Năm tháng vội vã - Phần II - Chương 01 - 02 - 03
Phần 2. Thích
Phương Hồi nói: “Hồi đó bọn em không bao giờ nói đến từ yêu, yêu là từ xa vời, nặng nề biết bao. Bọn em chỉ nói thích, kể cả thích cũng là thích vụng thích trộm”.
1
Phương Hồi nói, cô là người không giống không nhan sắc nhất trong số tất cả các bóng hồng của Trần Tầm. Nếu phải đưa một tính từ thì cùng lắm cô chỉ được miêu tả là thanh tú.
Tôi rất hiểu, cái gọi là thanh tú thật ra cũng chỉ là lời khen theo phép lịch sự. Hàm nghĩa sâu xa của câu nói này là, cô gái này không xinh đẹp, bình thường, rất bình thường.
Dĩ nhiên, tôi cảm thấy cô nói như vậy là hơi khiêm tốn. Mặc dù Phương Hồi không phải là mĩ nhân sắc nước hương trời, nhưng rất có duyên. Nhưng tôi cảm thấy vẻ đẹp này của cô bắt nguồn từ những chuyện đã xảy ra trong quá khứ của cô, những tình cảm đó lắng đọng lại, tạo ra sự cuốn hút đặc biệt trên con người cô. Bởi, tôi không biết hồi mười mấy tuổi trông cô thế nào, không biết trước khi trải qua mối tình đó, cô có đặc biệt như thế này không.
Còn Trần Tầm, theo sự phân tích của tôi cậu ấy đã phạm vào số kiếp đào hoa, được rất nhiều hồng nhan ngưỡng mộ. Hồi đó bất kì trường cấp ba nào ở Bắc Kinh cũng có người như vậy, đẹp trai, cao ráo, chơi bóng giỏi, khá thông minh, bạn nói gì anh ta cũng biết, có người còn học khá giỏi. Họ trở thành đối tượng mộng mơ của các cô gái, họ cũng là bạn chơi không tồi của các chàng trai. Tóm lại, họ mối nguy hại của nhân gian.
Phương Hồi - cô gái có nhan sắc thường thường bậc trung chính là mối tình đầu của Trần Tầm, Phương Hồi tự mỉa mai rằng, sau khi mọi người biết cô là người yêu Trần Tầm, thì họ đều hỏi cô với giọng rất lạ kiểu như: “Hả? Cậu ta chính là Phương Hồi hả?”. Nhưng tôi nghĩ chuyện này thật vô lí, nếu nói theo luật nhân quả, thì đó không phải là nhìn thấu hồng trần mà là cái duyên đã được sắp đặt từ lâu mà thôi.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Phương Hồi chính là cô gái mà Trần Tầm đã từng yêu, mặc dù nói như vậy có phần chua xót, nhưng cộng với sự cảm nhận của tôi, tôi nghĩ rằng chắc chắn cậu ta đã từng yêu Phương Hồi rất sâu sắc.
Lần đầu tiên tên của họ được gắn với nhau, là trên một góc thông báo đăng trên trang báo nọ của tờ Bắc Kinh buổi tối cuối thập kỉ 1990. Lúc đó các trường cấp ba có tiếng hoặc có tiền ở Bắc Kinh thường đăng danh sách thí sinh trúng tuyển trên mặt báo. Hai người đều thi đỗ vào trường phổ thông trung học F, tên của họ người ở hàng trên kẻ hàng dưới.
Tiếp đó, họ cùng được phân vào lớp (1) của khối mười, lúc biết nhau mới chỉ mười sáu tuổi.
Thời gian đầu, Trần Tầm không để ý đến chuyện trong lớp còn có một Phương Hồi, bởi cô thuộc mẫu người quá đỗi bình thường, kể cả có nghỉ học, cũng chỉ có giáo viên chủ nhiệm và cán bộ theo dõi sĩ số của lớp biết mà thôi.
Trần Tầm được vào thẳng cấp ba vì thành tích học tập xuất sắc, hơn nữa lại có kinh nghiệm làm cán bộ lớp, nên đã được chủ nhiệm khối chọn làm lớp trưởng. Hồi đó cậu là người vừa được thầy cô quý mến tín nhiệm, vừa được bạn bè tôn sùng, thế nên cậu không có thời gian để ý đến những người như Phương Hồi.
