05. Bữa cơm nơi âm phủ - Phần 03

4

Hồn ma ở âm phủ nhưng lại ăn thức ăn của chốn dương gian, về điểm này không thể không khiến người ta suy nghĩ. Làm thế nào để hai vật một hư một thực, kẻ âm người dương lại có thể dung hợp được với nhau. Ban đầu có ý kiến cho rằng, chuyện ăn uống của con người ở chốn dương gian và hồn ma nơi âm phủ gần giống nhau. Nếu như người có thể chứa đầy thức ăn trong dạ dày thì hồn ma cũng có khả năng ăn đến cạn bình, sạch bát y như vậy. Phổ Can Bảo trong Sưu thần ký, cuốn mười sáu nói về chuyện ma uống rượu, có thể uống đến độ không còn thừa lại một giọt nào. Trong U minh lục[106] của Lưu Tống - Lưu Ý Khánh có viết: “Ma ăn cơm và uống rượu, cả hai thứ đựng đầy hai bình đều sạch trơn.” Điều này một lần nữa cũng được khẳng định lại trong Thuật dị ký: “Ma ăn uống không khác gì người sống cả.” Sau này, mặc dù rất hiếm khi gặp cách nói chân thực như vậy nhưng cũng không phải không có. Trong tập Di kiên chi canh của Hồng Mại thời Nam Tống, cuốn thứ nhất, Hoàng giải nguyên điền bộc có đoạn kể chuyện Trương mỗ, một người đầy tớ làm ruộng không bệnh mà chết. Sau khi chết ba ngày vẫn chưa được chôn cất, ông ta đột nhiên ngồi dậy, cất tiếng chuyện trò. Thì ra ông ta vừa vào tới âm phủ đã bị phái đi làm quan sai. Biết Trương mỗ phải đi gọi hồn Hoàng Giải Nguyên, vợ ông liền chuẩn bị đầy đủ thức ăn và một đôi dép cỏ, để tiện cho việc đi đường. Việc chuẩn bị diễn ra vội vàng trong âm thầm lặng lẽ, người vợ không dám cất tiếng hỏi han lấy nửa lời. Mặc dù thân thể của Trương mỗ vẫn nằm yên trên giường như lúc lâm chung, không hề nhúc nhích, thế nhưng bát cơm để gần đó đã hết sạch và đôi dép cỏ cũng không cánh mà bay. Trong Canh kỷ biên, cuốn chín, Hoàng thôn tượng nhân có ghi lại hình ảnh hồn ma đứng đối diện với người sống, ăn hết một con gà quay, ăn xong chỉ còn lại một đống xương gà vứt chỏng chơ trên nền đất. Chuyện kể về “Diêm La yến”[107] trong Liêu trai chí dị cũng dẫn ra một tình tiết kỳ thú: “Diêm Vương và các tùy tùng cùng nhau kéo đến dùng tiệc mà Thiệu Sinh chuẩn bị cho người mẹ đã khuất của mình. Bữa tiệc kết thúc, họ cũng đã ăn uống no nê, sạch sẽ, không còn sót lại gì cả.”

[106] Nghĩa là: ghi chép chuyện âm phủ và dương gian.

[107] Nghĩa là: tiệc đãi thần Diêm Vương.

