Chiều hôm sau bà Mơ là vị khách đầu tiên của thầy Ba. Trước khi vào phòng bà quay sang Hinh căn dặn:
_ Con nhớ ghi chép và thu âm cẩn thận những gì Tiên Ông nói nghe con!
Bà và Hinh được người hướng dẫn đưa lại đứng trước bàn thờ. Tự bà đốt nhang van vái lâm râm một lúc rồi cắm nhang vào lư hương. Bà từ từ quỳ xuống kính cẩn trước mặt thầy. Trong khoảnh khắc trang nghiêm hồi hộp khuôn mặt bà bất động, hai mắt mở to lộ rõ sự căng thẳng. Tất cả đều im phăng phắc. Căn phòng chìm đắm trong sự chờ đợi. Mùi hương hoa lãng đãng bạch lạp cháy xèo xèo… Hinh sửa soạn máy thu âm. Bỗng nhiên có ai đó gõ nhẹ vào cái khánh nhỏ. Tiếng chuông thanh thanh vang lên… Ba tiếng một tiếp thành chín tiếng. Dứt một lát, tiếng trống lại vang lên… Ba tiếng đầu thong thả… Ba tiếng sau dồn dập hối hả dừng lại ở ba tiếng cuối mạnh mẽ và dứt khoát… Tất cả lại lặng yên. Bà Mơ ngồi đó, mi mắt khẽ rung môi bà mấp máy như đang cầu nguyện. Có tiếng xì xào: “Tiên Ông ứng vào rồi!”
Bà Mơ tò mò ngước nhìn lên thấy con ngươi của người đồng tử trợn ngược lên đảo qua đảo lại hai bàn tay rà rà trên không như một người đang dò dẫm tìm kiếm gì… Bà vội cúi xuống nín thở chờ đợi. Một giọng nói thật lạ không rõ ràng chợt vang lên. Cảm giác rờn rợn lướt qua da, lan tận xương sống. Nhưng bà trấn tĩnh lại ngay. Ánh mắt bà sáng lên chuẩn bị hết tinh thần lắng nghe cái giọng trọ trẹ khàn khàn đứt quãng của Tiên Ông bắt đầu hỏi:
_ Người thân tên Hoàn của nhà ngươi đi học tập trước đây có chức vụ có quyền phải không?
Bà gật nhẹ kính cẩn trả lời:
_ Dạ thưa là đại uý phi công.
Tiên Ông phán:
_ Vậy ta cho ngươi biết người thân nhà ngươi vượt ngục mất trong rừng sâu xác bị thú rừng tha đi không thể tìm cốt được nữa! Bây giờ nhà ngươi về nhà đem ảnh của đại uý Hoàn nhờ một vị hoà thượng cao thâm đức độ làm lễ cầu siêu. Táng bức ảnh vào trong một cái hòm gỗ bằng nửa cái hòm bình thường bên ngoài sơn đỏ hay bọc giấy đỏ. Không được đóng đinh. Tất cả các khớp phải ráp bằng gỗ. Xong xuôi đem an táng tại nghĩa trang.
Nghe tới đây sự trầm lặng nhẫn nại của bà dường như biến mất. Đôi vai bà rung lên từng hồi. Mồ hôi rịn ra ướt cả hai bên thái dương. Mặt biến sắc. Bà muốn hỏi Tiên ông một số điều về Hoàn nhưng toàn thân cứ run lập cập. Tiên Ông lại hỏi tiếp:
_ Còn con trai nhà ngươi là đại uý TQLC Hoan Bình trán cao, lông mày rậm dáng cao phải không?
Sự mô tả không đúng lắm nhưng trong cơn bối rối bà Mơ nghẹn lời không nói được gì cứ gật đầu lia lịa. Tiên Ông phán:
_ Ta cho ngươi biết, người thân của nhà ngươi khi rút lui đã bị bao vây tấn công và thiệt mạng. Xác dạt vào bãi biển Thuận An, người thôn Đông Hà vớt chôn tại bãi biển. Sau này biển lấn, dân chúng dời mộ vào trong, cách 200 thước. Chôn thành một ngôi mộ tập thể như một luống dài. Ngôi mộ này có mười một xác. Xác thứ ba từ hướng tây bắc đếm tới chính là con trai nhà ngươi. Ta sẽ vẽ hoạ đồ chỉ đường đến thăm mộ, cáo tri cùng thổ địa, xin đất về ta xác minh cho biết ngày tử nạn sau. Ra đó cứ hỏi người dân địa phương người ta sẽ chỉ cho…
Bà Mơ nghe mà đứt từng khúc ruột. Cảnh vật trước mắt bà như nhoà đi… chao đi… chao lại… Hôm qua có lẽ nỗi đau xót chưa thấm sâu bà tưởng mình sẽ chịu đựng và vượt qua được giây phút này. Không còn trấn tĩnh được nữa, không cầm được cảm xúc bà bật khóc thành tiếng.
