33. Thơ "Mừng" Kẻ Bán Nước
Lần đầu tiên, khi thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái sang xâm chiếm nước ta, đã có những kẻ ra tay làm chó săn cho chúng.
Cụ Huấn-Quyền, một trong những người quan trọng sáng lập ra tổ chức cách mạng Đông-Kinh Nghĩa-Thục khi bị an trí ở Bến-tre đã có câu than rằng : Thời hồ, thời hồ, không biết mùi rượu ngọt bánh mì của chúng có mãnh lực thế nào mà đã làm cho một số kẻ đang ở chỗ tai hiền mắt thánh, bỗng ra quân miệng hùm gan sứa :
Nam tử bất tri vong quốc hận,
Thân hình hà quải Pháp lang y.
男子不知忘國恨
身形何掛法郎衣
Hai câu này có ý nói người thanh niên nước Nam đã không biết đến cái nhục mất nước mà còn tự lấy làm vinh dự cho mình được khoác áo Lang-sa. Kể ra thời cũng đáng buồn tủi cho những trang sức rộng vai dài, chí làm trai dặm nghìn da ngựa ở khoảng thời gian đó.
Cái tội nghiêng trời lệch đất theo đời phong kiến cũ rích xử tru di tam tộc, hoặc tứ mã phân thi phải gán tất cả cho những kẻ cầm đầu điều-khiển chuyện bán nước cầu vinh trong buổi đầu thời kỳ Tây thuộc. Những kẻ ấy là ai ?
Chắc chắn đồng bào ta cũng không ai còn lạ gì ở Bắc thì có cha con Hoàng-Cao-Khải, Hoàng-Trọng-Phu, thầy trò Lê-Hoan, Phạm-Khắc-Khánh, ở Trung thì có Nguyễn-Thân, Đinh-Nho-Quang, còn ở Nam này thì có Đỗ-Hữu-Phương, Trần-Bá-Lộc, Huỳnh-Công-Tấn…
Trong số này đáng kể nhất là Nguyễn-Thân, Hoàng-Cao-Khải và Trần-Bá-Lộc. Song tên Thân thì chết trước và cái bia tự lập để ghi công của y đã bị sét đánh vỡ tan ra từng mảnh. Cái đó mới rõ là thiên bất dung gian. Kẻ làm ác có thể che mắt được xung quanh, nhưng đâu có che mắt được bàng dân thiên hạ. Pháp luật nhà trời chỉ mới đánh tan cái bia, phải chăng còn rất nhẹ và rất khoan hồng đại độ với tên Việt-gian phản quốc ấy.
Đó là tên Thân.
Còn Hoàng-Cao-Khải, Trần-Bá-Lộc thì dưới đây là hai chuyện của sĩ phu đương thời đã xỉ vào mặt chúng, xỉ ngay giữa thanh thiên bạch nhật, xỉ cho cả mọi người đều biết, chớ không phải xỉ lén xỉ thầm như xỉ bọn Việt gian khác.
Chuyện thứ nhất là chuyện lễ thất tuần của Hoàng-Cao-Khải tổ chức ngày 20 tháng 4 năm 1919 tại Thái-hà-ấp, lúc đó lão già « không chết » này đã được Pháp quốc và Nguyễn-triều phong chức Bắc-Kỳ Khâm-Sai Kinh-Lược Đại-Thần, Phó Quốc-Vương, Duyên-Mậu Quận-Công, lẽ tất nhiên trong cuộc lễ này, các quan lớn Tây, ta và các giới ở Hà-đông, Hà-nội khỏi sao không phải đem thơ đối và lễ vật đến mừng. Các báo chí xuất-bản ở Hà thành lúc đó thôi thì thi nhau mà làm thơ, mà đăng các bài văn đối chúc tụng y như là ra các số đặc biệt hiện nay. Sau đây là một bài thơ được xem là hay nhất được truyền tụng nhiều hơn hết và đã được đem đăng lên Nam-Phong tạp chí số 22 tháng tư năm đó.
Vượng khí Lam, Hồng đúc vĩ nhân,
Trời ban thêm tuổi, chúa thêm ân.
