12. La phong sơn đích trầm một - Phần 04

4

Điều quan trọng nhất còn lưu lại của Phong Đô là “quỷ thành Phong Đô”. Lần đầu tiên tôi được biết ở Tam Hiệp có một ngôi “quỷ thành”, tôi được nghe thông tin đó trong bản tin của đài phát thanh khi tôi đang học cấp hai, từ đó về sau, tôi luôn mong muốn được đến nơi đó. Nhưng đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, lần đầu tiên tôi được đi qua Phong Đô, tôi đã nhầm tưởng rằng, “quỷ thành” chính là huyện thành của Phong Đô. Khi tàu cập bến, trời đã nhá nhem tối, Phong Đô chìm trong màn đêm đen kịt, những ánh điện mờ mờ heo hắt, gió sông hắt hơi ẩm vào người đi đường, một cảm giác lạnh thấu tim bỗng nhiên ập tới. Tôi đứng trên boong tàu nhìn về phía thành phố tối đen đến mức không nhìn nổi thứ gì, tưởng tượng ra một thành trì với những ngọn gió từ cõi âm thổi đến cùng với những bóng ma lởn vởn như trong các câu chuyện. Bây giờ nghĩ lại thấy mình thật buồn cười.

Sau này, tôi đã đọc những ghi chép có liên quan, mới biết được rằng “quỷ thành” thực chất không nằm trong thành phố Phong Đô mà nằm trên một ngọn núi nổi tiếng bên ngoài thành, cách thành Phong Đô chừng hai ba dặm (tức là núi Bình Đô, hay còn gọi là núi Bàn Long). Người dân Phong Đô có cuộc sống bình thường như những người khác, nhưng thi thoảng cũng có những tin đồn ma quái, ví như câu chuyện Tẩu vô thường trong tác phẩm Nói chuyện ma của Chúc Doãn Minh, người triều Minh:

Thường có người đang đi trên đường, trên vai đang gánh một gánh nặng, bỗng nhiên quẳng gánh xuống, nhảy lên vài cái rồi lăn đùng ra đất bất tỉnh nhân sự. Người đi đường và người nhà tuy thấy vậy nhưng cũng không đưa đi cứu chữa, mà chỉ ngồi bên cạnh chờ đợi. Có khi là nửa ngày, có khi là một ngày, cũng có khi phải qua cả một đêm người đó mới tỉnh lại. Do nhiệm vụ dành cho ma quỷ ở dưới cõi âm quá bận rộn, đội ngũ quỷ nhỏ không đủ dùng, nên chúng tới dương gian tìm mượn nguồn nhân lực, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng sẽ thả người đó trở lại dương gian. Đối với những nhiệm vụ phải đi sai dịch nặng nhọc cũng vậy. Tất cả những hiện tượng này được gọi là “Tẩu vô thường” và ở Phong Đô thường xuyên xảy ra những sự việc như vậy.

Đây là lời của một đồng nghiệp người Phong Đô tận miệng nói cho tác giả nghe. Cho dù người cộng sự đó không dựng chuyện thì những việc động kinh co giật ngoài đường gần như cũng chỉ là diễn trò mà thôi. Lẽ nào ngay từ triều Minh, huyện Phong Đô đã để ý tới giá trị thương mại của cái mác “quỷ thành” rồi sao?

Cái mác “quỷ thành Phong Đô” đương nhiên không thể chỉ dựa vào “diễn trò” để quảng cáo, nhưng nếu khăng khăng gọi một phố núi xinh đẹp như vậy là Diêm phủ thì không những khiến người khác khó chấp nhận, mà hậu quả của nó cũng sẽ chẳng tốt đẹp gì. Vì thế, Diêm phủ ở núi Bình Đô phải ở dưới lòng đất, cách biệt với xã hội loài người, nhưng cả hai lại tương thông với nhau. Đó chính là sơn động “sâu hoắm” được nhắc tới trong phần Ngự sử Phong Đô của quyển Liêu trai chí dị. Tương truyền rằng, trong động là nha phủ Diêm La nhưng chưa từng nhìn thấy những kẻ như đầu trâu mặt ngựa chui vào trong đó công tác bao giờ. Như vậy, chứng cứ chỉ có thể được lấy từ phía dương gian, tức tất cả những dụng cụ của cõi âm ti bên trong động đều do huyện Phong Đô trên cõi dương gian cung cấp, “gông xiềng và sự phủ bại chuyên quyền trong động phủ”. Hang động này rất nổi tiếng, theo Dụ Khúc Nguyên nói, đây chính là động Ngũ Vân của núi Bình Đô, vốn là một địa danh gắn với tích tiên. Trong tác phẩm Chỉ văn lục của cư sĩ Dung Nột (năm Đạo Quang, đời Thanh) cũng ghi chép rất rõ về các dụng cụ hành hình của âm ti, ông nói rằng “Vào năm Khang Hy, Hà cử nhân nhận chức tri huyện huyện Phong Đô. Khi đến nhận chức, ông thấy trong quyển Những điều cần biết có ghi chép về các loại dụng cụ hành hình mà hằng năm các quan phải chuẩn bị cho động Bình Đô như dụng cụ kẹp tay, còng tay, cùm chân, gông gỗ... Trước đông chí phải mang tất cả vào trong động, diêm phủ sẽ cử người chuyển chúng đi.

