Mê Lộ - Chương kết - Part 01
CHƯƠNG KẾT: CÁT BỤI
Ông Hưng đang ngồi trên ghế xích đu, tay cầm một mảnh giấy trắng có ghi hàng chữ li ti nhưng mắt ông lại hướng ra bãi cỏ bên kia đường. Bà Mơ từ trong nhà bước ra hiên khẽ khàng ngồi xuống sát bên ông rồi hỏi nhỏ:
_ Sao anh? Anh nghĩ em có nên đi tìm con không?
Ông Hưng cúi xuống dòng chữ ghi trên giấy rồi ngập ngừng nói:
_ Em à! Nếu em còn đủ sức khoẻ thì em cứ đi. Nhưng anh e rằng khó tìm được tông tích con.
Giọng nói đứt quãng của ông làm bà cảm thấy xót xa. Hơn ai hết bà hiểu ông đang bị căng thẳng cao độ. Thật ra trong sâu thẳm tâm tư tuy chưa bao giờ ý thức một cách rõ ràng, hình như ông luôn sợ giây phút này, mặc dù vẫn luôn ước ao một ngày nào đó được biết tin con. Khi cầm địa chỉ của ông Ba, người theo lời đồn có thể tìm được những người lính chết mất xác, tâm hồn ông tràn ngập mâu thuẫn. Vừa e ngại lại vừa mong mỏi. Năm tháng qua… Hy vọng của ông bà cũng nhạt dần. Bây giờ sắp gần đất xa trời, họ cảm thấy ước nguyện được biết sự thật. Cùng đong đưa theo nhịp xích đu bà siết chặt lấy bàn tay ông. Trong ánh hoàng hôn chập choạng ông bà nhìn nhau bằng cái nhìn của những người đã bắt đầu hiểu và chấp nhận vấn đề mà trước đây họ thường tránh né. Một lúc sau bà mới lên tiếng:
_ Vậy mai em lên đường anh nhé! Ra đó có gì em sẽ gọi điện về cho anh, anh đừng lo!
Ông Hưng thở dài, giọng ông chứa đựng sự đau xót chân thành ông dặn dò:
_ Em à! Em đi nếu lỡ ra ở nhà anh có mệnh hệ gì thì mong em tha thứ cho anh. Anh biết anh có lỗi với em và con. Anh có lỗi với cha nữa… Xin em cứ cuốn chiếu mà chôn anh đừng làm gì chộn rộn xa hoa mà tội của anh thêm nặng. Nói với con cháu ở xa rằng nơi nào cưu mang mình thì nơi ấy là quê hương hãy là công dân tốt ở xứ người.
Thật ra nhìn vào ánh mắt u uẩn của chồng bà cũng không thể hiểu hết được ý nghĩa những gì ông vừa nói. Bà vội vã đưa tay lên bịt miệng ông, kêu lên:
_ Trời ơi! Bậy quá nói gì ghê thế giống như đang hấp hối vậy!
Nói rồi bà vội đỡ ông đứng dậy, nhẹ nhàng dìu ông vào nhà.
***
Bà Mơ khởi hành lúc tám giờ sáng bằng xe lửa. Ngồi trên chuyến tàu bà hầu như lặng câm. Bà không còn bụng dạ để xã giao bắt chuyện với những người cùng toa, cũng không còn tâm trạng đâu để nhìn cảnh vật mưa nắng hai bên đường. Bà hồi hộp lo lắng không biết cuộc hành trình của mình sẽ đi về đâu? Đau khổ bà đã chuẩn bị để tiếp nhận nhưng không biết có tìm thấy con không? Bà nhắm mắt lại miên man với những dòng suy nghĩ hầu như quên mất mọi người xung quanh. Ngồi như vậy không biết bao lâu bỗng bà giật mình khi một bàn tay chạm nhẹ vào người. Bà mở mắt ra ngơ ngác. Người đàn bà ngồi cạnh nhìn bà nở một nụ cười đôn hậu nói:
_ Mời bác ăn với vợ chồng tôi cái bánh ít lá gai. Bác chắc không phải người miền trung? Bác đi đâu đây? Đi chơi hay đi thăm ai, sao đi có một mình?
