Để em cưa anh nhé! - Chương 11 - Phần 2

Sau khi chờ mọi người lên hết các xe trước, lớp chúng tôi mới chịu kéo nhau trèo lên chiếc xe cuối cùng với mục đích “Chúng nó đến trước thì đằng nào chúng nó cũng phải chờ bọn mình tới rồi mới cùng tập trung. Mình đến sau ung dung ngồi rung đùi có phải sướng hơn không!” Ngồi trên chiếc xe bus kiểu đời cũ, rung rinh rắc lư vượt qua ngàn ổ gà tiến đến khu “Mai Lĩnh rì-sọt”, ban đầu mấy đứa chúng tôi còn tràn đầy hứng khởi, nhưng càng về sau, cảm giác say xe quật ngã khiến cho đứa nào đứa nấy miệng đều câm như hến, chẳng còn thiết nói năng gì nữa. Khốn khổ nhất vẫn là tôi, tôi bị say xe nặng nên chỉ dám ngồi im, nghe các bạn nói chuyện mà không dám mở miệng xen vào vì sợ… ói.

Cuối cùng, tôi quyết định chuyển xuống ghế cuối ngồi cho thoải mái, ngồi một mình một ghế, tôi cố tình mở cửa sổ ra hết cỡ rồi ghé đầu ra ngoài để gió thốc thẳng vào mặt, nhằm giải tỏa bớt mùi nồng nặc bên trong xe. Sau hai tiếng đồng hồ, cuối cùng đoàn xe đã chỉ còn cách Mai Lĩnh có vài cây số, con đường phía trước mắt dần dần trở nên mới lạ. Mọi vật thay đổi từ đường ray, đến những dãy nhà hoang, tiếp theo là những cánh đồng lúa bát ngát, thơm mùi sữa gạo thanh mát, khiến tôi cứ căng mũi ra tận hưởng hương vị tuyệt vời của đất trời, thi thoảng lại dính phải mùi nồng nặc của mấy bãi phân trâu còn tươi mới sộc thẳng vào mũi… Một cảm giác gớm không thể tả!

Càng tiến gần về khu quân sự, khung cảnh làng quê dần hiện ra rõ rệt, những ngôi nhà mái tranh lúp xúp, ống ngói đượm đà mùi của rơm khô đang được nhóm lên nghi ngút, bay bược chiều gió lại một lần nữa sộc thẳng vào mặt tôi…

Bực mình! Tôi đóng sập cửa lại. Ngửi bom tự nhiên thế là đủ lắm rồi!

Con đường đi vào trong trường sâu hoắm giữa hai bên đều là khu chợ, tôi thầm chẹp miệng thất vọng: “Trường làng rồi”! Thế nhưng càng đi vào sâu, thực tại lại càng hiện ra bất ngờ trước mắt chúng tôi. Đám con gái ngoái hẳn cổ ra ngoài, mắt sáng lên thích thú.

- Ôi! Sân bóng kìa!

- Wow! Có cả nhà thi đấu nữa!

- Uôi… Các anh tay tooo –Hiền rít lên!

- Nhưng lò xo bé… - Tôi tỉnh bơ nói.

Bánh xe dừng lại ở sân bóng rổ, mấy đứa con gái nháo nhào nhảy xuống xe, tay xách nách mang kéo đống hành lí nặng trình trịch tiến về phía sân trung tâm. Sau khi được các thầy phân chia trung đội tiểu đội, cả lớp chúng tôi được xếp vào trung đội 11 cho chị Ly làm chỉ huy. Sau khi nghe thầy hiệu trưởng giới thiệu qua về trường cùng bài diễn văn chào đón mà tôi đoán là các cụ đã đọc thuộc làu, cuối cùng thì chúng tôi cũng được thả cho tự do bay về khu ký túc xá, tự chọn phòng trong dãy nhà B. Vội vàng xách va li chạy lên hết tầng ba rồi lại quay ngược xuống tầng hai, sau khi phân vân một hồi, chốt hạ, tôi quyết định ở lại phòng A112. Căn phòng rộng rãi có đến tám chiêc giường được phân thành hai tầng xếp chồng lên nhau áp sát vào vách tường. Vừa mới vào phòng, chúng tôi đã tranh nhau chọn giường.

Tôi vẫn còn nhớ, vài năm trước khi xem một bộ phim, thấy các chị bộ đội hay nằm ở giường trên nhìn rất riêng tư, đêm về còn có gió mát, trăng thanh treo ngoài cửa sổ, cô chiến sĩ Mai có thể ngồi bên thành giường lôi nhật ký ra trầm tư viết truyện “Đời người lính trẻ” để sau này truyền lại cho con cháu. Chỉ tưởng tượng thôi cũng đã thấy viễn cảnh thực đẹp như tranh rồi…

Đang đứng ngẩn ngơ suy nghĩ, bỗng tiếng cái Hân lớn tiểu đội trưởng vang lên như sấm sét kéo tuột tôi trở về thực tại.

