10. Không duyên nợ không thành cha con - Phần 02

2

“Tất cả những người con trai chết yểu đều là do những khoản nợ gây ra!” Lời nhận định này của Lương Cung Thìn có vẻ quá chắc chắn, bởi nếu chiếu theo quy luật đó, những người cha mất con đều là những kẻ tội đồ đi hãm hại người khác sao? Hiển nhiên ở đây có sự khác biệt rất lớn so với thực tế, hơn nữa nhận định đó cực kỳ không đúng đắn. Tất nhiên, Lương Cung Thìn không phải người lỗ mãng như vậy, nhận định của ông xuất phát từ một tiền đề lớn, nếu không phải nợ ở kiếp này, chắc chắn là do nợ từ kiếp trước. Độ lớn của tiền đề này vượt ra khỏi cả lòng bàn tay của Phật Như Lai, như vậy dù anh có chối trăm lần, cũng chẳng thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó.

Trước khi đưa ra lời nhận định đó, Lương Cung Thìn có kể một câu chuyện về “ma đòi nợ”. Câu chuyện đó được trích mượn từ Lý viên tùng thoại của Tiền Vịnh, nội dung câu chuyện tựa như một lời dự báo. Con trai một thầy giáo dạy trường tư ở Thường Châu, chừng mười lăm, mười sáu tuổi, bỗng nhiên lâm bệnh nặng, lúc sắp chết, nó một mực kêu tên người cha, nói rằng: “Kiếp trước ngươi hợp tác làm ăn cùng ta, có nợ của ta hơn hai trăm quan tiền. Tính đến nay ngươi phải trả cho ta năm nghìn ba trăm quan, mau trả lại cho ta, trả hết ngay lập tức.” Nói xong, đứa con trai trút hơi thở cuối cùng. Người cha lập tức dùng năm nghìn ba trăm quan tiền làm ma cho đứa con trai. Nhưng người thầy dạy trường tư này từ trước đến nay ăn ở rất tử tế, chưa bao giờ làm chuyện lừa gạt người khác mà lại sinh ra đứa con trai đến đòi nợ chết yểu, có ai không thấy kinh hãi trước sự thật này? Hơn nữa, người chết yểu của kiếp trước cũng đâu phải tất cả đều là những cậu thiếu gia chết trên giường bệnh, trong đó hoặc có những cậu bé không cẩn thận chui vào gầm của những chiếc xe bốn bánh sang trọng, hoặc có những thanh niên lỗ mãng nên phải chịu phát súng, nhát dao của quân thổ phỉ. Những người vô tình chết yểu này không giống hành động đi đòi nợ cho lắm. Nhưng một khi khoản nợ cũ mà bậc cha ông đi trước để lại được lôi vào, thì dù là những khoản nợ ba hào, năm hào hay tám hào cũng đều bị những hồn ma của người đoản mệnh kia tìm đòi cho bằng được.

Vì thế trong những câu chuyện về ma đòi nợ, đa phần đều là những khoản nợ báo thù xuyên thế kỷ.

Từ thời nhà Đường đến nay, hàng loạt những câu chuyện về ma đòi nợ được người đời biên soạn với số lượng không thể thống kê hết. Tuy ở mỗi câu chuyện người ta đều cố sáng tạo ra những hình thức kể truyện khác biệt, nhưng tình tiết lại luôn từa tựa như nhau, nếu muốn tìm một đại diện điển hình của ma đòi nợ sẽ khó tránh khỏi tình trạng được cái này, mất cái kia, thôi thì Vương Nhị hay kẻ bán dưa cũng được lựa chọn làm nhân vật chính.

