Chỉ Đao - Hồi 12 PHI NGƯ ĐOẠT MỆNH 3

Hoắc Vũ Hoàn lắc đầu nói:

- Cho dù viên đá kia có thể phòng thân, nhưng cũng chỉ sử dụng cho một người mà thôi. Lẽ nào tánh mạng của Hoắc mỗ này quí báu, còn tính mạng của người khác không đáng giá hay sao ?

- Nếu hung đồ có muốn ra tay, tất nhiên là nhắm vào đại ca trước. Hắn đâu có thể ngờ răng chúng ta đã có phòng bị và vô hiệu hoá ám khí của hắn...

Lúc ấy tâm trí hắn sẽ hoang mang, còn cơ hội đâu mà đả thương người khác...

La vĩnh tường mỉm cười xen vào:

- Hai vị đừng tranh luận nữa. Lần này hai vị cũng phải nghe lời công bằng của tại hạ.

Kiến giải của đại ca rất là chính xác. Biện pháp của Lâm cô nương cũng không thể nói là không sử dụng được. Vế việc đề phòng hung đồ phóng ám khí hình cá, tại hạ đã nghĩ đến một phương pháp vô cùng vẹn toàn. Về việc này hãy giao cho tại hạ phụ trách.

Hoắc Vũ Hoàn hỏi:

- Đệ có biện pháp vẹn toàn gì ?

- Đệ sẽ tìm cách đả thương đôi tay hắn trước, khiến cho hắn không thể phóng ám khí được.

La Vĩnh Tường ngừng lại mỉm cười, rồi nói tiếp:

- Nếu như muốn thực hành kế hoạch này, phải bắt đầu từ hiệu thuốc Đồng nhơn đường của vị Tào đại phu kia trước. Đặc biệt tin tức về thời gian của trận quyết đấu không thể để cho người của Song Long tiêu cục và yến Sơn tam thập lục trại biết được...

Nếu không e rằng sợ việc sẽ lại xảy ra giống như ở Tiểu Nguyệt sơn trang lần trước.

Hoắc Vũ Hoàn nói:

- Nhắc đến Song Long tiêu cục và Yến Sơn tam thập lục trại, quả thật không thể không đề phòng. Hai bọn người này cứ quấy phá chúng ta mãi thật đáng ghét

Lâm Tuyết Trinh cũng nói:

- Bọn tay chân của Miêu Phi Hổ rất nhiều, phủ Lan Châu lại nằm trong phạm vi của Long Thuyền bang. Thêm vào còn có Song Long tiêu cục và Thần Toán Tử Liễu Nguyên. Việc này muốn giấu bọn chúng e rằng không phải dễ.

La Vĩnh Tường gật đầu nói:

- Trên thực tế tại hạ cũng biết rất khó giấu được bọn họ. Cho nên, tại hạ quyết định chọn một nơi cách biệt thật xa, và an toàn để dẫn dụ bọn chúng vào, rồi tạm thời nhốt bọn chúng lại, đợi sau khi xong việc lại thả bọn họ ra. Làm vậy chúng ta không cần phải lo lắng về bọn chúng nữa.

Hoắc Vũ Hoàn liền hỏi:

- Vậy nơi đó ở đâu ?

- Chính là nông trang của nhà họ Đơn ở Tây Khuynh sơn. Nơi đó có một con đường bí mật. Nếu như có thể dụ bọn chúng vào bên trong và nhốt lại thì dù cho có bản lãnh thông thiên đi nữa cũng không có cách chi thoát ra được...

Kế tiếp, La Vĩnh Tường đem những kế sách của mình chuẩn bị, làm thế nào đề truyền tin tức ra ngoài, lám cách chi để nhốt bọn người của Song Long tiêu cục và Yến Sơn, làm thế nào để an bày chỗ ẩn nấp cho hung thủ... mỗi việc đều nói cho hai người nghe qua.

Hoắc Vũ Hoàn nghe xong liền tán đồng:

- Mọi việc không thê chần chừ được. Chúng ta ăn cơm xong lập tức chuẩn bị lên đường đi Lan Châu ngay. Còn các huynh đệ khác sẽ khở hành sau. Mọi người cứ y theo kế hoạch mà chia ra hành sự. Có thể vạch được mặt thật của hung đồ hay không, đều toàn là nhờ vào lần này cà.

