Bạch Hổ Tinh Quân - Hồi 11 - phần 4

Sau khi Liệt Hỏa Thần Quân tạ thế thì "Bạt Sơn cầu" cũng biệt tăm. Không hiểu sao Âu Dương Mẫn lại tìm ra được. Nếu lão có chừng chục trái thì việc làm bá chủ võ lâm dễ như trở bàn tay.

Lần tái xuất này của "Bạt Sơn cầu" đã khiến mọi người phải kinh tâm táng đởm. Thi thể của những kẻ gần nhất bị xé rách, thịt xương văng tứ tán, kẻ ở xa hơn một chút thì bị gục ngã bởi sức ép hoặc những mãnh vụn thép chứa trong quả cầu. Trong bán kính hai trượng, không một ai toàn vẹn cả.

Tiếng nổ kinh hoàng ấy đã khiến toàn trường bắn mình ngơ ngác, hoặc sợ hãi chẳng thiết đánh nhau nữa, nhất tề đình thủ trong một lát. Ngay Nam - Bắc Thiên Tôn cũng phải chậm chân, không hăng hái truy đuổi như trước.

Đường thoát ra rộng mở, Âu Dương Mẫn lao vút đi, xông qua đám khói mây, hướng về phía đầu đường xuyên vực. Năm sáu trượng chẳng là bao đối với kẻ có khinh công như lão.

Âu Dương Mẫn chợt nghe phía sau có tiếng y phục lất phất đinh ninh rằng Nhạc Cuồng Loạn đang bám sát. Nào ngờ họ Nhạc lại lên tiếng:

- Minh chủ hãy coi chừng!

Âu Dương Mẫn chưa kịp phản ứng hai huyệt Tâm Du và Thần Đường trên mé lưng trái bị điểm trúng. Hai huyệt ấy thuộc Kinh túc Thái Dương Bàng quang, nằm ngay sau tim. May mà Âu Dương Mẫn khổ luyện "Thiết Sa thần công" đã hai chục năm nay nên da dày thịt chắc, không chết bởi đòn ám toán hiểm độc kia. Tuy nhiên, toàn thân lão bị tê tái, chân khí gián đoạn và tứ chi bủn rủn.

Âu Dương Mẫn lảo đảo song vẫn tỉnh táo nhận ra đối phương đã đoạt mất khúc cán cờ "Diêm vương Quỷ kỳ" mà lão đang giắt ở thắt lưng. Và cái gã mặc áo lông cừu trắng ấy là kẻ đã đoạt mất Thánh chỉ của Bắc Thiên Tôn.

Âu Dương Mẫn bàng hoàng tuyệt vọng khi thấy đối phương nhảy môt bước xa đến gần ba trượng, một thành tựu khó mà tin nổi. Nghĩa là Nhạc Cuồng Loạn chẳng có hy vọng đuổi kịp gã ta. Sự tình đúng như dự đoán của Âu Dương Mẫn, Nhạc Cuồng Loạn đã dừng lại bên bờ vực, không thèm làm chuyện vô ích, toi công.

Chân khí đã thông suốt sau một khoảnh khắc ngắn ngủi, Âu Dương Mẫn lướt đến cạnh đồng đảng trẻ tuổi mà quan sát. Lúc này, gã có áo lông cừu đã mang Quỷ kỳ chạy xa mất tăm.

Là người sáng suốt và quyết đoán, Âu Dương Mẫn quay phắt lại, tay trái giơ cao "Bạt Sơn cầu" thứ hai, lạnh lùng bảo Nam - Bắc Thiên Tôn:

- Nhị vị có muốn nếm thử mùi vị của "Bạt Sơn cầu" hay không?

Song Tôn đã chứng kiến cảnh Âu Dương Mẫn bị đoạt mất bảo vật, lòng vô cùng chán nản và tức giận. Bắc Thiên Tôn hậm hực trách móc:

- Nếu ngươi không cố tâm tranh đoạt với bọn ta thì đâu đến nổi cờ báu bị kẻ khác phỗng tay trên. Nay chẳng ai rõ lai lịch gã cẩu tặc ấy thì vô phương tìm lại được.

Âu Dương Mẫn đưa tay vuốt chòm râu dài và đẹp, nhếch mồm cười nhạt đáp:

- Lão phu có cách. Quý hồ chư vị đồng lòng hợp tác, lão phu hứa rằng trong vòng ba tháng sẽ giao nộp linh kỳ.

