Bão táp cung đình, chương 14-15

CHƯƠNG 14

Thấm thoắt Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng đã được năm năm. Trần Cảnh tỏ ra là người khoan nhân, khiến Chiêu Thánh cảm thấy vui vầy, vì có được người bầu bạn. Nhưng càng ngày Trần Cảnh càng ham mải học hành, thành thử ít có dịp gần gũi nhau cùng chơi một trò chơi như ngày còn bé. Cũng là sự học, song mỗi người theo một thầy. Mỗi người học theo một lối. Chiêu Thánh tuy có học cả thi, thư, lễ, nhạc, nhưng chủ yếu là để bồi đắp cho dung, công, ngôn, hạnh. Còn Trần cảnh lại học khác. Cảnh cũng học tứ thư(1) , ngũ kinh(2), lại tham bác cả lục thao(3), tam lược(4). Thành thử cái học của Cảnh vừa sâu, vừa rộng. Vì Cảnh đang ở ngôi quân trưởng, ngồi trên cả kẻ sĩ và tứ dân, không thể không thông hiểu mọi điều, mọi nhẽ.
Quan sư phó là người thấm nhuần lời dặn của thống quốc thái sư Trần Thủ Độ. Nên ông nhồi nhét cho đức vua nhỏ cái học theo lối hình danh(5) của phái Pháp gia(6). Trần Cảnh là người có cái tâm đôn hậu, nên thường không nhập được lắm với những điều khắc bạc mà quan sư phó hầu giảng. Có lần đức vua đã hỏi thầy học của mình:
“Tự mình tu đức để giáo hoá dân thì sâu hơn mệnh lệnh, dân bắt chước người trên thì nhanh hơn pháp luật”.
- Câu đó là ở đâu?
Quan sư phó vòng tay đáp:
- Tâu bệ hạ, lời đó được chép trong Kinh thi. Sách do đức Khổng phu tử soạn.
Nhà vua vẫn điềm tĩnh hỏi:
- Tại sao ông không dạy ta những điều đó?
Quan sư phó sợ hãi thưa:
- Tâu bệ hạ, là vì nước nhà mới trải qua cơn suy loạn kéo dài. Cương thường đảo lộn. Rường mối nát mục. Dân nhờn luật pháp. Nếu bản triều ta không nghiêm pháp luật, thì khó có thể lập lại được kỷ cương.
Nhà vua nghiêm sắc mặt, nhìn thẳng vào cái mũi khoằm của quan sư phó mà phán rằng:
- Ta biết những điều ông dạy ta, đều có ở trong sách. Nhưng trong sách còn có cả các điều khác nữa, sao ta không nghe ông nói.
Ta chưa nghe ông nói: “Phải lo cho dân cái gì”. Mà chỉ thấy ông nói: “Phải trị dân như thế nào”? Mấy bữa trước đọc sách thầy Mạnh(7), ta còn nhớ lời ngài dậy: “Dân vi quý xã tắc thứ chi, quân vi khinh”(8) thế là nghĩa làm sao?
Quan sư phó bằm mặt sợ hãi. Có ngờ đâu một cậu bé mới mười hai, mười ba tuổi mà đã thông tuệ khác đời. Ông tự nghĩ: Ta lĩnh lời uỷ thác của thái sư thống quốc: “Không được đem cái nhân của đàn bà để giáo hoá đức vua. Nếu biến đức vua thành một người uỷ mị yếu đuối là mang trong tội”. Thành thử vừa hầu giảng đức vua, ông vừa lo sợ. Trong việc này, phận sự của ông, phải làm đẹp lòng cả hai người. Nhưng không thể xem mãi đức vua như một đứa trẻ được. Non một năm gần đây ngài đã ý thức được ngôi vị của mình. Ngài hỏi han kỹ lưỡng những việc lớn quốc gia, có quan hệ đến sự bình trị ở đời. Lại bữa nay, nhà vua dồn ta tới mức như ngài không chịu nổi cái học hình danh. Ngài có cái tâm thật tốt. Mặc cho ông chú muốn uốn vót thành một thứ gai nhọn sắc. Mới hay cha sinh con, trời sinh tính!
