Chết dưới tay Trung Quốc - Chương 02 phần 1

Ở Trung quốc thì thực phẩm Trung Quốc được gọi là gi? Là “Thức ăn”!

_Jay Leno

Trong khi câu đùa này nghe vui vui, thì cụm từ “Thực phẩm Trung Quốc” lại hàm nghĩa nghiêm trọng hơn nhiều khi mà Trung quốc đang cung cấp cho nước Mỹ ngày càng nhiều trái cây, rau củ, cá và thịt- không kể các loại vitamin tổng hợp và thuốc chữa bệnh. 

Trung quốc là nước xuất khẩu hải sản lớn nhất sang Mỹ, là nhà cung cấp chính về gà thịt và là nước xuất khẩu trà lớn thứ ba trên thế giới. Các nhà nông Trung Quốc cũng cung cấp cho chúng ta 60% nước táo ép, 50% tỏi, và một số lượng lớn đủ các loại từ quả lê đóng hộp, nấm đến mật ong và sữa ong chúa.   

Đối với các dược phẩm, Trung quốc cũng sản xuất cho thế giới đến 70% lượng penicillin, 50% lượng aspirin, và 33% lượng tylenol. Các công ty dược Trung quốc cũng đã chiếm lĩnh phần lớn thị phần thế giới về kháng sinh, enzyme, các acid amin chính và vitamin tổng hợp.  Trung quốc thậm chí đã thống lĩnh đến 90% thị phần thế giới về vitamin C- dù rằng họ đang có vai trò áp đảo trong việc việc sản xuất các loại vitamin A, B12, và E, không kể nhiều loại nguyên liệu để sản xuất vitamin tổng hợp. 

Các số liệu thống kê này làm tất cả chúng ta lo lắng chỉ vì một lý do đơn giản: Nỗi lo này hơn cả việc các loại thuốc Trung quốc tràn ngập các cửa hàng và siêu thị thuốc của chúng ta : chúng có độc. Đấy là lý do tại sao thực phẩm và dược phẩm Trung quốc luôn được xếp hàng đầu trong các loại phải kiểm tra khi nhập vào biên giới hoặc bị trả về bởi cả Cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm của Mỹ lẫn Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu.      

Thế sao Trung quốc vẫn tiếp tục mang cho chúng ta các loại thực phẩm và thuốc có thể làm chúng ta đau ốm hoặc giết chúng ta như vậy?  Đôi khi các chất độc có trong chuỗi cung cấp thực phẩm và thuốc là hậu quả ngẫu nhiên của những yếu tố như là phương pháp sản xuất kém chất lượng, qui trình kém vệ sinh, hoặc là chất độc từ đất do môi trường bị ô nhiễm. Những khi khác thì do những kẻ thoái hóa về đạo đức đã “dã tâm”- một từ do chính nông dân của họ gọi- cố tình làm nhiễm bẩn thực phẩm và thuốc,  đơn giản chỉ vì muốn gia tăng lợi nhuận cho họ.

Cho dù là do ngẫu nhiên hay bởi cố tình, việc đầu tiên bạn cần biết cụ thể về Cái chết dưới tay Trung Quốc này là nó không phải tại riêng ai cả. Thật vậy, người Trung quốc, dù là nông dân, ngư dân, nhà chế biến thực phẩm hay là người bán thuốc, đều có thể đầu độc chính người dân của họ y như họ đầu độc người Mỹ, người Châu Âu, người Nhật, người Hàn và tất cả những ai trên toàn thế giới dùng thực phẩm và thuốc của họ. Để nếm thử chút ít vị chua trong câu nói trên, hãy xem thử sự kiện “Cái gì trong chảo của anh thế?”: Đủ 10% nhà hàng ở Trung quốc sử dụng cái gọi là “dầu ăn bẩn” để nấu nướng.

