Để em cưa anh nhé! - Chương 09 - Phần 1
Chương 9: Mất tích
Tạm biệt Long, tôi trở về nhà của mình, trên đường đi, chân phải đá chân trái, chân trái lại đá bâng quơ, miệng không ngừng mỉm cười khúc khích, thú thực là trước đó tôi đã phải gồng mình kiềm chế lắm lắm mới ngăn cho những cảm xúc ngốc nghếch này bộc phát. Nếu như lỡ ra để cho Long phát hiện được rằng tôi đã vui mừng đến lúc nào, chắc anh ấy sẽ lại được thể để lên mặt với tôi mất. Tôi có kinh nghiệm rồi… Hãy quên đi nhé!
Sau khi trở về nhà, tôi liền tức tốc chạy lên phòng, khóa trái cửa lại rồi ngồi thụp ngay lên bàn máy tính. Phải check facebook mới được! Cả ngày hôm nay đi chơi chưa cập nhật thông tin gì rồi (con nghiện facebook). Kéo hết một lượt từ trên xuống dưới, bỗng, một clip tiếng Trung mang tựa đề “Này anh! Em sẽ lấy anh đấy!” nghe có vẻ dễ thương bất ngờ đập vào mắt tôi trên bảng tin. Thường thì tôi sẽ chẳng bao giờ thèm đoái hoài đến những clip up nhan nhản trên mạng như thế này đâu, nhưng sau khi vô tình nghía qua đọc được mấy dòng phụ đề thì lại thấy nội dung bài hát hợp thực là với tâm trạng của tôi ngày hôm nay quá! Vậy là quyết định bật lên nghe. Vừa nghe, tôi vừa ôm lấy hai cái gò má bánh bao vẫn còn ửng hồng lên vì dư âm hạnh phúc, rồi thỉnh thoảng lại tủm tỉm mỉm miệng cười chúm chím như một đứa ngớ ngẩn.
Chẳng hiểu sao tự dưng tôi lại thích nghe đi nghe lại bài hát này đến thế! Bình thường thì những loại nhạc đại trà thế này tôi sẽ chỉ nghe một lần là thôi, thế mà hôm nay tôi đã phải ấn replay đến hơn chục lần, rồi cuối cùng còn quyết định post nó lên facebook kèm một dòng status mang nội dung cực sốc nữa.
“Này anh! Nếu anh thấy phiền thì hãy lấy em đi!”
…
Tôi biết là kể từ khi mình xuất hiện, bản thân tôi đã đem đến thật nhiều phiền phức trong cuộc sống của Long, nhưng bù lại, chẳng phải anh vẫn luôn cười tít mắt với những “phiền phức” mà tôi mang lại đó sao? Và thật ra, clip này cũng là để thay cho một lời cảnh báo: “Nếu anh thấy em phiền thì phải lấy em đi thôi!”
Cả đêm hôm ấy, những dòng phụ đề vui nhộn cứ nhảy nhót mãi trong giấc mơ điên rồ ngập tràn màu sắc của tôi…
“Còn rất nhiều quần áo chưa giặt nhưng em lại đi xem tivi.
Nếu bây giờ bị anh trông thấy nhất định sẽ rất tức giận!
Em dành nhiều thời gian để viết nhật kí.
Có lẽ anh sẽ nghĩ rằng em thật trẻ con.
.
Chỉ cần được gần bên anh… Ôi! Quá đỗi ngọt ngào!
Cứ như thể anh đem lại không khí cho thế gian này!
Anh càng lạnh lùng thì em lại càng nhớ đến anh nhiều hơn.
Lẽ nào em đang bị thần kinh mất rồi?!
.
Anh yêu em, anh không yêu em, nếu anh không yêu em vậy ai sẽ yêu em?
Anh thấy phiền hà vì em, anh đang khó chịu vì em…
Anh thêm lần nữa mệt mỏi vì em, vậy anh cưới em nhé?
.
Em sẽ luôn luôn, luôn luôn, luôn luôn nghĩ về anh.
Cầm cục gôm tẩy cũng không xóa hết được đầu óc đen tối của anh!
Anh có vô số lỗi lầm và tính xấu
Nhưng bởi vì em yêu anh nên em tha thứ hết!
.
Anh yêu em, anh không yêu em, nếu anh không yêu em vậy ai sẽ yêu em?
