Bạch Hổ Tinh Quân - Hồi 09 - phần 1

Mờ sáng ngày hai mươi tháng sáu, đàng trai có mặt ở Kỹ gia trang và đầu giờ Tỵ thì tân nương đã được rước về đến Lư gia trang, gần cửa đông thành Dụ Châu. Cơ ngơi của Lư Tài thần rất bề thế, tráng lệ và nằm trong một vườn cảnh cực kỳ xinh đẹp, rộng đến hàng chục mẫu. Do đó tiệc cưới được bày ngay trên thảm cỏ hoa viên, giữa sắc màu rực rỡ của hoa lựu. Vườn cảnh này có cả hoa lựu màu thuần trắng và vàng chanh, nhưng màu đỏ là chính. Mùa hè cây cối xum xuê cành lá, hoa bông ít ỏi, là lúc hoa lựu đỏ rực bừng nở, thi sắc đua hương, vô cùng hấp dẫn đáng yêu.

Nhà họ Lư giàu có nhất Dụ Châu nên khách khứa rất đông, lên đến hơn ngàn. Trong số ấy, ngoài những khách được mời còn có cả những kẻ bị mời, đấy là đám họ hàng nghèo khó của Lư Tài thần. Họ đã rầu thúi ruột khi nhận thiệp mời đám cưới.

Bản thân Lư Tài thân cũng chẳng muốn mời lũ bà con mạt rệp ấy, song lại ngại tiếng đời dị nghị, chê bai nên chẳng dám quên. Trong lễ giáo Trung Hoa, tình quyến thuộc rất được xem trọng, ít nhất là về mặt hình thức. Lư Tài thần không muốn sau này một lão chú họ khố rách áo ôm nào đó chửi bới, trách móc mình vì đã không đưa thiệp hồng khi cưới dâu. Dù rằng lão ta đã rất mừng khi được quên lãng, khỏi phải bán gà, bán thóc lấy tiền đi ăn cưới.

Số khách nghèo ấy độ hai ba trăm, được bố trí riêng một khu vực. Tuy nhiên thức ăn các bàn đều như nhau. Trăm bàn tiệc còn lại được dành cho những người khá giả hoặc quyền quý. Do chú rể Lư Công Đán là kẻ thành danh chốn võ lâm nên lượng khách giang hồ khá đông.

Tây Nhạc Kiếm Khách là đệ tử yêu của Trúc Lâm Tử, chưởng môn nhân phái Hoa Sơn. Vì vậy mà số đồng môn đến mừng hôn lễ Công Đán đã gần trăm. Ngoài ra Trúc Lâm Tử còn mời cả năm vị chưởng môn nhân kia trong Hội đồng Võ lâm đến chúc mừng cho học trò mình. Đấy sẽ là một vinh dự cực kỳ lớn lao đối với nhà họ Lư. Đằng nào họ cũng phải đưa quân đến Lạc Dương hỗ trợ Tử Khuê, giải cứu Cửu Hoa Thánh Y Cổ Sĩ Hoành, nên chẳng vị long đầu nào từ chối được. Chính vì thế mà Hội đồng Võ lâm đã gặp Tử Khuê khi chàng theo đám đưa dâu về đến Lư gia trang. 

Đàng trai thì rước, đàng gái thì đưa. Ngoài Kỹ Tòng Thư và gia đình em gái, trong đoàn tống hôn còn có những nhân vật nổi tiếng như bang chủ cùng phó bang chù Hoàng Phong bang đất Trình và Võ lâm đệ nhất mỹ nhân Đông Nhạc Tiên Hồ Dịch Tái Vân. Việc này đã khiến khách đàng trai rất ngạc nhiên. Nhất là khi Nữ Hầu tước Trình Thiên Kim và Dịch Tái Vân sánh vai nhau với vẻ thân thiết. Trước giờ họ nào có quen biết, qua lại gì đâu? Mọi người ngắm hai đoá hoa ấy và thầm khen bang chủ Hoàng Phong Bang kiều diễm chẳng kém Đông Nhạc Tiên Hồ.