Đồng Nhơn đường được xem là hiệu thuốc lớn nhất nhì trong thành Lan Châu. Chủ nhân của nó là Tào Dung, hiệu Lạc Sơn, là một đại phu danh tiếng mà tất cả mọi người gần xa đều biết đến.

Tục ngữ thường nói:

"Phật chỉ độ được người có duyên, y thuật không thể chữa được bệnh chết". Cho dù y thuật của Tào đại phu rất là cao siêu và những dược thảo quý hiếm chất trong Đồng Nhơn đường cao như núi. Nhưng đến khi Tào đại phu lâm trọng bệnh, thì y thuật và được thảo cũng trị không khỏi bịnh tình của lão.

Tào Lạc Sơn năm nay đã bẩy mươi bẩy tuổi. Sau khi phu nhân của lão qua đời sớm, lão vẫn ở vậy cho đến bây giờ. Bởi cũng vì lẽ đó, lão chẳng có một người để nối dõi.

Cho nên bây giờ lão chợt ngã bệnh thì những kẻ muốn mưu đoạt tài sản của lão như là họ hàng xa, thân thích gần, liền lũ lượt kéo về.

Vì không chịu được sự Ồn ào của đám bà con thân thích, nên Tào Lạc Sơn bèn cho đóng cửa hiệu thuốc, còn mình âm thầm dời đến toà trang viện ở bên ngoài thành để tịnh tâm dưỡng bệnh.

Toà trang viện của Tào gia nằm dưới chân một ngọn núi nhỏ, gần con sông A Can bên ngoài Tịnh An môn. Tuy nó không hùng vĩ và khí phái như Tiểu Nguyệt sơn trang của cố Quỉ Nhãn Kim Xung, nhưng cũng có tường cao bao bọc chung quanh. Phía trước cũng có nước, sau lưng cũng có núi. Cũng có đình viện và những cây đại thọ toa? bóng mát chung quanh. 

Ngoài mấy đứa tớ gái hầu hạ cho Tào Lạc Sơn ra, lão còn nuôi bảy tám gã đại hán và mười mấy con chó cực kỳ hung tợn.

Cánh cửa lớn của toàn trang viện suốt ngày cứ đóng chặt. 

Những gia nhân muốn ra vào, đều đi bằng lối cửa vườn ở phía sau hậu viện. Bên ngoài cửa vườn có một con sông nhỏ, có thể thông với thị trấn ở cửa sông A Can.

Cứ mỗi ngày sớm chiều hai lần, đều có những chiếc ghe nhỏ buôn bán rau cải va thịt cá ghé lại trước cửa vườn. Buổi sáng họ bán thức ăn, rau quả cho trang viện, buổi chiều thì ghé lại lấy rác rưởi mang đi.

Người giữ cửa ở phía sau hậu viên là một lão già tuổi ngoài ngũ tuần. 

Mọi người trong trang viện đều gọi là Lý Thất gia.

Đừng thấy Lý Thất gia bị câm điếc và lưng gù mà xem thường. Tất cả mười mấy con chó dữ trong nhà đều do một tay lão nuôi dưỡng. Bày tám tên đại hán cũng do một mình lão quản lý.

Nghe nói một tay của lão có thể khống chế mười mấy con chó. Còn tay kia có thể đối phó một hơi với bẩy, tám tên đại hán to xác. Bởi vậy cho nên bọn đại hán trong trang viện đều gọi lão là "Thất Gia"

Từ lúc Tào Lạc Sơn đến toà trang viện này dưỡng bệnh, những kẻ họ hàng thân thích xa cũng không còn bước được chân vào nhà họ Tào nữa.

Lý Thất gia ngoài việc hai buổi sáng chiều ngồi trấn giữ trước cửa phía sau hậu viện, lão còn đích thân giám sát bọn gia nhân mua thức ăn và cả trao đổi dồ cũ nữa. Ngay cả con ruồi cũng đứng hòng lọt được vào bên trong nếu không có phép của lão.

Vào buổi chiều hôm nay, vẫn như thường lệ, trên khúc sông nhỏ từ từ tiến đến một chiếc ghe nhỏ được phủ kín bít bùng. 

Sau đó nó dừng lại bên ngoài cửa hậu của toà trang viện. Trên đầu chiếc ghe có cắm một lá cờ nhỏ mầu vàng hình tam giác. Còn sau đuôi ghe có một gã hán tử đầu đội nón cỏ, đang ngồi thong thả hút thuốc.