Nhưng trong Tử bất ngữ, Viên Mai lại nói đó là một chiếc giếng, “Huyện Phong Đô tỉnh Tứ Xuyên, tục truyền là nơi trao đổi giữa người và quỷ. Trong huyện có một chiếc giếng, hằng năm, tất cả tiền giấy hóa xong đều được mang đổ vào đó, tổng khoảng ba nghìn quan tiền, vì thế còn được gọi là giếng “nộp tiền và lương thực cho âm ti”. Nếu người nào tiếc của không đốt tiền thì năm đó ắt mắc ôn dịch. Hành động này có thể làm tăng độ nổi tiếng của Phong Đô, có thể coi đó là “công trình hình tượng” của địa phương! Ba nghìn lượng bạc phân bổ cho dân gánh vác, mua lượng tiền giấy đủ để chất thành một ngọn núi, đã là núi thì có to một chút hay nhỏ một chút cũng chẳng thể nhìn ra được, vì thế, trong quá trình giao dịch tất nhiên sẽ có kẻ giở mánh, và phần hời đó tất nhiên sẽ thuộc về đám quan lại. Nhưng Chỉ văn lục lại nói đến một chiếc giếng cạn khác, chiếc giếng này nằm phía trước điện Diêm La của núi Bình Đô, “giếng sâu đến hàng chục trượng, khi người đi đường đến đó, vị sư trong miếu đốt một sợi dây làm từ tre trúc ném xuống để chiếu sáng nó, giếng sâu hun hút, tương truyền làm như vậy có thể thông tới âm phủ”. Chiếc giếng này có lẽ là “tài sản tư hữu” được các hòa thượng đào cho miếu thờ. Việc xuống giếng du lãm là điều không thể thực hiện được, nó chỉ có thể thu hút khách du lịch đến ngó qua một lát, rồi vào trong Phật đường thắp nhang hành thiện tích đức, như vậy thôi cũng có thể lưu lại được chút tiền hương hỏa.

Động và giếng đều có những câu chuyện tương ứng phụ kèm theo, nhưng phần lớn chúng đều na ná nhau, đại khái chúng đều nói rằng, có một viên quan hoặc một thân sĩ chưa từng tin vào tà ma đi vào trong động, ở đó ông ta gặp được Diêm La Vương, khi ra đến ngoài động ông ta lập tức tin vào tà ma. Những câu chuyện như thế này được tuyên truyền rộng khắp thông qua ngòi bút của Bồ Lưu Tiên và Nguyên Tử, và chúng được xã hội rất hưởng ứng. Giả như tôi có dịp xuống đến Phong Đô du ngoạn, nhất định phải hỏi thăm chiếc động và chiếc giếng mà hai vị Bồ Lưu Tiên và Nguyên Tử đã viết. Ngày nay chúng ta cũng thường bắt gặp các địa phương muốn trở nên nổi tiếng, họ mời một vị văn nhân nổi tiếng nào đó giá lâm, người đó có những cảm nhận sâu sắc về thời cổ xưa, rồi bỗng nhiên nguồn cảm hứng trong họ dâng lên một cách khó tả, những tác phẩm đắt giá cứ thế ra đời, mong muốn làm cho cung Trường môn trở thành một cung điện vàng, có lẽ cũng xuất phát từ gợi ý này mà ra.

