Ngầm - Chương 06 - Part 03

Tôi vẫn đang lúi húi cúi xuống, xoa chân người đàn ông thì chợt ngửi thấy cái mùi thum thủm giống như hành thối ấy. Trên tàu họ nói đến cái gì nổ hơi ga nên tôi biết nó chắc là ga và tôi cần ra khỏi đây mau. Vậy nên tôi đứng lên, vớ lấy cái túi giấy của mình (tôi lạ là vẫn cứ nhớ đến nó!) và chạy. Mỗi tích tắc đều quan trọng cho nên tôi còn không cả trình thẻ đi tàu: tôi cứ thế nhảy qua hàng rào soát vé, lao lên cầu thang, hét suốt dọc đường. "Hơi ga! Hơi ga! Chạy đi!"
Mọi người khác đang lê lết quá chậm chạp lên cầu thang, hoàn toàn không để ý tới. Nhiều người hơn nữa lại đang đi xuống cầu thang để lên tàu. Không đâu có nhân viên nhà ga để ngăn họ xuống. Khi tôi bắt đầu la hét, những người ở đầu trên cùng càu nhàu, "Vội cái gì?" "Kìa, đừng đẩy!" Có thể là họ sợ tôi sẽ làm náo loạn lên. Nhưng tôi cứ tiếp tục đẩy họ để chạy qua. Tôi chạy thẳng vào một phố hẹp nối hai phố lớn, lách qua những chiếc xe hơi đậu ở đấy. Tôi nghĩ trong đầu là đi đường chính sẽ nguy hiểm. Tôi thậm chí còn tính đến việc lên một chiếc xe đang đậu ở đó nhưng nó bị khóa. Dĩ nhiên là xe đã khóa. Nhưng tôi còn không nghĩ cả đến điều đó, tôi đã ở trong trạng thái đó đấy.
Vậy là tôi lại chạy, lần này đến một cao ốc. Tôi muốn tránh một vụ nổ ga. Tôi thấy lác đác vài phòng có đèn sáng, nhưng trời vẫn còn sớm, cho nên cửa khóa. Tôi đi qua phố, bất chợt tôi thấy mắt mình là lạ, tựa như đang xem pháo hoa hay gì đó . "Quái," tôi nghĩ, rồi mười phút sau mắt tôi hoàn toàn tối sầm lại. Hôm ấy trời quang, thế mà giờ một tấm rèm từ đâu đang buông xuống và tôi không nhìn thấy được gì hết.
Tôi không thể nhìn, không thể chạy nhưng tôi biết mình phải qua đường. Tôi chạy gần như theo bản năng. Đó là một phố nhỏ, nó không thể ở xa, nhưng tôi vấp phải cái gì đó nên bị ngã. "Ôi! Mình đang sắp chết như thế này đây," tôi nghĩ, "mình không muốn chết."
Rồi tôi nghe thấy một người đàn ông nói, "Sao thế? Sao thế?" Tôi mang máng nhớ ông hỏi tôi làm ở công ty nào. Tôi nghĩ mình đã chìa cái bao đựng thẻ đi xe điện ngầm ra vì trong đó có thẻ ra vào công ty tôi, hình như thế. Rồi tất cả tối mù lại và tôi không nhớ gì nữa.
Năm sáu giờ sau tôi tỉnh lại trên giường bệnh viện.
Tôi đã suýt lìa đời như thế đó. Chỉ có ba việc đã cứu tôi: (1) tôi đã ngửi thấy mùi gì đó; (2) tôi đã chạy ra ngoài; (3) một người lạ mặt đã thấy tôi và đưa tôi vào bệnh viện từ lâu trước khi xe cứu thương đến. Nếu không nhờ ba việc đó thì cầm chắc là tôi chết rồi.
Giờ nghĩ lại, tôi tin chắc rằng ông Tanaka, người đã chết ấy, đã bảo tôi khi ngửi thấy mùi ga: "Chạy đi, tôi thì quá muộn rồi."
