07. Hoạt vô thường - Phần 01

Hoạt vô thường[62]

[62] Hoạt vô thường: hoạt là công việc, ở đây muốn nói đến những việc vô thường.

1

Có một loại hồn rời khỏi thể xác được gọi là “đi về cõi âm”, còn có cách gọi khác là xuống âm giới, đi về nơi vô thường. Tức là linh hồn của người sống tạm thời bị âm giới mời về, nhận một chức ở dưới đó để xử lý công việc, sau khi làm xong có thể quay lại dương thế. Kiểu thoát xác này thỉnh thoảng mới xảy ra một lần, nhưng đại đa số chức vụ đó là kiêm nhiệm, cứ cách năm ba ngày lại đi một chuyến nên được gọi là “đi về cõi âm”, hơi giống với việc quen đường thuộc lối đi thăm họ hàng thân thích.

Nhưng “đi về cõi âm” cũng được chia làm hai loại tùy thuộc vào thân phận của từng người, như “quân tử hóa thành vượn, thành thiên nga, còn tiểu nhân hóa thành côn trùng, đất cát”. Các tiên sinh đại nhân đi về cõi âm là “phán minh”, tức là xuống âm giới làm phán quan giải quyết mọi chuyện thay Diêm Vương, còn loại thảo dân thì chỉ có thể trở thành quỷ sứ đi bắt hồn. Chuyện của phán minh sẽ được bàn chi tiết hơn ở phần sau khi nói đến Diêm Vương, ở đây chúng ta chỉ nói đến những âm sai đại diện tạm thời hoặc hợp đồng, thực ra đa phần họ là âm sai đại diện có tính chất nghĩa vụ, cách gọi của nó cũng khác nhau, tùy vào ngôn ngữ của từng địa phương, có nơi gọi là “hoạt vô thường”, hoặc “hoạt câu sai”, “dạ bài đầu” (thời cũ có nơi gọi những nha dịch này là “bài đầu”), mặc dù giữa chúng cũng có những khác biệt nhỏ, nhưng cùng là chỉ cơ thể sống trên nhân thế, nhưng linh hồn của họ lại kiêm chức âm sai, xuống địa phủ làm “quỷ vô thường”.

Đối với tiên sinh quỷ “vô thường” này, Lỗ Tấn đã thu thập tất cả trong Vô thường ở tác phẩm Hồ hoa tịch thập[63] và đã được giới thiệu rất đầy đủ, ở đây tôi chỉ bổ sung một câu. “Vô thường” chính là âm sai chuyên đi bắt sinh hồn, nhưng âm sai là danh từ đã được nhắc đến từ lâu, còn quỷ vô thường thì phải đến đời Nam Tống mới thấy xuất hiện trong sách (Mời đọc truyện Anh Châu Thái thủ ở quyển hai trong Di kiên chi mậu của Hồng Mại). Đến đời Minh, vô thường được nhắc đến nhiều ở Thủy hửTam ngôn nhị phách, những tiểu thuyết nổi tiếng ở đời Thanh thì càng được sử dụng nhiều và rộng rãi trong bút ký của các nhà văn, và hình tượng của nó cũng dần dần được định hình trong dân gian, đa phần là “thân cao hơn trượng”, kích thước thời cổ không giống với bây giờ, mặc dù không đến nỗi cao hơn ba mét nhưng cũng có thể sánh với những cầu thủ bóng rổ trong “Đội hình mơ ước[64]” của Mỹ. Trên người mặc áo vải gai màu trắng, sau này thường đi theo đôi một đen một trắng, lại thêm khái niệm về “Hắc vô thường” - quỷ mặc áo đen, trên đầu đội một chiếc mũ làm từ giấy hoặc từ vải gai thô, cổ đeo một chuỗi vòng bằng giấy, cũng có nơi nói là được vác trên vai. Luôn đi hai người, cũng giống như “đi điều tra” ở trên nhân gian, cùng nhau làm việc và giám sát lẫn nhau.

[63] Hồ hoa tịch thập là cuốn hồi ký duy nhất của Lỗ Tấn, tên cũ là Nhắc lại chuyện cũ.

[64] “Đội hình mơ ước” (tên tiếng Anh là “Dream team”): tên gọi dành cho đội tuyển bóng rổ quốc gia Mỹ.

