Bốn năm phấn hồng - Chương 07 - 09

7. Các kiểu tình yêu 

Đề mục này đưa ra thật bất lịch sự. Nhưng đó là khi tôi mới vào học năm thứ nhất, mọi người như ong vỡ tổ, nháo nhào đi tìm bạn trai, bạn gái. Yêu đương một cách vội vàng với quy mô lớn như vậy giống như sự phối giống của động vật trong thời kỳ phát dục. Năm thứ nhất, nữ sinh vội vàng tìm bạn trai là vì mới được giải phóng, muốn thử cái mới! Năm thứ hai, nữ sinh vội vàng tìm bạn trai là vì cuối cùng đã phát hiện ra rằng cuộc sống đại học trống rỗng và vô vị biết bao. Năm thứ ba, vội vàng tìm bạn trai thường xuất phát từ lòng đố kị, bởi vì các bạn nữ sinh xung quanh mình dường như đều đã có bạn trai. Năm thứ tư vội vàng tìm bạn trai thường thường là vì đang tìm một phiếu ăn dài hạn hay một cái cầu nhảy.

Tất nhiên, những kiểu tâm lý này không thể vơ vào tất cả các nữ sinh, cho nên các bạn cũng không phải nhặng xị lên. Rời trường trung học, lúc đầu, trường đại học có một sức hấp dẫn mãnh liệt đối với chúng tôi, một trong những nguyên nhân chính là vào đại học chúng tôi có thể yêu đương một cách công khai, có thể nắm tay ôm hôn ở nơi công cộng một cách ngang nhiên. Chú ý, tất cả đều có thể tiến hành "công khai cởi mở", mỗi một nữ sinh trung học sắp bước vào đại học hoặc mới vào đại học đều đang có hoặc đã có những ảo tưởng đẹp đẽ và ước mơ mãnh liệt về tình yêu.

Khi mới bước vào đại học, về chủ quan, những nữ sinh năm thứ nhất chúng tôi có khát vọng và ước mơ mãnh liệt về tình yêu. Về khách quan, những sinh viên nam trong cả trường lùa những nữ sinh năm nhất như lùa vịt, thêm nữa là nữ sinh năm nhất thiếu kinh nghiệm yêu đương, thiếu con mắt sáng suốt để lựa chọn bạn trai. Cho nên, sau khi đợt tập quân sự kết thúc, trong lớp đã có một đám nữ sinh bắt đầu mối tình đầu hoặc mối tình thứ hai của mình.

Đợt tập quân sự kết thúc, người đẹp Tô Tiêu liền trở thành một tấm gương mẫu mực, đã yêu một cậu sinh viên năm thứ ba khoa Sinh. Tiếp theo, La Nghệ Lâm không hiểu sao cũng có bạn trai. Trên lớp những cô gái khác cũng lần lượt có bạn trai như ong vỡ tổ. Một nửa số nữ sinh trong lớp chúng tôi đã có bạn trai, khi chúng tôi mới bước vào cổng trường đại học chưa quá ba táng. Một nửa số nữ sinh lớp chúng tôi thay bạn trai thứ nhất và có bạn trai thứ hai khi chúng tôi bước vào đại học chưa quá một năm.

Trong ấn tượng của tôi, tìm bạn trai hay tìm bạn gái dường như là nhịp điệu chính của năm học thứ nhất. Tôi sẽ hát cho mọi người nghe bài đồng dao rất quen tai có thể nói rõ điều này: "Tìm đi, tìm đi, tìm bạn trai, tìm bạn trai, tìm được một bạn trai tốt, nắm tay nhau hôn một cái, anh là bạn trai của tôi. Rồi sau đó, bai bai."