Trong khi các hành khách khác đang đi ra khỏi ga rồi ngã lăn đùng hàng loạt thì tôi đã được điều trị ở bệnh viện. Với sarin, được thở dưỡng khí sớm hơn chỉ một giây thôi cũng đã khác biệt ghê gớm rồi. Tôi là người thứ ba nhiễm sarin nhập viện. Về sau tôi nghe nói khi tôi giúp người đàn ông trên sân ga, gói sarin chỉ cách tôi có mười mét.
Đến chiều mắt tôi cảm thấy dịu đi. Nhưng tôi vẫn chưa nhìn được. Tựa như trước mắt tôi chỉ toàn bong bóng xà phòng. Mọi cái chập chờn thành hai thành ba, quay cuồng. Gia đình tôi đến thăm, và tôi biết là có người nhưng họ không nói thì tôi không thể nhận ra ai cả.
Mệt kinh người. Tôi nôn, nhưng nôn khan, chỉ một tí dịch. Và cơ bắp tôi co giật. Cô y tá và con dâu tôi phải xoa bóp chân tôi mãi cho đến tối. Tôi chắc mình cũng cùng tình trạng như người đàn ông tôi giúp ở nhà ga, nhưng ông còn không nói được nữa, nên hẳn là ông đã đau không thể tưởng tượng nổi.
Thấy tôi như thế, gia đình hình như đã cam đành chấp nhận sự thật là tôi khó lòng qua khỏi. Nhưng đến ngày thứ ba thì tôi vượt qua được cơn nguy khốn nhất. Tuy ban đầu tình trạng tôi xấu nhưng các triệu chứng ở tôi lại sớm mất đi và tôi thoát khỏi nhanh lạ lùng. Có điều ngày thứ tư tôi sốt 39 độ C và không hạ trong hai ngày. Thận thì tệ hại. "Không đủ sức lọc thải," họ bảo. Tôi ngạc nhiên khi nghe nói thế: Hàng năm công ty tôi vẫn cho kiểm tra sức khỏe và sức khỏe của tôi luôn tốt trăm phần trăm.
Tôi nằm viện mười ba ngày, truyền dịch suốt. Thay đổi các chất dịch cũ của cơ thể. Vấn đề lớn nhất là tiểu tiện – cứ năm phút tôi lại muốn ra nhà vệ sinh. Không có gì để mà tiểu, chỉ là vài giọt, nhưng tôi thấy khó mà ngủ nổi khi lúc nào cũng mót như thế.
Từ ngày thứ tư đến năm, tôi bắt đầu có ảo giác. Đều chỉ là một giấc mơ như nhau. Hễ tôi vừa thiếp đi là nó lại choảng tôi. Tôi ngủ trong một gian phòng màu trắng rồi một cái màn trắng đến chùm lên đầu tôi. Nó lùng nhà lùng nhùng vướng víu nên tôi cố túm lấy nó để xé toang ra nhưng không với tới. Không phải vì nó quá cao. Chỉ là tôi không với tay tới được. Đêm nào tôi cũng mê đi mê lại như thế.
Và trong khi mê tôi lại bị bóng đè, giống như một ai đó đang ra sức đè lên toàn thân tôi. Họ nói ác mộng là hậu quả của sarin. Đây không hẳn là "mê". Cái sợ đã chốt lại trong não và các phản ứng này cứ thế mà diễn ra. Nhưng khi ông đang mê thì nó đáng sợ thật đấy: ông giật thót người, tỉnh dậy ba bốn lần một đêm và sức ông kiệt quệ đi vì thế.
Một hậu quả khác là thị lực tôi giảm đi nhiều. Ít có cơ may trở lại bình thường nên tôi không làm tốt được các việc mang tính chi tiết nữa. Tôi phải thẩm định các ma két in, và sẽ khó cho tôi nếu tôi không nhìn chính xác được các dòng chữ.
