lão cảm thấy lòng xuân lại rào-rạt. 
Nhưng El-Soo không để ý gì tới lão. Nàng cũng chẳng để ý gì tới những người da trắng muốn cưới nàng tại nhà chung, nhẫn cưới, linh mục chủ lễ và sách kinh, vì ở trạm Tanana có một chàng trai trẻ tên Akoon, người đồng chủng, đồng hương với nàng. Dưới con mắt nàng, chàng là một tay đi săn lực lưỡng, đẹp trai và rất nghèo vì đã ngao du rất nhiều và rất xa. Chàng đã từng đặt chân tới những vùng hoang vu hẻo lánh, chàng đã tới Sith và Hoa-Kỳ, chàng đã vượt lục địa với Vịnh Hudson rồi trở lại, và trên một chiếc tàu săn hải cẩu, chàng đã tới Tây-Bá-Lợi-Á và Nhật Bản. 
Khi từ mỏ vàng tại Klondike trở về, chàng thường tới căn nhà rộng lớn để tường trình cho ông già Klakee-Nah tất cả những điều chàng đã trông thấy và chính tại căn nhà đó, chàng đã gặp El-Soo lần đầu tiên, sau khi nàng đã từ tu viện trở về được ba năm tròn. Chính vì lý do này mà Akoon không còn muốn đi xa nữa. Chàng từ khước số lương hai mươi Mỹ-Kim một ngày để làm hoa tiêu trên các tàu thủy lớn. Chàng đi săn và đi câu chút ít nhưng không bao giờ đi xa khỏi trạm Tanana, nhưng chàng thường hay tới và lưu lại lâu ở căn nhà lớn rộng đó. Còn El-Soo khi so sánh chàng với nhiều đàn ông khác, nàng thấy chàng là người xứng đáng. Chàng ca những bài hát tặng nàng và thiết tha say đắm đến nỗi cả vùng trạm Tanana đều biết chàng yêu nàng. Trong khi đó, Porpotuk chỉ cười nhạt và xuất thêm tiền để duy trì nếp sống của căn nhà lớn rộng đó. 
Rồi tới bữa ăn lâm chung của Klakee-Nah. Ông ngồi vào bàn tiệc, nhưng cổ họng nghẹn vì bệnh hoạn, ông không sao uống được nhiều rượu nữa. Trong khi đó tiếng cười đùa, tiếng ca hát vẫn vang lên và Akoon kể chuyện khiến mọi người cười rộ. Không có một giọt nước mắt hay một tiếng thở dài ở bàn tiệc này. Klakee-Nah phải được chết giữa cảnh nhộn nhịp vui vẻ như ông sống vậy, đó là một điều rất hợp lý và không ai hiểu rõ điều này hơn là El-Soo, một cô gái có tâm hồn nghệ sĩ. Như hồi xưa, cả đám người cũ ồn ào đều có mặt ở đó, và lại còn có ba thủy thủ dạn dày băng tuyết vừa vượt trùng dương từ miền Bắc băng trở về. Họ là những người sống sót trong số bảy mươi tư người thuộc thủy thủ đoàn của một chiếc tàu. Đứng phía sau Klakee-Nah là bốn người già, đó là những người còn sót lại trong số những nô lệ đã hầu hạ ông hồi ông còn trẻ. Những người này mắt kèm nhèm chăm chú chăm sóc ông, với bàn tay run run, họ rót rượu vào ly hoặc đấm lưng cho ông khi căn bệnh làm cho ông ho và thở hổn hển. 
Đêm hôm đó là một đêm tưng bừng, trong khi giờ phút trôi qua và tiếng cười đùa vang lên, cổ họng Klakee-Nah bị đau đớn liên miên, trong khi Tử thần ra tay. 
Tới lúc đó, ông cho kiếm Porpotuk. Từ ngoài giá lạnh bước vào, Porpotuk dè bỉu nhìn thịt và rượu bày trên bàn do chính tiền lão trả. Nhưng khi nhìn hết lượt những bộ mặt đỏ gay tới tận cuối phòng, lão thấy khuôn mặt El-Soo. Mắt lão bỗng sáng lên và nỗi bực dọc trong lòng cũng lắng nguôi đi. 
