Bảo Đại, hay là những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam- Chương 24- P01

Thắng lợi của quân Pháp chỉ là tạm thời. Bộ đội Việt Minh tưởng như tan rã, tan biến vào vùng rừng núi, nhưng vài ngày sau lại xuất hiện. Họ chiến đấu bền bỉ, kiên quyết, không hề lay chuyển trước muôn vàn khó khăn. Không bao giờ có thể tiêu diệt được họ dù có gây cho họ những thất bại tạm thời lúc đầu. Còn quân viễn chinh Pháp, chẳng mấy chốc đã tăng quân số tới một trăm nghìn người gồm cả lính Âu, Bắc Phi, nguỵ quân người Việt được Pháp trang bị. Họ chỉ làm chủ được các thành phố, thị trấn, đường cái lớn, những địa điểm quan trọng, xây dựng hệ thống cứ điểm, boong-ke, tháp canh để bảo vệ vùng kiểm soát. Nhưng quanh họ là những vòng vây, tầng tầng lớp lớp... Họ chỉ làm chủ được ban ngày còn ban đêm bộ đội, du kích Việt Nam mặc sức tung hoành bất chấp pháo sáng, vũ khí hơn hẳn của đối phương. Lê dương Bắc Phi, lính dù hết thảy đều kinh hoàng... Một mối lo sợ âm ỉ, kéo dài, phát sinh ngay từ sau những cuộc giao chiến đầu tiên, mỗi ngày một tăng lên sau những cuộc đụng độ đẫm máu để lại những xác chết của đồng đội thu nhặt được mỗi sớm mai.
Quân Nhật, quân Anh, quân Trung Hoa, tất cả đều đã rút về nước. Từ đây chỉ còn hai địch thủ Việt và Pháp đối mặt nhau.
Chiến sự lan rộng khắp nước. Mỗi thị trấn, mỗi mảnh ruộng đều có thể là nơi diễn ra một trận phục kích, là mục tiêu của một trận pháo kích bằng súng cối. Trên mỗi đoạn đường nhỏ có thể có bẫy chông, làm bằng tre già rắn như thép sắt xuyên thủng da thịt.
Hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn được xem như những thủ đô thời chiến. Tại đây không xa mặt trận bao nhiêu, nhưng cuộc sóng khá hẳn. Tiền bạc từ Pháp rót sang để chi trả cho cuộc tái chiếm thuộc địa tràn ngập khắp các phố phường, các hiệu buôn. Các công ty vận tải, những nhà buôn, nhà ngân hàng và cả những nhà chứa là những nơi tiền vào như nước...
Trong lúc người Pháp lẫn người Việt yên vị trong cuộc sống sung túc và nguy hiểm nầy thì một sự thật đập vào mắt: không thể đè bẹp đối phương, không hy vọng một thắng lợi quyết định, dứt khoát bằng giải pháp thuần tuý quân sự. Việt Minh, được đa số dân chúng ủng hộ tự nguyện hay không tự nguyện, là một đối thủ quá vững chắc, rất khó nắm bắt.
Hồ Chí Minh và chính phủ của ông đã rời khỏi Bắc Bộ phủ ở trung tâm thành phố Hà Nội, phân tán các cơ quan lãnh đạo ra từng bộ phận nhỏ và di chuyển đến vùng tứ giác tây bắc thủ đô và nam đồng bằng sông Hồng để tiến hành cuộc chiến tranh du kích kinh điển hầu như không thể dập tắt được.
Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp cũng phải thú nhận không đủ lực lượng giành chiến thắng quân sự. Có nên thương lượng không? Nhất định là phải thương lượng để tìm ra một giải pháp, nhưng lập trường hai bên còn xa nhau quá. Paris không chấp nhận cho sự độc lập của Việt Nam mà chỉ nói sẽ dành cho Việt Nam quy chế một Quốc gia Liên kết dưới sự kiểm soát của họ. Trong lúc Việt Minh coi Pháp là xâm lược nên đòi trước hết phải tôn trọng chủ quyền hoàn toàn và trọn vẹn của Việt Nam.
Chiến tranh sẽ kéo dài và nhất là bộ tổng chỉ huy Pháp không nhận ra được chung cuộc sẽ như thế nào.