“Thế nghĩa là làm sao?” Câu hỏi như một chiếc roi gai quất vào giữa mặt, khiến quan sư phó thấy đau lòng. Ông lúng túng giãi bày:
- Tâu bệ hạ, ý thầy Mạnh nói ở đây, không có nghĩa là coi thường thứ bậc của ngôi quân trưởng, mà thầy muốn nhấn: “Phải lấy dân làm gốc. Vì không có dân thì không có nước. Nước đã không có thì đấng quân trưởng lấy ai mà chăn dắt, mà cai trị”.
- Tiếc thay ông đã không truyền giảng cho ta các điều hay lẽ dở một cách đầy đủ! Nói xong, nhà vua đứng dậy.
Đêm ấy trong nội tẩm, Trần Cảnh cứ trằn trọc mãi không ngủ được. Chiêu Thánh lặng lẽ đặt tay lên ngực chồng. Trần Cảnh vẫn lặng thinh. Không gian yên tĩnh tới mức hai người nghe rõ được cả hơi thở của nhau. Một lúc lâu sau, Chiêu Thánh mới thỏ thẻ hỏi chồng:
- Bữa nay thị triều có điều gì làm nhà vua buồn vậy? Vừa hỏi, Chiêu Thánh vừa xoa bàn tay mềm mại của mình lên ngực chồng.
Được vuốt ve, Trần Cảnh thấy lòng dịu lại, nắm lấy bàn tay hoàng hậu, nói vừa đủ cho hai người nghe:
- Ta bực vì ông sư phó dạy ta không đến nơi đến chốn. Ông ta thiên về cái học hình danh, khiến tâm con người trở nên ác độc. Ta cứ băn khoăn mãi về những điều ông ta rao giảng bấy lâu nay. Mãi cho tới khi ta tìm sách đọc, mới vỡ lẽ.
Hoàng hậu Chiêu Thánh đang ở tuổi mười ba. Cái tuổi dậy thì của con gái. Một vài tháng nay, hậu lớn vổng lên. Cặp má lúc nào cũng ửng hồng. Môi tươi như thoa son. Bộ ngực có đôi bầu vú nở căng như đội áo lên. Tính tình thay đổi bất thường. Có lúc nói cười hồn hậu. Có lúc lại buồn rũ rượi. Đầu óc lắm lúc cứ rối tung lên. Vừa chợt nghĩ ra điều gì, lại quên ngay mất việc đang làm dở. Hậu bắt đầu thích ngắm mình trong gương. Thích chăm sóc đến áo quần và trang điểm. Hậu cũng có những đòi hỏi khác thường. Hậu muốn được nhà vua săn sóc, muốn được vuốt ve âu yếm.
Tất cả những sự thay đổi của Chiêu Thánh, dường như Trần Cảnh không để ý tới. Ngoại trừ những việc buồng the kín đáo mà nàng hay khêu gợi khi đêm về. Lúc đầu chỉ làm cho Trần Cảnh thấy buồn cười. Sau lại thấy vui vui. Hai người thích được gần nhau luôn để được đầu gối tay ấp. Để được thủ thỉ chuyện trò. Và đúng là chỉ đêm xuống đôi lứa mới được sống với nhau bằng tình cảm thật. Bởi lẽ ban ngày, người thì đóng vai đạo mạo của một vị quân trưởng, người phải tỏ ra là bậc mẫu nghi thiên hạ, trong khi họ còn là những thiếu niên, họ cũng cần chơi bời, đùa nghịch như bọn trẻ bằng lứa.
Cùng với thời gian, cả hai đều dần dần ý thức được vai trò của mình. Chiêu Thánh chẳng hạn, hậu không còn bằng lòng với việc sắp xếp bọn nữ tì hầu hạ trong cung cấm theo ý của mẹ đẻ nữa. Chiêu Thánh đuổi bớt những đứa hầu cận trái ý mình, và lựa những đứa biết chiều theo sở thích của hậu. Cả Trần Cảnh cũng thế. Trần Cảnh càng ngày càng ham mải kiếm tìm sách đọc. Cũng như xem xét kỹ càng phép trị nước của các đời. Nhiều khi Cảnh đem các suy nghĩ thâu tóm được trong sách về nói chuyện với thượng hoàng. Trần Thừa không phải là người học hành giỏi giang gì, ông không lý giải được cho con về những điều cao rộng mà các bậc thánh hiền đã lưu lại. Ông bèn gặp Trần Thủ Độ. Anh em đàm đạo thật là cởi mở.