Hôm nay chiếc ghe này có vẻ đến sớm hơn mọi khi, nên cánh cửa phía sau hậu viện của Tào gia vẫn chưa được mở.

Sau khi hút hết thuốc trong ống điếu, gã hán tử đưa tay lên kéo vành nón rồi đứng dậy. Kế đó gã châm lửa mồi đèn và treo nó lên mui ghe.

Mới đó mà trời đã sắp tối rồi.

Trong khoang ghe đột nhiên có người thấp giọng hỏi:

- Đến giờ chưa ?

Gã hán tử cũng đáp khẽ lại:

- Gần đến rồi. Đại ca phải cẩn thận. Lão Lý Thất giữ cửa vườn xem ra không phải là nhân vật đơn giản đâu.

Người trong khoang đáp:

- Ta sẽ đề phòng lão. Nhưng mà đợi đến khi đánh tráo, đệ phải quan sát kỹ để đừng lộn người.

Gã hán tử nói:

- Nhất định sẽ không có lầm đâu. Chỉ là... Lâm cô nương phải nhớ kỹ. Tên a hoàn đó gọi là Nghênh Xuân, khi đi chân trái hơi có chút khập khiễng. Mặt tên a hoàn này xem ra không được khôn cho lắm, nhưng kỳ thật lại là kẻ thân tín nhất và lúc nào cũng ở sát bên mình Tào Lạc Sơn.

Từ trong khoang ghe có một giọng nữ truyền ra:

- Tam ca cứ yên tâm đi. Muội đã nhớ rõ rồi mà.

Tuy chiếc ghe này không lớn, nhưng ngược lại có tới ba người. "Đại ca" đương nhiên là Hoắc Vũ Hoàn, "Lâm cô nương" chính là Lâm Tuyết Trinh, còn gã hán tử đội nón không ai khác hơn là Bách biến thư sinh La Vĩnh Tường.

Nhưng không hiểu bọn họ đang định "đánh tráo" cái gì ? Chẳng lẽ họ đang muốn đối phó với một ả a hoàn ngu đần hay sao ?

Ba người đang thấp giọng nói chuyện, phía sau hậu viện Tào gia bỗng nhiên có ánh đèn xuất hiện và tiếng bước chân vang lên.

La Vĩnh Tường vội vàng nói:

- Đến rồi ! Hãy mau chuẩn bị.

Trong khoang ghe liền trở lại im lặng như trước.

Chỉ một lát sau, cánh cửa vườn ở phía sau hậu viện của Tào gia từ từ được mở ra. Người xuất hiện đầu tiên chính là lão Lý Thất gia lưng gù, vừa câm lại vừa điếc.

La Vĩnh Tường đã đứng sẵn trên ghe, cúi người xuống hành lễ, lớn tiếng chào:

- Thất gia ! Người vẫn khoẻ ?

Lý Thất làm như không trông thấy. Trước tiên lão đưa cao cây đèn lồng lên soi bên phải và bên trái bức tường, sau đó mới cắm cán cây đèn lồng vào khung cửa.

Một đứa tớ trai chừng mười lăm tuổi đi sát phía sau lão liền đặt một cái ghế tre xuống bên cạnh cửa. Sau đó hắn cung kính giơ tay nói:

- Thất gia mời ngồi.

Lý Thất liền ngồi xuống ghế, từ từ giơ ngón tay cái ra

Đứa tớ trai liền cao giọng la:

- Thất gia căn dặn thời gian vẫn là một cây hương. Các vị đại thúc, đại nương và tỉ tỉ nếu có việc xin mời hãy nhanh nhanh lên.

Nói xong, quả nhiên hắn đốt một cây hương cắm bên cạnh cây đèn lồng.

Cây hương vừa được đốt lền, ở trong vườn lập tức ùa ra một nhóm nam nữ, vú già và a hoàn. Có người thì xách những cái rương, có kẻ ôm quần áo cũ mang ra đổi hàng hoá.

La Vĩnh Tường cũng đã chuẩn bị sẵn, liền khiêng một cái rương gỗ lớn lên bờ. Bên trong cái rương đều là những thứ rẻ tiền như son phấn, đồ trang sức, kim chỉ tạp hoá...

Bọn a hoàn và vú già đều vây chặt lấy La Vĩnh Tường. Bọn họ muốn đổi y phục cũ để lấy đồ trang sức và kim chỉ.

