Tên tôi là Đỏ - Chương 06 - 07

CHƯƠNG 6

TÔI LÀ ORHAN 

Siyah hỏi: "Có thực là họ đã giết anh ta không?" 

Siyah này thì cao, gầy, và hơi hoảng sợ. Tôi đang đi về phía chỗ họ ngồi nói chuyện trong xưởng họa ở tầng hai có cửa màu xanh thì ông ngoại tôi nói, "Có thể họ đã giết anh ta." Rồi ông nhìn thấy tôi. "Con làm gì ở đây vậy?" 

Ông nhìn tôi theo một cách khiến tôi chỉ biết trèo lên đùi ông mà không dám trả lời. Sau đó ông đặt tôi xuống ngay. 

"Hôn tay Siyah đi," ông bảo. 

Tôi hôn mu bàn tay Siyah và áp nó vào trán tôi. Nó không có mùi khó chịu. 

"Nó duyên thế nhỉ." Siyah nói và hôn lên má tôi. "Mai mốt nó sẽ trở thành một chàng trai dũng cảm." 

"Nó là Orhan, sáu tuổi. Nó có một đứa anh nữa, Shevket, bảy tuổi. Thằng nhóc đó bướng ghê lắm." 

"Cháu đi ngược tới con phố cổ ở Aksaray", Siyah nói. "Trời thật lạnh, mọi thứ phủ đầy tuyết. Nhưng có vẻ như chẳng có gì thay đổi cả" 

"Ôi! Mọi thứ đều thay đổi, mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn", ông ngoại tôi nói. "Hết sức tồi tệ." Ông quay sang tôi. "Anh con đâu?" 

"Anh ấy ở với ông thầy nhà mình, ông thầy đóng sách ấy." 

"Vậy con làm gì ở đây?" 

"Thầy ấy bảo con, làm tốt đấy, giờ cháu đi chơi được rồi." 

"Rồi con về đây một mình à?" Ông tôi hỏi. "Anh con phải đi với con chứ?" Rồi ông nói với Siyah. "Có một thợ đóng sách bạn của ta, tụi nhỏ làm việc với ông ấy một tuần hai lần sau buổi học kinh Koran. Tụi nó là thợ học việc của ông ta. học nghề đóng sách." 

"Cháu có thích vẽ tranh minh họa giống ông ngoại không?" Siyah hỏi. 

Tôi không trả lời chú ấy. 

"Vậy được rồi," ông tôi nói. "Giờ con đi chỗ khác chơi đi." 

Hơi nóng từ lò than để sưởi căn phòng quá dễ chịu đến độ tôi không muốn rời đi. Tôi đứng yên một lát hít mùi sơn và keo. Tôi ngửi thấy cả mùi cà phê nữa. 

"Những việc minh họa theo cách mới có biểu hiện một cách nhìn mới không?" ông tôi bắt đầu. "Đây là lý do khiến họ giết tay thợ mạ vàng đáng thương đó bất chấp chuyện anh ta vẫn làm việc theo phong cách cũ. Thậm chí ta chưa dám chắc rằng anh ta đã bị giết, chỉ chắc rằng anh ta hiện mất tích thôi. Họ đang minh họa một câu chuyện tưởng niệm bằng thơ, cuốn Sur-nama 1cho Đức vua theo lệnh của thầy Osman Trưởng ban Trang trí. Mỗi nhà tiểu họa làm việc tại nhà riêng của họ. Tuy nhiên thầy Osman chiếm một chỗ trong xưởng làm sách nghệ thuật của cung điện. Để bắt đầu ta muốn cháu đến đó quan sát mọi thứ. Ta lo rằng những người kia, những tay vẽ tiểu họa ấy, đã đi tới chỗ cãi cọ và giết lẫn nhau. Họ có nghệ danh được thầy Osman đặt cho cách nay nhiều năm: "Kelebek", "Zeytin," "Leylek"... Cháu cũng nên đi quan sát khi họ làm việc tại nhà." 