Nhìn người đàn bà có vẻ hồn hậu bà Mơ nhận lấy chiếc bánh ít ngập ngừng một lúc rồi nói:
_ Cám ơn bà tôi không đi chơi mà cũng chẳng có ai để thăm ngoài này.
_ Vậy ra bác có việc? Bác dừng ở đâu vậy?
_ Ở Tam kỳ. Tôi ra đó xa lạ không biết có được chuyện gì không?
Người đàn bà bật cười rồi trấn an:
_ Bác may mắn rồi đó! Tôi ở Tam kỳ đây!
Bà Mơ mừng quá quên cả e dè vội hỏi:
_ Vậy bà có biết vị Tiên Linh Đại Tiên Sư ở chính điện Tam Kỳ không?
Người chồng ngồi kề bên nghe vậy mau mắn trả lời:
_ Tôi biết vị Tiên Linh này. À hoá ra bà ra đây về việc này.
Thế là bà Mơ bắt đầu kể. Bà nói nhỏ chỉ đủ hai vợ chồng nghe thôi. Hai vợ chồng cũng hạ thấp giọng khi nghe bà nói mục đích chuyến đi tìm con, một người lính VNCH đã mất tích năm 75. Bọn họ cứ thế thì thào tâm sự. Người đàn ông nói:
_ Nếu con bà là lính Thuỷ Quân Lục Chiến thì tôi có thể biết. Hồi đó tôi ở Cam Lộ. Thạch Hãn là nơi đóng quân của TQLC.
Bà Mơ gật đầu:
_ Đúng rồi! Con tôi đã từng ở đó. Trong thơ con tôi nói đó là nơi trao trả tù binh hai bên.
Giọng người chồng bỗng trầm hẳn xuống, có cái gì đó thật buồn nghèn nghẹn:
_ Gặp bà trên chuyến tàu này khi nghe bà xưng là mẹ một sĩ quan TQLC tôi bồi hồi nhớ lại khuôn mặt một người tôi đã chôn. Khi chôn khuôn mặt anh ta còn tươi rói, đẹp đẽ, thân thể y nguyên như người đang ngủ. Chôn anh ta xong mấy chục năm không hiểu sao tôi không bao giờ quên nét mặt ấy.
Nói tới đây nước mắt ông ta ứa ra. Bà Mơ đọc được trong mắt người đàn ông một nỗi niềm thầm kín giống như ngọn lửa bị vùi dập dưới lớp tro chỉ cần một cơn gió là bùng cháy trở lại. Bà Mơ nghe như có một bàn tay vô hình đang từ từ siết nhẹ tim mình. Giọng ông ta một lúc một sống động hơn:
_ Cái ngày hôm ấy tôi đi tìm đứa cháu thường bán quà ven biển, cũng là ngày tôi chứng kiến những cảnh thật đau lòng. Quân VNCH một số rút về Đà Nẵng, một số chạy đến biển Thuận An. Phần vì tranh nhau lên tàu há mồm, một số bị trúng đạn tàu chìm. Phần vì trúng đạn ngoài khơi bắn vào chết nhiều lắm! Xác dạt vào bãi biển Thuận An. Người dân ở đó nếu thấy xác lính họ đều đem chôn. Có người còn nhớ mộ bia người mình chôn mặc dù không dám ghi dấu trên mộ. Bà biết không sau 75 có những hiện tượng rất lạ. Đó là người dân trong vùng quanh đó trồng khoai nhưng không hề thấy củ trong suốt nhiều mùa như thế. Về đêm người ta thường nghe tiếng quân lính hô tập trận…
Người đàn ông chép miệng thở dài:
_ Có lẽ họ chết bất đắc kỳ tử nên còn nhiều ấm ức. Sức trẻ ham muốn còn nhiều tạo áp lực sao đó khiến không thể siêu thoát được. Sau này thì không thấy nữa chứ những năm đầu sau 75 mỗi lần rằm tháng 7 cúng cô hồn, khấn chưa xong là cả cái mâm cúng cứ run lên bần bật dù cho lúc đó trời im gió.
