Từ Bỏ Thế Giới Vàng - Phần II - Chương 20 Part 2



Ánh Sáng Ban Ngày mắng như tát nước vào mặt Matthewson: 

- Không được là thế nào? Thế anh nghĩ tôi đang điều hành một cơ sở gì đấy? Một cơ sở nuôi toàn những thằng dở hơi không tự săn sóc được, nên suốt ngày tôi phải lo bón cơm, mặc quần áo và chùi mũi cho chúng chắc? Đâu có phải như vậy. Tôi đang phải làm việc bở cả hơi tai ra đây này, và lúc này tôi muốn mọi người làm việc chung với tôi cũng phải như vậy. Tôi không muốn nhân viên của mình toàn là những con chim chỉ bay được trong thời tiết thuận hoà. Thời tiết lúc này xấu, rất xấu, nên tôi muốn họ và tôi cùng lao vào đỡ cho nhau. Ngay lúc này đây ở Oakland đã có đến mười ngàn người thất nghiệp rồi, ở San Francisco thì con số thất nghiệp lên đến hơn sáu mươi ngàn. Người cháu của anh, hay bất kỳ ai khác hiện đang làm ăn lương ở đây đều phải làm theo lệnh tôi, còn không thì cứ việc nghỉ. Anh hiểu chứ? Nếu họ không mua chịu thực phẩm được anh thì anh hãy đích thân bảo lãnh cho họ với mấy tay chủ hàng rồi cắt giảm lương họ cho tôi. Từ trước đến nay tôi đã cáng đáng cho mấy ngàn người được, vậy lúc này họ phải rán tự cáng đáng lấy một thời gian, thế thôi. 

Anh cũng nói với tay kỹ sư trưởng công ty cấp: 

- Anh nói phải thay cái lọc nước này chứ gì? Được chúng ta sẽ thay thôi. Nhưng bây giờ cứ tạm cho mọi người ở Oakland uống bùn một thời gian gọi là để thay đổi khẩu vị. Như vậy họ sẽ biết có nước tốt để uống là quý giá như thế nào. Cứ cho nhà máy tạm ngưng hoạt động ngay lập tức và cho công nhân nghỉ việc. Hãy bỏ tất cả các đơn đặt mua nguyên vật liệu đi. Anh sợ bọn họ kiện vì mình đã ký hợp đồng rồi mà ngưng ngang à. Cứ để mặc cho họ kiện. Trước khi họ nhận được phán quyết của toà án thì mình đã hoặc phá sản hoặc đã tai qua nạn khỏi rồi, lo gì. 

Với Willson, anh ra lệnh: 

- Cắt bớt chuyến phà khuya đi. Cứ mặc cho thiên hạ la ó, nhưng họ sẽ được về với vợ sớm hơn. Cả chuyến xe điện cuối rước khách của chuyến phà lúc 12 giờ 45 ở khu Hai Mươi Hai và Hastings nữa cũng cắt bớt đi. Chỉ có hai hoặc ba hành khách thì đón làm gì. Nói với họ rán đón phà về sớm hơn, còn không thì cứ việc cuốc bộ. Lúc này không thương xót họ được. Cả các chuyến xe chạy vào giờ cao điểm cũng phải rút bớt đi. Cứ để hành khách trả tiền cho xe rồi cho họ đứng cũng được. Họ sẽ giúp ta tiết kiệm thêm một số tiền để sống qua cơn bĩ cực này. 

Với một tay trưởng phòng khác không chịu đựng nổi mức tiết kiệm căng thẳng này. Ánh Sáng Ban Ngày nói. 

- Anh nới là tôi không làm thế này thế khác được, phải không? Tôi sẽ chỉ cho anh xem vài trường hợp người ta vừa đối xử với những kẻ lúc nào cũng bảo không làm thế này thế nọ được. Anh muốn nói anh buộc lòng phải từ chức hả? Nếu anh nghĩ như vậy, cũng được thôi. Từ trước tới nay tôi chưa thấy có ai tôi cần mà tôi không kiếm được cả. Còn đối với những ai nghĩ rằng tôi sẽ gặp khó khăn nếu không có họ thì tôi sẵn sàng chỉ cho họ biết người ta sẽ đối xử với họ như thế nào bằng cách cho họ tự đi tìm việc ở nơi khác. 