Thay vì xuống cầu thang, tôi vòng lại. Có tiếng động phát ra từ phòng kế cạnh, có tủ âm tường, nơi Hayriye ngủ. Tôi bước vào. Trong phòng không có Hayriye, chỉ là mẹ tôi. Bà bối rối khi thấy tôi. Bà đang đứng nửa người trong tủ. 

"Nãy giờ con ở đâu?" bà hỏi. 

Nhưng bà biết tôi ở đâu. Ở lưng tủ có một lỗ nhỏ qua đó người ta có thể nhìn thấy xưởng làm việc của ông ngoại tôi, và nếu cửa xưởng mở thì thấy được cả hành lang rộng và phòng ngủ của ông tôi bên kia hành lang cạnh cầu thang - dĩ nhiên là nếu cửa phòng ngủ của ông tôi cũng mở. 

"Con ở chỗ ông ngoại." tôi nói. "Mẹ ơi mẹ đang làm gì trong đấy vậy? 

"Mẹ chưa nói với con là ông ngoại có khách và con không được quấy ông sao?" Bà rầy tôi, nhưng không lớn tiếng, bởi bà không muốn khách nghe. "Họ đang làm gì vậy?" sau đó bà hỏi, giọng ngọt ngào. 

"Họ ngồi. Nhưng không bày thuốc màu ra. Ông thì nói, còn người kia nghe." 

"Ông khách ngồi kiểu nào?" 

Tôi ngồi xuống sàn và bắt chước dáng điệu của vị khách: "Giờ con là một người nghiêm trang lắm đây nghe, mẹ nhìn nè. Con nhíu mày nghe ông ngoại nói, cứ như con đang nghe đọc sử thi giáng thế ấy. Lâu lâu con lại gật đầu, rất nghiêm trang giống y như ông khách đó." 

"Xuống nhà đi", mẹ tôi nói, tìm Hayriye lập tức." 

Bà ngồi xuống và bắt đầu viết vào một mẩu giấy nhỏ trên cái bàn bà đã bày ra. 

"Mẹ ơi mẹ viết gì vậy?" 

"Nhanh lên. Mẹ bảo con xuống nhà tìm Hayriye mà?" 

Tôi xuống nhà bếp. Anh tôi, Shevket, đã về. Hayriye đặt trước mặt anh ấy một đĩa cơm làm sẵn định dành cho khách. 

"Thằng phản thùng," anh tôi nói. "Mày bỏ đi để tao ở lại với ông thầy. Tao phải một mình làm hết việc gấp giấy để đóng sách. Mấy ngón tay tao bầm tím hết rồi." 

"Hayriye, mẹ em kêu chị kìa." 

"Chừng nào ăn xong tao sẽ cho mày một trận", anh tôi nói. "Mày phải đền cái tội lười biếng và phản bội của mày." 

Khi Hayriye đi khỏi, anh tôi đứng lên bước về phía tôi với vẻ đầy đe dọa, anh thậm chí còn chưa ăn xong đĩa cơm. Tôi bỏ chạy không kịp. Anh ấy chộp lấy cổ tay tôi mà vặn. 

"Thôi đi, Shevket, đừng, anh làm em đau." 

"Mày còn trốn việc rồi bỏ đi chơi nữa không?" 

"Không, em không bỏ đi nữa." 

"Thề đi." 

"Em thề." 

"Thề trên kinh Koran." 

"Trên kinh Koran." 

Anh ấy không buông tay tôi ra. Anh ấy lôi tôi đến trước cái mâm lớn bằng đồng mà chúng tôi dùng làm bàn ăn và bắt tôi quỳ xuống. Anh ấy đủ khỏe để ăn đĩa cơm trong khi vẫn tiếp tục vặn cánh tay tôi. 

"Dẹp trò hành hạ em đi, đồ bạo chúa," Hayriye nói. Chị ta khoác áo ấm rồi đi ra ngoài. "Để nó yên." 