Dầu ăn bẩn là một hỗn hợp hôi hám của dầu đã qua sử dụng và chất thải từ nhà bếp chứa đấy nấm mốc độc gây ung thư gan. Những kẻ nhặt rác ở Trung quốc lén lút bán thứ này cho nhiều nhà hàng với giá chỉ bằng một phần năm giá dầu đậu nành hay dầu lạc mới. Ngoài khả năng gây ung thư, cái hỗn hợp gồm dầu bị mốc với đủ loại thực phẩm bỏ đi này có thể là bản án tử hình bất ngờ vì ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng cho bất kỳ ai.

Kẻ giết người hàng loạt Melamine Trung quốc

Câu chuyện dầu ăn bẩn này cho dù có thể làm chúng ta căm phẫn, nhưng so với chuyện những kẻ giết người hàng loạt melamime Trung quốc thì nó chưa là gì cả. Những kẻ sát nhân này đã hạ gục nhiều nạn nhân trên đất Trung Quốc cũng như trên khắp thế giới, và những nỗ lực thường là vô ích để bắt giữ chúng chỉ minh họa về mặt địa lý sự khó khăn cho cả chính phủ Trung quốc lẫn nhà đương cục Mỹ đối với việc bảo đảm an toàn thực phẩm và thuốc men khi mà bọn sát nhân hoạt động chỉ vì lợi nhuận.

Bản thân vũ khí của kẻ sát nhân, melamime, thực ra là một hóa chất có giá trị khi chúng không bị lén lút cho vào thực phẩm. Kết hợp melamime với formaldehyde để sản xuất nhựa melamime, bạn sẽ có được một chất dẻo có độ bền cao dùng chế tạo các sản phẩm như formica và các bảng viết bằng bút xóa. Trộn với một số hóa chất khác, bạn có thể dùng melamime như một chất chống cháy, phân bón, hay là “phụ gia siêu dẻo” dùng trong bê tông cường độ cao. Thế nhưng thêm melamime vào các sản phẩm như thức ăn gia súc, sữa, hoặc sữa cho trẻ sơ sinh thì không còn cách nào nhanh hơn để hủy hoại hai quả thận trong người.

Thế tại sao những doanh nhân có dã tâm của Trung quốc lại thêm melamime vào thực phẩm của chúng ta? Đó là vì hàm lượng nitrogen cao trong melamime có thể nhái mức protein cao trong thực phẩm. Sự giả mạo protein kiểu Trung quốc này do đó có thể đánh lừa các nhân viên kiểm tra thực phẩm trong việc xếp hạng thực phẩm có hàm lượng protein cao. Vì melamime rất rẻ so với protein thật, nên điều này có nghĩa là rất nhiều tiền sẽ vào túi kẻ gian, bất kể nguy hại thế nào cho cơ thể con người.

Ai giết chó của tôi? Cái gì đã xảy ra với con mèo của tôi?

Thế giới lần đầu biết đến việc giả mạo protein của Trung quốc vào năm 2007, khi hàng chục ngàn chó và mèo ở Châu Âu, Mỹ và Nam Phi bị chết vì loạt thức ăn nhiễm melamime. Và không chỉ thú vật nuôi bị ảnh hưởng. Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cùng Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ, ba triệu người Mỹ đã tiêu thụ thịt gà và thịt heo nuôi bằng thức ăn có chứa melamime.

Và giờ bạn hãy nghe đây: Nếu bạn bị mất con vật nuôi đang khỏe mạnh vì một chứng bệnh bí ẩn hay do hỏng thận, có lẽ là chúng bị chết do ”Chất độc Trung Quốc”. Có thể đoán trước được rằng khi vụ việc nổ ra, chính phủ Trung quốc đã tìm cách ngăn chặn và thậm chí từ chối cho phép các thanh tra viên nước ngoài đến để đánh giá vụ việc. Tuy nhiên, sau đây mới là một câu chuyện khác khi sự cố melamine nổ ra trên chính đất nước Trung Quốc.

