Bạch Hổ Tinh Quân - Hồi 22 - phần 2

Ngay trưa hôm ấy, Tử Khuê và Quan San phi nước đại xuôi Nam. Du Vinh cùng Tuân Khánh sẽ đi sau một bước vì còn phải về Hầu phủ qui tụ đám Thần Phong kiếm thủ. Tiêu Hầu gia Tiêu Mẫn Hiên còn ở chơi bên Thần cung nên sẽ không biết mà ngăn cản.

Tử Khuê đã ghé phân đà Cái Bang ở Trịnh Châu để nhờ họ đưa thư về nhà. Gã phân đà chủ chỉ cần nghe danh xưng Quách Tử Khuê là đã vái dài. Ngoài mối giao tình mật thiết với Thạch Bang chủ, Quách gia còn là đại ân nhân khi tặng cho Cái bang ba vạn lượng vàng.

Trong thư, Tử Khuê kể rõ sự việc và yêu cầu bọn thê thiếp gói ghém hành trang đi ngay Tín Dương. Họ phải có mặt trong đám tang nghĩa phụ của trượng phu. Nhất là Tống Thụy, học trò chính thức của Trung Thiên Tôn. Chim câu bay nhanh hơn vó ngựa nên các nàng ấy sẽ mau chân hơn chàng ít nhất là ba ngày đường. Và may ra họ đến nơi trước lúc Trung Thiên Tôn trút hơi thở cuối cùng.

Vó ngựa khua mau tưởng chừng như chẳng hề ngưng nghỉ, nên nửa đêm mười sáu tháng giêng, bọn Tử Khuê đã về đến Hứa Xương. Trong Quách gia trang chỉ còn lại những bậc trưởng bối và vài đứa bé.

Lã Bất Thành đã đưa năm mươi gã kiếm thuẫn đi theo bảo vệ các thiếu phu nhân. Nhưng bù lại, ngàn quân cung nỏ của tổng binh Hứa Xương, Quách Tử Xuyên luôn túc trực quanh nhà. Trường tiễn cũng là khắc tinh của "Diêm vương quỷ kỳ", vì tác hại của cờ ma chỉ dăm ba trượng, trong khi tầm sát thương của mũi tên xa gấp nhiều lần. 

Các lão nhân thấy Tử Khuê, Quan San quá mệt mỏi, hốc hác và hôi hám hơn cả ăn mày, đều lắc đầu thương hại. Trình lão thái xót rể quý nên nghiêm nghị giáo huấn: "Sinh tử hữu mệnh. Hà tất hiền tế phải cấp bách quá mức như thế. Hơn nữa, cổ nhân đã có câu: ‘Dục tốc bất đạt’."

Tử Khuê kính cẩn vâng dạ, hứa với mẹ vợ rằng sẽ từ tốn bôn hành không vội vã nữa. Nhưng đến cuối canh tư thì chàng cùng Quan San đã khởi hành và hai con ngựa mới lại sùi bọt mép.

Dẫu Diêm Vương Lệnh chủ đang thọ thương, không thể xuất trận, song hai người vẫn thận trọng, cải trang thành hai hán tử mặt rám nắng. Họ mang lai lịch Tái Bắc Song Hùng, đôi cao thủ người Thổ, anh tên Cáp Dã, còn em tên Cáp Liệt.

Hai nhân vật này vốn có thực song ở Trung Nguyên chẳng mấy ai biết mặt. Người võ lâm vẫn nghe đồn rằng Tái Bắc Song Hùng sử dụng kiếm. Nhưng hai kẻ giả mạo này lại có thêm một vũ khí khác là bao tay thép màu vàng nhạt ở tả thủ. Kim Miệt, bảo vật của Thiên Sơn được đan bằng những khoen kim loại nhỏ, mặt trong và mặt ngoài chẳng khác nhau. Cho nên, Tử Khuê chỉ cần lộn trái chiếc bên hữu vào là nó biến thành bên tả. Chàng tặng một chiếc cho Dịch Quan San và dạy gã vài chiêu trong pho "Thao Quang thần thức".

Giờ đây, với bàn tay không sợ gươm đao, chưởng lực, bản lãnh của Quan San tăng tiến vượt bậc. Thực ra, từ lâu rồi, Tử Khuê đã luôn tranh thủ chỉ điểm kiếm pháp cho anh vợ, biến họ Dịch thành một kiếm thủ thượng thừa. Ngay bản thân Dịch Quan San cũng không rõ võ nghệ của mình lợi hại đến mức nào.

