Bảy năm sau - Phần 02 Chương 28-29

28

Thở không ra hơi và mồ hôi nhỏ tong tong, Sebastian bước vào sảnh Gran Hôtel dưới ánh mắt sững sờ của cô nhân viên lễ tân. Với cái mũi bê bết máu, chân đi đất và áo khoác rách tơi tả, anh lạc lõng giữa sảnh khách sạn sang trọng.

- Xảy ra chuyện gì với ông vậy, ông Larabee?

- Tôi… gặp tại nạn.

Vẻ lo lắng, cô ta nhấc điện thoại.

- Tôi sẽ gọi bác sĩ.

- Không cần đâu.

- Thật sao?

- Tôi ổn mà, đảm bảo với cô đấy, anh nói thêm với vẻ kiên quyết.

- Tùy ông vậy. Tôi sẽ tìm bông băng và cồn sát trùng giúp ông. Nếu ông cần thêm thứ gì, cứ cho tôi biết.

- Cảm ơn cô.

Cho dù đang mệt đứt hơi còn cơ bụng thì đau xé, anh vẫn muốn leo cầu thang bộ hơn là đợi thang máy.

Khi anh bước vào, căn phòng không một bóng người. Nhạc chuông Rolling Stones đang réo rắt ở âm lượng rất lớn, nhưng Nikki vẫn mất tăm. Anh ghé vào phòng tắm thì thấy người vợ cũ đang nằm dài trong bồn, mặt chìm dưới nước, mắt nhắm nghiền.

Hoảng hốt, anh túm tóc cô lôi ra khỏi đó. Bị bất ngờ, cô hét lên một tiếng.

- Này! Làm sao thế hả đồ điên! Anh suýt lột cả da đầu tôi ra rồi đấy! Cô vừa nói vừa che ngực.

- Tôi tưởng cô bị chết đuối. Chết tiệt thật, cô đang chơi trò gì thế? Trò nàng tiên cá không còn hợp với tuổi cô nữa đâu!

Trong khi nhìn anh bằng ánh mắt tối sẩm, cô nhận ra những vết thương trên mặt anh.

- Anh đánh nhau à? Cô lo lắng hỏi.

- Người ta đánh tôi thì hợp lý hơn đấy, anh bực bội đáp trả.

- Anh quay lại đi, tôi ra khỏi bồn tắm đây. Mà đừng có lợi dụng nhìn trộm đấy nhé!

- Tôi từng thấy cô khỏa thân rồi, cô nên nhớ thế.

- Phải, trong một cuộc đời khác.

Anh ngoảnh đi rồi chìa cho cô chiếc áo choàng tắm. Cô mặc nó vào khi bước ra khỏi bồn tắm và quấn một chiếc khăn tắm quanh đầu.

- Anh ngồi xuống đi, tôi sẽ kiểm tra giúp anh.

Trong khi cô lau rửa các vết thương bằng nước xà phòng, anh kể lại cho cô nghe chuyện đen đủi ở Barbès. Đến lượt mình, cô cũng cho anh biết về hai cú điện thoại cô đã nhận được: một của Santos và một cuộc gọi bí ẩn từ Công ty du thuyền Paris.

- Ái! Anh kêu lên đau đớn khi cô bôi thuốc sát trùng lên vết thương.

- Anh thôi õng ẹo đi! Tôi ghét kiểu đó!

- Nhưng rát lắm!

- Phải, nó hơi rát khi người ta ba hay bốn tuổi, còn anh thì tôi nghĩ đã lớn rồi.

Anh đang tìm kiếm lời đáp trả thật chua cay thì nghe thấy tiếng gõ cửa.

- Phục vụ tầng đây, một giọng nói vọng vào từ phía cửa.

Nikki định bước ra khỏi phòng tắm, nhưng anh kéo tay áo choàng tắm của cô lại.

- Cô sẽ không ra mở cửa trong bộ dạng này chứ?

- Bộ dạng này làm sao?

- Cô gần như đang khỏa thân đấy!

Cô ngước mắt lên trời ngao ngán.

- Đúng là cô vẫn chẳng thay đổi gì hết, anh trách móc cô rồi ra mở cửa.

- Anh cũng thế thôi! Cô vừa hét vừa sập cánh cửa phòng tắm lại.