Sở dĩ Trần Tầm chú ý đến Phương Hồi là do hai cậu bạn thân Triệu Diệp và Kiều Nhiên. Triệu Diệp là người chơi bóng rổ rất giỏi của lớp, cao một mét chín mấy, tóc hơi xoăn tự nhiên, trông rất giống Hanamachi Sakuragi(*) hàm răng trắng, mỗi khi cười, khuôn mặt nhìn rất rạng rỡ. Nói như lời Trần Tầm thì cậu ta không nên chơi bóng rổ mà nên đi quảng cáo cho hãng kem đánh răng Colgate, để hãng kem đánh răng này khỏi phải gõ vỏ sò nữa, mà có thể gõ thẳng lên răng theo từng độ tuổi của cậu ta, hiệu ứng quảng cáo sẽ chân thực, đáng tin cậy và lôi cuốn khách hàng hơn vỏ sò rất nhiều.
(*) Hanamachi Sakuragi là nhân vật chính trong bộ truyện tranh Nhật Cao thủ bóng rổ của tác giả Takehiko Lnoue.
Kiều Nhiên là một nam sinh điềm đạm, là lớp phó sinh hoạt kiêm cán bộ theo dõi sĩ số của lớp, cậu là người do Trần Tầm giới thiệu với cô giáo chủ nhiệm khi mới bước vào năm học mới. Cậu tận tâm lại ít nói, được cả lớp quý mến. Trần Tầm cho rằng, trong tất cả đám con trai, chắc chắn Triệu Diệp sẽ không giúp được việc gì, chỉ có Kiều Nhiên là đáng tin cậy.
Trần Tầm, Triệu Diệp, Kiều Nhiên đều cao nên bị dồn ngồi bàn cuối, trong giờ học ba cậu thường xuyên nói chuyện, làm việc riêng. Hôm đó trong giờ học, cô giáo gọi Phương Hồi trả lời câu hỏi, Triệu Diệp liền huých Trần Tầm: “Này, ông đã nói chuyện với bạn kia bao giờ chưa?”.
Trần Tầm liền ngẩng đầu lên, nói: “Tớ không nhớ lắm, hình như chưa”.
“Còn ông thì sao? Đã nói chuyện bao giờ chưa?”. Triệu Diệp lại hỏi Kiều Nhiên.
“Nói rồi, mấy hôm trước trực nhật với tổ bọn họ, sao vậy?”. Kiều Nhiên trả lời.
“Lạ lắm! Khai giảng được một tháng rồi, con gái trong lớp mình chỉ có nàng đó chưa nói chuyện với tôi!”. Triệu Diệp nói.
“Ồ, vậy hả?”. Trần Tầm liếc Phương Hồi một cái, cậu cũng chỉ có ấn tượng mơ hồ về cô bạn này. Hôm đó là lần đầu tiên cậu nhìn kĩ, tuy nhiên cũng chỉ nhìn thấy chiếc bóng mảnh dẻ của cô.
Thời chúng tôi học cấp ba, Bắc Kinh không rộng như bây giờ, khu vực vành đai bốn là khu đường đất giữa cánh đồng bát ngát, nhà ai nằm ở vành đai ba cũng đã bị coi là xa rồi, vành đai hai còn là đường bê tông, xe chạy trên đường tấp nập, nhưng về cơ bản không có khái niệm tắc đường, tuyến xe bus số 44 lao vun vút như tàu lượn siêu tốc. Hơn nữa hồi đó đời sống cũng không cao như bây giờ, xe hơi là đồ xa xỉ rất ít gia đình có. Vì thế không có cảnh vừa đến giờ tan học, cổng trường đỗ đầy xe đón con. Hầu như mọi người đều đi xe đạp hoặc đi xe bus đi học, trong trường chỉ có khu để xe đạp có mái che, mỗi lớp một ô, hàng ngày các lớp cử người phụ trách xếp xe cho thẳng hàng.
