13. Sổ sinh tử những chuyện hoang đường - Phần 01
Sổ sinh tử những chuyện hoang đường
Phần 1
Còn nhớ hồi nhỏ khi xem Tây du ký, tôi từng rất tiếc nuối, không phải là vì Tôn Ngộ Không không ngồi trên Bảo điện Linh Tiêu, mà là vì lão Tôn đã đại náo Bảo điện Sâm La, khi đánh dấu vào quyển sổ sinh tử, trong lòng tôi chỉ nghĩ đến nhân vật lớn nổi tiếng bên trong con khỉ, “cửu u thập loại tận trừ danh”[178], nhưng loài người chúng ta lại không có trong số đó. Hóa ra con khỉ này chẳng qua cũng là kẻ chỉ biết đến mình mà thôi! Thế là, nghĩ đến việc mình khó có thể xuống điện Sâm La một lần, tôi liền có chút không phục trước hành động tạo phản kinh thiên động địa đó của Tôn Ngộ Không.
[178] Nghĩa là: tất cả chín âm phủ và mười loài (năm loài tiên, năm loài côn trùng) đều gạch hết tên.
Tôi cứ khăng khăng suy nghĩ đó của mình trong nhiều năm, cho đến những năm 60 của thế kỷ trước, sau khi được lĩnh giáo về những thủ đoạn của sổ sinh tử do con người tạo ra tôi mới chợt sực tỉnh. Từ đó tôi hiểu được rằng “sau con người chưa chắc phải là ma quỷ, sau ma quỷ chắc chắn là con người. Gọi là sổ sinh tử, hóa ra vẫn là nằm trong tay con người. Vậy có cần thiết phải bàn tới sổ sinh tử trong giới âm phủ nữa không? Không dám nói là cần thiết, nhưng nói qua một chút cũng không vấn đề gì, bởi từ đó ít nhiều cũng hiểu được chút ít về thời đại đó trong quá khứ. Chỉ là nói cho nặng nề, hơn nữa còn lạc điệu nhảy lời, không như những bài văn sử dụng ngôn từ chính xác, nghiêm túc, tôi tự đề cử dùng từ “chất giọng hoang dã” đi!
1
Nói nghiêm túc thì “sổ sinh tử” chỉ là một loại sổ sách dưới âm phủ. Sổ sách dưới âm phủ, ngoài việc ghi chép giới hạn tuổi thọ của con người ra, những quyển sổ liên quan đến vấn đề “nhân sự” (loài người chúng ta cũng chỉ qua được “bản thân mình”, còn những cái khác thôi thì tùy chúng mà thôi) còn có rất nhiều loại, chỉ nói về những quyển quan trọng đã có tài liệu chuẩn bị án, sổ lợi lộc, sổ công danh, sổ ghi chép thiện ác, sổ ghi thành tích và thiếu sót, còn có danh bạ bắt bớ linh hồn, sổ đăng nhập hộ tịch cho quỷ đã chết... và tên gọi cũng có nhiều như “sổ, bạ, lục, tịch”. Nhưng xét đến cùng, điểm chủ yếu trong những thứ này sẽ không tách nổi hai chữ “’sinh - tử” liên quan đến các sinh linh và ma quỷ. Vì thế, khi nhìn thấy quyển sổ trong tay tên phán quan trong Thập Vương đồ, dù ông ta đang lật giở tìm cái gì đi nữa, hoặc dù nó được gọi là “sổ sinh tử” đi nữa thì cũng chẳng có sai sót gì lớn.