Nói một cách khái quát thì thế. Nói về tình hình yêu đương một cách tỉ mỉ, chi tiết thì rất khó. Bởi lẽ, hầu hết các nữ sinh vừa bước vào đại học đã yêu ngay, đến năm thứ tư tốt nghiệp thì đã thay đến mấy người bạn trai rồi. Ví dụ như Tô Tiêu, tôi đếm cả buổi cũng không hết được cô ấy có tất cả bao nhiêu bạn trai. Xin cứ thong thả, đợi tôi đếm rõ ràng xong sẽ dần dần kể các bạn nghe. Trường có nhiều nữ sinh, mà đặc biệt là khoa Văn học chúng tôi. Cho nên sự cạnh tranh vô cùng quyết liệt, không, từ "quyết liệt" chưa đủ để nói rõ vấn đề đó, nên dùng từ "khốc liệt" để hình dung. Có nữ sinh năm thứ nhất đã thay đến ba người bạn trai, nhưng cũng có nữ sinh năm thứ tư cũng chưa từng có ai theo đuổi. Con gái muốn tồn tại trong đám con gái thì phải tranh giành bạn trai, giống như các loài cạnh tranh với nhau, loài nào thích ứng với tự nhiên sẽ tồn tại.

8. Ý nghĩ giết người trong điện thoại

Tôi mất thời gian bốn năm, từ năm thứ nhất đến năm thứ tư lấy thực tế để chứng minh cái lý luận nổi tiếng này. Nữ sinh năm thứ nhất là bóng rổ, cậu tranh tôi cướp. Nữ sinh năm thứ hai là bóng chuyền, phát rồi mới nhận. Nữ sinh năm thứ ba là bóng bàn, cậu đánh tôi đỡ. Nữ sinh năm thứ tư là bóng bowling, va một cái là đổ. Trên mạng còn lưu truyền một cách nói này:

Năm thứ nhất xinh đẹp

Năm thứ hai đáng yêu

Năm thứ ba ra cảnh cáo

Năm thứ tư chẳng ai cần.

Nữ sinh năm thứ nhất là hàng xuất khẩu

Nữ sinh năm thứ hai là hàng nội địa

Nữ sinh năm thứ ba là hàng ế

Nữ sinh năm thứ tư là hàng thanh lý

Nữ sinh năm thứ nhất muốn kéo dài tình yêu

Nữ sinh năm thứ hai bị mục nát

Nữ sinh năm thứ ba muốn bán tháo

Nữ sinh năm thứ tư bị quẳng đi.

Điện thoại phòng kí túc xá có thể chứng minh điều này. Hết đợt luyện tập quân sự, ở phòng kí túc xá, ngoài Chương Hàm Yên ra mọi người đều không mua điện thoại di động. Thế là cái điện thoại đó ở phòng cứ đến tối lại ở vào trạng thái "đường dây nóng". Không khi nào giữ yên lặng được 15 phút. Năm đầu ai cũng còn ngây ngô, chưa gì đã sợ mình nhận điện thoại không bằng những người khác trong phòng, còn chưa biết làm cao khi có người muốn xin số điện thoại, nên đã phân phát số điện thoại của mình đi khắp nơi như thế.

Học kì đầu tiên, về cơ bản điện thoại của phòng là gọi cho tôi, La Nghệ Lâm và Tô Tiêu. Gọi điện thoại đến có bạn học cũ, có người nhà người thân, nhưng điều khiến chúng tôi hoan hỉ hơn cả là điện thoại của những nam sinh lạ hoắc. Ví dụ, có điện thoại gọi đến, đầu bên kia có một nam sinh trẻ măng đang hỏi, xin hỏi phòng các bạn có phải có một bạn nữ sinh hay mặc áo màu phấn hồng, làn da trắng không? Còn nữa, từ 3 giờ đến 5 giờ chiều qua bạn ấy đã đến thư viện à?

Các bạn đừng cười, phòng chúng tôi thực sự là đã từng nhận một số lượng nhất định những cuộc điện thoại như thế. Cuối cùng người cần tìm ấy vẫn là Tô Tiêu với số lần nhiều nhất, tôi và La Nghệ Lâm mỗi người chỉ từng có hai lần trải qua chuyện lạ như vậy.

Cảm giác đó vô cùng tự hào, trong lòng vô cùng sung sướng. Nhưng bình thường không ai để ý. Càng để ý chúng tôi như vậy chúng tôi càng làm cao. Có chút ánh nắng là rực rỡ, ai mà chẳng vậy.

