Bụi trần lắng đọng, chương 29-30

Chương 29: Bắt đầu

Đêm hôm ấy tôi ngủ rất ngon giấc. Bình thường, tôi nhớ Ta Na hồi lâu mới ngủ nổi, nhưng hôm ấy tôi không nhớ nàng.Trong khoảng thời gian này, hễ sáng dậy là tôi lại nhớ đến nàng. Sáng nay chưa kịp nhớ đã nghe dưới sân có tiếng người mắng con ngựa.
Lại có nhiều ngựa thồ lương thực cho nhà Nhung Cống. Chỉ giây lát sau đàn ngựa và bà Thổ ti biến khỏi tầm mắt tôi. Cha tỏ ra vô cùng mệt mỏi trở về phòng ngủ.
Trước lúc ngủ, cha nói "Lúc nào bắt đầu thì gọi cha dậy".
Tôi không hỏi cha bắt đầu việc gì. Với tôi, cách tốt nhất là lặng lẽ chờ đợi. Anh tôi đang mở rộng chiến tích ở biên giới phía nam. Cách làm của anh là dùng lương thực để thu hút dân của bên kia biến thành dân của mình. Chờ đến ngày cha chết, anh có nhiều dân hơn, nhiều đất đai hơn.Trong lúc anh đang thắng thế ở biên giới phía nam thì tôi đem cho bà Nhung Cống thật nhiều lương thực. Cho nên anh nói "Hai người đàn bà Nhung Cống làm u mê mọi người, sẽ có ngày bà Thổ ti Nhung Cống ngồi ngay trong nhà Mạch Kỳ để ra lệnh".
Rõ ràng khẩu khí của anh coi tôi và cha là những thằng ngốc.
Câu ấy anh nói với người thân cận nhất của anh, nhưng tôi biết ngay. Cha nghe, nhưng không nói gì. Chờ cho mọi người lui ra hết, cha hỏi tôi "Anh con là người thông minh hay là giả bộ thông minh?"
Tôi không trả lời.
Nói thật, tôi không tìm thấy giữa hai người có sự khác biệt lớn.Tuy biết mình là người thông minh, chắc chắn cũng sẽ để người khác biết cái thông minh của mình. Cha hỏi tôi câu vẫn hỏi, tôi ngốc hay cố tình làm ra vẻ ngốc. Cha nói với tôi "Chắc chắn anh con không nghĩ được con làm hay hơn anh ấy. Muốn làm thế nào thì làm, câu nói rất đúng. Cha đi ngủ đây, lúc nào bắt đầu thì gọi cha dậy".
Tôi không biết bắt đầu chuyện gì, chỉ còn biết nhìn cánh đồng rộng lớn bằng ánh mắt khó hiểu.
Cảnh sắc biếc xanh không có gì thay đổi, tưởng như không có sự thay đổi của bốn mùa, mùa hè trên vùng đất trống trải hoang dã này đã có hai ba trăm năm.Tôi ngáp dài trước cảnh sắc ấy. Miệng tôi đang há hốc thì hai thằng nhỏ cũng ngáp theo.Tôi muốn đá cho chúng vài đá, nhưng lại không muốn dùng đến sức mạnh.Tôi nghĩ mãi cuối cùng bắt đầu điều gì cơ chứ? Nghĩ mãi mà vẫn không ra, đành học theo cách nói của cha, nói với hai thằng nhỏ "Không được ngáp. Bao giờ bắt đầu thì gọi tao dậy".
Bọn chúng nói "Vâng, thưa cậu".
"Bắt đầu gì ạ?"
"Sự việc bắt đầu, thưa cậu".
Tôi cũng hỏi đáp án của chúng. Về sau, đầu óc tôi đâm mụ mẫm hồ đồ. Hình như tôi trông thấy cái gì đấy, nhưng lại không nhìn rõ. Lúc mở mắt, tôi biết vừa rồi mình ngủ. Ngủ ngay hành lang trên lầu. Lại mở mắt ra, tôi thấy bầu trời xanh thoáng có màu xám.Từng cụm mây bị gió thổi bay nhanh như rắn bò chân tường. Đang là buổi chiều, tôi ngủ đứng một lúc lâu.Tôi hỏi "Bắt đầu chưa?"
Hai thằng kia bỏ đi chỗ khác.