"Lo việc của chị đi, cô tớ gái," anh tôi nói. Anh ấy vẫn vặn cánh tay tôi. "Chị đi đâu vậy?" 

"Mua chanh," Hayriye nói. 

"Chị nói dối," anh tôi nói. "Trong tủ còn đầy nhóc chanh." 

Khi anh ấy thả lỏng tay tôi, tôi đột nhiên vùng thoát ra được. 

Tôi đá anh ấy và chộp lấy chân giá cắm nến, nhưng anh ấy bổ nhào lên tôi, làm tôi nghẹt thở. Anh ấy đá văng giá cắm nến, và cái mâm đồng rơi xuống. 

"Hai đứa bay là tai họa Thượng đế giáng xuống!" mẹ tôi nói. Bà hạ thấp giọng để khách không nghe. Làm thế nào bà băng qua cánh cửa mở của xưởng vẽ, qua hành lang, và xuống cầu thang mà không bị Siyah thấy? 

Bà tách chúng tôi ra. "Hai đứa tiếp tục làm khổ mẹ, phải không?" 

"Orhan nói dối thầy đóng sách," Shevket nói. "Nó bỏ con ở lại làm hết mọi chuyện." 

"Sụyttt!" mẹ nói, tát anh ấy một cái. 

Bà đánh anh ấy nhẹ hều. Anh không khóc. "Con muốn ba về", anh ấy nói. "Chừng nào ba về ba sẽ lấy lại cây gươm có chuôi nạm ngọc của chú Hasan, rồi nhà mình lại dọn về sống với chú Hasan." 

"Im mồm"' mẹ tôi nói. Bất ngờ bà nổi giận đến độ bà nắm cánh tay Shevket và lôi anh ngang nhà bếp, qua cầu thang tới căn phòng quay ra phía có bóng mát của khoảng sân. Tôi đi theo. Mẹ tôi mở cửa. Khi thấy tôi, bà nói, "Vào trong, cả hai đứa". 

"Nhưng con có làm gì đâu," tôi nói. Nhưng tôi cũng bước vào. Mẹ đóng cửa lại sau lưng chúng tôi. Dù trong phòng không tối đen - có ánh sáng yếu ớt len qua những khe cửa chớp đối diện với cây lựu ở sân sau - nhưng tôi thấy sợ. 

"Mở cửa ra đi mẹ," tôi nói. "Con lạnh." 

"Dẹp cái trò rên rỉ đi, thằng nhát gan," Shevket nói. "Chút xíu mẹ mở liền mà." 

Mẹ mở cửa. "Các con có chịu ngoan ngoãn đàng hoàng cho đến khi khách về không?" bà nói. "Được rồi, tụi con sẽ ngồi trong bếp cạnh bếp lò cho đến khi ông Siyah về, mà các con không được lên lầu, hiểu không? 

"Trong đây chán lắm," Shevket nói. "Hayriye đi đâu vậy mẹ?" 

"Đừng có xen vào chuyện người khác đi ngoài", mẹ nói. 

Chúng tôi nghe một con trong lũ ngựa hí ngoài chuồng. Con ngựa lại hí. Nó không phải là con ngựa của ông ngoại tôi, mà của Siyah. Chúng tôi mệt vì vui đùa, như thể đó là một ngày đẹp. Mẹ mỉm cười, và muốn chúng tôi cũng mỉm cười. Bước tới hai bước, bà mở cửa chuồng ngựa vốn đối diện với cầu thang bên ngoài nhà bếp. 

"Xuỵt", bà kêu chõ vào chuồng ngựa. 

Bà quay qua dẫn chúng tôi vào nhà bếp đầy chuột và mùi dầu mỡ của Hayriye. Bà bắt chúng tôi ngồi xuống. "Ngồi yên đây cho tới khi khách ra về. Mà cũng đừng đánh nhau kẻo người ta lại nghĩ là tụi con hư." 

"Mẹ ơi," tôi nói với bà trước khi bà đóng cửa nhà bếp. "Con muốn nói cái này cho mẹ nghe: Người ta giết ông thợ mạ vàng của ông ngoại rồi."