Dịch Tái Vân thì coi trọng nhan sắc của chính mình nên rất tinh thông thuật trang điểm. Dưới bàn tay tinh tế, tài hoa của nàng, dung nhan Trình Thiên Kim hay bất cứ nữ nhân nào cũng đều trở nên xinh đẹp hơn trước bội phần.

Nàng đã ra sức điểm phấn tô hồng cho tân nương Kỹ Lưu Tiên, Trình Thiên Kim và cả mẹ chồng nữa. Kỹ nương đã đẹp đến nỗi Quách lão và Tử Khuê phải trầm trồ khen ngợi mãi. Kỹ nương vô cùng đẹp dạ sinh lòng yêu thương đứa con dâu bất đắc dĩ.

Ngược lại, với tài nghệ bậc thầy. Tái Vân đã kín đáo che mờ bớt nhan sắc của mình. Nàng thực lòng yêu thương Tử Khuê và mong muốn chàng được hạnh phúc trong cảnh gia đình êm ấm, nên sẵn sàng quên đi chính bản thân. Hơn nữa Tái Vân cảm thấy mình quá nhỏ bé trước mối chân tình quá sâu nặng mà nữ Hầu tước họ Trình đã dành cho Tử Khuê.

Họ Kỹ quê tận Tứ Xuyên, không có bà con chốn này nên đã mang theo sáu chục gia đinh để tăng phần thanh thế. Trong số ấy có bốn mươi gã hàng binh Xoa Lạp Cốc. Sau hôn lễ, chúng sẽ hộ tống vợ chồng Quách Thiên Tường về Hứa Xương, không quay lại Bảo Bình nữa.

Nón tre mới, y phục bằng lụa thượng hạng và không có áo tơi, bọn dũng sĩ đất Sơn Tây đã lột xác, chẳng còn ai nhận ra lai lịch. Họ vui sướng đến mức nói cười luôn miệng, thỉnh thoảng lại thò tay sờ nắn túi bạc bên hông. Quách lão đã phát trước cho mỗi gã ba chục lượng tiền lương. Số bạc ấy là cả một gia tài đối với những kẻ nghèo khổ, quê mùa. 

Lãnh thổ Trung Hoa rộng lớn nhưng chỉ có ba phần mười diện tích trồng trọt được. Thiên tai như hạn hán, lũ lụt năm nào cũng có nên việc đói kém là thường xuyên, còn nghèo túng là bệnh kinh niên của lê thứ.

Nhắc lại, thực khách bị hai nữ nhân cuốn hút nên không chú ý đến chàng công tử áo bào xanh, tuổi độ quá hai mươi, đi chung với đàng gái. Gương mặt chàng ta trắng xanh mịn màng, toát ra vẻ văn nhã và có phần nhu nhược. Chỉ mình bang chủ Cái bang Thạch Kính Tường nhận ra gã trai yếu đuối ấy là kẻ đã từng làm chấn động võ lâm với những chiến tích lẫy lừng. Và gã cũng là mục tiêu săn đuổi của khá nhiều người.

Không ai có thể ngờ rằng chàng công tử mặt trắng trơn kia lại là Cầu Nhiêm Đại Hiệp Hàn Thiếu Lăng. Râu của Tử Khuê mọc ra do xức thuốc nên khi cạo sạch và bôi thêm một loại thuốc khác thì chẳng còn dấu vết. Người rậm râu tự nhiên dù cạo sạch kỹ cách mấy thì chân râu vẫn xanh rì một khoảng da mặt.

Sau nghi lễ bái đường, hai họ ra hoa viên để nhận lời chúc mừng của khách và khai mạc tiệc cưới.

Bàn chủ vị đặt ở giữa các bàn của khách, dành cho phụ mẫu, trưởng bối hai họ, nam tả nữ hữu. Đã chia tả hữu thì phải ngồi đối diện nên ba chiếc bàn bát tiên mặt vuông đã được nối lại thành một bàn hình chữ nhật. Đàng gái bảy người thì đàng trai cũng bấy nhiêu.