Bọn nam nhân đa phần mang những cái ly và bình rượu đã cũ hoặc đã mẻ một chút để đổi lấy một ít tiền lẽ hay là một đôi vớ mới.

Một mình La Vĩnh Tường phải ứng phó với nhiều người như vậy, nên đã khiến cho tay chân luống cuống cả lên. Hoắc Vũ Hoàn và Lâm Tuyết Trinh vẫn nấp ở trong khoang ghe không hề ra mặt.

Sau khi đã đổi được những thứ vừa ý, bọn a hoàn và vú già cũng dần dần rút lui. Nhưng trong số bọn họ trước sau vẫn không thấy có bóng dáng của Nghênh Xuân.

Mới đó mà cây hương đã cháy hơn phân nửa rồi.

Lúc này trong lòng La Vĩnh Tường không khỏi nôn nóng. Nhìn thấy tất cả mọi người ở Tào gia đều đã tản ra hết, La Vĩnh Tường liền vội vã đến bên cửa vườn. Một mặt lấy từ trong người ra một cái bao giấy nhỏ nhét vào tay tên tớ trai, mặt khác cười thân thiện nói:

- Tiểu ca ! Vật mọn này là do tiện nữ của tại hạ căn dặn mang đến đặc biệt tặng cho tiểu ca.

Tên tớ trai nhìn La Vĩnh Tường từ đầu đến chân một lượt, rồi lên tiếng hỏi:

- Lão là...

La Vĩnh Tường cười cười:

- Ngay cả tại hạ tiểu ca cũng không nhận ra sao ? Tại hạ họ Từ, tiện nữ của tại hạ chính là Thúy Hoa, thường hay mang đồ đến đây trao đổi.

Tên tớ trai "à" lên một tiếng rồi nói:

- Hoá ra lão là thân phụ của Thúy Hoa sao ? Hèn chi nhìn lão thấy là lạ ,mà cũng có quen quen. Sao lâu nay không thấy lão tới vậy ?

- Đúng thế ! Trước giờ sức khoẻ tại hạ không được tốt lắm, thường hay bị đau ốm luôn. Những việc kiếm sống trên ghe đều giao cho tiện nữ và mẫu thân của nó cả...

Thường ngày họ cứ bảo rằng, may mắn lắm nên cứ gặp được sự quan tâm chiếu cố của tiểu ca đây.

Tên tớ trai cười:

- Có gì đâu mà gọi là quan tâm chiếu cố. Chỉ là tất cả mọi người trong trang trước nay đều hay trao đổi hàng hoá với hai người họ. Vì thế hai bên đã quen mặt.

Nói xong, hắn liền mở cái bao giấy ra. Bên trong là một cái túi thơm được thêu rất tinh xảo.

Tên tớ trai vô cùng mừng rỡ, hắn lấy cái túi thơm đưa cho La Vĩnh Tường xem rồi nói:

- Thất gia ! Vị Từ đại thúc đây chính là thân phụ của Thúy Hoa cô nương. Thất gia xem cái túi thơm này, tiểu nhân có thể nhận được không ?

Lý Thất gia dường như không nghe thấy, mà dường như cũng nghe thấy. Lão ta chỉ lạnh lùng nhìn La Vĩnh Tường mà trên mặt không hề có biểu hiệu gì. Chả biết lão có câm và điếc thật hay không

La Vĩnh Tường vội lấy từ trong người ra một bao giấy khác, hai tay dâng lên trước mặt Lý Thất cười nói:

- Đây là vật mọn cuả tiện nữ tiểu nhân tỏ lòng thành kính với Thất gia, xin Thất gia nhận cho.

Lý Thất không đưa tay ra lấy, ngược lại tên tớ trai liền đón nhận cái bao giấy. Vừa mới mở ra xem, hắn đã vội kêu lên:

- A ! Là một hộp thuốc còn mới tinh. Sợ rằng nó không dưới mười lạng bạc ?

La Vĩnh Tường nói:

- Hộp thuốc này là do một vị bằng hữu của tiểu nhân để lại, chỉ tính có năm lượng bạc mà thôi. Nếu mua tại chợ thì e rằng có mười lăm lượng bạc cũng chưa chắc mua được. Tuy chẳng phải là bảo vật vô giá gì, nhưng cũng đáng cho Thất gia dùng tạm.

Trên mặt Lý Thất vẫn không hề có biểu hiệu gì. Nhưng lão gật đầu, rồi lấy hộp thuốc cất vào trong tay áo.