Xuân về, cây cỏ tốt tươi, hoa dại lác đác khoe sắc cạnh đường quan đạo, và càng về Nam hơi xuân càng nồng ấm, xua đuổi dần cái lạnh rơi rớt từ mùa đông. Nhưng dẫu cho màu xanh bát ngát của cảnh xuân có diễm lệ đến đâu thì cũng chẳng được những kẻ lòng nặng trĩu buồn chú ý đến. Tử Khuê và Quan San chỉ chú tâm đến những chướng ngại trên đường.

Bốn ngày sau, hai người ghé trấn Xác Sơn lúc cuối canh hai để ăn uống, tắm táp qua loa. Đầu canh năm, họ lại lên đường, dầu sức lực của cặp tuấn mã chưa hồi phục đủ mười phần. Họ đã mang theo lương khô, nước uống vì sẽ ít có dịp ghé vào quán trọ.

Trưa hôm ấy, hai mươi tháng giêng, anh em Tử Khuê chỉ còn cách bến đò ngang hơn dặm. Họ bắt buộc phải vượt qua nhánh hướng Tây của sông Nhữ Hà. Đây là một trong những nhánh thượng nguồn sông Nhữ, nước xiết, lòng sâu, mặt rộng hàng dặm.

Nhưng lúc này hai nhân vật của chúng ta chưa thể sang sông. Họ đã phải dừng lại vì một cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra trên bãi đất hoang vu mé tả đường quan đạo.

Võ lâm là mành đất của thù hận, cảnh chém giết xảy ra hàng ngày. Cho nên chẳng phải lúc nào người hiệp khách cũng hồ hởi bạt gươm can thiệp giống như gã Hồ Đồ Thần Thương. Nhưng hôm nay, dù đang rất vội mà bọn Tử Khuê vẫn phải dừng chân.

Nga My Nhất Phụng Lạc Y Thường có mặt trong phe yếu thế và sắp lâm nguy. Đồng bọn của nàng chỉ có hai người, đó là một lão nhân mặc bạch bào kiểu hồi tập và một Hán tử áo xanh.

Bạch y lão nhân thân hình khôi vĩ, tóc bạc phơ bông xõa ngang lưng, quanh trán quấn dải lụa hồng. Thùy châu của lão lủng lẳng hai chiếc khuyên vàng. Dương như lão nhân thuộc một bộ tộc phương Bắc nào đó chứ chẳng phải người Hán. Điều thú vị là lão sử dụng kiếm thuẫn y như bọn Xoa Lạp cốc vậy. Nhưng bản lĩnh của lão thì cực kỳ linh diệu, đáng mặt sư tổ của đám hàng binh người Thổ. 

Đường gươm ấy vừa nhanh vừa độc và lại rất hùng mạnh. Mỗi đòn tấn công của lão nhân đều khiến đối phương phải dội ngược. Chiếc nón bằng thép trên tay tả lão cũng biến hóa phi thường, chống đỡ toàn bộ những đợt công phá của kẻ địch. Nhờ vậy mà bạch bào lão nhân vẫn trụ vững trong vòng vây mà chưa hề thọ thương. Nhưng lão ta chẳng thể phà vây đào tẩu, vì sau lưng là Hán tử áo xanh đang cần được bảo vệ.

Nàng nữ hiệp núi Nga My đã trúng thương máu loang ướt đẫm tấm võ phục xanh. Tuy nhiên, Nhất Phụng vẫn kiên cường chiến đấu, kiếm bàu loang nhanh như gió thoảng. Nàng và bạch bào lão nhân di chuyển không ngừng, xoay quanh Hán tử áo xanh, cố giữ cho gã được an toàn. Gã ta có đeo kiếm nhưng không rút ra, đứng yên như tượng gỗ, mắt trợn trừng đăm đăm nhìn về một hướng. Gã cũng không búi tóc nên gương mặt gầy gò, xanh xao bị che khuất một nửa. 

Song đôi nhãn thần sắc bén của Tử Khuê đã sớm nhận ra gã là Nhạc Cuồng Loan, Thiết Cốc chủ Xoa Lạp cốc. Và vì chàng tinh thông y học nên hiểu rằng gã đã bị mù.