--------------------------------
1Có hai bản Sur-nama (còn viết là Sumama-i Humayun), một về các lễ hội dưới triều vua Armet III (1673-1736) được hoàn tất năm 1720 , và một về lễ hội dưới triều vua Murad III (1574-1595) hoàn tất năm 1582. Cả hai đều có nhiều minh họa. Tranh trong cuốn thứ nhất đã chịu ảnh hưởng của hội họa phương Tây nên ở đây tác giả muốn nói đến cuốn thứ nhì.

 

CHƯƠNG 7

TÔI ĐƯỢC GỌI LÀ SIYAH 

Khi lần đầu nhìn thấy con nàng tôi biết ngay rằng lâu nay tôi nhớ về khuôn mặt Shekure một cách sai lầm. Giống như khuôn mặt của Orhan, mặt nàng gầy, dù cằm nàng dài hơn hình ảnh tôi còn nhớ. Do đó miệng của người tôi yêu chắc chắn nhỏ và hẹp hơn tôi hình dung. Trong mười hai năm, khi lang bạt hết thành phố này đến thành phố khác, tôi đã mở rộng miệng của Shekure vì khao khát và đã tưởng tượng đôi môi của nàng khêu gợi hơn, đầy đặn và hấp dẫn hơn giống một quả dâu tây to chín mọng. 


Giá tôi mang theo bên mình chân dung của Shekure được vẽ theo phong cách của những bậc thầy Venice, thì chắc tôi đã không cảm thấy mất mát đến thế trong những chuyến đi dài khi tôi hầu như không thể nhớ lại người mình yêu dấu, người mà khuôn mặt tôi đã để lại ở đâu đó phía sau. Vì nếu khuôn mặt của người yêu còn ghi khắc mãi trong trái tim anh, thì thế giới này vẫn là nhà của bạn. 

Việc gặp đứa con út của Shekure rồi nói chuyrện với nó, nhìn sát khuôn mặt nó và hôn nó, đã dấy lên trong tôi một cảm giác bồn chồn đặc trưng của vận rủi, của những kẻ giết người và những kẻ có tội. Một giọng bên trong thôi thúc tôi, "Nhanh lên, đi gặp nàng đi." 

Trong chốc lát, tôi thầm nghĩ đến việc rời khỏi chỗ của Enishte của tôi và mở tung cánh cửa dọc theo hành lang rộng này, tôi đã đếm chúng qua khóe mắt, năm cánh cửa tối, một trong số đó dĩ nhiên mở ra cầu thang - cho đến khi tôi tìm thấy Shekure. Nhưng, tôi đã bị xa cách người tôi yêu trong suốt mười hai năm vì tôi đã bất cẩn để lộ những gì trong tim mình. Tôi quyết định thận trọng chờ đợi, lắng nghe Enishte của tôi trong khi chiêm ngưỡng những đồ vật mà Shekure đã đụng vào và chiếc gối lớn mà ai biết cô ấy đã nằm lên bao nhiêu lần. 

Dượng kể với tôi rằng Đức vua muốn cuốn sách được hoàn tất đúng hạn cho lễ kỷ niệm một ngàn năm Hegira 1. Đức vua của chúng tôi, Người che chở thế giới, muốn chứng tỏ rằng trong năm thứ một ngàn của lịch Hồi giáo, Ngài và đất nước của Ngài có thể sử dụng những phong cách của người Tây vực như chính dân Tây vực. Bởi vì Ngài cũng đã cho làm một cuốn Sur- nama, Đức vua chuẩn y rằng những nhà tiểu họa bậc thầy, những người mà Ngài biết là hết sức bận rộn, được phép rút về làm việc ở nhà riêng cho yên tĩnh thay vì làm việc giữa đám đông tại xưởng vẽ. Dĩ nhiên Ngài cũng biết rõ rằng tất cả bọn họ đều thường xuyên bí mật đến thăm Enishte của tôi. 