Bà Mơ lấy khăn tay chậm nước mắt. Chắp tay lại như van vái, bà nghẹn ngào cố gắng lắm mới nói được trọn câu sau những tiếng đứt quãng:
_ Cơ duyên nào xui tôi gặp ông trên chuyến tàu này vậy? Tôi biết mình không có cách gì, khả năng gì để đền đáp. Tôi không biết chắc con tôi mất ở đâu? Nhưng khi nghe ông kể xong tôi xin ông cứ nhận nơi tôi một cái lạy này thay cho lòng biết ơn tất cả những ai đã chôn xác những người tử nạn ngoài đó.
Nói tới đây không kìm được cảm xúc tiếng bà nhòe đi trong nước mắt. Mọi người trong toa tò mò quay lại nhìn. Hai vợ chồng dùng mọi lời lẽ để an ủi bà Mơ. Người vợ nói:
_ Chút nữa xuống Tam Kỳ tôi sẽ chỉ chỗ trọ an toàn cho bác ở gần ga. Ngày mai tôi sẽ cho cháu nó lên chở bác tới tận nhà ông Ba đồng tử. Bác đừng lo!
Bà Mơ thắc mắc:
_ Nghe nói ông Ba là cán bộ cộng sản không biết tôi là “nguỵ” ông ta có coi không?
Người đàn ông trả lời:
_ Tiên Ông vô tư chỉ mượn xác phàm có phe phái gì đâu mà phân biệt cộng sản hay VNCH? Mặc dù khách thường ở bên cách mạng là nhiều. Để con trai tôi mai nó đưa bà đi, chỉ đường đi nước bước cho bà hầu có thể duyệt đơn nhanh nếu không sẽ bị loại và cứ thế mà chờ đợi. Bà ở trong ấy ra mỗi lần đi là mỗi lần khó, đường xá xa xôi… Khi nhập, giọng Tiên ông rất khó nghe do đó phải chuẩn bị thâu băng để về nghe lại.
Khi bà Mơ đến Tam Kỳ đường phố đã lên đèn. Sau khi chỉ chỗ trọ vừa rẻ vừa an toàn hai vợ chồng chào tạm biệt và hẹn gặp lại ngày mai. Tắm rửa rũ sạch bụi đường bà Mơ lang thang ra ngoài kiếm một quán nhỏ để ăn uống qua loa cốt để xem xét sự tình nơi đây. Khi dùng bữa bà làm quen được với một số người khác. Bà thấy dân ở đây mộc mạc chân chất sao ấy! Trong họ có cái gì nồng nàn đậm sâu. Cuộc sống yên bình ít đua tranh khiến họ hướng nội hơn thì phải? Tín ngưỡng chứ không phải vật chất chi phối con người nơi đây. Bà là người theo đạo Thiên Chúa lấy chồng đạo Phật nên cũng không xa lạ gì với những việc cúng tế lễ lạc nhưng khi đến đây những phong tục tập quán địa phương vẫn làm bà cảm thấy rất ngạc nhiên.
Trở về phòng trọ lúc trời đã về khuya, bà thao thức mãi không sao ngủ được. Cứ chập chờn suốt đêm. Tất cả những gì xảy ra ngày hôm nay đã an ủi bà phần nào. Bây giờ bà chấp nhận nếu không nói là sẵn sàng chờ đợi mọi bất hạnh. Khổ đau cơ cực có thể phải chịu đựng miễn là biết được tin con. Bà nghĩ như vậy và thấy lòng dịu lại ít nhiều. Tuy chưa gặp Tiên Ông nhưng tinh thần bà đã điềm tĩnh trở lại. Bà ước sao cho trời mau sáng. Sự mệt nhọc ăn uống thất thường của cuộc hành trình đường xa hình như không ảnh hưởng đến bà. Nghĩ đến Hoan Bình và Hoàn những mạch máu trong người bà như bừng dậy. Ngày mai, ngày mốt… Những ngày kế tiếp bà nhất định sẽ vượt qua những ngăn trở, lần này quyết tâm tìm cho ra tông tích con và cháu. Bà nhủ thầm như thế rồi thiếp đi lúc nào không biết.