Giết người cướp của chính là kẻ ác độc nhất trong “các món nợ”. Còn những quốc gia đi xâm lược, những vị vua tôi hoặc thần dân giết người lại chính là những vụ giết người cướp của lớn nhất. Và đương nhiên, tất cả những hành vi đó đều lấy danh nghĩa “trừng phạt kẻ có tội”, “thuận theo ý trời”, nhưng đâu đâu cũng thấy giết người, bắt con cái nhà giàu tống tiền, phá hoại di tích văn vật, những trường hợp này sao có thể dễ dàng cho qua? Dựa theo thuyết quả báo có vay có trả, thì tất cả những người dân thường bị hại đều là những chủ nợ, nhưng hàng ngàn, hàng vạn chủ nợ này sẽ được đầu thai chuyển thế thành những bậc đế vương, vậy thì Đường Thái Tông và Tống Thái Tổ muốn cưới một vạn bà vợ xem chừng cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Thế nên một biện pháp khác được nghĩ ra, thứ nhất, oan có đầu nợ có chủ, ai giết anh thì anh tìm đến người đó, như vậy món nợ máu của các bậc anh vương khai quốc sẽ được các binh sĩ san sẻ. Một cách khác - do tôi tự suy đoán thôi, đó là do một trùm chủ nợ sẽ làm người đại diện đi đòi nợ. Trùm chủ nợ này chính là vị hoàng đế bị cướp bị giết của vương triều trước. Bởi ông ta đại diện cho cả một đất nước đi đòi nợ, vì thế cũng không có gì là quá đáng khi gọi ông ta là tên ma đòi nợ vĩ đại nhất. Còn thủ đoạn đòi nợ mà tên ma đòi nợ này áp dụng chính là đầu thai làm con trai của đương kim hoàng thượng, sau đó sẽ khiến cho vương tộc dần suy tàn. Hãy cùng theo dõi ví dụ điển hình nhất dưới đây.

Đại binh Đại Tống hành quân xuống Giang Nam, Tào Bân “bất vọng sát nhất nhân”, ý của câu này nên hiểu thành “Tào Bân ngông cuồng sát hại không chỉ một người”, Kim Lăng có núi Nhạc Quan, chính do xác của những nghệ sĩ thời Nam Đường chồng chất lên nhau mà thành. Tào Hán đánh phá Giang Châu, người dân trong thành bị hắn giết sạch không còn một ai. Rốt cuộc nước Nam Đường đã chết bao nhiêu người? Tổng số có lẽ cũng phải trên một trăm nghìn người. Sau đó, con sông Đại Vận tựa như một chiếc băng chuyền, không ngừng đem tất cả của cải, tài nguyên của Giang Nam chuyển về Biện Lương. Số của cải, gấm vóc chỉ riêng một mình Tào Hán cướp bóc đủ để chứa đầy cả một con thuyền lớn, vậy thì khỏi cần phải nói khoản thu hoạch mà triều đình có được nhiều đến mức nào. Lúc này, vị tiểu hoàng đế của Nam Đường là Lý Dục được đưa về Biện Nam như một chiến lợi phẩm, được phong làm “Vi mệnh hầu” và bị giam lỏng ở đó. Đến triều đại vua Thái Tông, người phụ nữ thân cận cuối cùng của Lý Dục là Tiểu Chu Hậu cũng thường xuyên bị triệu vào cung, nói theo cách của Lưu Sa Hà, Tiểu Chu Hậu được đưa vào cung cho hoàng đế Thái Tông cưỡng dâm. Người đẹp không thuận theo, bèn bị các cung nữ trong cung giữ chặt để tên hoàng đế thực hiện hành vi đồi bại, nhưng ai ngờ, những cung nữ này rất có thể chính là đám người trước đây Lý Dục đã từng gạt nước mắt khi phải chia ly. Dù tính tình có dễ dãi đến mức nào đi chăng nữa, nhưng khi nhìn thấy lũ bất nhân làm những điều như vậy, Lý Dục cũng cảm thấy không cam lòng. Nhưng ông không biết làm gì hơn, chỉ biết than thầm “Ta rất tiếc!”, rồi uống thuốc độc tự vẫn. Lý Dục chết trong tư thế vô cùng thảm thương, nghe nói sau khi uống thuốc độc, toàn thân ông co rút, cuối cùng chết trong tư thế co quắp giống hệt một con vịt quay Đức Châu (Hồ Bắc). Món nợ thù nước hận nhà này đương nhiên phải đòi lại. Thế là Lý Dục đầu thai làm cháu đích tôn mấy đời của Tống Thái Tông, ban đầu được phong làm Đoan Vương, sau này trở thành hoàng đế Đạo Quân. Tên thật của hoàng đế Đạo Quân là Triệu Cát, lịch sử biết đến với cái tên Tống Huy Tông (tìm đọc Dưỡng kha mạn bút - Tản bút dưỡng bệnh của Triệu Tấn thời Nam Tống).