Điện thoại bận tíu tít như vậy đấy, lúc đầu tình trạng này không hề thu hút sự chú ý đăc biệt của tôi, đến khi có một lần La Nghệ Lâm nằm bò ra phía trước cái điện thoại và viết mấy con số: 28, 29 của tôi; 34, 35 của Tô Tiêu; 33, 34 của Dịch Phấn Hàn. Còn lại 12 cuộc kia chia đều cho các bạn khác. Cô ấy đang thống kê số lần các cuộc điện thoại trong phòng của tuần đó (máy có hiển thị các cuộc gọi đến). Bởi vì không tiện thống kê số lượng người theo đuổi của mỗi bạn, nên thống kê số điện thoại gọi đến. Chuyện này e là cũng chỉ có La Nghệ Lâm mới làm. Tôi chợt cảm thấy nguy cơ tiềm ẩn khắp nơi. Lòng hiếu thắng bị kích động, hôm đó ở trên mạng, một đứa từ trước tới nay không bao giờ cho bạn trên mạng số điện thoại như tôi lại truyền bá rộng rãi số điện thoại của mình. Tôi muốn gia tăng hết cỡ đội ngũ người theo đuổi trong đám người quen có hạn của mình.

Cái trò thống kê để tiêu khiển nhạt nhẽo, vô nghĩa của La Nghệ Lâm biến thành một sự cạnh tranh có ý nghĩa. Một tiếng chuông vang lên cũng ẩn chứa ý nghĩ giết người. Sự cạnh tranh của con gái không nơi nào là không có, họ tận dụng mọi khả năng có thể.

Về sau, sự cạnh tranh này không chỉ thể hiện trên số lần nghe điện thoại mà thể hiện cả trên chất lượng cuộc gọi. Ví dụ, Tô Tiêu đứng đầu bảng về yêu cầu bạn trai ở đầu bên kia hát một bài để tăng thêm sở thích gọi điện thoại, La Nghệ Lâm thì giận một nỗi không thể yêu cầu đối phương hát một bài tình ca. Đứng ngoài mà xét, tôi cảm thấy không thể làm những việc thiển cận như thế, bài hát nam sinh đã hát rồi, tâm hồn cũng bị tổn thương rồi, thể diện cũng chẳng còn, không tin thì tự bạn thử đi, bạn gọi điện cho một nam sinh mà bạn thích, cậu ấy yêu cầu bạn hát, lại còn mang ra làm chủ đề để mọi người trong phòng bình phẩm một lượt, vậy bạn có đau lòng không? Hãy đặt mình vào vị trí ấy xem. Thế là trong lúc gọi điện tôi đã dùng máy ghi âm giọng hát để bật cho họ nghe, những lời ca có tình có ý của tôi hát lên khiến họ mất cả tập trung chú ý, cứ như thế điện thoại của tôi càng ngày càng nhiều và hai cô bạn kia dần dần rơi vào thế yếu.

Một người con gái nếu có rất nhiều đàn ông theo đuổi thì hoặc là cô ấy có sức hấp dẫn đặc biệt, mọi mặt đều hết sức hoàn mĩ; hoặc là cô ấy quá quen với tâm lý đàn ông, có khả năng biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.

Đến năm thứ ba, rồi năm thứ tư, điện thoại của phòng chúng tôi cơ bản rơi vào trạng thái "tắt lửa". Bây giờ, nhìn điện thoại phòng tôi hai ngày cũng không kêu một tiếng, lại nhớ hồi năm thứ nhất, đó là những ngày tháng nghe điện thoại điên cuồng, giờ đây chúng tôi cảm thấy mình đã già rồi.

9. Những nam sinh vô vị

Nói về năm thứ nhất, vì chuyện các nam sinh gọi điện đến đã dẫn tới sự phân tranh, tôi không thể không nhắc đến một số chuyện tôi gặp phải trong những hoàn cảnh khác. Một số chuyện liên quan đến những người theo đuổi.

Năm thứ nhất tôi từng gặp phải vài cậu nam sinh vô vị. Bây giờ tôi cũng đang cảm thấy rất vô vị nên viết về họ cũng thật nhạt nhẽo, mọi người cứ đọc tự nhiên: Không phải trả tiền.