Thượng hoàng Trần Thừa nói:
- Chẳng giấu gì chú, ít lâu nay Cảnh nó thường hỏi tôi các điều về công việc của triều đình.
Trần Thủ Độ mỉm cười, đáp:
- Vậy là đáng mừng có gì bác phải băn khoăn. Ta chỉ mong sao cháu chóng trưởng thành, tự nó điều hành các công việc triều chính. Tôi với bác, làm sao cáng đáng được mãi các công việc lớn quốc gia. Đại loại cháu nó thường hỏi bác về cái gì?
Thượng hoàng Trần Thừa vui vẻ nói luôn:
- Chẳng hạn như hôm trước, chú bảo tôi cho ngự sử đài bố cáo cho đầu mục các châu, quận, lộ, phủ phải làm sổ hộ khẩu, phân rõ độ tuổi, chia ra thứ bậc từ tiểu hoàng nam đến long lão(9) để tiện dụng cho việc binh, phòng khi có hoạ biến. Nó hỏi tôi: “Như thế có phiền cho dân không?” Lại cái hôm tết đoan ngọ, triều đình cử hành lễ điếu Khuất Nguyên cùng các người hiền đời trước, nó cũng hỏi: : “Lệ này này có từ bao giờ? Tại sao chỉ điếu những người hiền của Trung Hoa? Đại Việt ta qua các đời không có ai là người hiền chăng?”. Đấy, chú xem, những điều như thế, trước đây nó có biết gì đâu mà hỏi. Bây giờ không những hỏi, mà còn tranh biện cả với tôi.
Trần Thủ Độ lấy làm đắc ý lắm, ông nói:
- Thế thì đại phúc cho nhà Trần ta đấy, bác ạ. Tôi chỉ sợ nó khù khờ, bảo sao nghe vậy, thì lúc anh em mình khuất nẻo rồi, ai là người giúp nó lèo lái con thuyền quốc gia. Thằng bé được cái tâm thiện. Biết thế, tôi đã căn dặn kỹ càng viên sư phó dạy cháu trở thành người cứng rắn. Nghe đâu nó vừa quở ông ta. Có nhẽ phải chọn thầy khác cho cháu thôi, bác ạ.
- Chú định nhắm ai? Phải tìm cho cháu một ông thầy thật thông hiểu cả tam giáo(10), chú ạ. Dạo này, nó hay hỏi tôi về Đạo giáo lắm. Mình ngần này tuổi đầu, chữ nghĩa kém cỏi, chẳng biết đầu đuôi thế nào mà chỉ dẫn cho nó.
- Tôi định mời cư sĩ Phùng Tá Thang, ý bác thế nào? Ông này là cha đẻ của Phùng Tá Chu, người Long Hưng(11) học thức hơn đời, thông hiểu cả tam giáo, cửu lưu(12). Ông là một người tích thiện. Gặp những năm đói kém mất mùa, thường xuất của nhà ra chẩn cấp cho người nghèo. Khắp mấy châu quận, dân chúng đều mến mộ công đức ông ta. Ông ta là học trò yêu của Đỗ Đô(13) chủ suý phái thiền Hoàng Giang. Tôi đồ rằng Trần Cảnh sẽ hợp với tiên sinh.
Trần Thừa gật gù:
- Nếu chú thấy được, chú cứ làm. Mọi việc tôi đều trông cậy nơi chú.
===============.
1. Bốn bộ sách cơ bản của Đạo nho: Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học.
2. Ngũ kinh: Thực ra là lục kinh tức sáu bộ sách kinh điển của Đạo nho do Khổng Tử soạn: Dịch - Thi - Thư - Lễ - Nhạc - Xuân Thu. Kinh Nhạc bị đốt trong thời Tần Thuỷ hoàng, sau chỉ còn lại năm kinh.
3. Lục thao: Sách của Thái Công soạn gồm có: Văn thao, Vũ thao, Long thao, Hổ thao, Báo thao, Khuyển thao.
4. Tam lược: Sách về binh pháp do Hoàng Thạch Công soạn.
5. Hình danh: một nhánh của học phái Pháp gia.
6. Pháp gia: Một học phái chủ trương trị nước thuần tuý trên cơ sở luật pháp nghiệt ngã.
7. Ám chỉ Mạnh Tử, một người có công chấn hưng đạo Nho sau gần 200 năm Khổng Tử mất.