- Phòng này đã xếp đủ người chưa? Đủ rồi thì cử ra bốn người cùng tớ xuống nhà kho lấy chăn màn và đồng phục nhé!

- Ai đi với chị?

Tôi hồ hởi xung phong đi trước.

- Mọi người đi đi, em ở lại dọn phòng cho!

Nhìn vào đống bụi bặm ngổn ngang còn đang két lại trong phòng, Hiền quyết định ở lại đảm việc nhà.

Vậy là cuối cùng tôi, Mai bé, Quyên và Nhi khoác tay nhau lon ton chạy xuống khu nhà A để lấy đồ tư trang, để lại Hiền cùng Linh, Huyền và Ánh là ba người mới sát nhập vào phòng ở lại dọn dẹp.

Thời tiết đầu tháng một lạnh cắt da cắt thịt, lại được thêm gió núi sương rừng hòa quyện tăng thêm phần rát buốt. Lúc đứng chờ xếp hàng, mấy đứa ôm nhau run lẩy bẩy. Sốt ruột ngó lên phía trước, tôi há hốc mồm khi nhìn thấy trước mình phải còn đến mấy trăm mạng nữa. Đánh chết cũng không hết cái nết lề mề. Cuối cùng, tôi quyết định dùng hạ sách: Đi vòng qua lối tắt hành lang, chen vô đầu đoàn. Thế là chỉ sau năm phút, tôi cùng mấy con giời phòng A112 đã chễm chệ chen lên đứng đầu.

Sau khi được tiểu đội trưởng phát cho mấy chồng dày cộp toàn những là chăn màn, quần áo đã bốc mùi ẩm mốc, tôi khẽ nhăn mặt rồi chia cho mỗi đứa một chồng để bê trở về phòng. Trên đường đi, cái Nhi cứ ngửa hẳn người về phía sau để tránh mùi quần áo cũ mãi.

Lúc đi qua căng tin, mấy đứa liền sáng mắt khi phát hiện ra khu nhà ăn ở đây cực lớn, đồ ăn vặt thì la liệt, đã thế lại còn có đủ thứ nước giải khát như chè, trà đá, nhân trần, nước mía các kiểu nữa. Cả nhóm khẽ gật gù… Vậy là không lo chết đói rồi! Trước khi đến đây tôi đã từng nghe các anh chị khóa trên kể lại là thức ăn ở đây kinh khủng lắm, cơm cứng như đá, nắm vào có thể ném chết chó, lạc cắn vào không cẩn thận là gãy hết răng, nước canh thì nhạt hơn nước ốc, vậy mà chúng tôi còn phải đóng thêm những gần một triệu tiền ăn cho cả tháng, vị chi ra cũng gần hai chục mỗi bữa. Thật đúng là vứt tiền xuống sông.

Chúng tôi mua lên phòng tám cốc nước mía, rồi lại cùng nhóm “hậu cần” dọn dẹp nốt căn phòng còn dang dở, giũ từng cái chiếu, phơi từng tấm chăn chiếc áo lên mắc ngoài hành lang, xong xuôi, cả nhóm lại chung tiền đi mua thêm mấy món đồ dùng cá nhân như xô rác, giấy ăn, bàn chải, nước uống.

Tôi và Mai bé do nhỏ người nhưng có sức khỏe nên “được” cử đi bê nước, còn Hiền, Quyên và Nhi thì đi mua vật dụng cá nhân. Cảm giác chung tay sắm sửa, giúp đỡ nhau để trang hoàng cho một căn phòng mới với tập thể tám người chưa từng chung sống… chỉ nghĩ đến thôi tôi cũng đã thấy hào hứng lắm rồi!

Kết thúc buổi chiều ngày hôm ấy, mọi thứ cuối cùng cũng đã được thu xếp gần ổn thỏa. Ban đầu lúc phân chia có đứa thiếu quần đứa thì thiếu áo, chúng tôi còn cãi nhau loạn xạ cả lên, nhưng giờ thì đầy đủ cả rồi. Lần đầu tiên được khoác nguyên cả cây màu xanh bộ đội lên người, lòng chúng tôi thấy phấn khởi vô cùng. Mỗi tội trông đứa nào đứa nấy cũng như cây nấm lùn, nhất là tôi và Mai bé, nhìn lôi thôi luộm thuộm, cảm giác như đang bơi trong quân phục vậy.