Hồi đó trong lòng tôi vẫn còn nhớ tới cậu bạn học thời trung học. Đời tôi có những duyên nợ với trường đại học danh tiếng, bởi vì tôi đã không thi đỗ vào trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc, cho nên khi bước vào trường đại học này tôi đã hạ quyết tâm loại bỏ mọi khó khăn, nhất định phải tìm một người đàn ông học ở một trường danh tiếng nhất Trung Quốc làm bạn trai. Ý nghĩ này bao giờ cũng rất kiên định. Các bạn không nên cười tôi, cũng chẳng bõ công mắng tôi ngốc nghếch. Tôi cũng biết rằng trường danh tiếng không đại diện cho tất cả. Nhưng tôi thích. Cũng giống như có người thích quần áo hàng hiệu, thực ra kiểu dáng, chất lượng của những bộ quần áo đó rất bình thường, không chắc đã hợp với một cô gái, mặc lên cũng không thay đổi được gì, nhưng cô gái thấy thích và phải tiêu bao nhiêu tiền cũng cam lòng, dù là giảm giá cũng mua. Năm thứ nhất tôi đã có tâm lý như vậy về tình yêu. Không có cách nào thoát ra khỏi vết đen của sự thất bại trong kì thi đại học, nên tôi mang niềm hi vọng của mình về một trường đại học danh tiếng từ khi học trung học đặt vào nửa kia của mình. Nghĩ lại mới thấy, hồi đó các nam sinh của trường chúng tôi không hề có địa vị gì trong lòng tôi. Nói hơi khoa trương một chút, ở trường, từ trước tới nay tôi chưa từng để ý tới bất cứ một nam sinh nào. Bởi vì hoàn toàn không cần thiết. Nam sinh của cả trường này đều không phù hợp với điều kiện tìm bạn trai mà tôi đã nêu ở trên.

Nhưng khi đó, tôi không có nhiều cơ hội quen biết các nam sinh của trường danh tiếng như trường Đại học Thanh Hoa. May thay, cậu bạn mà tôi thích trường trung học đã đến Thanh Hoa học. Thế là tôi tự nhiên cứ tiếp tục kéo dài tình cảm đó. Bây giờ tôi sẽ phân tích tình cảm của tôi với cậu ấy như thế này. Năm thứ nhất, tình cảm của tôi đối với cậu ấy không còn là thích đơn thuần nữa mà đã trở thành một kiểu gửi gắm lí tưởng.

Với trạng thái tâm lí này, nhớ lại những nam sinh từng gặp hồi năm thứ nhất tôi đều thấy buồn cười. Tôi cảm thấy, nếu tôi viết về những người từng theo đuổi tôi với thái độ như thế có thể gây ra sự bất mãn của một bộ phận bạn đọc, bởi vì có lẽ họ cũng từng làm chuyện tương tự với các nữ sinh khác. Khi đọc đến những dòng dưới đây, họ có thể sẽ lo lắng rằng những nữ sinh lúc đầu họ theo đuổi cũng đã có lúc giễu cợt họ như vậy.

Tôi do dự hết lần này đến lần khác nhưng vẫn quyết định viết ra, dù cho có làm hỏng hình ảnh của chính mình. Mục đích là để nói với những nam sinh chưa từng theo đuổi nữ sinh rằng, trong khi theo đuổi không nên mắc phải những lỗi tương tự như thế nữa. Con trai theo đuổi con gái, khó khăn như vượt đèo. Câu nói này quả không sai.

Nam sinh vô vị đầu tiên mà tôi gặp là ở thư viện.

Năm thứ nhất, theo thông lệ, tối tối tôi thường đến thư viện. Đọc sách một lúc. Đột nhiên một cuốn sách từ ghế đối diện trượt qua. Tôi đọc những dòng viết trên đó: Dáng vẻ đọc sách của bạn rất đẹp, có thể làm quen một chút không?

Tôi ngẩng đầu nhìn cậu nam sinh đó, trông cũng không xấu trai lắm. Chữ viết bằng bút máy cũng rất đẹp.

Đáng tiếc là đã tìm nhầm đối tượng, thật là một cách làm quen thô thiển. Lại sao chép mấy cuốn tiểu thuyết tình yêu à? Cẩn thận tác giả kiện cậu tội ăn cắp bản quyền. Tôi thích sự lãng mạn nhưng tôi ghét tất cả những sự lãng mạn sao chép, vay mượn. Lãng mạn là một loại sáng tạo. (Nghe người ta nói, rất nhiều nam sinh chạy đi mượn đọc tiểu thuyết tình yêu cũng chính là để khi tán tỉnh một em thì có thể học thêm vài chiêu. Thật quá phô, nếu không may bị em ấy phát hiện là bạn đang bắt chước các tình tiết trong tiểu thuyết tình yêu, thì bạn đâm đầu vào miếng đậu phụ mà chết cho rồi).