Trong văn hóa Trung Hoa, thực sự có không ít những thứ khiến người ta tự hào. Việc sáng lập ra chế độ sổ sách của quan phủ từ rất sớm và rất hoàn thiện chính là một trong những việc khiến ta tự hào. Lưu Bang tiến vào biên giới, tấn công Hàm Dương, các tướng tranh thủ lấy vàng bạc, Tiêu Hà “một mình vào lấy quyển sách về pháp lệnh của Tần thừa tướng và phủ ngự sử cất giấu”, vì thế ông biết tất cả những nguy hiểm, những ách tắc và điểm mạnh yếu về lực lượng người trong thiên hạ. Đời sau có người thốt lên rằng, Tần Thủy Hoàng đốt sách diệt Nho, nhưng chưa hoàn toàn muốn tuyệt diệt chúng, trong tay các vị tiến sĩ đều có giữ bản sao, vậy tại sao lúc đó Tiêu Hà không mau chóng cứu chúng ra? Kết quả Bá Vương Tây Sở lại đến nhóm cho Hàm Dương một mồi lửa, thiêu rụi tất cả những quyển sách quý ấy, từ đó tạo thêm việc cho các nho sinh, có người đi thu nhặt được những chương sách bị cháy, sau đó tìm các bậc cao nhân nhờ chỉ dạy, có người lợi dụng thời cơ làm giả sách Nho rồi quát với giá cao, có người tìm chứng cứ hòng để lộ ra chân tướng khiến người kia không đường trốn thoát. Thực ra, những vị nho sinh này đã bận rộn một cách uổng phí, lẽ nào họ không biết những yếu điểm và những vấn đề về mặt con người đã là tiền đề quan trọng để chiếm cứ thiên hạ? Mọt sách không thấy được cái lớn, họ luôn luôn là vậy, vì thế họ chỉ xứng với việc lột bỏ mũ áo, giúp đại anh hùng hứng nước tiểu mà thôi.
Cũng với lý lẽ đó, muốn thống trị và quản lý người sống cũng như ma quỷ, âm phủ bắt buộc phải có một quyển sổ sinh tử. Từ kết quả của cuộc đại náo Diêm phủ của Tôn Hành Giả có thể thấy được, nếu Diêm phủ không có được quyển sổ sinh tử của Mỹ Hầu Vương thì cũng đồng nghĩa với việc họ đã mất quyền thống trị đối với đối phương. Sổ sinh tử chính là linh hồn của Diêm phủ, những kẻ làm quan dưới đó chẳng qua chỉ là những nhân viên ma quỷ dùng pháp luật âm ti để quản lý quyển sổ mà thôi. Mà nội dung quan trọng nhất trong quyển sổ sinh tử đó chính là ghi lại những chuyện “thiện và ác” thường ngày của con người. Trong thế giới loài người, dù là túi hồ sơ của bộ phận nhân sự, hay tài liệu đen của cơ quan đặc vụ, quyển sổ chi tiêu ghi chép rõ ràng, chỉ chờ cơ hội để quyết toán, vẫn có một số thiếu sót trong mỗi nha môn, nhưng tất cả các đạo đức gia đều chất chứa trong mình chủ ý xấu xa muốn trừng trị người khác, vì thế họ đều cung cấp những bản phác về quyển sổ thiện ác này. Theo truyền thống bản địa của Trung Quốc, “trong trời đất có phúc, thiện, họa, dâm”, tuổi thọ của con người ngắn hay dài, gia tộc hưng hay suy, đều do kết quả thống kê trong quyển sổ thiện ác quyết định. Còn một cách nói khác có lẽ được truyền đến từ văn hóa Tây phương (Ấn Độ), nói rằng, tuổi thọ của con người dài hay ngắn là nghiệp báo của thế hệ trước để lại, nó không chịu ảnh hưởng của việc người đó làm việc thiện hay ác ở kiếp này, nhưng cái thiện và cái ác ở kiếp này sẽ là căn cứ quả báo dành cho kiếp sau, sổ thiện ác có thể nói luôn được phát hành trong tình trạng cung không đủ cầu.
Vì thế, sổ âm phủ tuy có nhiều loại, nhưng xét từ góc độ “kết toán”, nó chỉ được phân làm hai loại lớn, không thể đặt tên cho chúng được, chỉ có thể gọi chúng là hai phái thời gian và không gian.