Anh thấy phiền hà vì em, anh đang khó chịu vì em
Anh thêm lần nữa mệt mỏi vì em, vậy anh cưới em nhé?”
...
Mặc cho tôi hớn hở là thế, vậy mà phải mãi đến hơn mười hai giờ đêm, sau khi nhận được bài hát này từ tôi, hắn lại chỉ cười phá lên cười rồi giễu cợt tôi bằng một tin nhắn thoại ngớ ngẩn như thế này:“Ôi em hâm thật rồi! Anh sẽ không lấy em đâu! Vì lấy em phiền phức lắm! Ha ha ha!”.
Tối hôm ấy tôi đã ngủ rất ngon, ngủ ngon đến nỗi quên béng mất việc phải từ chối lời mời của Lâm về cuộc hẹn dành cho ngày chủ nhật tuần tới như thế nào. Ôm ghì lấy con gấu bông béo ú, tôi gác chân lên nó, áp chặt mũi nó vào má tôi và… nhỏ cả dãi ra lông của nó.
Giấc ngủ ngày hôm ấy có lẽ sẽ cứ trôi qua bình yên và êm ái như thế nếu như tôi không bị tiếng hét giữa đêm khuya của mẹ bất ngờ vang lên phá bĩnh. Nửa đêm nửa hôm rồi mà mẹ còn làm ầm lên vì cái gì thế không biết! Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, tự dưng tôi cũng cảm thấy lạnh hết cả người nên liền vội vàng bật tung chăn, hớt hải chạy xuống tầng dưới.
Vốn định chạy thẳng xuống tầng hai, nhưng lúc lướt qua phòng thằng Quân tôi lại thấy đèn đang được bật sáng choang, cửa cũng đã mở toang, vội vàng chạy vào, tôi thấy mẹ đang ngồi trên giường Quân, hai tay chắp lạy, miệng thì không ngừng lầm bầm niệm chú: “Nam mô a di đà phật… Nam mô a di đà phật!” Nhìn Quân nằm bất tỉnh trên giường, hai mắt mở dật dờ cứ đảo qua đảo lại như bị ma nhập làm tôi lạnh hết cả sống lưng. Mặc cho tôi hết lay rồi lại gọi đến năm lần bảy lượt mà thằng bé vẫn nín thinh, hình như nó chẳng còn nhận thức để mà trả lời. Sợ quá! Tôi liền gọi taxi rồi giục mẹ và bố bế em lên xe chở thẳng tới bệnh viện.
Thật ra thằng Quân đã sốt hâm hấp suốt mấy ngày nay rồi, nhưng tại nó cứ cứng đầu không chịu uống thuốc, rồi lại còn ngang ngược thức khuya cày game nữa. Trong nhà chẳng ai bảo được nó, kể cả tôi. Nhìn thằng bé nằm thở thoi thóp trên giường bệnh, sau khi được bác sĩ truyền cho mấy chai nước, cuối cùng thì nó cũng chịu nhắm mắt và dần thiếp đi, trong lòng tôi và mẹ cũng thấy bớt lo hơn vài phần.
…
Đã hai giờ sáng, cả nhà tôi vẫn còn ngồi thấp thỏm trông thằng Quân ở bên giường bệnh, bác sĩ bảo chỉ được để lại một người ở qua đêm thôi để tránh gây mất trật tự cho những bệnh nhân xung quanh. Nhìn mặt mẹ tái dại đi vì sợ hãi, cắt không còn một giọt máu, tôi liền bảo bố đưa mẹ về, để tôi ở lại một mình là được rồi. Lúc đầu thì mẹ nhất quyết không nghe, khăng khăng đòi ở lại, nhưng mà tôi thì cũng cứng đầu chẳng kém, nên cuối cùng mẹ đành chịu thua.
Ngồi bên cạnh nhìn thằng Quân ngủ thiếp đi, thỉnh thoảng trong giấc mơ người nó còn lên cơn co giật khiến tôi cũng phải giật mình theo. Bất ngờ, thấy tay Quân đột nhiên quờ quạng, miệng thì không ngừng nói sảng: “Chị Mai… tay đâu…”, tôi liền vội vàng đưa tay ra nắm lấy. Trong phút chốc, Quân nắm lấy tay tôi rất chặt, như thể nó sợ chỉ cần lỡ buông ra là tôi sẽ biến mất ngay vậy. Tôi biết nó lại đang bị hoảng loạn trong những giấc mơ. Quân thường xuyên gặp ác mộng kể từ đợt học lớp mười hai, lúc xem xong phim “Inception” nó liền lên mạng nghiên cứu và tập luyện về cách tự điều khiển giấc mơ của chính mình. Sau khi luyện tập thành công, nó thường nhớ như in những giấc mơ ấy và hay kể lại cho tôi nghe một cách thật hào hứng rằng mình đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị như thế nào.