Lúc tan học lấy xe, đúng hôm xe của Phương Hồi để giữa xe của Triệu Diệp và Trần Tầm, nhìn thấy hai cậu bạn cao to, cô liền đứng đó không đến gần nữa. Triệu Diệp lại rất nhiệt tình, cậu đẩy Trần Tầm ra, chủ động nhường ra một chỗ trống, cười rất tươi, để lộ hàm răng trắng, nói: “Phương Hồi, cậu lấy trước đi”.
Phương Hồi nhìn Triệu Diệp bằng ánh mắt sửng sốt rồi nói nhỏ: “Cảm ơn cậu”.
“Thôi để tớ lấy hộ cậu”. Phương Hồi vừa mở khóa xong, Triệu Diệp đã sấn tới, không đợi cô trả lời, cậu ta đã dắt chiếc xe đạp hãng Giant của cô ra.
“Phiền cậu quá”. Phương Hồi rất khách khí, cố tạo ra khoảng cách.
Nhưng dường như Triệu Diệp không muốn như vậy, cậu hỏi: “Phương Hồi, nhà cậu ở đâu?”.
“Song An”.
“Xa vậy hả! Ra khỏi cổng trường là đi về phía Đông đúng không? Nhà tớ ở Đức Ngoại! Bọn mình cùng đường!”. Triệu Diệp mừng rỡ nói.
Trần Tầm liền trợn mắt nhìn cậu ta, nghĩ bụng nhà ngươi chuyển đến Đức Ngoại từ bao giờ vậy? Rõ ràng là ở Triều Ngoại! Tự nhiên lại quay ngoắt từ Nam sang Bắc thế!
“Ồ”. Dường như Phương Hồi không hề tỏ ra hào hứng, vẫn rất lạnh nhạt.
Trần Tầm cười đầy ẩn ý, lén giơ ngón tay giữa lên. Cậu thầm nghĩ bụng, Triệu Diệp, nhà ngươi thua chưa? Người ta không thích chơi bài đó!
Nhưng cậu cũng liếc Phương Hồi một cái, xét về tổng thể, Triệu Diệp không phải là người đáng ghét, cũng là anh chàng khá đẹp trai, thông thường những lúc như thế này, con gái đều tỏ ra dễ thương, nói: “Vậy hả? Hay quá nhỉ!”, hoặc là cười nói “thế mình lại cùng đường à!” gì đó, còn cô, chỉ buông một tiếng “ồ!”, né tránh, tựa như chú mèo con bị giật mình, rõ ràng là không tự nhiên.
“Bọn mình… về cùng nhau nhé?”. Triệu Diệp cảm thấy rất hẫng hụt, giọng cũng không còn tỏ ra chắc chắn nữa.
“Ờ… được”. Phương Hồi ngần ngừ một lát rồi gật đầu nói.
Triệu Diệp như người trút được gánh nặng, vội dắt xe đuổi theo, trước khi đi còn nháy mắt với Trần Tầm tỏ vẻ thách thức.
Trần Tầm nhìn theo bóng họ, nói chính xác hơn là nhìn theo bóng Phương Hồi, thần người ra một lát.
Đột nhiên cậu phát hiện ra rằng, trong cả cuộc trò chuyện vừa rồi, Phương Hồi không đếm xỉa gì đến cậu, thậm chí không buồn ngước mắt lên nhìn cậu một cái.
2
Trường cấp ba F là trường đi đầu trong cách dạy học theo lối mở và cách quản lí theo lối khép kín. Hầu hết học sinh ở Bắc Kinh đều biết tiếng trường này. Hiệu trưởng của trường rất có đầu óc thương mại, năm xưa ông là người đầu tiên giương cao ngọn cờ giáo dục tố chất, bám sát tình hình để phát triển. Thông qua nhiều bài tuyên truyền, đẩy trường F vốn đã im hơi lặng tiếng lên tốp đầu trong ngành giáo dục.
Học sinh đã từng truyền tai nhau một câu chuyện về hiệu trưởng của trường F, chẳng là xe của ông không may bị học sinh làm rơi sách từ trên tầng xuống. Lúc đó, câu đầu tiên mà ông nói khi biết rõ tình hình là: “Rơi xuống xe không sao cả, đừng rơi xuống đầu học sinh của tôi là được!”. Từ đó trở đi, vị hiệu trường này nổi lên như cồn, danh lợi bội thu. So với ông, các phóng viên chuyên thổi phồng sự thật hiện nay cũng còn thua một bậc.
