43. Văn Ba Kỷ Niệm Chó
Đối với Tây-phương, chó là một con vật có nghĩa. Nhưng ở Việt-Nam, người ta lại cho chó là một con vật hầu như gồm đủ mọi tật xấu : ngu như chó, dốt như chó, dại như chó, tham ăn như chó và tệ bạc như chó v.v… Thậm chí, chó đã chết trôi trên sông rồi mà nhà thơ trào phúng của Đồng-nai, Bến-nghé, ông Học-Lạc cũng còn hò ra để ám chỉ vào những hạng người túi cơm giá áo, nước mất đã không biết tìm cách lấy lại, còn đi ỷ vào thế giặc để lên mặt với đời :
Sống thì bắt thỏ, thỏ kêu rêu,
Thác thả dòng sông xác nổi phều.
Vằn vện sắc còn phơi lững đững,
Thúi tha danh hãy nổi lều bều.
Tới lui bịn rịn loài tôm tép,
Đưa đón lao xao lũ quạ diều.
Một trận gió dồi cùng sóng dập,
Tan tành xương thịt biết bao nhiêu.
Thật ra, chó không phải là vật quá tệ như thế đâu. Theo tôi, nó quả là một con vật khôn, một con vật có nghĩa như người Tây-phương nói. Chỉ khi nào điên, nó mới cắn càn thôi.
Chẳng những thế, theo cụ Phan-Sào-Nam, chó còn là con vật có trí, có nhân và có dũng.
Nhân nói chuyện về cụ, một ông bạn ở Huế, trước đây có kể cho tôi nghe một giai thoại văn chương của cụ là chuyện làm bia kỷ niệm chó.
Lúc cụ bị thực dân Pháp và triều đình Huế giam lỏng ở núi Ngự sông Hương và ngăn đón bao phủ bí mật xung quanh cụ bằng một hàng rào những tay sai mật thám. Tuy thế, nhưng bạo lực của chúng chỉ giam được người cụ, chớ đâu giam nổi được tinh thần.
Nhà cụ lúc đó có nuôi một con chó và tên là « Ky » khôn lắm. Vì thế cụ quý nó hết sức.
Khi nó chết, người ta cũng tưởng cụ sẽ cho người đem « nhân táng » nó. Nhưng không, cụ đem chôn cẩn thận, chẳng những kỹ hơn cả người Âu, người Mỹ, khi chó chết, đem táng vào một nghĩa trang riêng, mà cụ còn dựng cho nó một tấm bia gỗ để kỷ niệm công đức.
Bài bia ấy như sau :
Người có đức nhân, hơi kém về phần trí,
Kẻ có đức trí, hơi kém về phần nhân.
Vừa trí vừa nhân, thực là ít thấy.
Ai ngờ con Ky này,
Lại đủ hai đức ấy.
Chung nhau thờ một chủ, thời xem nhau là anh em, chẳng bao giờ như mèo với chó, thực là nhân đó.
Thấy không phải chủ, thời xem bằng cừu thù, chẳng bao giờ vì miếng ngon dẫn dụ, thực là trí đó.
Trí vừa nhân, nhân vừa trí, trông giống sức mà người e, đều mày mới thấy.
Sao mày vội chết ?
Hỡi trời hỡi trời !
Lòng ta đau đớn,
Phải tạc mấy lời.
Đau đớn quá, đau đớn quá !
Kìa những hạng muông người !
Vì có dũng nên liều chết phấn đấu,
Vì có nghĩa nên trung thành với chủ.
Nói thì dễ, làm thực khó.
Người còn vậy, huống chi chó !
Ôi !
Con vá, mày đủ hai đức đó,
Há như ai kia,
Mặt người lòng thú,
Nghĩ thế mà đau !
Dựng bia mộ chó.
Bài bia này của cụ, thiết nghĩ khỏi cần giải thích, bạn đọc cũng biết chỗ dụng ý của cụ. Lẽ tất nhiên khi cụ dựng lên, bọn tay sai của Pháp khỏi sao không tìm đến để ghi để chép, để muối mặt đọc, rồi đem về báo cáo lại chủ.
Cụ Phan thì khen chó như vậy, còn ông Học-Lạc thì chửi chó thậm tệ.
Mới nghe thấy như tương phản ý-kiến và bất đồng quan niệm. Nhưng xét ra cả hai cùng dụng ý như nhau.
Một ông thì mượn chó, bới những (…) cái xấu của chó ra để đả kích những hạng người sâu dân mọt nước.
Một cụ thì tán dương những cái hay của chó, mỉa mai những kẻ mặt người mà lòng thú.
Tác giả nào cũng có một tính chất thời sự. Nhưng ở cụ Phan-Sào-Nam có phần sâu sắc và rõ hơn. Công việc làm của cụ cũng có tác dụng hơn, và đó cũng là chuyện lý thú ở đời. Nếu không phải là một người yêu nước như cụ thì không có cái việc làm ấy và có những hàng chữ như vậy.
Bọn thực dân phong kiến tưởng đâu đã giam được người cụ là giam cả những văn chương của cụ. Nhưng ngược lại, cụ đã « giam » chung đời đời kiếp kiếp ở trong bài bia kỷ niệm đó.
Thật vậy, con chó mà có nhân, có trí, có dũng, không bị miếng mồi ngon dẫn dụ, ở với nhau cùng xem nhau như anh em, và đối với kẻ thù, biết liều chết phấn đấu, thì những kẻ làm người hãy nên xem gương chó, chớ không nên khinh chó.
Ôi làm người mà không có nhân, có trí, có dũng, thì tai mắt đó, y phục đó, ngựa xe đó, cũng chỉ là những hạng « muông người ».
Đọc bài bia kỷ niệm chó của cụ Phan, khỏi sao không có những người để tâm suy nghĩ ?