Việc đó nghe có vẻ hay, nhưng tôi không dám làm theo. Tôi biết, cái gì cũng có hai mặt của nó. Và chỉ nửa năm sau, hậu quả để lại từ những giấc mơ ấy bắt đầu diễn ra một cách đáng sợ hơn. Quân thường xuyên bị ảo giác trong những giấc mơ mà theo nó kể lại thì cảm giác đó giống như bị một thứ tà khí cào cấu, lôi kéo mình ra khỏi giường, kéo lê mình đi đến những nơi xa xăm nào đó mà Quân chẳng thể xác định. Cảm giác đó rất đáng sợ, giống như xung quanh đầy gió và rét buốt mà không sao thoát ra được. Đó chính là lúc Quân không còn khả năng tự điều khiển giấc mơ của mình nữa. Theo như em trai tôi nghiên cứu được ở trên mạng thì hiện tượng đó còn gọi là “Lucyd dream”.
Kể từ đó trở đi, dù là bằng cách này hay cách khác, Quân hoàn toàn không thể tự cứu vãn được mình nữa. Những cơn ác mộng cứ thế đến thường xuyên hơn nên tôi thường phải lấy cớ sợ ma để xuống phòng ngủ cùng nó, nhưng thực chất là tôi muốn ở ngay bên cạnh, phòng khi nó gặp ác mộng thì tôi có thể lập tức trấn an giúp thằng bé… như là chính lúc này.
Khi bị mắc kẹt trong ác mộng, người Quân thường rất lạnh, vì thế tôi liền chạy ngay sang phòng y tá để đánh thức họ dậy rồi xin mượn một chiếc chăn dạ để đắp thêm lên người thằng bé. Lúc tôi kéo mép chăn lên đến tận cổ nó, tay thì vẫn nắm chặt lấy tay thằng bé, tôi thấy người Quân đỡ lạnh hẳn, khuôn mặt căng thẳng dần giãn ra, hình như nó cũng đã bớt cựa quậy. Cứ để lặng đi như vậy một lúc lâu, sau đó tôi mới dám từ từ rút tay ra rồi tựa mình vào một góc tường ở đầu giường, kê cái ghế sát lại gần đó, xong xuôi thì ngả mình dựa vào rồi quyết định đi ngủ. Thế nhưng suốt cả đêm hôm ấy, hết Quân rồi lại đến bệnh nhân ở giường kế bên thay nhau trở giấc. Có lẽ bởi vì ông ấy đã già nên không thể tự đi vệ sinh được nên người ta mới cắm vào cơ thể của ông ấy một đường truyền dẫn tới cái bịch nước thải mà khi nào bịch nước đầy thì chỉ cần mở nắp rồi đem đi đổ là được. Nhưng lạ thay, cả hai vợ chồng nhà bên đó thấy bố ngủ không ngon mà vẫn cứ nằm yên ngáy khò khò. Không thể hiểu nổi là con cái kiểu gì! Thấy bịch nước đã gần đầy đến kịch kim, tôi đành lọ mọ đứng dậy rồi lay vai bà vợ dậy, thì thào nói.
- Cô ơi, bịch nước thải của cụ đầy lắm rồi!
Nghe tiếng tôi nhắc đến lần thứ ba thì người phụ nữ trung niên mới giật mình tỉnh dậy, rồi vội vàng đi làm phận sự của mình.
Vậy là cả đêm hôm ấy, cứ cách một tiếng thì hết tôi lại đến người nhà giường bệnh bên lại lục đục tỉnh giấc để chăm sóc cho bệnh nhân nhà mình. Khoảng gần bốn giờ sáng, người Quân bắt đầu đổ mồ hôi nhiều hơn, nhìn trán nó ướt đẫm, tôi lo quá, liền vò sạch chiếc khăn rồi nâng người nó dậy, lau cho sạch mặt mũi và phần lưng đầy mồ hôi.