Nhưng cách lý giải như thế này quả thực quá xa vời với thực tế. Bởi lẽ, bình thường khi người ta bày đồ thờ cúng, thiết đãi quỷ thần, sau khi cúng tế xong, mọi thứ vẫn còn nguyên không hề bị quỷ thần ăn mất. Lúc ấy, mọi người vẫn có thể ăn uống bình thường, không những mùi vị thức ăn không thay đổi, mà còn có quan niệm cho rằng, những đồ đã cúng rồi sẽ đem phúc đến cho người ăn nó. Chính vì vậy, ở đây ta lại bắt gặp một cách nói tương phản, trái ngược hoàn toàn với cách lý giải trên đây, hơn nữa cũng không phù hợp với tình hình thực tế, đó là quan niệm cho rằng hồn ma chưa bao giờ ăn thức ăn của người trần. Nếu nói như vậy chẳng khác nào khẳng định quỷ thần không hề đụng đến những thức đồ đã bày biện, cúng tế của nhân gian, và như thế đồng nghĩa với việc người đời thành tâm thành ý thờ cúng thần quỷ giờ đã biến thành hư ảo? Nếu theo cách hiểu như vậy không những có sự bất kính đối với quỷ thần mà ngay cả sự tồn tại của quỷ thần trên thực tế cũng bị hoài nghi và trở nên bất tín. Sự thực là tiệc rượu cúng tế bày biện ra vẫn còn nguyên, quỷ thần không hề nhấm nháp hay làm mất mát một thứ gì. Đồ thờ cúng thì vẫn còn nguyên nhưng vẫn không thể không thờ cúng, vậy làm thế nào để có thể dung hòa hai mặt đối lập này đây? Cổ nhân đưa ra hai cách lý giải. Cách thứ nhất, họ cho rằng việc quỷ thần ăn uống no say đồ tế lễ là có thật, nhưng sau khi ăn xong rồi đi khỏi thì mọi thứ lại trở về nguyên vẹn như cũ. Cách giải thích này đã được Phổ Nhân tiên sinh nói tới trong tác phẩm Chân di lục của mình, ông viết: “Hạ Văn Quy chết được một năm trở về thăm nhà, đi cùng với ông còn có khoảng hơn mười người theo hầu. Hạ tự nói hiện mình làm quan trấn giữ tại Bắc Hải. Người nhà chuẩn bị tiệc rượu thết đãi linh đình, rõ ràng nhìn thấy ma ăn hết mọi thứ bày biện trên mâm cúng, nhưng lúc ma quỷ đi rồi thì đồ ăn thức uống lại đầy nguyên như cũ.”

Một cách lý giải khác, người xưa quan niệm không phải là hồn ma không ăn đồ cúng tế, chỉ là họ lựa dùng những cái “tinh hoa” nhất mà thôi, những thứ còn lại người trần mắt thịt nhìn thấy thì vẫn còn nguyên như cũ, nhưng thực tế đó chỉ là cặn bã mà thôi. Đoàn Văn Thành, một nhân sĩ thời nhà Đường, trong Tây dương tạp trở, cuốn một có bàn về việc ma uống rượu nhưng chỉ uống hơi rượu, tuy rượu vẫn còn nguyên nhưng mùi vị đã nhạt chẳng khác chi nước lã. Cách nói này được người đời sau tán thành, hưởng ứng. Trong Việt vi thảo đường bút ký, cuốn mười có đoạn viết về một thư sinh bạo dạn, vào đêm trăng sáng đã đem rượu đến mộ ngồi uống, và còn gọi ma đến uống cùng. Tức khắc có khoảng mười người theo lên, thư sinh đã dùng hũ đựng rượu thật lớn, rót xuống đất để ma có thể ngửi được mùi rượu. Hiểu theo cách hiểu này thì hình ảnh ma quỷ “dùng mũi hút rượu vào bên trong” như trong Lữ viên tùng thoại của Tiền Vĩnh, cuốn mười lăm, Quỷ hí[108] miêu tả là hoàn toàn sai lệch. Có lẽ người viết đã đứng từ trên cao nhìn xuống, lại nhìn không rõ ràng nên mới hiểu lầm rằng ma dùng mũi để uống rượu!

[108] Nghĩa là: kịch ma.

