05. Bữa cơm nơi âm phủ - Phần 02

3

Người đói đi tìm thức ăn, đó là điều không thể trách mắng, ngay cả đối với những kẻ lười biếng cũng vậy, cũng phải để họ nhét đầy cái bụng trống rỗng thì họ mới nghe và làm theo những điều quy định, giáo huấn, khuyên răn. Đối với ma quỷ khi đói thì ngay cả việc khuyên can cũng không còn ý nghĩa. Không có đất để canh tác, không có việc để làm, không có đồ để mua, trên đường trở về cõiâm, ngay cả tiếng “than thở” cũng không nghe thấy, vậy thì ma quỷ sẽ dùng cách nào để lấy được thức ăn, giải quyết được vấn đề của cái dạ dày đây? Ngoài việc một năm một hoặc vài lần con cháu cúng lễ, thì cái hy vọng duy nhất của họ là đợi người đời bố thí mà thôi. Nếu không chờ đợi như thế thì những cách khác đều là những cách không lấy gì làm vẻ vang cho lắm. Nếu mưu trí, khỏe mạnh thì đi cướp, đi gạt, sức yếu một chút thì đi ăn trộm, ăn cắp, bần cùng nhất, đáng thương nhất là đi ăn xin, đi van xin lòng thương hại của người khác... Nhưng cũng đừng lầm tưởng rằng ở khắp các ngả đường trong thế giới u minh đều chỉ có một bộ mặt tối tăm, u ám với đầy rẫy những kẻ ăn xin và lừa gạt. Ở đó thực sự là một thế giới thái bình, nhà nhà đều trống rỗng, chẳng có đồ vật gì, không cần phải lo lắng sẽ có khách không mời mà đến, vì thế “dạ bất bế hộ”[94] là lẽ tự nhiên, nếu giả dụ có “bế hộ”[95] thì có thể đã có tâm bệnh rồi. Còn việc đi xin ăn của hồn ma thì chỉ có thể diễn ra ở chốn dương gian mà thôi, còn ở dưới âm phủ là điều không thể. Một xã hội muốn không có ăn xin, ngoài thế giới đại đồng ra thì chỉ có hai loại: một là do pháp lệnh nghiêm cấm, gặp ai đi ăn xin thì bắt luôn người đó, hai là nhà nhà đều có gạo nấu cơm (thực tế làm gì có), không cần phải đi ăn xin. Thế giới u minh chắc thuộc loại cuối cùng, vì thế, những con ma đói ở đó chỉ có thể lưu vong đến trần gian. Thế giới u minh có thể được coi là tấm gương mẫu mực về vấn đề trị an, ngay cả một kẻ ăn xin cũng không có, thành tích bất hủ này có thể bẩm báo lên Ngọc Hoàng Thượng đế. Nếu dựa theo định nghĩa của Khảo Đình phu tử, được ăn no là “thiên lý” (lẽ trời), phân biệt tỉ mỉ mùi vị là “nhân dục”[96], ở đó chỉ có “thiên lý”, thậm chí để cho vị đạo đức gia hà khắc nhất đi làm giám khảo cũng chỉ có thể khẳng định được như vậy mà thôi.

Con cháu thờ cúng không tính vào việc cầu xin thức ăn, có thể gọi là “hâm hưởng”[97], là cần mũ áo đàng hoàng đến nhận sự báo hiếu, kính trọng từ con cháu mình, ngoài ra nó còn có ý nghĩa rất quan trọng, điều này sẽ bàn luận riêng ở phần sau.

[94] Có nghĩa là: đêm không cần đóng cửa.

[95] Có nghĩa là: đóng cửa.

[96] Có nghĩa là: ham muốn của con người.

[97] Tức là được hưởng phúc.