Vì quản lí theo lối khép kín nên trường cũng có nhiều quy định, đi học phải mặc đồng phục, nữ sinh không được để tóc thề, bàn học phải được trải khăn trải bàn, ngay cả giờ nghỉ trưa, nếu không được cho phép cũng không được tự tiện rời trường. Tất cả học sinh đều ăn trưa tại trường, cơm được đặt chung, hàng ngày các lớp đến nhận hộp đựng cơm của lớp mình và mang về, sau đó mọi người tự chia thành nhóm, ngồi ăn cơm theo bàn.
Trưa ngày thứ hai, chưa được sự đồng ý của Trần Tầm và Kiều Nhiên, Triệu Diệp đã mở rộng số thành viên trong bàn ăn của bọn họ lên năm người.
“Kéo thêm chiếc bàn nữa đi! Lấy hai cái ghế nữa!”. Triệu Diệp sai Trần Tầm.
“Làm gì vậy?”.
“Hôm nay bọn mình ăn trưa với Phương Hồi và Môn Linh Thảo!”.
“Hả?”.
“Mau lên! Tôi và Kiều Nhiên còn phải lấy cơm cho bọn họ, đừng đứng đó nữa”. Triệu Diệp hào hứng chạy đi.
Trần Tầm rủa thầm tám đời tổ tiên và con cháu đời sau của Triệu Diệp, miễn cưỡng kê lại bàn.
Môn Linh Thảo có biệt hiệu là Tiểu Thảo, là cô bạn duy nhất trong lớp được tạm gọi là thân với Phương Hồi, nhưng cái gọi là thân ở đây cũng chỉ bó hẹp trong phạm vi cùng ăn cơm, cùng đi vệ sinh gì đó. Nhưng Tiểu Thảo không lặng lẽ như Phương Hồi, là một cô gái dám nghĩ dám làm, hoạt bát, dễ thương. Đợt mới khai giảng, cô lấy ra một cuốn sổ, bảo tất cả bạn bè trong lớp cho số điện thoại nhà. Hồi đó không có học sinh nào dùng di động, Nokia giá đều sáu nghìn tệ trở lên, Erisson chưa sáp nhập với Sony, ra mẫu điện thoại gập đề giá bảy nghìn hai trăm tệ, chưa nói đến điện thoại di động, ngay cả máy nhắn tin BP cũng chẳng bói đâu ra. Đây là những thứ mà học sinh cấp ba dù mơ cũng chẳng dám. Bạn bè liên lạc với nhau đều dùng điện thoại bàn ở nhà. Chính vì vậy tự nhiên Tiểu Thảo đã quen với tất cả các bạn trong lớp.
“Triệu Diệp, nếu cậu đã mời bọn tớ ăn cơm cùng thì từ nay trở đi cậu phải chủ động đi lấy cơm nhé!”. Tiểu Thảo cầm đôi đũa chỉ Triệu Diệp nói.
“Đơn giản”. Triệu Diệp gật đầu.
“Trần Tầm, cậu phụ trách kê bàn, Kiều Nhiên phụ trách lau bàn sau khi ăn xong”. Tiểu Thảo tiếp tục phân công.
Kiều Nhiên cười không nói gì, Trần Tầm nói: “Thế cậu… các cậu… làm gì?”.
Nói đến từ “các cậu”, Trần Tầm dừng lại một lát, cả bữa cơm Phương Hồi không nói câu nào, cậu vẫn chưa coi cô là một thành viên của nhóm.
“Bọn tớ phụ trách việc ăn thôi!”. Tiểu Thảo lại cười, hai má lúm đồng tiền hiện ra, nhìn rất duyên: “Đương nhiên, tiện tay có thể giúp các cậu bỏ khăn trải bàn ra”.
“Cậu cứ mải ăn đi! Cậu nhìn cậu xem, mặt bây giờ to gấp đôi mặt Phương Hồi rồi, ăn nữa cẩn thận biến thành heo đấy!”. Triệu Diệp vừa lấy ngón tay vẽ vào không khí vừa nói.