Người ta dẹp chỗ cho lão ngồi cạnh Klakee-Nah và đặt trước mặt lão một cái ly. Chính tay Klakee-Nah đã vồn vã rót rượu vào ly và mời, “Bác xơi đi, rượu có ngon không?”: 
Porpotuk gật đầu và chép miệng, rượu nồng làm nước mắt lão trào ra. 
Klakee-Nah hỏi: “Khi ở nhà, bác có uống rượu ngon như thế không?” 
Porpotuk trả lời ngập ngừng như còn đợi nghĩ cho chính câu nói: “Tôi công nhận là rượu này rất tốt đối với người có tuổi như tôi.” 
Klakee-Nah nói lớn để bổ túc thâm ý của Porpotuk: “Nhưng chỉ vì nó đắt quá”. 
Porpotuk khó chịu trước tiếng cười của những người ngồi cùng bàn, cặp mắt của lão long lên vì bực bội. Lão nói: “chúng ta đều là chỗ bạn già với nhau. Cổ họng bác đau và thấy tử thần gần tới, chứ tôi vẫn còn khỏe mạnh và cường tráng chán.” 
Trong bàn tiệc có tiếng thì thào phản đối; Klakee-Nah ho và nghẹn thở, và mấy người nô lệ già vội đấm lưng cho ông. Nhưng ông lại tỉnh, thở hổn hển và vẫy tay để trấn tĩnh sự xôn xao đe dọa. 
Ông kêu lên: “Bác đã hà tiện cả đến việc nhóm lửa tại nhà riêng vì củi quá đắt! Bác đã không dám sống. Cuộc sống quá tốn kém nên bác đã khước từ không chịu tốn kém để sống. Kiếp sống của bác chẳng qua chỉ là căn phòng không lửa ấm, không có cả thảm trải dưới nền”. Rồi ông ra hiệu cho một tên nô lệ rót đầy rượu vào ly và ông nâng cao lên. "Nhưng tôi đã sống một cuộc sống ấm áp có hương vị chứ không như kiếp sống tẻ nhạt của bác. Thật vậy, bác sẽ sống lâu, như những đêm dài nhất là những đêm giá lạnh khi một người rét mướt thao thức không chợp mắt được. Những đêm của tôi không dài, nhưng tôi được ngủ ấm áp” 
Ông cạn hết ly rượu. Bàn tay run lẩy bầy của tên nô lệ không cằm kịp chiếc ly nên để rơi xuống sàn bể tan. Klakee-Nah lại ngồi dựa ra thở hổn hển, nhìn những chiếc ly dốc ngược trên môi của những người uống, trên môi ông thoáng một nụ cười trong khi mọi người tán thưởng ông. Nhận được dấu hiệu, hai tên nô lệ định giúp ông lại ngồi ngay người lại nhưng họ yếu sức và thân hình ông lại vạm vỡ. nên bốn người đó đều loạng choạng mãi mới nâng nổi ông ngồi thẳng lên. 
Ông nói tiếp: “Nhưng ở đây không phải chỗ nói chuyện về lề lối sống của Porpotuk, đêm nay giữa chúng ta còn nhiều chuyện khác. Công nợ là điều bất hạnh và tôi đây chịu bất hạnh đối với bác. Công nợ của tôi ra sao, và lên tới bao nhiêu rồi?”. 
Porpotuk tìm trong túi và lôi ra mấy tấm giấy. Lão nhắp ly rượu, rồi kể lể:” Đây là biên lai tháng tám, năm 1889: ba trăm Mỹ-Kim. Chưa trả được đồng tiền lãi nào. Và biên lai hồi năm kế đó: năm trăm Mỹ-Kim. Biên lai này tính chung với biên lai hai tháng sau một ngàn Mỹ-Kim. Còn đây là biên lai...” 
Klakee-Nah sốt ruột kêu lên: “Thôi, nhớ làm gì các biên lai ấy nữa! Nó làm đầu óc tôi rối cả lên. Tôi nợ tất cả bao nhiêu?” 
Porpotuk nhìn tấm giấy ghi nợ và đọc một cách cẩn thân: “Mười lăm ngàn chín trăm sáu mươi bảy Mỹ-Kim, bảy mươi lăm xu”. 