"Cháu nên đến thăm thầy Osman Trưởng ban Trang trí", Enishte nói. "Một số người nói rằng ông đã mù, người khác cho rằng ông đã lẫn. Ta thì cho là ông vừa mù vừa lẫn." 

Bất chấp thực tế rằng Enishte của tôi không có danh tiếng là nhà minh họa bậc thầy và đây hoàn toàn không phải là lãnh vực sở trường của ông, ông vẫn điều hành được một bản thảo có minh họa. Trên thực tế điều này là do sự cho phép và khích lệ của Đức vua, một tình huống mà dĩ nhiên gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa ông với lão sư phụ Osman. 

Nghĩ về thời thơ ấu, tôi để cho tâm trí mình bị hút vào đồ đạc và vật dụng trong nhà. Từ mười hai năm trước tôi vẫn nhớ tấm thảm trải sàn bằng len xanh xứ Kula, chiếc bình đựng nước bằng đồng, khay và bộ tách uống cà phê, cái xô bằng đồng và những tách uống cà phê thanh tú chắc là được mang về từ tận Trung Hoa qua đường Bồ Đào Nha, như bà dì quá cố của tôi đã khoe nhiều lần. Những món đồ này, như chiếc bàn thấp để đọc sách có chân hình chữ X khảm xà cừ, cái giá máng khăn xếp được đóng đinh vào tường, chiếc gối nhung đỏ mà ngay khi chạm vào là tôi nhớ lại được sự mượt mà của nó, đều từ ngôi nhà ở Aksaray nơi tôi trải qua thời thơ ấu với Shekure, chúng vẫn mang điều gì đó của niềm hạnh phúc lớn lao từ những ngày tôi còn vẽ tranh trong ngôi nhà đó. 

Vẽ tranh và niềm hạnh phúc. Tôi muốn các độc giả yêu quý của tôi, những người quan tâm đến câu chuyện và số phận của tôi hãy ghi nhớ hai điều này, vì chúng là khởi đầu cho thế giới của tôi. Có lúc, tôi được toại nguyện ở đây, giữa những cuốn sách, những cây cọ để viết thư pháp và những bức tranh. Sau đó tôi vướng vào tình yêu và bị trục xuất khỏi Thiên đàng này. Trong những năm chịu đựng sự đày ải vì tình, tôi thường nghĩ mình phải thực sự mang ơn Shekure và tình yêu tôi dành cho nàng sâu nặng như thế nào bởi vì chúng đã giúp tôi thích nghi một cách lạc quan với cuộc đời và thế giới. Bởi vì, với sự ngây thơ trẻ con của mình, tôi tin chắc rằng tình yêu của tôi sẽ được đáp trả, do vậy mà tôi trở nên quá yên tâm và xem thế giới này là một nơi tốt đẹp. Bạn thấy đó, chính với thái độ nghiêm túc này mà tôi gắn bó mình với những cuốn sách và yêu chúng, yêu việc đọc mà hồi đó Enishte đòi hỏi ở tôi, những buổi học giáo lý cùng việc vẽ tranh và minh họa của tôi. Nhưng nếu sở dĩ tôi có được nửa đầu nền giáo dục vui tươi, tốt đẹp và nhiều trái quả là nhờ tình yêu của tôi dành cho Shekure, thì tôi có được cái kiến thức đen tối vốn đầu độc tôi suốt thời gian sau đó là bởi tôi bị cự tuyệt; nỗi thèm khát của tôi vào những đêm giá rét muốn được phun ra và biến mất như những ngọn lửa đang tàn dần trong lò sắt của một quán trọ, cứ mơ đi mơ lại sau một đêm yêu đương thấy mình đang lao xuống một vực thẳm cô đơn cùng với bất cứ người đàn bà nào nằm bên cạnh tôi, và ý niệm rằng tôi chỉ là thứ vô giá trị - tất cả thứ đó là do Shekure mang tới. 