Tôi cúi đầu xuống, tiếp tục đọc sách và tự trấn tĩnh bản thân.

Cậu ta đã cầm quyển vở về rồi, một lát sau, quyển vở lại trượt đến trước mặt tôi. Bên trên viết: Bạn là sinh viên khoa Ngoại ngữ phải không? Hình như tôi đã từng gặp bạn ở một buổi dạ hội nào đó.

Tôi ngẩng đầu lên lần nữa, nói một cách rõ ràng rằng: "Xin lỗi, từ trước tới nay tôi chưa từng tham gia bất kỳ một buổi dạ hội nào". Cậu nam sinh tự tin một cách vô duyên đó nhìn tôi. Tôi vừa nhìn thấy ánh mắt đó đã ghét rồi, cũng chẳng phải là thần tình yêu, tự tin như thế làm gì chứ? Đàn ông nếu không phải làm trong ngành dịch vụ thì không nên mang bộ mặt nghiêm chỉnh đó ra làm con át chủ bài. Vô ích. Em gái nhỏ dễ tán tỉnh có phải không? Tôi chỉ coi cậu là một nam sinh nhỏ bé. Nếu trong mắt cậu có chút ngượng ngùng, có thể tôi còn cảm thấy cậu có chút thành ý, nhưng cậu lại nhìn tôi với con mắt coi mọi thứ chẳng là gì như thế, nên tôi chỉ xem cậu là đồ vô vị. (Khi tìm con gái để làm quen không nên tỏ ra quá kinh nghiệm, cái vẻ coi mọi thứ chẳng ra gì sẽ chứng tỏ không có thành ý chút nào rất dễ gây phản cảm).

Tôi đẩy quyển vở ra. Tôi không quan tâm và tiếp tục đọc sách. Tự trấn tĩnh bản thân.

Không đến một phút sau, cậu ta lại đẩy quyển sách sang. Bên trên viết: Đừng đọc sách nữa, chúng ta ra ngoài đi dạo được không?

Tôi phát chán. Tôi không thích những nam sinh như thế, một chút cũng không. Vô vị, không có năng lực, vô liêm sỉ. Tôi gập sách lại, để nó lên giá, rảo bước đi ra ngoài.

Vừa ra đến cửa, cậu nam sinh đó liền đi theo tôi ra ngoài. Tôi không quan tâm, đi xuống tầng. Ở cầu thang tôi gặp một cô bạn cùng lớp, cô ấy nhìn tôi một cái, nhìn cậu nam sinh đang đi song song với tôi một cái, rồi tủm tỉm cười.

Tôi có cảm giác bị sỉ nhục, chỉ muốn nhanh chóng về phòng kí túc xá, thật là đồ vô duyên.

Vừa ra khỏi cổng thư viện cậu ta liền nói: "Đừng đi nhanh thế, làm quen một chút đi. Tôi làm sinh viên khoá 99 khoa Lịch sử, trông bạn rất quen, bạn là sinh viên Ngoại ngữ đúng không? Điện thoại của bạn là thế nào?

Quê bạn ở đâu?"

Tôi đi đằng trước, cậu ta đi kề bên cứ liến thắng không ngớt. Cậu ta tỏ vẻ là một tay tán gái cừ khôi. Nhưng một cao thủ tán gái thật sự không bao giờ chủ động bám lấy con gái, một cao thủ thật sự sẽ tự có con gái chủ động tìm đến sẵn sàng xin chết. Như một người đàn ông thật sự có sức hấp dẫn, có địa vị sẽ hiểu rằng con gái trên thế gian này, khối cô có thể lên giường với anh ta, dăm bảy cô có thể khiến anh ta để mắt đến, may ra chỉ có được một hai cô có thể khiến anh ta để tâm. Ba lí luận trên là của hạng đàn ông ưu tú. Những điều này, khi đã có một sự từng trải nhất định đàn ông sẽ hiểu hết.

Tôi quay đầu lại nói: "Tôi không thể nói cho cậu biết."

Cậu ta thoạt đầu ngẩn ra rồi lại cười một cách lịch sự.

