Khi trời gặp đất - Chương 05 phần 2
Hai chú cún An Tiểu Đóa nhờ trông hộ giờ đã mở mắt rồi, chúng chạy quanh
căn phòng đơn sơ, bộ lông mềm mại, béo mũm mĩm. Xem ra chúng được hai
ông bà chăm nom rất cẩn thận.
Cô thả chúng xuống đất để chúng chạy nhảy khắp nhà.
Bà Dĩnh bước vào nhà hỏi: “Thiếu Hàng đỡ chưa?”.
“Anh
ấy đỡ nhiều rồi ạ. Mấy bữa nữa là được ra viện”. Cô đứng dậy, nhìn
thẳng vào mặt mẹ: “Mẹ à, tại sao hồi ấy ba mẹ lại nói với mẹ chồng con
là con lái xe? Tại sao ba mẹ không cho con biết Thiếu Hàng đã bị thương
nặng?”.
“Hồi ấy người lái xe chính là con mà?” Bà Dĩnh nhấn mạnh từng từ: “Chỉ con mới có bằng lái xe, Hảo nó có bằng đâu mà lái”.
“Không có bằng lái xe thì không được lái xe à?”. Cô vặn lại.
“Mẹ tin con út, từ nhỏ nó đã biết giữ phép tắc, học hành giỏi giang, tính tình ngoan ngoãn”.
Cô cười nhạt: “Con không bao giờ tin chính mình lái xe lao xuống sông, con chịu đủ mọi tội lỗi đổ lên đầu rồi đấy”.
“Giờ nói có ích gì?” Bà Dĩnh gằn giọng nói: “Con đừng quên giờ con chính là Trì Gia Hảo!”.
“Mẹ
khắc ba chữ Trì Gia Ưu lên bia mộ thì trong lòng mẹ cảm thấy Trì Gia
Hảo vẫn còn sống hay sao? Chỉ vì con may mắn hơn nó, con không chết nên
con phải sống thay nó à?”.
Bà Dĩnh nhăn mày: “Con đừng nói với mẹ bằng cái giọng ấy. Ba mẹ làm tất cả cũng chỉ vì con”.
“Vì
con?” Cô không kiềm chế được nụ cười khẩy: “Năm năm rồi, con không hề
có chút ký ức gì về vụ tai nạn ấy. Cố nhớ cũng vô ích. Ba mẹ đều nói là
con bị mất trí nhớ, nhưng tại sao mọi thứ con đều nhớ hết sao mỗi vụ tai
nạn này là không? Nhân lúc con chưa tỉnh táo ba mẹ đã biến con thành
Trì Gia Hảo. Con sẽ tìm ra sự thực cho mẹ xem”.
“Sự thực
gì hả?”. Bà Dĩnh tức giận chết đi được: “Đã là quá khứ rồi còn muốn tìm
sự thực gì hả? Để con đóng giả em gái có gì phải ấm ức? Có danh tiếng,
có công việc tốt. Cái gì không nói chứ nếu không phải là em gái con thì
liệu con có thể sống được với Thiếu Hàng mấy năm nay không? Con còn điều
gì chưa hài lòng hả? Sao con không sống yên phận đi cho ba mẹ được
nhờ?”.
Gia Ưu chẳng khác gì bị một cái tát trời giáng,
máu toàn thân bốc hết lên đầu, cô chẳng nhớ nổi mình đã ra khỏi nhà thế
nào, toàn thân lạnh buốt. Cô lái xe đến bệnh viện, nhưng chẳng còn sức
lực lê mình ra khỏi xe, nằm bò trên vô lăng, đôi mắt ướt nhòe.
Lúc này sao cô thấy mình cô đơn, lạc lõng quá đỗi. Trên thế giới này không ai quan tâm đến sự tồn tại của cô.
Cả
chiều Thiếu Hàng không chợp mắt giây phút nào, anh mở điện thoại ra
kiểm tra email, thấy có mấy thư khách hàng yêu cầu trả lời gấp. Hết
cách, anh đành phải thay quần áo rồi lén ra quán net đối diện cổng bệnh
viện. Anh ngồi lì ở đó giải quyết công việc quên bẵng cả thời gian. Mọi
việc xong xuôi cũng đã hơn sáu giờ chiều, vội vàng đi về buồng bệnh.
