Năm tháng vội vã - Phần II - Chương 04 - 05
4
“Em có ghét cậu ấy không?”. Nghe đến đây, không kìm được tôi bèn lên tiếng: “Hoặc là thích cậu ấy nên cố tình tránh mặt cậu ấy?”.
Phương Hồi liền lắc đầu, cô mân mê hình chú gấu nhỏ trên chiếc cốc của Hoan Hoan, tiếng gõ của móng tay lên mặt sứ và giọng nói nhẹ nhàng của cô đã biến thành một giai điệu hoài cổ trong sự thay đổi của không gian và thời gian.
“Không thích cũng không ghét. Anh có biết không, có một mẫu người luôn tỏa ra ánh hào quang, đứng dưới luồng sáng này chúng ta sẽ cảm thấy ấm áp và dễ chịu, nhưng nếu đứng quá gần, thì chói mắt. Hơn nữa đứng bên cạnh luồng sáng đó, chúng ta sẽ cảm thấy mình u ám hơn. Chính vì vậy, so với Trần Tầm rực rỡ ánh hào quang, có lẽ em thích Kiều Nhiên hơn”.
Tôi không nói gì, tiếp tục lắng nghe. Tuy nhiên, tôi nghĩ, ở độ tuổi đó mọi tình huống đều có thể xảy ra. Tư duy chưa đủ chín chắn để bắt cuộc sống phù hợp với logic, chính vì vậy một người nổi bật như Trần Tầm và một người mờ nhạt như Phương Hồi có thể tạo ra kết tủa hoặc luồng khí nếu thực hiện phản ứng hóa học với nhau.
Xét cho cùng, năm tháng trôi qua, chỉ vì tuổi còn quá trẻ.
Phải mất ba ngày mới hoàn thành tờ báo tường cho Tết Trung thu.
Ngày đầu tiên, Hà Sa, Trần Tầm, Kiều Nhiên, Tiểu Thảo đều ở lại giúp. Triệu Diệp cũng thừa cơ lấy lí do để khỏi phải đi tập bóng, cậu không biết gì về mấy trò vẽ vời, thấy gì cũng mới mẻ, nên hết sờ cái này, lại mó cái kia. Mấy lần, không làm gãy bút chì thì giẫm vào giấy vẽ, đã không giúp được việc gì lại còn quấy rối thêm.
Phương Hồi cười đau khổ khi lại phải chữa cây cọ sơn bị Triệu Diệp bất cẩn làm gãy: “Sao cậu không xuống tập bóng? Thấy bảo có nhiều con gái ngồi xem lắm mà!”.
Triệu Diệp liền khua khua tay, nói: “Đám đó nhỏ quá, mặt mũi lại ghớm như vậy, không ăn thua! Đội bọn tớ đều nói rằng, con gái trường F vừa ngoảnh đầu, con trai trường F phải nhảy lầu. Con gái trường F vừa ngoảnh đầu, Trung Đông không còn sản xuất dầu. Con gái trường F vừa ngoảnh đầu, sao chổi Halley đâm địa cầu! Con gái trường F…”.
“Này! Cậu nói thế là có ý gì!”. Tiểu Thảo vẩy mạnh cây bút lông đang cầm trên tay nói: “Bọn tớ cũng đều là con gái trường F, có gì là xấu chứ?”.
“Oái! Chiếc áo Nike của tôi!”. Triệu Diệp nhìn vết mực trên áo với vẻ mặt đau khổ.
Thừa cơ Kiều Nhiên liền đẩy cậu ta ra ngoài, nói: “Mau ra nhà vệ sinh gột đi, nhỡ cây bút của Tiểu Thảo để lại vết đấy, hay à tôi vẩy thêm đường nữa cho cân?”.
Triệu Diệp lao đi ngay, cuối cùng Phương Hồi cũng thở phào nhẹ nhõm, dường như Trần Tầm cũng đã nhận ra vẻ ngao ngán của cô, bèn nói: “Cậu cứ tập trung vẽ, lát tớ sẽ ra ngoài cửa canh chừng, tuyệt đối không cho hắn vào nữa. Hắn mà còn gây gổ thì tớ sẽ xuống sân gào tên hắn, huấn luyện viên đang ở dưới đấy, hắn sợ huấn luyện viên lắm, chắc chắn sẽ ngồi yên thôi”.