Ý kiến của họ thay đổi tuỳ theo những người nắm quyền hành ở Paris. Những người thuộc đảng xã hội mong muốn tìm ra một giải pháp thoả thuận với Hồ Chí Minh, dù có sự kiện đêm 19 tháng chạp năm 1946 và cuộc đụng độ quyết liệt đang diễn ra. Trái lại, những người lãnh đạo Phong trào Cộng hoà bình dân (MRP), nay mai sẽ đứng ra thành lập chính phủ từ chối không thương lượng với chính phủ "cộng sản", hy vọng "Việt Nam hoá chiến tranh - dùng người Việt đánh người Việt" và dựng lên một nhân vật có thể đối trọng với lãnh tụ cách mạng.
Người đó dĩ nhiên là Bảo Đại dù có thời kỳ hợp tác với Nhật Bản, hay đã từng làm cố vấn tối cao cho chính phủ cụ Hồ, dù tính cách chán đời và lối sống tài tử của ông. Lucien Bodard - một nhà báo chuyên viết về Việt Nam đánh giá Bảo Đại là chàng "Hamlet da vàng lẩn tránh trong tâm trạng phủ định và trác táng. Ông ta lúc nào cũng do dự giữa trách nhiệm lịch sử và hưởng thụ".
Ngày 1 tháng tư năm 1947, Emile Bollaert, mới được bổ nhiệm làm cao uỷ Đông Dương đáp máy bay của hãng Air France đến Hà Nội. Cùng đi có vợ, hai con và chánh văn phòng Pierre Messmer. Đã thành thông lệ các quan chức đi công cán bao giờ cũng có vợ con và người thân đi cùng. Trong suốt thời gian làm việc ở Đông Dương, có chiến tranh hay không, cao uỷ sẽ lợi dụng những chuyến đi về Paris để hưởng những cuộc du lịch ngắn ngày. Trên đường đi, mỗi dịp dừng chân tại các thủ đô hay thành phố, ông tranh thủ đi thăm thú các nơi, khám phá nhiều cảnh quan mới lạ, bao giờ ông cũng có vợ, con cùng đi. Ngay khi đi Vatican để yết kiến giáo hoàng cũng có con gái Jacqueline đi theo. Khi ông đặt chân xuống đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, ông đã mang sẵn trong túi áo, một tài liệu đánh máy mười một trang. Đó là mười một trang "huấn thị", như một bản điều lệnh, một bản hướng dẫn hành động để tránh được những điều dại dột, sai lầm, để chắc chắn là ông áp dụng đúng chính sách đã được Paris quyết định.
Đối với chính phủ Hồ Chí Minh thì sao? Trong tài liệu ghi rõ: kiên quyết lên án.
Thế còn vấn đề Độc lập cho Việt Nam? Được, nhưng độc lập trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp, không có quân đội riêng, không có ngoại giao riêng, tất cả đều kèm theo sự kiểm soát chặt chẽ về chính trị. Câu kèm theo biện pháp nầy gợi lại bóng ma của đô đốc Courbet, của tướng De Courcy và các phế đế hồi giữa thế kỷ XIX.
Trong tài liệu, ghi rõ "Một thí nghiệm cũ, cách đây một trăm năm, chứng tỏ bỏ qua một số bảo đảm nào đó là quá sớm"(1).
Cuối cùng, với Bảo Đại, bản tài liệu nói rõ: "Lập lại bộ máy cai trị cũ, nhưng không tỏ ra là chúng ta lập lại triều đại quân chủ".
Ít nhất là phải như thế. Ký tên dưới bản huấn thị có Thủ tướng Nội các Paul Ramadier, người của đảng Xã hội, còn có phó thủ tướng Maurice Thorez, tổng bí thư đảng Cộng sản.
***
Tại Hongkong, "Con Trời" Bảo Đại không làm gì hết. Ông ta nghỉ ngơi, thưởng thức lạc thú trên đời. Năm 1932, ông đã do dự khi rời Paris để về nước nắm quyền bính. Năm 1945, ông đã thoái vị hơi vội, rồi rong chơi ở Trung Hoa trong lúc đất nước lầm than vì có mặt của quân đội chiếm đóng nước ngoài và lo sợ xảy ra nội chiến. Vậy việc gì ông phải từ bỏ những thói quen cũ của mình. Trong khi ông không chính thức được giao "một chức trách rõ rệt" nào. Ông được tự do. Ông tự nhủ: còn chưa bằng những người khác.