Trong lúc đợi thang máy ở tầng một anh gặp bác sĩ Quách, tay xách một
chiếc phích nước trông quen quen, anh liền nhìn kỹ hơn.
Bác sĩ Quách nhìn thấy anh ăn mặc như vậy thấy là lạ: “Anh đi đâu về thế?”.
“Tôi có chút việc chạy ra ngoài”. Thiếu Hàng cười lấp liếm: “Chạy ra ngoài hơn nửa tiếng thôi mà”.
Bác
sĩ Quách chẳng buồn quan tâm anh chạy ra ngoài bao lâu, tỏ vẻ khó chịu
nói: “Sao anh không có chút tự giác nào của bệnh nhân thế nhỉ? Giờ anh
cần nhất là nằm nghỉ ngơi tĩnh dưỡng trên giường anh có biết không hả?
Nếu không thuốc tốt đến đâu cũng chẳng có tác dụng gì!”.
“Vâng, vâng, tôi biết rồi”. Thiếu Hàng cúi đầu nhận lỗi.
Bác sĩ Quách vẫn nghiêm mặt nhét phích nước nóng vào tay anh: “Vợ anh nhờ chuyển cho anh đấy”.
Thiếu Hàng cầm lấy hỏi: “Cô ấy đâu rồi ạ?”.
“Lúc nãy tôi gặp ở bãi để xe. Cô ấy nói có việc nên không lên được”.
Thiếu
Hàng cảm thấy như có việc gì gấp xảy ra, lập tức móc điện thoại ra gọi.
Gọi hai lần liền mới thấy nhấc máy. Giọng mũi nghèn nghẹn, lòng anh
hoảng hốt: “Em à, em đang ở đâu đấy?”.
“… Ở bên ngoài ạ, anh ăn rồi ngủ đi nhé. Đừng đợi em”.
“Em…”, Thiếu Hàng vừa cất lời điện thoại ngắt luôn.
Cửa
thang máy mở ra, Quan Thiếu Hàng không để ý đến sự thúc giục của bác sĩ
Quách, truy hỏi: “Vừa rồi anh gặp vợ tôi à? Anh có thấy cô ấy có điều
gì không ổn không?”.
Bác sĩ Quách lưỡng lự: “Thấy mắt sưng đỏ, cô ấy nói bị cát bay vào mắt”.
Thiếu
Hàng quay ngoắt người lại, lao nhanh về phía bãi đỗ xe. Chạy nhanh quá,
đâm sầm vào một người đi đường, làm cho người ta ngã bổ nhào xuống đất.
Anh vội vàng xin lỗi nhưng chân thì vẫn lao như bay.
Gia
Ưu không biết nên đối diện với Thiếu Hàng thế nào. Với tình trạng hiện
giờ của mình, cô dễ có khả năng ngã gục trước mặt anh. Cũng may là gặp
bác sĩ Quách đi đâu về, nên cô nhờ mang phích nước vào luôn, rồi lái xe
đi luôn.
Lát sau chuông điện thoại reo vang, là anh gọi điện đến.
“Có việc gì hả em?” Giọng nói toát lên vẻ lo lắng.
Gia Ưu nói dối: “Công việc khó khăn quá nên em thấy mệt mỏi”.
“Anh có giúp gì được em không?”.
“Dạ
thôi ạ, em sẽ tự giải quyết”. Gia Ưu muốn kết thúc cuộc nói chuyện thật
nhanh: “Em gác máy đây, đang lái xe mà. Tối nay anh ở lại bệnh viện một
mình được không?”.
“Được. Em về nhà à?”.
“Vâng, em về nhà ngủ một giấc chứ mệt quá rồi”.
Anh im lặng trong giây lát rồi nói: “Ừ, em về đi”.
Nói là ừ nhưng hình như vẫn có vẻ gì đó buồn bực.
Giờ Gia Ưu thân mình còn lo chưa xong nên cô chẳng còn tâm trí nào nghĩ đến anh. Cô bỏ ngay tai nghe xuống.
Xe
đi vào trung tâm thành phố, cô tăng ga, mở to cửa kính, gió đêm lùa vào
mát rượi, thổi bung bộ tóc dài mượt của cô. Dường như những cơn gió ấy
đã thổi tan được nỗi ưu phiền trong lòng cô.