Nhắc đến việc người ở nhân gian bố thí cho ma quỷ, lễ tế Lệ Đàn được nhắc tới đầu tiên, bởi đó đều do các bậc quan lại làm, được ghi trong các cuốn sách cổ. Những chuyện xoay quanh lễ tế Lệ Đàn nói ra thì thật dài dòng, ở đây chỉ nhắc đến những việc có liên quan đến vấn đề ăn uống của ma quỷ mà thôi. Cái gọi là Lệ Đàn giống như cơ cấu thu nhận ở chốn nhân gian, chỉ có điều cái được thu nhận ở đây là những linh hồn người đã khuất, những cô hồn “chết do binh đao, thủy hỏa, chết do bị cướp giật, hoặc bị kẻ gian lấy hết tài sản, ép vào con đường cùng phải tự tìm đến cái chết hay trường hợp bị người khác cướp mất thê thiếp của mình nên uất ức đến chết” mà không có ai hương khói... Những hồn ma này khi sống ở trần gian phần lớn là tầng lớp bách dân thấp cổ bé họng, “chết không có chỗ dựa, linh hồn không thể tan ra, kết hợp với âm linh, hoặc là dựa vào cây cỏ, hoặc là trở thành yêu quái”, nếu không tiến hành thu nhận thì sẽ chỉ làm hại cho xã hội mà thôi. Vì thế, ở bất cứ dân tộc nào cũng đều có Lệ Đàn. Những lễ tế Lệ Đàn chỉ để bố thí cho cô hồn, u hồn, còn đối với những oan hồn chết uổng vì bị nhốt ở trong thành, thì giống như Đậu Nga chết nơi tù ngục, sẽ không được hưởng những phúc lợi xã hội này.

Dưới thời nhà Minh, lễ tế Lệ Đàn mỗi năm tổ chức ba lần, vào các ngày: tết Thanh minh, rằm tháng Bảy và ngày mồng Một tháng Mười. Lễ tế Thái Lệ ở kinh thành phải đặt bài vị Hoàng thần lên trên đàn, đồ cúng tế ma quỷ đặt ở dưới chân đàn bao gồm ba con dê, ba con lợn và ba đấu gạo lớn. Những đồ này cũng chỉ là hình thức. Điều quan trọng là phải làm cho không khí thật ồn ào, náo nhiệt để cho muôn dân trăm họ hiểu được tấm lòng chân chính của thiên tử đã truyền đến cửu tuyền, như thế là đã đủ rồi.

Trên thực tế, Lệ Đàn không chỉ là nơi tụ họp ăn uống một năm ba lần của những hồn ma không có người thờ cúng, bình thường những vong hồn, cô hồn không có chốn nương thân, không có nhà để ở cũng thường đến nơi đây để tìm chỗ nương mình, mong được hưởng phúc. Bởi lẽ chính những nơi này bình thường cũng có nhiều người hành thiện đến đây thắp nén hương, mang đồ đến cúng, và như thế, một năm ngoài ba bữa cơm thì những cô hồn thi thoảng cũng có đồ để ăn vặt.

Với Lệ Đàn, vào tết Trung thu, việc bố thí thức ăn là việc làm của quan phủ. Trong dân gian có phong tục bố thí thức ăn vào tết Trung thu riêng. Ngày Rằm tháng Bảy, trong sách cổ còn gọi là “Quỷ tiết”[98], ở Đạo giáo gọi là tết Trung nguyên, ở Phật giáo gọi là tết Vu Lan. Thực ra đây chính là những ngày lễ tết điển hình ở Trung Quốc, nói như Đạo giáo thì chính là “tháng Giêng vọng đến Thượng nguyên, tháng Bảy vọng đến Trung nguyên, tháng Mười vọng đến Hạ nguyên”. Nhưng sau khi Phật giáo truyền vào, có chuyện Mục Liên cứu mẹ, hợp nhất với đạo hiếu của Trung Quốc. Đến đời Đường lại có chuyện về “tết Vu Lan”, và cũng định vào ngày Rằm tháng Bảy, ngày này cũng là ngày các tăng lữ kết thúc ba tháng “an cư”, phải bắt đầu ra ngoài hoạt động.