Huân danh sự nghiệp Hiến-Thành Lý,
Phú quý vinh hoa Nhật-Duật Trần.
Con cái một nhà hai Tổng-Đốc,
Pháp Nam hai nước một công thần.
Tuần này hạ thọ là tuần bảy,
Còn biết sau đây mấy chục tuần.
Bài thơ này mới đọc bốn câu trên, ai ai cũng tưởng là ca tụng cái đức tính và công nghiệp của « cụ lớn » họ Hoàng. Nhưng đến câu « Con cái một nhà hai Tổng-đốc » để chỉ vào hai người con trai của Cao-Khải là Hoàng-Mạnh-Trí, Hoàng-Trọng-Phu, một làm Tổng-đốc Nam-định và một làm Tổng-đốc Hà-đông, và câu « Pháp Nam hai nước một công thần » để luận cái công đức của cụ lớn họ Hoàng đã tích cực giúp quan quân Đại-pháp trong việc tàn sát đồng bào và xâm chiếm nước ta, mới rõ ý của hai câu thứ ba và thứ tư là sao không mở mắt noi gương Tô-Hiến-Thành đời Lý, Trần-Nhật-Duật đời Trần. Như vậy có khác nào lôi họ Hoàng ra đám đông mà chửi.
Theo lời tiên nghiêm tôi, tác giả bài thơ trên đây là một nhà Nho cùng ở xứ Lam Hồng, và cũng là người làm câu đối sau này cho các nhân sĩ miền Thanh Nghệ « phúng » họ Hoàng khi lão ta tắt thở :
Ông ra Bắc bấy lâu, hàm Kinh-lược, tước Quận-Công bốn bể không nhà mà nhất nhỉ ?
Cụ về Tây cũng tiếc, trong triều-đình, ngoài thôn dã, một lòng vì nước có hai đâu !
Tuy vậy, lối đả kích đó cũng vẫn là nhẹ và kín. Đến như bài tặng Đại-pháp công thần ở trong Nam sau đây để mừng Tổng-đốc Trần-Bá-Lộc mới thật là cay và rõ :
Ấy là nước loạn biết tôi ngay,
Danh tiết ngàn thu rạng sử tây.
Dân nghĩa mấy phen oai súng nổ,
Cộng-hòa ba sắc ngọn cờ bay.
Quê hương là chỗ sanh cha mẹ,
Xương thịt đừng cho thẹn cỏ cây.
Da trắng phước nhiều sôi máu đỏ,
Cái thân đừng thẹn nước non này.
Trớ trêu thay, một người tôi ngay ở trong lúc nước loạn mà sự nghiệp công danh chỉ có ghi lại trong sử sách nhà Tây thì kể còn gì nhục cho bằng…
Tôi thường nghe một vài người nói văn chương miền Nam không có phần châm biếm và sâu sắc. Nhưng xét ra không đúng. Bài thơ trên đây là một bằng chứng cũng như là một cảnh cáo rất xứng đáng cho những bọn rước voi giày mả.
Bọn Hoàng-Cao-Khải, Trần-Bá-Lộc tuy tài chẳng có gì, và đức thì khỏi nói. Nhưng con ruồi, một khi bám được đít xe hơi hoặc máy bay thì cũng đi xa được cả ngàn vạn dặm. Sự tàn ác của chúng tuy có thể giết người được, nhưng không thể bịt mắt khóa miệng được nhân dân.
Hai bài thơ trên đây, chẳng những đã lột trần cái bộ mặt đen tối của những kẻ tối đen ngay trong lúc thịnh thời của lũ quỷ xâm lăng, mà còn để lại cho đời đời về sau, mỗi lần nhắc đến phải kinh tởm những con người như thế.
Người xưa nói « hễ tham cái vinh một sớm thì phải chịu cái nhục ngàn năm ».
Bọn Hoàng-Cao-Khải, Nguyễn-Thân, Trần-Bá-Lộc, há đã chẳng tối mắt đen lòng vì cái cặn bã vinh hoa nhất thời, chức trọng quyền cao, tiền nhiều của lắm, ô tô, nhà lầu, hầu non, vợ đẹp, rồi để bêu xấu, bêu nhục đời đời kiếp kiếp trên lịch-sử đó sao !…