Phái “không gian”, tuổi thọ của mỗi người giống như một căn phòng trống, đợi đến khi số tội mà anh ta phạm phải trong thế giới loài người đủ để lấp đầy căn phòng đó, gọi là “tội ác tày trời”, thì có nghĩa là đã đến lúc anh ta phải từ giã cõi trần. Nhưng có thề nhìn nhận từ một góc độ khác, tuổi thọ của con người cũng giống như một bó thẻ bài, mỗi lần phạm tội, người ta sẽ căn cứ vào sự lớn nhỏ của tội ác để rút ra một ít. Đây gọi là “tính phép trừ”, đợi đến khi số thẻ là 0 thì coi như phép tính đã được tính xong. Nhưng nếu anh làm việc thiện thì sao? Vậy thì anh có thể “tăng tuổi thọ”, người ta sẽ bổ sung thêm cho anh những thẻ bài khác. Việc này có vẻ rất công bằng, nhưng cũng không hẳn vậy, có người làm vô số những việc thất đức đến mức không kể hết, nhưng họ vẫn sống rất tự tại, còn có người vừa mới sinh, chỉ mới khóc có vài tiếng, cùng lắm là tiếng khóc của họ đã gây ảnh hưởng đến môi trường một chút, nhưng đột nhiên ngừng thở, tuổi thọ của anh đến đây chấm dứt. Việc này thực sự khó mà nói rõ được, nếu muốn giải thích, có lẽ chỉ có thể nói mỗi một “căn phòng” có độ to nhỏ không giống nhau, số thẻ trong từng bó có bó ít có bó nhiều chăng? Nhưng dù thế nào đi nữa, theo quan điểm của phái này, tuổi thọ của con người dài hay ngắn chí ít có thể do bản thân mình quyết định một phần, đó là nên làm nhiều việc tốt, ít làm chuyện thất đức.
Phái “thời gian” cho rằng, tuổi thọ của con người dài hay ngắn là do trời định, con người không thể thay đổi nó. Một người nào đó phạm tội ở dương gian, âm ti chỉ lo việc ghi vào sổ, còn khoản nợ phải đợi đến sau thu mới giải quyết. Cũng có nghĩa là, cho dù người ta có đốt sách diệt Nho như Tần Thủy Hoàng, giết hại người trung thành, lương thiện như Tần Hội, thì họ vẫn được sống rất thoải mái, cho đến khi trời phán rằng “đại hạn” đã đến rồi, lúc đó họ mới phải đến gặp Diêm La Vương để tính toán tổng số nợ, và tất cả mọi sự quả báo hoặc là sẽ xuống địa ngục, hoặc là đổ lên đầu con cháu đời sau, tóm lại là không ai cho họ nhìn thấy quả báo của mình. Cũng với lý lẽ đó, kiếp này chúng ta làm nhiều việc tốt cũng chỉ là uổng phí công sức mà thôi, bởi họa, phúc, thọ, yểu của kiếp này đã được định sẵn rồi, anh chỉ có thể tích đức để đời sau của mình hưởng nó mà thôi. Trước kia, chiếc cột chính trong miếu Thành Hoàng có treo một chiếc mâm lớn rộng khoảng một trượng, có nơi phía trên còn viết năm chữ lớn: “Cậu cũng đến rồi à!”, khiến người đọc nó cảm thấy vô cùng sửng sốt. Chữ “cậu” vốn dùng để gọi linh hồn của người đã chết, nhưng thực tế là để cho người sống xem, ý nói bạn là anh hùng một thời, đã xưng bá tại một nước hay một con ngõ nào đó, nhưng cuối cùng cũng khó mà thoát khỏi cái chết. Anh hùng xem xong cũng chỉ cười một tiếng, làm sao biết sau khi chết mình có phải tính toán nợ nần hay không, ngay lúc này tôi còn có thể tháo dỡ cái miếu Thành Hoàng này ấy chứ!