Phương Hồi cúi đầu cười, thu dọn rồi bắt đầu lại từ đầu. Cô hết sức chăm chú, mang hết màu nước, bút vẽ ở nhà đến, đầu tiên là phác thảo lên giấy bằng bút chì, sau đó lại ghi chú hình ảnh rất quy cách. Vì sợ bị phai màu nên ngay cả nước rửa bút lông Phương Hồi cũng thay liên tục.
Do Triệu Diệp quấy rối, cộng với việc Tiểu Thảo và Hà Sa ngồi bên cười nói, chuyện trò rôm rả, Trần Tầm và Kiều Nhiên bàn chuyện liên hoan tết Trung Thu, nên mặc dù người nhiều nhưng chẳng ai giúp gì được cô cả. Thế nên đến cuối ngày, mới chỉ vẽ xong bản phác thảo.
Tình hình ngày thứ hai cũng không khá hơn được bao nhiêu. Đến ngày thứ ba, Triệu Diệp và Tiểu Thảo đã bỏ cuộc nên không đến, Kiều Nhiên thì bị cảm, Phương Hồi khuyên mãi cậu mới chịu về nhà, vì có việc nên Hà Sa chỉ ở lại đến sáu giờ rồi về. Cuối cùng, chỉ còn lại Trần Tầm và Phương Hồi.
Mùa thu trời tối sớm, Trần Tầm bật hết đèn trong lớp học. Dưới ánh đèn sáng rực, Phương Hồi khom người trước bàn vẽ, chiếc bóng nhỏ của cô in hình xuống trang giấy. Sân trường vắng vẻ, trong phòng chỉ có tiếng bút, tiếng tẩy cọ sát trên giấy, Trần Tầm ngồi trên ghế bên cạnh, lặng lẽ nhìn Phương Hồi tô màu.
Có lẽ do ít chuyện trò nên cậu chăm chú theo dõi từng động tác nhỏ của Phương Hồi. Ví dụ cô gạt tóc ra sau tai bằng mu bàn tay, hoặc cô gạt nhẹ bụi tẩy bằng đầu ngón tay, hoặc cô cúi đầu xuống nói chuyện. Trần Tầm rất thích nhìn cô làm như vậy, mặc dù nếu cũng giống Tiểu Thảo, buộc tóc đuôi ngựa đằng sau, phùng mang thổi bụi tẩy đi, mỉm cười, vừa vẽ vừa nói chuyện cũng rất dễ thương, nhưng cậu thích vẻ nhẹ nhàng, đặc biệt của Phương Hồi hơn.
“Cậu xem xem dòng chữ này có bị lệch không?”. Phương Hồi ngẩng đầu lên, đúng lúc chạm phải ánh mắt của Trần Tầm, mặt cô đỏ bừng, vội đưa mắt nhìn ra chỗ khác.
Trần Tầm bước đến, nhìn một lát rồi nói: “Không lệch, không lệch đâu! Chữ đẹp quá, sao không giống với nét chữ bình thường của cậu?”.
“Ừ, đây là phỏng theo kiểu chữ Tống. Thực ra tớ viết không đẹp, ba tớ viết mới đẹp, tớ học lỏm ba tớ thôi”.
“Đẹp lắm, ba cậu cũng vẽ tranh à?”.
“Không, ba tớ vẽ sơ đồ thôi”. Phương Hồi lấy thước ra đo rồi nói: “Tiếp theo sẽ tẩy hết đường chì đi là xong, cái này tớ tự làm được, cậu về trước đi, bắt cậu phải giúp ba ngày rồi”.
“Không, tớ không vội đâu, đợi cậu về cùng cả thể”. Trần Tầm vội nói: “Cậu làm báo tường là giúp nhiều cho tớ rồi, nếu không tớ thực sự không biết ăn nói với cô chủ nhiệm thế nào”.
“Cảm ơn cậu”. Phương Hồi cười nói.