Trong đám cưới, người Trung Hoa kỵ số lẻ vì "giai ngẫu" có nghĩa là đẹp đôi. Cho nên kể cả tân nương vào thì đàng gái chẵn tám. 

Do thiếu người nên đàng gái phải đưa cả những kẻ có vai vế thấp như ba vợ chồng Tử Khuê vào đoàn đại biểu. Tương ứng với việc ấy, đàng trai cũng có mặt ba chị gái của chú rể. Đám hậu bối đương nhiên phải ngồi ở cuối bàn.

Hiện tượng này hơi trái lễ tục song Lư Tài thần và Kỹ Tòng Thư là bạn văn chương, tính tình phóng dật nên chẳng thèm để ý đến tiểu tiết.

Lư Tài thần tên gọi Cảnh Thuần, tuy giàu cự vạn, song lại chẳng phải loại trọc phú mà là hạng trưởng giả phong lưu tao nhã. Thân hình lão mảnh khảnh, mặt mũi thanh tú, râu ba chòm dài thượt, trông giống thầy đồ hơn là lái buôn.

Nhưng vợ lão lại không được đẹp, thân thể núc ních những ngấn mỡ, mặt tròn như mặt thớt, trông mà phát chán.

Chính vì thế mà Lư Cảnh Thuần vô cùng ái mộ nhan sắc não nùng của Kỹ Thanh Lam, em gái của sui gia mình. Ở tuổi quá ngũ thập mà Kỹ nương trẻ trung, xinh đẹp khác thường, khiến Tài thần càng tủi thân và sinh lòng ghen tỵ với Quách Thiên Tường.

Ngược lại Quách lão rất đắc ý, hãnh diện vì vợ mình xinh đẹp hơn hẳn vợ đối phương. Ông thầm thương hại Lư Cảnh Thuần khi phát hiện lão nhìn Kỹ Thanh Lam với ánh mắt say mê. Họ Lư có thể mua những tỳ thiếp nhan sắc hơn Thanh Lam nhưng chẳng thể trưng ra khoe được. Lư phu nhân mới là người có quyền cùng Cảnh Thuần xuất hiện giao tế. Rốt cuộc Lư Tài thần vẫn bẽ mặt vì có bà vợ quá xấu.

Ngoài vợ chồng Lư Cảnh Thuần cùng ba ái nữ, phe đàng trai còn có vợ chồng lão biểu đệ của Cảnh Thuần. Lão này tên gọi là Lư Cảnh Duy, quân sư quạt mo của Lư Tài thần.

Hầu hết những dòng họ của Trung Hoa đều dùng chữ lót để phân biệt bối phận. Như trường hợp này chẳng hạn, những người lót chữ Cảnh thì cùng một đời, là huynh đệ với nhau. Tên con của Cảnh Thuần lót chữ Công và con của Lư Công Đán lót chữ Tú…

Lư Cảnh Duy là người mưu mẹo, giỏi nghề nịnh hót và đoán ý chủ nhân. Lão hiểu thấu tim đen Cảnh Thuần nên tìm cách tâng bốc họ Lư và bỉ mặt Quách Thiên Tường.

Vì an nguy của Quách gia trang mà Kỹ Tòng Thư chỉ giới thiệu phe mình một cách đại khái sơ lược, khiến cho đàng trai tưởng Quách Thiên Tường chỉ là một tiểu phú đất Hứa Xương.

Thực ra gia sản nhà họ Quách còn lớn hơn nhà họ Lư, dù Thiên Tương không mang danh Tài thần. Hứa Xương là nơi đô hội phồn vinh nhất Hà Nam, còn Dụ Châu chỉ là một địa phương nhỏ bé thô lậu.

Cho nên người giàu nhất Dụ Châu cũng chỉ bằng một kẻ bậc trung ở Hứa Xương.