Vì vậy, “hoạt vô thường” đi về cõi âm chính là một vai diễn do người sống đảm nhiệm, ngôn ngữ Trung Quốc có tính suy ngẫm rất cao, một từ “sống” kết hợp với danh từ chính, bản thân nó sẽ có nghĩa là “không phải là thật”, đương nhiên bình thường thì điều này hoàn toàn không có nghĩa xấu, nếu trong cuộc sống có “Lôi Phong sống”, trên sân khấu có “Tào Tháo sống”, ngay cả những ác bá cường hào bị bách tính lén gọi sau lưng là “Diêm Vương sống”, cũng đã được hảo hán ở thôn Thạch Kiết dùng làm tên gọi tếu. Mà âm phủ được miêu tả trong Ngọc lịch bảo sao cũng có “hoạt vô thường”, hoàn toàn không phải là giả, “hoạt vô thường” này rất hợp với “chết có phần”, lấy ý nghĩa là “người sống vô thường, cuối cùng cũng sẽ chết”, là một đôi quỷ sứ ở tầng điện thứ mười, nhiệm vụ của chúng không phải là đi bắt linh hồn người sống mà ngược lại, chúng đi thúc giục vong hồn đầu thai. Đây chính là khái niệm mới mà người viết Ngọc lịch bảo sao sáng tạo dựa trên những điều được lưu truyền trong nhân gian. Mặc dù chưa được dân gian công nhận, nhưng tên của đôi quỷ này đã được sử dụng rộng rãi, khi diễn kịch trên sân khấu sẽ dùng để gọi Bạch - Hắc y, nhưng vì đã có khái niệm “hoạt vô thường” đi về cõi âm trong dân gian rồi, đành phải đổi tên của vị quỷ sứ của âm phủ này thành một cái tên nghe không thuận chút nào “vô thường chết”.

Những điều kể trên chỉ là muốn nói rõ, ít nhất thì trước đời Tống, không phải tất cả quỷ sứ đi bắt hồn đều áo gai mũ cao, thân cao hai trượng. Thực ra từ đời Minh - Thanh cho đến thời cận đại, chúng ta chỉ bắt gặp những hình tượng như thế trong tiểu thuyết, đa phần quỷ sứ đi bắt người đều không khoa trương dọa người như thế, chẳng qua cũng giống nha dịch trong quan phủ ở nhân gian mà thôi, chỉ như thế mới dễ để người sống giả mạo thay thế. Còn “hoạt vô thường” mà chúng ta thường nói, chọn một người cao lớn khoác lên người anh ta bộ áo vải gai mũ mạo cao sang để đóng giả, thường chỉ gặp trong các lễ tế thần, đón thần, do người sống đóng giả “vô thường”. Trong cuộc sống thực tế, thật ra rất ít gặp những hình dạng “hoạt vô thường” được miêu tả như trong Động linh tiểu chí ở phần sau.

2

Những ghi chép sớm nhất về việc “đi về cõi âm” được tìm thấy trong cuốn Sưu thần ký của Can Bảo, nhưng câu chuyện trong đó là chuyện về nước Ngô thời Tam Quốc. Địa điểm là ở Phú Dương, Chiết Giang, theo như trào lưu đính kèm tên người nổi tiếng vào bây giờ thì nơi đây chính là quê gốc của “vạn tuế gia” Tôn Trọng Mưu[65], người mà một người cố chấp như Tào Tháo cũng muốn lấy làm hình mẫu để sinh con trai, và cũng là nơi khá nóng trong giới khảo cổ hiện nay, đương nhiên còn một điểm nữa đáng để nhắc đến là, thần Chương Liễu[66] - sản phẩm nổi tiếng ở đây.

[65] Tôn Trọng Mưu: tức Tôn Quyền, tự là Trọng Mưu, người Phú Dương, Chiết Giang. Ông là người xây dựng nước Ngô thời Tam Quốc.

[66] Thần Chương Liễu: dụng cụ mà những nhà chiêm tinh học thường dùng.