Trần Tầm rất hào hứng, cậu lấy máy nghe nhạc vẫn mang theo ra, mở nhạc, bỏ tai nghe ra và điều chỉnh âm lượng ở mức cao nhất. Máy nghe nhạc không phải loại xịn, bài hát đang bật đang phát đến đoạn: “Rất muốn nói rằng anh thực sự yêu em, rất muốn nói câu xin lỗi em, em khóc và nói tình duyên đã hết, khó nối lại, khó nối lại… Một cô gái như em, khiến anh buồn, khiến anh vui, khiến anh cam lòng hi sinh tất cả…”.
Trần Tầm và Phương Hồi vừa ngân nga khe khẽ vừa hoàn thành tờ báo tường. Họ đứng lên ghế, mỗi người cầm một đầu, căn cho thẳng, trong lúc dán lên tường, hai người đã nhìn nhau cười.
Lúc ra khỏi khu giảng đường, họ vô cùng vui mừng khi nhìn thấy căng tin chưa đóng cửa, thế là hai đứa đã cùng mua hamburger và trà đen lạnh đóng túi, ngồi trên cây xà kép ở sân bóng ăn một bữa tối đơn giản. Ánh trăng hắt qua kẽ lá tỏa xuống, lốm đốm, có lẽ vì trong đêm tối, thế nên cái mà Phương Hồi gọi là ánh hào quang trên người Trần Tầm cũng đã dịu hơn, khiến cô có thể yên tâm ngồi bên cạnh cậu.
“Cảm ơn cậu”. Phương Hồi vừa đung đưa chân vừa nói.
“Cậu khách sáo quá! Tớ đã nói, thực ra là cậu giúp tớ mà”. Trần Tầm cười nói: “Cậu vẽ đẹp thật đấy! Lần này chắc chắn lớp mình sẽ đạt giải nhất”.
“Cũng chưa chắc, khả năng của tớ có hạn, chỉ được như vậy thôi”.
“Phương Hồi”. Đột nhiên giọng Trần Tầm tỏ ra hết sức nghiêm túc: “Tớ cảm thấy rất đẹp, thật đấy, rất đẹp”.
Tôi nghĩ, mọi người ai cũng thích nghe mình được khen, dù lời khen ấy có thật lòng hay không. Chính vì thế, trước ánh mắt của Trần Tầm, cuối cùng Phương Hồi đã đón nhận. Cô khẽ mỉm cười, nụ cười rất rạng rỡ.
Đoạn này Phương Hồi kể rất tỉ mỉ, cô mặc chiếc áo khoác đỏ, Trần Tầm mặc áo màu trắng, bút màu Hero đựng trong túi đựng bút, máy nghe nhạc là của hãng Aiwa, nghe bài hát Khiến anh buồn, khiến anh vui của Chu Hoa Kiện(*), bánh hamburgerr thịt gà ba tệ rưỡi một cái, trà đen lạnh của hãng Thống Nhất, trăng chỉ còn thiếu một chút xíu nữa thôi là tròn vành vạnh, cây trong trường là cây hòe, xà kép làm bằng đồng, có thể nâng lên hạ xuống…
Sau nhiều năm, nhìn cô nheo mắt nhắc lại những kỉ niệm này, đột nhiên tôi cảm động và chỉ muốn khóc. Hay nói một cách văn chương là tôi đã nhìn thấy chiếc bóng của hạnh phúc và cũng đã ngửi thấy mùi vị của nỗi buồn. Nói một cách thô tục là vẻ mơ màng đó của Phương Hồi đã khiến hormon Adrenaline(**) trên tuyến thượng thận của tôi dư thừa.
Tôi thấy thương cho Phương Hồi, muốn nắm chặt tay cô, không phải là vì tôi cầm thú đến mức có ý định đồi bại gì với một cô gái có tâm hồn yếu ớt, mà là vì tôi phát hiện ra bàn tay của cô đang run rẩy…
(*) Chu Hoa Kiện (1960) là một ca sĩ trong làng nhạc Hoa ngữ Hồng Kông.
(**) Một loại hormone do cơ thể sản xuất ra khi bạn sợ hãi, tức giận hay thích thú, cái mà làm cho nhịp tim đập nhanh hơn và cơ thể chuẩn bị cho những phản ứng chống lại sự nguy hiểm.
5
Ông trời không phụ lòng người, báo tường của lớp (1) giành được giải nhất.