Lý Hậu Chúa đã chuyển thế thành hoàng đế của triều Tống, gia nghiệp kếch xù đã nằm trong tay mình, chẳng phải khoản nợ này đã đòi lại được rồi hay sao? Nhưng Lý Hậu Chúa lại không đòi nợ bằng cách đó.

Vị trùm chủ nợ này sử dụng phương thức “phá hoại gia đình”. Dưới sự hỗ trợ của sáu kẻ gian thần, rất vất vả mới khiến vương triều nhà Tống suy vong. Vẫn chưa hết, Tống Huy Tông còn để mình trở thành tù binh của tộc người Mãn. Tất cả các vương phi cho đến tam cung lục viện của ông đều trở thành kỹ nữ cho tộc người Tác-ta (một tộc người Mông Cổ), khoảng gần hai mươi người con gái ruột của ông cũng nằm trong số đó, hơn nữa, đa số đều bị giẫm đạp cho đến chết, lúc này ông mới trút hơi thở cuối cùng, món nợ coi như đã được trả xong. Có người chế nhạo rằng, một ông già nọ nổi cơn giận dữ đánh đập cháu đích tôn của mình, người con trai của ông thấy vậy liền ra sức tự vả vào miệng mình. Ông già thấy thế thì sợ hãi hỏi nguyên do, anh con trai đáp: “Thầy đã đánh con trai của con, thì con cũng đánh con trai của thầy.” Người đời sau có nhiều quan điểm khác nhau về anh con trai, đa phần đều cho rằng anh ta ngốc nghếch, nhưng cũng có người có cách lý giải mới hơn, cho rằng anh con trai là người sáng suốt, rồi viết tiếp vào câu chuyện đó đoạn kết tốt đẹp là, ông già nghe con mình nói vậy, cảm thấy mình vô cùng có lỗi. Vậy cách đòi nợ khác biệt của Triệu Cát chính là lấy mình làm gương, mục đích nhằm răn dạy người đời.