Tử Khuê còn phát hiện được lai lịch của đám hung đồ bịt mặt kia. Chúng đông đến gần hai mươi tên, y phục không giống nhau, dùng khăn che mặt cùng một màu nguyệt bạch. Nghĩa là, khi chúng lột khăn ra sẽ trở thành khách giang hồ bình thường, không đặc điểm để nhận biết môn hộ. Văn tự luôn dài dòng để miêu tả những ý niệm xảy ra trong chớp mắt. Tử Khuê và Quan San nhận định cục diện rất nhanh và sớm bạt gươm nhập cuộc, sau khi đeo Kim Miệt vào bàn tay tả.

Hai người rời yên ngựa, xông thẳng vào vòng vây đen kịt chung quanh ba kẻ thế cô. Tất nhiên bọn bịt mặt đã phát hiện ra và chia người ngăn chặn hai kẻ mới đến. Chúng cẩn thận cử ra đến bốn tên để nắm chắc phần thắng, thực hiện đúng câu: "Lưỡng quyền nan địch tứ quyền".

Nhưng anh em Tử Khuê sánh vai nhau tiến lên, nên chỉ có đất cho hai tên bịt mặt tấn công. Hai gã còn lại chờ cơ hội đánh đòn tiếp theo, đúng sách "xa luân chiến". Đấu pháp khôn khéo này chứng tỏ bọn chúng đã được huấn luyện rất chu đáo. Hơn nữa, hai gã tiên phong còn xuất cùng một chiêu rất ác độc, sát khí rợn người.

Tiếc thay, Quan San và Tử Khuê đang rất vội, chẳng có thời gian để nương tay. Chỉ sau vài tiếng thép va chạm ting tang, họ đã vươn tả thủ khóa cứng vũ khí của đối phương rồi kết liễu. Quan San hớn hở đâm thủng ngực trái đối thủ, song Tử Khuê thì chỉ chặt đứt cánh tay cầm kiếm của nạn nhân.

Hai tiếng gào thảm khốc vang lên đã làm khiếp vía hai gã kia. Nhưng tử thần đã mau chóng ập đến. Quan San xuất chiêu "Thanh Long lộng nguyệt" chín móng rồng vây bủa mục tiêu. Tử Khuê thì đánh chiêu "Lôi điện tàn lâm" gồm toàn những thức chém hùng mạnh như sấm sét.

Công lực của Tử Khuê cao hơn đối thủ và chiếm được tiên cơ nên "Đảo Nguyên thần kiếm" dễ dàng chém gãy thanh gươm của y. Trong lúc lúng túng, gã đã dùng bản kiếm để đỡ đòn, phạm một sai lầm tai hại. Bản lãnh càng cao thâm, Tử Khuê càng có điều kiện giới sát. Lần này chàng cũng chỉ hủy cánh tay tạo ác chứ không giết người. Dịch Quan San thì chẳng biết sợ quả báo, thản nhiên lấy mạng kẻ địch. 

Việc bốn thủ hạ bị loại khỏi vòng chiến chóng vánh đã làm phe bịt mặt phải cảnh giác. Và hai gã đầu lĩnh đã đích thân xuất trận. Gã áo trắng có thân hình cao lớn sử dụng trường kiếm. Gã áo nâu thấp hơn song người vạm vỡ, trang bị một thứ vũ khí khá lạ mắt. Đấy có vẻ như là một cây đoản côn gắn thêm một đoạn mũi kiếm ở đầu. Và chính nhờ nó mà Tử Khuê nhận biết chủ nhân là ai.

Thiếu Lâm Thần Côn Lã Hoa Dương đã bị trục xuất khỏi Thiếu Lâm tự. Năm ngoái, gã từng theo phe Long Vân bảo mà tấn công Hoàng Phong Hầu phủ, chạm trán Lã Bất Thành. Tử Khuê lại khá quen thuộc với vóc dáng của họ Lã nên nhận ra chẳng khó.

Nhưng lúc này, người mà Lã Hoa Dương đón đánh là Dịch Quan San, còn chàng đấu với tên áo trắng, khăn bịt mặt, bịt đầu cũng trắng. Tử Khuê không biết gã là ai, thận trọng chống đỡ chiêu kiếm quỷ dị. Kiếm pháp của gã ta có lộ số khác với kiếm pháp Trung Nguyên. Kiếm ý thì tàn bạo và nham hiểm. Chàng nhận ra đối phương nhắm cả vào song nhãn lẫn hạ thể của mình, một điều mà người kiếm khách chân chính tối kỵ.