Chỉ có những vị quan văn thân sĩ của triều đình mới có tư cách tham quan âm phủ dưới mặt đất, người thường như chúng ta nếu đi vào thì kết cục chỉ có thể dùng một câu “Không cần phải hỏi”, ngay cả hy vọng “đi ra trong tư thế nằm” (xác chết) cũng rất mong manh. Vì thế, chúng ta chỉ có thể nhìn ngắm “quỷ thành” trên mặt đất mà thôi. Điều mà tôi luôn thấy hứng thú đó là, ở đó, ngoài tất cả lính tốt trong điện Diêm La, ngục La Phong mà ở những miếu Đông Nhạc khác chúng ta có thể nhìn thấy ra, còn có những cảnh quan độc đáo khác trên mặt đất như Quỷ môn quan, cầu sông Nại, đầm Huyết Hà, đài Vọng hương... Nhưng đợi đến những năm 90 của thế kỷ trước, khi một lần nữa tôi có cơ hội đến thăm quỷ thành, nhưng trên đường đi tôi lại không mua được vé xuống thuyền. Lý do đó có hơi gượng gạo, bởi tôi đã từng tham quan một “Vinh Quốc Phủ” mô phỏng, trong thoáng chốc nó đã chuyển cái khí chất quý tộc của Hồng Lâu Mộng sang trình độ của kẻ nhà quê giàu có mà tầm nhận thức hạn hẹp, khiến phải mất một thời gian dài tôi mới có thể mời Giả Thái Quân ra khỏi ngôi nhà sang trọng mà chiều cao, chiều sâu không đủ lấy một trượng[177]. Vì thế, cứ khi nghĩ tới việc “cầu sông Nại” của quỷ thành là cây cầu Tam Thạch nhiều vòm được Thục Hiến Đế Chu Xuân đầu triều Minh cho xây dựng và tu sửa ở phía trước điện Liêu Dương, và khi đầm nước phía dưới cầu được nhân tiện gọi với cái tên “đầm Huyết Hà”, thì tôi quyết định từ bỏ việc tham quan, vì sợ rằng nó sẽ phá hỏng vẻ “hùng tráng” âm u khốc liệt và bi thảm của giới âm phủ trong tưởng tượng của tôi.

[177] Một trượng: xấp xỉ 3,3 mét.

Nhưng lần này vẫn là tôi nhầm. Thuyền đến Phong Đô đúng vào lúc xế chiều. Phong Đô là một phố núi sạch sẽ, cổ kính, mộc mạc, đầy tình hiếu khách, nhưng ở đó lại không có nơi nào gọi là đặc biệt, có điều khi nhìn về phía đông bắc, một con đường núi ngoằn ngoèo tựa sống lưng rồng vươn tận lên đỉnh núi. Đó là một khu kiến trúc cổ ẩn nấp trong những tán cây xanh, không biết là chùa hay là điện tiên, dưới sự chiếu rọi của ánh nắng xế chiều, chúng bỗng trở nên rực rỡ, sáng chói, nếu nơi lưng núi vắt ngang một dải mây thì quả thực, quang cảnh lúc đó sẽ tuyệt đẹp tựa chốn bồng lai. Không ngờ, “quỷ thành” lại đẹp như vậy!

Có sự bất ngờ này là do sự không hiểu biết của bản thân mình. Sau khi về nhà, tôi lật sách ra mới biết, từ xa xưa, núi Bình Đô chính là nơi động thiên đất phúc dành cho tiên lưu lại, những vết tích của hai vị tiên Âm, Vương chính là tiêu điểm của ngọn núi này. Vào thời Đường, ở đây đã xây dựng Tiên Đô quán đầu tiên của Đạo giáo. Theo Đoạn Văn Xương có ghi chép, “vầng sáng của ngọn núi được phát ra từ mắt và tai tiên, mây khói bay ra từ ống tay áo của tiên”, quả thực là một tiên cảnh xinh đẹp mà bí ẩn. Từ thời Nam Tống đã có truyền thuyết về Phong Đô, muộn nhất là đến đầu thời Minh, tại núi Bình Đô đã xuất hiện quần thể những ngôi đền thờ cống Diêm La, Địa Cung và thần thổ địa.Từ đó có Đạo quán, Phật vũ, Phật tự tọa lạc nhầm ở đó, đến Chỉ văn lục cũng viết, vào năm Đạo Quang, “trên núi đã có trên mười bảy ngôi đền”, có thể coi đây là thời kỳ thịnh vượng nhất của núi Bình Đô. Nhưng trong những ngôi đền, chùa này, địa bàn của quỷ rộng bao nhiêu, không ai rõ. Còn hiện nay, điện Bình Đô đã trở thành một nơi tai họa, khủng khiếp đến mức không có chút căn cứ nào để làm minh chứng cho nó trong quá khứ. Cũng may vào năm 1953, ông Vệ Huệ Lâm - Giáo sư Học viện xây dựng kiến thiết nông thôn Trùng Khánh có tới khảo sát Phong Đô, sau đó ông viết Điều tra tôn giáo phong tục Phong Đô, quyển sách của ông có thể coi như đã thể hiện được tình hình thực tế của Phong Đô trong xã hội cũ. Tôi xin trích ra một số địa danh có liên quan đến ma quỷ hoặc có thể cảm nhận được khí phách cổ trong bài luận như sau:

