42. Anh Hùng Sao Lại... Nằm Queo Trong Thuyền?
Nhắc đến cụ Phan-Bội-Châu, một nhà ái quốc Việt-Nam, đồng bào ta ai còn lạ gì về thân thế và sự nghiệp của cụ và không ai không khỏi kính phục bước đường tranh đấu gian nan vì cách mạng, vì dân tộc của cụ.
Cụ xuất thân là một vị thủ khoa, nhưng văn thơ chứa đầy tư tưởng cách mạng của cụ để lại cho đời sau không biết bao nhiêu kể. Ngay đến các nhà cách mạng, các tay văn hào ở Trung-quốc như Tôn-Dật-Tiên, Lương-Khải-Siêu cũng phải khen cụ là một bực văn chương lỗi lạc.
Đồng bào ta rất nhiều người thuộc thơ văn của cụ, nhưng có một bài sau đây thì rất ít người biết.
Bài thơ này ngắn, nhưng đối với cụ suốt một đời bôn ba, khi ở trong nước, lúc bôn ba hải ngoại, lúc nằm trong lao tù của thực dân, phong kiến, cả một thuở bình sinh chưa có bài nào đối với cụ được gọi là khích lệ tâm hồn bằng. Đọc bài thơ này, chính cụ cũng phải nhìn nhận là tuyệt tác, chẳng những hay về hình thức lẫn nội dung, mà còn là tóm tắt phê bình được cả một quãng đời hoạt động của cụ, gọi lên tinh thần cụ một mối tình thấm thía, vô cùng xúc cảm ở trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân đau khổ đang chờ tay cứu vớt của những bực anh hùng hào kiệt.
Khi nhà nước « Lang-Sa » bắt cụ đưa về an trí ở Huế, thường thường cụ hay ở một chiếc thuyền nan trên sông Hương để sống gần gũi với anh em bình dân. Chuỗi ngày buồn lê thê dằng dặc bên cạnh con người đầy nhiệt huyết vì dân tộc và tổ quốc sống trong cảnh chim lồng cá chậu lúc đó, cụ chỉ còn biết tiêu khiển bằng những câu hò giọng hát của các anh chị em lái đò.
Cụ thích nghe và đặt tiền thưởng cho những ai hò mà được cụ chấm cho là hay. Thường lệ hễ được thì cụ gọi lại và trao cho một cắc. Một cắc thôi, nhưng các bạn nên nhớ rằng đối với lúc đó là lớn lắm, bằng cả chục bây giờ.
Một bữa nọ, có một em nhỏ hò. Không biết em hò thế nào, có hay không mà bất mãn vì không được cụ thưởng. Em tức lắm. Thế rồi đêm ấy em mới hò một bài để quyết tấn công tinh thần cụ, gián tiếp bảo cụ chưa phải là một bực anh hùng.
Trăng thanh gió mát, chèo một con thuyền đi ngang chỗ cụ nằm, em cố lấy giọng mà hò to lên rằng :
Thái-bình-dương gió thổi,
Chiếc buồm em trôi nổi tựa cánh bèo.
Sao không ra giúp chống đỡ chèo ?
Anh hùng sao lại nằm queo trong thuyền ?
Phải anh hùng thì ra giúp chống đỡ chèo khi còn thuyền dân tộc đang bị cơn sóng gió, chớ sao lại nằm ở một nơi. Bài hò của em thật chí lý lắm vậy thay. Cho nên đã làm cụ khi nghe phải chứa chan đôi dòng lệ, nghĩ tủi cho thân thế và sự nghiệp của mình :
Những tưởng anh em đầy bốn bể,
Nào ngờ trăng gió nhốt ba gian.
Nghe bài ấy, cả đêm thao thức, cụ không sao ngủ được. Cụ phải thưởng cho em hò nọ hai cắc và hỏi thăm, bài ấy ai đặt. Cụ muốn biết tác giả, nhưng em nhất định giấu. Cụ tấm tắc khen hoài, cho đây với tác giả, tuy mình không biết tên biết mặt, nhưng chắc chắn cũng là người đồng tâm đồng chí.
Thế rồi sáng sau gặp cụ Huỳnh-Thúc-Kháng đến thăm. Cụ kể lại, cụ Huỳnh cũng nhận là bài hò đặc sắc. Cả hai cụ cùng tâm sự và cùng bùi ngùi than :
- Thế mới biết người đời để ý đến từng nhất cử nhất động của mình và đất nước hiện này đang thống thiết gọi mình. Than ôi ! Sự thế biết làm sao bây giờ. Người có nhiệt huyết thì bị giam ở đây, còn kẻ giá áo túi cơm, cõng rắn cắn gà nhà thì tung bay nhan nhản. Song ở trên bến này còn có câu hò ấy thì giang san ta chưa phải đã hết những anh hùng hào kiệt.
Chúng tôi nhắc chuyện này để hiến quý đồng bào và xin những ai tự phong là anh hùng hào kiệt hãy nghiền ngẫm lấy bốn câu thơ ấy.