Bắc Thiên Tôn không hiểu ý đối phương, nghi hoặc hỏi lại:

- Mong Âu Dương thí chủ nói rõ ra xem nào?

Âu Dương Mẫn gật gù, bước đến hạ giọng bảo:

- Gã ấy chính là Cầu Nhiệm Đại Hiệp Hàn Thiếu Lăng, nghĩa tử của Trung Thiên Tôn, lúc này mặc hắc y và bịt mặt đứng trên ngọn cây du. Chỉ mình gã mới đủ bản lĩnh và đởm lược để cướp Thánh chỉ cũng như cờ báu. Tuy gã đã chạy thoát nhưng sẽ sớm dâng nạp linh kỳ khi nghe hội đồng võ lâm và sư muội bị bắt. Phùng tiền bối cứ mượn cớ lục phái kháng chỉ, cùng lão phu bắt sống họ mang về tổng đàn võ lâm quản thúc.

Nam Thiên Tôn đã hiểu ra, ngắt lời Âu Dương Mẫn:

- Đấy đúng là diệu kế. Nhưng bần đạo chưa hiểu ra thí chủ sẽ được lợi gì trong việc này?

Âu Dương Mẫn ung dung đáp:

- Lão phu muốn đem "Diêm vương Quỷ kỳ" đổi lấy một đạo Thánh chỉ khác, chẳng những khôi phục mà còn tăng thêm quyền lực của Minh chủ võ lâm.

Bắc Thiên Tôn lên tiếng:

- Bần đạo đồng ý. Nhưng chúng ta sẽ loan báo cho gã họ Hàn biết rằng phài mang cờ đến phủ đường Trịnh Châu mà giao nạp. Hai phe chúng ta sẽ cho người túc trực ở đấy. Bần đạo sẽ thượng kinh ngay để xin Thánh chỉ, còn Từ lão huynh sẽ đi Trịnh Châu với thí chủ.

Cách thức này rất chu toàn, chẳng ai có thể lừa ai, nên song phương bắt tay nhau thắm thiết. Sau đó, bọn ma đầu điều động thủ hạ ào ào đến vây kín lục vị chưởng môn nhân cùng đệ tử.

Thất Bổng Cái Thạch Kính Tường kinh ngạc quát hỏi:

- Này, này…bọn ngươi âm mưu quỷ quái gì thế? Bọn ta nào ai giữ Quỷ kỳ?

Bắc Thiên Tôn cười nhạt:

- Do lục phái kháng chỉ, không chịu dâng nạp bảo vật nên cuối cùng Hàn Thiếu Lăng đã cướp mất. Và có thể chính hội đồng võ lâm đã chủ sự cho gã hành động như vậy. Do đó, thừa lệnh khâm sai đại nhân, bọn bần đạo đành phải mời lục vị về tổng đàn võ lâm, chờ gã họ Hàn mang Quỷ kỳ đến chuộc mạng.

Nghe giọng cười bá đạo của đối phương, Vân Thiên Tử ấm ức gầm lên:

- Bọn ta vì đức hiếu sinh mà tránh cảnh máu xương, nhiều phen nhẫn nhịn, không ngờ bọn tà ma các ngươi vì thế mà lộng hành. Hôm nay lục phái sẽ vì chính khí võ lâm mà rưới máu chốn này.

Lời nói của ông đã khiến dòng máu hiệp sĩ của hai trăm đệ tử chính phái sôi sục. Họ nhất tề giơ cao vũ khí thét vang:

- Sát ma vệ đạo!

Không phải ai khác mà chính là Đại Giác Thiền Sư xuất thủ trước, khai mào cuộc chiến. Ông xách thiền trượng nhảy vào tấn công Bắc Thiên Tôn. Tuy đạo hạnh thâm sâu nhưng Đại Giác còn là người nhiệt tình với sự tồn vong của giang sơn xã tắc. Nãy giờ ông thầm chán ghét lão phản tặc Phùng Thịnh Đoan mà chẳng nói ra.