Đến tầm bốn rưỡi chiều, sau khi đã thu dọn ngăn nắp đâu vào đấy, chúng tôi mệt lả cả người mà vẫn chưa có gì vào bụng, nghe tiếng chuông bụng đồng thanh vang lên, cả phòng lại rủ nhau xuống căng tin ăn phở. Quả thật lần đầu tiên ăn phở ở đây, tất cả đều có cảm giác vô cùng đặc biệt… như là lần cuối cùng! Đã thế bát của tôi lại còn bị lỡ cho hành, mặc dù trước đó tôi đã kêu khản cả cổ và không ngừng nhấn mạnh.

“Hai bát tái, ba bát chín, hai bát tái chín, một bán tái không hành! BÁT TÁI KHÔNG CÓ HÀNH ĐÂU NHỚ! CÓ HÀNH KHÔNG ĂN ĐÂU!!!”

Thế mà cuối cùng, tôi vẫn phải vừa khóc vừa gẩy hành ra. Thật đúng là thảm cảnh! Sau khi cất công căng mắt lên dể lọc hành, vừa mới kịp hút được hai sợi phở thì…

Reng rengggg!!!!!!!!!

“Toàn thể học sinh lập tức tập trung tại sân nhà B, sau năm phút ai vắng mặt thì trục suất ngay lập tức!”

Vừa nghe thông báo xong, chúng tôi liền vội vàng bỏ ngay đũa xuống, lập tức thanh toán xong rồi chạy thục mạng về phía sân trường, dạ dày long lên sòng sọc. Chỉ trong giây lát, ngập tràn sân trường đã được phủ hoàn toàn bằng màu xanh của lá, từ màu lục cho đến màu rêu, cảm giác náo nhiệt đến khó tả, tất cả đều xôn xao một khẩu hiệu chung như thể thần giao cách cảm.

“Không thể nào mà chịu được! Không thể nào mà sống được!!! Tao muốn về Hà Nội!!!”

“Chào mừng toàn thể sinh viên ba trường đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội, Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội và Đại Học Hà Nội đã đến với khóa huấn luyện quân sự K176 của chúng tôi! Ở đây, các em sẽ được trải qua một cuộc sống chưa từng sống…”

“Vầng! Vừa mới trải qua rồi, nếm đủ rồi, nhớ mẹ lắm rồi, muốn được về ăn cơm nhà lắm rồi!”- Mấy đứa ngồi bên dưới, chống cằm lèm bèm trong tiếng réo sôi anh ách như đánh beatbox của dạ dày còn chưa kịp tiêu hóa hết từ chỗ phở ăn dở ban nãy. Sau một bài diễn văn dài dằng dặc, chốt lại là bắt đầu từ ngày mai chúng tôi sẽ phải sống một cuộc sống mới, một cuộc sống kỉ cương vô cùng khắc nghiệt, không phân biệt giàu nghèo, ai cũng phải tuân thủ chấp hành như nhau. Sáng, phải dậy từ lúc năm giờ mười lăm phút, hàng ngày các thầy sẽ đi tuần tra để kiểm soát, phòng nào dậy muộn, không vệ sinh phòng trước năm giờ ba mươi phút sẽ bị phạt ôm chăn màn đứng giữa sân “tắm” nắng đến hết ngày, một người mắc lỗi cả trung đội phải chịu kỉ luật theo. Vì vậy chịu khó mà bảo ban nhau, không thì úp sọt nhổ nước bọt chết cha cái thằng vi phạm đi!

Sáu giờ ba mươi phút tập thể dục hoặc đi lao động chung, bảy giờ bắt đầu học, mười giờ ăn trưa, mười một giờ về phòng nghỉ trưa, một giờ chiều bắt đầu học tiếp, năm giờ ăn tối, tám giờ lại tập trung cuối ngày. Sau tám giờ không được ra khỏi cổng trường, con gái không được mặc váy ngắn quần đùi, trang phục hở hang để tránh những trường hợp không may xảy ra, trường không chịu khách nhiệm.

Nghe thầy thuyết trình đến tầm sáu giờ tối, lúc này nền trời cũng đã bắt đầu chuyển sang màu xanh xám, gió đang gào thét mỗi lúc một quyết liệt hơn, đám học viên co ro lo lắng, dần dần cảm thấy chuyện chẳng lành sắp ập tới. Trong khi đó, thầy vẫn oai nghiêm bệ vệ đứng phát biểu bên trong dãy hành lang đã được che chắn cẩn thận bởi hiên nhà.

“ Tôi đảm bảo với các em, sau bốn tuần ở đây, có khi các em còn chẳng muốn về nữa ấy chứ! Bây giờ có thể các em sẽ không tin, nhưng rồi thời gian sẽ trả lời tất cả.”

Mặc kệ lời thầy nói, đám học viên phía dưới đã bắt đầu nháo nhác kêu lên.

- Thầy ơi! Mưa rồi!!!

Mặc kệ tiếng nhốn nháo của đám học viên, thầy vẫn hào hùng phát biểu tiếp.