8. Có nghĩa: Dân là quý, thứ đến đất nước, vua là bình thường, ý nói phải lấy dân làm gốc.
9. Lệ nhà Trần kê khai hộ khẩu con trai lớn trên 18 tuổi gọi là đại hoàng nam, dưới tuổi đó gọi là tiểu hoàng nam, 60 tuổi gọi là lão, già hơn gọi là long lão.
10. Ba đạo lớn: Nho - Lão - Phật.
11. Phùng Tá Thang gốc người Lý Nhân (Nam Hà ngày nay) sau dời sang làng Mỹ Xá (nay thuộc huyện Hưng Hà - Thái Bình).
12. Chín học phái thời Xuân Thu - Chiến Quốc: Nho gia, Đạo gia, Âm dương gia, Pháp gia, Danh gia, Mặc gia, Tung hoành gia, Tạp gia, Nông Gia.
13. Đỗ Đô quê ở làng Lạng (huyện Vũ Thư, Thái Bình ngày nay). Đỗ ưu khoa Minh kinh bác sĩ, Nguyên phong năm thứ sáu (1097) đời Lý Nhân tông. Sau lại đỗ ưu khoa thi tam giáo. Ông không ra làm quan mà về lập ra Hoàng Giang phái. Nội dung lớn mà ông lý giải là “Tam giáo đồng nguyên”. Hoàng Giang được coi là tiền thân của phái Trúc Lâm sau này.

CHƯƠNG 15

Từ khi mời được cư sĩ Phùng Tá Thang về triều làm thày dạy học thay cho quan sư phó, nhà vua lấy làm mãn nguyện. Những điều tiên sinh giảng giải rất hợp ý nhà vua. Trần Cảnh là người tôn sư trọng đạo. Nhà vua khẩn khoản mời tiên sinh vào ở ngay trong nội điện, để tiện việc học hành, và cũng là để được đàm đạo nhiều hơn.
Tiên sinh lấy cớ rằng ông không quen ở nơi đô hội. Ông chỉ muốn sống một mình cho tĩnh lặng, vừa tiện việc đọc sách và viết sách. Bởi thế nhà vua đã thu xếp để tiên sinh ở điện Cao Minh gần cửa Đại Hưng. Tuy vậy, tiên sinh cũng khéo léo từ chối và xin được ở chùa Thắng Nghiêm, đối diện với cửa Đại Hưng ở phía ngoài hoàng thành. Nhà vua vui vẻ chấp nhận, vì có đôi lần qua lại Thắng Nghiêm, ngài tỏ lòng mến mộ cảnh chùa u nhã, lại được vị thiền sư trụ trì là người đạo cao, đức trọng. Hằng ngày, tiên sinh thường đến giảng kinh sách cho nhà vua tại điện Nhật Minh. Xong ông lại lui về trụ tại chùa Thắng Nghiêm. Nhà vua đã dựng cho tiên sinh một mái thảo đường ngay dưới gốc cây bồ đề sum sê, soi bóng xuống hồ bán nguyệt, và kế cận với vườn hoa rợp bóng các loài mẫu đơn trắng, đỏ, vàng xen với ngâu, ngọc bút, bạch trà, ngọc lan… bốn mùa tỏa hương thơm ngào ngạt.