Tôi nghỉ làm một tuần. Bệnh viện nói tôi phải nghỉ ba tuần nhưng tôi nghỉ lâu như thế thì công ty sập mất. [cười] Tôi chịu trách nhiệm tất cả các ma két bản in, không ai khác làm thay được cả. Chúng tôi có thể bỏ bễ hai ba ngày nhưng không thể nhiều hơn. Cho nên đến ngày thứ tư thì dù vẫn đang nằm viện tôi đã bảo công ty mang việc vào viện cho mình và tôi chỉ dẫn người ta qua điện thoại. Tôi có thể bị ốm nhưng tôi đâu có bị mất năng lực! Nhưng ông biết đấy, tôi nghĩ chính điều đó lại làm cho tôi bình phục.
Sau đó tôi trở lại đi tàu điện ngầm, lên chính đoàn tàu ấy và ngồi vào chính cái ghế ấy. Tôi còn đi đến xem chỗ mình từng quỵ ngã. Lúc trước tôi ngỡ mình đã chạy xa lắm, nhưng thật ra tôi chỉ đi được khoảng năm chục mét là kịch.
Sau vụ đánh hơi độc, một dạo tôi cảm thấy muốn vứt hết mọi thứ đi. Nói chung tôi vẫn giỏi giữ gìn các thứ (tôi vẫn còn giữ cái hộp bút chì bằng nhựa từ hồi tiểu học). Nhưng giai đoạn ấy tôi lại muốn ném hết tất cả đi. Sau một năm, sự thôi thúc này biến mất, nhưng trước đó thì nó cứ như kiểu "Chả còn cái gì đáng giá nữa!" Tôi thậm chí còn thấy muốn cho đi hết các cây thế quý báu của mình.
Lúc chợt không trông thấy gì nữa, tôi đã nghĩ, "Chết như thế này thì thảm quá." Tôi thậm chí còn gào to ở bệnh viện: "Tôi không muốn chết!" Sau này có người kể lại cho tôi thế. Họ nghe thấy tôi gào suốt từ chỗ tiếp tân đến dọc hết hành lang. Khiến thiên hạ nổi da gà. Hồi lên sáu thật ra tôi đã suýt bị chết đuối khi tắm sông và tôi nhớ mình đã nghĩ: "A, được cứu sống dạo ấy để rồi nay bị mù và chết đi như thế này đây…" Tôi không nghĩ đến gia đình. Chỉ là tôi không muốn chết. Không muốn chết ở đây, không chết như thế này.
Tôi không thù oán bọn Aum gây ác, bây giờ thì không. Lúc ấy thì tôi điên lên, phẫn nộ nhưng cơn giận đã biến mất tương đối nhanh. "Giết chúng đi, cho chúng án tử hình" – tôi đã trải qua tất cả chuyện đó. Nếu cứ mang mối thù oán ấy bên mình thì ông sẽ không thể vượt qua những hậu quả về sau, nhưng tôi nói được như thế có lẽ cũng bởi tôi không phải chịu những hậu quả thật sự đớn đau.
"Ngày xảy ra vụ đánh hơi độc là sinh nhật lần thứ sáu mươi lăm của tôi"
Kei’ichi Ishikura (65)
55 tuổi, ông Ishikura thôi việc tại một công ty sản xuất khăn mặt, khăn tắm và hiện làm việc cho một công ty dây curoa cao su tại Ningyocho, Đông Bắc trung tâm Tokyo. Hôm tôi phỏng vấn ông ở nhà ông gần ga Tanizuka trên tuyến Tobu Isezaki ngoại ô Tây Bắc Tokyo, nhà ông sạch bong. Tôi muốn nói là không lấy đâu ra một vết bẩn nào. Ông Ishikura thức dậy lúc 3 rưỡi sáng, lau chùi từ chân tường tới mái nhà, tắm táp rồi đi làm. Đáng phải sửng sốt!