Tên tớ trai cũng cất cái túi thơm vào trong người, tươi cười nói:

- Thất gia của ta trước giờ không nhận qua lễ vật của một ai, đây là lần đầu tiên người phá lệ.

La Vĩnh Tường vội cung tay cúi người:

- Đa tạ thất gia đã nể mặt.

Tên tớ trai xua tay:

- Đã trao đổi xong hết chưa ? Ngày mai hãy trở lại tiếp. Lão nhớ nói với Thúy Hoa cô nương cho tại hạ gửi lời cảm tạ.

La Vĩnh Tường không trả lời hắn. Ngược lại vẫn đứng nhìn vào trong vườn mà chưa chịu đi.

Tên tớ trai thấy thế liền hỏi:

- Lão còn có việc gì hay không ?

- Xin hỏi tại sao hôm nay không thấy Nghênh Xuân cô nương ?

- Lão muốn gặp cô ấy ?

- Không phải, chuyện là vầy, mấy hôm trước Nghênh Xuân cô nương có nói là muốn mua một cái áo bông, nhưng tất cả những cái áo có ngày hôm đó cô ta không vừa ý cái nào hết. Bởi vậy hôm nay tại hạ đặc biệt mang đến cho cô ấy vài cái áo mới, vừa được chở từ thành đô về...

La Vĩnh Tường chưa nói hết câu, đột nhiên có tiếng gọi lớn:

- Tiểu Tường từ, ngươi hãy khoan đóng cửa, ta còn muốn mua một chút đồ.

Tiếng gọi vừa dứt thì một a hoàn mình mặc y phục màu xanh chạy khập khiễng từ trong vườn ra.

A hoàn này tuổi chừng hai ba, hai bốn, mắt to mày rậm. Đích thật nét mặt có hơi ngu đần. Tuy một chân bị khập khiễng, nhưng ả chạy rất nhanh. Tiếng gọi vừa dứt thì người cũng đã ra đến cửa.

Nghênh Xuân vừa nhìn thấy La Vĩnh Tường liền ngạc nhiên hỏi tên tớ trai:

- Tại sao hôm nay không thấy Thúy Hoa đến mà đổi người khác chứ ?

Tên tớ trai cười đáp:

- Vị Từ đại thúc này chính là phụ thân của Thúy Hoa cô nương đấy.

Nghênh Xuân lấy làm lạ nói:

- Thật vậy sao ? Vậy tại sao ta chưa có gặp qua lão ?

La Vĩnh Tường liền lên tiếng:

- Cô nương thật là mau quên. Tháng trước, Nghênh Xuân cô nương muốn mua một cây kéo cắt vải, lần đó chính tại hạ mang tới, bộ cô nương quên rồi hay sao ?

Nghênh Xuân chớp chớp hai mắt rồi bảo:

- Ồ ! Ta nhớ ra rồi. Thật sự là có việc này. Lần đó lão mập mạp hơn bây giờ một chút có đúng không ?

La Vĩnh Tường vỗ tay một cái reo lên:

- Nghênh Xuân cô nương không hổ là một người có trí nhớ tuyệt vời. Bởi vì gần đây lão mắc một con bệnh nặng, cho nên mới ốm như vậy.

Nghênh Xuân liền hỏi:

- Tại sao hôm nay Thúy Hoa không đến ?

- Ai da ! Đừng nhắc tới nó nữa. Trẻ con làm việc thường không bao giờ cẩn thận. Sáng sớm hôm nay nó đun nước sôi, vì sơ ý nên đẽ bị bỏng. Bởi vậy lão mới thay nó đi kiếm miêng ăn.

- Chiếc áo bông mà ta cần, cô ấy có d8ạn lão mang đến hay không ?

La Vĩnh Tường liền vội vàng đáp:

- Có mang đến ! Có mang đến ! Không chỉ có áo, phấn son mà còn có cả mấy hộp chỉ màu các loại. Tất cả đều đã chuẩn bị sẵn cho cô nương hết rồi.

Nghênh Xuân lại hỏi tiếp:

- Vậy chứ là màu gì ?

La Vĩnh Tường liền kể:

- Tất cả đều màu xanh như là: màu xanh táo, màu xanh nước biển, màu xanh cỏ non...