Một hôm bất chợt Thái tôn vi hành tới thăm Phùng tiên sinh. Nhà vua cải dạng như một nho sinh, có tiểu đồng đi theo, quẩy hai chiếc tay nải nhẹ tênh. Qua tam quan, tiểu đồng dẫn nhà vua theo con đường quanh co trong vườn chùa. Khen thay chỉ có một vuông đất không rộng lắm, mỗi bề bất quá hơn một ngàn bước chân, mà nhà chùa sắp xếp cây cối, nhà cửa, đường đi lối lại cứ như là đường vào cõi thượng giới. Đây là rừng đại ngàn với những cây muỗm cổ thụ, thân cao vút, gốc xù xì, cành lá vươn dài, tán khép dầy. Loáng thoáng có những giọt nắng xuyến qua kẽ lá, trải lốm đốm trên nền cỏ đã ngả sang màu lục nhạt, nom như những bộ da của đám hươu sao trên thung Yên Tử. Kia là một dải suối, chảy róc rách qua những khe đá nằm lăn lóc trong lòng suối. Con suối nông choèn, nước chỉ ngập tới mắt cá chân cũng được bắc qua một cây cầu gỗ làm theo kiểu thượng gia hạ kiều(1), hai bên lan can con tiện. Lác đác còn có những lầu lục giác, bát giác ẩn dấu trong bóng cây. Nơi là đình Nghinh phong(2), nơi là lầu Tịch huyên(3). Qua suối lại đến khu vườn dược. Tại đây hàng trăm loài cây thuốc được đưa về trồng thành rừng.Loáng thoáng mộtvài chú tiểu đang lom khom đào, hái. Vẳng đâu đây một tiếng gà gáy của chú chim cu cườm. Con đường dẫn tới vườn hoa, vòng ra hồ bán nguyệt. Tại đây nhà vua đã nhìn rõ toàn cảnh ngôi thảo đường dưới gốc cây bồ đề. Ba gian nhà nhỏ, cửa mở toang. Tiên sinh đang rạp mình trên tờ giấy điều trải rộng với cây bút lông lớn trong tay. Vừa lúc tiên sinh phẩy nét bút cuối cùng, ngẩng đầu lên đã thấy nhà vua đang chăm chú nhìn mình. Tiên sinh vội đứng dậy vái nhà vua hai vái. Nhà vua cũng vái lại đáp lễ. Nhà vua đưa mắt nhìn nơi ăn ở của sư phụ. Gian giữa chỉ trải một chiếc chiếu rộng. Nhìn sang gian bên tả, thấy chiếc nệm cỏ đặt trên tấm chiếu cói. Gian bên hữu, vài kệ sách kê sát tường. Một chiếc bàn cuốn thư, một chiếc ghế triện. Trên bàn vài thứ đồ văn phòng tứ bảo.
Thấy cảnh sinh hoạt sơ sài như một đạo sĩ, nhà vua trạnh lòng hỏi:
- Bẩm sư phụ, quan thiên phủ(4) đã cho người đưa các thứ lại đây hầu sư phụ chưa?
Phùng tiên sinh ngẩng đầu nhìn nhà vua. Chiếc khăn nhiễu nâu hơi trùm búi tóc tuột ra một vòng, khẽ đung đưa. Tiên sinh nhẹ vén hai tay áo thụng rồi vuốt chòm râu bạc mỉm cười.
- Đội ơn bệ hạ. Quan thiên phủ có đến gặp bần đạo, nhưng bần đạo với ngài thuyền sư đây vốn là chỗ bằng hữu, nên mọi thứ đã có nhà chùa chu cấp. Ngay thuyền sư đạo hữu cũng nài nỉ bần đạo ở nhà phương trượng, nhưng bần đạo vốn quen cảnh lâm tuyền đạm bạc.
Nhà vua tự nghĩ: “Có nhẽ tiên sinh không muốn phiền đến ta. Đây là cái ơn tri ngộ, biết đến bao giờ mới đền đáp được”. Lúc này nhà vua mới chú ý tới đôi liễn tiên sinh vừa viết xong.
Thấy nhà vua liếc nhìn, tiên sinh vội đem treo lên vách.
Nhìn hai bức liễn viết theo lối thảo tự, nhà vua xem như xem tranh chứ không đọc. Nét chữ bay bướm, một cách tài tình. Chỗ đậm, chỗ nhạt, khoảng sáng, khoảng tối nom thật thanh nhã, sâu lắng, ẩn giấu một triết lý cao siêu như tư chất của tiên sinh vậy. Nom những bức liên của tiên sinh, khiến Thái tôn liên tưởng đến những bức sơn thuỷ hoạ của Vương Duy(5) treo trong điện Thiên An.
Thái tôn đã cố gắng đoán mà không đoán ra một chữ nào, bèn kính cẩn hỏi tiên sinh:
- Xin sư phụ đọc giùm cho, tiểu sinh quả là có mắt như đui.
Phùng tiên sinh liền cất cao giọng đọc:
PHẬT - NHO - LÃO TAM GIA NHẤT TRÙ
QUÂN SƯ PHỤ NÃI NGŨ LUÂN CHI YẾU(6)
Đọc xong, tiên sinh bèn giảng giải:
- Tâu bệ hạ, đấy là chữ của thầy tôi dùng trong bài văn sách, khoa thi tam giáo năm Hội phong thứ sáu(7)
- Thưa sư phụ, Thái tôn nói - Cứ theo như ý trong đôi liễn này, có nghĩa là tam giáo đồng nguyên?