[98] Tức là Tết của ma.

Vào những ngày này, theo phong tục thờ cúng tổ tiên của người Trung Quốc, mà nói như Phật giáo là việc Mục Liên cứu mẹ, chết đi làm ma đói trong ngục, để tưởng nhớ công đức này, nên người ta cúng tế để cho ma đói có một bữa ăn no. Sự kết hợp hai cái Tết giữa trong và ngoài cũng chính là lý tưởng ban đầu đã bàn tới ở trên, cũng có nghĩa là “Phật dùng Trung nguyên của Đạo giáo, là giới tăng lữ phân tranh lợi lộc ở Trung nguyên nên mới thế”[99], và kết quả đã xuất hiện một việc ngoài ý muốn, tổ tiên của bổn gia và những con ma đói ở bên ngoài cùng tụ tập ở một phòng. Vu Thận Hành, người thời Minh trong Cốc sơn bút trần, tập mười sáu đã viết lời trách móc hoàng đế đời Đường về việc thờ cúng tổ tiên vào tết Trung nguyên: “Thờ thần thánh lại thực hiện cùng ngày với ma quỷ đói, như vậy chẳng phải là làm ô nhục tổ tiên của mình sao?” Những lời lẽ trách móc như vậy lại được thốt lên từ chính miệng một vị đạo học gia vốn am hiểu sự đời, điều đó lại càng làm cho người khác cảm thấy có chút thất vọng. Quốc nhân vốn coi trọng tấm lòng nhân hậu, giàu có nhưng không được bất nhân, tổ tiên của gia chủ tụ họp ăn uống, chẳng lẽ lại không thể bố thí một chút đồ ăn cho những cô hồn vô gia cư hay sao? Mà một năm cũng chỉ có một lần, một lần bình đẳng, hài hòa một chút lẽ nào lại khó khăn đến vậy sao? Người Tiêu Sơn dưới triều đại nhà Minh, vào đêm Ba mươi hằng năm thường mặc trang phục chỉnh tề, đứng ngoài cổng nhà, gọi lớn: “Phàm là những cô hồn vô chủ, đêm nay không có nơi nào để đi, mời đến nhà họ Kỳ chúng tôi đón năm mới.” Ở trong phòng ăn đã bày biện thịnh soạn các vật thờ cúng để các vong hồn hưởng thụ, đến sáng sớm ngày mồng Một lại tiễn họ ra ngoài. (Việc làm có tâm ý như vậy khiến người đời sau vô cùng cảm động, nhưng nếu như ở nhân gian ai cũng làm việc này, gọi tất cả những người lang thang, cơ nhỡ ở đầu đường, xó chợ đến nhà mở tiệc vào buổi đêm giao thừa thì chắc hẳn chúng ta sẽ càng khâm phục hơn.) Trong Ngũ đóa trở của Tạ Triệu Chế, tập hai có nói đến một phong tục rất hay của người Mãn. Phong tục ấy một mặt đã thể hiện được sự “tôn kính tổ tiên, lúc nào cũng phải cẩn thận, chuẩn bị đồ cúng cho tổ tiên phải đầy đủ, không được thiếu bất cứ thứ gì”, mặt khác lại thể hiện được ý nghĩa lớn lao “như ánh trăng soi sáng đêm dài, niềm vui lớn nhà nhà cùng chung hưởng”. Vì vậy, nếu ai đó có bản lĩnh gặp ma, thường sẽ nhìn thấy hình ảnh những vong hồn ma quỷ khi đói sẽ vội vã lao vào mà tranh giành từng chiếc bánh bao một cách khốc liệt.

[99] Theo Trung nguyên bố thí tập thứ mười ba, phần Quý tị lưu cảo.