Nhân vật chính trong chuyện là vợ của Mã Thế, tên Tưởng Thị, trong thôn hễ ai sắp chết vì bị bệnh, Tưởng Thị đều tâm thần hoảng hốt, ngủ vùi qua ngày. Cho tới khi người bệnh đó chết rồi, chị ta mới tỉnh lại, nói người đó chết là do chị ta. Người khác không tin, chị ta liền kể lại tỉ mỉ những chuyện kỳ quái vừa xảy ra ở nhà người chết, đó đều là những trò ma quái mà chị ta gây ra. Người khác liền đi điều tra để kiểm chứng, quả không sai, ai cũng phải kinh ngạc, hãi hùng. Lần này lại có một người mặc áo đen (Hắc y nhân), chắc chắn là công vụ của âm phủ rồi, lệnh cho Tưởng Thị đi giết người anh trai đang lâm bệnh của chị ta. Chị ta lại thay anh trai xin xỏ, nói qua nói lại, quyết không chịu ra tay. Khi tỉnh lại, chị ta liền nói với anh trai: “Không sao rồi, anh không chết nữa đâu.” Kết cục sau đó không được nói đến, nhưng đương nhiên sau khi chị ta tự mình quảng cáo, giới thiệu, những công việc làm ăn như tới gặp chị ta xin niệm tình khi ra tay, hay “hối lộ” âm gian... bắt đầu phát triển.

Câu chuyện trên rất đơn giản nhưng đã khái quát được hai đặc điểm chính của người chuyên đi về cõi âm sau này.

Một là, bà Mã ở dương thế có lẽ là người phụ nữ làm chủ gia đình, làm gì không rõ, nhưng công việc kiêm nhiệm thứ hai mà chị ta làm là giúp âm phủ bắt người. Hai là, chính nhờ công việc kiêm nhiệm này, chị ta trở thành nhân vật có khả năng ra vào công môn nơi âm phủ, tiến hành một vài giao dịch với âm phủ, giúp người trên dương thế đi cửa sau, nhờ việc này mà chị ta đã có thêm công việc kiêm nhiệm thứ ba, và có lý do để từ chối làm công việc đầu tiên của mình. Còn việc mỗi khi chị ta đi về cõi âm là người chị ta ở trạng thái ngủ vùi gần như bất tỉnh, không khác nhiều so với những kẻ bị mất hồn khác, cho dù có nằm nhiều hơn người khác ba ngày, hai đêm thì cũng không có gì khó, cùng lắm là lén ăn chút đồ ăn đêm để lót dạ là được.

Những phán quan dưới trướng Diêm Vương ở địa phủ, đầu trâu mặt ngựa, Hắc - Bạch vô thường, quỷ sứ âm sai tổ chức thành hệ thống chấp pháp rất mạnh, tại sao còn phải mượn người ở dương gian để đi bắt hồn? Thường thì chỉ có một lý do, đó là người ở địa phủ không đủ. Trong Ngữ quái, Chúc Doãn Minh đời Minh viết: “Hoạt vô thường chủ yếu là giúp địa ngục bắt người, ngoài việc bắt người, có lẽ thỉnh thoảng còn làm vài việc như “nha dịch vận chuyển”, thế thì cũng vẫn là âm sai. Giờ thì chúng ta đã có thể hiểu được từ “nha dịch” trong thời cổ đại, trước nghĩ rằng đó giống như công an, cảnh sát chuyên trách, thực ra không hẳn, trong nha môn có tôi tớ, sai dịch chuyên trách, nhưng cũng có một vài “lao dịch” là dân thường và đây chỉ là công việc thời vụ. Những người làm công việc đó làm việc đối phó cũng có mà trực đêm cũng có, khi sai dịch chuyên trách không đủ, cũng có thể làm công an tạm thời, những việc chuyên ngành quá thì không thể làm được, nhưng những công việc cần đến sức như khi đánh phạm nhân dùng đùi kẹp đầu hoặc dùng tay giữ chân, có lẽ cũng không vấn đề gì.

Âm phủ thường dùng “hoạt vô thường”, đương nhiên có liên quan đến những điều lệ trong quan phủ ở dương gian, nhưng nếu lấy đó làm lý do thì không được đầy đủ lắm. Âm phủ có thể lấy người từ nhân thế xuống làm sai dịch, nhưng khi những ông lớn trên dương thế cũng muốn mượn mấy kẻ đầu trâu mặt ngựa về làm người giữ cửa nha môn, để đề phòng bọn gian dân đến đưa cáo trạng thì Diêm Vương, liệu ngài có thể đồng ý hay không?