Ngẫm ngợi một lát, Phùng tiên sinh đáp:
- Tâu bệ hạ, sự không phải vậy, nhưng lý là vậy đó.
Thái tôn lắc đầu:
- Thưa sư phụ, tiểu sinh không hiểu.
Phùng tiên sinh đem ra một be rượu kim cúc. Ông rót vào chén sành Bát Tràng men ngọc, dâng vua.
Thái tôn chắp hai tay vái, chối từ. Nhà vua vẫn có ý chờ tiên sinh chỉ giáo.
Phùng tiên sinh sửa lại khăn áo, đốt lò trầm, rồi thong thả nói:
- Tâu bệ hạ, ba đạo Nho, Lão, Phật là do ba nhà chủ trương. Tông chỉ của mỗi đạo cũng khác nhau về căn bản. Sự là như vậy, nên không thể nói ba đạo cùng một nguồn gốc. Đời nhà Đường, đạo Phật du nhập từ Tây Trúc sang Trung Hoa, đã bị nhà nước Trung Hoa chèn ép. Các giáo phái bài xích, phản bác nhau mạnh mẽ. Sự tranh chấp quyết liệt đôi phen đã đổ máu. Có người đã đứng ra hoá giải, cũng nói là “tam giáo đồng nguyên”(8). Vì sự không phải là đồng nguyên, nên cuộc hoá giải không thành. Tranh chấp kéo dài tới cả trăm năm, rồi ba đạo đó mới tìm được chỗ đứng trong nhau, sống hoà thuận được với nhau.
Nhưng ở ta thì khác, các đạo Nho, Lão của Trung Hoa tràn sang ta. Các cụ ta lý hội ngay được sự tinh tuý của hai đạo lớn đó. Tiếp đến khi đạo Phật từ Tây Trúc tràn sang. Rồi sau nữa đạo Phật cũng qua đường Trung Quốc tràn vào. Các cụ ta đều nhiếp thống được cái tinh tuý của tam giáo. Thành thử ở ta không có sự chèn ép giữa các tông giáo. Đến đời nhà Lý, từ Lý Thái tổ đã lấy đạo Phật làm Quốc giáo. Song không vì đưa đạo Phật lên vị trí siêu việt mà có sự bài xích Nho, Lão.
Nhà vua nghe Phùng tiên sinh giảng giải thật là chăm chú. Đôi mắt nhà vua nhìn vào miệng Phùng tiên sinh - nơi phát ra những lời nói vừa mộc mạc vừa cao siêu, khiến nhà vua như uống lấy từng lời.
Nhấp một ngụm rượu, tiên sinh lại nói:
- Về sự là như vậy. Song về lý thì cả ba tôn giáo đều có chỗ nhất quán, nghĩa là vừa siêu nhiên, vừa hiện thực. Nho, Lão, Phật đều không phải là những hệ thống đóng mà là dòng nước luôn luôn lưu thoát. Ở nước ta, các bậc minh quân thường kiêm dùng cả ba đạo, gồm cả xuất lẫn nhập, cả siêu nhiên lẫn hiện thực, lấy cái nọ chế thắng cái kia cho thêm phong phú tinh thần về đường khai phóng. Bởi thế, việc kén hiền tài cũng xuất phát từ tam giáo. Ví như đã trúng cách khoa minh kinh bác học rồi, lại phải trúng cách khoa tam giáo nữa mới được bổ dụng.
- Tâu bệ hạ, vậy là các cụ ta, đã tạo ra được một đạo mới thấm nhuần ý nghĩa nhân văn siêu việt của tam giáo, trở thành nền đạo thống của quốc gia. Cái lý về tam giáo đồng nguyên chính là ở đấy.
Thái tôn cuối đầu suy tư. Nom dáng vẻ nhà vua đã vượt ra khỏi tầm vóc của một thiếu niên. Phùng tiên sinh ngừng lời lâu rồi, nhà vua vẫn còn miên man với những ý nghĩ về dân, về đạo. Chợt Thái tôn ngẩng nhìn Phùng tiên sinh, nhà vua có cảm giác như là thầy đã biết cả gan ruột mình rồi.