Không ai trả lời, tôi hơi rối lên. Bỗng phía sau có tiếng bước.Thoạt nghe cũng biết đấy là Thổ ti Mạch Kỳ, cha tôi đến gần, nói "Con thật là có phúc, cha nằm trên giường nhưng không sao ngủ nổi, còn con đứng đây mà ngủ".
Tuy vậy tôi hỏi cha "Bắt đầu chưa?"
Cha lắc đầu, vẻ mặt tỏ ra không hay biết gì, nói "Lẽ ra bắt đầu rồi đấy, cách đây không xa. Có thể họ đã đến". Cha chỉ vào nơi có những đỉnh núi nhấp nhô, ở đấy cũng có nhiều người chết đói.
Lúc này tôi biết sẽ có chuyện gì sắp xảy ra, liền ngáp một cái thật dài. Cha nói "Con vào ngủ một giấc, bắt đầu thì cha gọi dậy".
Tôi vào phòng, nằm lên giường.Trước lúc ngủ, tôi trùm chăn kín đầu, sau lúc ngủ, chăn có kín đầu hay không, không cần biết. Mà có muốn biết cũng chẳng làm gì nổi.Tôi vừa chìm vào bóng tối được một lát, chợt cảm thấy có một tiếng động rất lớn từ đâu vọng tới.Tiếng động cũng giống như một vần sáng lớn, soi sáng tất cả.Tôi tung chăn, chạy ra ngoài ,la lớn "Bắt đầu rồi! Bắt đầu rồi!"
Lúc này, cả khu nhà ngập trong ánh nắng cuối cùng nhất và cũng ấm áp nhất. Mọi người đang rỗi rãi đều đứng dưới nắng, vẻ uể oải, tận hưởng cuộc sống. Hai thằng nhỏ đang đánh cờ, trong thế giới này, chỉ có hai đứa ấy không chút giật mình hoảng sợ, cho dù tôi đang làm gì. Lúc tôi la lớn, thằng Nhi Y cũng không ngước lên, thằng Trạch Lang thì cười ngây dại với tôi, rồi nó lại cúi xuống đánh cờ.
Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là, cha và ông quản gia vẫn ngồi khoanh chân, cũng đang đánh cờ. Nắng chiếu chênh chếch trên người họ.
Tiếng la hét của tôi hình như không đánh động một ai.Tôi nghĩ, họ giả vờ, họ không muốn làm tôi phải khó xử. Mọi người biết hôm nay sẽ xảy ra chuyện gì rồi, họ vẫn chờ, lúc này cho dù ai đó chỉ nói khẽ lên sự việc bắt đầu, sẽ có nhiều lỗ tai vểnh lên nghe ngóng. Hơn nữa, tôi hét lên thật to "Bắt đầu rồi!"
Trong mắt cha, hình ảnh tôi đang thay đổi dần dần, từ một thằng ngốc biến thành một nhân vật đại tài khiêm tốn. Còn tôi, mọi cố gắng đều dồn cả vào tiếng kêu ngu xuẩn làm cho mây khói tan biến. Đám gia nhân từ dưới sân ngước lên nhìn tôi để tìm nơi phát ra tiếng kêu. Họ đưa những bàn tay đáng chết lên trán che nắng. Ông quản gia và cha vẫn ngồi yên.
Tiếng kêu của tôi tan biến. Nắng chiều chênh chếch rọi vào tất cả những gì gần xa.
Tôi không có thuốc chữa, tôi là một thằng ngốc không có thuốc chữa. Vậy cứ để tôi là một thằng ngốc. Để mọi người trong thế gian, cha, ông quản giam, đám gia nhân, nam và nữ lén cười tôi, nhổ nước miếng vào mặt tôi, cùng reo lên ha ha, thằng ngốc! Thằng ngốc! Thằng ngốc! Cút cái con mẹ mày đi, thằng ngốc đang hát. Vậy là tôi hát bài "Tôi chết theo ân đức của Quốc vương".
Bắt đầu rồi, bắt đầu rồi,
Chuyện đã toan tính thì không
Mà bắt đầu từ chuyện không toan tính
Bắt đầu rồi!
Bắt đầu rồi!
Tôi vừa hát vừa đi đi lại lại trên hành lang như người đi biểu tình, chân đá vào lan can hành lang để che đậy cái khát vọng và phẫn nộ trong tôi. Nếu hát tiếp thì thằng con ngu ngốc của nhà Mạch Kỳ sẽ rất ngu xuẩn khóc oà lên.