- Chị ơi, em ngứa lưng quá!
Không biết là thằng này ngứa thật hay nói mơ nữa, tôi bẩm lẩm.
- Ngứa quá! Chị gãi hộ em đi!
Thôi xong, quả này là ngứa thật rồi! Còn đâu giấc ngủ của tôi nữa! Hu hu hu! Xốc người nó dậy, hết gãi lưng xong nó lại đòi đấm lưng. Được tôi mát xa, thoải mái, nó cứ kêu ư ử như chú cún con lâu ngày mới được gãi lông sau khi bị rận cắn lung tung vậy. Chỉ khổ bà chị già này thôi, ngày kia thi rồi mà chẳng ngủ được tí nào cả. *sụt sịt*
…
Sáu giờ sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy sau khi đã chợp mắt được tầm ba mươi phút, vệ sinh cá nhân cho Quân xong đến khoảng sáu giờ mười lăm phút thì nó lại kêu đói, may mà lúc đó mẹ cũng kịp nấu cháo từ sớm rồi đem vào viện cho Quân. Sáu rưỡi, tôi được trở về nhà, cả người đau nhức như thể vừa bị ai đó vặn gẫy hết xương. Sao mà tôi sợ cái mùi lành lạnh, hanh hanh nơi bệnh viện thế không biết!
Vốn định bùng tiết đầu, nhưng lại sực nhớ ra hôm nay là ngày cuối cùng đem bài cho cô duyệt. Đã nhớ cô nhắc nếu chưa được duyệt thì cũng không cho dán bài thi nên tầm bảy rưỡi tôi lại đành bò dậy, vội vàng phóng đến trường. Y như rằng, cô lại bắt lỗi chiếc áo vẽ tay đơn giản của tôi bằng cách gợi ý đính thêm ít đinh lên xung quanh mắt con mèo cách điệu. Vậy là tám giờ tối sau khi kết thúc ca làm cuối cùng trong ngày tôi lại phải phóng như bay đến Hàng Bồ để mua một túi đinh chóp hòng đóng thêm vào áo của mình trông cho đỡ tẻ nhạt.
Trước khi làm mà không nghĩ kĩ và làm một thứ mà mình chưa hề biết gì trong khi nước đến chân rồi mới nhảy quả là một việc vô cùng ngu ngốc! Ý tưởng đóng đinh vào áo của tôi lúc này chính là một ví dụ điển hình. Đinh chóp có đế nên cần phải dùng khuôn thì mới giữ được thăng bằng vậy mà tôi lại cứ hí hoáy dùng tay để giữ… cuối cùng toàn tự đập vào tay mình. Không những thế, phòng tôi còn ở tầng trên cùng nên những tiếng gõ búa cứ vang lên cồm cộp làm âm vọng hết cả nhà. Mẹ tôi đang ở dưới tầng một nấu cháo để mang vào viện cho Quân nghe thấy bực quá cũng đành phải bỏ dở công việc để lên xem. Vừa nhìn thấy tôi ngồi lọ mọ một cách khổ sở, loay hoay mãi không đóng nổi vài cái đinh, bà liền chống nạnh rồi gắt ầm lên một cách bực bội.
- Ôi trời ơi con ngu này! Sao trước khi mua mày không hỏi tao? Thợ đóng cúc đây thì không hỏi lại tự ý tự quyền làm! Làm thế này thì có đến sáng mai mày cũng không xong.
Tôi vốn đã đang mệt, từ tối qua đến giờ vẫn chưa chợp mắt được chút nào, cơ thể đã bắt đầu rơi vào trạng thái bải hoải, đờ đẫn, nghe cái gì cũng như búa giã vào đầu nên mẹ càng nói chỉ càng khiến tôi váng hết cả óc lên. Vì thế, tôi liền sưng mặt lên cãi lại.
- Kệ con! Dù sao sáng mai con cũng phải nộp áo rồi. Mà mẹ có cầm theo điện thoại bao giờ đâu mà gọi!
- Hừ! Thích ngựa non háu đá à! Không nghe lời tao thì mày chỉ có ăn cám. Mày cứ gõ ầm ầm thế này ai mà chịu được!
- Nhưng không gõ thì không đóng được!
- Chờ đấy tao kiếm cho cái khuôn!