Tóm lại, một phái giống như đánh bóng chuyền, thua hết điểm thì ra ngoài sân, một phái lại giống như đánh bóng rổ, lấy thời gian làm thước đo, có thể thua trong sự thoải mái hân hoan. Lẽ tất nhiên hai phái này có thể tìm ra một vài điểm có sự giao thoa giữa Trung Quốc và nước ngoài, giữa Đạo giáo và Phật giáo, cũng có thể nhận ra điểm không thể dung hòa giữa chúng, nhưng giữa chúng lại chưa từng xảy ra xung đột tranh chấp, hơn nữa còn có thể hỗ trợ lẫn nhau, bổ sung cho nhau, mặt trời mặt trăng phối hợp với nhau khá ăn ý. Lúc thì giáo dục người dân chỉ cần làm nhiều việc thiện, ắt sẽ được thiện giả thiện báo, lúc lại biện giải cho việc đám thân sĩ giàu có kia tuy làm nhiều việc ác, nhưng chưa chắc đã gặp ác giả ác báo. Và tất nhiên, hai bên cùng vui, hòa thuận với nhau chắc chắn là kết quả cuối cùng. Vì thế hai trường phái này nhìn có vẻ như tương phản, nhưng thực chất lại là người hai mặt, cứ thay đổi cách nhìn nhận trong bộ não của mình để tồn tại suốt hàng nghìn năm nay.
2
Sổ sách âm phủ lớn nhất Trung Quốc có vẻ như thuộc về phái không gian.
“Thổ phủ” - xuất hiện vào khoảng thời Đông Hán, có lẽ là Diêm phủ chính thức, tương đối độc lập với thiên đình sớm nhất của Trung Quốc. Nó được xây dựng dựa trên cơ sở “quyển sổ thiện ác”. Tác phẩm kinh điển thời kỳ đầu của Đạo giáo là Kinh Thái Bình, chương Canh bộ chi bát trong đó nói rằng, sự khống chế của Thiên đế đối với cuộc đời của con người thông qua những hành vi và lời nói thường ngày của họ được ghi lại trong “sổ thiện ác”, một khi đã gây ra tội ác tày đình thì linh hồn của người đó sẽ được giao cho “Địa thần” trong “quỷ môn”, do Địa thần thẩm vấn, dùng hình, sau đó lại được giao cho “Mệnh tào” đối chiếu giữa tuổi thọ và tội ác của người này, nếu những hành vi ác độc của người này đã sát tận với tuổi thọ, thì hẳn người này đã đến lúc “vào đất”, hơn nữa ác nghiệt của hắn sẽ ảnh hưởng đến thế hệ sau, đây chính là mục chú giải “gia đình tích phúc, con cháu được nhờ, không biết tích phúc, họa chờ đời sau” của Nho gia.
Nhưng theo tác phẩm kinh điển của Nho gia có nói, nếu không phải là những tội ác thật nghiêm trọng, thì hình như tội ác đó không ảnh hưởng đến con cháu sau này. Cái gọi là “đại tội có năm loại, trong đó giết người không thuộc đại tội” (Đại đới lễ ký - Chương Bản mệnh), ngoài những tội nghịch với luân lý lẽ trời sẽ ảnh hưởng đến thế hệ sau thì tội giết người chẳng qua cũng chỉ “báo ứng với bản thân” mà thôi, nó tuyệt đối không liên lụy đến con cháu sau này. Xét sơ qua, tầng lớp thống trị thời cổ đại vẫn còn khá tử tế. Nhưng nếu nghĩ kỹ lại thấy họ vô cùng đáng sợ, cái gọi là nghịch với lẽ trời, nghịch với đạo làm người, vu cáo quỷ thần... tất cả không phải tội lỗi về mặt tư tưởng sao? Tội tư tưởng nếu muốn xử thì hai đời đến năm đời cũng chưa thích đáng, trên thì đào mộ tổ, dưới thì giết hại con cháu, nếu đem so sánh thì tội phóng hỏa giết người chỉ là tội nhẹ do “một chút sơ suất” thôi ư? Đến đây mới khiến tôi hiểu ra rằng, tại sao phạm vi liên lụy của ngục Văn tự trong lịch sử lại mênh mông bát ngát đến vậy, còn những tai nạn nghiêm trọng liên lụy năm đời, ảnh hưởng chín tộc đem gắn với hai chữ “văn hóa” thì quả là không sát thực chút nào.