“Đáng ghét!”. Môn Linh Thảo liền ném ngay tờ giấy ăn vừa lau miệng, rồi cô lấy tay che má nói với giọng hậm hực: “Phương Hồi chỉ được cái mặt nhỏ, nhìn thì gầy nhưng người nhiều thịt lắm”.
Ba cậu bạn liền đưa mắt nhìn Phương Hồi, mặt cô liền đỏ rần, môi hơi mấp máy, ngẩn người ra nhưng không nói gì.
Kiều Nhiên vội nhìn ra chỗ khác, đánh trống lảng, nói: “Triệu Diệp, hôm nay ông tập gì vậy?”.
“Không tập gì cả!”. Triệu Diệp quay sang nhìn Phương Hồi và cười tủm tỉm: “Hôm nay bọn mình vẫn về nhà cùng nhau nhé”.
“Ừ”. Phương Hồi liền gật đầu.
“Hả? Các cậu? Cùng về hả?”. Môn Linh Thảo thốt lên với giọng sửng sốt: “Triệu Diệp, nhà cậu…”.
“Nhà tớ ở Đức Ngoại”. Triệu Diệp nghiến răng ngắt lời cô bạn.
Trần Tầm liền liếc Môn Linh Thảo một cái, cô liền hiểu ý gật gật đầu, ra bộ đã hiểu ra vấn đề, cười rất ranh mãnh.
“Ờ, ờ, ở Đức Ngoại”.
Trên đường về nhà, Triệu Diệp nói chuyện rất rôm rả.
Cậu không còn cách nào khác, nếu cậu không nói chuyện, hai người sẽ yên lặng mãi như vậy, à không, có nói một câu, lúc cuối chia tay nhau sẽ nói: “Bye bye…”.
Thế nên cậu đành phải nói liên hồi, nhưng cậu cũng không cảm thấy vất vả, sở trường của cậu thứ nhất là chơi bóng, thứ hai là nói chuyện.
“Phương Hồi, cậu lạnh không?”.
“Tớ không lạnh”.
“Hay là tớ đưa găng tay của tớ cho cậu? Không sao đâu, đừng ngại, tớ không lạnh!”.
“Không cần đâu, cảm ơn cậu!”.
“Phương Hồi, cậu có biết không, tớ đã phá được một kỉ lục!”.
“Gì vậy?”.
“Từ cấp một đến cấp hai rồi cấp ba, chỉ trong vòng một tuần là tớ đã quen được hết với các bạn trong lớp. Nhưng cậu, cả tháng liền không nói với tớ câu nào!”.
“Vậy hả?”.
“Ừ! Có phải cậu ghét tớ không?”.
“Không”.
“Thế thì tớ yên tâm rồi, nếu không thời cấp ba của tớ sẽ có điều đáng tiếc đấy!”.
Phương Hồi liền nhìn Triệu Diệp, cười ngại ngùng.
Triệu Diệp cũng cười, cậu cảm thấy Phương Hồi rất thú vị, không giống với những cô bạn khác. Mặc dù lặng lẽ, nhưng không giả tạo. Có lúc tần ngần, rất dễ thương.
“À, cấp hai cậu học trường nào?”.
Phương Hồi đột ngột phanh xe lại, hỏi một câu rất cảnh giác: “Cậu hỏi làm gì?”.
“Hả?”. Sự thay đổi thái độ đột ngột của Phương Hồi đã khiến Triệu Diệp khó thích nghi, rõ ràng vừa nãy còn vui vẻ thoải mái, chỉ trong tích tắc đã u ám, lạnh lùng.
“Tớ chỉ… chỉ hỏi… hồi cấp hai cậu học trường nào…”. Cậu lắp bắp nói.
“Tớ không học khối trung học cơ sở của trường mình, trước đây tớ học ở một trường rất tệ”. Chắc là Phương Hồi cũng cảm thấy không ổn, bèn đáp một câu rất dài.
“Ờ, chẳng sao cả. Tớ cũng có học cấp hai ở trường mình đâu, trường bọn tớ còn tệ hơn, tổng điểm thi tốt nghiệp cấp hai của tớ được 556 điểm mà đã là cao nhất trường rồi, nếu không có năng khiếu thể thao thì tớ làm sao vào được trường mình”.