Thiếu Lâm tự đứng đầu võ lâm nhờ những công phu võ học thượng thừa, ảo diệu cả về tâm pháp nội công lẫn pháp sử dụng khí giới. Và do thiền trượng là vật thiết thân của các nhà sư nên pho "Thiếu Lâm giáng ma trượng pháp" được xem trọng nhất. Sau khi Đạt Ma Tổ Sư nhập diệp, các đời đệ tử Thiếu Lâm đều khổ công rèn luyện và bổ khuyết thêm ngày càng uyên ảo, diệu kỳ. Tuyệt học này không truyền ra ngoài thế tục và chỉ truyền riêng cho phương trượng và những cao tăng cùng bối phận. Tuy Đại Giác Thiền Sư được thừa kế y bát nhờ làu thông kinh luật, và thiền hạnh cao siêu, nhưng ông cũng là cao thủ số một trong chùa. Đại Giác có thân hình cao lớn, tráng kiện, và rất thích hợp với lọai binh khí dài và nặng như thiền trượng. Yếu tố bẩm sinh cũng rất quan trọng đối với người học võ.

Đại Giác Thiền Sư khẽ niệm danh hiệu Phật Tổ Như Lai rồi múa trượng xuất chiêu "Thiên Long tảo vân". Thanh thiền trượng nặng hai mươi bảy cân lao vun vút, hóa thành những chiếc móng rồng chụp lấy đối phương.

Sau trận đấu với Âu Dương Mẫn, Bắc Thiên Tôn Phùng Thịnh Đoan chẳng còn dám khinh thường đám hậu bối nữa. Lâu nay, lão sống trong hào quang quá khứ, quên mất câu "Trường Giang sóng hậu lãng thôi tiền lãng". Lão đã hao tổn khá nhiều sức lực mà chỉ rạch được một đường trên bắp tay họ Âu Dương, một kết quả rất nghèo nàn.

Giờ đây, Bắc Thiên Tôn thận trọng dồn sức đón chiêu trượng hùng mạnh của phương trượng Thiếu Lâm. Ngân kích và thiền trượng đều là loại trường binh dài nặng khi chạm nhau phát ra những âm thanh chát chúa, rền rĩ, cùng những tia lửa nhỏ. Qua sự chấn động ở đôi bàn tay, Bắc Thiên Tôn biết rằng đối thủ có công lực rất thâm hậu. Và Đại Giác thừa dẻo dai để cầm cự đến cùng, chẳng khác gì Âu Dương Mẫn.

Bắc Thiên Tôn bỗng sinh lòng chán ghét sự già nua của mình, bực bội vũ lộng cây ngân kích tấn công đối thủ tới tấp. Nhưng vị phương trượng chùa Thiếu Lâm chẳng hề lúng túng, vẫn giữ sắc mặt trang nghiêm, hòa ái, ung dung phá giải những thế kích của Phùng Thịnh Đoan. Là tuyệt học Phật môn nên pho "Giáng ma trượng pháp" chủ yếu về phòng thủ. Nhưng khi công khí thế của thanh thiền trượng cực kỳ hùng mạnh, thấm nhuần tinh thần đại dũng, vô úy của nhà Phật. Chiêu thức thì có vẻ giản dị song bao hàm cả đạo biến hóa, uyên ảo tuyệt luân, khiến địch thủ phải vất vả lắm mới phá giải được, Bắc Thiên Tôn rầu rĩ nhủ thầm:

- Không ngờ tên trọc Đại Giác này lại giỏi võ hơn sư phụ gã năm xưa

Quả đúng như vậy, tiền nhiệm phương trượng Thiếu Lâm Tự, Nhất Kính Thiền Sư là người thấp lùn, nhỏ bé nên khó mà phát huy hết tinh hoa của phép đánh trượng.

Trong lúc Bắc Thiên Tôn bị Đại Giác cầm chân thì Nam Thiên Tôn cũng chới với bởi Vân Thiên Tử. Lý do là vì chưởng môn nhân phái Võ Đương sử sụng thanh "Trạm Lư bảo kiếm", thần vật thời Xuân Thu. Té ra, Vân Thiên Tử một lòng hỗ trợ Thiếu Lâm Tự nên đã mang theo bảo vật trấn sơn mà giáng ma.

Ngay chiêu đầu tiên, Vân Thiên Tử đã chặt phăng mũi nhọn của cây kim thương khiến Nam Thiên Tôn rầu thúi ruột. Và sau mỗi lần va chạm, cây thương của lão lại hằn sâu một vết chém. Từ Tôn Chiến nổi giận, vũ lộng trường thương tấn công như vũ bão, hy vọng đè bẹp đối phương trước khi binh khí mình bị chặt gãy.