Lái xe một mạch như vậy lòng cô cũng thấy thoải mái lên nhiều, những lời nói của mẹ rất khó nghe nhưng không có gì là lạ cả.
Từ
nhỏ đến lớn, mẹ luôn thiên vị em gái hơn mình. Cô chẳng bao giờ thấy ấm
ức vì điều đó, em gái học hành tốt hơn, biết nịnh hơn và ngoan ngoãn
hơn. Nên trong mắt mọi người em gái chính là tấm gương để con cái trong
khu ấy học hỏi, là niềm tự hào của mẹ.
Nhiều khi Gia Ưu
cũng vui mừng vì ba mẹ mình có được cô con gái xuất sắc như vậy, họ sẽ
không phải hao tổn công sức để nuôi dạy mình. Thành tích học tập luôn
đứng đầu lớp, các môn ngoại khóa luôn đạt đến mức chuyên nghiệp, bạn bè
họ hàng ai cũng khen ngợi hết lời, mà những thứ đó cô chẳng thích chút
nào.
Cũng chính vì sự có mặt của em gái nên nhiều lắm mẹ
cũng chỉ càu nhàu vài câu quen thuộc về cô và rồi lại dồn hết tâm sức
vào cô em. Mẹ hiếm khi gò cô vào khuôn khổ, nên hầu như ít quan tâm xem
cô ngày ngày ra khỏi nhà làm cái gì.
Nhưng từ sau khi em
gái mất, mẹ thay đổi hẳn thái độ với cô. Hồi đầu hai, ba ngày lại gọi
điện thoại kiểm tra cô, lúc nóng lúc lạnh chẳng nói gì, lúc thì đùng
đùng nổi giận, bình thường toàn chế giễu cô, chẳng thấy điểm tốt nào ở
cô cả… đại khái là cảm thấy cô đã cướp đi sự may mắn của cô con gái út.
Tuy là không thấy cô có điểm gì xuất sắc nhưng lại cho rằng khoác lên
tấm áo của Gia Hảo cô sống sẽ thấy vẻ vang, danh giá hơn.
Năm năm trôi qua, mệt mỏi làm sao.
Về
đến nhà cô vào ngay phòng tắm ngâm mình trong bồn. Khóc nhiều sưng mọng
hết cả mắt, cô tiện tay tháo luôn kính áp tròng ra. Hơi nước nóng bốc
lên ngùn ngụt khiến cho từng lỗ chân lông cũng đang được hít thở khoan
khoái.
Cô buông lơi cơ thể dần dần, buồn ngủ quá vì mệt
mỏi qua mấy hôm rồi. Cô ngoẹo đầu sang một bên thành bể tắm nhắm mắt ngủ
thiếp đi.
Rồi cô nằm mơ, mơ thấy mình đang đua xe trên
một con đường không đích, không một bóng người qua lại. Cô ra sức đạp
hết chân ga, nhưng trong giây lát khung cảnh thay đổi, cơ thể cô bỗng
như bị mất trọng lượng, rơi tận xuống sông sâu, nước sông lạnh giá trào
vào mũi, mồm khiến cô thấy khó thở, muốn kêu cứu thật to, nhưng vừa mở
mồm ra nước đã ùa vào trong…
Lúc ấy, một đôi tay rắn chắc
lôi tuột cô ra khỏi nước. Cô giật mình và rồi tỉnh hẳn cơn mơ, tai mắt
mũi toàn nước, vừa ho sặc sụa vừa dụi mắt. Kính áp tròng bỏ ra lúc nãy
đang nổi lềnh phềnh trên mặt nước, cô gắng mở mắt nhìn thấy Thiếu Hàng
đang chằm chằm nhìn mình với vẻ mặt xám ngoét, ngực cứ nhô ra nhô vào
như đang nén trận lôi đình.
Bỗng chốc cô lờ mờ nhận ra: “Không phải anh ở trong bệnh viện à?”.
“Nếu
không phải anh về thì sáng sớm mai trang đầu các báo sẽ có tít giật
gân: Nữ nhà báo nổi tiếng của Đài truyền hình thành phố tự tử chết trong
phòng tắm”. Anh lạnh lùng đáp.
Cô chậm chạp đứng lên,
mái tóc ướt sũng bết vào da, cô bị lấn át bởi khí thế tức tối của anh,
bất giác rùng mình và rồi hắt xì hơi liên tục.
