Mê Lộ - Chương 04 - Part 02

Cánh cửa bật tung, người đàn bà lao nhanh ra ngoài biến mất trong bóng tối. Không chờ đợi ngần ngừ Hưng bước nhanh vào. Người đàn ông đang ngồi tựa vào ghế, tay cầm một ly rượu, trên bàn còn ngổn ngang giấy tờ. Sự xuất hiện quá đột ngột của Hưng khiến hắn ta ngồi chết trân, trố mắt nhìn trong vài giây rồi mới lắp bắp hỏi:
_ Ông là ai? Muốn gì? Vào sao không gõ cửa?
Vừa hỏi hắn ta vừa vội vã thu dọn sổ sách định lùa vào ngăn bàn. Hưng gạt tay hắn ta ra lấy tay chặn đống sổ sách lại, gằn giọng nói:
_ Tôi là thông dịch viên được cử về đây thanh tra.
Người đàn ông lúng túng một hồi rồi cười giả lả:
_ À! Hoá ra ông là người của đoàn thanh tra.
Hắn ta chỉ cái ghế trước mặt nói:
_ Mời ông ngồi! Thú thật thấy ông là người Việt tôi mừng lắm! Ông mới ở Việt Nam qua phải không? Tình hình quê nhà ra sao? Tôi nhớ nhà lắm ông à! Mong có ngày về thăm. Ông uống chút uýt-ki với tôi nhé. Hồi chiều tôi có nghe là đoàn thanh tra tới, trong đó có một người Việt. Tôi định ăn uống xong thì qua bên ấy ngay. Ông ăn tối chưa? Anh em cùng ăn một bữa với nhau ông nhé!
Hưng nói:
_ Cám ơn nhiều! Tôi ăn rồi mới qua đây đó chứ! Tôi muốn hỏi thăm sức khoẻ tình hình lao động của anh em.
Người đàn ông rót rượu mời Hưng rồi nói:
_ Vậy thì sáng mai ông theo tôi lên tận chỗ làm việc có hay hơn không?
Hưng đáp:
_ Tôi muốn gặp họ tối nay. Muốn biết họ cần gì? Họ có khiếu nại gì không? Họ có bằng lòng tình trạng làm việc ở đây không?
Người đàn ông đáp:
_ Như ông biết đó! Đồn điền này là một nơi xa xôi so với những nơi như Vaté, công bằng mà nói làm sao bằng được? Cái gì cũng phải từ từ chứ! Đừng làm khó chủ quá! Thật ra ở đây tiếp đón nhiều đoàn thanh tra lắm rồi! Chúng ta còn có cả ngày mai để làm việc. Bây giờ uống rượu và kể chuyện quê hương cho tôi nghe với! Chút nữa tôi đưa ông sang giới thiệu với họ trước được chưa?
Hưng nhìn thẳng vào mặt anh ta nói:
_ Tôi muốn coi sổ sách giấy tờ. Số giờ lao động của anh em. Mức khoán tiền lương tiền phạt. Áo quần lương thực cấp phát ra sao? Anh có biết tại sao từ một thông dịch viên thuần tuý làm việc tại văn phòng ở Vila tôi lại phải lặn lội tới đây? Tôi mong anh giúp tôi.
Người đàn ông thở dài liếc nhanh về phía giấy tờ vẻ mặt ỉu xìu. Hưng nhớ lại những gì mình đã đọc trong hồ sơ khi mới bắt đầu làm việc. Giọng Hưng cứng rắn gần như đe doạ:
_ Tôi báo cho anh biết, cái đồn điền này đã nằm trong sổ đen rồi đó! Nếu khám phá ra điều gì tôi về báo cáo cho cấp trên, người ta sẽ có lệnh rút công nhân về ngay lập tức! Nếu anh còn nghĩ đến ông chủ thì nên làm việc với tôi. Nếu không muốn đồn điền đang mùa vụ lại thiếu người thu hoạch thì hãy để tôi xem xét sổ sách.
Người đàn ông nhìn ra ngoài cửa với vẻ lo lắng. Hưng hỏi:
_ Anh ngại bà ta phải không?