Ông đã đổi tên. Không còn Hoàng đế Bảo Đại. Cũng không phải công dân Vĩnh Thuỵ mà là Wang Kunney tiên sinh, một người Trung Hoa. Muôn năm sự kín đáo, sự mai danh ẩn tích?
Tuy nhiên ông vẫn gặp các nhà báo, vui lòng giải thích lối sống của ông, những cung cách mới của ông. Nhiều nhà báo nhanh chóng có thói quen đến thăm ông hoàng bị phế truất kỳ dị, không buồn, cũng không phải thôi thúc hỏi thăm tin tức vợ con đang sống ở Huế dưới chính quyền Việt Minh ra sao. Ông đi dạo trên bãi tắm, phô trương người tình của mình, trước tiên là Lệ Hà, tiếp theo là Mộng Điệp, một mối tình khác của ông.
Đầu đội mũ panama, mình mặc chiếc một áo sơmi lụa bạch theo kiểu Trung Quốc, quần ống rộng thùng thình; giấu mặt bằng cặp kính râm to, Bảo Đại sống như một thường dân vô công rồi nghề. Như mọi người, ông đi xe công cộng chật lèn của Hongkong, tắm, chơi gôn, chơi quần vợt. Ông luôn luôn làm cho các chính khách bám quanh ông phải ngạc nhiên thán phục.
Dáng dấp trẻ trung, thân hình lực sĩ, tuổi mới gần ba mươi tư, nhưng phần lớn thời gian rỗi ông phân chia giữa cờ bạc và thể thao. Tối tối, ông lao đến Paramount, vũ trường lớn nhất của thành phố. Ông thường xuyên lui tới các ca lâu tửu quán. Ngay từ giữa thời kỳ cách mạng ở Hà Nội, ông đã là khách quen của những hộp đêm ở Hà Nội. Cần gì? Ông yêu thích cái không khí choáng lộn, trong những đêm bất tận, thích cái nhìn của những người đi lướt qua bên ông trên sàn nhảy hay trong các sới bạc.
Thế nhưng ông túng thiếu, gần như nghèo túng. Hoàng đế mà như thế thì nghèo cùng cực rồi. Tiền ông quăng trên các bàn bạc hoặc thanh toán tiền phòng khách sạn tồi tàn của ông là của cô nhân tình Lý Lệ Hà chi trả. Cô nầy đã phải mở két, biếu ông tất cả tiền tiết kiệm của một cô gái nhảy nửa thượng lưu, số tiền lên tới vài trăm bạc kiên trì tích cóp được nhờ tài quyến rũ của cô.
Ông có thật là một con người vô dụng như các tạp chí miêu tả ông không? Ông có đóng kịch khi tỏ ra là một nhà du lịch biếm hoạ? Ông đã làm hết sức để cho chân dung về ông có thể tin được. Ông không chỉ là chàng thanh niên rám nắng, tươi cười luôn luôn xuất hiện trên các tạp chí. Tuy nhiên báo chí đã lưu lại hình ảnh ấy và qua báo chí công chúng tin rằng cựu hoàng chỉ là một con người như thế. Tiếng tăm của ông bị vẩn đục những thành công chính trị sau nầy của ông sẽ bị phai mờ vì những chuyện bê bối trong đời tư của ông. Một số bài báo đã có dụng ý tạo nên hình ảnh về ông chỉ là một kẻ ăn chơi trác táng không thể sửa được.
Một tờ báo ở Nam Bộ, tờ Duy Tân đã đăng một tin giật gân, đầu đề chạy suốt trên tám cột báo: "Một cô gái người Hoa tên là Trần Nỷ - được biết nhiều hơn với cái tên Jenny Wong - từ Hongkong sang Sài Gòn, đi tìm những người có vai vế trong hội đồng hoàng tộc để báo cho biết cô đã có mang với Bảo Đại và đứa trẻ sau nầy ra đời sẽ được chính thức hoá như thế nào trong hội đồng hoàng tộc?". Bài báo bị Sở kiểm duyệt đục bỏ(2).