"Cháu có biết rằng," Enishte của tôi rất lâu sau này có nói, sau khi chết linh hồn chúng ta có thể gặp linh hồn của những đàn ông và đàn bà trong thế giới này, nhũng người vốn đang ngủ bình yên trên giường của họ không?" 

"Không, cháu không biết." 

"Chúng ta thực hiện một chuyến hành trình dài sau khi chết, vì vậy ta không sợ chết. Cái ta sợ là chết mà chưa hoàn tất cuốn sách này cho Đức vua." 

Một phần trong tôi cảm thấy tôi mạnh hơn, hợp lý hơn và đáng tin cậy hơn Enishte của tôi, và một phần khác lại đang nghĩ về giá của chiếc áo trùm mà tôi đã mua trên đường đến đây để gặp con người từng ngăn không cho tôi hỏi cưới con gái ông ấy, và cũng nghĩ đến cái khớp bạc với bộ yên làm thủ công cho con ngựa mà ngay sau khi xuống nhà, tôi đã dắt ra khỏi chuồng cưỡi đi. 

Tôi nói với ông, tôi sẽ báo lại cho ông mọi thứ tôi học được trong những cuộc viếng thăm các nhà tiểu họa. Tôi hôn tay ông và áp nó lên trán. Tôi đi xuống nhà, bước ra sân, cảm được cái lạnh của tuyết trùm lên tôi, chấp nhận rằng tôi không phải một đứa trẻ mà cũng không phải một ông già: Tôi vui sướng cảm nhận được thế giới trên da thịt tôi. Khi tôi đóng cửa chuồng ngựa, một cơn gió nhẹ thổi qua. Tôi cầm cương dẫn con ngựa trắng bước theo lối đi lát đá đến phần sân đất, và cả hai chúng tôi cùng rùng mình: Tôi cảm thấy như thể những đôi chân săn chắc, mạnh mẽ của nó, sụ bồn chồn và tính bướng bỉnh của nó là của chính tôi. Ngay khi chúng tôi ra đến đường tôi sắp lẹ làng nhảy lên lưng ngựa và biến mất ở cuối con đường hẹp như một kỵ sĩ trong truyền thuyết, không bao giờ quay lại nữa, thì một phụ nữ to lớn, một chị Do Thái mặc toàn màu hồng và mang một cái bị lớn, chẳng biết từ đâu hiện ra và bắt chuyện với tôi. Chị ta to lớn dềnh dàng như một cái tủ đứng. Những chị ta vui nhộn, sống động, thậm chí còn nhí nhảnh.

"Chàng trai dũng cảm, người hùng trẻ tuổi, tôi thấy anh đúng là đẹp trai như người ta đồn đại," chị ta nói. "Anh có vợ chưa? Hay còn độc thân? Anh có thể hạ cố mua từ Esther, người bán rong ưu tú của Istanbul một chiếc khăn tay lụa để tặng người yêu bí mật của anh không?" 

"Không." 

"Một khăn quàng vai đỏ bằng lụa Atlas?" 

"Không." 

"Đừng có cứ quát "không" với tôi như thế! Làm sao mà con người quả cảm như anh lại không có một người yêu hay người tình bí mật nào? Ai mà biết có bao nhiêu trinh nữ mắt long lanh đang khao khát anh kia chứ?" 

Thân hình chị ta kéo dài giống như vóc dáng mảnh dẻ của một nghệ sĩ nhào lộn và chị ta nghiêng mình về phía tôi trong một động tác duyên dáng. Đồng thời, với sự khéo léo của một nhà ảo thuật có thể đột nhiên lôi ra từ khoảng không đủ thứ, chị ta làm cho lá thư xuất hiện trên tay. Tôi lén chộp lấy nó, và cứ như tôi đã tập dượt cho giây phút này trong nhiều năm, tôi vội vàng và khéo léo nhét nó vào chiếc khăn quàng quấn từ vai xuống hông. Đó là một lá thư dày, có cảm giác giống như lửa áp vào làn da lạnh buốt bên hông, giữa lưng và bụng tôi. 