Nhưng, hượm đã, để tôi thu nước mắt về đã.
Vì sự việc vào lúc này, sự việc bắt đầu vào lúc tôi hát. Lúc này, lòng tôi đầy tuyệt vọng, cho nên, sự việc bắt đầu thì tôi không nghe thấy gì.Tôi hát, tôi trông thấy những người đang đánh cờ tung hết quân cờ lên cao, thấy đám gia nhân chạy đi chạy lại dưới sân kia.Tôi hát bằng miệng, nhìn cảnh tượng hỗn loạn bằng mắt, nghĩ bụng những người này cho rằng tôi sẽ nhảy lầu vì buồn. Cha đi tới, vẫy tay, rồi chỉ nơi thung lũng xa xăm kia. Lúc ấy tôi nghe thấy tiếng súng nổ dồn dập từ phía ấy vọng lại.
Tôi không hát nữa.
Cha nói với ông quản gia "Nó đã dự đoán được, nó biết trước cả chúng ta. Nó là thằng ngốc thông minh nhất thiên hạ".
Ông quản gia kêu lên "Nhà Mạch Kỳ muôn năm! Cậu là bậc tiên tri!"
Mọi người cùng reo lên, chạy đến định nói gì đó với tôi. Nhưng tôi chẳng có gì để nói. Có thể vừa rồi tôi hát mất quá nhiều sức, tôi nói với mọi người "Tôi mệt rồi, buồn ngủ lắm".
Họ theo tôi về phòng.Tiếng súng, nơi thung lũng xa vẫn nổ giòn giã. Chỉ có vũ khí nhà Mạch Kỳ mới có những âm thanh dồn dập và tưng bừng đến vậy.Tôi ngủ. Ông quản gia nói "Thưa cậu, cậu cứ yên tâm ngủ. Vũ khí của nhà Mạch Kỳ không một ai có thể địch lại nổi"
Tôi nói "Ra ngoài cả đi, các người đối phó là đủ rồi".
Họ đi ra.
Thổ ti Mạch Kỳ cho lính phục kích trong núi, chờ cho người của Thổ ti La Tuyết Ba ra cướp lương thực của bà Thổ ti Nhung Cống. Lúc này mọi bí mật đã được tiết lộ, tôi phải ngủ. Sáng mai thức dậy, thế giới này ra sao tôi không muốn biết.
Tôi..chỉ…muốn…ngủ….
Vì chuyện lương thực mà hai nhà Thổ ti hàng xóm phía bắc đánh nhau.
Trên vùng đất này, chỉ cần một Thổ ti đánh nhau, tức khắc sẽ có một Thổ ti khác không chịu ngồi yên, đứng ra hoà giải.
Lần này, hai Thổ ti miền Bắc đánh nhau vì hạt thóc, được coi là sự khiêu khích của nhà Mạch Kỳ. Vị thuyết khách đến, cha nói không khách khí "Các người muốn thóc nhà tôi, tốt nhất các vị đừng nói nữa".
Thằng con ngốc nhà Mạch Kỳ nói với họ "Nếu trong tay các vị không có thuốc phiện trông như cứt bò mà có nhiều lương thực, các vị muốn nói gì thì nói".
Ông quản gia mở tiệc thịnh soạn chiêu đãi những vị khách không mời mà đến.
Liệu họ còn chuyện gì để nói nữa không? Quả là không còn gì để nói.
Đưa tiễn các vị khách này đi rồi cha cũng lên đường trở về dinh cơ của mình.Trước lúc đi, cha chỉ dặn tôi một câu "Cứ để họ đánh nhau". Ý câu nói thật rõ ràng, không thể hiểu sai.
Tôi nói "Vâng, cứ để cho họ đánh nhau".
Cha vỗ vai tôi, đem theo mấy vệ binh về.
Thổ ti lên ngựa đi được một lúc, ngựa bắt đầu chạy nước kiệu, bỗng cha ghì cương cho ngựa ngẩng cao đầu, quay lại hét thật to với tôi "Muốn làm gì thì cứ thế mà làm!"
Tôi nói "Câu nói sao mà nghe quen tai vậy?"
Thằng Trạch Lang nói "Câu ấy cậu nói với lão gia".
Tôi hỏi ông quản gia thọt "Tôi nói vậy à?"