Đến Canh bộ chi thập, ngoài Thổ phủ ra, tác phẩm còn nhắc tới các âm cung khác, mỗi đợt đông chí đến cần thu thập tất cả các quyển “sổ câu hiệu” dân thường khắp thiên hạ. “Câu” là bắt giữ, “hiệu” là tra hỏi, “sổ câu hiệu” chính là sổ dùng để ghi chép những tội ác có lệnh bắt của dân thường. Lúc này, tất cả những vị thần tiên được thờ cúng trong thiên hạ đều phải báo cáo mọi thông tin lên trên, các vị thần gia đình hẳng ngày phụ trách việc giám sát những lời nói, cử chỉ của người dân, mỗi tháng đều phải tập hợp một lần, lúc đó đương nhiên cũng phải trình báo theo quy định. Sau đó “Thái âm pháp tào” sẽ tiến hành thống kê, đối chiếu, rồi triệu “Thần địa âm” và “Thổ phủ”, hai đối tượng này sẽ phụ trách bắt và thẩm vấn. Trình tự này nghe thì rất đáng sợ, nhưng đối với những người dân đã quen chịu bị gõ đầu, bóc lột, những cái đó chẳng qua cũng chỉ cần dùng một câu để ứng phó: “Cùng lắm là chết chứ gì!”
Nhưng điều không ngờ rằng, chỉ với vài thảo dân mà cũng cần nhiều sơn hải chư thần và thần nhà cùng lúc hầu hạ như vậy, tự ghi chép những hành vi cử chỉ cho mình có lẽ cũng chẳng phải việc gì phiền phức. Vì thế sau này họ đã đơn giản hóa cơ cấu nghiệp vụ này, người chuyên chức phụ trách công việc này chính là “tam thi”[179] - điều mà các đạo sĩ quan tâm. (Còn ông Táo - người mà các hộ dân không muốn rời xa lại kiêm nhận chức trách đó, có lẽ bởi ông Táo quá hiểu tính cách của con người, dễ bị những người dân thường mua chuộc, trở thành người không đáng tin cậy trong mắt ông trời chăng?) Thần tam thi ẩn nấp trong cơ thể con người, cứ sáu mươi ngày một lần, vào ngày Canh Thân ông lại lén lút thoát ra ngoài báo cáo với đặc vụ. Theo cách nói những người tu đạo luôn lấy việc hành đức làm cốt lõi, thì họ vốn không cần lo lắng về những điều được báo cáo này, nhưng vì muốn nhanh chóng thoát khỏi sự trói buộc trong hình dáng một con người, để sống một cuộc sống tiêu diêu thoải mái, thần tam thi lại vui mừng khi khiến những người này chết sớm, vì thế nhất định ông phải bịa ra thứ gì đó không có thật. Còn những kẻ tu đạo cũng có chủ ý của riêng mình, cứ đến ngày Canh Thân họ lại thức trắng đêm không ngủ, khiến tam thi không có cơ hội chuồn ra bên ngoài, cứ như vậy, cuối cùng họ thức đến mức “thần tam thi lồng lộn lên” (mượn từ ngữ trong tiểu thuyết, lại không tương xứng với ý nghĩa của câu “giận dữ xung thiên”), cuối cùng tức mà chết, vị lão đạo này sau này không thành tiên, chỉ thành tinh thôi.
[179] Tam thi: ba xác chết.