Nói một cách nghiêm túc, việc Lý Hậu Chúa chuyển thế đến đòi nợ là nhằm mục đích phục thù. Trong lịch sử đã xuất hiện không ít những bậc quân vương chuyển thế báo thù, bắt đầu từ thời Nam Triều, Tề Đông Hôn Hầu chuyển thế thành Hầu Cảnh đến tìm Lương Vũ Đế phục thù, cho đến Diệp Héc La Na Thị đến gieo họa hủy diệt nhà Thanh. Chỉ lấy thời nhà Tống làm ví dụ, đã có Triệu Đình Mỹ (em trai của Tống Thái Tổ, Tống Thái Tông, bị Triệu Quang Nghĩa giết hại) chuyển thế thành Vương An Thạch, tiến hành sửa đổi pháp chế khiến giang sơn triều Tống trở nên bại hoại. Tống Thái Tổ chuyển thế thành Hán Li Bất - Nguyên soái nước Kim (tức nhị thái tử Tông Vọng), Tịnh Khang Gián đánh phá Biện Kinh, giết gần như toàn bộ con cháu của Tống Thái Tông. Lại có Ngô Việt Vương Tiền Lưu chuyển thế thành Khang Vương Triệu Cấu, đòi lại căn nhà cũ góc đông nam, sau đó lên làm tiểu hoàng đế của Phiến An. Còn có Chu Thế Tông chuyển thế thành Bá Nhan - nguyên soái Mông Cổ, nuốt trọn toàn bộ nửa giang sơn còn lại của nhà Tống, đồng thời ra tay giết hết con cháu của Tống Thái Tông (tìm đọc Tống bề loại sao, Hồ hải tân văn di kiên tục chí, Tiền đường di sự). Nhưng nếu dùng phương thức “chịu hai lần khổ, gánh hai lần tội” giống như của Lý Hậu Chúa để thực hiện đại nghiệp phục thù thì quả là hiếm gặp. Nếu như thường dân trăm họ thời Nam Đường cùng theo Lão Đông Da chuyển thế về đòi nợ thì tình hình lúc đó sẽ đáng thương đến nhường nào. Khi bậc quân vương gây nên oan nghiệt khiến người dân phải chịu khổ, khi nhị đế “cầm quân về hướng bắc” thì nỗi thống khổ của người dân lại tăng lên bội phần.

Nhưng dù sao tất cả những điều này đều chưa giúp con người chúng ta hiểu ra được bản chất vấn đề. Lý Hậu Chúa vốn muốn báo thù Tống Thái Tổ, Tống Thái Tông nên mới chuyển thế thành Tống Huy Tông, nhưng kết quả lại để cho hậu thân của Tống Thái Tông là Niêm Hiếm bỡn cợt một lần, điểm này là ai báo thù ai đây? Nếu nói cái mà Lý Hậu Chúa muốn báo thù là vương triều nhà Tống, nhưng bản thân con trai của ông là Triệu Cấu lại chính là Ngô Việt Vương chuyển thế, vậy thì ai biết được những đời vua tiếp sau Tống Thái Tông của vương triều Tống là do ai chuyển thế? Tư tưởng báo ứng của người Trung Quốc và thuyết luân hồi của Tây phương có chút khác biệt. Thuyết luân hồi là các linh hồn tự mình chuyển thế, tạo phúc hay gây họa là việc của bản thân mỗi người, tư tưởng báo ứng của Trung Quốc lại đem ân oán trút lên con cháu, con cái phải trả món nợ của cha, việc tích đức tích thiện lại để dành cho thế hệ sau thế hệ con cái. Ta sử dụng một cách ví von đơn giản rằng, quyển sổ tiết kiệm của Trung Quốc là dành cho con cháu đang sống ở hiện tại hưởng thụ, còn quyển sổ tiết kiệm của nhà Phật dùng để chuẩn bị cho thế hệ sau của chính mình. Tội ác do Thái Tổ, Thái Tông gây ra, nên để cho con cháu của ông ta bồi hoàn, đó chính là phép báo ứng kiểu Trung Quốc, còn Lý Hậu Chủ chuyển thế đòi nợ phục thù lại là phép báo ứng kiểu Tây phương. Nếu cả hai cứ làm theo điều mình cho là đúng, thì cũng chẳng có gì phải bàn cãi, nhưng một khi cả hai hỗn trộn với nhau thì kết quả sẽ là một mô thức hỗn độn mà không ai có thể hiểu được. Vì thực hiện mục đích khiến con cháu nhà họ Triệu làm nô lệ mất nước, từ đó mất hết thanh danh của nhà họ Triệu, Lý Hậu Chủ sẵn sàng làm Tống Huy Tông. Nhưng Tống Huy Tông có biết sứ mệnh nặng nề đó của mình không? Khi ông khoác lên lớp da cừu sống ngồi xe trượt tuyết (giả định như vậy), khởi hành về phía thành Ngũ Quốc lạnh giá trong băng tuyết, dù ông không nghĩ đến thiên hạ bách tính, nhưng có lẽ ông cũng sẽ nghĩ tới bao nhiêu vương phi, cung nữ và cả những cô con gái của mình, từng người, từng người bị hãm hiếp đến chết, liệu cái khoái cảm thành công của ông có còn hay không? Tôi nghĩ nếu khi đó thần kinh Tống Huy Tông vẫn bình thường, có lẽ cái mà ông ta nghĩ tới là: “Kiếp trước mình đã tạo ra nghiệp gì. Đã nợ nần ai đây?” Cũng với lý lẽ đó, Triệu Quang Nghĩa ngay cả đứa con trai của mình (đương nhiên cũng bao gồm cả cha ruột của ông) là do loài dã chủng nào chuyển thế thành cũng không biết, thì còn nói gì đến con cháu tám đời, mười đời sau, còn nói gì đến bộ mặt của triều Tống, đến sự thịnh suy của giang sơn?