Ngày hôm sau người con trai tên Hinh của hai vợ chồng bà quen trên chuyến tàu đến tận nhà trọ đón bà. Biết bà sốt ruột, anh ta phóng xe chạy thẳng một mạch. Khi xe vừa dừng tại nhà thầy Ba bà thấy một đám đông ồn ào trước ngõ. Một số người xô xát chửi rủa lẫn nhau. Một thanh niên gào lên uất ức:
_ Mẹ kiếp! Ông thì ông không chịu thua mày đâu! Ông đợi dài cả cổ mà cứ bị loại ra miết thôi! Cũng vì những đứa ăn trên ngồi trốc, có thân thế có tiền bạc như mày đó!
Bà Mơ hốt hoảng hỏi Hinh:
_ Chết thật! Cái gì vậy? Mình có vào được không?
Hinh trấn an:
_ Không sao đâu! Mình cứ vào xem tình hình như thế nào?
Hinh đưa bà gặp người phụ trách giấy tờ cho thầy Ba, xin đăng ký tên họ của Hoan Bình và Hoàn nhờ thầy xem xét dùm. Anh ta giải thích:
_ Mấy bữa trước thầy đi Kontum theo lệnh của Tiên Ông để làm cho thân chủ. Giấy tờ bị ứ đọng. Sáng nay chỉ làm cho chín người, còn lại đợi chiều. Vậy ai nộp đơn như bà đây thì phải chiều mai mới đến lượt. Bây giờ anh hướng dẫn hoặc viết thủ tục dùm bà đi!
Hinh đưa bà Mơ ra ngồi chiếc bàn bên cạnh để làm đơn. Khi làm xong Hinh đưa lại nộp đơn cho người đàn ông. Ông ta nhận đơn rồi dặn dò cặn kẽ một lần nữa:
_ Nhớ sửa soạn máy ghi âm nghen!
Bà Mơ và Hinh cúi đầu chào rồi xin phép ra về. Khi lái xe đưa bà ra khỏi nơi xô xát lúc nãy Hinh nói như phân trần với bà:
_ Bà thấy không? Người chết người mất tích thì nhiều mà chỉ có mỗi mình thầy Ba làm sao cáng đáng hết được. Ở đâu muốn cho nhanh cũng phải vận dụng sự quen biết, thanh thế này nọ nên mới có vụ lộn xộn mà hồi nãy bà thấy đó! Người nhận đơn là con một người hồi trước làm việc cùng chỗ với bố con nên ông ta mới thông qua dễ như vậy!
Bà Mơ nói giọng nhẫn nhục:
_ Họ kêu la làm thế được chứ thân phận như bà đây họ nói chờ thì cứ chờ chứ biết sao giờ?
Rồi bà lo lắng hỏi Hinh:
_ Bà có làm phiền con không? Con có phải đi làm đi học gì không?
_ Con làm nghề tạc tượng, làm đồ lưu niệm bà ạ! Con làm gia công cho người ta nên cũng chủ động về thời gian.
Bà Mơ bàn:
_ Vậy con đưa bà ra phố mua ít đồ cần thiết cho buổi lễ ngày mai.
_ Con sẽ đưa bà đi tham quan một loáng trước khi đưa bà về nhà bố mẹ con. Máy thu băng bà khỏi lo để con lo cho!
Bà Mơ gật đầu:
_ Ừ cái đó thì phải nhờ con rồi đó!