"Đi nước kiệu," chị hàng rong Esther nói. "Tới góc đường rẽ phải, đi theo vòng cung của bức tường và cứ đi nước kiệu, nhưng khi đến chỗ cây lựu thì quay lại và nhìn vào ngôi nhà anh vừa rời khỏi, ngay cửa sổ bên phải anh." Chị ta đi tiếp con đường của mình và khuất dạng trong chốc lát. 

Tôi leo lên lưng ngựa, nhưng lóng ngóng như người mới cưỡi ngựa lần đầu. Tim tôi đập thình thịch, đầu óc tôi đầy kích động, hai bàn tay tôi quên cách điều khiển dây cương, nhưng khi hai chân tôi kẹp chặt mình ngựa, lý trí lành mạnh và kỹ năng đã điều khiển được cả con ngựa lẫn bản thân tôi, và như Esther đã chỉ dẫn, con ngựa khôn ngoan của tôi đi nước kiệu đều bước và, đáng yêu làm sao, chúng tôi rẽ phải vào một con phố nhỏ! 

Chính lúc đó tôi cảm thấy có thể tôi đẹp trai thực. Như trong những câu chuyện cổ tích, từ sau mỗi tấm rèm và mỗi cửa sổ mắt cáo một phụ nữ bẽn lẽn đang dõi theo tôi và tôi cảm thấy mình có thể bốc cháy lần nữa với cùng ngọn lửa từng thiêu hủy tôi ngày trước. Đây có phải là điều tôi từng khao khát? Có phải tôi lại ngã gục lần nữa trước căn bệnh mà tôi đã chịu đựng trong từng ấy năm không? Ánh mặt trời thình lình xuyên qua đám mây khiến tôi giật mình. 

Cây lựu nằm chỗ nào? Nó có phải là cái cây mảnh mai, ủ rũ này không? Đúng rồi! Tôi hơi xoay người sang phải trên yên ngựa. Tôi thấy một cửa sổ đàng sau tàng cây, nhưng không có ai ở đó. Tôi đã bị cái chị Esther đó lừa rồi! 

Ngay khi tôi nghĩ thế thì những cánh cửa rèm bám đầy băng của ô cửa sổ mở tung ra với một tiếng bật lớn như đang phát nổ, và sau mười hai năm, tôi lại thấy khuôn mặt tuyệt vời của người tôi yêu dấu sau những nhánh cây phủ tuyết, giữa khung cửa sổ đóng đầy băng tuyết phản chiếu lấp lánh trong nắng đó. 

Người yêu dấu mắt đen của tôi đang nhìn tôi hay nhìn vào cuộc sống khác đằng sau tôi? Tôi không xác định được nàng đang buồn hay mỉm cười hay mỉm cười một cách buồn rầu. Con ngựa ngu ngốc, không quan tâm đến nỗi lòng tôi, đi chậm lại nào! Tôi bình tĩnh xoay người trên yên lần nữa, dán chặt tia nhìn khao khát lâu hết mức có thể vào khung cửa đó cho đến khi khuôn mặt bí ẩn, thanh tú và hốc hác của nàng biến mất đằng sau những nhánh cây. 

Rất lâu sau, sau khi mở lá thư của nàng và nhìn bức minh họa bên trong, tôi nghĩ việc tôi gặp nàng tại cửa sổ trên lưng ngựa lại giống làm sao cái giây phút đó, đã được vẽ cả ngàn lần, trong đó Husrev đến gặp Shirin dưới cửa sổ phòng nàng - riêng trong trường hợp của chúng tôi thì có cây lựu u sầu chen vào giữa. Khi tôi nhận ra sự tương đồng này, ôi, tôi đã bùng cháy đến thế nào vì tình yêu như họ mô tả trong những cuốn sách mà chúng ta nâng niu và yêu thích làm vậy.


--------------------------------
1Hegira: cuộc di cư của Muhammad và các đồ đệ đến thành Medina năm 622, năm này được coi là năm thứ nhất trong lịch Hồi giáo.