Kết quả vừa công bố, từ cô phụ trách khối, cô chủ nhiệm lớp, đến cán bộ lớp, tổ trưởng và bạn bè trong lớp, nhìn thấy Phương Hồi đều cười tươi như hoa.
Sau mấy ngày lạ lẫm, cuối cùng Phương Hồi cũng bắt đầu quen dần với nụ cười của mọi người, buổi sáng đi xe đạp đến trường, gặp bạn bè, cô không còn cúi đầu tránh mặt mà đã ngẩng đầu lên chào bạn bè.
Người thích nhìn cô như vậy nhất là Trần Tầm, bởi vì với tư cách là bạn học cùng lớp, dĩ nhiên là Phương Hồi cũng đã mỉm cười với cậu.
Năm đó trường F chính thức bắt đầu tiến hành cải cách đội ngũ giáo viên, thế nên trường có thêm không ít giáo viên mới là nghiên cứu sinh tốt nghiệp các trường sư phạm nổi tiếng. Thầy hiệu trưởng trường F đã tổ chức một buổi gặp gỡ thầy trò toàn trường, trong cuộc họp, thầy đã phát biểu rất hăng say, nói trường F hội tụ sức mạnh của năm châu bốn bể, học sinh ngồi dưới cười, nói trường F cũng hội tụ tiếng địa phương của năm châu bốn bể.
Hồi đó, nói tiếng phổ thông chưa trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên trong công tác giảng dạy, cũng phải làm bài sát hạch để cho đạt yêu cầu, nhưng cũng chỉ sơ sơ rồi cho qua. Chính vì vậy, mỗi lần bước trên hành lang yên tĩnh trong giờ học, đều nghe thấy đủ các loại tiếng địa phương vô cùng đặc sắc.
Một hôm trong giờ hóa, thầy Lưu lại bắt đầu bài biểu diễn trước cả lớp.
“Ờ… các em giở sang trang 247… ờ, câu thứ hai trang 247, ờ, Lù hùa là…” (Mọi người giở sách bài tập hóa trang số 217, câu thứ hai trang 217, Lǖ hùa nà(*)).
Triệu Diệp ngồi dưới ôm bụng cười ngặt nghẽo rồi quay sang hỏi Trần Tầm: “Ghi đi! Bao nhiêu lần rồi!”.
Trần Tầm lại vẽ thêm ba dấu tích nữa xuống giấy, đếm sơ qua rồi nói: “Hai tám”.
Triệu Diệp nhìn đồng hồ, cười càng khoái chí hơn.
“Chết mất! Kỉ lục mới, mới được sáu phút mà hai mươi tám từ ‘ờ’!”.
“Đừng cười nữa, thầy Lưu đang nhìn ông kìa!”. Kiều Nhiên nhắc nhỏ.
“Em kia, ờ, chú ý kỉ lục trong giờ học!” (Em kia, chú ý kỉ luật(**) trong giờ học). Thầy Lưu cau mày nói.
(*) Vì phát âm sai: Nhị thập thất (thập (shí)) thành nhị tứ thất (tứ (sì)), NaCl (Lǖ hùa nà) thành đụng xe (Lù hùa là).
(**) Từ luật (lǖ) phát âm sai thành lục (lù). Ngoài ra trong câu này, thầy Lưu còn phát âm sai từ học sinh (tóng xúe) thành (tóng xiào); từ chú ý (zhù yì) thành zhǓ yì (trận chính).
Triệu Diệp vội cúi đầu xuống, quay đi giả vờ đọc sách.
“Ờ, Lù hùa là (NaCl), ờ…”.
Đến nước này thì Triệu Diệp không thể nhịn được nữa, cậu lại bật cười, lần này thì thầy Lưu đã giận thực sự, thầy bước nhanh xuống bàn cuối, bực bội quát: “Cậu đứng ngay dậy cho tôi, rốt cuộc là cậu có thái độ gì hả? Câu này cậu biết rồi hả? Vậy cậu giảng cho cả lớp nghe đi!”.
Thầy Lưu nhét sách bài tập vào tay Triệu Diệp và nhìn cậu bằng ánh mắt nảy lửa.
Mọi người đều đổ dồn ánh mắt xuống cuối lớp, Triệu Diệp nhịn cười mặt đỏ tía tai, một hồi lâu mới ngẩng đầu lên, nét mặt lộ rõ vẻ ngây thơ, thật thà, tựa như cậu học sinh tiểu học không làm được bài.