Đừng cho rằng những câu chuyện không rõ ràng này chỉ là do ngu dân chúng ta bịa đặt ra, mà ngay cả những người thuộc bậc tiên sinh đọc đầy bụng sách cũng chỉ có thể đạt đến trình độ đó mà thôi. Trong tác phẩm Duyệt vi thảo đường bút ký - Loan Dương tiêu hạ lục, quyển một, Kỷ Hiểu Lam đã viết về một con ma đòi nợ cao tay hơn cả Tống Huy Tông.

Đây là câu chuyện xảy ra ở huyện Hiến tỉnh Hà Bắc - quê của Kỷ học sĩ. Một tên thiếu gia họ Hồ thích cô con gái của Trương Nguyệt Bình - một nhà Nho có tuổi, đòi cưới về làm thiếp. Trương Nguyệt Bình không đồng ý. Nhân lúc hai mẹ con nhà họ Trương về quê mẹ, tên họ Hồ liền sai người châm lửa thiêu chết Trương Nguyệt Bình và ba người con trai của ông. Sau đó tên họ Hồ lại giả làm người tốt giúp lo việc tang lễ, cưu mang hai mẹ con nhà họ Trương. Vài hôm sau, hắn tìm gặp bà Trương, tiết lộ ý định muốn cưới con gái bà làm thiếp. Cảm kích trước ân huệ của hắn đối với gia đình mình, bà Trương bèn đồng ý gả con gái cho hắn, nhưng cô con gái nhất quyết không nghe. Và rồi đêm hôm đó, cô con gái nằm mơ gặp cha mình: “Nếu con không gả cho hắn thì cha làm sao thực hiện được tâm nguyện của mình? Làm sao cha có thể nhắm mắt xuôi tay nơi chín suối?” Thế là cô con gái họ Trương trở thành thiếp của nhà họ Hồ. Một năm sau, cô sinh hạ một bé trai tên Hồ Duy Hoa. Hồ Duy Hoa chính là Trương Nguyệt Bình đầu thai. Khi lớn lên, Hồ Duy Hoa đi theo tà giáo, chuẩn bị tạo phản, kết quả bị quan phủ phát hiện, dẫn một đội quan quân đến bao vây nhà họ Hồ, quan quân phóng hỏa tấn công, toàn bộ già, trẻ, gái, trai trong nhà đều bị thiêu chết, Hồ Duy Hoa đương nhiên cũng nằm trong số đó. Như vậy, Trương Nguyệt Bình đã hoàn thành được tâm nguyện báo thù của mình, tiêu diệt toàn bộ nhà họ Hồ.

Những câu chuyện hư cấu này nếu truyền ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc, có lẽ sẽ khiến đám người ngoại quốc cười sằng sặc, nào là “nỗi nhục Tịnh Khang”, “mối hận dân tộc”... chẳng qua là bọn họ tự đòi nợ chính mình mà thôi. Tất cả đều là định mệnh. Hận quốc thù nhà cứ như vậy được giải quyết một cách nhẹ nhàng!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3