Xe đi vào một khu chợ. Là người Đàlạt nơi có nhiều người Quảng vào lập nghiệp nên ngôn ngữ trao đổi, khung cảnh mua bán không làm bà cảm thấy ngỡ ngàng chút nào! Tiếng rao hàng chào mời. Tiếng nhạc xập xình phát ra từ những cửa hàng quán nhỏ ven đường. Những âm thanh động cơ lướt trên mặt đường, tất cả đều thân quen. Bà trả giá mua bán rất nhanh làm Hinh ngạc nhiên:
_ Xong rồi hả bà? Bà mua nhanh ghê!
_ Đi chợ cà kê dê ngỗng giữa nắng nôi có gì thích thú đâu!
Hinh phì cười nói giọng bí mật:
_ Vậy bà lên xe con chở bà đi một vòng cho khuây khoả.
Ngồi trên xe do một người trẻ lái, xe chạy nhanh nhiều hơn là chậm. Bà có cảm tưởng như mình lạc vào một không gian đặc biệt vừa xa lạ vừa thân quen. Xe đi qua những vùng cát trắng, qua những làng chài. Đây đó xuyên qua những hàng dừa, sau những tấm lưới phập phồng giăng giăng bóng những người phụ nữ thoát ẩn thoát hiện, những mảnh áo quần, những làn tóc xổ tung bay bay nghiêng nghiêng trong gió. Những đứa bé trần như nhộng nô đùa chạy nhảy vô tư giữa đất trời, nhìn xa trông cứ như chúng đang bị cuốn đi theo những cơn gió cát mịt mù… Một cụ già râu tóc bạc phơ tay cắp một cái chai đứng ngất ngưỡng chênh vênh trước mũi thuyền, ông ta đang say? Tiếng hò khoan từ đâu vọng lại lướt xa trong gió… Tất cả hoà quyện vào nhau rời rạc hỗn độn hay chính lòng bà đang ngổn ngang rối bời… Bất chợt Hinh hỏi bà:
_ Hồi nãy làm đơn cho chú Bình và chú Hoàn con thắc mắc tại sao chú Hoàn đi học tập mà lại mất tích được vậy bà?
Bà Mơ chép miệng than:
_ Khổ quá! Đi học tập ở Sông Bé chứ sao nhưng rồi lại trốn trại vì không chịu đựng được. Thế là biết đâu mà hỏi mà tìm bây giờ? Người ta đi học tập về hết rồi, không về nữa thì chắc chết ở đâu đó rồi con ạ! Tội nghiệp quá!
_ Chú Hoàn làm đại uý phi công mà sao không lo đi cho rồi hả bà?
Bà Mơ đáp:
_ Ấy thủ tục đã xong xuôi. Chỉ cần chậm vài ngày là chú ấy đi được rồi. Mình không có phước thì biết sao giờ?
Hinh chặc lưỡi:
_ Nếu nói là không có phước thì người Việt Nam mình vô phước nhiều lắm bà ạ! Gia đình con họ hàng, người theo cách mạng, người theo VNCH chết cũng nhiều lắm! Thanh niên thời chiến đã đành, hoà bình cũng có sung sướng gì đâu! Học hành tốt nghiệp ra trường như con đây cũng phải đi học nghề ở Đà Nẵng mới có ăn chứ trông nhờ gì vào bằng cấp hả bà?
Mãi nói chuyện bà Mơ không để ý xe đã rẽ vào một xóm nhỏ và bất ngờ dừng lại trước một ngôi nhà nằm khiêm tốn cuối một con ngõ hẹp. Hinh tắt máy xe nhìn đồng hồ kêu lên:
_ Trời đất đi vậy mà cũng quá trưa rồi bà ơi! Thôi mình vào nhà kẻo bố mẹ con mong.