Klakee-Nah nói một cách khinh bỉ: “Tính chẵn mười sáu ngàn cũng được, cứ tính chẵn mười sáu ngàn. Những con số lẻ chỉ tổ làm cho mệt óc. Và sở dĩ tôi cho mời bác đến là để tính toán công nợ, vậy bây giờ bác biên một giấy nợ mười sáu ngàn và tôi sẽ ký. Tôi không quan tâm gì đến lời lãi. Bác muốn tính bao nhiêu cũng được. và tiền sẽ hoàn trả ở thế giới bên kia khi tôi gặp bác bên đám lửa của Tổ Phụ tất cả các người Da Đỏ. Lúc đó nợ sẽ được hoàn toàn thanh toán. Tôi hứa với bác như vậy. Đó là lời hứa của Klakee-Nah.” 
Porpotuk bối rối ra mặt, trong lúc tiếng cười rộ vang động cả căn phòng. Klakee-Nah giơ hai tay lên và nói lớn: “Này, tôi không nói đùa đâu, tôi nói thật đấy. Chính vì thế tôi mời bác tới đây. Hãy viết giấy nợ đi”. 
Porpotuk trả lời chậm rãi: “Tôi không giao dịch chuyện tiền nong với thế giới bên kia”. 
Klakee-Nah hỏi: “Thế bác không tin là sẽ gặp tôi trước Tổ Phụ sao? Chắc chắn là tôi sẽ có ở đấy mà”. 
Porpotuk nhắc lại một cách chua chát: “Tôi không giao dịch gì với thế giới bên kia”. 
Con người hấp hối nhìn ông, tỏ vẻ kinh ngạc thật sự. 
Porpotuk giải thích: “Tôi không biết gì về thế giới bên kia! Tôi giao dịch làm ăn ở ngay thế giới này.” 
Mắt Klakee-Nah sáng lên. Ông cười: “Sở dĩ bác có thái độ như vậy vì bác bị những đêm ngủ lạnh xúi giục”. Ông nghĩ ngợi một lúc rồi tiếp: “Phải thanh toán cho bác ở ngay thế gian này. Vậy tôi chỉ còn có cái nhà này. Bác hãy lấy căn nhà này và đốt các giấy nợ ở ngọn đèn cầy kia”. 
Porpotuk trả lời: “Căn nhà này cũ kỹ không xứng với món nợ đó”. 
“Còn những mỏ của tôi ở Twisted Salmon”. 
“Những mỏ đó không bõ công khai thác”. 
“Còn cổ phần của tôi trong chiếc tàu Koyukuk. Tôi là sở hữu chủ một phân nửa chiếc tàu đó”. 
“Hiện tàu đó đã chìm sâu dưới đáy sông Yukon”. 
Klakee-Nah sửng sốt: “Đúng rồi, tôi quên khuấy đi. Vào mùa xuân vừa rồi khi tuyết băng tan”. Ông suy nghĩ một lúc, trong lúc đó những ly rượu vẫn chưa ai cạn và mọi người có ý đợi chờ ông lên tiếng. 
“Vậy ra tôi nợ bác một món tiền mà tôi không thể trả nổi...trên thế giới này?” 
Porpotuk gật đầu và liếc nhìn xuống bàn. 
Klakee-Nah nói bằng một giọng ranh mãnh: “Này Porpotuk, vậy thì dường như bác là một nhà doanh thương vụng tính”. 
Porpotuk trả lời một cách mạnh bạo: “Không, vẫn còn một thứ bảo đảm nguyên vẹn”. 
Klakee-Nah kêu lên: “Cái gì? Tôi còn tài sản nào khác chăng? Hãy kể ra và tôi sẽ trả cho bác để trừ cho hết nợ”. 
“Kia kìa!” Porpotuk chỉ El-Soo. 
Klakee-Nah không hiểu. Ông nhìn chăm chú xuống cuối bàn, dụi mắt rồi lại chăm chú nhìn. 
“El-Soo, con gái ông, tôi sẽ lấy nàng và nợ sẽ xí xóa. Tôi sẽ đốt hết giấy nợ ngay ở ngọn đèn này”.