Núi Bình Đô là mảnh đất Thánh về tôn giáo của Phong Đô, điện Diêm La Thiên tử được tất cả những người mê tín trên cả nước biết đến chính là nằm trên đỉnh ngọn núi này. Rất nhiều các đền miếu tập trung trên núi. Từ phía đông bắc huyện thành đi qua cầu về hướng bắc chính là con đường dâng hương lên núi. Phía tây có điện Tiếp Dẫn, điện Bắc Nhạc, cung Văn Xương, phía đông có điện Đông Nhạc, miếu Hỏa Thần, miếu Lôi Tổ, trái phải song song với nhau. Giữa điện Đông Nhạc và điện Tiếp Dẫn có mười bậc để đi lên phía trên, tại chỗ rẽ thứ nhất có điện Thổ Địa và điện Thần Môn, tất cả đều là những ban thờ khá lớn. Tiếp tục đi lên trên mười bước sẽ tới giới Âm Dương, cạnh cửa là điện Giới Quan. Phía đông bắc giới Âm Dương chính là điện Nhãn Quang và điện Viên Giác. Tiếp tục từ chỗ giới Âm Dương đi lên mười bước sẽ thấy tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, phía trên nữa là điện Báo Ân, tiếp tục lên trên mười bước là điện Tam Quan, tiếp tục lên trên nữa sẽ đi qua cửa núi - tức điện Đại Hùng, phía trước điện này có cây cầu gọi là cầu Nại Hà. Dưới chân cầu là một cái đầm - gọi là đầm Huyết Hà. Phía đông cầu Nại Hà là điện Địa Tàng, phía tây là điện Tướng quân Huyết Hà, ở đó có một ban thờ. Từ phía bên phải điện Đại Hùng đi tiếp lên phía trên mười bước là tới điện Tinh Chủ. Bên phải điện Tinh Chủ có một bậc thang đá tên Ba mươi ba ngày. Tại nơi tận cùng của bậc thang đá, bên trái là điện Vương Mẫu, bên phải là điện Ngọc Hoàng. Tiếp tục men theo bậc thang đá lên trên sẽ gặp điện Bách Tử, lại men theo bậc thang đá phía sau điện Bách Tử đi lên theo hướng bắc sẽ tới điện Thiên Tử. Cửa sau của điện Thiên Tử được gọi là Quỷ môn quan. Từ Quỷ môn quan theo hướng tây nam đi xuống sẽ gặp đài Vọng hương. Từ đây đi xuống sẽ tới con đường nhỏ dẫn đến nơi dâng hương. Phía sau chân núi Phong Đô có hai ngôi miếu, một là chùa Trúc Quốc, một là miếu Lão Quan.