"Hình như cậu nói vậy". Hễ đụng đến quan hệ giữa tôi và cha, ông quản gia lại lấp lửng.Tôi không trách ông. Ông giúp tôi nhiều việc, ví dụ hiện tại, tuy tôi và cha đều cho là muốn làm thế nào thì cứ làm, tôi bảo ông quản gia lấy thóc cho ngựa nhà Nhung Cống ăn thật no, thầm đối phó với người ngựa nhà La Tuyết Ba.Tôi sai mấy tay súng, mấy tay ném lựu đạn đi giúp bà Thổ ti Nhung Cống. Như vậy cuộc chiến tranh giữa các Thổ ti vừa bắt đầu, thắng thua đều do chúng tôi quyết định.

Chương 30: Thần dân mới

Để bà Thổ ti Nhung Cống giành được thắng lợi là chuyện nên làm và tôi đã làm.
Theo đấy, tôi chuẩn bị làm những việc khác.
Thoạt đầu tôi đã nói, anh tôi không nên xây dựng công sự trên biên giới. Cơ ngơi nhà Mạch Kỳ đã là một công sự rồi, ấy là cái kiến trúc được làm vào thời nhà Mạch Kỳ hay bị đánh, là kiến trúc của cái thời không có súng máy, không có lựu đạn, không có pháo lớn.Thời đại đã đổi thay, phong thuỷ đã chuỷên dịch. Nhà Mạch Kỳ không còn như xưa chỉ lo người khác tấn công. Cho dù ở trên biên giới cũng không có gì phải lo. Lúc này đến lượt người khác phải lo.Tôi chỉ làm cái việc nhúng tay vào chuyện hai bên đánh nhau, mà đã xác định kết quả thắng thua từ trước. Hai Thổ ti láng giềng trên biên giới phía bắc vào cuộc chiến tranh không mong muốn. Làm như vậy với chúng tôi không quá phí sức, chỉ chờ người của Thổ ti Nhung Cống đến, cho ngựa của họ thồ thóc lúa, bổ sung một ít đạn dược cho những tay giữ súng máy là được.Tình thế thuận lợi, tâm tư cũng ổn, chỉ có thằng ngốc là thông minh hơn mọi khi, bất cứ một động tác nào cũng rất hay.
Thôi được, làm cái chuyện mà tôi muốn làm.
Tôi bảo Trác Mã đặt năm cái nồi to bên bờ sông. Gạo đổ vào nồi, cho một ít muối, cho thêm một ít mỡ bò cũ, nấu sôi, mùi thơm theo gió lan toả khắp một vùng.Tôi phát lệnh bố thí cho những người dân bị đói. Chỉ không đầy nửa ngày, những những đói bỏ đi một thời gian nay lại kéo đến. Họ đến và nằm bên bờ sông cách chỗ chúng tôi không xa, hình như họ chỉ muốn chứng minh mùi thơm từ những nồi cơm kia là thoả mãn lắm rồi. Vẫn là Trác Mã dùng thìa để xúc, cô ta kêu to "Những người ngủ chưa được ăn gì, hãy dậy cả đi nào!"
Họ đứng lên, lê bước như người mộng du đến bên bờ sông.
Trác Mã xúc cho mỗi người một thìa to cơm nấu với mỡ bò.
Lúc này Trác Mã cũng nếm thử một chút quyền lực.Tôi nghĩ, cô ta thích vậy, nếu không, cô ta mồ hôi ra như tắm mà vẫn không chịu buông cái thìa xúc cơm. Cái cảm giác tuyệt diệu ấy sẽ không thể có đối với Trác Mã đầu bếp của nhà Thổ ti. Chỉ có đi với tôi cô mới có thể được vung cái thìa xới cơm trông rất phong độ trước những cặp mắt đói lả đang nhìn theo.
"Mỗi người một thìa, không hơn không kém". Cô luôn miệng kêu lên. "Những ai ăn bữa này còn muốn ăn bữa nữa, đều phải đi làm, làm việc cho cậu chủ nhân từ của chúng tôi".
Dân của Thổ ti La Tuyết Ba được ăn và họ đi làm cho tôi.