Tử Khuê xuất chiêu "Mạc mạc trần ai", hóa giải được áp lực nhưng bị đẩy lùi hai bước. Qua va chạm, chàng hiểu rằng công lực kẻ địch chẳng kém mình.

Gã bạch y chiếm được chút thượng phong, sấn tới ra đòn như vũ bão, kiếm kình cuồn cuộn tựa thu phong. Chiêu này còn quái ác hơn chiêu trước, nên Tử Khuê lại phải thoái hậu. Đến lần thứ năm, tai nghe được tiếng rú đau đớn của Lạc Y Thường. Chàng liền đề khí bốc lên cao, tránh đòn của đối thủ và phản kích lại bằng chiêu "Lôi nộ bình sa". "Lôi Đình kiếm pháp" chủ về lực đạo và có nhiều thức trảm.

Gã bạch y thản nhiên cử kiếm đỡ đỡ đòn, kiếm ảnh mù mịt, ẩn hiện hàng trăm mũi nhọn tựa bàn chông. Gã tin rằng chiêu kiếm kỳ tuyệt này sẽ giành được ưu thế đúng như lời sư phụ gã đã nói.

Nhưng thanh kiếm trị giá bốn vạn lượng hoàng kim của Tử Khuê đã phát huy tác dụng. Gươm thiêng "Đảo Nguyên" đã chặt gãy kiếm và tiện đứt nửa hộp sọ của gã bạch y.

Nạn nhân còn kịp gào lên thảm thiết rồi mới gục ngã. Tử Khuê chẳng có cơ hội để áy náy, chân vừa chạm đất đã lao ngay vào lưới côn của Lã Hoa Dương. Gã chết tiệt ấy đang áp đảo Dịch Quan San bằng những chiêu kiếm tà môn. Họ Lã luyện côn thuật đã nhiều năm, không thể từ bỏ mà chuyển sang sử dụng kiếm được. Do vậy, gã đã giảm trọng lượng của đoản côn và gắn thêm mũi sắc nhọn để có thể thi triển kiếm pháp khi cần thiết. Chính những chiêu kiếm ma quỷ nọ đã làm khó Quan San chứ chẳng phải tài đánh côn của họ Lã.

Nhắc lại, Tử Khuê tấn công vào mé tả Lã Hoa Dương bằng chiêu "Phù sinh nhược mộng". Gã ta đã biết đồng bọn mình chết thảm nên chột dạ, vội bỏ Quan San, dồn toàn lực chống trả đường gươm của Tử Khuê. Gã múa tít đoản côn, xuất chiêu "Vân trung Phật hiện", một chiêu phòng thủ lừng danh của Thiếu Lâm tự. Gã không còn tin vào thứ kiếm pháp mình mới học nữa. Nếu nó hữu hiệu thì gã bạch y đã không chết non như thế.

Họ Lã đã tỏ ra rất thông minh. Giờ đây, quanh người gã hiện ra hàng trăm côn ảnh, che chắn vững chắc như tường đồng vách sắt. Tiếng thép chạm nhau liên hồi và dường như thanh kiếm của Tử Khuê không tài nào xâm nhập vào được. Nhưng chàng đã bất ngờ vươn tả thủ, bàn tay chỉ chập chờn vài thế thức là đã tóm được mũi đoản côn.

Tử Khuê giật mạnh kéo đối thủ về phía trước rồi sấn đến vươn kiếm đâm thủng huyệt Khí Hải. Chàng không chặt tay vì với công lực cao cường và tài trí hơn người, họ Lã thừa sức học cách dùng tay trái và tiếp tục hành ác. Chàng hùy võ công Hoa Dương chính là bắt gã trả lại công lao dạy dỗ của Thiếu Lâm tự.

Đan điền thủng sâu, chân nguyên thoát ra như nước lũ, Hoa Dương đau đớn và tuyệt vọng, ôm bụng gục ngã. Quan San hiểu ý Tử Khuê nên không giết Hoa Dương, cùng chàng xông lên phá vây, giải cứu bọn Lạc Y Thường. Đầu lĩnh thương vong thì thủ hạ mất vía, vừa chống đỡ vừa rút lui vào cánh rừng cuối bãi đất. Một tên đã lén mang được Lã Hoa Dương đào tẩu.

