Bão táp cung đình, chương 16

Phùng tiên sinh thủng thẳng nói rành rõ từng lời. Nhà vua cứ há mồm ra nghe. Đức vua đã nhích sát tới mép chiếc bàn chân qùi. Tức là hai thầy trò ngồi cách nhau chỉ còn một khoảng bằng cái mặt bàn, ước đôï hai gang tay.
Tiên sinh biết người học trò của mình có được cái tâm hiếu thiện. Ông thầm nghĩ: “Thật phúc cho nhà Trần, phúc cho trăm họ”. Ông tự hứa với mình, chừng nào còn có cơ may được hầu giảng đức vua, sẽ bằng mọi cách, giúp cho nhà vua hiểu thấu được điều nhân nghĩa, nhẽ trị loạn ở đời. Phải làm cho nhà vua biết kính cẩn và thận trọng, phải nắm được các điều mấu chốt của tam giáo. Biết yêu điều thiện, ghét điều ác. Chớ có ghét cái dân yêu mà yêu cái dân ghét, thì cơ đồ trường cửu bất quá không hơn chiếc bong bóng dưới giọt tranh.
Tiên sinh chợt nhớ, chưa nói điều vua hỏi: “Ổn cố được kỷ cương rồi thì phải làm gì?”. Nhìn vào khuôn mặt thơ ngây rất đỗi đáng mến của nhà vua, Phùng tiên sinh nói:
- Trở về cái chuyện hình luật. Tâu bệ hạ, khi đã ổn cố được kỷ cương rồi, tức là dân tin theo hình pháp. Trong xã hội không còn trộm cướp. Nhà nhà đủ ăn, đủ mặc. Cha con, chồng vợ hiếu thuận thì phải khoan nới hình luật. Các việc tiếp theo là khai phóng dân trí. Muốn khai phóng dân trí thì phải mở mang việc học. Phải trọng kẻ sĩ, chuộng người tài đức. Vì một nước trị hay loạn, thịnh hay suy là cốt ở nhóm người này. Đây chính là bộ phận thiểu số dẫn lối đưa đường cho toàn xã hội. Cho nên không thể không chăm lo quý trọng họ, để họ giúp rập trong việc đưa toàn xã hội phát triển lên về mọi mặt. Như mở trường học, truyền bá trí thức, giáo hoá nhân luân. Phát triển nghề nông. Mở mang nghề công. Trau dồi nghề thương. Trong một xã hội, ai ai cũng lo làm việc. Nhà nhà đầy đủ ắt sẽ đua nhau làm điều thiện. Vậy lại phải giáo hoá cho dân ghét điều ác hiểm, gian trá, dối lừa, trộm cắp, ắt dân không bao giờ làm điều gian ác nữa. Dân ghét điều ác, điều xấu không làm, hơn là dân sợ hình pháp mà không làm điều xấu, điều ác. Như thế thì dân trở nên thuần phác, giàu có, nước của bệ hạ không muốn phú cường cũng không được.
Thái tôn hết đỗi vui mừng. Bởi mỗi lời nói của sư phụ như ngọn đuốc tuệ soi vào cõi vô minh, khiến nhà vua cảm thấy mình được sáng hoá, được gia tăng sức mạnh để tiến sâu vào đường đạo.
Thái tôn lại hỏi:
- Trình sư phụ, nếu dân trí được khai phóng rồi thì còn phải làm gì nữa?
Phùng tiên sinh suy ngẫm giây lâu rồi đáp:
- Tâu bệ hạ, khi các việc lớn về dân trí, dân sinh đã xây đắp được rồi, lại phải nghĩ đến dân tâm. Tức là hướng tâm thức chúng dân đi vào con đường đạo. Xin bệ hạ cứ suy xét từ nay cho tới lúc viên mãn cuộc đời, nếu không có một đấng cao minh nào đó để tôn thờ và cũng là để nương tựa thân tâm, không phải là mối lo lớn cho bách tính sao? Xin bệ hạ hãy ghi nhớ nằm lòng, rồi di truyền lại cho cháu con đời đời, đừng có bao giờ nghe lời xúc xiểm của những người thiển cận mà tước bỏ phần tâm linh của nhân chúng. Lý Cao tôn đã dại dột nghe lời Đàm Dĩ Mộng(9) thu độ điệp(10), bắt tăng ni hoàn tục, phá bỏ chùa chiền, khiến nhân tâm con người trở nên bơ vơ, náo loạn. Phá chùa, đuổi tăng, nhưng nhà vua lại không ngừng xây cất lầu son, gác tía, cung điện nguy nga, ăn chơi xa xỉ, mặc chúng dân lầm than đói khổ.