Triệu Diệp tưởng rằng cô tự ti nên vội an ủi cô.
Phương Hồi liền ngẩng đầu lên, cười ngại ngùng và nói với giọng khẩn thiết: “Sau này đừng nhắc đến chuyện cấp hai nữa nhé, cậu cũng đừng nói với người khác có được không?”.
“Ok, bọn mình cùng giữ bí mật, ngoắc tay một trăm năm không thay đổi!”. Triệu Diệp thề chắc như đinh đóng cột.
Từ hôm đó trở đi, Phương Hồi đã bắt đầu thực sự chơi thân với Triệu Diệp. Triệu Diệp thường trêu cô, thỉnh thoảng Phương Hồi cũng cự lại đôi câu. Kiều Nhiên học hành chăm chỉ, tính tình hiền lành, thường xuyên đối chiếu kết quả bài tập với Phương Hồi, mượn vở chép, thế nên hai người cũng chơi với nhau rất hòa bình.
Duy nhất chỉ có Trần Tầm, hai người không thể nào gần gũi được với nhau. Kể cả hàng ngày ăn trưa cùng nhau, trong khi mọi người trêu đùa nhau rất vui vẻ, nhưng Phương Hồi và Trần Tầm dường như mãi mãi không có chuyện gì để nói.
Tuy nhiên, tình trạng này đã có sự thay đổi lớn.
3
Phương Hồi trở thành lớp phó tuyên truyền, là do Trần Tầm cố tình giới thiệu.
Hôm đó là thứ hai - buổi sinh hoạt lớp hàng tuần, vì trong cuộc thi báo tường, lớp (1) chỉ đứng thứ sáu, trong khi cả khối có sáu lớp… Thế nên cô giáo chủ nhiệm Hầu Giai đã giáo huấn cho lớp một bài.
Cô Hầu Giai vừa học xong nghiên cứu sinh ở trường Đại học sư phạm, lần đầu làm công tác chủ nhiệm lớp nên rất tâm huyết, lúc nào cũng mong lớp đạt được thành tích nổi trội. Dĩ nhiên hai từ “nổi trội” và “thành tích” này phải kết hợp với nhau và có hiệu quả, nếu không có thành tích, thì cũng đừng nổi trội. Nhưng lần này, không có thành tích, nhưng lại nổi trội nhất, vị trí bét khối đã khiến cho cô chủ nhiệm rất chán nản. Đặc biệt là trong văn phòng, mấy cô giáo có thâm niên còn nói mát: “Cô Hầu, lạ nhỉ, học sinh đều rất thích hoạt động này mà, lần sau phải khích lệ chúng tích cực hơn”. Cô bực quá mà không nói ra được.
“Các em đến từ khắp nơi, đã đến đây hợp thành một tập thể mới rồi thì phải luôn luôn nghĩ rằng mình là một thành viên của lớp”. Cô Hầu Giai nghiêm mặt nói: “Số báo tường lần này cô không nói là một học sinh nào đó không nghiêm túc, mà là do tất cả học sinh trong lớp đều không coi trọng nó. Mặc dù báo tường chỉ là một tờ giấy, nhưng nó là thứ đại diện cho hình ảnh của lớp. Cô nghĩ các em không ai muốn mình bị học sinh lớp khác chê cười đúng không. Cuối tháng là tết Trung thu, còn phải ra một số báo tường nữa, bây giờ cô muốn trưng cầu ý kiến của mọi người, xem ai có ý tưởng gì hay không, hoặc là bạn nào hồi cấp hai đã từng tham gia làm báo tường hoặc học vẽ gì đó, cũng có thể đứng ra giúp lớp”.
Tất cả mọi người đều cúi đầu, không ai nói gì.