Ngoài tết Trung nguyên ra, những gia đình hoặc những pháp sư tổ chức buổi làm “thủy lục” cũng là dịp để những hồn ma có cơ hội một lần được ăn no bụng. Nếu biết tin tức nhà nào làm thủy lục, chúng liền chạy đi báo tin cho nhau, kêu gọi đồng loại, kết bè kết phái vội vàng kéo nhau đi ăn chay.

Đó là vào những dịp lễ tết hoặc những cơ hội hiếm hoi có được một bữa ăn no, còn với những ngày bình thường, phần lớn họ đều đi ăn xin cầu thực. Ngay cả anh hùng hào kiệt, những lúc đói khát cùng đường, đói đến độ như có ngọn lửa thiêu đốt trong cơ thể, không thể chịu đựng được nữa, lúc đó bỏ hết sĩ diện để đi cầu xin thức ăn của người khác cũng chẳng phải việc gì mất mặt cả. Việc ăn xin trong thế giới của ma quỷ nên được nhìn nhận một cách khách quan hơn. Vào thời nhà Nguyên, thể chế chính trị đã phân biệt xã hội con người thành những tầng lớp khác nhau, theo đó ăn xin là tầng lớp đứng sau tầng lớp Nho gia, có thể tính làm hàng xóm với nhau được. Sự sắp đặt này thực ra không có gì là quá sai lệch. Bởi lẽ có nhà Nho mang phong thái của kẻ ăn mày, lại có kẻ ăn mày toát lên cốt cách của bậc Nho gia, vì thế, những tiên phu tiểu Nho cũng không cần phải vì mình hơn kẻ ăn mày tấm bằng cấp mà đùng đùng bày tỏ sự bất công.[100]

Kì Nhân Lục Nhiên viết: “Có người hổ thẹn mà nói rằng: “Ông đừng sợ, tôi sẽ không hại ông đâu, bản thân tôi giờ đã là ma rồi. Lúc sinh thời là người dân tộc Thổ, không đuổi được những con ma đói đến tranh tiền gạo, tự cảm thấy rất xấu hổ, cầu xin ông cho tôi một bữa cơm có được không?”

Du Việt người đời Thanh, trong tập Hữu đài tiên quản bút ký[101], cuốn chín, viết có thể báo ân bằng một bữa cơm, cũng là hiền nhân của người đi ăn xin rồi.[102]

[100] Theo Duyệt vi thảo đường bút ký.

[101] Nghĩa là: Ký sự viết bên quán Đài tiên.

[102] Xã Nam, huyện Quy An có núi Trường Siêu, mạo lâm tu trúc, cảnh rất yên ắng và thanh tĩnh. Núi có mây che phủ bảo vệ am. Tương truyền Minh Lăng Trung Giới Công (Lăng Văn Cừ) nói, lúc đầu ông học ở trong am, thi thoảng vào lúc trăng sáng đi dạo dưới chân núi, bỗng nhiên có một cụ già đi lên phía trước vái chào, miệng ngập ngừng như có lời muốn nói. Công hỏi, cụ già đáp: “Tôi là người trong mộ cổ, con cháu thờ ơ, không có ai thờ cúng. Nay tôi đến xin ông một bữa cơm có được không?” Công không tin chuyện này, cười đáp: “Tính tôi rất thích được yên tĩnh, nên mới đến đây đèn sách. Nhưng bốn phía đều có tiếng ếch nhái kêu, từ chập tối cho tới sáng sớm ngày hôm sau, tôi thấy rất khó chịu và khổ sở về điều này, nếu ông giúp tôi làm đám ếch nhái kia không còn kêu nữa, tôi sẽ báo đáp ông.” Cụ già đáp: “Đồng ý!” Rồi tức thì biến mất. Ngày hôm sau, khi màn đêm buông xuống, quả nhiên không còn nghe thấy tiếng ếch nhái kêu nữa. Công bèn chuẩn bị cơm rượu đến tế ở gò hoang. Từ đó, bên cạnh am không còn tiếng ếch, và cho đến nay cũng vậy.