Người đàn ông gật đầu nói:
_ Bà ta là con hầu được ông chủ đặc biệt ưu ái. Bà ta làm mưa làm gió ở cái đồn điền này đã lâu! Ông biết đó tôi không muốn mất việc.
Hưng quả quyết:
_ Anh sẽ không mất việc. Anh giúp tôi làm việc tôi sẽ có cách điều đình với ông chủ châm chước cho. Còn bà ta, tôi về báo cáo lại, yêu cầu cho bà ấy về nước trong chuyến tàu sớm nhất.
Người đàn ông ngồi thừ ra một lúc rồi đành để cho Hưng lục soát giấy tờ. Khi đã thu thập đủ những điều cần thiết Hưng nói:
_ Ngày mai khi đứng trước mọi người tôi sẽ trưng đống giấy tờ này kết hợp với lời khai của công nhân. Mong rằng ông chủ và anh không gặp khó khăn gì.
Người đàn ông e dè hỏi:
_ Bây giờ ông về hay qua bên láng trại?
_ Tôi chẳng làm gì buổi tối cả. Họ còn tiệc tùng qua đêm. Tôi sẽ qua gặp công nhân. Anh không cần đưa tôi qua đâu, ở nhà cơm nước rồi đi nghỉ mai còn việc phải làm. Tôi sẽ tự gặp họ.
Hưng dò dẫm lần theo đường mòn, men con dốc quanh đồi. Vừa đi vừa quan sát. Đó là những dãy nhà được cất sơ sài và chia ra nhiều căn. Ánh lửa bếp lập loè hắt ra từ bên trong qua các khe ván hở. Hưng gõ cửa căn đầu tiên.
Một giọng nói vọng ra:
_ Ai đấy?
Hưng không trả lời gõ tiếp. Có tiếng mở then cửa, một người thò mặt ra. Hưng tự giới thiệu:
_ Chào cô! Tôi là người trong đoàn thanh tra. Tôi muốn đến thăm sức khoẻ tình hình làm việc của anh em.
Nét mặt lờ đờ của người phụ nữ bỗng trở nên hốt hoảng. Cô ta lắc đầu ú ớ rồi nói với vào trong:
_ Anh ơi! Có ai hỏi?
Một người đàn ông lực lưỡng ở trần mặc độc một cái quần cụt, nét mặt chai lì lừ lừ đi ra miệng còn ngồm ngoàm, tay cầm tô cơm. Khi thấy Hưng anh ta vội vào trong khoắc cái áo rồi chạy ra bắt tay Hưng.
Sau khi nghe Hưng trình bày một lúc hai vợ chồng có vẻ lấy lại bình tĩnh. Người vợ đi vào lát sau mang ra một khay nước mời Hưng rồi lui vào trong. Hưng nói với theo:
_ Xin cô đừng đi! Cô cứ ngồi đây.
Người phụ nữ đáp:
_ Dạ vâng!
Hưng đọc cho họ nghe một số điều khoản và mục đích của đoàn thanh tra. Lúc này xung quanh căn phòng nhỏ của hai vợ chồng một số người tò mò đã vây quanh đứng chắn cả cửa ra vào. Hưng nói:
_ Tôi có mặt ở đây để điều tra tình cảnh anh em sống ra sao? Có yêu cầu hay khiếu nại gì không? Tôi nghĩ anh em nên nói thật vì đây là quyền lợi anh em được hưởng. Mức khoán, lương thực được cấp phát số lượng bao nhiêu để tôi còn đối chiếu lại sau đó báo cáo cho cấp trên hầu giúp anh em đỡ thiệt thòi có đời sống dễ chịu hơn. Tôi được cử đến đây chỉ vì vậy. Tôi được biết trước đây có hai người Pháp đã phải học tiếng Việt để tiếp xúc thẳng với công nhân không qua ai cả để lấy lại lòng tin với công nhân vì họ không còn tin vào các viên thanh tra nữa! Hai người này đã về Pháp. Đây là sự mất mát lớn. Là người Việt nay tôi thay họ nối tiếp công việc.
Đám đông lao xao chộn rộn hẳn lên. Người đàn ông chủ căn hộ kêu lên:
_ Yêu cầu các bác yên lặng để ông đây trình bày.