Cứ thế anh thúc đẩy mọi người, đấu tranh với họ, doạ dẫm họ, có khi lại nói ngọt với họ để mọi việc chạy đều. Sự phấn đấu từ lúc mờ sáng đến tối mịt không lúc nào ngưng nghỉ. Mỗi ngày, tại phòng làm việc riêng của mình, anh phải tiếp rất nhiều người. Tất cả mọi người đều đến hoặc được gọi đến để trao đổi với anh, lúc thì một ý kiến lạc quan về cuộc khủng hoảng, lúc thì một ý kiến lạc quan về cuộc khủng hoảng, lúc thì một câu chuyện vui nhộn, lúc lại để nói chuyện làm ăn một cách nghiêm chỉnh hoặc để giải quyết thanh toán thẳng thừng với nhau. Không ai có đủ sức để đỡ đần cho anh cả. Suốt ngày anh cứ phải đôn đốc mọi người để công việc chạy đều, mà anh phải làm việc đó một mình. Anh cứ phải làm như thế hết ngày này qua ngày khác, trong khi xung quanh ảnh thế giới kinh doanh cứ tiếp tục chao đảo và các cơ sở làm ăn cứ thi nhau vỡ nợ. 

- Tình hình vẫn khả quan, ông bạn ạ! - Sáng nào anh cũng nói với Hegan như vậy. Suốt ngày anh cứ lập đi lập lại những lời phấn khởi ấy, chỉ trừ những lúc anh phải bù đầu đấu tranh để mọi người và mọi việc theo ý mình. 

Mỗi sáng, lúc tám giờ là anh đã ngồi vào bàn làm việc rồi. Đến mười giờ anh đánh xe ô tô đi một vòng các ngân hàng, và trong xe lúc nào cũng có sẵn hơn mười ngàn đô-la do hệ thống phà và xe điện đem lại cho anh ngày hôm trước. Số tiền này được dùng vào những chỗ yếu của con đê tài chính. 

Cảnh gặp gỡ giữa anh và tay chủ ngân hàng nào cũng tương tự như nhau. Tất cả bọn họ đều hoảng sợ đến mức không còn biết làm gì và việc đầu tiên là anh phải tỏ ra hết sức lạc quan. Anh sẽ bảo với họ là tình hình đang chuyển biến tốt. Dĩ nhiên là như thế, vì cứ ngửi mùi không khí cũng đủ thấy được điều đó. Việc cần làm lúc này là rán gắng gượng chịu đựng thêm một chút xíu nữa thôi thì mọi chuyện lại đâu sẽ vào đấy cả. Anh cũng nói thêm là ở miền Đông giờ đây tiền bạc đã có vẻ rủng rỉnh hơn rồi. Cứ nhìn hoạt động thương mại ở Phố Wall trong hai mươi bốn giờ qua chỉ cũng đủ thấy là gió đang ngả chiều nào. Mà chẳng phải là Ryan đã nói thế này thế nọ đấy ư? Chẳng phải thiên hạ đồn rằng Morgan đang chuẩn bị làm này làm nọ đấy ư? 

Riêng phần anh, chẳng phải mức lãi do hệ thống xe điện mang lại cứ gia tăng đều đặn đấy ư? Mặc dù đang có khủng hoảng thực sự, nhưng ngày lại càng có nhiều người đổ xô đến Oakland. Rồi người ta bắt đầu mua bất động sản. Cô người đã chịu mua cả ngàn mẫu đất của anh ở vùng ngoại ô, song chỉ có điều là anh chưa ngả giá đấy thôi. 