Nhưng Vân Thiên Tử là cao thủ số một của phái Võ Đương hiện tại. Hơn nữa, từ sau hôn lễ của Tây Nhạc Kiếm Khách Lư Công Đán, ông vì thanh danh của môn phái mà bế quan luyện kiếm, chuẩn bị cho việc tranh giành danh hiệu Võ Lâm Đệ Nhất cao thủ.

Bản thân Vân Thiên Tử không háo danh song truyền thống trăm năm của phái Võ Đương bắt ông phải chấp nhận hy sinh. Danh hiệu cao quý ấy vốn thuộc về Trương Tam Phong, tổ sư phái Võ Đương. Vân Thiên Tử không chắc đạt được mục tiêu nhưng sẽ tận lực để không tủi hổ với anh linh của Trương tổ sư.

Mấy tháng nay, Vân Thiên Tử giao hết sự vụ của phái Võ Đương cho sư đệ Vân Hư Tử, tập trung nghiên cứu pho "Thuần Dương kiếm pháp", tuyệt học cuối cùng của Dương Chân Nhân. Sau khi đệ tử thứ tám của Trương tổ sư, Á Hiệp Thuần Vu kỳ tạ thế thì không một ai luyện thành pho kiếm kỳ diệu ấy. Nhưng việc thâm cứu kiếm phổ cũng giúp cho Vân Thiên Tử ngày càng gần với Kiếm Đạo hơn. Kiếm Đạo cũng như Thiền Đạo, kẻ có căn cơ sáng láng tuyệt trần thì đốn ngộ, kẻ bẩm sinh bình thường mà siêng năng, cần mẫn thì chầm chậm đi đến đích sau vài chục năm, gọi là tiệm ngộ.

Vân Thiên Tử thuộc trường hợp thứ hai. Ông luyện kiếm đã sáu mươi năm vì xuất gia từ lúc còn để chỏm. Ít khi xuất thủ với người ngoài nên chính ông cũng không ước lượng được bản lĩnh của mình. Huynh đệ trong môn phái luyện kiếm với nhau thì không có giá trị so sánh.

Nay phải đương đầu với một cao thủ lão thành như Nam Thiên Tôn, Vân Thiên Tử lại rất thận trọng. Nhưng càng đánh lâu, ông thức ngộ rằng thần tượng già nua kia chẳng đáng sợ lắm. Ông không thắng được họ song dẫu có thua thì cũng vài trăm chiêu. Nhất là khi ông có "Trạm Lư thần kiếm" trong tay thì chưa chắc "mèo nào cắn miu nào".

Vân Thiên Tử cao hứng phi thường, mang hết sở học Võ Đương ra đối phó với đường thương dũng mạnh, độc địa của Nam Thiên Tôn. Tuy pho "Thái Cực Tuệ kiếm" không cao siêu thâm thúy bằng "Thuần Dương kiếm pháp" song cũng là tuyệt học do Trương tổ sư để lại.

Huyền môn chủ trương "tử nhiên nhi nhiên" , "nan không cương, nhược thắng cường", nên kiếm pháp Võ Đương mềm mại, nhẹ nhàng, phóng khoáng. Nhờ vậy mà đường kiếm nhanh như gió thoảng.

Trường kiếm trở thành vua của mọi loại vũ khí vì có rất nhiều ưu điểm. Một trong những ưu điểm ấy là trọng lượng. Kiếm chỉ nặng độ sáu bảy cân nên người kiếm thủ không bị trở ngại khi thi triển khinh công. Do đó, Vân Thiên Tử nhẹ nhàng, khinh khoái như mây nổi, tiến thoái nhanh tựa ngọn phong thu phong. Ông lùi để tránh những đòn quét ngàn cân và xông vào ngay phản kích. Mục tiêu của ông không chỉ là xác thân còm cõi của Nam Thiên Tôn mà còn là cây kim thương nữa. Ông rình rập chờ cơ hội chặt gãy khí giới của kẻ địch.