Tử Khuê cố tình bắt sống một gã để thu thập tin tức. Song gã đã cắn vỡ thuốc độc mà tự sát.

Cuộc chiến tàn, đấu trường chỉ còn lại năm người sống và mười hai xác chết. Bạch y lão nhân xem xét thương thế của Nga My Nhất Phụng. Thấy đấy chỉ là những vết thương ở phần mềm, không phạm phủ tạng hay gân cốt, lão yên lòng bước về phía hai vị ân nhân.

Lúc này Tử Khuê mới có dịp nhìn rõ dung mạo của lão nhân. Trên gương mặt đen đúa ấy có đôi mắt sâu sắc bén và chiếc mũi ưng. Thần thái lão oai nghiêm đáng mặt anh hùng một cõi. Lão ta nở nụ cười rạng rỡ, khoe đôi hàm răng vàng ố nhưng chắc khỏe. Lão nói tiếng Hán bằng một giọng lơ lớ và mộc mạc: "Con bà nó! Không có hai ngươi giúp đỡ thì ba người bọn ta ra ma cả rồi. Lão phu xin cảm tạ rất nhiều. À! Thế hai ngươi tên gì, học nghệ của ai mà giết người giỏi thế?"

Tử Khuê thầm tức cười, vui vẻ đáp: "Bẩm lão trượng! Anh em vãn bối là Cáp Dã và Cáp Liệp, quê quán vùng quan ải phía Bắc."

Khi chàng khai báo danh tính xong thì lão nhân sực nhớ ra rằng đáng lẽ mình phải xưng tên trước, bởi lão là kẻ thọ ân. Lão nhân ngượng nghịu nói: "Lão phu là Mã Hồ Mật, quê đất Sơn Tây. Còn thằng bé áo xanh kia là cháu ruột, gọi lão phu là Đại Cửu phụ. Y tên Nhạc Cuồng Loan, vì luyện độc công mà hỏng mắt, nên lão phu đưa y xuống Miên Cương tìm thầy thuốc." 

Nghe nói đến độc dược, Tử Khuê nóng nảy ngắt lời lão họ Mã: "Bẩm lão trượng! Thế lệnh điệt đã bị hại bởi loại độc nào?"

Mã Hồ Mật cau mặt thở dài: "Loan nhi vì nóng ruột báo thù cho cha nên đã liều lĩnh luyện công phu ‘Thần Hương Đoạt Phách’. Y thu nạp chất độc của loài hoa Độc Lan để phổ vào chưởng kình và đã bị chính chất độc ấy làm cho bế tắc kinh mạch, dẫn đến mù mắt."

Tử Khuê thuộc lòng cả Độc Kinh lẫn Huyền Hư Y Lão, nên biết rằng mình có thể cứu được Cuồng Loan. Chàng phấn khởi bảo: "Vãn bối có thể hóa giải được độc tố của loài Độc Lan. Lão trượng cứ yên tâm."

Mã Hồ Mật vui mừng khôn xiết, quay lại gọi: "Loan nhi, mau lại đây!"

Nga My Nhất Phụng đã tự băng bó xong, nghe vậy liền dắt Cuồng Loan đi đến. Nàng kính cẩn nghiêng mình thi lễ với Tử Khuê: "Tiểu muội họ Lạc, tên Y Thường, đệ tử phái Nga My, xin khắc cốt ghi tâm ơn cứu mạng của đại hiệp".

Nhạc Cuồng Loan giờ đây hình dung tiều tụy, thân gầy gò, mặt tái xanh. Và trong đôi mắt u ám của gã ẩn chứa nỗi thống khổ ngút ngàn. Là kẻ cực kỳ cao ngạo, gã dễ tuyệt vọng khi rơi vào cảnh tàn phế. Gã dửng dưng với Tử Khuê nên không xem trọng việc mạng sống mình được ai đó bảo toàn. Cuồng Loan lạnh lùng ôm quyền nói: "Tuy không còn thiết sống nhưng Nhạc mỗ cũng xin cảm tạ túc hạ".

Mã Hồ Mật nghe chướng tai, vội bảo gã: "Loan nhi chớ thất lễ! Gã họ Cáp này tự nhận rằng có thể loại trừ được hương Độc Lan và giúp ngươi sáng mắt trở lại".