Báo chí Pháp còn khẳng định một cách quả quyết hơn. Trong tờ Paris Presse, Merry Bromberger viết: "Muốn gặp Bảo Đại ở Hongkong chỉ cần dạo mười bốn hộp đêm trong thành phố, dễ hơn là tìm ông trong một khách sạn Anh"(3)...
Thời gian qua đi, diễn biến các sự kiện, thái độ lừng chừng do dự của người Pháp làm cho Bảo Đại chán chường, mệt mỏi, chậm chạp, lười biếng, vỡ mộng nữa, hơn thời kỳ trị vì ở kinh đô Huế. Tuy nhiên, theo ghi chép của một nhân viên tình báo Pháp (SDECE) "trí tuệ của ông vẫn rất sắc sảo giống như quan hệ tầm thường không làm nhụt thú hưởng lạc và dan díu tình ái dễ dãi".
Cố vấn tối cao của chính phủ Hồ Chí Minh chẳng bao lâu nối lại sự tiếp xúc với người Pháp.
Ai chủ động trong việc nầy? Ông Bảo Đại: đó là Paris. Một nhân viên Ngân hàng Đông Dương bắn tin: chính phủ Pháp muốn ông trở lại ngôi báu. Thấy ông đang gặp khó khăn về tài chính, Ngân hàng Đông Dương dành ngay cho ông một ngân khoản hai nghìn đôla Hongkong. Sau đó lại thêm một món tiền của giáo hội Pháp cho vay nữa. Các giáo sĩ dòng Tên chỉ đòi hỏi món vay được đảm bảo bằng tài sản của ngai vàng.
Theo cơ quan tình báo Pháp thì chính là Bảo Đại chủ động yêu cầu được giúp đỡ, sau khi đã tiêu đến đồng đôla cuối cùng. Ông nhận được một món tiền nhỏ, năm trăm đồng sau khi có ý kiến của lãnh sự Pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Thuộc địa. Số tiền đó chỉ đủ dùng để tránh cho cựu hoàng khỏi bị các nhân viên nước ngoài khác lôi kéo. Trong bất kể tình huống nào thì khi đã có tiền, ông lập tức đổi sang một khách sạn mới, sang trọng hơn. Đó là khách sạn Gloueester trên đường Hoàng hậu (Queen's Road).
Thế cũng chưa đủ. Các phái viên Pháp tiếp tục dùng tiền để lung lạc cựu hoàng. Một người tên là Yole, tình báo viên gài vào lãnh sự quán Pháp tại Hongkong, cứ đều đều mỗi tháng rót cho ông năm nghìn đôla Hongkong. Tiền nầy lấy từ quỹ đen của ông Bollaert. Một món tiền lớn để chi cho các hoạt động chính trị: một phần dành cho các đại biểu của các tổ chức "quốc gia" đến thăm ông. Nguồn gốc của khoản tiền ấy được giữ kín. Các chính khách sa-lông khi nhận được trợ cấp ngoài mong đợi ấy, đinh ninh rằng Bảo Đại đã gia ân cho họ.
Một phái viên khác tên là Reynaud, một cộng tác viên thân cận của Cao uỷ Bollaert làm con thoi chạy đi chạy lại giữa Sài Gòn và Hongkong. Không chỉ đóng vai trò trung gian, Cao uỷ còn giao trách nhiệm cho ông ta "bám sát" cựu hoàng, tham dự các hội hè ban đêm của ông, trở thành một trong những người thân tín của ông. Reynaud biết Bảo Đại từ lâu vì trước chiến tranh thế giới ông ta đã là nhân viên bảo hiểm của ông.
Người bạn mới nầy còn ra sức khuyến khích ông trở lại các phi vụ làm ăn và sẽ cung cấp tiền bạc. Nhưng một người tin cẩn khác của Cao uỷ là Cousseau - nguyên công sứ Sơn La - nắm dây thắt hầu bao. Ông ta nói với nhà báo Lucien Bodard: "Tôi tin sắp thành công đến nơi vì Bảo Đại rất cần tiền. Đó là một ông vua tầm thường, bị phế truất, không có tiền tiêu, không có hoài bão gì. Ông ta đang trong cảnh gần như khốn cùng. Thực tế đó là một công việc không dễ dàng chút nào. Tôi đã đem đến hàng triệu bạc, mà vẫn không đủ [...]. Trở lại với cuộc sống ăn chơi xả láng, Bảo Đại càng bị lôi cuốn... Ông ta hiểu rằng người ta càng gắn với ông bao nhiêu thì lại càng cần đến ông bấy nhiêu".