Một người phục vụ diện chiếc mũ ca lô màu đỏ và bộ com lê đính khuy vàng xuất hiện. Dáng người mảnh khảnh, ông ta gần như bị khuất sau đám hộp dán mác những thương hiệu sang trọng: Yves Saint Laurent, Christian Dior, Zegna, Jimmy Choo…

- Chúng tôi đến giao những hộp này theo yêu cầu của ông, thưa ông.

- Chắc là có nhầm lẫn gì đó, chúng tôi không đặt hàng gì cả.

- Tôi xin phép được nhấn mạnh, thưa ông: đơn hàng này chính xác là theo tên ông.

Vẻ nghi hoặc, Sebastian tránh đường để ông ta mang các hộp, gói kia vào phòng. Khi người phục vụ trở ra, Sebastian lục tìm trong túi xem có tiền để boa cho ông ta không thì mới nhớ ra anh vừa bị trấn lột. Nikki đã đến ứng cứu kịp thời bằng cách đưa cho người phục vụ tờ năm đô la, rồi đóng cửa lại.

- Anh đi buôn đấy à, anh yêu? Cô vừa mở các gói hàng vừa giễu cợt.

Vô cùng hiếu kỳ, anh cũng phụ giúp cô bóc các món hàng trên giường. Có tất cả sáu túi giấy đựng các trang phục dạ hội: một bộ com lê, một chiếc đầm, một đôi giày cao gót…

- Giờ thì tôi chẳng hiểu thông điệp là gì nữa.

- Một bộ trang phục nữ, một bộ trang phục nam, Nikki nhận xét trong khi nhớ lại điều mà nhân viên lễ tân của Công ty du thuyền Paris đã nói với cô về chuyện nhất thiết phải mặc đồ dạ hội.

- Nhưng tại sao chúng lại muốn chúng ta mặc chính xác loại quần áo này?

- Có thể chúng được gắn thiết bị theo dõi? Một thiết bị phát tín hiệu có thể giúp định vị chúng ta…

Anh suy ngẫm về lý lẽ đó. Nghe có vẻ lô gic. Thậm chí còn là lẽ hiển nhiên. Anh vơ đại chiếc áo vest rồi bắt đầu sờ nắn một lượt, nhưng chỉ mất công thôi: thời nay, loại máy móc đó hẳn là phải siêu nhỏ. Với lại, tại sao phải cố gỡ bỏ nó nếu nó có thể giúp hai người liên lạc được với những kẻ bắt cóc con trai họ?

- Tôi nghĩ chúng ta chỉ còn cách thay đồ thôi, Nikki nói.

Sebastian đồng ý.

Anh đi tắm trước, vẫn còn đủ thời gian cho anh đứng dưới những tia nước nóng bỏng, xoa xà phòng từ đầu đến chân như để tẩy rửa cơ thể khỏi kinh nghiệm nhục nhã ở Barbès.

Rồi anh thay bộ đồ mới. Ngay lập tức anh cảm thấy thật thoải mái. Chiếc áo sơ mi trắng vừa khít người anh và được may rất khéo, bộ com lê theo kiểu cổ điển mà vẫn sang trọng, chiếc cà vạt bản nhỏ, đôi giày loại cao cấp, nhưng không phải quá lố. Những trang phục mà anh hẳn sẽ chọn cho chính mình.

Khi anh quay trở ra, bóng tối đã buông xuống. Trong ánh ngày tàn, anh nhận ra dáng người Nikki trong chiếc đầm dạ hội màu đỏ khoét sâu ở lưng với phần cổ rất trễ viền ngọc trai.

- Anh giúp tôi được không?

Anh im lặng đi ra phía sau cô và, như anh đã từng làm việc này trong bao nhiêu năm, khéo léo cài những khuy bằng ngọc trai tinh tế. Những ngón tay của Sebastian lướt trên vai khiến Nikki thấy nổi da gà. Như bị thôi miên, Sebastian cố hết sức rời mắt khỏi làn da mềm mượt trắng nhợt của vợ cũ. Đột nhiên, anh đặt tay lên bả vai cô, bắt đầu ve vuốt. Anh ngước mắt nhìn lên phía tấm gương hình bầu dục phản chiếu tới anh bức ảnh trên bìa một tạp chí. Trong hình phản chiếu là vợ chồng anh đang tán tỉnh nhau.