Bởi vì La Vĩnh Tường nhìn thấy y phục của Nghênh Xuân mặc toàn là màu xanh, thắt lưng màu xanh và ngay cả trang sức trên người cũng lại là màu xanh. La Vĩnh Tường đoán rằng tất nhiên ả a hoàn này đặc biệt yêu thích màu xanh, vì vậy mà La Vĩnh Tường mới kể một hơi bẩy, tám loại màu tương tự như vậy.

Quả nhiên La Vĩnh Tường đã đánh trúng vào những màu mà Nghênh Xuân đều thích cả. 

Chỉ thấy ả reo lên như trẻ nít:

- Hay quá ! Tất cả lão để đâu ? Hãy mau dẫn ta đi xem thử ?

- Toàn bộ lão đều để ở trong ghe. Để lão xuống ghe lấy lên cho cô nương tùy ý lựa chọn.

Nghênh Xuân nôn nóng nói:

- Không cần. Để ta tự lên ghe lựa chọn được rồi.

Dứt lời, ả liền khập khiễng xuống ghe.

La Vĩnh Tường vội vàng bước xuống ghe trước để dìu ả, đồng thời lão lớn tiếng nói:

- Nghênh Xuân cô nương hãy thận trọng. Ván ghe rất trơn... hơi cúi thấp đầu xuống, lưu ý đừng để va vào mui ghe.

La Vĩnh Tường nói rất lớn như vậy là để ra hiệu cho Hoắc Vũ Hoàn ở trong khoang chuẩn bị hành động. Ngoài ra còn có tác dụng khác là làm giảm bớt đi sự tập trung của Lý Thất và tên tớ trai.

Khi Nghênh Xuân vừa cúi đầu xuống chui vào trong khoang. Lập tức một bàn tay to lớn từ trong góc cửa, nhanh như chớp bịt lấy miệng của ả lại. Đồng thời một tay khác điểm nhanh vào "á huyệt" sau gáy của ả.

Cho nên Nghênh Xuân muốn la lên cũng không được. Liền đó ả bị Hoắc Vũ Hoàn lôi vào trong giữa khoang ghe.

Cùng lúc Lâm Tuyết Trinh phát ra âm thanh vừa vui mừng vừa kinh ngạc nói:

- Ồ ! Nhiều đến như vậy sao ? Tất cả cái nào cũng đều đẹp, vậy ta biết chọn cái nào đây ? Ta muốn mua vài cái thì phải tốn bao nhiêu lượng bạc ?

La Vĩng Tường lúc ấy cũng chui vào trong khoang cười lớn:

- Nếu như cô nương thích thì cứ mỗi loại mua một cái, để bốn mùa mỗi mùa mặc một kiểu.

Tuy hai người dùng miện đối đáp, nhưng tay của họ không rảnh rang chút nào.

Lâm Tuyết Trinh thì đang cấp tốc đổi bộ y phục của Nghênh Xuân đang mặc, còn La Vĩnh Tường vừa nhìn Nghênh Xuân vừa hoá trang cho nàng thật giống với ả. Từ kiểu tóc, những trang sức ở trên đầu, cách trang điểm.

Chỉ trong một thời gian ngắn, công việc hoá trang đã hoàn tất, Lâm Tuyết Trinh tay ôm mấy cái áo bông khập khiễng bước lên bờ. Nàng vừa đi vừa nói:

- Ta sẽ lấy mấy cái áo này trước. Tất cả bao nhiêu tiền, một hai ngày nữa tính giá cho ta biết. Nhưng mà lần sau nhớ mang hai hộp phấn Bách hoa và dầu hoa Quế cho ta nhé.

Nàng vừa nói vừa lấy một cái áo khoác lên người. Thỉnh thoảng nàng cúi đầu nhìn thử lại người mình với cái áo khoác, ra chiều rất đắc ý.

Lý Thất và tên tớ trai có nằm mơ cũng không nghĩ đến Nghênh Xuân đã bị người ta tráo đổi.

Đợi đến khi Lâm Tuyết Trinh đã khuất sau cửa vườn, bọn họ mới đứng lên lấy cái đèn lồng xuống và đóng cửa khoá lại.

La Vĩnh Tường thở dài nhẹ nhõm, rồi cũng lập tức bơi ghe đi.

Trong một gian nhà gỗ nhỏ bên cạnh bờ sông, bên trong được bày ba cái án. Trên mỗi cái án đều có đặt một cái bàn Khổng Minh. Cả ba mặt của chụp đèn đều được giấy đen dán lại. Chỉ còn một mặt chánh diện là vẫn còn hắt ánh sáng ra bên ngoài mà thôi.