Từ Tôn Chiến biết điều ấy nên hết sức cảnh giác, ra đòn như chớp giật không để đối phương tiếp cận. Đánh nhau mà phải úy kỵ đủ điều như thế thì quả thật khổ sở, vất vả. Lão bực bội rủa thầm cái gã câm chết tiệt đã tặng "Trạm Lư thần kiếm" cho Võ Đương. Khi tình cờ tìm thấy thanh Trạm Lư, Thuần Vu Kỳ đã không sử dụng mà mang lên núi, đặt trên đùi pho tượng ân sư. Chàng cho rằng Trương Tam Phong là Vạn Thế Kiếm Vương phải có một thanh thần kiếm như Trạm Lư theo hầu. Nhưng chàng cũng không cấm những đệ tử đời sau dùng thần kiếm giáng ma vệ đạo. Bởi vậy, Vân Thiên Tử có quyền sử dụng Trạm Lư. Còn một yếu tố quan trọng khác khiến Song Tôn bối rối, họ không dám giết sáu vị chưởng môn nhân.

Tóm lại, Nam - Bắc Thiên Tôn đều đã có địch thủ xứng tay. Còn những tay cao thủ như Âu Dương Mẫn, Nhạc Cuồng Loạn, Quân Sơn Chân Nhân, Thất Hoàn Đao, Thần Đao Bảo chủ, đại hộ pháp Xoa Lạp Cốc …cũng bị bốn vị chưởng môn nhân cùng các sư đệ đón đánh.

Kẻ phản đồ Lã Hoa Dương biết đây là cơ hội chuộc lỗi nên đã van xin Đại Nghiêm cởi trói, giải huyệt để y tham chiến. Vì nghĩa sư đồ mà thiền sư đã chấp thuận. Vả lại, trong hoàn cảnh khó khăn này, sự đóng góp của một cao thủ như Thiếu Lâm Thần Côn là rất quý giá.

Thủ tọa La Hán Đường quyết định rất sáng suốt, Lã Hoa Dương dũng mãnh như hổ dữ sút chuồng, cây côn thép lồng lộn chống trả rất hữu hiệu trước những thanh đao Nhật Bản dài và nặng. Tuy phẩm cách thấp kém nhưng họ Lã vẫn xứng danh nhân tài trẻ tuổi của Thiếu Lâm Tự.

Lã Hoa Dương tinh thông cả trường côn lẫn đoản côn, nhưng khi bôn tẩu giang hồ thì thường mang côn ngắn cho đỡ bất tiện. Côn của gã được rèn bằng loại thép tốt nhất, nước thép xanh rờn và nặng gần hai chục cân. Tuy phép đánh đoản côn chú trọng những đòn giáng xuống, quét ngang nhưng thế điểm cũng có thức làm gãy xương kẻ địch nhờ sức nặng.

Cánh tay khỏe mạnh, thân hình đầy những bắp thịt rắn chắc, Lã Hoa Dương vũ lộng đoản côn liên tiếp đâm những đòn trời giáng khiến đao kiếm của kẻ địch phải ngân lời oán than rền rĩ. Và trong chớp mắt, mũi côn thọc vào đâu đó trên cơ thể đối phương.

Cửa Phật từ bi nên vũ khí của Thiếu Lâm không hề có mũi nhọn hay cãnh sắc. Thiền trượng, trường côn, đoản côn đều có đầu bằng. Nghĩa là, tuyệt học chính thống của Đạt Ma Tổ Sư sáng tạo ra chỉ gồm có phép luyện nội công, phép đánh trượng, phép đánh côn và quyền thuật. Còn tất cả các phép sử dụng lợi khí như đao, kiếm, thương, giáo … đều do những đệ tử người Trung Hoa thêm thắt vào. Người đời cho rằng Thiếu Lâm Tự có đến bảy mươi hai tuyệt kỹ là do mượn ý trong Tây Du Ký, bởi Tôn Ngộ Không học được "Thất thập nhị huyền công". Ngài Đạt Ma từ Thiên Trúc sang Tàu để hoằng dương Phật pháp và tu hành, thời gian đâu mà nghĩ đến lắm thứ võ công đến thế?

Nhắc lại, Lã Hoa Dương thần dũng như thiên tướng, trong nữa khắc đã đả thương được bốn, năm kẻ địch. Nhưng cuối cùng, gã cũng gặp được đối thủ xứng tay là Lã Bất Thành, đại đệ tử của Bắc Thiên Tôn. Hai gã ấy cùng họ Lã nhưng kẻ Bắc người Nam nên chắc chẳng có quan hệ bà con.

Lã Bất Thành phát hiện Thiếu Lâm Thần Côn quá ư lợi hại liền lướt đến ngăn chận. Lã Bất Thành cũng có ý muốn so tài với một trong "Võ Lâm Ngũ Tú".