Nikki mở miệng định nói gì đó thì một cơn gió thổi đến sập mạnh cánh cửa sổ. Phép bùa chú bị gián đoạn.

Để xua đi cơn bối rối, cô vùng thoát ra rồi xỏ chân vào đôi giày cao gót, hoàn thiện phục trang của mình. Để lấy lại vẻ điềm đạm, Sebastian đút tay vào túi quần. Có một miếng mác nhỏ để trong túi quần bên phải. Anh rút ra định ném vào sọt rác nhưng đến khoảnh khắc cuối cùng lại dừng phắt lại.

- Nhìn này!

Đó không phải là mác quần áo.

Mà là một mảnh giấy được gấp tư.

Một mã mở tủ gửi đồ.

Ở Ga Bắc.

29

Quận XIX.

Không được dân Paris để ý lắm, khu phố người Mỹ xưa kia là nơi trú ngụ của dân làm nghề khai thác thạch cao và đá silic. Khu phố đó mang tên một tín ngưỡng theo đó chữ “Đá thạch cao” mà người ta khai thác từ công trường này dường như được dùng để chế tác ra bức tượng Nữ thần Tự do và xây dựng Nhà trắng. Điều đó hoàn toàn không đúng, nhưng truyền thuyết lúc nào cũng đẹp.

Trong suốt Ba Mươi Năm Vàng Son, phần lớn các khu ngoại ô đã bị san bằng để nhường đường cho công cuộc “Hiện đại hóa”. Những khối nhà cao tầng buồn thảm và những ngọn tháp gớm guốc đang bóp méo khung cảnh phía Bắc ngôi làng Belleville trước đây. Nằm giữa công viên Buttes – Chaumont và đại lộ vành đai, phố Mouzaïa chính là tàn tích cuối cùng của một thời đại đã qua. Dài hơn ba trăm mét, con đường này chạy qua các ngõ cụt lát gạch với hai bên là hai hàng đèn cùng những ngôi nhà có vườn nhỏ xinh.

Tại số nhà 23 bis trên phố này, trong một ngôi nhà gạch nhỏ có mặt tiền màu đỏ, tiếng chuông điện thoại reo vào hư không đến lần thứ ba trong vòng chưa đến mười phút.

Tuy nhiên Constance Lagrange đang ở đó, nằm dài trên chiếc phô tơi tròn trong phòng khách. Nhưng nửa chai whisky đã nốc hồi đêm vẫn khiến cô say sưa không biết trời đất gì nữa.

Ba tháng trước, vào ngày sinh nhật ba mươi bảy tuổi, Constance nhận được ba tin: hai tin tốt, một tin xấu.

Khi đến chỗ làm, vào sáng 25 tháng Bảy đó, cấp trên của cô, thiếu tá Sorbier đã thông báo rằng cô được thăng hàm đại úy ở Đội cảnh sát truy nã quốc gia đầy danh giá.

Đến trưa, cô nhận được một cú điện thoại từ ông chủ ngân hàng cho cô biết rằng khoản vay của cô vừa được chấp nhận, giúp cô rút cuộc cũng có thể thực hiện dự án bất động sản của mình: mua một ngôi nhà theo đúng mơ ước, trên phố Mouzaïa, trong khu phố mà cô vô cùng yêu thích.

Khi ấy Constance tự nhủ đó là ngày may mắn của mình. Nhưng đến cuối buổi chiều, bác sĩ của cô đã báo tin rằng kết quả chiếu chụp của cô vừa thực hiện cho thấy cô có một khối u trong não. Một khối u ác tính giai đoạn bốn. Loại nặng nhất trong các loại ung thư. Ác tính, tốc độ phát triển nhanh và không thể phẫu thuật. Người ta cho biết cô còn bốn tháng.

Lại một lần nữa, điện thoại rung trên sàn nhà.