Đối với hai nữ nhân thì Tòng Thư cũng không nói rõ thân phận cháu dâu, chỉ xem Thiên Kim và Tái Vân là khách, được mượn đi hộ cho đông đủ.

Thứ tự chỗ ngồi của bảy người đàng gái như sau: Kỹ Tòng Thư, Quách Thiên Tường, Kỹ Thanh Lam, Trình Thiên Kim, Dịch Tái Vân, Trình Kiếm Các, Quách Tử Khuê. Chính vì vậy người ngoài khó đoán ra quan hệ giữa Quách công tử và hai ả hồng nhan tuyệt thế. Hơn nữa nữ Hầu tước cùng Đông Nhạc Tiên Hồ đều là bậc hào kiệt võ lâm, lẽ nào lại chịu ghé mắt xanh đến cái gã con nhà giàu bạc nhược nọ? Mắt Quách công tử có vết thâm quầng chứng tỏ tính cách ăn chơi, truỵ lạc, vô tích sự.

Sau vài tuần rượu, Lư Cảnh Duy đứng lên, nâng chén uống mừng Lư Tài thần và sang sảng nói với toàn trường:

- Lư Tài thần phú xưng địch quốc, lại là kẻ tao nhân mặc khách, văn tài xuất chúng khác hẳn lẽ thường, khiến người người khâm phục. Công Đán hiền điệt cũng là bậc anh hùng cái thế, danh vang tứ hải, làm rạng rỡ tông môn. Lão phu vô cùng hãnh diện nên nhân ngày đại vũ hôm nay, ra một vế đối như sau:

"Phú tỷ Đào Chu, phụ Văn tử Võ, Lư thị lưỡng thế vinh hiển!"

(Đào chu tức là Đào Chu Công, tên khác của Phạm Lãi thời Xuân Thu Chiến Quốc. Sau khi giúp Việt Vương Câu Tiễn phục quốc, Phạm Lãi đã mang Tây Thi trốn đi. Ông đổi tên thành Đào Chu Công, làm nghề buôn bán và trở nên rất giàu có).

Đọc xong vế đối, Cảnh Duy mỉm cười nói tiếp:

- Lão phu xin trao giải thưởng trăm lượng vàng cho bậc tài tử nào hoàn thành vế đối thứ hai.

Lư Tài thần được biểu đệ tâng bốc trước mặt Kỹ nương lòng vô cùng khoan khoái, lão liền cười rạng rỡ, đứng lên cao giọng:

- Một trăm lượng thì e rằng không xứng với giá trị của văn chương, lão phu xin góp thêm vào giải thưởng thêm bốn trăm lượng nữa!

Thực khách cực kỳ hoan hỉ. Nhất là đám người từng tập tành thi phú. Họ quên cả ăn uống, cau mày nhăn trán, cố nặn ra chữ nghĩa để chiếm lấy năm trăm lượng vàng.

Cảnh Duy an tọa xong, thân mật bảo đằng gái:

- Kỹ lão huynh có tài bảy bước làm thơ nên sẽ không được tham gia, kỳ dư đều có thể!

Và lão thâm hiểm mời mọc Quách Thiên Tường:

- Quách trang chủ văn chất bân bân, sao không phun châu nhả ngọc, tặng cho lão phu vế đối thứ hai.

Tướng mạo Quách Thiên Tường hơi thô lậu, cục mịch nên đối phương chắc mẩm rằng ông dốt nát chuyện văn chương. Quả là Cảnh Duy tinh đời, đã đánh trúng nhược điểm của Quách lão.

Nhưng Thiên Tường đã có chỗ sở cậy nên thản nhiên cười khà khà đáp:

- Lão phu đã sớm nghĩ ra vế đối song xin nhường cho quan khách trổ tài trước. Chúng ta là chủ nhà, lẽ nào lại tranh giành với khách?