Nguồn gốc sự phất lên rất nhanh của Bảo Đại là một bí mật mà mọi người ai cũng biết cả. Trong một vụ khám va-li của con gái Bollaert tại phi cảng Sài Gòn, một khoản tiền ngoại tệ sáu trăm ngàn đồng bị phát hiện. Cô gái khai số tiền nầy gửi cho chánh mật thám. Ông nầy buộc phải nói rõ: đó là "tiền lương trả cho chi phí lưu trú của Bảo Đại ở Hongkong".
Nhờ chế độ chuyển tiền hay "buôn bạc" mà những món tiền nhỏ ban đầu nhanh chóng trở thành khó che mắt thiên hạ. Những trò "ảo thuật" rất hời ấy do một thanh tra tài chính tìm ra. Tất cả những đồng bạc được phép chuyển từ Sài Gòn hay Hà Nội đến Paris đổi ra đồng franc được tăng gấp hai lần giá trị ban đầu. Làm như vậy để khuyến khích những người lao động chân chính sang làm việc ở Đông Dương hoặc bù trừ cho những nhà buôn phải liều lĩnh bỏ vốn làm ăn ở cái xứ sở đang có chiến tranh. Một đồng bạc Đông Dương được phép chuyển về chính quốc ăn mười bảy franc. Nhưng nếu quá hạn mức cho phép được chuyển tiền về nước thì một đồng bạc Đông Dương chỉ ăn có tám franc. Bảo Đại nhận đổi cho người Pháp làm việc hay kinh doanh ở Đông Dương muốn chuyển tiền về nước ngoài hạn mức, từ đồng bạc Đông Dương ra đôla Hongkong với giá tám franc/đồng bạc Đông Dương. Ông gửi những đồng bạc Đông Dương đó về Sài Gòn và làm thủ tục chuyển tiền về Paris, làm như những đồng bạc đó kiếm được một cách hợp pháp tại Đông Dương chứ không phải mua lậu tại Hongkong. Tiền nầy trở về Paris đổi thành franc với giá hối đoái mười bảy franc một đồng. Như vậy chỉ cần cho tiền lộn về Hongkong và lại tiếp tục hành trình đi - về.
Phải chăng cựu hoàng đã phất to nhờ hệ thống chuyển tiền ma quái nầy?
Đúng là như thế. Dù sao tài sản của ông tăng vọt.
Sau nầy ông thú nhận: "Tiền ngoại tệ ồ ạt gửi đến cho tôi, kèm theo những móc ngoặc trong bộ máy ngân hàng - tài chính, khiến tôi có thể làm biến đổi tỷ giá hối đoái của đồng bạc Đông Dương ở Hongkong"(4).
Như vậy có phải là phi pháp, bất bình thường không? Ở Đông Dương, trong thời kỳ đầu của chiến tranh thì chuyện đó không có gì là bất bình thường.
Vòng quay của đồng tiền không ngừng tăng tốc độ, những phi vụ không có gì nguy hiểm và khó khăn... mà ai cũng có phần trong khi vẫn phải tiếp tục các cuộc giao chiến, sống chết không biết lúc nào. Không kể các vụ buôn bán khác dứt khoát là đáng ngờ, mà một số người thân cận của ông là thủ phạm. Còn ông không thể không được chia phần, một khi các vụ làm ăn phi pháp trót lọt.