Lần này, tiếng chuông mở được một con đường xuyên vào giấc ngủ mê man của cô vốn đang chồng chất những hình ảnh tối tăm về các tế bào ung thư. Constance mở mắt rồi lau những giọt mồ hôi rịn ra trên trán. Cô vẫn lịm đi một lúc lâu nữa, người nôn nao, chờ đợi tiếng chuông tiếp theo để với tay xuống sàn nhà. Cô nhìn số điện thoại hiện trên màn hình. Là số của Sorbier, sếp cũ của cô. Constance nghe máy, nhưng để mặc ông ta nói.

- Cô đang làm cái quái gì thế, Lagrange? Ông ta quát nạt cô. Tôi gọi cho cô suốt nửa tiếng rồi đấy!

- Tôi nhắc lại với ông là tôi đã nộp đơn thôi việc, thưa sếp, cô vừa dụi mắt vừa trả lời.

- Xảy ra chuyện gì vậy? Cô uống rượu à? Nghe giọng cô nồng nặc mùi rượu đấy!

- Ông đừng nói vớ vẩn nữa. Chúng ta đang nói chuyện điện thoại cơ mà…

- Thì sao chứ. Cô đã say mèm ra rồi và mùi rượu còn bay cả đến đây!

- Được rồi, ông muốn gì nào? Cô vừa hỏi vừa khó nhọc đứng dậy.

- Chúng ta phải tiến hành một vụ ủy thác xét xử từ giới chức New York. Tôi cần bắt ngay hai người Mỹ. Một người đàn ông và vợ cũ của hắn. Vụ này nặng đấy: buôn lậu ma túy, giết hai người, tội danh bỏ trốn…

- Tại sao cảnh sát không yêu cầu cảnh sát tư pháp Paris làm vụ này?

- Tôi hoàn toàn chẳng biết gì hết và tôi cũng cóc cần. Tất cả những gì tôi biết đó là chúng ta phải làm vụ này.

Constance lắc đầu.

- Là các vị thôi. Tôi giờ không còn trong đội nữa.

- Thôi, đủ rồi đấy, Lagrange, viên thiếu tá nổi giận. Cô làm tôi cáu với cái chuyện thôi việc của cô rồi đấy. Cô có vài vấn đề riêng tư đúng không? Được lắm: tôi để cô được yên trong hai tuần, nhưng giờ thì thôi mấy trò ngu ngốc kia đi.

Constance thở dài. Cô thoáng do dự định thổ lộ mọi chuyện với sếp: căn bệnh ung thư đang ăn mòn não cô, việc cô chỉ còn lại vài tuần để sống, việc xích lại gần cái chết khiến cô sợ hãi. Nhưng cô từ bỏ ý định. Sorbier là quân sư của cô, một trong những cảnh sát vĩ đại “kiểu cũ” cuối cùng còn sót lại, một trong những người rất được ngưỡng mộ. Cô không chấp nhận nổi ý nghĩ lôi kéo lòng thương hại của ông hoặc khiến ông rơi vào tình huống khó xử. Vả lại, cô cũng không hề muốn khóc lóc trong vòng tay ông.

- Ông điều người khác đi. Tại sao ông không cử trung úy Botsaris ấy?

- Không có chuyện đó đâu! Cô thừa biết là dính đến người Mỹ thì luôn phải khéo léo. Tôi không muốn gặp vấn đề gì với bên đại sứ quán. Cô sẽ tìm ra hai kẻ đó và bắt giam trước ngày mai cho tôi, đồng ý nhé?

- Tôi đã nói với ông là không rồi cơ mà!

Sorbier làm như không nghe thấy gì.

- Tôi đã chuyển hồ sơ cho Botsaris, nhưng tôi muốn chính cô là người giám sát quá trình điều tra. Tôi đang gửi một bản sao tới máy của cô đây.

- Ông cút đi! Constance gào lên rồi tắt máy.

Cô lê lết tới tận phòng tắm để nôn vào trong bồn cầu một tia mật. Cô không ăn gì từ bao giờ rồi? Dù thế nào đi nữa cũng phải hơn một ngày. Tối hôm trước, cô dìm nỗi sợ hãi của mình trong men rượu, cô tính không ăn gì để cảm nhận được cơn say ngay từ những ly rượu đầu tiên. Một cơn “say nhanh” đưa cô vào cõi mơ mộng trong suốt mười lăm giờ tiếp đó.