Hưng nói tiếp:
_ Tôi thiết nghĩ tôi được quyền tiếp xúc thẳng với anh em ngoài sự hiện diện của chủ, cai và viên chức địa phương.
Căn phòng bây giờ đã chật cứng người. Hưng nhận thấy sự thống khổ lo lắng mệt mỏi nhẫn nhục trong nhiều ánh mắt nơi đây. Họ bắt đầu nói ngập ngừng rồi sôi nổi. Đôi khi chuyển thành lời tâm sự tỉ tê. Sự thật bắt đầu lộ dần. Công nhân bị đánh đập những vết thương bầm tím được trưng ra. Bệnh sốt rét khiến công nhân không làm đủ khoán bị phạt vạ. Đi làm xa quá một tiếng đồng hồ mà không được trừ vào giờ làm việc. Công nhân phải dậy từ sớm lúc bốn giờ chuẩn bị ăn uống để đi cho kịp giờ. Buổi chiều làm xong, cân đong đo đếm đến tám giờ tối mới về tới nhà. Hàng bán cho công nhân tính giá rất cao. Áo quần lương thực cấp phát không đầy đủ, sự cay nghiệt của người hầu gái… Tất cả được Hưng mau chóng ghi lại thành bản báo cáo.
Sau cùng phải cố gắng lắm Hưng mới lách qua khỏi đám đông, thoái thác lời mời ngủ lại để đứng dậy ra về. Trời đã về khuya. Có mấy anh em mạnh dạn đưa chân Hưng đến tận nhà chủ rồi mới quay về. Hưng hứa sẽ có mặt ngày mai tại đồn điền nơi họ làm việc.
Sáng hôm sau Hưng đụng đầu với viên thanh tra trước tiên khi ông ta ngồi nhâm nhi ly cà-phê sữa. Tay cầm lát bánh mì nướng phết bơ to tướng. Ông ra dấu mời Hưng ngồi. Người đàn bà chiều qua đưa lại cho Hưng ly cà-phê sữa. Hưng không nhìn bà ta cũng không cám ơn. Bà ta cứ lởn vởn quét hành lang phía ngoài chứ không chịu đi. Hưng hỏi viên thanh tra:
_ Mấy giờ ra chỗ làm việc thưa ông?
Viên thanh tra đáp:
_ Chín giờ! Trưa về nghỉ rồi chiều đi săn. Ở đây có heo rừng. Cái giống này nó dữ lắm đây có vậy khi săn mới hứng thú!
Hưng hỏi:
_ Chủ đâu rồi?
Viên thanh tra đáp:
_ Tôi không thấy chắc còn ngủ. Chỗ quen biết mình cứ làm việc thôi!
Hưng nghĩ đây là lúc tốt nhất để trình bày riêng với ông ta. Hưng vào phòng lấy sổ sách giấy tờ và bắt đầu trình bày phân tích những sai sót Hưng đã thu thập được qua đống giấy tờ này. Viên thanh tra đang ngoạm miếng bánh bơ vội để bánh xuống dĩa, hai quai hàm đang nhai bỗng hoạt động chậm lại. Ông ta nuốt miếng bánh thật khó khăn, uống miếng sữa cho trôi tuột thức ăn rồi lặng lẽ nghe Hưng nói, đôi mắt ông ta không giấu được sự ngỡ ngàng ngạc nhiên…
Ông ta đứng bật dậy, đề nghị gặp các công nhân ngay lập tức. Cuộc thanh tra tiến hành nhanh chóng không ngờ. Viên thanh tra gặp ông chủ vào buổi trưa. Trước bàn ăn Hưng thay mặt viên thanh tra buộc người chủ triệu tên cai và người hầu gái ra để Hưng đối chất. Hưng nói bằng tiếng Pháp và họ cũng phải trả lời bằng tiếng Pháp trước mặt mọi người. Hưng tìm câu ngắn gọn để họ có thể hiểu và trả lời.