Ngồi bên cạnh bà, Hinh chứng kiến nét mặt bà thay đổi liên tục. Từ căng thẳng chờ đợi đến hốt hoảng tuyệt vọng rồi đau đớn. Bây giờ toàn thân bà như sụp xuống thành một đống bất động trên chiếc chiếu hoa. Hinh vội vàng thay bà thu thập những lời Tiên ông căn dặn về ngôi mộ của chú Bình rồi nhận tấm hoạ đồ ngôi mộ, cám ơn Tiên Ông, hấp tấp đỡ bà Mơ đứng dậy. Hầu như bà không nghe thêm được gì nữa. Bà phải dựa vào vai Hinh mới có thể bước ra khỏi phòng. Ngồi trên bực thềm của ngôi nhà, không khí thoáng đãng nhưng phải một lúc sau bà mới bình tĩnh trở lại. Cố gắng lắm bà mới rên lên được vài tiếng:
_ Dạ bà đừng lo! Con đưa bà về nghỉ để lấy sức mai ta lên đường!
***
Bà Mơ vội gác máy điện thoại công cộng rồi băng ngang qua đường. Hinh đỡ bà ngồi vào xe rồi hỏi:
_ Bà đã báo cho ông biết gì về các chú chưa?
Bà ngả người ra thành ghế thở dài nói:
_ Chưa con ạ! Vì bà không biết đích xác có tìm được mộ không? Nếu không thì bà im lặng luôn. Bà không muốn ông xúc động. Còn nếu tìm được xong xuôi thì bà mới nói. Bà chỉ báo cho ông là bà đang đi ra Huế. Có thể tối sẽ có tin. Vậy thôi!
Hinh lại hỏi:
_ Ông có thắc mắc gì không ạ?
Bà Mơ cười buồn:
_ Thật ra ông vẫn hy vọng hai chú ấy còn sống. Việc phải chấp nhận hai chú ấy không còn nữa thật khó khăn với ông. Lúc nãy nói chuyện với bà hình như ông muốn lãng tránh không hỏi kỹ lắm! Ông chỉ nói bà ra Huế nên đi xem Chùa Linh Mụ, Núi Ngự Bình và khu Đại Nội.
Xe đang chạy… Bà Mơ hỏi:
_ Bao giờ tới Huế?
Hinh giải thích:
_ Chắc không lâu đâu bà ạ! Thật ra chúng ta đã kết thúc chuyến vượt đèo từ hôm qua. Bây giờ đang xuôi ra Huế. So với cảnh hoang phế đổ nát của Tháp Chàm, đền đài lăng tẳm Huế may quá vẫn còn tương đối nguyên vẹn bà ạ!
Ngồi trên xe Bà Mơ đưa mắt nhìn cảnh hai bên đường. Những đoạn gập ghềnh không còn nữa! Giờ là những cánh đồng lúa trải dài bao quanh những làng xóm hiền hoà êm ả. Ngồi trên xe bà hồi hộp mong sao cho chóng tới, vì đây là chặng cuối cùng trong chuyến đi tìm con. Ấn tượng của bà trong cuộc hành trình dọc miền trung là những bãi cát, chỉ cát là cát. Cát trải dài mút mắt không có điểm dừng… Cát trắng phau miên man vượt qua những mõm đá chênh vênh. Nước và cát mù khơi hoà nhập với đường chân trời. Cát tụ lại thành những mũi dài vươn ra nổi trên mặt nước biếc xanh êm đềm bên những làng chài. Phong cảnh con người miền trung tuy có xa lạ nhưng là những nơi con bà đã từng hành quân qua. Những bãi cát, những bờ biển, những rặng dương đâu đâu cũng có vẻ thân thương. Những khuôn mặt, những cái nhìn, những mỉm cười vu vơ của người không quen biết. Có một thời chiến tranh khốc liệt nơi đây, vô tình để lại những vết thương ẩn dấu sau những nhành cây ngọn cỏ. Xác tàu cháy đen. Những hàng rào dây thép gai đã xỉn nâu nhô lên từ đống cát… Mưa giăng giăng trên tháp cổ rêu phong đổ nát vẫn không đủ sức xoá nhoà những vết đạn lổ chổ trên thân tháp. Tiếng mưa sầm sập nghe như nhịp bước của một binh đoàn. Thấp thoáng đâu đó vẫn còn dư vị khổ đau. Có một điều bà thấy lạ! Đó là khi ở những nơi ồn ào lao xao hối hả với Hinh bà lại không có cảm giác đó! Thế nhưng nếu Hinh mãi tắm biển hay thăm bạn bè, một mình bà lang thang trên những bãi cát bà thường rơi vào trạng thái lơ mơ. Đôi khi thấy mình bập bềnh lấp lửng giữa thực và hư. Rõ ràng có lúc bà đang đứng trong một khung cảnh yên bình bên hàng dừa cao vút nghiêng mình du dương trong gió, hoặc thiu thiu ngủ dưới những mái lều êm ả giữa rặng phi lao, tất cả đều lặng lẽ hoang vu, ấy vậy mà bà vẫn cảm thấy điều gì đó không ổn… Giữa mây trời gió biển, mênh mông cát nước, có một cái gì đó đang chăm chăm ồ ạt như thuỷ triều dâng. Những con sóng ngoài khơi từ từ lớn lên, lừ lừ tiến vào bờ… Từng cơn từng cơn, từng đợt từng đợt sóng dội bờ cát… Tiếng sóng gầm thét oai phong nghe như tiếng hô xung phong hăm hở của một đoàn quân đang hối hả đổ bộ lên bờ.