Mặc dù chương trình giáo dục hồi đó cũng đề xướng cái gọi là cá tính và sự độc lập, nhưng chú trọng nhiều đến hình thức và không coi trọng thực chất. Tất cả đều cá tính, độc lập, thì giáo viên còn quản thế nào nữa? Từ khoanh tay lên bàn, xếp hàng thẳng đến giơ tay phát biểu, nhìn phải thẳng, dường như chúng tôi đều đã được chăn thả, nhưng thực chất lại là chăn thả trong chuồng. Bình thường trêu đùa, hò hét thoải mái đến đâu, trước mặt thầy cô đều biến thành những chú cừu trầm mặc. Như chuyện làm báo tường lần này, mặc cho cô giáo nói hào hùng, hiên ngang đến đâu, thì học sinh ngồi dưới hầu hết đều không có phản ứng gì. Chính vì vậy trong giờ sinh hoạt lớp và giờ giáo dục công dân, hầu như mọi người đều thích làm chim đà điểu.
Trong lúc cả lớp yên tĩnh một cách bất thường, Trần Tầm đã giơ tay đứng dậy.
“Trong chuyện này, em với tư cách là lớp trưởng và bạn Hà Sa với tư cách là lớp phó tuyên truyền đều có một phần trách nhiệm. Nhưng em nghĩ các bạn cũng không muốn như vậy, mặc dù Hà Sa là lớp phó tuyên truyền, nhưng trước đây chưa làm báo tường bao giờ. Em cảm thấy cần phải tìm một bạn biết vẽ để giúp bạn Hà Sa thì chuyện này mới làm tốt được. Chính vì thế, em muốn giới thiệu một bạn để để cùng với Hà Sa phụ trách mảng báo tường ạ”.
Cô Hầu Giai nhìn lớp trưởng bằng ánh mắt hài lòng, nói: “Em muốn giới thiệu ai?”.
Dường như Trần Tầm đã có chủ định từ trước, giọng rất dõng dạc: “Bạn Phương Hồi ạ”.
Từ nãy đến giờ Phương Hồi vẫn đang làm chim đà điểu, nghe thấy vậy cô vội giật mình ngẩng đầu lên, cô không thể ngờ rằng Trần Tầm lại nói ra tên cô, nên cô chỉ cảm thấy đầu óc u u minh minh.
“Trước đây Phương Hồi từng học vẽ, vẽ báo tường với bạn ấy chắc chắn sẽ không vấn đề gì ạ!”. Trần Tầm nói tiếp.
Cô chủ nhiệm liền gật đầu, nói với Phương Hồi: “Cô cũng có ấn tượng, hồi nhập học em có ghi trong bản đăng kí là từng học mĩ thuật đúng không?”.
Phương Hồi đứng dậy, tất cả bạn bè đều nhìn về phía cô, đã lâu lắm rồi cô không được mọi người nhìn như vậy, vẻ căng thẳng bất thường khiến cô cảm thấy bất an, mặt đỏ đến tận tai.
Cô liền lí nhí trả lời: “Em đã từng học… nhưng… nhưng…”.
“Thế thì số báo tường kì tới em và Hà Sa sẽ phụ trách nhé, các bạn khác không có ý kiến gì chứ?”. Cô chủ nhiệm hỏi.
“Không ạ! Không ý kiến gì ạ!”. Triệu Diệp cố tình nói lớn.
Phương Hồi hậm hực lườm cậu ta một cái, ánh mắt lướt qua Trần Tầm, nét mặt cậu lại tỏ ra rất thản nhiên.
Sau khi tan học, Phương Hồi bước đến chỗ Trần Tầm ngồi, đây là lần đầu tiên cô và Trần Tầm nói chuyện trực tiếp với nhau, nhưng cô vẫn cúi đầu.
“Sao lại bảo tớ làm? Tớ…”.
“Lần trước ăn cơm nghe Tiểu Thảo nói cậu đã từng học vẽ, không phải còn đạt giải nhì của quận đó sao”. Trần Tầm liền ngắt lời cô.
“Nhưng, tớ chưa bao giờ vẽ báo tường…”. Phương Hồi không ngờ Trần Tầm còn nhớ chuyện này, lần trước cũng chỉ nói sơ qua thôi mà.
“Biết vẽ là được rồi, cậu nhìn cái cây mà lần trước Hà Sa vẽ đó, ai không biết lại tưởng là bó rau cần!”. Trần Tầm cố gắng nhìn vào mắt cô, nhưng chỉ nhìn thấy đám tóc mái lưa thưa, hai hàng mi của cô vẫn chớp chớp, khiến đối phương chỉ muốn gạt tóc ra nhìn.