Về cách ăn của ma cũng tương tự như vậy, thức ăn thì còn mà tinh hoa của nó thì đã mất. Viên Mai trong tập Tử bất ngữ, cuốn hai mươi hai có phần viết về Ma cướp bánh bao rất thú vị:

Trên núi Đồng Đình có rất nhiều ma đói. Có một gia đình đang hấp một khay bánh bao, bánh bao chín họ mở nắp nồi ra, nhìn thấy chiếc bánh bao tự động bay lên, làm cho chủ nhà thất thần, cái bánh bao to như cái bát mà trong giây lát đã co lại nhỏ xíu, bánh thì còn nhưng mùi vị thì giống như bột mì sống. Ban đầu họ không thể giải thích được hiện tượng này, sau có một cụ già nói rằng: “Việc này là do con ma đói cướp đi, nếu lúc vừa mở nắp nồi ra mà dùng bút màu đỏ chấm vào, ma sẽ không cướp được.” Nói như vậy nhưng cái nào đánh dấu được thì đánh dấu, cái nào bị co lại thì vẫn co, một người đánh dấu thì làm sao có thể thắng được đám ma đói kéo nhau hàng đàn đến cướp bóc!

Cũng trong tập Tử bất ngữ, cuốn hai mươi hai, Thành thần bất tất hiền nhân[109] có đoạn viết về việc ăn uống của ma như sau: “Tất cả các việc liên quan đến ăn uống của ma là chỉ ngửi mà không nuốt, những thức ăn nóng thì bị ngửi cho đến khi nguội lạnh.” Tinh hoa và hơi nóng cùng lúc mất đi, ma chỉ ăn những chất dinh dưỡng và vi lượng của thức ăn, cách ăn này rất hiện đại mà lại vô cùng khoa học, đã miễn được nhiều chuyện phiền toái khi tiêu hóa thức ăn.

[109] Nghĩa là: trở thành thần thánh không nhất thiết phải là người hiền tài.

5

Chăm lo hương khói, thờ cúng tổ tiên là những hành động thể hiện lòng hiếu thuận của con cháu ở chốn nhân gian. Khi chôn cất quan tài, ngay cả hoàng đế thuở xưa dù có được cúng bái hàng nghìn vật ngon của lạ thì dùng mãi cũng có ngày hết[110]. Vì vậy, con cháu cần nhớ vào những dịp giỗ, tết phải cúng lễ tổ tiên cho chu toàn, cẩn thận. Ngoài cúng tiệc rượu còn phải hóa quần áo, tiền vàng làm từ giấy... Nói tóm lại, cháu con phải làm sao để ông bà, cha mẹ của mình ở chốn âm tà lạnh lẽo không phải lo lắng đến chuyện ăn mặc, có như vậy mới làm tròn đạo hiếu với người đã khuất. Hình thức thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình đến nay đã có nhiều thay đổi. Mặc dù có điểm mâu thuẫn là trong đạo Phật không có tục thờ cúng tổ tiên, nhưng trong lễ giáo bao đời của người Trung Hoa, phong tục ấy vẫn không hề bị mai một. Vào thời cổ đại, ngoài việc tế Xuân Thu ra, trong các ngày lễ, tết khác, người người nhà nhà đều không quên thờ cúng tổ tiên. Mặc dù đến xã hội hiện đại, hình thức thờ cúng tại gia đã không còn giữ được nguyên gốc những tập tục dân gian tự thuở xa xưa, nhưng tinh thần của những ngày tết Thanh minh tảo mộ, tết Đông nguyệt “gửi áo ấm mùa đông” vẫn còn lưu giữ được trong dân gian. Tuy nhiên, để những phong tục này được lưu truyền mãi mãi, rất cần có một tư tưởng nhất quán làm tiền đề, đó là niềm tin vô hình vào sự tồn tại vĩnh cửu của các vong hồn tiền nhân ở chốn u minh, địa phủ.