Sau đó, cậu học sinh tiểu học khổng lồ này liền lên tiếng, cậu nói: “Ờ… thưa thầy, em không biết”.
Cả lớp cười nghiêng ngả…
Kết quả là thầy Lưu lôi Triệu Diệp lên ngay văn phòng khối, bị các thầy cô khác phê bình giáo huấn một hồi, rõ ràng là bản kiểm điểm tám trăm chữ theo quy định bình thường không dập tắt được cơn thịnh nộ của các thầy cô, họ đã yêu cầu Triệu Diệp phải viết bản kiểm điểm dài một nghìn năm trăm chữ và không được sai một chữ, rồi xin chữ kí phụ huynh.
Sau khi bị phán quyết như vậy, Triệu Diệp như bị dội gáo nước lạnh, mặt mày thiểu não, cả buổi chiều uể oải, chán chường, sau khi tan học có trận thi đấu bóng đá với lớp (5) mà cậu cũng không chịu tham gia.
Kiều Nhiên liền kéo cậu nói: “Đi thôi, mọi người đang đợi, cậu không đi ai làm thủ môn!”.
Triệu Diệp cúi đầu thu dọn sách vở: “Không đi! Đây còn phải viết bản kiểm điểm nữa! Bảo Chu Hiểu Văn thay tôi!”.
“Kéo chân Chu Hiểu Văn cho dài thêm thì mới đến được thắt lưng cậu! Đùa gì vậy!”. Trần Tầm cũng bước đến khuyên: “Bản kiểm điểm có gì là khó viết! Ông thu thập tất cả các bản kiểm điểm trước đây ông đã viết lại thành một, một nghìn năm trăm chữ, chuyện vặt!”.
“Không được, yêu cầu phụ huynh phải kí tên, ông bô tôi mà biết được chuyện này chắc chắn sẽ tẩn cho một trận nhừ tử, tôi phải giữ sức chứ!”.
Trần Tầm liền nảy ngay ra một kế: “Tôi sẽ tìm người kí tên cho ông, để ông yên tâm đi đá bóng với bọn tôi được không?”.
“Đùa gì vậy, bảo bố ông kí cho tôi à?”.
“Không, đợi một lát”. Nói rồi Trần Tầm liền chạy ra ngoài.
Hồi đó giáo viên và phụ huynh liên lạc với nhau không thuận tiện như bây giờ, chính vì thế chiêu giáo viên thích dùng nhất là bắt phụ huynh kí tên, nào là bài kiểm tra, thông báo thu tiền, bản kiểm điểm đều phải có chữ kí của phụ huynh. Ý muốn nói rằng tình hình học hành, thu tiền và còn những chuyện mà con bác đã làm, bác phải nắm được hết. Nhưng dĩ nhiên là học sinh có rất nhiều chuyện không muốn để bố mẹ biết, đặc biệt là những vị học hành chểnh mảng, đố dám đưa bài kiểm tra chi chít bút đỏ ra cho bố mẹ xem! Có câu tục ngữ nói rằng “đạo cao nhất xích, ma cao nhất trượng”(*), có cầu thì ắt sẽ có cung và thế là mỗi lớp đều có một hai học sinh bắt chước được chữ kí của phụ huynh. Không nhất thiết là phải bắt chước nét chữ, chỉ cần nét chữ nhìn già dặn là được, đằng nào thì bình thường không có giáo viên nào đối chiếu từng chữ một.
(*) Đạo chỉ cái thiện, cái chính tâm; ma là cái ác, cái tà tâm; một xích bằng 0,33cm; một trượng bằng mười xích.
Trong lớp Phương Hồi, vị cao thủ làm được việc này là Môn Linh Thảo.
Lúc Trần Tầm tìm thấy Tiểu Thảo ở cầu thang, cô đang cùng Phương Hồi đi xuống dưới. Trần Tầm liền ngăn bọn họ lại: “Đừng về vội, giúp hộ tớ một việc nhỏ với!”.
Tiểu Thảo nhìn cậu hỏi: “Việc gì?”.