Đương nhiên cái gì mà chẳng có hy sinh, nhưng rồi sức ép cùng sẽ phải nhẹ đi và rồi những tay yếu bóng vía cũng sẽ lấy lại được tinh thần. Cái rắc rối chủ yếu là ở bọn yếu bóng vía này mà ra cả. Nếu không có bọn này thì làm gì có khủng hoảng được. 

Như Nghiệp Đoàn Miền Đông chẳng hạn, giờ đây họ đang thương lượng mua lại hầu hết cổ phần của anh trong Công ty Điện Lực Sierra và Salvador đấy thôi. Điều này chứng tỏ chính họ cũng tin là cơn khủng hoảng sắp qua rồi còn gì. 

Nhưng nếu các tay chủ ngân hàng không chịu lối lạc quan như thế, mà lại van nài, cầu khẩn hoặc làm thẳng cạn tàu ráo máng với anh thì anh sẽ tuỳ nghi mà xử sự. Nếu họ cứng thì anh cũng cứng lại. Chẳng hạn khi anh hỏi một điều gì mà họ từ chối thì anh sẽ không coi đó là một lời thỉnh cầu nữa mà là một đòi hỏi đến khi họ muốn sự cạn tàu ráo máng, muốn xé tan bức màn tình cảm và ảo tưởng về nhau đi, thì anh cũng sẵn sàng đồn họ và chỗ chết. 

Tuy vậy, anh cũng biết khi nào cần phải đấu dịu. Lúc nào anh thấy bức tường lung lay sụp vô phương cứu chữa ở một chỗ nào đó thì anh liền dùng tiền mặt do ba công ty có khả năng thu tiền mặt của anh để vá vào chỗ đó. Anh biết rằng nếu các ngân hàng vỡ nợ thì anh cũng vỡ nợ theo. Nhất định các ngân hàng phải gắng gượng mà tồn tại, bởi vì nếu họ phá sản, họ sẽ tung tất cả số giấy tờ chứng khoán mà họ đang giữ của anh ra cái thị trường hỗn loạn bên ngoài kia thì mọi việc của anh cũng đổ bể hết. Vậy mà nhiêu lúc ngoài số tiền hàng ngày ra anh còn phải mang theo trong xe cả những giấy tờ quý giá nhất mà anh giữ của Công ty Phà, Công ty cấp nước Thống Nhất, Công ty Xe điện để giao cho ngân hàng thế nợ. Dĩ nhiên anh làm chuyện này một cách bất đắc dĩ mà thôi, sau khi đã đấu tranh với họ từng ly từng tý một. 

Có lần anh đã nói với chủ tịch Ngân hàng Thương mại San Antonia khi ông này than phiền là đã phải giữ quá nhiều giấy thế nợ rồi: 

- Cứ để cho bọn cò con ấy chết hết đi. Tôi là con bài chủ ở đây. Chỉ có tôi mới đem lại cho ông được nhiều tiền mặt mà thôi, chứ đừng có hòng gì ở cái bọn đó. Đúng là ông đang phải giữ quá nhiều giấy thế nợ, vậy thì ông phải lựa chọn đi. Hoặc ông hoặc bọn chúng sẽ sống hay là chết. Tôi thì chẳng đời nào chết được. Cùng lắm thì ông cũng chỉ làm cho tôi bị rắc rối chút đỉnh, nhưng rồi thì ông cũng bị rắc rối to thôi. Cách giải quyết tốt nhất là ông cứ để mặc cho bọn cò con chết hết đi, và tôi cũng sẽ giúp ông một tay để triệt chúng. 