Còn một số con ma đói, vì cầu thực nên đã dùng một số trò ma mãnh để lừa gạt người khác, chẳng qua cũng vì có những điều khó nói. Ví như Đường Lâm trong Minh báo ký có viết về một con ma vô chủ đã giả làm đứa em vừa chết của nhà người ta, sau đó bị chủ nhà vạch trần, đánh đuổi ra ngoài, cuối cùng nói một câu “đói nên đến xin bữa ăn mà thôi” làm cho người nghe cảm thấy chua xót. Cuốn thứ hai, phần bốn trong Duyệt vi thảo đường bút ký có ghi, có một con ma giả mạo làm hồn ma của danh nhân Tề Ung đến tìm đồ cúng tế, nhưng con ma này chỉ xem qua bản ca của Triệu Ngũ Nương tỳ bà ký, đem câu chuyện đó thành Những chuyện trong triều nhà Hán, vì thế mà bị lộ. Nhưng giả mạo làm Tề Trung Lang mà không giả làm Cao Vệ Nội cũng được coi là có tính phong nhã. Mà biết đỏ mặt hổ thẹn, không những ở thế giới ma quỷ, ngay cả ở nhân gian cũng có thể nói là điều không dễ dàng gì. Tuy Kỳ Vân có thể chỉ là mượn câu chuyện về ma để châm biếm tình thế, nhưng suy đoán theo tình thế, trong thế giới của ma quỷ cũng không ít trường hợp như thế này.

Nhưng có lúc vì muốn lừa gạt để được một bữa ăn, hại cho nhà người khác một phen hú vía thì cũng thật đáng trách. Di kiên đinh chí, cuốn mười lăm, Đảm tiểu ca có đoạn viết: “Có một con ma giả mạo làm con trai của lão thái thái, làm cho lão nhân gia tưởng rằng con mình đã chết rồi, liền mời hòa thượng đến tụng kinh siêu độ. Con ma đó vì thế đã được ăn một bữa cỗ rất thịnh soạn. Nhưng vài tháng sau, người con trai đi làm ăn ở xa trở về, người nhà tưởng đó là ma liền dùng trượng đánh đuổi, suýt nữa thì mất mạng.”

Trong thế giới ma quỷ vẫn còn tồn tại những pha lừa lọc lớn hơn nhiều, như chuyện “niệm ương”, “cục trá” trong tác phẩm Liêu trai. Chỉ cần dùng một đống tiền giấy và một cuộc tế ma bài quỷ là có thể xua đuổi bọn chúng đi nơi khác. Duyệt vi thảo đường bút ký, cuốn mười ba có ghi chép lại câu chuyện về Liêu Thái Học, vì thương tiếc người vợ đã khuất mà buồn rầu không nói năng gì. Có nhiều con ma đã biến thành vong hồn của người vợ, buộc lại, úp mặt xuống đất chịu trượng, làm cho Liêu Thái Học cho nhiều ma đói ăn, bố thí quá độ. Nhưng những con ma này ngày càng quá đáng, không chỉ có một, hai lần lừa bịp, mà dạ dày cũng ngày càng to hơn, còn đòi làm bảy đêm thủy lục đạo trường mới được, kết quả là bị bại lộ.

Dựa vào việc ăn trộm, ăn cắp để được ăn no, trong thế giới ma quỷ, hạng ma ấy cũng thuộc vào loại “lưu manh” có tiếng. Vốn là ăn trộm, nhưng những hồn ma ấy cũng là những trường hợp vô cùng đáng thương. Lưu Phủ, thời Bắc Tống trong Thanh tỏa cao nghị, cuốn thứ nhất, Bành lang trung ký[103] ghi lại: “Có một con ma vô chủ vào bếp ăn trộm thức ăn, bị Táo Quân bắt được, đánh cho một trận tơi bời, chủ nhà thấy chuyện liền ra can: “Đói bụng, bất quá phải đi ăn trộm, hà tất phải trách phạt nặng nề như thế!”