Hơn nữa, những người làm ở nha môn dưới địa phủ chưa chắc đã là thật sự không đủ, trong truyện Vương A Sinh ở quyển tám của cuốn Mộng quảng tạp trứ do Du Giao viết có ghi lại việc quỷ sứ tới bắt hồn của một sản phụ trên một cái hồ, lại dùng đến cả một chiếc thuyền lớn: “Đến trước tòa nhà, thuyền cập bến, từ tấm rèm màu trắng trên cửa sổ trong thuyền có đến sáu, bảy người bay lên”, một lúc sau chỉ thấy “bên trong cửa sổ có một bóng người dựa vào mạn thuyền, dưới ánh trăng mờ tỏ, không phân biệt được là nam hay nữ, nhảy xuống cùng đám người đó”, đây rõ ràng là một màn cướp đêm. Vì muốn bắt một sản phụ sắp sinh, thế mà phải cần đến cả đội cảnh vệ, thật quá khoa trương, chẳng trách lúc nào cũng kêu không đủ người!

3

Âm phủ mượn “hoạt vô thường” để bắt linh hồn người sống còn có một lý do khác nữa, những người sắp chết thường có rất nhiều thân nhân vây quanh, dương khí quá mạnh, âm sai không thể tiếp cận, vì vậy cần phải mượn linh hồn của người sống để làm tiên phong. Trong quyển bảy của Duyệt vi thảo đường bút ký có mượn lời của bà cụ vừa đi làm vô thường:

Người bệnh chắc chắn có họ hàng thân thích vây quanh, ánh sáng dương gian quá mạnh, quỷ sứ khó tiếp cận. Cũng có thể là có chân quý nhân thì dương khí mạnh, hoặc chân quân tử, dương khí càng mạnh, không thể tiếp cận, hoặc quan binh hình có sát khí, hung khí thì lại càng khó tiếp cận. Chỉ có thể xác ở dương gian mà linh hồn ở âm gian, không cần phải lo lắng tới những điều này, nên mang chúng đi theo để giúp đỡ.

Nói như vậy tương đối hợp lý, hoạt vô thường chỉ là để dự bị, nhân vật chính vẫn là âm sai, nhưng trong rất nhiều câu chuyện, quỷ sứ âm sai đảm nhiệm chức vụ chính lại coi hoạt vô thường là những tên tay sai tàn nhẫn, còn mình thì hai tay chống nạnh đứng một bên xem kịch miễn phí. Trong Liêu trai chí dị có một ông lão là hoạt vô thường, bắt được hồn của một lão già nào đó, còn phải cõng lão ta đi đầu thai, lão già đó thì nặng, suýt nữa đè bẹp ông lão là hoạt vô thường kia. Giống như những nhân viên có hợp đồng chính thức trong cơ quan ở trên dương thế, nhân viên hợp đồng thuê nhân viên thời vụ, nói cách khác việc biên tập lại do hiệu đính làm, việc của hiệu đính lại do công nhân xưởng in làm, như thế mọi chuyện sẽ chẳng ra sao. Trong chuyện Quỷ nhiều biến thành ruồi nhặng ở quyển bốn trong Tử bất ngữ do Viên Mai viết: “Có một người phụ nữ họ Nhiêu làm âm sai cho địa phủ, một lần đi về cõi âm là ngủ hai ngày hai đêm mới tỉnh dậy, sau khi tỉnh dậy người đầm đìa mồ hôi, thở hồng hộc, nói: “Người hàng xóm hung ác khó bắt, Diêm Vương sai ta đi bắt. Không ngờ hắn ta trước khi chết còn hung hăng, giằng co với hắn một hồi, cũng may ta tung dây thừng trói được tay hắn, mới có thể dắt đi.” Qua lời người phụ nữ này nói, có thể thấy dường như bà ta đã bị sử dụng như một quỷ sai chính thức. Đây có lẽ là quỷ sai tuân thủ lời thánh dạy “nam nữ thụ thụ bất thân”, nữ tù nhân thì phải do cai ngục nữ quản thúc, nữ phạm nhân cũng phải do phụ nữ bắt, nhưng có lẽ bà Nhiêu này có tính khí khác người, muốn thành kiểu phụ nữ mạnh mẽ điển hình để thay cho bọn đàn ông con trai. Thế là bất giác nhớ lại thời xưa “vận động”, hỏa lực của “đội chiến đấu những bàn chân nhỏ” thực sự không thể xem thường.