Không có gì là việc riêng của ai cả, Phần hai

“Tôi đã hoàn toàn mất niềm tin vào sữa bột do Trung quốc sản xuất”

Emily Tang, một công chức 31 tuổi ở thành phố Thẩm Quyến có cô con gái 3 tuổi nói

—Bloomberg BusinessWeek

Năm 2008, gần 300.000 trẻ sơ sinh Trung quốc bị ốm và 6 trẻ đã chết sau khi 22 nhà máy sữa ở Trung quốc bị nghi ngờ là đã cho thêm melamine vào sữa và sữa dành riêng cho trẻ sơ sinh. Theo Triệu Huệ Bình, một nông dân nuôi bò sữa ở tỉnh Hồ bắc:” Trước khi sử dụng melamime, người ta đã dùng mầm lúa và tinh bột khoai để cố ý làm tăng số đo hàm lượng protein, nhưng cách này rất dễ bị phát hiện, nên họ chuyển sang dùng melamine”.

Trong trường hợp cụ thể này, những kẻ giả mạo ác ôn còn không thèm dùng loại melamime công nghiệp. Thay vào đấy, chúng dùng loại rẻ tiền hơn- và độc hại hơn-“melamine phế thải”. Không ngạc nhiên khi nhiều trẻ em dù khỏi bệnh vì nhiễm độc melamime đã bị tổn thương thận nghiêm trọng. Điều làm người ta rùng mình là sự việc xảy ra chỉ một năm sau khi Thủ tướng Ôn gia Bảo đã quyết định chi thêm 1,1 tỷ đô la và cử hàng trăm ngàn thanh tra viên đi kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm và dược phẩm.

Tờ  New  York  Times đã có bài nói về sự thất bại triền miên trong quản lý điều hành này như sau:

Sự cố liên quan đến các nhà máy sữa làm dấy lên một câu hỏi cốt lõi là liệu Đảng cộng sản đang cầm quyền ở TQ có khả năng tạo ra một cơ cấu điều hành có trách nhiệm và minh bạch trong hệ thống một đảng hay không. Bỏ qua sự khác biệt căn bản giữa các chế độ xã hội mở và tự do với chế độ toàn trị tàn bạo ở Trung quốc, ta hãy xem câu chuyện hài nhỏ có thể trả lời câu hỏi ấy. Năm 2010, nguyên nhà báo Triệu Liên Hải bị tù sau một phiên tòa vờ vịt trong đó anh bị phủ nhận khả năng chưng ra bằng chứng. “Tội” của Triệu không đầu độc mọi người. Đúng hơn là anh bị kết tội ”gây rối trật tự xã hội” vì đã cố đưa ra ánh sáng những kẻ giết người bằng melamine sau khi con anh bị mắc bệnh. Và đấy cũng lại thêm một lý do nữa vì sao Cộng hòa nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ có thể bảo đảm cho chúng ta các sản phẩm an toàn hơn được.

Không như ở các nước dân chủ, nơi quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp là bất khả xâm phạm để giúp soi rọi mọi hành vi sai trái, Trung quốc dấu nhẹm mọi thứ--và cho tất cả những người phản kháng vào trại lao động cải tạo.   

Những chất giết người bằng heparin của Trung quốc

Bây giờ, nếu bạn nghĩ rằng sự cố melamine là xưa rồi, thì không đâu! Cho đến tận bây giờ, các sản phẩm nhiễm độc melamine vẫn ngày càng nhiều vì nó thực sự đem lại lợi ích quá lớn khi được dùng làm chất phụ gia, cho dù nó tàn phá quả thận của con người.

Còn như bạn nghĩ rằng thủ đoạn kiếm lợi nhuận bằng việc sử dụng những chất nhiễm độc như melamine chỉ có trong thực phẩm, thì cũng không chỉ thế thôi đâu. Nếu xem tất cả những nơi mà chất giết người bằng heparin của Trung quốc có mặt thì phải hiểu là bọn con buôn bất lương Trung quốc cũng đang bận rộn làm nhiễm độc cả thuốc chữa bệnh cho chúng ta.  Heparin là một loại thuốc chống đông máu dùng trong phẫu thuật tim, truyền máu, mổ tĩnh mạch cho đến thẩm tách thận. Nó được làm từ niêm mạc ruột heo. Trong thực tế, đây chính là con đường để Trung quốc tham gia vào hoạt động sản xuất heparin: là nước sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới, Trung quốc luôn có nguồn cung ruột heo hầu như vô tận.  