Quách lão vừa nói xong thì đã có một người lên tiếng. Giọng gã ta oang oang và rè như chuông bể:

- Tại hạ họ Tang tên Đông Dã, tuy là người học võ song cũng sính văn chương, từng được chị em kỹ nữ thành Côn Minh tặng cho danh hiệu Vân Nam Tài Tử.

Thực khách phá lên cười và có vẻ mỉa mai:

- Con bà nó! Té ra ngươi là thi sĩ chốn lầu xanh, chuyên làm thơ vuốt mông bọn gái điếm. Thế mà cũng khoe!

Tang Đông Dã là một hán tử tuổi độ ba mươi lăm, ba mươi sáu, mặt ngựa, răng hô, trán thấp, mắt trâu, mũi hếch, gò má cao… xấu xí đến mức ban ngày cũng có thể doạ được lũ con nít. Thân hình gã lực lưỡng, thô kệch nhưng lại khoác áo học trò, đầu đội mũ thư sinh, trông thật ngứa mắt.

Họ Tang bị giễu cợt, xỏ xiên mà không hề nao núng, thản nhiên nói tiếp:

- Bẩm Lư trang chủ! Vãn sinh được lệnh lang cứu mạng cả tháng nay nên sẽ không nhận hết giải thưởng. Vãn sinh chỉ lấy bốn trăm chín chục lượng, còn mười lượng kia xem như đền ơn cơm áo nhà họ Lư!

Té ra Tang Đông Dã lưu lạc đến Dụ Châu, bụng không túi rỗng, sắp sửa đi ăn mày thì gặp được Tây Nhạc Kiếm Khách. Lư Công Đán động lòng trắc ẩn, kết bạn với hắn và đưa về nhà nuôi nấng.

Lư Tài thần cố nín cười, ôn tồn đáp:

- Tang hiền điệt cứ trổ tài trước rồi hãy nghĩ đến giải thưởng. Ngoài ngươi còn nhiều người khác nữa kia mà!

Tang Đông Dã ngượng nghịu gật đầu, hắng giọng ngâm nga cả hai vế đối:

"Phú tỷ Đào Chu, phụ Văn tử Võ, Lư thị lưỡng thế vinh hiển!"

Vế thứ hai do gã sáng tác thì được đọc lớn hơn và giàu âm điệu:

"Mỹ tự Tây Thi, nhũ Đại túc Trường, Cô nương chung dạ đắc hỉ hoan!".

Tạm dịch như sau:

"Giàu sánh Đào Chu, cha văn con võ, họ Lư hai đời cùng vinh hiển".

"Đẹp tựa Tây Thi, vú lớn chân dài, Cô nàng suốt đêm được sung sướng!".

Toàn trường phá lên cười hô hố, cười sằng sặc, cười lăn cười lóc. Trong khi đó mặt mũi anh em Lư Tài thần xám ngoét lại. Lư Cảnh Duy giận dữ tím người, quát vang như sấm:

- Gã khốn kiếp họ Tang kia! Sao ngươi dám sỉ nhục họ Lư chúng ta! Mau cút ra khỏi chốn này!

Khác với Lư Tài thần, Lư Cảnh Duy còn giỏi cả võ nghệ, công lực khá cao nên giọng nói rất lớn.

Tang Đông Dã đang hớn hở đắc ý về tài thi phú của mình, miệng cười toe toét, chìa hàm răng hô vàng ố, bỗng bị chửi mắng thì vô cùng ngạc nhiên. Gã bối rối biện bạch:

- Bẩm Lư nhị thúc! Vãn bối đối như thế là rất chỉnh, ý tứ hàm súc mạch lạc, sao gọi là sỉ nhục họ Lư được?

Thất Bổng Cái, bang chủ Cái bang biết Tang Đông Dã ngốc nghếch bẩm sinh, bị bọn kỹ nữ lừa dối huyễn hoặc nên cứ tưởng là mình hay chữ. Ông sinh lòng tội nghiệp gã nên cố nín cười mà giải thích:

- Này Tang hiền điệt! Người đem gái điếm đối với Lư thị thì có khác gì chửi cha người ta. Lão phu khuyên người đừng bao giờ làm thơ nữa, có ngày mang hoạ đấy.