Có khi bà đứng chôn chân trong cát nóng. Một màn bụi mỏng xuất hiện phủ lên không gian đang chìm trong im lặng. Bụi li ti lơ lửng, rồi tất cả sáng rực lên. Bầu không khí đầy bụi kia có vẻ như lung linh sống động hơn, hừng hực khí thế.Màn bụi lớn dần xoay nhẹ trong gió rồi đột nhiên lướt tung trên cát quay cuồng như những điệu vũ Rồi bà nghe trong gió có tiếng reo thầm. Tất cả cứ mỏng như sương mờ như khói. Không khí gồ ghề không rõ rệt biển đổi lạ kỳ. Bà căng mắt nhìn mọi hướng. Rõ ràng còng, cua đang chạy tít tắp để lại vệt dài trên mặt cát, những đụn cát ướt cứ trồi lên trụt xuống rồi sao lại biến thành những vết giày lính ngoằn ngoèo và phút chốc sóng lại xoá nhoà, bờ cát lại phẳng phiu?
Chính tại những nơi này bà nhận ra thực tại sâu xa thầm kín nhất. Hình như lướt cùng những sắc màu óng ánh mê hoặc kia, sải cánh trên biển xanh cát trắng kia là cái gì rất nhẹ đến vô hình. Một cái gì đó thật khắc khoải thiết tha mong chờ? Phải chăng đó là sự thổn thức của những linh hồn? Những gì còn nhẹ hơn hơi nóng trôi nổi vật vờ trong những luồng ánh sáng và không khí hoá thân vào cành lá, cát bụi, bám vào những cảnh xung quanh tích tụ lại tạo ra mãnh lực xoay vần trong cái bao la vô cùng vô tận của đất trời gió cát…?
Hinh cất tiếng phá tan sự im lặng:
_ Bà ạ! Chút nữa theo con chúng ta sẽ mướn xe thẳng tới Đông Hà. Rồi nếu tìm được mộ thì con sẽ lấy một nắm đất, đón xe về gặp lại Tiên Ông ngay để xác nhận có phải mộ chú Bình không cũng như cho biết ngày mất của chú. Con sẽ dặn xe ôm đưa bà về nhà trọ quen để trở ra con sẽ tới đó gặp bà sau.
Bà Mơ gật:
_ Phải đó con! Bà không thể chần chừ thêm được nữa!
Nắm tay Hinh bà nói với giọng biết ơn chân thành:
_ Dù có tìm được hay không bà cũng cám ơn trời đã cho bà có dịp gặp quý nhơn như con để đồng hành trong suốt chuyến đi này.
Bà và Hinh tới Huế đã gần 10 giờ. Họ vội vã mua hoa quả đồ lễ cúng rồi mướn xe ôm đến cửa Thuận An. Khi xe vượt cầu Thuận An, Hinh cho xe dừng lại hỏi thăm người đi đường. Suốt mấy tiếng đồng hồ loay hoay vẫn không tìm thấy những chi tiết Tiên Ông ghi trong sơ đồ. Người tài xế xe ôm nhìn vào sơ đồ một lúc rồi góp ý với Hinh:
_ Theo tôi, anh hiểu chưa thấu. Nãy giờ mình đi dọc bãi biển phía trái. Bây giờ trở lại cầu rồi cứ theo sơ đồ ước chừng 300 thước thì rẽ phải.
Ngồi trên xe bà Mơ khấn thầm Bình có hiển linh thì mách bảo dùm bà… Thế rồi bà nghe Hinh reo lên:
_ Cột đèn thứ sáu đúng 300 thước rồi!
Bà Mơ và Hinh cho xe ngưng lại rồi cứ thế vừa đi vừa hỏi thăm. Khi trời đã về chiều họ may mắn gặp một ngư dân. Ông ta xác nhận:
_ Đây là Làng Hà! Trời ơi! Bà và anh không biết chứ tôi rành địa điểm này lắm! Tôi là dân chài tin tưởng vào các anh linh những người tử nạn đã giúp đỡ chúng tôi.
Hinh hỏi:
_ Vậy Làng Việt Kiều ở đâu?
Người đàn ông kêu lên:
_ Thì đây chứ đâu! Làng này chôn nhiều người nhất hễ vượt biên là trót lọt ít ai bị bắt. Nhà nào có người đi được trở về tạ tiền bạc. Dân ở đây đóng góp xây hai ngôi đền uy nghi và đẹp lắm gọi là Đền Cô Bác để các anh linh có nơi trú ngụ. Chút nữa mời bà và anh ghé qua thăm. Anh đưa sơ đồ tôi coi tôi chỉ dùm cho.
Hinh mở sơ đồ rồi nói:
_ Con tìm một ngôi mộ tập thể có dấu đá mà không thấy.