Không phải vì ông thích dọn dẹp lau chùi; ông nói ông luôn muốn làm một cái gì đó tốt hơn mọi người khác, và hóa ra cái gì đó lại là việc dọn dẹp lau chùi. Mặc dù ông tự nhận mình "bản tính bồng bột xốc nổi" và "không thật sự nghĩ hết đầu đuôi trước khi làm", nhưng, bên dưới tất cả những điều đó, điều làm cho tôi ngạc nhiên là sự khó tính và ý chí sắt đá của ông.
Ông Ishikura không bị thương tổn trực tiếp khi có mặt trên sân ga hay bất cứ một đoàn tàu bị thả sarin nào. Ông chỉ tình cờ đi qua ga Kodemmacho thì thấy một nạn nhân quỵ xuống bên vỉa hè. Thắc mắc, ông đi xuống cửa nhà ga và sân ga xem có chuyện gì không ổn, và thế cũng đủ nhiễm độc. Một trường hợp hiếm hoi trong số những người tôi phỏng vấn. Nhưng ngay đến bây giờ ông vẫn phải gánh chịu hậu quả của sarin.
° ° °
Tôi sinh ngày 20 tháng Ba, cho nên ngày xảy ra vụ đánh hơi độc là sinh nhật lần thứ sáu mươi lăm của tôi. Tôi sinh ở Ono, Fukui [trên bờ biển phía Bắc nước Nhật], gần Thiền viện Eiheiji Zen. Gia đình tôi là nhà nông sản xuất sữa. Chúng tôi có bảy tám con bò, sáng sáng vắt sữa rồi giao sữa cho khoảng tám trăm nhà ở thị trấn và các quả đồi xung quanh.
Bố mẹ tôi đòi hỏi rất nhiều ở con cái. Khi chúng tôi ăn, các cụ gắt nhặng lên về từng cái nhỏ nhặt như nâng đũa đặt đũa thế nào. Đặc biệt là bố tôi, ông từng sống trong một trung đoàn kỵ binh và từng bị phạt kha khá lần. Tôi chưa bao giờ hợp bố tôi. Lý do tôi rời gia đình đi Tokyo là vì bố không muốn nghe bất cứ cái gì tôi nói. Tôi là một tay rất hay tự ái. Anh cả tôi ở trong quân đội và hồi đó anh đồn trú ở Mãn Châu. Tôi muốn rời nhà nhưng bố mẹ không cho. "Anh mày không có ở đây mà mày cũng biến nốt thì công việc ở nhà sẽ ra làm sao? Mày phải ở lại ít nhất cho đến lúc bố mẹ cầm chắc rằng anh mày đã chết hay còn sống chứ."
Rồi sau chiến tranh, anh cả tôi được điều từ Mãn Châu sang Tashkent ở Ukraine 1 , nơi anh bị bắt phải làm việc cực nhọc. Nhưng do anh là kỹ thuật viên, anh lái ôtô và máy kéo giỏi nên mãi không được điều về nhà. Phải tám năm sau khi hết chiến tranh, đến 1953, thì cuối cùng anh mới được trở về Nhật. Chúng tôi thậm chí không biết anh còn sống hay không cho đến năm 1950, khi nhận được thư anh.
Suốt thời gian đó tôi không được rời khỏi nhà. Cái việc đi giao sữa ấy, trời ạ, tôi ghét nó quá chừng! Tôi đang tuổi lớn, mặt đầy trứng cá. Đi vòng quanh giao sữa mà gặp một cô nữ sinh nào đấy là tôi lại phải giấu mặt đi vì xấu hổ.
Khi đã biết anh tôi yên lành, bố bảo tôi, "Đấy, bây giờ nhà ta đã biết rồi, anh muốn đi đâu thì cứ đi." Bố mẹ không còn cần tôi ở bên nữa, vậy thì tôi phới thẳng tới Tokyo. Đó là năm 1951. Tôi 21 tuổi.