Tang Đông Dã hiểu ra, toát mồ hôi hột, hổ thẹn vái dài, ấp úng nói: 

- Lư trang chủ! Vãn sinh vì ngu muội mà xúc phạm ân nhân, lòng vô cùng hối hận. Vãn sinh cáo từ, ân cứu mạng hẹn kiếp sau đền đáp.

Dứt lời, gã rời bàn thất thểu bỏ đi, trông vừa tức cười vừa đáng thương.

Lạ thay, lát sau chàng công tử họ Quách bất ngờ đứng lên, vái phe chủ nhà như xin phép rồi lén đi theo Tang Đông Dã. Đến gần cổng thì chàng ta bắt kịp họ Tang. Tử Khuê chặn gã ta lại và hỏi:

- Phải chăng Tang huynh là nam tử của Địa Thần Tang Thư Chí?

Tang Đông Dã giật mình bối rối, ngần ngừ một lúc rồi gật đầu:

- Đúng vậy! Nhưng tại sao công tử lại biết việc này?

Tử Khuê mỉm cười:

- Tiên sư là Du Mộc Chân Nhân, cùng lệnh tôn giao tình mật thiết. Tại hạ nghe ân sư thường nhắc đến Tang tiền bối, nay thấy Tang huynh có hàm răng rất giống Địa Thần nên tại hạ đoán càn vậy thôi.

Tang Đông Dã buồn rầu nói:

- Té ra lệnh sư cũng cưỡi hạc qui tiên như gia phụ. Năm mười hai tuổi tại hạ có được diện kiến lệnh sư một lần khi người đến Côn Minh thăm tiên phụ.

Tử Khuê trầm ngâm hỏi:

- Vì cớ gì mà Tang huynh lại rời quê, lưu lạc đến tận đây?

Tang Đông Dã đỏ mặt, thú thực:

- Tại hạ là kẻ bất hiếu, quen thói lăn lóc chốn yên hoa, nên chỉ hai năm đã khánh kiệt, chẳng còn nhà cửa lẫn ruộng nương. Ở lại Côn Minh thì xấu hổ đành phiêu bạt giang hồ, dầu cho đói khổ thì cũng chẳng ai biết mình họ Tang. 

Tử Khuê lên tiếng:

- Tại hạ xin tặng Tang huynh năm trăm lượng vàng để chuộc lại nhà cửa, ruộng vườn. Mong Tang huynh vì giao tình của tiền nhân mà hạ cố nhận cho.

Tang Đông Dã vui mừng khôn xiết, lúng ta lúng túng, vò nát quần áo mà chẳng nói nên lời. Cuối cùng gã cười hì hì đáp:

- Tại hạ đang sắp chết đói, chẳng dại gì mà từ chối lòng tốt của công tử. Nhưng tiên phụ từng dạy ta rằng "Vô công bất thụ lộc", nên Tang mỗ sẽ theo hầu hạ công tử một hai năm, sau đó về quê cũng chẳng muộn. Tài sản họ Tang được cầm cố cho bà con nên muốn chuộc lại lúc nào cũng được. Nếu công tử đồng ý điều kiện ấy thì ta mới dám nhận vàng.

Tử Khuê nghe gã nói cũng phải đạo, đành gật đầu chấp thuận.

Chàng vui vẻ bảo:

- Tại hạ họ Quách tên Tử Khuê, nhà ở Hứa Xương. Tệ trang cũng sắp sửa chữa, e rằng cần đến tài ba của Tang huynh đấy.

Tang Đông Dã phấn khởi đáp:

- Công tử cứ yên tâm! Tang mỗ tuy xấu xí, khờ khạo nhưng đã hấp thụ hết gia học, tinh thông các khoa địa chất, thổ mộc và thiết kế cơ quan ngầm. Tại hạ sẽ ra tửu điếm đối diện Lư gia trang mà chờ công tử.