- Mưa to là mưa nhỏ, mưa nhỏ là không có mưa. Ai cãi thì đóng gói về nhà!

- Nhưng…

- Ai vừa “nhưng”???

Thầy nói đến đây, giọng đanh lại, nụ cười trên môi lập tức đông cứng thành ánh mắt thép, quét xuống đám học viên chưa hiểu phép tắc khiến cả hội trường lập tức im phăng phắc, không ai dám cãi thêm bất kì một câu nào nữa.

“NGHIÊM!!!”

Hiệu lệnh vừa được phát ra, mặc kệ trời mưa, đứa nào đứa nấy cũng đều lập tức đứng thẳng lưng, tự động đưa tay lên ngang trán, hướng ánh mắt hình viền đạn về phía thầy chào lại. Từng hạt mưa mỗi lúc rơi một nặng hơn, đáp lã chã xuống đầu, táp vào mặt lạnh buốt. Thời tiết đầu tháng một hiện chỉ có mười mấy độ, bộ quân phục mỏng manh quả không đủ để giữ ấm cho họ mặc dù đã cẩn thận nhét thêm mấy cái áo len vào bên trong. Hòa lẫn trong nước mưa, dường như là dòng nước mắt uất ức của đám con gái lần đầu tiên xa nhà lại phải chịu cái cảnh hành xác này.

- Các em phải tập quen dần đi! Cuộc sống sau này còn vất vả hơn nhiều, đây mới chỉ là sự khởi đầu thôi, chưa nghĩa lí gì đâu, nhưng rồi các em sẽ quen với cuộc sống này, có khi còn mang theo cả cách sống ấy về nhà khó mà quên được ấy chứ! Tôi vẫn còn nhớ khóa huấn luyện năm ngoái có một cậu sinh viên sau khi đi quân sự về, vốn đã quen tắm nước lạnh, táp nước bằng chậu, về đến nhà được tắm bằng vòi hoa sen nước nóng thì không quen, còn gọi điện thoại lên đây cho tôi xin thuê phòng học tiếp mà tôi còn không cho đấy!

Nghe đến đây, tôi lại khẽ nghiến răng lầm bầm, nhưng khuôn mặt vẫn nghiêm trang không biến sắc.

- Thầy lại chém…

- Gió lộng quá chị ạ!

Hiền cũng liếc sang càu nhàu.

- Lạnh hết cả người! Gru gru…

Hai hàm răng va đập, Nhi run lẩy bẩy.

Đứng nhìn đám học sinh đang dựng thẳng mình, đối mặt với mưa gió không mảy may oán thán, thầy bỗng mỉm cười, rồi lại cất tiếng hỏi lần nữa.

- Các em thấy thế nào? Chịu được nữa không?

- DẠ CÓ Ạ!!!

Cả hội trường nháy nhau đánh liều lớn tiếng dối lòng một phát. Y như rằng… trúng đề luôn! Nét mặt rạng ngời bất ngờ tan chảy trên khuôn mặt đanh thép của người thầy đang đứng trong hiên nhà… nhưng không sợ mưa gió.

- Từng tiểu đội xếp thành hàng lối trật tự trở về phòng.

Thầy vừa hạ mic xuống, cả rừng màu xanh đột ngột vỡ òa ra nháo nhác như thể vừa có cơn gió mạnh nào đó thổi đến cuốn tung đám lá khô vừa mới được quét gọn lại thành một khối. Thậm chí có những đứa bé bé lùn lùn giỏi leo trèo còn phi thân cái vèo qua hẳn hành lang phòng lãnh đảo để chạy về phòng. Lẫn trong đám người nhốn nháo, chen chúc nhau chật cứng nhưng ai nấy cũng phải giơ cao một tay lên trời để giữ ghế, ngực tì vào nhau đau không tả xiết. Có những đứa còn ác đến nỗi lấy cả ghế làm vũ khí, húc thẳng lên phía trước để tìm ra lối thoát, khung cảnh hỗn độn còn tắc nghẽn dữ dội hơn cả cái ngày mà Running Man từng về Hà Nội để quay chương trình thực tế.

Đứng dưới mưa, tôi cố gắng cúi đầu rúc vào lưng mấy đứa đi trước, lẳng lặng lợi dụng cơ thể của tụi nó để tránh mưa nhưng vẫn không quên cầm chắc chiếc ghế trong tay. Tự nhiên lại thấy lòng vui đến khó hiểu. Có lẽ, những chuỗi ngày tới đây sẽ rất vất vả, nhưng lại đầy ắp những kỉ niệm vui buồn mà tôi chưa bao giờ được trải qua.

Một nỗi niềm mãnh liệt bỗng dâng lên trong lòng… ngập tràn màu xanh hy vọng!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3