Cứ tưởng mẹ nói đùa, ai ngờ một lát sau mẹ đem về cho tôi một bộ khuôn gồm đế và chóp để tôi giữ đinh thật. Tôi mừng rơi nước mắt. Mẹ tôi đúng là chỉ được cái “khẩu xà tâm phật”. Hì!
- Đây! Mày phải đặt áo lên đế gỗ bằng phẳng như thế này, rồi dùng cái đục, đục một lỗ để đút đế đinh vào rồi mới đặt cái chóp lên xong lại úp tiếp cái khuôn để giữ thăng bằng thì mới đóng được chứ! Không thì có mà đóng bằng mắt.
Chẳng hiểu sao mặc dù biết mẹ có ý tốt nhưng giọng mẹ nói lúc nào nghe cũng nặng nề như mũi dùi xuyên vào óc như thế khiến tôi càng nghe lại càng ong hết cả đầu. Ngồi nhìn tôi đóng mà mẹ liên tục chỉ huy rồi chê bôi khiến tôi phát điên lên được. Tôi vốn là một người rất nóng tính, nhưng lại hay nhẫn nhịn. Bởi vậy mà mỗi lần vừa ốm vừa bực lại vừa phải nhịn như thế này, tôi cảm thấy tức ngực vô cùng. Nhịp tim bắt đầu đập nhanh hơn và tay chân cũng bắt đầu nhũn ra như sợi bún, đôi đồng tử hoa lên mờ ảo, thỉnh thoảng lại cay xè đến nỗi mọi thứ trước mắt đều nhòe đi hết thảy. Không phải là tôi khóc do bị mẹ mắng, tôi nghe mẹ mắng đến nỗi nhàm tai rồi nên có mắng nữa cũng chẳng xi nhê. Chỉ là rơi nước mắt vì đầu quá đau mà không làm cách nào khuyên mẹ bớt nói đi được. Lúc này đây, ngay đến việc thở mạnh còn khó khăn huống chi là cao giọng phân bua với mẹ! Đang không biết phải làm thế nào thì đúng lúc đó bố tôi ung dung bước lên phòng, toe toét cười nói.
- Cái gì đấy! Cái gì mà cứ mắng con xoen xoét ra đấy! Đưa đây để bố xem cho nào!
Nghe thấy thế, tôi liền đẩy áo sang cho ông ngay. Dù sao thì cái việc đóng đinh cũng là việc của đàn ông nên tôi cảm thấy mình có thể đặt sự tin tưởng. Đây là lần đầu tiên tôi nhờ vả ông một việc gì đó kể từ khi ông chuyển về cái nhà này. Tự dưng ngồi nhìn cảnh hai phố con phối hợp với nhau, một người đục lỗ, một người đóng đinh, tôi lại thấy niềm vui thầm len lên trong lòng. Kể từ khi ông về, chưa bao giờ có lúc hai bố con lại phối hợp ăn ý với nhau như thế này. Đúng là trong một gia đình, vị trí của người đàn ông rất quan trọng. Họ là trụ cột, không chỉ là trụ cột về mặt tài chính, mà còn là trụ cột về mặt tinh thần. Trong những công việc nặng nhọc như lắp điện đóm, đóng bàn ghế hay xây nhà, người phụ nữ dẫu sao cũng không thể làm tốt như người đàn ông được. Mặc dù vậy, nhưng mẹ tôi đã thay ông gánh vác trách nhiệm vừa làm bố lại vừa làm mẹ trong suốt quãng thời gian mười tám năm tuổi trẻ của cuộc đời.
Hai bố con tôi cứ lọ mọ suốt cả tối như thế cho đến tận hơn mười một giờ tối thì chiếc áo mới hoàn thành. Căn bản chất vải mà tôi chọn quá mỏng, không đủ dày dạn để có thể được đinh nên đóng đi đóng lại mấy lần mà nó cứ long ra hoài. May mà cuối cùng thì cũng xong! Sau khi công việc kết thúc, tôi lại chào bố rồi phóng ngay đến bệnh viện để thay ca cho mẹ. Mẹ tôi cũng có tuổi rồi, không nên để bà thức đêm ngủ vật vờ ở bệnh viện như thế, huống hồ ở đấy còn chẳng có giường dành riêng cho người nhà của bệnh nhân. Người bị đau lưng mãn tính như mẹ tôi làm sao mà có thể ngủ ngồi cho được!
…