Từ đó có thể nhận ra, sổ âm phủ của phái không gian hóa ra lại có nguồn gốc sâu xa với Đạo giáo bản địa Trung Quốc, vì thế họ trích ra từ Kinh Thái Bình cũng là việc hết sức đương nhiên. Dùng biện pháp mềm mỏng để đối phó với mật thám, có thể gọi đó là tinh túy trong chiến thuật của Lão Tử, chưa bắt đầu thì chưa ảnh hưởng đến đời sau. Nhưng quyển sổ thiện ác đó lại hoàn toàn trùng khớp với nguyện vọng của các bậc chính nhân quân tử sau này, họ có bổ sung thêm phần thiếu sót “trong quan phủ ở dương gian không có điều lệ ghi chép lại công danh và sai sót của con người”, đối với những người dân thường mà nói, họ không thể chỉ nói “cùng lắm là chết chứ gì?” là có thể ứng phó được với quá khứ.
Gần đến triều Hán Ngụy, tăng lữ Phật giáo Tây phương liên tiếp tới Trung Quốc vài lần, tuy họ vẫn chưa thể tự do truyền giáo vào tới đời sống của người dân trung Quốc, nhưng những tác phẩm kinh điển của Phật giáo đã bắt đầu được dịch sang tiếng Hán, trong đó quan điểm ở âm phủ đã có địa ngục (tám địa ngục lửa, tám địa ngục băng) dưới ngọn núi Thiết Vi lớn. Nhưng khi họ biên dịch, với một chút lơ là đã tạo ra từ “địa ngục Thái Sơn”, Thái Sơn vốn có nghĩa là một ngọn núi khổng lồ, chính là chỉ ngọn núi Thiết Vi kia. Nhưng các vị hòa thượng Tây phương chưa từng nghĩ tới sẽ sang núi Đông Nhạc để vẫn có thể viết được Thái Sơn, càng không nghĩ địa ngục Thái Sơn của mình bị con rắn Địa đầu lấy đi mất, sau khi thay đổi một chút đã biến thành đồ của người ta. Hóa ra, tôn giáo bản địa của Trung Quốc lúc bấy giờ cũng đang trong giai đoạn phát triển, Trương Lỗ - đệ tử của Ngũ Đấu Mễ đạo[180] gần như đã hợp nhất giữa chính trị và tôn giáo, đại anh hùng Tào Mạnh Đức cảm thấy đó không phải là một việc tốt, nên sau khi bình định Hán Trung, ông bèn “Võ Ngụy vung roi” dồn tất cả phương sĩ các nơi rầm rộ tiến về kinh thành trong phạm vi thế lực của mình, sử dụng hình thức chăm nuôi để nhốt họ lại. Những phương sĩ sống tản cư bên ngoài sau khi vào đến những đô thị lớn, họ có cơ hội để giao lưu với đủ các loại người, và thời bấy giờ hòa thượng cũng là một loại phương sĩ. Tôi đoán rằng, vào lúc này, “địa ngục Thái Sơn” của Phật giáo đã bị các phương sĩ địa phương “vay mượn” thành “Thái Sơn Phủ Quân” mang cái mác MADE IN CHINA. Ông Tiền Trọng Thư nói: “Từ lúc ngựa trắng trở kinh về, Thái Sơn càng trở thành một cái tên khác của địa ngục.” Thái Sơn từ một ngọn núi thần tiên biến thành quỷ phủ, đó là việc xảy ra sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, và lúc đó quyển sổ âm phủ trong nha môn Thái Sơn Phủ Quân bắt đầu xuất hiện phái thời gian. Dưới đây là câu chuyện sau khi Thái Sơn Phủ Quân nắm giữ âm phủ:
[180] Ngũ Đấu Mễ đạo: nghĩa là “đạo Năm Đấu Gạo”, cũng gọi là Thiên Sư đạo, là một giáo phái ra đời trong giai đoạn đầu của Đạo giáo, tức cuối đời Đông Hán (25-220) trong lịch sử Trung Quốc, do Trương Lăng (34-156) sáng lập.