Cựu hoàng cho Phan Văn Giáo, bí thư của ông, hai mươi ngàn đôla Hongkong để thưởng công cho Giáo đã làm việc tốt. Với số tiền đó, Phan Văn Giáo mua mười lăm hòm kháng sinh gửi về Sài Gòn trên một con tàu hải quân của quân đội quốc gia. Một nơi khác một xe cứu thương dỡ hàng xuống nhà bà Didelot, chị gái bà Nam Phương Hoàng hậu. Các hòm hàng được đem bán lại ở chợ đen, được bảy trăm năm mươi nghìn đồng. Ai mua? Người của Việt Minh mua hàng đem về bưng biền! Bảo Đại có biết không? Không thể nào không biết. Chính ông cũng tham gia vào các vụ áp-phe của đám cận thần. Ngoài Phan Văn Giáo còn có Nguyễn Hữu Thí, giám đốc cơ quan tình báo của ông cũng là cố vấn tài chính cho ông. Thí nắm độc quyền cung ứng và vận tải cho miền Trung Việt đồng thời cũng buôn bán kim cương, rượu vang, cao su và cùng với Pierre Reynaud trở thành nhân vật thân tín của cái "hợp tác kinh tế và quân sự ở Trung Kỳ".
Ấy thế mà chẳng có gì rõ ràng cả. Chẳng ai biết chính xác ông cựu hoàng lưu vong làm việc cho bên nào. Các vụ áp-phe lớn thu lợi cho ông và đám cận thần đã đành mà Việt Minh được một nguồn tiếp tế có đảm bảo chẳc chắn.
Quan hệ tay đôi giữa nhà cách mạng lão thành Hồ Chí Minh và cựu hoàng Bảo Đại lưu vong thế là tan vỡ chăng? Không hoàn toàn như vậy. Hãng thông tấn Anh Reuter loan tin: Bảo Đại khẳng định: "Không bao giờ tôi trở lại Huế để lập một chính phủ bù nhìn cho người Pháp. Tôi thấy ông Hồ Chí Minh là một con người tài năng, một người yêu nước chân chính".
Riêng đối với ông Hồ, không bao giờ Bảo Đại lên án. Ông tránh không tỏ ra đứng hẳn về phe nào. Có lẽ như thế là khôn ngoan. Việc tự nguyện thoái vị của ông đã được lòng dân chúng. Ai cũng biết hai người đều có chung một nguyện vọng muốn cho đất nước được độc lập dân chúng được sung sướng, nhưng con đường đạt mục đích khác nhau, lối sống khác nhau, nhưng trong thời kỳ còn hợp tác với nhau Hồ Chí Minh bao giờ cũng có thái độ tôn trọng cựu hoàng - cố vấn tối cao của chính phủ.
Chính phủ Việt Nam, một mặt duy trì Bảo Đại trong cái vị thế kỳ quặc "cố vấn tối cao", mặt khác tấn công triệt để vào các nhân vật thân cận của ông. Nhân vật thân cận chứ không phải ông.
Hồ Chí Minh kiên nhẫn chờ đợi kết cục các cuộc thương thuyết giữa cựu hoàng với Pháp rồi mới tỏ thái độ dứt khoát.
Ngày 5 tháng 7 năm 1947, Bảo Đại lên tiếng ở Hongkong trong một cuộc trả lời phỏng vấn: "Nếu toàn dân Việt Nam đặt lòng tin vào tôi [...] tôi sẽ sung sướng trở về Đông Dương. Tôi không ủng hộ cũng không chống lại Việt Minh, tôi không thuộc đảng phái nào!".
Mặc dù lên án chủ nghĩa cộng sản, ông không lớn tiếng đả kích chế độ Dân chủ Cộng hoà đối phương, không trực diện công kích cá nhân Hồ Chí Minh...