Quan Thiếu Hàng nhăn mặt nhíu mày, kéo vội chiếc khăn tắm, chẳng quan tâm đến điều gì choàng gọn cô vào trong.
Ôi trời, chẳng khác gì bị trói, ngay cả chân cô cũng không nhúc nhích nổi, đành phải đứng trân trân nhìn anh.
Quan Thiếu Hàng vẫn làm bộ mặt lạnh như tiền, chẳng nói chẳng rằng bốc nàng lên như một khúc gỗ ném lên ghế sô pha.
Giờ
thì cô tỉnh thật rồi, trong lòng thấp thỏm lo lắng. Cô chưa bao giờ
thấy anh giận dữ với mình đến vậy, không phải là cô sợ, mà là… cô không
biết mình phải đối phó ra sao!.
Quan Thiếu Hàng vội lấy máy sấy tóc rồi tóm cô ra sấy.
“Để
em tự sấy!”. Cô nghiêng người giẫy ra, nhưng khăn tắm quấn chặt quá hạn
chế mất động tác của cô. Quần áo sạch cô để trong phòng ngủ, mà cô chưa
hào phóng đến độ dứt khăn tắm ra trước mặt anh.
“Đừng có cọ quậy!” Anh nghiêm giọng ngăn cản.
Tính
cách ương bướng vốn có trong cô bỗng trỗi dậy, cô lấy hết sức đẩy mạnh
anh ra. Ánh mắt vốn dịu dàng, sâu lắng của anh bỗng lóe lên sự tức giận,
anh giơ tay phát thật mạnh vào mông cô.
Cô sửng sốt há
hốc miệng trong giây lát. Đợi đến khi hồi lại thì mông mình đã ăn vài
cái phát, đau điếng người. Xem ra anh thực sự bực mình rồi nên ra tay
không thèm nể tình chút nào.
Cô trề môi ra và trong lòng sôi sục nỗi ấm ức: “Anh tức gì chứ?”.
Sắc
mặt lạnh lùng, anh lớn tiếng quát: “Có việc gì không thể nói được với
anh hả? Có việc gì khó khăn vợ chồng mình không thể cùng nhau xử lý
được? Tại sao cứ phải cố chịu một mình làm gì, chả lẽ anh không đáng cho
em tin tưởng hay sao?”.
Cô thở dài, không thể giải thích được rõ ràng nên đành kiềm chế, nước mắt cứ tuôn trào ào ào.
Anh không mảy may xúc động, cũng chẳng thèm nịnh một câu, kéo cô ngồi ngay ngắn và tiếp tục sấy tóc cho cô.
Cô
như người gỗ để mặc anh muốn làm gì thì làm. Nước mắt rơi nhanh nhưng
rồi khô cũng nhanh. Đôi môi cô mím chặt lại, đôi mắt và chỏm mũi đỏ lựng
lên trông vô cùng đáng thương.
Sấy xong tóc cho cô, anh chẳng buồn nhìn cô thêm một cái đi thẳng về phòng ngủ của mình.
Cô ngẩn người ra, nghe thấy tiếng anh tung chăn và bước lên giường nằm…
Vậy là anh đã không thèm để ý gì đến cô!.
“Tối
nay anh không quay lại bệnh viện à?”. Vừa bị phát đít xong, cũng xấu hổ
lắm chứ, nhưng không thể im lặng được. Cô lê nhè nhẹ đến sau anh, có lẽ
vì không thấy anh có ý kiến gì nên cô buồn bực ôm cái gối ngồi thừ
người trong bóng tối.
Chẳng biết ai động chạm gì anh mà anh kéo chăn chùm kín đầu lại.
Cô bực lắm liền giơ tay vỗ vào chăn, anh vẫn không động đậy, cô lại vỗ và anh vẫn không chịu có hành động gì.
“Mặc xác anh, cho anh chết ngạt đi!”.
Cô
cố gắng cởi chiếc khăn tắm ra khỏi người rồi mặc váy ngủ chui vào trong
chăn. Bàn tay lành lạnh của cô áp lên cái lưng nóng hôi hổi của anh.
Mãi đến khi tay cô ấm lên mà anh vẫn không có động tĩnh gì. Cô bực mình rút tay lại.