[110]Căn cứ theo Cựu Đường thư, hoàng đế lúc nhập quan thì phải cúng ở trong cung “nghìn vị thực”, thủy lục cùng các món khác lên đến hơn một nghìn loại, màu sắc phong phú, bắt mắt rồi để vào phần mộ, kèm theo là hoa quả và thịt ngựa, trâu, lừa, bê, hoẵng, hươu v.v..., cùng với hơn ba mươi loại rượu.

Chính điều này đã làm nảy sinh một mâu thuẫn mới trong văn hóa vong hồn của người Trung Quốc. Bởi lẽ, theo quan niệm của Phật giáo, và trong nước cũng có một bộ phận người dân tin tưởng, tiếp thu quy định của lục đạo luân hồi, nghĩa là những hồn ma mà hậu nhân vẫn chăm lo thờ cúng vốn đã được đầu thai đến thế giới dương gian rồi. Và nếu như thời gian mà có sự trùng hợp thì việc đầu thai chuyển kiếp ấy thậm chí còn nhanh hơn cả việc thay đổi một chuyến tàu, ở đây chưa qua “đầu thất”, bên kia đã qua “tam triều” rồi. Sau khi chuyển thế, người có phẩm tiết, đức hạnh sẽ được đầu thai thành người có quyền cao, chức trọng, còn kẻ thấp hèn, xấu xa thì sẽ phải làm chó, lợn cả đời để phục dịch con người. Vậy thì, trong thế giới âm phủ còn có vong hồn nào mà mấy mươi đến mấy trăm năm chịu đói chịu khổ giữa chốn u minh lạnh lẽo ấy nữa! Nhưng văn hóa hồn ma ở Trung Quốc lại rất quan tâm việc thờ cúng tổ tiên, vậy thì lý luận Phật giáo của người phương Tây du nhập vào cũng cần phải tuân theo các đặc trưng của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là, khi thờ cúng tổ tiên, chúng ta đều lấy tiền đề là tổ tiên ở thế giới bên kia đang bị đói, bị rét làm cơ sở để nương theo. Việc cúng tế và câu chuyện luân hồi chuyển kiếp là hai việc làm tưởng chẳng có gì tương tác với nhau, nhưng trong những trường hợp đặc biệt thì điều đó vẫn có thể xảy ra. Câu chuyện dưới đây trong Ngụ phổ tạp chí của Vương Kỳ, cuốn bảy, Lâm Nhất Ngạc trú mộng[111] đã minh chứng điều đó:

[111] Nghĩa là: Lâm Nhất Ngạc nằm mơ giữa ban ngày.

Lâm Nhất Ngạc làm quan ở Giang Tây, vào ngày lễ Trung nguyên chợt nằm mộng giữa ban ngày. Trong giấc mộng, ông thấy mình may mắn được hưởng đồ thờ cúng của Nhất phu nhân. Kinh ngạc hơn, khi tỉnh dậy liền thấy những đồ vật ấy ở ngay cạnh mình. Ngơ ngác nhìn quanh thì phòng ốc, đường xá vẫn y nguyên như trước. Ông đi theo hướng được chỉ sẵn trong giấc mộng, quả nhiên gặp một cụ bà khoảng hơn bảy mươi tuổi đang thắp nhang thờ cúng người chồng quá cố của mình, tro hóa vàng vẫn còn chưa nguội. Hỏi cụ về ngày giờ, tháng, năm mà chồng cụ mất, lại trùng khớp với ngày sinh mà trong mộng Lâm Nhất Ngạc vừa mơ thấy. Anh ta cảm thấy vô cùng ngạc nhiên. Sau khi biết chuyện về người chồng quá cố của cụ già ấy, Lâm Nhất Ngạc cũng thường xuyên mang chút đồ đến thăm nuôi cụ.