Biết gã rỗng túi, Tử Khuê trao ngay một xấp tiền giấy trị giá đến bốn trăm lượng bạc. Đông Dã mừng húm, vái dài rồi quay bước.

Tử Khuê trở lại bàn, giả như người vừa đi tiểu xong. Bị toà khách sảnh đồ sộ che mắt nên những người trong khu bàn tiệc không thể thấy chàng trò chuyện với Tang Đông Dã.

Tử Khuê ngồi được một lúc thì quản sự Lư gia trang dẫn thêm khách vào. Vị khách đến trễ này chính là Thiết Đảm Hồng Nhan Tống Thuỵ, bằng hữu chí thân của tân lang.

Lư Công Đán vội bước ra đón tiếp, ngỡ ngàng nhận thấy Tống Thuỵ đi cùng với một nam nhân lạ mặt. Người ấy tuổi độ tam thập, dung mạo anh tuấn nhưng cực kỷ lãnh đạm cao ngạo. Ánh mắt của gã lạnh tanh và oai nghiêm đến bức người.

Lư Công Đán từng yêu thương Thiết Đảm Hồng Nhan trong nhiều năm, nên dù đã vui duyên mới mà lòng vẫn tiếc nuối không nguôi. Thà rằng Tống Thuỵ đi chung với sư huynh là Cầu Nhiêm Hàn Thiếu Lăng thì gã còn đỡ tức tối. Nay trong ngày đại hỉ của gã, Tống Thuỵ đã thế lại còn tha đến một gã "mục hạ vô nhân" khiến gã càng bội phần bất mãn.

Tây Nhạc Kiếm Khách hờ hững nói:

- Tống cô nương! Chẳng hay vị huynh đài này là cao nhân ở phương nào đến vậy?

Tống Thuỵ lạnh lùng đáp:

- Người này là vị hôn phu của ta. Họ Nhạc tên Cuồng Loan.

Lư Công Đán cười nhạt nói móc:

- Lạ thật! Thế mà trước giờ ta cứ ngỡ cô nương ái mộ Cầu Nhiêm Đại Hiệp Hàn Thiếu Lăng. Mời nhị vị nhập tiệc!

Nói xong gã quay bước đi trước, chẳng cần biết khách có cắn xé nhau vì câu nói chết người của mình hay không.

Nhưng sắc diện của Nhạc Cuồng Loan vẫn bình thản, không biểu lộ bất cứ một cảm xúc nào. Gã lặng lẽ sánh vai Tống Thuỵ đi theo Lư Công Đán.

Bọn hào khách Nam Dương thấy mặt Thiết Đảm Hồng Nhan thì hớn hở đứng lên réo gọi mời mọc. Song Tống Thuỵ cứ tảng lờ như không hề hay biết vậy. Thái độ bất thường này của nàng đã làm đám bằng hữu cũ bất bình. Họ thầm đoán nguyên nhân xuất phát từ cái gã mặt trắng mặc trường bào gấm nâu đang đi cạnh Tống Thuỵ.

Họ nóng nảy vẫy Lư Công Đán lại hỏi han:

- Này Lư huynh! Gã chết tiệt ấy là ai mà khiến cho Thiết Đảm Hồng Nhan phớt lờ cả bằng hữu cố tri vậy?

Tây Nhạc Kiếm Khách hậm hực đáp:

- Gã ta tên Nhạc Cuồng Loan, là vị hôn phu của Tống cô nương đấy. Trông kiểu cách khinh người của gã mà tại hạ ngứa mắt.

Đám cưới nào cũng có vài bàn dự trữ, phòng khi khách đến đông hơn thiệp mời. Do đó, một bàn mới đã được mau chóng dọn ra dành riêng cho Thiết Đảm Hồng Nhan và Nhạc Cuồng Loan. Tình cờ vị trí ấy khá gần bàn chủ vị và nằm ở mé Đông nên bọn Tử Khuê dễ dàng nhìn thấy vì đang ngồi quay mặt về hướng ấy.