Trước khi đi Tokyo tôi đã không nghĩ kỹ nên dĩ nhiên là tôi lao đao khỏi phải nói. Luôn cứ là, "Nếu như ta đừng làm thế này, nếu như ta không nói thế kia." Nhưng hễ có một ý gì trong đầu là tôi không yên được – bùm! – đi luôn làm luôn. Thế là bùm! – Tôi không phải người Tokyo, nhưng lại tình cờ gặp một người đồng hương làm khăn ở đây và ông ta bảo tôi, "Đến làm với tôi đi."
Thật xấu hổ khi phải thú nhận rằng trước khi đến Tokyo tôi đã bí mật biển thủ 3.000 Yên từ các lần đi giao sữa. [cười] Hồi ấy 3.000 Yên là một khoản khá. Vé tàu từ Fukui xuống Ueno [ở Tokyo] chỉ mất 800 Yên. Đây là tiền sữa tôi thu của khoảng mười gia đình gì đó. Tôi đút túi rồi đi luôn.
Như thực tế đã chứng minh, tôi làm cho công ty khăn tắm Nihombashi này rất rất lâu. Năm 1984 thì tôi về hưu, thế là những ba mươi bảy năm công tác! Tôi làm ở bộ phận bán hàng; tôi đi ra ngoài và nhận đơn đặt hàng.
Còn chuyện hôn nhân à? Tôi lấy vợ vào năm họ cấm các khu đèn đỏ, vậy là… năm 1958, đúng nhỉ? Ấy là lúc luật đó [Luật cấm mãi dâm, tháng Tư năm 1957] được áp dụng triệt để… Ngày 10 tháng Ba năm 1958. Ngày Quân đội. Tôi lấy vợ hôm đó. Tôi mới về nhà ít ngày thì một người hàng xóm nói, "Có một cô, sao hả?" và tôi nói, "Được thôi." Rất đơn giản. Tôi nghĩ đã đến lúc tôi có một gia đình như mọi người. Hôm sau chúng tôi gặp nhau.
Bố tôi điên lên. Cụ biết cái tính bồng bột xốc nổi của tôi. "Ô, sao lại ngu thế! Lấy một người mà anh chưa hề gặp bao giờ! Đây không chỉ là việc riêng của anh, phải nghĩ đến cả họ nữa chứ." Chúng tôi cãi cọ to. Nhưng nay nghĩ lại thì cụ đúng. Bản thân tôi rồi cũng làm cha và hồi con gái lấy chồng tôi cũng đã nghĩ như cụ.
Vậy là hôm sau chúng tôi gặp nhau. Bà ấy ló ra có một lần và thậm chí tôi còn chưa thấy rõ mặt bà ấy. Chúng tôi chả có gì nhiều để mà nói cả. Bố mẹ bà ấy nói hết; về phía tôi chỉ trần có mỗi tôi. Bà ấy đi ra một lúc, chúng tôi chào hỏi nhau và chỉ có thế. Họ mời tôi uống sake. Thích hay không thích bà ấy chả thành chuyện gì to tát cả. Hồi ấy bà ấy gầy hơn bây giờ nhiều, và tôi cho rằng bà ấy xinh đẹp, theo mắt tôi. Tôi chỉ nghĩ, "Cô ấy cũng được."
Trở lại vụ đánh hơi độc. Hôm ấy từ Tanizuka đi đến Kita-senju mất nhiều thời gian hơn thường lệ. Suốt cả quãng đường tàu chạy chậm. Tôi cứ nhìn xung quanh, không hiểu có chuyện gì xảy ra. Khi chúng tôi đến Kita-senju, họ thông báo trên loa tàu: "Có một vụ nổ ở ga Tsukiji, mọi đoàn tàu đều hoãn lại." Rồi lại là: "Sẽ có phương tiện chuyên chở khác thay thế. Hành khách vội có thể sử dụng." Nhưng tôi không vội nên đã ở lại trên tàu. Đổi phương tiện bây giờ thì nhiêu khê quá, vả lại tôi còn nhiều thì giờ trước khi đến giờ làm việc.