Sau đó cậu ta lấy bút ra, vừa đi vừa viết cái gì đó lên quyển vở.

Tôi liếc nhìn, cậu ta viếc rất nhanh.

Một lát sau cậu ta xé một mẩu giấy từ quyển vở đưa cho tôi.

Tôi do dự một lát, rất hiếu kỳ nên cầm lấy đọc, bên trên viết tám chữ số và một cái tên, còn có một câu: Hãy liên lạc với tôi.

Tôi không nói gì. Tôi cúi gằm mặt xuống, cẩn thận gấp tờ giấy đó lại. Gấp đôi, rồi gấp đôi, lại gấp đôi nữa, cậu nam sinh đó tiếp tục nói: "Bạn sống ở khu nhà nào? Bây giờ bạn về phòng à?"

Tôi không trả lời cậu ta mà tiếp tục gập tờ giấy đó. Gập đến khi còn 1cm thì thấy không cách nào gập tiếp được nữa, rồi nắm chặt trong tay và rảo bước về phía trước.

Đi 10m về phía trước đến một thùng rác, tôi tiện tay vứt luôn mẩu giấy đã gấp vào.

Người ấy đờ đẫn đứng lại.

Tôi tiếp tục rảo bước về phía trước, cảm thấy hai chúng tôi đều rất bỉ ổi. (Nếu con gái không tỏ ra thiện cảm gì với bạn, thì đừng nên tuỳ tiện chủ động để lại mối liên lạc, nếu k chỉ có thể có ba kết cục. Thứ nhất, mối liên lạc sẽ bị vứt bỏ ngay tại chỗ. Thứ hai, bạn chờ đợi một cách ngốc nghếch nhưng cô ấy không bao giờ liên lạc với bạn. Thứ ba, cô ấy có liên lạc với bạn, thì cũng chỉ bởi vì cô ấy rắp tâm đùa cợt bạn hoặc chỉ vì muốn bạn mời cô ấy đi ăn. Bởi vì, dù đã nhìn đến bạn, nhưng khả năng là cô ấy sẽ qua lại với bạn thì giống như là khả năng Sao Hoả gặp Trái Đất ấy. Một cô gái thực sự có chút danh giá sẽ không tuỳ tiện làm quen với những chàng trai trẻ trên đường. Kết luận: khi gặp một người con gái vừa ý thì không nên để lại số điện thoại của mình mà tốt nhất là tìm đối phương và xin số điện thoại).

Cậu nam sinh vô vị thứ hai mà tôi gặp là ở nhà ăn. Cậu ta hỏi mượn tôi giấy ăn, như vậy cậu ta đã phạm một sai lầm nghiêm trọng. Con trai không mang theo giấy ăn, khi ăn cơm khiến người ta có cảm giác dơ bẩn. Cậu ta hỏi: "Này bạn, bạn có thể cho tôi mượn tờ giấy ăn được không?" và còn ngồi đối diện tôi, nhìn tôi chăm chú, làm ra vẻ muốn cùng tôi nói chuyện lâu hơn. Tôi liên tưởng ngay đến chuyện nếu tôi để ý đến cậu ta thì chúng tôi có thể sẽ làm quen, cậu ta có thể làm bạn trai của tôi, như vậy có lẽ một ngày nào đó khi tôi và cậu ta hôn nhau... Đoạn giả thiết này khiến tôi vô cùng ghê tởm. Thế là tôi nhanh hết mức ném cho cậu ta một gói giấy ăn, và đứng dậy rời khỏi đó càng nhanh hơn nữa. (Khi bạn muốn tiếp cận một em ở nhà ăn, không nên lấy lí do là mượn giấy ăn, nếu sức tưởng tượng của em gái đó và bạn đều phong phú như nhau thì bạn sẽ không có một chút hi vọng nào, chi bằng hãy giúp cô ấy mua một cốc đồ uống để lấy cớ tiếp cận. Tốt cho bạn cũng tốt cho cả cô ấy. Phải không? Nhưng nếu cô ấy không nói năng gì mà chỉ lặng lẽ uống hết cốc nước rồi phủi đít quay đi thì cũng đừng trách tôi. Tôi sẽ lấy cớ là: "Lòng người khó đoán". Mà tôi nào biết được vẫn còn có những cô gái độc ác như thế chứ!).