Chiến
tranh lạnh còn kéo dài sang tận ngày hôm sau. Cô mặc quần áo chỉnh tề
đi làm thì thấy anh vẫn còn ngồi thảnh thơi đọc báo ở bàn ăn. Cô nói:
“Anh có đi được không? Nếu không em đưa anh đến bệnh viện trước rồi qua
Đài sau cũng được?”.
“Không đi!” Anh đáp luôn.
“Không
đi không được, bác sĩ chưa đồng ý cho anh ra viện mà”. Cô đi đến và cố
gắng nói thật dịu dàng: “Anh đừng có tự đày đọa mình nữa được không”.
Anh đặt báo xuống, ngước mắt nhìn cô nhắc lại hai chữ: “Không đi”.
Cô
bặm môi: “Thôi thì thế này nhé, anh đi kiểm xem sao vậy. Gì thì gì cũng
phải nghe ý kiến của bác sĩ chứ, mà mình đã mang thuốc về nhà đâu”.
Anh chẳng thèm trả lời cô, cắm cúi đọc báo tiếp.
“Rầm”
một tiếng, cô đập tay thật mạnh xuống tờ báo: “Đi bệnh viện và khó chịu
với em là hai việc hoàn toàn khác nhau, anh đừng có gộp vào làm một như
thế được không?”.
“Anh có làm gì đâu”. Anh cười nhạt nói.
“Thế anh làm vậy là có ý gì?” Cô tức tối nhìn anh chằm chằm.
“Anh
muốn em hiểu được tâm trạng anh ngày hôm qua”. Anh đứng dậy, mắt không
rời cô đang thở hồng hộc: “Ngoài ba mẹ ra thì chúng ta là những người
gần gũi nhau nhất, nói một cách văn vẻ thì cùng chia sẻ khó khắn, còn
nói một cách thô tục là hai con châu chấu cùng bị buộc bởi một sợi chỉ.
Lúc em vui anh không cần phải ở bên cạnh em, nhưng những lúc em buồn và
đau khổ anh mong là mình được ở bên cạnh em, em đã hiểu chưa hả?”.
Nghe xong lời bộc bạch của anh, sắc mặt cô thay đồi thất thường, cảm xúc lẫn lộn.
Anh không chờ cô trả lời, tự cười một mình, với tay nhấc chiếc áo khoác và rồi đi lướt qua cô ra ngoài.
Cô ngồi xuống, ôm lấy đầu mình.
“Sau
đó cậu cứ để mặc cho anh ấy đi à? Không nói thêm bất cứ câu nào?” Tiểu
Đóa vừa ngậm ống hút cốc trà sữa vừa nói nên tiếng được tiếng mất.
Người ngồi đối diện trước mặt cô buồn bã gật đầu.
“Đúng là lòng gan dạ sắt, nếu tớ là cậu thì tớ sẽ xúc động vô cùng”. Tiểu Đóa nói.
“Nếu
tớ là Trì Gia Hảo chắc chắn tớ sẽ cảm động vô cùng”. Cô cười ảo não, nụ
cười toát lên nỗi đau khổ, chán chường: “Tiếc là, tớ không phải”.
“Lần
trước tớ vẫn chưa nói xong, cậu đã chạy mất tiêu rồi”. Tiểu Đóa để cái
ống hút đã bị bóp biến dạng sang một bên rồi nói: “Thực sự cậu đã bao
giờ nghĩ rằng Thiếu Hàng biết tỏng cậu là hàng nhái hay không?”.
Tim cô đập mạnh: “Không thể thế được”.
“Tại sao lại không thể chứ?”. Tiểu Đóa hỏi.
“Vì anh ấy rất yêu Gia Hảo”. Lý do hết sức đơn giản.
Tiểu Đóa cười như chẳng phải là cười: “Anh ấy rất yêu Gia Hảo? Xin thứ lỗi trí nhớ tớ tồi quá”.
“Cậu gặp anh ấy có mấy bận mà cách đây tận mấy năm rồi”.
“Đúng
là như thế, nhưng…”. Tiểu Đóa ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Sao hồi đó tớ
lại cảm thấy là anh ấy có tình cảm với cậu hơn là em gái cậu nhỉ”.
“Trời ạ, trên thế giới này chỉ có mỗi cậu cảm thấy thế thôi”.