Tàu đỗ ở Kita-senju khoảng hai chục phút. Ở Minami-senju hay Minowa, nó đỗ lại, cửa mở toang. Trên đường đi họ thông báo cái gì về "thương vong ở Kasumigaseki". Dĩ nhiên lúc đó chúng tôi không biết tí nào về hơi độc nên chữ "thương vong" chẳng có ý nghĩa gì lắm.
Vâng, chúng tôi kẹt cứng ở ga Ueno. Có một thông báo khác: "Trước mắt đoàn tàu này không đi xa hơn nữa. Hành khách nào vội xin hãy đổi tàu. Có phương tiện thay thế." Thực ra thì khi ấy đoàn tàu đã rỗng không. Mọi người đã xuống cả nhưng cà rịch cà tang tàu cũng chạy hết đến Akihabara. Rồi nó đỗ lại hẳn. "Tàu sẽ ngừng chạy ở đây." Lúc đó vào khoảng 8 rưỡi.
Tôi quyết định đi bộ từ đấy. Từ Akihabara đến Ningyocho chỉ có hai ga. Nhưng khi tôi tới vùng gần ga Kodemmacho thì thấy nhiều xe cứu thương và người nằm trên khắp quảng trường, cả trên vỉa hè. "Gì ở đây thế này?" tôi nghĩ. Tôi đi bộ hai bậc thang xuống lối vào nhà ga xe điện ngầm để nhìn xem một lượt thì thấy có những người nằm cả trên bậc thang, cúi xuống hay co gập lại. Một nhân viên nhà ga đang cào cấu cổ họng mình, mũ tuột cả ra, rên lên khổ sở. Một doanh nhân hét lên, "Mắt tôi! Mắt tôi! Ai làm cái gì đó đi chứ!" Chả còn hiểu là thế nào cả.
Trở lên mặt đường phố, bên kia gần Ngân hàng Sanwa, trong cái hõm của một tòa cao ốc, có cô gái đang cố dựng một thân người nằm rũ rượi dậy. Hai ba xe cứu thương đang ở đó nhưng khó lòng mà đủ. Suốt con phố toàn những người không ngồi mà nằm sõng soài ra, quằn quại vì đau, đang giằng giật để nới lỏng khuy cổ áo hay cà vạt. Nôn mửa. Một cô gái nôn và đang lấy khăn tay ra lau miệng nhưng không lấy nổi. Trông cô rất xấu hổ, cô cố giấu mặt đi.
Ai cũng đau, quằn quại vì đau và không sao hỏi được. "Xảy ra cái gì thế?" Lính cứu hỏa khiêng cáng chạy qua chạy lại. Không có thì giờ để nói với ai.
Một cô gái trên vỉa hè đang kêu, "Cứu, làm ơn!" nhưng khi tôi hỏi có chuyện gì thì cô không biết. Cô chỉ nói được, "Làm ơn, gọi một ai đó."
Tôi không thấy một nhân viên cảnh sát nào, chỉ có lính cứu hỏa khiêng cáng đi lại xung quanh, thật sự không làm gì cả. Hỏi ai trong đám đó về tình hình họ cũng không thể cho ông biết. Vậy nên tôi quyết định thôi thì cứ đi làm.
Tôi đi dọc đại lộ Ningyocho đến công ty. Sáng ấy trời quang nhưng trong mắt tôi, mọi vật nom tối và mờ mịt mây. Trời ấm, tôi đi còn đổ mồ hôi, nhưng vào lúc tôi sắp đến sở thì mặt trời hóa ra u ám.