Người chủ cố tìm cách tranh cãi che chắn mọi điều cũng như có ý bao che cho người hầu gái. Hưng đọc bản báo cáo và lời khai của công nhân chỉ cho họ thấy sự sơ sót hớ hênh trong các loại giấy tờ. Họ câm lặng một lúc. Cuối cùng ông chủ đành thú nhận tất cả. Ông ta hứa sẽ theo dõi sổ sách sát sao hơn và đành chấp nhận cho hồi hương người hầu gái với sự tiếc rẻ miễn cưỡng.
Hưng nói với ông ta:
_ Tôi là người Việt nam, ông thấy đó! Chúng tôi nghèo nên phải xa quê đi làm ăn xa. Thế nhưng sức lao động đổ ra không được trả sòng phẳng lại còn bị khấu trừ phạt vạ thì chẳng còn ai muốn làm nữa!
Ông chủ phân trần:
_ Tôi biết chứ! Tôi sẽ cố gắng để ý những trường hợp ông báo cáo hồi nãy. Nhưng ông phải hiểu nếu ai cũng không làm đủ khoán trong một ngày thì sẽ gây khó khăn cho tôi, nhất là đe dạo đến trật tự của lán trại từ đó có nguy cơ biến thành cái lệ.
_ Ngày hôm nay làm không đủ khoán vì họ ốm, họ sẽ phải làm bù ngày khác, không được phạt vạ. Còn hơn phải bỏ tiền ra mua vé tàu cho những công nhân mới. Mà cũng chưa chắc ông được quyền thuê mướn đâu! Không ít đồn điền ở đây thiếu công nhân nếu chúng tôi rút ở đây về đưa tới những nơi đó thì ông còn thiệt hơn. Hôm nay tôi không làm khó ông. Đây chỉ là cảnh báo. Ông phải công nhận đã sai phạm và sửa chữa lỗi lầm bằng cách bồi thường thiệt hại cho công nhân. Cái đồn điền này tương lai sẽ là nơi kiểm tra thường xuyên đột xuất.
Ông chủ gật gật đầu nói:
_ Cám ơn ông đã nói cho biết.Tôi sẽ thực hiện những điều đoàn thanh tra đòi hỏi.
Cuộc đi săn bị bỏ lỡ. Đoàn thanh tra ra về sớm trước giờ ấn định. Khi đoàn người ra khỏi ngôi nhà chừng vài chục thước Hưng nghe có người gọi tên mình, Hưng quay đầu lại, thật bất ngờ người đàn ông Indonésia chạy theo tay cầm một gói gì nhỏ. Anh ta nói thật gấp bằng tiếng Việt sành sỏi:
_ Cái này công nhân nhờ tôi chuyển cho ông như là món quà kỷ niệm mong ông nhận cho.
Hưng đẩy nhẹ gói nhỏ ra và nói:
_ Anh trả lại họ đi! Tôi sẽ trở lại nay mai để coi bồi thường có được thực hiện hay không, đó là nhiệm vụ của tôi. Xin đừng làm vậy!
Người thanh niên năn nỉ:
_ Có gì đâu! Cái răng heo. Vật tiêu biểu của xứ này. Cái này linh lắm, có thể trừ tà ma bùa ngãi. Ông nhận dùm cho như là tấm lòng của anh em vậy mà! Anh em không được phép ra tiễn ông nên nhờ tôi.
Hưng nhận món quà, rồi chợt nhớ ra Hưng hỏi:
_ Anh là người Indonesia sao nói sỏi tiếng Việt vậy! Giọng bắc chuẩn quá!
Người đàn ông bẽn lẽn nói:
_ Tôi là Việt Nam mà! Bọn họ không muốn anh tiếp xúc thẳng với tôi nên bắt tôi không được lên tiếng để anh tưởng tôi là người Java.
Hưng buột miệng kêu:
_ Trời đất quá thể! Anh nói với anh em là tôi sẽ quay lại thường xuyên để xem tình hình có được cải thiện không, các yêu sách có được thực thi không?
Anh ta gật đầu vẫy tay chào, thái độ cởi mở không còn lầm lì như ngày hôm qua nữa!
Chú thích:
[1 ]Canaques : Danh từ gọi người bản xứ gốc mélanésie ở Nouvelles Hébrides và Nouvelle Calédonie.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3