Nhưng cuộc mặc cả vẫn chưa ngã ngũ. Bảo Đại cao giọng đòi Pháp phải trao trả độc lập, công nhận nền thống nhất, Nam Bộ phải trở về lãnh thổ nước Việt Nam không cần trưng cầu ý dân. Về hình thức tưởng như cựu hoàng còn đòi hỏi cao hơn Hồ Chí Minh năm 1946. Trong dân chúng nhất là trong vùng Pháp kiểm soát, có dư luận cho rằng cựu hoàng giao thiệp với Pháp là có sự thoả thuận với Hồ Chí Minh, như năm 1945, ông đã nhận nền độc lập từ tay Nhật để rồi mấy tháng sau lại trao lại cho Việt Minh. Phải chăng, tại Hongkong, ông lại tái diễn lớp trò nầy. Ông thương thuyết với người Pháp để trở lại nắm quyền bính, rồi sau đó, ông sẽ cai quản đất nước cùng với Hồ Chí Minh? Philippe Franchini, người Pháp chuyên về chiến tranh Đông Dương viết: "Một nhóm người nhìn ông như quốc vương của một nước Việt Nam tìm lại được đạo trung dung của Khổng Tử. Nhóm khác thì xem ông là sự bổ sung cho Hồ Chí Minh, giống như âm và Dương, như Mặt trời và Mặt trăng, chụm lại thì thành vòng tròn hoàn chỉnh, hình dung về một nước Việt Nam lý tưởng"(5). Từ căn cứ kháng chiến, ông Hồ Chí Minh nói với S. Ehe Maissie phóng viên hãng thông tấn Mỹ International New Service Mỹ, như để đính chính:
"Ông Vĩnh Thuỵ là cố vấn trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tuyên thệ trung thành trước Quốc hội, trước Chính phủ và trước quốc dân. Ông ta chỉ có tư cách đứng ra điều đình khi nào được Chính phủ Cộng hoà Việt Nam uỷ quyền".(6)
Người Pháp tỏ vẻ sốt ruột còn Bảo Đại vẫn tỏ ra vẻ bí hiểm. Ông không vội đáp lại năn nỉ của người Pháp. Biết mình chẳng có hậu thuẫn gì của dân chúng nhưng ông biết lợi dụng sự khó khăn của Pháp trong việc đối phó với phong trào kháng chiến của Việt Minh. Hơn nữa trong các phe phái đang ve vãn, lợi dụng vị trí ông vua cuối cùng triều Nguyễn của ông cũng chưa nhất trí với nhau trong việc tranh giành chỗ đứng - kèm theo là quyền lợi trong chính phủ bù nhìn tương lai, có phái bảo hoàng miền Trung, có phái Nam Kỳ muốn có nhiều quyền và lợi hơn trong chính phủ Việt Nam thống nhất, nói rộng hơn có ý đồ của người Mỹ muốn lợi dụng Pháp suy yếu để dần dần thay thế Pháp biến Đông Dương sớm trở thành mắt xích trọng yếu trong vành đai chống cộng của Đông Nam Á, một khi bị Trung Cộng đánh bật khỏi lục địa Trung Hoa. Là một người không kém thông minh, Bảo Đại không phải là không biết mọi sự toan tính đó. Ông bình thản chờ xem tình hình phát triển ra sao rồi mới tỏ thái độ dứt khoát.
Còn thái độ của người Pháp? Bollaert tỏ ra rất sốt ruột. Lập trường đàm phán của ông đã bị Hồ Chí Minh cự tuyệt sau chuyến công cán của đặc phái viên Paul Mus đến khu kháng chiến. Tiếp đó là thất bại quân sự trong trận tấn công quy mô Thu Đông năm 1947 vào chiến khu Việt Bắc để chụp bắt cơ quan lãnh đạo kháng chiến.
Các đoàn đại biểu các phe nhóm, các đảng phái lũ lượt sang Hongkong ngày càng nhiều. Có người sang thăm dò, mặc cả rồi trở về. Số người ở lại cũng không ít. Ngô Đình Diệm, sau một thời gian dài ở Mỹ cũng không chịu vắng mặt ở Hongkong với đề nghị lập một chính phủ gồm các nhà chuyên môn hơn là đại diện các đảng phái.
Tháng 11 năm 1947, Robert Schuman thay thế Paul Ramadier đứng đầu chính phủ. Là người của Mặt trận tập hợp bình dân (MRP do De Gaulle sáng lập) chính phủ Pháp ngày càng ngả sang hữu. Emile Bollaert là người của đảng cấp tiến. Dù nội các thay đổi, ông vẫn tiếp tục các cuộc mặc cả ở Hongkong. Ông sẽ ở lại chức vụ hiện nay, dù cho có thay đổi nội các thế nào đi nữa, trong 18 tháng nữa, đến 15 tháng 9 năm 1948, để nhường chỗ cho Léon Pignon.
Hồ Chí Minh cũng thay đổi tuyên bố trước các nhà báo về tình trạng của Bảo Đại.