Đấy chính là khát vọng lớn lao nhất nên Cuồng Loan rúng động tâm can, vai run nhẹ. Song gã vẫn còn nghi ngại vì lẽ đâu lại may mắn đến thế.

Cuồng Loan chưa biết phải nói sao thì Dịch Quan San chạy tới. Nãy giờ gã đi kiểm tra các tử thi để tím chút manh mối. Họ Dịch nghiêm nghị bảo Tử Khuê: "Nhị đệ! Cái gã bị ngươi chặt vỡ đầu chính là Võ Đương Thần Kiếm Mộ Duy Lộ. Chúng ta phải mau rút khỏi chốn này, để phòng phe địch kéo đại quân đến phục hận hay cướp xác."

Tử Khuê nhăn mặt, nghe lòng se lại. Chàng không ân hận nhưng thầm tiếc cho một kẻ có tài.

Cuồng Loan cũng biết việc Mộ Duy Lộ đâm thủng song nhãn Hồ Hướng. Họ Hồ nhà ở Trịnh Châu, thuộc tỉnh Sơn Tây. Lúc ấy, Cuồng Loan chưa luyện độc công, có đến thăm Hồ Hướng. Nạn nhân đã kể về chiêu kiếm quái dị cũng như công lực thâm hậu đến khó ngờ của Mộ Duy Lộ. Nay Cáp Liệp có thể giết gã phản đồ núi Võ Đương kia một cách dễ dàng thì quả là đáng phục. Từ chỗ kính phục, Cuồng Loan bắt đầu tin tưởng tài ba của họ Cáp.

Ngựa của bọn họ vẫn quanh quẩn gần đấy, nghe tiếng huýt sáo là chạy đến ngay. Sau khi ném các xác chết vào rừng, năm người lập tức thượng mã, lên xe phi nhanh về phía bến đò sông Nhữ. Sang đến bờ Nam, họ tiếp tục bôn ba và dừng chân ở trấn Minh Kỳ, cách Nhữ Hà sáu chục dặm.

Minh Kỳ là một nơi thị tứ khá sầm uất nên dược đưởng đầy đủ dược vị, Ngay tối hôm ấy, Tử Khuê tiến hành việc chữa trị cho Cuồng Loan. Đầu canh ba, thuốc đã sắc xong, chàng cho gã uống và dùng chân khí đưa dược lực đả thông những chỗ bế tắc trong kinh mạch, đẩy chất độc ra ngoài qua lỗ chân lông. Những giọt mồ hôi tanh tưởi túa ra như tắm và cả tuyến lệ bệnh nhân cũng hoạt động mạnh mẽ.

Nửa canh giờ sau, Cuồng Loan nghe cơ thể thư thái, sung mãn, mắt thì đã thấy được lờ mờ. Gã mừng như chết đi sống lại, nghẹn ngào dập đầu lạy tạ ân nhân. Nhưng lúc này Tử Khuê đã nhắm mắt tọa công, khôi phục lại số chân nguyên bị tổn thất. Y phục chàng cũng ướt sũng mồ hôi.

Thấy vậy, Cuồng Loan đi vào trong tằm gội, thay áo. Gã sung sướng đến mức không thể tắm kỹ được, mau chóng trở ra.

Mã Hồ Mật cũng phấn khởi phi thường, gọi tiểu nhị bày ngay mâm rượu thịt để ăn mừng. Năm người quây quần quanh bàn bát tiên, chuyện trò rất vui vẻ.

Khi được hỏi, Lạc Y Thường thực thà kể rằng mình đi Sơn Tây thăm bà con, lúc về thì gặp cậu cháu Cuồng Loan. Thấy gã mù lòa, bệnh tật, nàng tình nguyện tháp tùng đi Miêu Cương tìm lương y. Nàng đã không mang vạn lượng vàng về Nga My mà gửi cho Thanh Khê Tử của phái Thanh Thành.

Cuồng Loan vốn là người thông tuệ, thầm nghi ngờ rằng hai ân nhân của mình giấu giếm lai lịch. Nếu Tái Bắc Song Hùng có bản lãnh cao cường đến thế thì đã vào Trung Thổ dương danh chứ không chịu mai một ở vùng quan tái Hà Bắc.