Cậu nam sinh thứ ba mà tôi gặp là ở phòng tự học. Vào đại học, năm thứ nhất tôi từng ba lần đến phòng tự học. Trong đó có một lần đã gặp phải chuyện như thế này:

Tôi ngồi trong phòng học vô cùng buồn chán, nhìn kim đồng hồ chầm chậm quay từng vòng từng vòng, tôi lật giở cuốn sách một lèo hết trang này sang trang khác, vừa thấy vô vị lại vừa thấy sợ hãi, sợ rằng cái kiểu đọc lan man thế này sẽ không có ích gì, đến lúc thi sẽ làm thế nào. Bây giờ tôi nghĩ lại thấy hồi đó cũng thật ngây thơ làm sao, vậy mà tôi đã lầm tưởng rằng thành tích thi các môn khoa học xã hội ở đại học và việc đọc sách giáo khoa thường xuyên có mối liên hệ với nhau. Nhưng chỉ không quá ba lần lên phòng tự học khiến tôi hiểu ra rằng, ở đại học lên lớp là vô vị, tan học là vô vị, yêu đương lại càng vô vị, còn lên phòng tự học là mức độ cao nhất của sự vô vị.

Kể xa hơn một chút. Trong một buổi tự học, sau khi ra ngoài đi vệ sinh, quay lại tôi phát hiện trên quyển sách đáng mở có thêm một mẩu giấy, bên trên viết một số điện thoại và còn có một câu: Làm quen một chút được không?

Tôi nhìn quanh tứ phía, trong vòng một mét không có nam sinh nào, trong vòng hai mét có rất nhiều nam sinh nhưng đều đang vùi đầu vào học, không có ai ngầm ra hiệu cho tôi với một ánh mắt lạ lùng, cho dù chỉ là dùng ánh mắt ra hiệu cho tôi rằng mẩu giấy đó là do cậu ta viết cũng không có, chẳng có gì cả. Chỉ có một mình tôi đang ngẩn ra cầm mẩu giấy.

Tôi từng có rất nhiều kiểu phán đoán, có thể đây là do một phòng nam sinh đang đánh cược xem có hay không một cô em dễ dàng mắc câu. Có thể là khi lên phòng tự học, cái kiểu giở sách nôn nóng của tôi khiến các nữ sinh xung quanh khó chịu và họ quyết định giễu cợt tôi một chút. Có thể, mẩu giấy này là của người khác trong phòng học đặt vào nhưng đã đặt nhầm chỗ. Tôi đã tưởng tượng rất nhiều kiểu và rút ra một kết luận duy nhất là số điện thoại này không thể gọi được.

Ngay cả người đưa mẩu giấy này tôi cũng chưa từng một lần nhìn thấy, nếu hình thức cậu ta rất xấu thì tôi trốn cho mau chứ làm sao lại còn có thể gọi điện cho cậu ta. Hơn nữa, để lại số điện thoại mà không để lại họ tên, rõ ràng là không có thành ý. Không phải là không có thành ý thì ít nhất cũng là biểu hiện của sự không tự tin. Kiểu con trai như thế không quan tâm cũng đáng thôi. (Để lại số điện thoại cho một cô gái, nhất định phải viết họ tên, nếu không thì cũng nên viết một cái biểu hiện, hơn nữa nên lộ diện, đẹp xấu gì cũng nên để cô gái đó nhìn thấy dáng vẻ của bạn. Bởi nếu bạn quá xấu xí mà cứ để cô gái đó bao lần liên lạc với bạn trong tình trạng không biết chút gì, thì thật là vô nhân đạo).

Đưa ra vài ví dụ trên đây không biết tôi có giúp được gì cho những chàng trai trong trường theo đuổi các nữ sinh không? Muốn theo đuổi con gái thì đầu óc cần phải linh hoạt một chút, phải biết tuỳ cơ ứng biến. Bắt mạch bốc thuốc. Vài phương án trên của tôi chỉ là gợi ra vài tác dụng của việc thả con săn sắt bắt con cá rô, muốn thực sự nắm được bản lĩnh này các nam sinh còn phải tự mình gọt giũa, tự thích ứng với mọi hoàn cảnh, học và vận dụng linh hoạt. Phương châm "còn sống còn học" là bản tính của đàn ông mà.