Trong hơn ba mươi điểm phong cảnh trên, có liên quan tới ma quỷ chỉ không đầy mười nơi. Nơi chính điện chỉ có một điểm đó là điện Thiên Tử, Giới Quan, Địa Tàng, điện Tướng quân Huyết Hà lại gần giống với điện thờ hoặc khán thờ bên cạnh cửa nhà của người dân, còn lại có mấy điểm gần đài Vọng hương, có lẽ đều là những cảnh vay mượn theo thời thế, có tác dụng điểm xuyết cho nơi này mà thôi. Hơn nữa, nếu là Bồ Tát Địa Tàng của giáo chủ giới âm phủ lại để cho một tên Tướng quân Huyết Hà vô danh tiểu tốt qua mặt, Quỷ môn quan - nơi đi vào cõi âm lại được mở ở phía sau điện âm Thiên Tử, rồi lại đến thần “Tam Thanh” - vị thần tối cao trong Đạo giáo lại được xuất hiện tại giới Âm Dương, muốn lễ bái Phật Như Lai trước tiên phải qua cầu Nại Hà, tất cả đều hoàn toàn không chú ý tới quy tắc tối thiểu của linh giới, từ đó cũng có thể nhìn ra việc sắp xếp tại “quỷ phủ” hoàn toàn không theo thứ tự thời gian, nó chẳng qua chỉ là chêm vào các lỗ hổng trong công trình kiến trúc vốn có, hoặc họ chen chúc nhau bán hàng dưới tấm biển in chữ vàng của người ta.

Nhưng đoạn ghi chép dưới đây của Vệ Huệ Lâm khiến tôi rất thích thú, đặc biệt câu cuối cùng ông nói:

Những ngôi miếu thần của núi Bình Đô với lối bày trí hỗn tạp này, chúng tồn tại trong nhân gian thật giống như bước vào một tiệm bách hóa của Trung Quốc, khiến người xem ngơ ngác không hiểu gì cả. Tuy nhiên tôn giáo của người Trung Quốc thực tế cũng hỗn tạp, loằng ngoằng như vậy.

Nói đến sự hỗn tạp trong tôn giáo dân gian của Trung Quốc, bất ngờ tôi nghĩ tới vách đá tiên tại thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc. Ở đó, sự cạnh tranh giữa Phật giáo và Đạo giáo hoàn toàn bị tan biến trong vòng tay rộng lớn của tín ngưỡng dân gian, một dãy những hang đá giống như những cửa hàng tạp hóa, khiến người ta vừa cảm nhận thấy thứ tín ngưỡng đa thần - tin tất cả các loại thần, vừa cảm thấy thứ tín ngưỡng phi thần - mọi thứ đều nằm ở con người. Nhưng mục đích chính của tín ngưỡng đó lại rất rõ ràng, Phật cũng vậy, mà Đạo cũng vậy, tất cả đều phải chiều theo ý muốn của con người, nếu không sẽ không thể đứng vững được ở đây. Những hang động tụ hội các vị thần ở vách đá tiên đã khiến người ta vô cùng kinh ngạc, nhưng so với núi Bình Đô, nó có vẻ như có chút kém cạnh hơn. Bởi núi Bình Đô vốn là động thiên của Đạo giáo, hàng trăm hàng nghìn năm nay, tín ngưỡng dân gian cứ từng ngày, từng tháng thẩm thấu vào trong đó, đến mức khiến chùa Phật và Đạo quán hòa trộn vào nhau như một quần thể đền thần. Thúc đẩy, tạo tâm lý và động cơ trong dân chúng tại “cửa hàng bách hóa” núi Bình Đô thực sự đáng được nghiên cứu sâu hơn. Hơn nữa, cái tên quỷ thành tuy đã nổi tiếng trong thiên hạ, nhưng quỷ khí ở núi Bình Đô vẫn chưa được nồng nàn như vậy, nhân dân nơi đây ngoài việc phải gánh chịu một khoản tạp thuế thì đời sống hằng ngày của họ tuyệt đối không phải là cuộc sống người không ra người, ma không ra ma giống như người ngoài tưởng tượng. Đây cũng là điều hết sức thú vị.

Tóm lại, dưới ngòi bút của giáo sư Vệ Huệ Lâm, núi Bình Đô thực sự là một bản mẫu hiếm gặp trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, giá trị văn hóa và giá trị thưởng ngoạn của nó vượt xa nhiều “quỷ thành” mà nội dung chỉ chiếm một phần nhỏ trong đó. Chỉ có điều thời gian đã trôi qua hơn bảy chục năm, ngay cả “dòng sông lớn” kia cũng đã không còn “như xưa” nữa, những ngôi nhà của các vị thần tuy chưa bị mưa dập gió vùi, nhưng tất yếu đã có chút khác xưa, nó có thể thực sự đã biến thành một động quỷ. Có điều, cảm giác khi đứng trên boong tàu nhìn ra xa năm xưa đối với tôi vẫn rất đẹp, rất đẹp!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3