Vừa bước lên bậc thềm bà quay lại nhìn cái sân đất phẳng lì lấp lánh rơi đầy hoa nắng. Ngoài kia những con bướm chập chờn bay nhìn xa tựa như những điểm trắng linh động thoát ẩn thoát hiện giữa màu tím của những bông hoa đậu ván nở kín trên giàn. Một chiếc áo tơi đi mưa mắc hững hờ bên bờ dậu thưa. Một đôi guốc mộc gác khẽ khàng bên cạnh cái giếng nhỏ. Có một cái gì tưởng chừng như đã xa xôi đã trôi dạt vào quên lãng bỗng quay trở về. Bất giác bà đứng lặng người đi. Hinh đứng sau bà kêu lên:
_ Mời bà vào nhà! Đứng nắng coi chừng bịnh đó bà!
Bà Mơ giật mình:
_ Ờ… ờ bà vào đây!
Từ ngoài bước vào thoạt đầu tối om đến nỗi không nhìn rõ vật gì ra vật gì. Hinh kéo ghế mời bà ngồi. Ánh mắt bà nhanh chóng hướng sự chú ý về một phía. Một gốc khế cằn cỗi nằm trong một khuôn chậu tròn trịa. Những cành gầy guộc khẳng khiu gần như trơ trụi lá nhưng lại lủng lẳng đầy những trái vàng tươi căng mọng rực rỡ. Hình như tất cả những gì tinh túy khắc nghiệt nhất của thiên nhiên đang tích tụ hoà nhập thật diệu kỳ toả sáng cái không gian bé nhỏ tối tăm này. Bà Mơ buột miệng khen:
_ Trông kìa ngộ chưa kìa!
Hinh giải thích:
_ Đây là cây khế bạn con nó tặng. Thấy hay hay nên để ở góc phòng chứ mình người nhà quê có biết chơi cây cảnh đâu! Có điều bố con cưng nó lắm! Nâng niu hết biết luôn!
Đang thích thú ngắm nhìn cây khế thì hai vợ chồng xuất hiện. Người chồng xách cái ấm tích trà, người vợ bưng mâm thức ăn theo sau. Người chồng lên tiếng trước:
_ Chào bà! Trưa trầy trưa trật ra rồi! Mời bà dùng bữa với chúng tôi rồi còn nghỉ lấy sức kẻo mệt!
Bà Mơ kêu lên:
_ Trời ơi! Tôi làm phiền ông bà rồi! Bà làm gì mà thịnh soạn thế?
Bà nhìn mâm thức ăn để trên bàn tấm tắc khen:
_ Trông hấp dẫn quá!
Người chồng vừa so đũa vừa mời:
_ Xin mời bà dùng bữa với chúng tôi. Xin bà đừng làm khách!
Bà Mơ xua xua tay:
_ Ồ không đâu! Tôi là người gốc bắc thuộc loại quê mùa không biết khách sáo đâu! Thú thật mấy bữa nay không muốn ăn gì hết. Ruột gan cứ rối bời. Tôi buồn nên ăn gì cũng thấy đắng đầu lưỡi. Sao nóng ruột quá ông bà ạ! Nhất là khi làm đơn ở nhà thầy Ba. Bây giờ nhìn dĩa gỏi cuốn này mới biết mình đói.
Người vợ bật cười ha hả rồi nói với chồng:
_ Đó ông thấy không, tôi nghĩ đãi bác món này là hợp lý lắm!
Rồi bà ta gọi với vào trong:
_ Hinh làm gì đó ra ăn đi con!
Hinh dạ ran từ nhà sau chạy ra tay cầm mấy lon bia, sà ngay xuống hít hà tỉnh bơ rồi hỏi:
_ Mẹ đãi bà món gì vậy?
Bà mẹ lườm yêu con rồi gắt:
_ Lại còn vờ vịt! Mắt đâu không nhận ra món gì?