Lã Bất Thành chẳng nói chẳng rằng, dồn đủ mười thành công lực, đánh chiêu "Phụng Tiên khai lộ", khí thế mãnh liệt như chẻ núi. Phụng Tiên chính thị Lã Bố có võ nghệ siêu quần bạt tụy, từng một mình đại chiến với Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi mà chẳng hề trầy da tróc vẩy.

Lã Phụng Tiên được xem là một trong những ông Tổ nghề đánh trường kích, cho nên đời sau thường dùng chữ "Bố" đặt tên cho chiêu thức.

Có lẽ, Lã Bất Thành đúng là dòng dõi mấy mươi đời của Lã Bố nên kích pháp cực kỳ tinh xảo. Đường kích của gã vừa hùng mạnh vừa ảo diệu, khiến Lã Hoa Dương nhất thời phải lép vế.

Thiếu Lâm Thần Côn tận lực chống đỡ, tuy không thọ thương nhưng phải thoái hậu nhiều bước. Gã chột dạ than thầm vì hiểu rằng tu vi của Lã Bất Thành hơn mình đến hai bậc. Gã cắn răng xông lên phản kích bởi chẳng còn cách nào khác.

Lã Hoa Dương chạm phải cường địch thì Võ Đương Thần Kiếm Mộ Duy Lộ cũng chẳng may mắn hơn. Đối thủ của chàng đẹp trai chính thị Hồ Đồ Thần Thương Khổng Đam. Tuy mang tiếng hồ đồ song sức lực và bản lãnh múa thương của Khổng Đam rất khá. Đôi cánh tay béo mập, to như cột đình múa cây kim thương ba chục cân, đánh cho trường kiếm của Mộ Duy Lộ run bần bật. Nếu không nhờ sự cần mẫn luyện công và giới sắc suốt một thời gian dài, Mộ Duy Lộ không chịu nổi mười chiêu thương sấm sét của họ Đổng.

Võ Đương Thần Kiếm chịu khó khép mình khổ hạnh, siêng năng luyện võ công cũng là vì muốn thoát khỏi cái bệnh liệt dương quái ác. Ngày ngày, gã được sư phụ cho uống thuốc và châm cứu nên thấy khá hơn. Có đêm, gã phát hiện đoản thương của mình lại hiên ngang, ngạo nghễ như xưa, lòng vô cùng hoan hỉ. Nhưng chẳng hiểu sao kỳ tích ấy không lập lại? Gã than thở với ân sư thì được Vân Thiên Tử an ủi rằng chưa đủ ba năm.

Mộ Duy Lộ không biết rằng Vân Thiên Tử cố tình kéo dài việc chữa trị, ngõ hầu đưa học trò mình về với chính đạo. Lã Hoa Dương và Mộ Duy Lộ mà còn bị hạ phong thì đám đệ tử Bạch đạo lại càng khốn đốn trước quân số đông đảo của tà ma. Hai đánh một không chột cũng què nên bọn tăng nhân, đạo sĩ thọ thương khá nhiều. Nếu không nhờ những thanh trường côn mạnh mẽ của một trăm linh tám nhà sư La Hán Đường thì thế trận đã vỡ từ lâu.

Nhưng dần dà, chính những tay côn thần dũng cũng phải la oai oải, hoặc niệm Phật hiệu, bởi trúng đòn rách da, xé thịt. Lý do thứ nhất vì chênh lệch quân số, lý do thứ hai bởi ăn chay mau đói hơn ăn mặn. Vài chén cơm với xì dầu, rau cải, đậu hủ chỉ cung cấp số năng lượng bằng một nữa thịt thà, cá mú. Đã cuối giờ Tỵ, ai nấy đều đói meo, sức đâu mà đòi chiến đấu!

Tình thế phe Bạch đạo rất nguy ngập, chỉ còn cách đầu hàng hoặc chờ chết.

Bắc Thiên Tôn ra sức đẩy lùi Đại Giác rồi phủ dụ:

- Chẳng lẽ hòa thượng ngươi không tiếc xương máu của đệ tử Thiếu Lâm hay sao? Hãy thức thời mà buông vũ khí quy hàng.

Đại Giác bình thản đáp:

- Cửa thiền không phân biệt sinh tử, bọn bần tăng thà chết chứ không chịu để thí chủ rước quân Mông vào tàn phá xã tắc, bức hại chúng sinh.