[103] Nghĩa là: viết về người họ Bành.

Theo cách nhìn của người nhân từ, do đói quá mà phải ăn trộm thức ăn thì không đáng bị phạt nặng như vậy. Thế mà trong dân gian không ít người mũ áo đàng hoàng, ngồi không ăn bám, hoặc giống như những con ma ăn trộm thức ăn, thì lại được xử lý nhẹ nhàng. Lê Cung Chấn người đời Thanh, trong Bắc đông viên bút lục tam biên, cuốn thứ tư, Vi sư ác báo[104], truyền rằng có tên ma ăn trộm thức ăn nói về việc báo ứng vô cùng có lý lẽ: “Có người tên Sử, là một đạo sĩ hành thiện có khả năng nhìn thấy ma quỷ. Một hôm, vị đạo sĩ này đến thăm nhà họ Dương, cười nói rằng: “Ở dưới bếp nhà ông có một con ma ăn vụng thức ăn, nay đầu thai làm người, không biết Dương gia có làm việc gì đáng trách không?” Gần đây nhà họ Dương mới sinh được một người con trai, liền bế ra ngoài, đạo sĩ xem kỹ rồi phán: “Không biết ông đã từng làm việc gì tạo nên nghiệp chướng không mà nay con ma ăn trộm thức ăn đó lại đầu thai làm con trai ông? Họ Dương bèn nói: “Tôi tự tin là cả đời này chưa từng làm việc gì phạm lỗi lớn, chỉ là khi tôi chưa đạt công danh thì đã từng dạy học ở trường tư thục, khi giảng dạy có chút không làm tròn trách nhiệm.” Đạo sĩ vỗ vào vai người họ Dương mà nói: “Ông vì chuyện cơm áo của mình mà làm mất tuổi thơ hồn nhiên của học trò, vậy những chuyện đó chẳng phải lỗi lớn hay sao?!” Sau đó, con trai của nhà họ Dương lớn lên, ngày ngày tửu sắc, ruộng điền bán hết để đổi lấy rượu, chưa đến một đinh đã kết thúc.

[104] Nghĩa là: vì thầy báo ác.

Làm nghề giáo mà làm qua quýt, giả mạo để kiếm bữa ăn, sau này các cán bộ lớn từ quan địa phương đến trung ương cũng làm việc qua quýt, giả tạo để thăng chức, hành động này còn nguy hại hơn cả việc ăn trộm thức ăn của ma quỷ. Vì có những rường cột quốc gia như vậy nên các vị sử trị của quốc gia cũng thế, chỉ cần nghĩ ta có thể biết là được rồi. Trong Viết tiếp tử bất ngữ của Viên Mai, cuốn ba, Oa thượng hữu thủ phạn đồng tử[105] có kể lại một câu chuyện: “Trong nhà có một tiểu thần chuyên phòng tránh ma đói đến trộm thức ăn. Xem ra việc phòng tránh tiểu quỷ đến ăn trộm có vẻ rất dễ dàng, còn đối với những đại nhân tiên sinh ngồi không ăn bám thì chỉ còn cách cầu báo ứng, gieo nhân nào hái quả đó thôi. (Trong Tam cương thức lược của Đổng Hàm thì sự trừng phạt đối với những kiểu người như thế này là sẽ để bản thân họ làm chó ba năm.)”

[105] Nghĩa là: Trên nồi có đồng tử giữ nồi cơm.

Có thể bổ sung thêm một điểm sau cùng, trong thế giới hồn ma cũng có việc dựa vào nhân gian để làm việc kiếm ăn, như ở trên đã nhắc tới một người trong Bác dị chí của Cốc Thần Tử, nhưng cái này lại tính vào một loại khác, mà việc ma đến nhân gian làm việc thì sau này nếu có cơ hội sẽ nói rõ hơn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3