Trong cơn hỗn loạn kinh tế này, cũng chính Ánh Sáng Ban Ngày đã đánh giá và giúp một tay để triệt đối thủ của mình là Simon Dolliver. Sức mạnh của Dolliver là ở Ngân hàng Kim Môn Quốc Gia, và Ánh Sáng Ban Ngày đã nói với ông chủ tịch ngân hàng đó như sau: 

- Tôi đã giúp đỡ ông từ trước tới nay, vậy mà ông thì đang chết dở, còn Dolliver thì cứ bình yên cưỡi lên đầu chúng ta. Như vậy không ổn đâu. Ông cứ nghe tôi, như vậy, là không ổn đâu. Trong cơn hoạn nạn này Dolliver cũng chẳng dễ gì chịu nhả ra mười một đô-la để giúp ông. Vậy thì cứ bắt hắn leo xuống mà cuốc bộ đi, rồi tôi sẽ nói cho cho ông biết là tôi sẽ làm gì. Tôi sẽ dồn cho ông toàn bộ số tiền mà công ty xe điện của tôi thu được trong bốn ngày liền, tức là khoảng bốn mươi ngàn đô-la tiền mặt đấy. Thêm nữa, vào ngày 6 tây mỗi tháng, tôi sẽ đưa cho ông thêm hai mươi ngàn đô-la trong số thu của Công ty Cấp Nước - Ánh Sáng Ban Ngày nhún vai - Ông có nghe tôi hay không, điều đó tuỳ ông. Điều kiện của tôi là như vậy đó. 

- Đúng là cá ăn kiến. Gặp con kiến nào lảng vảng chung quanh là tôi đớp liền thôi - Chiều hôm đó Ánh Sáng Ban Ngày đã nói với Hegan như thế. 

Và thế là Simon Dolliver đã phải chịu chung số phận với những kẻ kém may mắn trong Cuộc Tổng khủng hoảng này, những kẻ bị kẹt cứng trong một đống giấy tờ mà thật trong tay chẳng có một cắc bạc nào cả. 

Những mánh lới và cách thức anh gỡ rối thật tài tình, không có điều gì, dù lớn dù bé, có thể lọt qua được cặp mắt quan sát tinh tường của anh. 

Đương nhiên đầu óc anh túc nào cũng căng thẳng một cách khủng khiếp. Anh không còn thì giờ ăn trưa nữa. Lúc này ngày đối với anh quá ngắn, và ngay cả trong giờ nghỉ trưa văn phòng anh cũng vẫn đầy người. Đến cuối ngày thì anh hoàn toàn kiệt sức, và khác với trước kia, bây giờ anh thường dùng rượu dựng lên một bức tường để đỡ cho đầu óc mình bớt căng thẳng vì công việc. Anh thường bảo tài xế đưa anh thẳng về khách sạn, rồi anh lên thẳng phòng mình. Ở đây anh gọi người phục vụ pha cho một ly Martini đúp. Rồi anh cứ nốc hết ly này đến ly khác, và khi đến giờ ăn tối thì anh đã thấy đầu óc choáng váng và quên hết mọi chuyện về cuộc khủng hoảng rồi. Đến giờ đi ngủ, sau khi uống thêm một ly rượu Whisky,Scotch là anh đã "đủ đô" - đủ đô ở đây không có nghĩa là anh la hét ầm ĩ hoặc mụ hẳn người đi mà chỉ có nghĩa là cảm giác của anh đã tê liệt một cách nhẹ nhàng dễ chịu. 

Sáng hôm sau, khi thức dậy anh thấy miệng mồm khô đằng đầu óc vẫn còn nặng nề thêm một lúc nữa, nhưng cảm giác đó rất chóng qua. Đến tám giờ anh lại có mặt ở bàn làm việc, lại lao đầu vào cuộc vật lộn. Đến mười giờ anh lại đi một vòng các ngân hàng. Từ sau lúc đó cho đến tận tối, anh lại phải đối phó không lúc nào ngừng nghỉ với những vấn đề rắc rối nan giải của kỹ nghệ, của tài chính và của con người lúc nào cũng bu quanh lấy anh. Đến khua anh lại trở về khách sạn, lại uống những ly Martini Scotch đúp. Chương trình hàng ngày của anh là như thế, kéo dài hết tuần này qua tuần khác.

--------------------------------

1 Tân Jerusalem: Thiên đường
2 Pearly Gates (Cổng Ngọc): mười hai cổng của Thiên Đường, mỗi cổng làm bằng một loại ngọc quý