Rồi quay lại bà Mơ giọng bà trầm hẳn xuống như một lời tâm sự:
_ Đêm qua tôi về cứ suy nghĩ mông lung. Tôi nghĩ đến những giọt nước mắt của bác hôm qua trên chuyến xe. Thật ra cuộc đời có bao giờ tốt đẹp hoàn hảo luôn đâu phải không bác? Tôi đây hồi còn nhỏ cũng lận đận lao đao. Mẹ mất sớm. Cha đi làm cách mạng biền biệt trong khu. Lớn lên lấy chồng, những năm đầu cứ sẩy thai miết, cố gắng lắm mới được cháu Hinh đây. Hôm nay tôi mời bác món gỏi này trước hết là vì trời nóng để bác nuốt cho dễ hơn là ăn cơm. Sau đó là để bác ăn thử với nước mắm nổi tiếng của quê tôi coi có hợp không?
Bà Mơ hỏi:
_ Thế quê bà ở đâu? Phú Quốc à?
Người đàn bà lắc đầu. Bà Mơ hỏi tiếp:
_ Phan Thiết chăng?
_ Không! Quê tôi ở Nam Ô.
Rồi bà chỉ vào chén nước mắm đặt giữa mâm:
_ Nước mắm này là nước mắm Nam Ô. Ngon lắm! Không thua gì nước mắm đặc biệt Phú Quốc đâu!
Người chồng lại lên tiếng:
_ Thôi! Xin mời tất cả!
Họ bắt đầu dùng bữa chuyện trò râm ran hỏi han đủ thứ. Bà Mơ không thể ngờ mới có một ngày mà lại được ngồi trong khung cảnh êm đềm hạnh phúc với những người ngày hôm qua vẫn còn hoàn toàn xa lạ. Bà Mơ chấm gỏi cuốn vào nước mắm. Mùi vị đậm đà. Một chút rồi lại hai chút… Bà ngạc nhiên vì những miếng gỏi cuốn khéo đẹp màu sắc bắt mắt ăn thấy không biết chán. Vừa thưởng thức bà vừa kêu lên:
_ Cứ thế này chắc bể bụng lúc nào không biết!
Người vợ nói:
_ Nhìn thấy bác ăn được như thế tôi cũng mừng. Gỏi cuốn của tôi nào có thiếu gì nữa đâu! Rau thơm, khế chua, chuối chát, thịt ngậy, tôm ngọt, đậu phọng bùi, ớt cay chấm với nước mắm… đầy đủ hương vị mặn mà nồng cay chua chát ngọt bùi rồi đó bác ạ!
Bà Mơ gật gù ra ý đã hiểu lời lẽ ý vị của bà ta. Bầu không khí càng lúc càng giống như một bữa tiệc vui. Khi dùng bữa xong lúc nhìn Hinh mang chiếc ấm lại rót cho mỗi người một tách trà bốc khói bà Mơ thổ lộ:
_ Mặc dù chỉ mới ra đây nhưng số phận lại run rủi cho tôi gặp ông bà. Điều này thoả mãn những mong ước của tôi từ bao năm nay. Ông bà khiến tôi có cảm tưởng giải đất miền trung này còn nhiều bí ẩn. Tôi nhìn miền trung qua ông bà và cháu Hinh đây. Dù cho có tìm ra con tôi hay không tôi cũng sẽ ra Đà Nẵng, Huế ghé thăm những nơi con tôi đã từng đóng quân. Hồi sáng nghe cháu Hinh tâm sự có một thời học nghề ở Đà Nẵng. Nếu ông bà và cháu đây không e ngại gì tôi muốn xin phép cho cháu Hinh được đi với tôi chừng vài ngày, mọi chi phí tôi sẽ chịu hết, không biết ông bà có bằng lòng cho cháu đi với tôi không? Dù sao cháu Hinh cũng quen đường quen lối.
Không kịp nghe phản ứng của bố mẹ, Hinh gật đầu ngay:
_ Con cũng muốn bàn với bà như vậy. Bởi nếu không, ra ngoài ấy phải tìm người dò đường hỏi lối mất thì giờ. Vả lại bà cũng phải cảnh giác. Miền trung cũng lắm điều bất ngờ lạ đời lắm bà ạ! Phải coi chừng tụi bán hàng rong mỗi khi xe dừng trong chốc lát. Nếu có ai bán bánh ú, bánh tét, bánh chưng thì đừng vội mua, coi chừng bánh đất đó nha bà!