Vừa đến sở là tôi nôn. Tôi vào bên trong và mọi thứ nom đều tối mò mò. Tôi mở tivi rồi cảm thấy buồn nôn. Tôi đi thẳng vào toa lét nôn. Đầy một chậu, gần như tống hết các thứ trong dạ dày tôi ra ngoài.
Chương trình thời sự trên tivi đưa các tin đầu tiên về vụ đánh hơi độc. Người ở công ty nói, "Ishikura, nếu anh yếu mệt thì tốt hơn là đi gặp bác sĩ," nên tôi đến một bệnh viện gần đó. Bác sĩ bảo tôi, "Chỉ là cảm thôi." "Nhưng trên tivi nói thế kia cơ mà," tôi nói. Không may là chương trình thời sự của kênh NHK không nói gì đến vụ này cho nên các bác sĩ cho tôi hai viên aspirin và nói. "Đây ông xem, làm gì có tin gì. Chỉ là cảm thôi. Nếu đầu ông còn đau thì trưa ông uống nốt viên này."
Đúng là đầu tôi có đau. Nhưng tôi hay nhức đầu cho nên không để ý mấy. Tôi quay về công ty, uống thuốc và lập tức nôn lần nữa. Tôi thật sự cố nôn nhưng không còn gì để mà tống ra nữa, chỉ có nước và thuốc tôi vừa mới nuốt.
Lát sau một số chi tiết nữa được đưa lên tivi. Hai người đã chết ở Kodemmacho, khoảng tám chục người đã được mang đến Bệnh viện Thánh Luke. Tôi gọi cảnh sát hỏi họ đến bệnh viện nào, họ nói đến Tajima ở Ryogoku.
Mắt tôi vẫn chưa bình thường lại. Nếu nhìn bằng mắt trái thì mặt trời như bị che kín, loa lóa như nhật thực. Trước ngày 20 tháng Ba nó vẫn tốt mà. Nay thì tôi phải đeo kính lọc tia cực tím. Tôi không thể ra ngoài mà không đeo kính. Tôi không xem được cái gì trên tivi.
Tôi cũng dễ mệt hơn. Chân tôi, các khớp xương tôi không còn chút sinh lực nào. Thậm chí đứng trong nửa ngày thôi là tôi đã không lấy được sức rồi. Bác sĩ nói, "Đây không phải do sarin, chỉ là tuổi tác thôi." Nhưng người ta có già đi – chớp nhoáng! – như thế này không? Nếu ông hỏi thì tôi sẽ nói là chuyện đó rất lạ, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy nguyên nhân là hơi độc cả.
Vợ tôi bảo trí nhớ tôi đã kém đi. Tôi bắt tay làm cái gì đó, rồi không nhớ được nó là cái gì hay tôi để đồ đạc ở đâu. Từ sau vụ đánh hơi độc, người ta cũng bảo tôi hay nói huyên thuyên hơn. Cứ hễ tôi bắt đầu nói gì đó là cả nhà lại lảng ra xa. Trước tôi đã có xu hướng này nhưng về sau nó trở nên trầm trọng hơn. Nay tôi cũng uống rượu nhiều hơn. Trước kia tôi chỉ quen uống sake, giờ thì tôi chơi cả whisky. Uống một mình. Tôi khó ngủ thế là lại uống whisky.
Tôi thức dậy vào quãng hai giờ sáng, đi tiểu rồi ngủ lơ mơ lại cho đến quãng 3 rưỡi. Chính lúc ấy tôi bắt đầu mê. Thường chỉ một giấc mơ lặp lại. Tôi đi đến đâu đó rồi một người va vào tôi. Tôi nghĩ, "Khổ thân thằng cha," nhưng "thằng cha" ngã lăn ra lại là tôi. Rồi họ đưa tôi vào bệnh viện, ở đây gã va vào tôi xin lỗi tôi. Tôi cứ mê đi mê lại mãi như thế. Khi thức dậy tôi toát mồ hôi lạnh.
Tôi không nói gì trước công chúng, nhưng cá nhân mà nói, phải dành án tử h