37. Con Đĩ Đạm, Bố Cu Từ
Trong bài trước, chúng tôi đã hiến quý bạn về chuyện câu đối của Từ-Đạm, tuần-phủ tỉnh Ninh-bình thời Pháp thuộc năm xửa năm xưa. Nhân ngày ngũ tuần bà mẹ vua Đồng-Khánh, cụ Từ ra : Rượu chuốc năm mươi mừng mẹ nước
Và bị anh học trò đối xỏ lại : Bạc thuồn chục một chết cha dân.
Song chuyện đó cũng chưa nặng và xóc hông bằng câu chuyện khi Từ ngồi ghế án sát tỉnh Nam-định.
Nguyên do một bữa nọ, có anh khóa sinh không biết bị bắt về tội gì, chắc cũng nhẹ thôi, nhưng quan án sát họ Từ phải tìm cớ bắt giam, quan trọng hóa vấn đề ra để xem phạm nhân có phải thuồn bạc chục ra không, vì túi quan bao giờ cũng mở rộng để cho mồ hôi và nước mắt đồng bào tha hồ mà chui vô, chui mãi cũng không đầy, trừ khi quan xuống âm phủ, vì nó xưa nay không có đáy bao giờ.
Anh khóa sinh biết Từ thích Kim-Vân-Kiều lắm nên khi bị giam anh cứ ngâm tràn cung mây mãi, hết đoạn :
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Lại đến khúc :
Trong tay đã sẵn đồng tiền,
Dù rằng đổi trắng thay đen khó gì.
Nhất là vào giờ trưa, anh lại càng lấy gân cổ, hết sức ngâm cho to tiếng để làm rối loạn giấc ngủ của cụ lớn ông, cụ lớn bà.
Bực mình quá, Từ sai lính xuống, bắt anh phải im đi. Anh cương quyết trả lời : Đã bị giam, ngâm Kiều cũng cấm nữa hay sao ? Giam người rồi lại muốn giam luôn cả miệng người, như thế còn gọi là dân chi phụ mẫu sao được.
Nói rồi, anh lại ngâm to hơn trước nữa. Tên lính lên bẩm lại đầu đuôi.
Nghe bẩm, cụ lớn họ Từ liền nổi lôi đình cho lệnh giải ngay anh lên trước mặt mình. Ra oai, cụ lớn thét : Bộ anh giỏi Kiều lắm phải không ?
Vẫn nét mặt thản nhiên, anh Khóa đáp : Bẩm cụ lớn, giỏi thì không giỏi, nhưng kể thì cũng đủ kể thôi.
Cụ lớn họ Từ quắc hai con mắt lên : Nếu đã thế, anh phải làm ngay một bài thơ vịnh Kiều tức khắc và cấm không trùng với một bài thơ nào về Kiều, kể cả ý lẫn từ.
Anh Khóa nọ trả lời : Cụ lớn dạy thế, tôi xin vâng, nhưng hễ làm được, cụ lớn nghĩ thế nào ?
Cụ lớn họ Từ cầm chiếc roi mây phán : Hễ làm được, hay thì tha, còn không thì roi này vào đít.
Cụ lớn nói xong, anh Khóa liền xin cho giấy bút, viết ngay một bài thơ vịnh Kiều rằng :
Khóa cửa phòng xuân để đợi chờ,
Mà em mất nết tự bao giờ ?
Chàng Kim 23 mê gái công đeo đẳng,
Viên ngoại chiều con chất ngất ngơ.
Nợ trước hẹn hò con đĩ Đạm, 24
Duyên sau gặp gỡ bố cu Từ 25
Mười lăm năm ấy bao nhiêu sướng,
Còn trách làm chi chú bán tơ !
Viết xong, anh Khóa lễ phép đưa hai tay dâng lên. Cụ lớn cầm lấy, xem xong, chết điếng hẳn người đi. Té ra nó mượn Kiều để chửi mình là thằng cu bố đĩ. Nhưng hay quá, và đã trót hứa, nên cũng phải tha chớ biết sao bây giờ.
Thế là anh Khóa nhà ta được thoát khỏi sà lim mà cụ lớn Từ-Đạm thì giữa trưa phải nghe một trận chửi cay đắng, như nhuộm tím hẳn vào ruột gan và danh giá không bao giờ tẩy sạch.
Chuyện này mới là một chuyện văn chương đau đớn nhất đời Từ. Bởi có chữ « bố cu Từ » và « con đĩ Đạm » nên tên tuổi Từ đã được « vinh hạnh » dính liền với bài thơ. Với bài thơ này, mỗi lần ai đọc tới cũng phải nhắc đến Từ, không nhắc thì không thấy được cái hay và cái dụng ý của tác giả.
Không biết đời Từ thế nào, mà sĩ phu đương thời lại ghét đến như thế.
Phải chăng vì Từ là Tiến-sĩ, là xuất thân từ cửa Khổng sân Trình mà đi ra làm quan với giặc, hay bởi cái tánh tham tiền như tham sống của y ?
Nhưng dù sao đi nữa, qua hai chuyện trên, chúng ta cũng phải nhận Từ cũng còn khá thiên lương chớ chưa đến nỗi táng tận như những tham quan ô lại khác.
Từ nuốt tiền thì nuốt, chớ chưa trắng trợn nuốt đến cả những lẽ phải và lời hứa. Nếu không, mấy anh xỏ Từ, chẳng những không được tha, mà còn bị Từ đánh đòn và cho ở tù mọt gông nữa là khác.