Theo ý tôi, ông quản gia chỉ huy những người ấy phá một phía tường của khu công sự. Như vậy, buổi sáng hễ nắng lên là chiếu ngay vào chỗ cô tôi. Đồng thời, toà kiến trúc này có một cái sân mở ra bên ngoài, nối liền với cả cánh đồng rộng mênh mông. Ông quản gia thọt dùng gạch của bức tường phá ra, định xây một bức tường khác.Tôi không đồng ý vì không cần thiết.Tôi muốn nhìn cảnh tượng tương lai, nhưng ở một chỗ nào đấy trước cổng có một bức tường chắn lại, chẳng khác nào không thấy gì.Tôi hỏi ông ta "Ông không thấy cảnh tượng tương lai à?"
"Tôi có thấy" ông ta nói.
"Vậy ông thấy những gì?"
"Có thể dùng súng máy giết chết những kẻ tấn công ngay trên vùng đất rộng, ví dụ kỵ binh xung phong".
Tôi cười ha hả. Đúng vậy, súng máy dễ dàng tiêu diệt những kẻ liều lĩnh tấn công chúng tôi như tiêu diệt một bầy cừu. Nhưng tôi không nghĩ thế.Thuốc phiện làm cho nhà Mạch Kỳ giàu lên, có súng máy.Thuốc phiện làm cho các Thổ ti khác gặp thảm hoạ. Ở đây có chuyện may rủi. Đã như thế việc gì phải vây kín bốn chúng quanh để giam mình ở trong. Chỉ cần bốn năm ngày, một phía tường của toà kiến trúc không còn, không còn ra công sự, mà chỉ là một toà nhà lớn, một kiến trúc hùng vĩ.Trác Mã hỏi tôi có thổi cơm nữa không.Tôi bảo phải nấu tiếp năm hôm nữa.Trong năm ngày ấy người đói đến ăn cơm đã chuỷên gạch đá của bức tường, ném tất cả xuống sông. Nước sông làm cho những tảng tường đất tan ra, trôi đi, hoà vào dòng nước mấy hôm liền. Cuối cùng, đất không còn, chỉ còn đá chìm sâu dưới đáy nước long lanh, nước nổi bọt, tạo thành những con sóng. Đúng vậy, đáy sông có đá mới là sông.Tôi tự nhủ, nước sông được lắng trong.
Nhưng tôi chưa kịp nhìn dòng nước thì chợt giật mình bởi cảnh tượng trước mắt.
Những người đói tham gia phá dỡ bức tường đứng chật mảnh sân vừa mở rộng ra phía cánh đồng. Xong việc, Trác Mã gọi người cất những cái nồi lớn thổi cơm bố thí ở bờ sông. Những người đói đã đi khỏi đây mấy hôm, tôi cứ nghĩ họ không còn quay lại, nhưng họ về đem tất cả người nhà đến. Những người dân đói đứng đầy sân còn tràn cả ra bên ngoài, đứng chật thảm cỏ nối từ nhà ra đến bờ sông.Tôi vừa xuất hiện thì cả khối người kia cùng quỳ rạp xuống .
Chưa bao giờ tôi thấy người ta tụ tập đông như thế. Đông người, tất nhiên họ không có việc gì làm mà cũng tạo thành một áp lực lớn.
Ông quản gia hỏi tôi phải làm thế nào.
Tôi nói cũng không biết phải làm thế nào.
Họ ngồi đen đặc ở bên ngoài. Lúc tôi không có mặt, họ ngồi hoặc đứng, nhưng khi tôi xuất hiện, họ quỳ cả xuống. Lúc này tôi ân hận vì đã tháo dỡ bức tường. Một ngày, hai ngày sau, họ vẫn ở ngoài kia, không được ăn gì. Đói, họ lại ra sông uống nước. Bình thường, người uống rất ít nước. Chỉ có bò, ngựa mới vục đầu xuống mà uống, uống cho đến khi thở không ra hơi, cho đến khi no căng, nước óc ách trong bụng mới thôi. Những người này cũng uống như bò như ngựa. Nằm mơ tôi còn nghe thấy tiếng thở phì phò của những người bị sặc nước, nghe tiếng nước óc ách trong bụng. Họ không muốn quấy rầy một người tốt như tôi, nếu không, họ sẽ không ôm bụng đi lại cẩn thận như vậy. Sang ngày thứ ba, có một số người ra sông, vừa quỳ xuống thì đầu đã gục xuống nước, không còn đứng dậy nổi. Đầu gối quỳ trong dòng nước, bất động. Chỉ chừng nửa ngày, người trương như cái bao chứa đầy khí, chậm trôi theo dòng nước. Những người không ra bờ sông cũng chết, người chết được khiêng ra sông giao cho dòng nước, đưa về tận chân trời xa.