Phòng khách chìm trong làn ánh sáng cuối chiều thu tuyệt đẹp. Constance đã chuyển đến ngôi nhà này được ba tuần, nhưng cô chưa hề gỡ bất cứ thùng đồ đạc nào. Vẫn còn nguyên băng dính, các thùng các tông chuyển nhà vẫn chất chồng rải rác khắp căn nhà trống.

Giờ thì còn để làm gì chứ?

Trong một ngăn tủ, cô tìm thấy gói bích quy Granola bóc dở. Cô vớ lấy gói bánh, ngồi xuống chiếc ghế đầu ở quầy bar bé xíu trong bếp rồi cố nhấm nháp vài chiếc.

Giết thời gian như thế nào đây trong khi chờ đợi thời gian giết chết chúng ta?

Câu này đã được ai nói ra nhỉ? Sartre? Beauvoir? Aragon? Trí nhớ của cô có vấn đề. Vả lại, đó chính là điều thúc đẩy cô đi khám bệnh. Đầu tiên, cô thấy một vài dấu hiệu báo trước: buồn nôn, nôn, đau đầu, nhưng có ai chưa từng gặp phải những triệu chứng này chứ? Lối sống của cô không phải không có gì đáng chê trách nên cô không lấy thế làm lo. Dần dần, cô thấy mình hay quên, giảm trí nhớ, điều đó xảy ra thường xuyên đến mức gây khó khăn cho cô trong công việc. Cô trở nên bốc đồng, dần dần cũng mất khả năng kiểm soát cảm xúc. Rồi những cơn chóng mặt xuất hiện, khiến cô quyết định đi khám bác sĩ.

Chẩn đoán đưa ra vừa nhanh mà cũng vừa phũ phàng.

Trên mặt quầy bar bằng gỗ chình ình một tập hồ sơ y học rất dày. Những góp nhặt sống động về căn bệnh cô mắc phải. Constance đã mở nó đến lần thứ n và hoảng sợ nhìn hình ảnh bộ não của mình được chụp X-quang. Trên phim chụp, cô thấy rõ rành rành một khối u to tướng và các vùng di căn của tế bào ung thư, chúng đã xâm chiếm sang phần trái của thùy trước. Nguyên nhân căn bệnh này vẫn còn chưa được xác định rõ và không ai có thể nói được tại sao cơ chế phân chia tế bào lại đột nhiên trở nên hỗn loạn và sinh sôi vô số tổ chức trong não cô.

Mặt mũi tái nhợt, cô đặt phim chụp vào tập hồ sơ, khoác chiếc áo da lên người rồi bước ra vườn.

Trời vẫn dễ chịu. Một làn gió mát nhẹ xào xạc trong đám lá cây. Cô kéo khóa áo khoác da lên, ngồi xuống một chiếc ghế tựa, rồi vắt tréo hai bàn chân lên chiếc bàn cũ kỹ bằng gỗ tếch đã bạt màu. Cô vừa hút thuốc lá vừa ngắm nhìn mặt tiền sặc sỡ của ngôi nhà. Với mái che bằng sắt rèn vươn cao phía trên bậc thềm, ngôi nhà có nét giống với những ngôi nhà búp bê.

Constance cảm thấy nước mắt dâng trào. Cô yêu xiết bao khu vườn này với cây vả, cây mận, hàng rào đinh hương, những cây liên kiều và những cành đậu tía. Ngay từ những giây phút đầu tiên của chuyến đi xem nhà cùng nhân viên môi giới nhà đất, thậm chí trước cả khi bước vào trong, cô đã biết rằng đây chính là nơi cô muốn sống… và có thể một ngày nào đó sẽ là nơi cô nuôi dạy một đứa con. Cô sẽ biến nó thành nơi trú ngụ của mình, một chốn tránh khỏi ô nhiễm, bê tông và cơn điên cuồng của con người.

Bị hoàn cảnh trớ trêu dày vò, cô bật khóc nức nở. Cô hoài công tự nhủ rằng cái chết là điều không thể tránh được và rằng đó là một phần của cuộc đời, không được buông xuôi trong sợ hãi.

Đừng sớm như vậy chứ, khốn nạn thật!

Không phải là lúc này…

Cô bị sặc khói thuốc.