Vừa dứt lời, ông thi triển công phu "Sư Tử Hống" gầm vang:

- Tuẫn … Pháp!

Đấy là hiệu lệnh cho toàn thể đệ tử Thiếu Lâm đang hiện diện phải xã thân. Nếu Trung Hoa bị Mông rợ cai trị một lần nữa thì Phật giáo sẽ suy tàn, chẳng khác gì bị pháp nạn. Người Mông theo đạo Lạc Ma một phái Phật giáo ở Tây Tạng, họ chẳng ưa gì Phật giáo Trung Hoa.

Hai tiếng linh thiêng ấy dù thêm sức mạnh cho những đệ tử hiền lành suốt đời trai giới. Tuy nhiên, lực bất đồng tâm nên lát sau cục diện lại càng bi đát. Các vị chưởng mô và các sư đệ đều bi thương nhẹ, trừ Vân Thiên Tử. Ông vẫn an tàn và còn chặt đứt một đoạn dài cỡ gang tay ở đầu cây kim thương của Nam Thiên Tôn.

Khi viễn ảnh sắp đại bại của lục phái sắp đến gần thì phát sinh kỳ tích.

Một toán cao thủ Thiếu Lâm đông độ bốn trăm đã đến cứu viện, tiến vào tấn côn những kẻ đang trấn giữ đầu đường độc đạo.

Cửa ải quan yếu này do Trịnh Bá Nghiêm, Dương Tố Vy cùng sáu mươi kiếm thủ đảm đương. Nhiệm vụ của họ là ngăn không cho bất cứ ai thoát ra, chạy về Thiếu Lâm cầu viện. Và nếu như có ai đó ở ngoài đã làm việc đó thì viện binh cũng khó mà qua quan, trước khi cuộc chiến trong Độc Nha sơn kết thúc. Kẻ đứng chênh vênh trên đường hẹp thất thế rất nhiều, dễ bị kim thương của Bá Nghiêm đẩy rơi xuống vực. Đấy là chưa kể đến tác dụng của ám khí. Sáu mươi gã thủ hạ Chiết Mai Bang vốn là người của Phi Kiếm Hội đất Thăng Trì nằm trên đường trục Đông Tây nối liền Trường An và Lạc Dương. Muốn tồn tại, Phi Kiếm Hội phải liên minh với Chiết Mai bang bằng cách cử sáu mươi thủ hạ sang phò tá Dương Tố Vy. Kiếm thuật của bọn này không cao song thuật phóng tiêu bội phần linh diệu.

Tiễn kiếm hoặc tiểu đao là loại ám khí nặng, tầm sát thương trên dưới ba trượng, dùng để ám toán từ xa rất hữu hiệu. Trong việc mai phục hoặc đánh phủ đầu thì chúng vô cùng lợi hại.

Nhắc lại, chẳng hiểu kẻ lắm mồm nào đã chạy đến chùa Thiếu Lâm báo hung tin nên Thủ tòa Đạt Ma Viện là Đại Tuệ Thiền Sư mau chóng đưa bọn đệ tử đến tiếp viện lục phái.

Người đông thì cũng tốt nhưng vấn đề là ở chỗ làm sao tiến vào được trận địa khi đối phương đã phòng thủ chặt chẽ?

Tất nhiên, kẻ có bản lĩnh cao cường nhất là Đại Tuệ Thiền Sư phải đi tiên phong. Ông xách thiền trượng lướt như bay trên con đường xuyên vực chi chít những cành cây cắm chênh vênh để gia cố.

Đáng lẽ, song song mặt đường, ngang tầm tay vẫn có sợi dây chảo lớn, nhưng chúng đã bị Trịnh Bá Nghiêm chặt đứt. Gã còn sai nhổ sạch cây gỗ ở hai bên đường một đoạn gần cuối dài bốn trượng. Nghĩa là, lúc kẻ địch lọt vào đến khúc ấy thì hoàn toàn bất lợi, bởi dưới chân không vững. Trong khi chỗ gã đứng rất an toàn, vững chắc.

Trịnh Bá Nghiêm tính toán đúng, Đại Tuệ Thiền Sư đã lộ nhiều sơ hở vì thiền trượng nặng mà tấn chẳng vững. Ông lúng túng đỡ nhiều chiêu thương của Trịnh Bá Nghiêm và những ám khí hiểm ác không sao tiến lên được dù võ công rất cao siêu.