Người chồng bàn:
_ Để cháu nó đi với bà vì nếu tìm được mộ thì phải mang nắm đất vào đây cho Tiên Ông xác nhận rồi lại mang trở ra trả lại chỗ mộ bia, bà cứ ở ngoài ấy cháu nó về rồi trở ra cho nhanh.
Người mẹ quay sang nạt con:
_ Trời ơi! Hinh! Sao con lại nói chuyện tàm xàm gì với bà vậy? Đâu phải lúc nào cũng vậy đâu? Bác cứ yên tâm mà đi, không sao đâu!
Hinh cãi:
_ Không à? Với lại mấy tên mà cứ xách cái rổ hay mâm lót lá chuối, trên bày thịt gà luộc. Mới nhìn thấy hấp dẫn mua rồi khi xe chạy thì hỡi ôi bà biết không leo teo vài miếng chỉ toàn xương và da không à! Vậy mà chúng sắp xếp bày biện làm sao khi nhìn cứ ngỡ là phải ngon phải ngậy phải nhiều nhiều là…
Nói tới đây Hinh ngả người ra ghế cười ngặt nghẽo. Bà mẹ nói móc con:
_ Sao biết rõ vậy? Có kinh nghiệm rồi à?
Bà Mơ tạm quên nỗi đau buồn riêng nói đùa:
_ Được rồi con nói vậy thì bà đây cảnh giác. Mắt bà còn tinh lắm! Đố đứa nào lừa được bà? Vả lại bà có ăn quà vặt dọc đường đâu! Ba cái chuyện lặt vặt đó ăn thua gì với cái bà già gân này?
Nói rồi bà đứng dậy xin phép về nhà trọ nghỉ ngơi. Thấy Hinh vội vàng lục túi lấy chìa khoá xe bà khoát tay lia lịa:
_ Thôi con à! Bà phiền con cả buổi sáng rồi! Con nghỉ một chút rồi lo dùm bà cái vụ thu băng gì đó. Bà cám ơn con. Bà đi tà tà cho khuây khoả, khi nào hứng thì nhảy lên xe ôm về nhà trọ. Hai ông bà già rồi sức yếu nên đi nghỉ trưa một chút cho khoẻ.
Nói rồi bà Mơ bắt tay từ biệt. Bước ra khỏi nhà bà đi lang thang tình cờ đi qua một con đường dài sâu hun hút hai bên là những vách lá đơn sơ. Bà nghe văng vẳng tiếng ru vọng lại từ một căn nhà nào đó… Giọng ru nghe sao thiết tha. Lòng bà chợt nao nao… Bà bước chậm lại… “Ầu.. ơ… Thương nhau bụi cỏ cũng ngồi, đám tranh cũng lội rừng chồi cũng băng…” Bà nhớ lại lúc đưa võng cho con khi Hoan Bình còn bé, lẫm chẫm bước đi đầu tiên. Bất giác bà gọi khẽ tên con: “Bình ơi! Má sẽ đi tìm con. Dù cho có khó khăn vô vọng như thế nào đi nữa! Con đã ra đi quá lâu! Má không thể ngồi khóc đau khổ chờ đợi hy vọng nữa! Bây giờ má sẽ cố gắng hết mình. Tất cả vì con Bình ạ!” Bà cứ lầm lũi đi chìm đắm trong hồi ức. Có tiếng bóp còi inh ỏi đằng sau. Một thanh niên cho xe trờ tới mời chào:
_ Bà ơi! Bà đi đâu đó? Để con chở bà đi.
Bà Mơ ngớ người ra một lúc. Nhờ người lái xe ôm bà mới kịp nhận ra mình đã đi lầm đường, đi quá xa rồi thì phải?