“Bạn yêu quý ơi, tin tôi đi. Tớ không chỉ thi được điểm rất cao mà giác quan của tớ còn tuyệt vời hơn cả trí nhớ của tớ đấy”.
“Vậy thì vì sao cậu lại cho rằng anh ấy có tình cảm với tớ hả?” Cô nói với giọng bực tức.
Nhưng thấy Tiểu Đóa nghiêm chỉnh giơ hai ngón tay ra.
“Hả?” Cô không hiểu.
“Qua
hai việc. Việc đầu tiên là, nếu như một chàng trai kiên trì đi ra tận
nơi rất xa mua đồ ăn đêm cho hai cô gái và món đồ ăn đêm ấy chính là
bánh chưng mặn, món khoái khẩu của một trong hai cô gái ấy. Như vậy cậu
cho rằng anh ấy thích cô gái nào?”.
“Việc ấy cũng tính
ư?”, cô hoài nghi, “Phải đấy, có một đợt được nghỉ hè anh ấy thường
xuyên đi mua bánh chưng mặn cho chúng ta tự học ban đêm, mà Gia Hảo đâu
có thích ăn bánh chưng mặn nhỉ…”.
An Tiểu Đóa phì cười: “Nghe giọng cậu biết ngay người thích ăn bánh chưng mặn chính là cậu”.
“Thôi được rồi. Thế việc thứ hai thì sao?”.
“Nếu
có chàng trai nào đó cả đêm không ngủ chỉ để loay hoay tìm chiếc bút
máy cho cô gái đánh rơi ngoài sân bóng thì cậu có cho rằng xuất phát từ
tình bạn hay không?”.
Cô sửng sốt: “Ý cậu là anh ấy đã tìm bút máy cho tớ ư? Đã tìm suốt một đêm à? Rõ ràng anh ấy nói là vừa nhặt được mà…”.
“Lẽ
nào anh ấy nói với cậu là mất cả đêm không ngủ chỉ vì tìm chiếc bút này
cho cậu ư?” Tiểu Đóa gần như nhìn cô với ánh mắt khinh khỉnh: “Này,
trước đây cậu chưa yêu ai bao giờ à? Sao chỉ số EQ của cậu thấp thế
hả?”.
Đúng là cô chưa có người yêu thật, hồi học đại học
cô chẳng khác gì một cậu con trai, để tóc ngắn, toàn mặc đồ thể thao, đi
giày thể thao, bạn khác giới nhiều hơn. Tình yêu ư? Trước khi được
thông suốt đầu óc thì cô đã đón nhận Thiếu Hàng rồi.
“Khoan đã…”. Cô chợt nhớ ra việc gì đó: “Tại sao cậu biết rõ hai việc này thế?”.
“Tớ
đến trường các bạn để tham gia thi tuyển mấy ngày ấy, có hôm đói quá
chạy đi mua đồ ăn. Tớ đã vô tình gặp anh ấy và chính anh ấy mời tớ ăn
bánh chưng mặn. Vài hôm sau, nửa đêm tớ lén ra ngoài mua đồ ăn thì gặp
anh ấy chạy quanh sân bóng tìm bút”.
Gia Ưu thấy không
còn gì để nói nữa, tuy nhiên cô không vì thế mà nghĩ rằng Thiếu Hàng
thích mình. Nhưng cũng có đôi chút cảm xúc khi nghe được hai sự việc
này.
Chiếc bút máy ấy là do ông ngoại tặng cho cô lúc ông
còn sống. Hai chị em mỗi người một chiếc, vì họ vừa thi được vào trường
trung học điểm của thành phố. Hai chiếc bút máy giống nhau như hai chị
em sinh đôi, cùng một hãng, cùng một kiểu, chỉ có một điểm khác là ông
ngoại đã tự tay khắc tên mỗi đứa lên bút.
Cô luôn trân
trọng chiếc bút này, nhất là từ sau khi ông ngoại qua đời. Ngày nào cô
cũng mang nó bên mình. Tối hôm đó đi học về phát hiện không thấy bút đâu
cô đã kéo cô em gái đi tìm cùng mình. Em gái lại kéo theo Thiếu Hàng,
ba người tìm đến nửa đêm cũng không thấy bóng dáng bút đâu.
Không ngờ Thiếu hàng lại quay lại tìm và hôm sau đưa bút cho cô lại không nhắc gì về một đêm mất ngủ.