Để giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận, các nhà sản xuất Trung quốc đã bí mật thêm một chất tương tự như heparin, nhưng rẻ tiền và có thể gây chết người gọi là chondritin sulfate với hàm lượng sulfate vượt mức. Chất độc này có thể gây ra những phản ứng nghiêm trọng, đôi khi gây chết người-từ hạ huyết áp và thở gấp đến ói mửa và tiêu chảy.

Và đây là điều bẩn thỉu của trò lừa đảo này:

Chất gây độc heparin có cấu trúc hóa học rất gần với heparin thật đến nỗi rất khó bị phát hiện. Giá của nó rẻ hơn heparin thật 100 lần: 9 dollar so với 900 dollar mỗi pound! Vì giá cực thấp như thế, một số lô heparin giả có giá rẻ tới 50%!

Không đâu xa, hãy xem trường hợp cụ thể của anh Leroy Hubley ở Toledo, Ohio về cái chết bởi chất độc Trung quốc. Anh đã mất người vợ 48 tuổi vì nhiễm chất heparin giả. Chỉ một tháng sau đấy và trước khi phát hiện ra chất độc, con trai của Hubley, cùng bị bệnh thiểu năng thận như mẹ cháu đã trở thành nạn nhân của cùng trò giá rẻ bất lương của bọn Trung quốc.

Đến nay, chất độc heparin của Trung quốc đã giết hại hàng trăm người Mỹ và làm hàng ngàn người khác bị bệnh. Heparin kém chất lượng đã xuất hiện ở 11 nước khác, bao gồm Nhật bản, Đức, Ấn độ và Canada. Mặc dù nhà đương cục của cả Mỹ và Trung quốc đã nỗ lực kiểm soát, cho đến nay heparin kém chất lượng vẫn có mặt ở các phòng mổ và các trung tâm giải phẫu.

Bây giờ, chúng ta hãy tự hỏi : Vì sao mà nhiều tên Trung quốc ác độc lại sẵn sàng đầu độc thức ăn và thuốc men chỉ vì lợi nhuận? Câu trả lời của một học giả nổi tiếng Trung quốc đã chỉ ra một cách sâu sắc đối với vấn đề suy thoái đạo đức của tâm hồn Trung quốc. Theo Giáo sư kinh doanh Lưu Hải Đồng trong Tạp chí Quản lý và Tổ chức, vấn đề suy thoái đạo đức- và việc chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá- đã xảy ra do sự đổ vỡ các nguyên tắc Khổng giáo trong môi trường không có đạo đức và luân thường đạo lý của chủ nghĩa cộng sản Trung quốc.

Chính xác là sự suy thoái đạo đức, cùng với việc các viên chức chính quyền tham nhũng và luật pháp lỏng lẻo, đã thúc đẩy những người chế biến thực phẩm tích cực sử dụng chất độc hóa học để cải thiện mùi vị và bảo quản thực phẩm.

Thực tế là chính các nhà chức trách Trung quốc cũng đã tìm thấy những trò quái gở ấy trong những bát súp nóng có thêm formaldehyde để có vị ngon hay nước tương có pha thêm acid cloric và tóc để làm tăng nồng độ acid amin. Nhưng kẻ dã tâm Trung quốc còn làm xúc xích giá rẻ “tươi ngon” bằng cách cho cả thuốc trừ sâu cực độc vào. Lần sau, mỗi khi định ăn cái gì ngon ngon mà “ Made in China”, bạn hãy nhớ nhé!


Đôi khi đấy không phải là ám sát - chỉ là giết người thôi!

Bây giờ tôi nghĩ là đã rõ mọi vấn đề, nếu Trung quốc muốn sống trong thế kỷ 21 này, thì họ phải sản xuất theo những tiêu chuẩn như vậy.

—Thượng Nghị Sĩ Richard Durbin (D-IL)