Lúng túng vua nói:
- Sư phụ, những điều thầy nói vừa cao minh, vừa uẩn ảo, khiến tiểu sinh thấy băn khoăn khó nghĩ quá.
- Tâu bệ hạ, chẳng hay có điều gì làm bệ hạ phiền lòng? Bần đạo tuổi cao, tránh sao khỏi, sự khiếm khuyết, mong bệ hạ đại xá.
- Ồ không! Thưa sư phụ, những điều mà sư phụ thường giảng giải cho tiểu sinh sâu rộng quá, nó hàm chứa cả nhân, cả nghĩa, cả đạo nữa. Tiểu sinh tự thẹn vì mình ở ngôi cao mà chưa làm được điều gì ích dân lợi nước. Tự thẹn còn vì tiểu sinh được người họ Lý nhường ngôi. Mà rường mối cương thường lại cũng chính do các triều vua Lý đặt nền móng cả. Làm được như nhà Lý đối với dân, đối với đạo ở các thời thịnh đã khó. Vượt được nhà Lý về mọi mặt là muôn khó. Thưa sư phụ, gần đây thái sư thống quốc đã cho san định bộ bình luật, tiểu sinh đã chấp thuận bố cáo cho thần dân đều biết mà thi hành. Nhưng trong lòng vẫn còn áy náy.
- Bệ hạ áy náy điều gì? - Phùng tiên sinh nhẹ hỏi như là một sự khuyến nhượng, khiến nhà vua phấn chấn hẳn lên, ngài nói:
- Thưa sư phụ, điều tiểu sinh thấy chưa được yên ổn trong lòng, ấy là hình luật xem ra có bề hà khắc.
Phùng tiên sinh lấy làm cảm kích thiện tâm của đức vua. Ông không khỏi sung sướng vì đã dậy cho hoàng thượng nhuần thấm được cái đạo nhân nghĩa ở đời. Tự dưng nước mắt ông nhểu ra.
- Tâu bệ hạ, bần đạo đã có đọc qua bộ hình thư đó. Bần đạo cũng có cái cảm nhận như bệ hạ. Song le, mấy chục năm nay kỷ cương nát mục, luân thường đảo lộn, dưới trên lẫn lộn, ác thiện khó phân. Nhà Trần ta mới được thiên hạ, nhẽ ra phải làm trước hết là các việc thiện đức. Khốn nỗi xã hội rối như một mớ bòng bong, thế thì làm sao thi hành được cái đạo của nhà vua. Cho nên phải dựa vào hành pháp để khôi phục đạo thống, lập lại kỷ cương, rồi sau đó mới có thể làm sang việc khác. Bộ hình thư đó lúc này là cần thiết. Nhưng khi dân đã đi vào kỷ cương lễ luật rồi, hình pháp phải khoan giảm.
Thái tôn nhích lại gần Phùng tiên sinh hỏi:
- Thưa sư phụ, khi đã ổn cố được kỷ cương rồi thì phải làm gì?
Tiên sinh cười, vui vẻ đáp:
- Ổn cố được kỷ cương đâu phải chuyện một sớm một chiều làm được. Việc này cực kỳ hệ trọng, vì nó xây dựng rường mối cho một triều đại. Việc hình luật muốn có thành tựu là phải nghiêm. Trước hết đối với những người làm ra luật pháp, những người cầm cân nảy mực trong bộ máy quốc gia, không được phép vi phạm. Có thế dân mới tin. Dân tin từ các điều nhỏ nhặt thì nhà vua mới làm được các điều to lớn khác.
- Tâu bệ hạ, việc này bần đạo nhớ có lần thầy Tử Cống hỏi đức Khổng Tử: “Việc chính nên như thế nào?”.
Đức Khổng tử đáp:
- Đủ ăn, đủ binh, dân tin mình.
Tử Cống lại hỏi:
- Bất đắc dĩ phải bỏ một trong ba điều ấy thì bỏ điều nào trước?
Không ngần ngại nghĩ suy, đức thánh liền nói:
- Bỏ việc binh.
Lại hỏi:
- Còn hai điều ấy, bất dắc dĩ phải bỏ đi một điều nữa, nên bỏ điều nào trước?
Khổng Tử đáp:
- Bỏ ăn. Bỏ ăn thì chết. Nhưng xưa nay người ta vẫn chết. Còn như dân không tin thì hỏng. Hỏng hết. Sụp đổ hết.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3