Năm Kiến An, triều vua Hán Hiến Đế, tại Nam Dương có người trên Giả Ngẫu, tự là Văn Hợp do mắc bệnh mà chết. Khi chết, có viên quan nhỏ cầm một chiếu chỉ của Thái Sơn tới. Những người trùng tên Văn Hợp có tất cả mười người cả nam lẫn nữ, quan tư mệnh kiểm tra kỹ lại, rồi nói với quan hành sự rằng: “Nay muốn triệu Văn Hợp tới, làm thế nào để triệu được người này? Hãy mau chóng trả hắn về đương gian.” (“Sưu thần ký” quyển hai mươi mốt.)
Diêm phủ đã bắt nhầm người, khiến người ta phải chết oan, người không nên chết thì đã chết, còn người nên chết thì vẫn sống. Hãy quay lại xem quá trình bắt bớ trong Kinh Thái Bình, có thể thấy khi lấy căn cứ là quyển sổ thiện ác thì việc bắt bớ sẽ không được thực hiện một cách dễ dàng. Nhưng nếu chỉ nhìn vào tên của những người đã hết hạn sống trong sổ thiện ác hiện nay, trường hợp trùng tên là rất nhiều, phải tra thêm hộ tịch, nhưng thi thoảng cũng xảy ra sơ suất, để rồi bắt những người không liên can tới Diêm phủ. Nhưng theo quy định nghiêm ngặt của phái thời gian, nếu người này chưa đến hạn chết, thì Diêm phủ không thể bắt bớ linh hồn của anh ta, nhưng giống như những tên quan phủ trên dương gian, họ không bao giờ chịu nhận lỗi về mình, đã sai thì cho sai luôn, hoặc giống như Đào Cương, triều Lý bị bắt nhầm nhưng vẫn bị Diêm phủ giữ lại linh hồn, điều đó là không thể được. Nếu đã không được giữ lại linh hồn người đó, vậy chỉ còn cách đưa họ trở về dương gian, nếu không người bị bắt nhầm sẽ trở thành linh hồn lưu lạc không nơi trú thân, để rồi biến thành kẻ trụy lạc chết thảm trong cô đơn, từ đó quay lại quấy phá hai giới âm dương, đó cũng là sự việc khiến người ta hết sức đau đầu. (Sau này, vấn đề này đã có một cách giải quyết thích hợp, đó là thiết kế một nơi thu nhận hoặc tập trung tất cả linh hồn chết oan lang thang, điều này sẽ được bàn tới trong chương khác.)
Vị Giả Văn Hợp này vẫn được coi là may mắn, khi quan tư mệnh tới đón nhận linh hồn mới phát hiện ra có trên mười trường hợp trùng tên. Sau khi rà soát kỹ càng, quả nhiên có sai sót, chỉ còn một cách là mau chóng thả linh hồn người này trở về dương gian. Trên đường trở về dương gian, Giả Văn Hợp gặp một người phụ nữ cũng bị bắt nhầm rồi được thả về. Nhưng thế giới âm phủ hỗn loạn, thời gian gấp gáp, dù là một người phụ nữ yếu đuối nhưng mấy tên nha dịch cõi âm vẫn mạnh tay mạnh chân quẳng hai linh hồn trở về dương gian rồi nhanh chóng biến mất. Trên con đường u tối của thế giới âm phủ, cô gái gặp rất nhiều khó khăn, cũng may gặp được chàng thanh niên Giả Văn Hợp, hai người giúp đỡ nhau trên suốt chặng đường, cuối cùng cả hai cũng tìm về được với dương gian, đồng thời họ tạo nên một mối nhân duyên hạnh phúc, khiến người ta hiểu ra rằng, hóa ra việc tốt luôn xuất hiện từ những việc không may, khi tổ chức lễ thành hôn đừng quên mang kẹo cưới gửi tặng anh lính sai đã bắt nhầm hai người tới âm phủ nhé!