“Nhưng…”.
“Không sao đâu, đến lúc đó tớ sẽ giúp cậu”. Kiều Nhiên ôm một chồng vở bài tập bước đến: “Tớ không biết vẽ, nhưng tô màu, viết chữ gì đó vẫn làm được”.
Phương Hồi liền nhìn Kiều Nhiên bằng ánh mắt cảm kích, gật đầu rồi lặng lẽ quay về bàn của mình.
Giây phút đó, cuối cùng Trần Tầm đã nhìn thấy mắt cô, nhưng ánh mắt dịu dàng đó không dừng lại ở chỗ cậu.
Trần Tầm cố tình làm như vậy.
Vì đột nhiên cậu phát hiện ra rằng, trước cô bạn này, cậu đã tụt hậu so với hai cậu bạn thân.
Ví dụ như lúc ăn cơm, Triệu Diệp nói thích ăn khoai tây, bữa nào trong hộp cơm có khoai tây, Phương Hồi đều sẻ cho cậu ta một ít. Còn Trần Tầm cũng đã từng nói thích ăn cải thảo, nhưng Phương Hồi chưa lần nào sẻ cho cậu. Hoặc là bài tập có bài nào không làm được, Phương Hồi toàn hỏi Kiều Nhiên, thực ra môn vật lí cậu học giỏi hơn Kiều Nhiên, nhưng Phương Hồi chưa từng hỏi cậu. Kể cả khi hai người đó vắt óc hồi lâu mà không tìm ra đáp án, nếu Trần Tầm chủ động đến giảng cho bọn họ, thì cuối cùng cũng vẫn thành ra là Trần Tầm giảng cho Kiều Nhiên, sau đó Kiều Nhiên lại giảng lại cho Phương Hồi.
Quá đáng nhất là, có lần trước giờ kiểm tra trắc nghiệm tiếng Anh, Phương Hồi nói chuyện với Kiều Nhiên: “Không biết đề ra thế nào nhỉ, có khó hay không?”. Đúng lúc Trần Tầm đi ngang qua, thế là cậu bèn dừng lại nói: “Lớp (2) vừa kiểm tra xong, khó lắm, bốn mặt giấy liền, hai tiết không làm hết!”. Chủ ý của cậu là nói với Phương Hồi, nhưng Phương Hồi lại quay đi, chỉ còn lại Kiều Nhiên thở ngắn than dài một hồi. Một lát sau cô ngoảnh đầu lại, Trần Tầm tưởng rằng cô chuẩn bị nói gì, không ngờ cô lại rút ra một quyển vở và đưa cho Kiều Nhiên, nói: “Bài tập ngày hôm nay, tan học nhớ trả tớ nhé”. Sau đó lại quay đi mà không đếm xỉa gì đến cậu.
Cảm giác ấm ức đó, thật là… nước sông cuồn cuộn chảy về đông…
Chính vì thế cậu quyết định, bất luận thế nào, cũng phải để Phương Hồi chính thức đối mặt với mình một lần.
Thực ra lúc đó Trần Tầm làm như vậy, cũng chỉ vì không chấp nhận được thái độ thờ ơ của Phương Hồi đối với cậu chứ không có ý đồ gì.
Tôi rất hiểu cậu ta, hồi đó chúng tôi còn trẻ, còn có thể chỉ vì một suy nghĩ nhất thời trong đầu mà cố gắng làm, còn có thể thích ai, ghét ai, không phục ai một cách thoải mái, còn có thể làm theo ý mình mà không nghĩ đến việc sau này sẽ xảy ra chuyện gì, thay đổi chuyện gì.
Có lẽ sẽ có người nói đây là sự bướng bỉnh và ích kỉ, tuy nhiên, bây giờ tôi cảm thấy chúng tôi đã trưởng thành, đã học được cách đối nhân xử thế khéo léo, đã và đang âm thầm lặng lẽ làm việc ở mọi ngóc ngách, sẽ không hối hận vì mình đã từng viết cho tuổi thanh xuân của mình bằng thái độ thẳng thắn như vậy.
Giống như Trần Tầm, tôi nghĩ cậu ta chưa bao giờ cảm thấy hối hận trước quyết định của mình ngày ấy.