“Hôm nay Triệu Diệp bị thầy phạt viết bản kiểm điểm, cậu giúp hắn kí tên hộ được chứ?”.
“Không được, cậu không thấy hôm nay cô chủ nhiệm Hầu Giai tức thế nào à, nhỡ bị cô phát hiện là chữ kí giả thì tớ cũng phải viết bản kiểm điểm chứ chẳng chơi!”.
“Haizz, không sao đâu, chữ cậu kí giống như vậy, chắc chắn cô không phát hiện ra đâu, kể cả là sự việc có bại lộ thì chắc chắn bọn tớ có đánh chết cũng sẽ không khai ra cậu! Tớ thề đấy!”.
Tiểu Thảo liền bật cười, Trần Tầm thấy đã ổn thỏa, bèn nói: “Xin cậu đấy! Cậu mau lên, lát nữa bọn tớ còn phải đá bóng với lớp (5) nữa, chuyện này không xong thì Triệu Diệp không đi đâu”.
“Đá bóng hả? Thế thì tớ cũng đi!”. Tiểu Thảo hào hứng nói.
“Ok! Bắt Triệu Diệp mời cậu kem!”. Trần Tầm liền kéo cô đi, bước được hai bước dường như nhớ ra điều gì, lại ngoảnh đầu lại nói: “Phương Hồi, đi cùng nhé!”.
Phương Hồi lắc đầu, nói: “Các cậu đi đi, hôm nay tớ không đi xe đạp”.
“Không sao! Tớ chở cậu!”.
Trần Tầm nhìn cô, cười rất rạng rỡ.
Hồi đó các lớp rất hay thi đấu bóng đá, bóng rổ với nhau. Trường F không có sân bóng đủ tiêu chuẩn, cứ điểm của bọn họ là đá sau khu tường thành Đông Hoa Môn, ít người, thưa xe lại rộng rãi. Ở đó cũng không có dụng cụ chuyên nghiệp gì, xếp cặp sách coi như là hai khung thành, đặt gạch ở hai góc coi như là cờ góc, nhưng đá vẫn rất say sưa.
Hôm đó Trần Tầm đá rất hay, vừa vào sân đã dội được vào khung thành của đối phương hai quả. Cậu bắt chước cầu thủ Shiller giơ tay cao lượn hai vòng, đang lúc hào hứng thì nhìn thấy Phương Hồi đưa cho Kiều Nhiên một chai nước, hai người vừa cười vừa nói chuyện với nhau.
Và thế là cậu cũng thấy hậm hực, rõ ràng người đưa bóng vào lưới là mình, người chạy mệt nhất là mình, tại sao không thấy nàng ta đưa nước cho mình? Kiều Nhiên đá ở vị trí hậu vệ, tiền đạo của lớp (5) đá đuột như vậy, từ đầu đến cuối cậu ta đá rất nhẹ nhàng, thế mà vừa giải lao Phương Hồi đã đưa nước cho cậu ta?
Nghĩ vậy Trần Tầm liền chạy ra biên, gọi với về phía Phương Hồi: “Cho tớ chai nước!”.
Kết quả là Phương Hồi vẫn không có động tĩnh gì, cuối cùng là Tiểu Thảo, vội vàng mở chai nước đưa cho cậu, lại còn khen cậu mấy câu.
Trần Tầm hậm hực đá thêm nửa hiệp nữa, lúc thay người giải lao, cậu nhìn thấy Phương Hồi lại bước về phía Kiều Nhiên.
“Muộn rồi, tớ về trước đây”. Phương Hồi nói.
“Ừ, thế cậu đi cẩn thận nhé”. Kiều Nhiên nhìn lên trời nói.
“Ừ, bye bye!”. Phương Hồi vẫy tay, đeo ba lô rồi đi qua trước mặt Trần Tầm.
Tuy nhiên trong lúc cô chuẩn bị bước ra đường thì đột nhiên nghe thấy tiếng Trần Tầm gọi tên cô sau lưng.
Phương Hồi ngoảnh đầu lại thì thấy Trần Tầm đã đứng dậy, nắng chiều vượt qua bức tường thành cổ và hắt xuống người cậu, đỏ rực.
Trong sắc đỏ này, Trần Tầm cười nói: “Đừng về vội, lát nữa tớ sẽ chở cậu về!”.