Cô sẽ chết trong cô độc. Như một con chó đi hoang. Không có ai nắm lấy bàn tay cô.

Hoàn cảnh lúc này với cô dường như không có thật. Người ta thậm chí còn chưa cho cô nhập viện. Người ta chỉ nói với cô: “Hết cách rồi. Không thể làm gì được nữa. Không hóa trị cũng không xạ trị.” Chỉ các loại thuốc giảm đau và lời đề nghị nhập viện. Cô đã đáp lại rằng mình sẵn sàng chiến đấu, nhưng người ta lại khiến cô hiểu ra rằng cuộc chiến này sẽ sớm thất bại thôi. “Giờ chỉ còn là vấn đề bao nhiêu tuần thôi, thưa cô.”

Lời chẩn đoán dứt khoát.

Không một viễn cảnh thuyên giảm bệnh tình.

Một buổi sáng, hai tuần trước, cô thức dậy mà thấy tê cứng đến nửa người. Thị lực giảm kèm hoa mắt, cổ họng nghẹn lại. Cô hiểu ra rằng mình sẽ không thể dối mình trong công việc được nữa và đã đệ đơn thôi việc.

Ngày hôm đó, cô đã thật sự biết thế nào là sợ hãi. Từ đó, thể trạng cô thay đổi liên tục. Có lúc cả người tê cứng hoàn toàn và cô không thể phối hợp các cử động được nữa; có lúc chứng tê liệt bớt hành hạ giúp cô được nghỉ ngơi đôi chút mà cô biết chắc rằng đó chỉ là ảo tưởng.

Điện thoại rung lên báo một loạt email vừa tới hòm thư của cô. Sorbier quyết không để cô yên. Ông khăng khăng muốn gửi cho cô hồ sơ về hai người Mỹ kia. Gần như vô thức, Constance mở các tập tin đính kèm rồi bắt đầu đọc tài liệu. Kẻ trốn chạy tên là Sebastian Larabee. Vợ cũ của hắn là Nikki Nikovski. Cô mất mười lăm phút chìm đắm trong bảng tường thuật vắn tắt về hai kẻ trốn chạy rồi ngẩng phắt lên nhìn điện thoại. Như thể bị bắt quả tang. Chẳng lẽ cô không có việc gì quan trọng hơn để làm ư? Chẳng lẽ cô không thể tranh thủ chút thời gian ít ỏi còn lại với cô để sắp xếp đồ đạc, thăm nom lần cuối cùng những người thân thích hoặc xem xét lại ý nghĩa cuộc đời cô ư?

Nhảm nhí!

Cũng như nhiều cảnh sát khác, cô rất gắn bó với nghề. Về cơ bản, căn bệnh này chẳng ảnh hưởng gì mấy tới công việc của cô. Cô cần một liều adrênalin cuối cùng. Nhất là cô đang tìm kiếm lối thoát khỏi nỗi sợ hãi đang bủa vây cô tứ phía.

Cô dụi điếu thuốc rồi bước vào nhà đầy cả quyết. Mở ngăn kéo, cô cầm lấy khẩu súng công vụ vẫn chưa trả lại, một khẩu Sig-Sauer theo đúng quy chế của Cảnh sát quốc gia. Trong khi vuốt phần báng bằng polymer của khẩu súng lục bán tự động, cô tìm lại được cảm giác thân thuộc và an tâm. Cô đút súng vào bao đeo, nhét thêm một băng đạn dự phòng rồi bước ra phố.

Tuy đã trả lại xe công vụ, nhưng cô vẫn còn chiếc xe thể thao RCZ. Chiếc siêu xe với những đường cong sắc nét và mui hai múi cong cong đã ngốn phần lớn gia tài thừa kế từ bà cô. Khi ngồi trước tay lại, Constance cảm thấy vô cùng do dự. Liệu cô có thể thực hiện được một cuộc điều tra cuối cùng này không? Cô sẽ trụ vững hay sẽ suy sụp khi còn cách đích một trăm mét, bị nỗi mệt mỏi và chứng tê liệt đánh gục? Cô nhắm mắt lại một lúc, hít thật sâu. Rồi cô khởi động chiếc xe 200 mã lực và những nghi ngờ của cô tan biến dần.