Người đang sống giữa chốn dương gian mà lại được hưởng đồ cúng tế của người thân ở kiếp trước, câu chuyện này quả thực có chút gì đó vô cùng kỳ quái, nhưng sau khi đọc xong thì lại khiến người ta có cảm giác thương cảm vô cùng. Tình cảm của đôi vợ chồng già mấy chục năm mà nay gặp mặt lại không hề quen biết, lão phu nhân vẫn ngày đêm tưởng nhớ người chồng quá cố của mình. Trong khi đó, linh hồn người chồng quá cố sau khi chuyển thế lại không lưu lại chút ký ức nào từ kiếp trước. Cái gọi là “mang chút đồ đến thăm nuôi” đó chỉ là tình thương của người qua đường dành cho bà lão già yếu mà thôi. Tuy nhiên, chuyện này cũng không thể trách người ta vô tình, “song dài trăm thước, da dê năm bộ, bây giờ là người phú quý rồi thì quên đi những việc đã làm trước đó”. Chỉ trong thoáng chốc đã làm cho người khác giật mình hiểu ra ý nghĩa sâu sắc của câu “chỉ trong nháy mắt mà xa cách nghìn trùng”. Những câu chuyện kiểu như thế này lần đầu tiên xuất hiện trong các tác phẩm văn học thời Nam Tống, Thiệu Bác trong Thiệu thị vấn kiến hậu lục, cuốn ba mươi, Lục xán, hay thời nhà Minh trong Canh tị biên, cuốn bốn, Như Công hay Mẫn Văn Thành trong Thiên thái lô hy triết... đều lấy việc thờ cúng tổ tiên trong các gia đình để chứng minh sự tồn tại của luân hồi. Nhưng chính người viết cũng không nghĩ đến tác dụng ngược lại, họ thờ cúng tổ tiên trong nhà nhưng cùng lúc họ dùng luân hồi để chứng minh sự vô ích của việc thờ cúng đó. Lô Kỳ Dã đã viết một bài tùy bút, trong đó có nhắc đến chuyện ngày lễ tết, vì đồ ăn quá nhiều nên dễ làm cho con người cảm thấy ngán, liền nói đùa rằng: “Chắc chắn đã ăn phải đồ tế phẩm của con cháu ở kiếp trước rồi.” Phải chăng việc thờ cúng trong gia đình là điều vô ích, vậy thì cần gì phải duy trì tục lệ lâu đời ấy nữa? Nhưng nếu làm như vậy thì luân lý vững chắc của người Trung Quốc tự ngàn xưa chẳng phải sẽ sụp đổ hay sao? Cho nên những câu chuyện như vậy thường gây ra sự hoài nghi, hoang mang trong suy nghĩ, tư tưởng của nhân gian và vì thế cần liệt vào những chuyện “nói không” khi bàn tới.

Hơn nữa, điều làm cho người thời nay cảm thấy vô cùng kỳ quái đó là, rõ ràng chúng ta nghĩ tổ tiên ở thế giới âm phủ vô cùng đói khổ, vậy tại sao con cháu ở chốn trần gian lại không thể “nhân cách hóa” thế giới của người chết một chút, thổi vào đó một chút không khí ấm áp, tươi vui? Họ thậm chí không phải tổn hao công sức mà chỉ cần dùng mồm miệng, dùng tiếng nói của mình là có thể tạo ra một thiên đường rộng lớn, tiện nghi, có đầy đủ “điện, nước, điện thoại, tầng trên, tầng dưới...” cho tổ tiên của mình, và thêm nữa là thức ăn, thức uống dư thừa, chưa hết, còn không phải lo toan miếng ăn, cái mặc hằng ngày. Vậy tại sao họ cứ phải để tổ tiên mình trong tình trạng bụng bói cồn cào, miệng mồm khô khốc, mắt nhắm nghiền, rệu rã chờ sự nuôi dưỡng mà vài tháng mới có một lần, đồng thời cũng gây nên không ít rắc rối cho bản thân mình?