Thấy đấy, dân của Thổ ti La Tuyết Ba đều là những người tốt.Trong bước đường cùng bi thảm họ vẫn không kêu một tiếng mà chỉ hy vọng vào lòng tốt của người khác không phải là chủ của họ.
Tôi là người tốt ấy.
Suốt ba ngày, không một hạt gạo nào của tôi lọt ra ngoài, nhưng họ không oán trách gì, tôi không phải là chủ của họ, không có gì để họ phải oán trách. Lúc họ mới đến còn lầm rầm tiếng cầu nguyện. Đến lúc này thì tất cả đều dừng lại, chỉ có người lần lượt chết. Người chết trôi dưới nước, bị nắng thiêu, trương phình biến thành những cái bao căng tròn, trôi theo dòng nước. Buổi tối ngày thứ ba, tôi bắt đầu gặp những cơn ác mộng. Sáng sớm ngày thứ tư, chưa kịp mở mắt thì tôi đã biết họ vẫn ngồi ngoài kia, đầu ướt sương đêm. Bấy nhiêu người lặng im tụ tập tạo nên sự tĩnh lặng khác thường, có thể tạo nên áp lực to lớn.
Tôi kêu lên "Không chịu nổi nữa rồi, không chịu nổi!"
Tôi có nhiều cái ăn ngon, nên có đủ sức khoẻ.Trong sương sớm, tiếng tôi vang xa. Những người dân đói lả đang gục đầu giữa hai đầu gối, bỗng ngước lên. Mặt trời đã lên khỏi đường chân trời, quét tan sương mù. Đúng vậy, lòng kiên nhẫn của người dân bị đói, sức mạnh tuyệt vọng của họ còn lớn hơn mọi sức mạnh to lớn cộng lại, đã chinh phục được tôi.Tôi dậy, rên rỉ dặn gia nhân "Nấu cơm, nấu cơm…cho họ no một bữa, để họ nói, để họ khóc, để họ muốn làm gì thì làm".
Nhưng những thuộc hạ của tôi, ông quản gia, Trác Mã, hai thằng nhỏ, và những người khác nữa đều đã giấu tôi, chuẩn bị đủ thứ, chỉ chờ câu nói của tôi là họ bắc bếp, nhóm lửa.
Lửa vừa cháy, bọn thuộc hạ của tôi liền reo hò vui vẻ. Nhưng những người đói thì vẫn lặng lẽ. Lúc phát cơm, họ vẫn không nói năng gì.Tôi không biết mình thích hay sợ những người dân đói ăn này.
Vậy là, tôi hét lên "Bảo với họ, chỉ có bữa này thôi, cho một bữa thôi, ăn xong, họ có đủ sức, bảo họ về quê".
Những người cầm thìa chia cơm truyền đạt lời tôi đến từng người dân bị đói.
Trác Mã vừa nói, vừa chảy nước mắt "Đừng làm cậu chủ của tôi phải buồn lòng, về tìm chủ của các người, về tìm chủ, bảo với chủ rằng, ông trời đã cắt đặt cho chúng tôi ai cũng có chủ".
Ông chủ của h. Những ngày này cũng khốn khó.
Người ngựa của Thổ ti Nhung Cống được ăn uống no nê đang đánh nhau với quân của Thổ ti La Tuyết Ba đuổi theo sau. Điều này có thể hiểu, tôi ở trên biên giới phía bắc đã tìm người đánh nhau hộ nhà Mạch Kỳ, anh tôi tài giỏi hơn, cho nên anh làm hăng hơn ở đây, núi rừng miền Nam cũng hiểm trở hơn ở đây, nên anh tự xuất quân lâm trận.
Càng ngày càng có nhiều người cho rằng, tuy anh tôi là người thông minh, nhưng vận may lại ở thằng em ngớ ngẩn. Có một vài lần tôi cảm thấy rõ những điều bí ẩn đến gần, tôi quay người giẫm chân, đáng tiếc, đây chỉ là cái bóng, không phải con chó. Chó có thể đuổi đi, cái bóng thì không thể đuổi đi được.
Thằng Nhi Y hỏi tôi giẫm chân đuổi gì.
Tôi nói, cái bóng.
