38. Loan Phụng Hòa Minh

LOAN PHỤNG HÒA MINH

Thường thường đi mừng các đám cưới, người ta ưa lấy bốn chữ « Loan phụng hòa minh ». 鸞鳳和鳴

Loan phụng hòa minh có nghĩa là chim loan và chim phụng, cả hai con cùng gáy, một con trống, một con mái, ý để chúc đôi tân hôn được hòa thuận với nhau như cặp loan phụng vậy.

Theo thường lệ ấy, cụ Phạm-Trung-Hợp ở làng Dũng-quyết, tỉnh Nam-định cách đây chừng hai mươi năm về trước cũng viết bốn chữ « loan phụng hòa minh » để mừng cho đám cưới con trai một ông thông phán nọ ở trong tỉnh.

Trong đám cưới của con ông phán (đang tòng sự tại tòa sứ) khỏi sao không có biết bao nhiêu là những hạng quý khách, gồm đủ cả Tây học và Nho học, v.v… và lẽ tất nhiên phải có không biết bao nhiêu là đối liễn đem mừng.

Cụ Phạm-Trung-Hợp là một nhà túc nho không biết tại sao cụ lại viết cho người ta mừng đám cưới con quan phán bốn chữ tầm thường ấy.

Phải cụ làm biếng và hết chữ rồi sao ?

Nhưng không, cụ vẫn siêng năng, chữ cụ vẫn còn và văn chương của cụ vẫn lại càng ngày uẩn súc thêm.

Người được cụ viết cho bốn chữ ấy để đem đi mừng sau khi mãn tiệc về, xem bộ không hài lòng cho lắm. Y ta đến hỏi cụ : Sao cụ cho bốn chữ cũ vậy ?

Cụ hỏi : Thế trong đám cưới có ông nào học Nho khá không ?

- Dạ, có lắm, có cả những ông Tú và ông Cử ông Nghè.

- Thế bốn chữ ấy có được ai để ý không ?

- Dạ không ai để ý, vì bốn chữ ấy, các quan đều cho nó thường quá.

Cụ Phạm mỉm cười nói : Thế thì ra là cả một đám dốt với nhau, vì chính cả anh cũng không biết gì nữa.

Anh kia ngớ ngẩn, không biết tại sao, cụ cắt nghĩa :

- Anh hãy nghĩ xem, bộ tôi không biết bốn chữ ấy thường sao, nhưng thường với ai, chớ với lão phán ấy thì là những chữ mới kia đấy. « Loan phụng hòa minh » không phải như người ta tưởng đâu mà ý chính của nó là chim loan chim phượng cũng đều hót hay. Anh không biết lão phán ấy và thằng sui gia của hắn đều cùng là những thằng cha nịnh hót nổi tiếng ở tỉnh này hay sao ? Tôi viết bốn chữ ấy đều chửi vào mặt nó, chớ đâu phải mừng cho con nó. Cha con nó ra trò trống gì cái thứ đi làm cho Tây ấy.

Anh nọ lúc đó mới hiểu nghĩa của bốn chữ Loan phụng hòa minh. Nhưng việc đã rồi, anh biết làm sao xoay lại được nhất là anh lại cũng là một người không thua gì ông phán của anh. Anh nghĩ cũng hơi bực mình với cụ Phạm. Nhưng há miệng mắc quai, chả lẽ anh lại đem đi kể với ông phán vì chính đó lại là bốn chữ của anh mừng kia mà.

Anh ta giấu đi cho tất cả đôi đường, nhưng sau câu chuyện ấy cũng lại đến tai quan phán do một ông nhà Nho khác, bạn với quan phán cắt nghĩa cho ngài nghe : Nó mừng gì, nó chửi anh là thằng hót hay đó. Chớ nó thiếu gì văn tự mà phải đi dùng bốn chữ cũ rích ấy.

Lúc đó ông phán mới đỏ mặt, đổ mồ hôi hột ra. Rồi sau đó, bốn chữ « Loan Phụng hòa minh » liền bị xé tan ra từng mảnh. Ông phán tức anh đi mừng lắm. Ông đến mắng vốn và tra hỏi ai người cho anh bốn chữ ấy.

Nhưng biết thì biết, ông Phán làm gì mà oán được cụ Phạm.

Phải chi, ông là những hạng người đứng đắn, đừng có thái độ nịnh hót ra mặt, bợ đít các quan thầy Lang-sa thì 4 chữ ấy đâu có cái nghĩa như trên kia.

Những chữ nghĩa của các bậc hiền nhân quân tử xưa để lại là những cái quý giá ở đời. Nhưng không phải là hạng người nào cũng có thể dùng được và cũng có thể lợi dụng được. Bài học trên này, phải chăng tuy nhỏ nhưng chính đó là một cảnh cáo cho những kẻ lòng dạ chẳng ra gì mà cứ lúc nào cũng muốn dùng những chữ kia nghĩa nọ để lên mặt với chúng bạn và lòe bịp thiên hạ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3