Ý tưởng xây dựng thế giới âm phủ thông thẳng đến thiên đường hoặc thế giới thần tiên cũng đã từng có người nghĩ ra. Trong Dậu dương tạp trở của Đoàn Thành Thức dẫn ra một câu chuyện kể việc Triệu Bùi đến âm phủ. Triệu Bùi bị bệnh mà chết, được Châu Y Nhân nhận về âm tào địa phủ, dẫn đi thăm thú một vòng. Cảnh tượng vô cùng sầu thảm hiện ra trước mắt, không có một tấc đất nào được coi là có hạnh phúc. Sau đó, Châu Y Nhân hỏi Triệu tiên sinh: “Ông có muốn đi thêm một chút nữa để đến “thượng thanh” không?” Và thế là đã đến “thượng thanh” tiên cảnh, cảnh vật đẹp đến mê hồn. Ở địa phủ mà lại có cổng sau thông lên tiên giới, ngay cả vị hòa thượng nào đó có công tạo ra âm phủ có lẽ cũng không thể nghĩ ra. Châu Y Nhân rõ ràng là đang “kéo khách hàng” về cho đạo sĩ. Vì vậy, loại truyện như thế này chỉ khiến người ta cảm thấy đây chẳng khác nào khu chợ tranh giành tín đồ giữa đạo sĩ và hòa thượng mà thôi, khó mà làm cho người khác tin vào những lời nói khoác lác, thổi phồng đó được. Ngoài ra, hòa thượng cũng không dễ để bị người ta đưa ra đùa cợt, cho nên, lẽ đương nhiên họ sẽ không để lão đạo sĩ khoét lỗ ở góc tường dưới âm phủ làm cửa sau, vì thế con đường tắt đến thượng thanh tiên cảnh không được người ta nhắc đến nữa.

Nhưng trong các loại “thiện thư” vẫn khuyến khích những linh hồn có giấc mộng đẹp mong muốn đến thẳng thiên đường. Những người hiền lương có tiền sau khi chết đi, đến sông Nại, người khác thì phải đi qua cây cầu nhỏ bé nước đen, bùn sục lên lầy lội, vô cùng đáng sợ, còn họ sẽ được những Tiên Đồng - Ngọc Nữ đáng yêu dẫn đường đến cầu vàng, cầu bạc, sau đó đặt chân lên hoa sen là có thể lên thiên giới. “Thiện thư” thường được đặt ở hai bên hành lang trong đền chùa tại Cảng Đài, ngoài việc bố trí, sắp xếp “Địa phủ du ký” ra, vẫn còn một loại nữa là “Thiên đường du ký”. Nếu chịu khó tu luyện để đến với thế giới Phật môn, khi đắc đạo sẽ được đưa đến một con đường dẫn người chết đến thế giới cực lạc của Phật quốc, giống như trong Thiên long bát bộ đã từng nhắc tới. Nhưng cách làm này phải chịu khổ cực một chút và không phải ai cũng dễ dàng đạt được ý nguyện, ngay cả phật Như Lai đã tu thành chính quả nhưng vẫn phải trải qua bao nhiêu cửa ải, bao nhiêu kiếp nạn. Với những kẻ phàm phu tục tử muốn đến được thiên đường, nếu không chịu được lục đạo luân hồi quay cuồng, điên đảo, lại bị đánh trên một nghìn tám trăm cái thì không cần nghĩ tới giấc mộng thiên đường nữa. Vì thế thiên đường này cũng chỉ để an ủi những phu thê ngu muội mà thôi, ở Trung Quốc đây vẫn là chuyện cần “nói không” như trước.

Sau hai lần “nói không” như vậy, dường như số phận của tổ tiên chúng ta cũng gần như đã được xác định rồi. Vậy nên nếu người dân trong nước một lòng một dạ hiếu thuận, tưởng nhớ thì liệt tổ liệt tông linh thiêng cũng sẽ vĩnh viễn thấu hiểu và vinh dự thưởng thức những đồ mà con cháu dâng hương tế lễ, đó cũng là điều thuận tình hợp lý.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3