Âm phủ khi đi bắt người trong phủ quan, ngoài gặp phải sự cản trở của môn thần ở nha môn ra thì bên cạnh hoặc sẽ có người thân của họ, đặc biệt nếu người bị bắt lại là quý quan hoặc chính nhân quân tử, quỷ sứ cũng không thể tự mình xông lên bắt họ được, lúc này cần đến sự giúp đỡ của linh hồn người sống. Trương Bồi Nhân người đời Thanh trong quyển mười một cuốn Diệu hương thất tùng thoại đã dẫn một câu chuyện trong cuốn Cần giới cận lục của Lương Kính Thúc, kể rằng: “Một người đi vô thường sau khi nhập âm tỉnh lại, trông rất nhếch nhác, nói rằng có mười tên quỷ sứ đến, mời anh ta cùng đi bắt niết ti Tứ đại nhân. Vị niết ti này chính là an sát sử của công kiểm pháp một tỉnh, chức quan không hề nhỏ, hơn nữa lại là “quan binh hình”. Khi đó Tứ đại nhân đang trở về dinh quan, khua chiêng mở đường, rầm rộ tới mức khiến mười tên quỷ tốt kia run cầm cập, nhưng hoạt vô thường lại thản nhiên như không. Sau khi Tứ đại nhân vào dinh, âm sai định vào trong để bắt người, nhưng ngoài cửa có hai vị kim giáp môn thần chặn lại, giật gậy ném hết xuống đất, đám quỷ tốt không thể chống đỡ được, bèn lấy từ trong người ra lệnh bài bắt người, lúc ấy mới có thể qua được cửa lớn để vào trong dinh thất. Khi đó Tứ đại nhân đang ngồi nói chuyện với khách, dương khí trên người khách vượng, đám quỷ tốt cũng không dám xông lên, bèn đưa cho hoạt vô thường một cuộn dây, để người này đi bắt Tứ đại nhân. Tứ đại nhân làm quan lớn, khi nói chuyện thường gật gù đắc ý quen rồi nên muốn tròng dây vào cổ cũng khó. Lúc này, quỷ tốt liền khua khua tấm lệnh bài trước mặt Tứ đại nhân, thế là đầu Tứ đại nhân dần dần gục xuống, lờ đờ như buồn ngủ, nhưng lệnh bài vẫn khua liên tục, Tứ đại nhân đột nhiên hắt xì một cái thật to rồi kêu đau đầu. Lúc này hoạt vô thường liền đi đến, giật mũ của Tứ đại nhân xuống, sau đó tròng dây vào cổ ông ta. Thế là mười tên quỷ tốt cùng xông lên trước, cuối cùng bắt được sinh hồn của Tứ đại nhân đi.”

Linh hồn của một viên quan cấp tỉnh, mười tên quỷ sứ cầm theo lệnh bài của Diêm Vương cũng không dám tiếp cận, xem ra nếu nói “thanh thế bức người” để hình dung về quyền thế, quan to khí lớn không sai chút nào.

Tên hoạt vô thường này chỉ là một tên nô bộc ngu xuẩn của một tiểu quan trên dương thế, sau khi nhập âm bắt người cũng không thấy thông minh nhanh nhẹn hơn là bao, nhưng những việc cần kẻ xung phong đâm đầu vào nguy hiểm thế này cần đến loại người đó, giống như một vài hoạt động cần đến những “phần tử dũng cảm” giơ đầu ra chịu trận vậy. Truyện Trương Ngũ, quyển một trong Dạ đàm tùy lục do Nhàn Trai Thị người đời Thanh cũng viết về việc tạm thời mượn dùng hoạt vô thường Trương Ngũ, quỷ sứ muốn anh ta đi bắt huyện đại gia của huyện đó: “Lẻn vào trong phòng, tròng cái này lên cổ quan, giãy giụa một lúc, rồi dắt đi ra ngoài”, nhưng Trương Ngũ vốn là một thảo dân, anh ta nói: “Người ta là huyện đại gia, ta là cái gì, đến xông lên ta cũng không dám.” Hai tên quỷ sứ đáp: “Tên này dù là quan lớn nhưng tham tài háo sắc, chém giết dùng hình tràn lan, hôm nay trở thành tội nhân, không có gì phải sợ cả!” Nhưng sự giác ngộ của Trương Ngũ quá kém, nói nửa ngày cũng không khai thông được, cuối cùng hai tên quỷ sứ đành ép anh ta đẩy cửa đi vào phòng, mới coi như hoàn thành nhiệm vụ. Những người thật thà như Trương Ngũ chắc chắn không thể sử dụng như một hoạt vô thường chính thức.