Ánh sáng của ba ngọn đèn đều được tập trung chiếu vào một cái ghế gỗ được đặt ở giẵu gian phòng. Vì lẽ đó, xung quanh căn phòng dường như chỉ toàn là một màu đen cả.

Phía trước ba cái án có bày một số hình cụ như lò lửa, roi da, những thanh sắt, ghế hùm...

Phía sau án có Hoắc Vũ Hoàn, La Vĩnh Tường và Thiết Liên Cô đang ngồi đó. Hai bên cái ghế gỗ có bốn tên đại hán đang khoanh tay đứng im lặng chờ lệnh.

Trên cái ghế gỗ giờ đã có một người đang bị trói. Đó chính là a hoàn Nghênh Xuân của Tào Lạc Sơn.

Bỗng nhiên La Vĩnh Tường đập mạnh tay xuống bàn hét lớn:

- A đầu ! Nguoi có biết bọn ta là ai hay không ?

Nghênh Xuân toàn thân run lẩy bẩy, vội vàng lắc đầu nói:

- Nô tỳ... nô tỳ không biết:

La Vĩnh Tường lại quát lớn:

- Bây giờ ta nói cho ngươi biết, chúng ta chính là Hoàng Phong Thập Bát Kỳ lừng danh khắp thiên hạ. Đồng thời cũng là những cường đạo giết người trong nháy mắt. Bây giờ ngươi phải khai thật cho ta biết. Nếu không, ngươi sẽ được nếm thử hình phạt của bọn ta.

Nghênh Xuân lập cập nói:

- Nhưng ... các vị muốn nô tỳ phải nói cái gì ?

La Vĩnh Tường cười nhạt:

- Trước tiên ta hỏi ngươi. Sự việc xảy ra ở Tiểu Nguyệt sơn trang xảy ra trước đây không lâu, ngươi có biết hay không ?

- Là việc Kim tam gia vừa qua đời ?

- Không sai.

- Về việc này tất cả mọi người ở thành Lan Châu đều biết. Khi Kim tam gia lâm bệnh, người còn mời lão gia của nô tỳ đến xem mạch.

La Vĩnh Tường vội cướp lời:

- Ta muốn hỏi về việc Kim Xung bị người ha độc, chứ không phải quỷ kế mắc bệnh giả chết của hăn.

Nghênh Xuân vô cùng ngạc nhiên:

- Kim lão gia quả thật là bị bệnh nặng mà chết. Ai nói là lão bị mưu hại hạ độc qua đời chứ ?

La Vĩnh Tường thấp gịong:

- Ngươi không chịu nói ra sự thật ?

- Có trời đất chứng giám, lời của nô tỳ nói ra đều là sự thật.

La Vĩnh Tường vậy tay một cái nói:

- Người đâu. Hãy nướng những cây sắt lên và chuẩn bị. Nếu như ả còn nói dối một câu nào nữa, các ngươi đóng dấu lên trên mặt ả cho ta.

Bốn tên liền đáp một tiếng. Một tên lập tức thổi lửa cho cháy bùng lên, còn một tên lấy mấy cây sắt cắm vào lò lửa.

Hai tên còn lại nắm tóc Nghênh Xuân kéo ra phía sau, để cho mặt ả ngẩng cao lên chuẩn bị hành hình.

Lử trong lò cháy phừng phừng, chỉ một chút sau thì mấy cây sắt đã đỏ rực lên.

Tên đại hán lấy một cây ra nhúng vào trong chậu nước để thử độ nóng. Chỉ nghe một cái "xèo", từ trong chậu nước có một luồng khói xanh bốc lên.

La Vĩnh Tường cười khanh khách nói:

- Ta hỏi ngươi lại một lần nữa, Kim Xung bị bệnh mà chết hay là bị hạ độc mà chết ?

Bốn tên đại hán cùng đồng thanh quát lớn:

- Nói !

Nghênh Xuân lắp bắp:

- Nô tỳ xin nói... nô tỳ xin nói. Kim tam gia bị người ta hạ độc mà chết... Nhưng mà người hạ độc không phải là lão gia của nô tỳ.

La Vĩnh Tường gật đầu:

- Việc này bọn ta đã biết rồi. Người hạ độc chính là quản gia của Tiểu Nguyệt sơn trang Lý Thuận đúng không ?

- Dạ phải, chính hắn ta...