Nó cười, bảo không phải cái bóng. Sau đấy khuôn mặt không sắc máu của tên đao phủ chợt sáng lên.Tôi biết nó địh nói gì rồi. Là một đao phủ, nó rất thích thú với thế giới tĩnh lặng. Quả nhiên, mặt nó sáng lên niềm phấn khởi, nói với tôi "Giẫm chân để đuổi ma không được, phải nhổ nước bọt". Nó còn quay lưng lại, làm động tác mẫu "Phải thế này…"
Nhưng không thể chờ bãi nước bọt của tên đao phủ, nếu có vận may thật sự thì vận may sẽ theo tôi từ sáng đến tối, khỏi cần đến nó xua đuổi tà ma.Tôi cho nó một cái tát "Đừng nói gì đến lũ nô tài chúng mày, ngay cả tao nhổ nước bọt về phía sau thì mày cũng dùng cực hình đối với tao, dùng bàn là nung đỏ đốt miệng tao".
Mặt nó tối lại.
Tôi nói "Cút xuống dưới kia lấy thìa xúc cơm". Kẻ thuộc hạ nghèo nhất hôm nay của tôi cũng nếm thử vị ngọt của cơm bố thí.Trên đời này có thể cho ai cái gì đều là có phúc.Tôi cho mỗi người một thìa cơm để nếm thử mùi vị cơm bố thí.Tôi nghe trong lòng họ hô lên: cậu Hai muôn năm. Những người đã được ăn no vẫn đứng ở ngoài bãi trống kia.Tôi nói với ông quản gia đang tươi cười lê bước chân đi tới "Kết thúc được rồi đấy, bảo họ đi đi, đi khỏi đây".
Nhìn người cuối cùng húp nốt chỗ cháo, ông quản gia rất bằng lòng từ dưới nhà đi lên. Nghe thấy tiếng tôi, ông vừa tập tễnh đi tới vừa nói "Bọn họ sẽ về ngay, họ bảo đảm với tôi rồi".
Đoàn người bắt đầu chuỷên động, tuy vẫn không nói gì, nhưng chân thì đã có sức, có thể nghe thấy tiếng chân bước. Mỗi người có một chút âm thanh, đông người như thế này dù muốn cũng không thể đếm nổi tiếng chân người, mặt đất rung lên. Đám đông bước đi, để lại lớp bụi phía sau. Bụi tan thì họ đã đi xa, đã sang tận bờ sông bên kia rồi.
Bất giác tôi phát ra một tiếng thở dài.
Nhưng họ dừng lại trên cánh đồng bên kia sông. Đàn ông đi với nhau, họ bỏ đàn bà và trẻ con lại. Hay là họ ăn no rồi định tấn công chúng tôi? Nếu thật vậy thì chúng tôi buộc phải bắt đầu sớm. Vì từ lúc tối đến khi lên giường đi ngủ là khoảng thời gian không có việc gì. Nếu họ tấn công thì chúng tôi nổ súng, cho đến khi cuộc chiến kết thúc cũng là lúc chúng tôi đi ngủ. Như vậy, không một Thổ ti nào gặp phải tình huống đó mà có thể kết thúc.Trời đất ơi, chuyện tôi gặp hôm nay cũng là chuyện mà các Thổ ti trước đây đã từng gặp. Cánh đàn ông ngồi xuống, họ ngồi rất lâu, về sau, trong nội bộ họ có chuyện lộn xộn nho nhỏ. Nắng chiều che khuất tầm nhìn của tôi, chỉ thấy giữa đám lộn xộn giống như một xoáy nước, cuộn lên rồi nhanh chóng lặng đi. Có mấy người tách ra, họ lội sông sang bên này. Sau lưng họ, đám người đứng cả dậy, nhìn theo.
Khoảng thời gian họ đi đến bãi đất trống rất chậm chạp.
Họ quỳ xuống trước mặt tôi. Họ đã giết chết những trưởng bản, trưởng thôn trung thành với Thổ ti La Tuyết Ba, đem đầu của những người bị giết đặt dưới chân tôi.Tôi hỏi Tại sao các người làm vậy?"
Họ nói, Thổ ti La Tuyết Ba không còn lòng thương người, cũng không có cái sáng suốt và phong độ xét đoán thời cuộc như trước, cho nên dân của ông ta bỏ ông ta mà đi.Thổ ti Mạch Kỳ thống trị nhiều người và nhiều đất hơn, là mệnh trời, và cũng là niềm hy vọng của dân chúng.