Xã hội rối loạn bắt đầu từ sự sa đoạ lương tri, tâm linh đoạ lạc.
Từ đấy nhà Lý, bắt đầu từ Lý Cao tôn, và kết thúc ở Lý Huệ tôn. Hai cha con ông này đã chôn cất trọn vẹn sự nghiệp hơn hai trăm năm huy hoàng của cả dòng họ.
Phùng tiên sinh ngừng lời, khiến Thái Tôn ngỡ ngàng, vì nhà vua đang chăm chú lắng nghe. Thái tôn khiêm nhường hỏi tiên sinh:
- Thưa sư phụ, có một điều tiểu sinh chưa rõ lắm, nếu các điều như tiên sinh dậy đã được hoàn tất, thì ngôi quân trưởng như tiểu sinh còn phải làm những gì nữa để dân chúng được an cư lạc nghiệp, nhà nhà hạnh phúc.
Nghe nhà vua hỏi, trong lòng tiên sinh loé lên một niềm vua lớn. Tiên sinh ao ước, nếu như vào tuổi trưởng thành, khi đã nắm trọn quyền lực trong tay, mà nhà vua vẫn còn muốn hỏi han những người am tường thế sự, những người có thiện tâm với dân, với nước. Ôi nếu được như vậy thì Thái tôn sẽ là ông vua mở nghiệp sáng giá. Mặc dù sự lên ngôi của nhà vua, ngay cả công việc điều hành triều chính, lèo lái con thuyền quốc gia đều do tay Trần thủ độ sắp đặt. Sợ rằng nhà vua không chịu tu chính nhân cách, trau dồi đạo học, để trở thành một người mẫn tuệ, thiện đức mà chỉ ham mải cung nữ, mê say các lạc thú trần gian thì sớm muộn cũng trở nên một bạo chúa. Mấy chục năm qua, chỉ vì bậc quân trưởng ngu tối. Xiết bao người chết oan khuất vì đói rét, bất công. Đi về nẻo nào cũng thấy xác người. Tai chất đầy tiếng rủa nguyền hờn oán của đám lê dân. Chính vì thế mà tiên sinh không tiếc sức mình để huấn hỗ cho đức vua trở thành đấng minh quân, đem hạnh phúc đến cho mọi nhà. Nghĩ vậy tiên sinh bèn nói:
- Tâu bệ hạ, thật là phúc cho trăm họ, khi người quân trưởng có bổn tâm chí thiện. Nay bệ hạ nắm giữ ngôi trời, mà lúc nào cũng lo đến làm lợi cho dân, ắt là dân được nhờ. Thế là nhà vua đã thể theo mệnh trời. Nhưng mệnh trời không nhất định. Thiện thì được. Không thiện thì mất. Như nhà Lê mất về tay nhà Lý. Nhà Lý mất về tay nhà Trần. Chẳng qua là các triều đại về sau không giữ được đức thiện, làm trái lòng dân, nghịch mệnh trời. Vì sao vậy? Vì rằng Vua thay Trời trị dân, thì Vua muốn điều gì là Trời muốn điều ấy. Thế nhưng Trời lại chiều Dân. Cho nên Vua làm điều gì trái lòng Dân, tức là trái mệnh Trời. Bởi thế đức Vua tuy được quyền thay Trời, nhưng phải chịu trách nhiệm về mọi mặt đối với Dân. Dân tuy chịu quyền cai quản của Vua, nhưng vẫn có quyền bắt Vua phải theo điều thiện mà làm. Thành thử muốn biết lòng Trời thì hãy xem lòng Dân. Trời với Dân làm một thì trên dưới giao hoà được với nhau. Cứ theo cái lý ấy, thì người làm vua, phải theo lòng dân mà tề chỉnh sự chính trị của mình.
Phùng tiên sinh ngừng lời. Thái tôn vẫn chăm chú lắng nghe với niềm thành kính xúc động. Tiên sinh lại nói:
- Tâu bệ hạ, những điều bần đạo tâu trình bệ hạ, phần theo chữ nghĩa của thánh hiền, phần theo sự thành tựu của các đời trước đã làm, xin bệ hạ lưu tâm.
Thái tôn cúi đầu vái tiên sinh hai vái.
======================.
1. Loại cầu có mái che.
2. Nghinh phong: Đón gió - nơi ngồi nghỉ mát.
3. Tịch huyên: Tĩnh lặng, không có tiếng ồn ào - thường là nơi đọc sách hoặc gẩy đàn.
4. Chức quan trông coi về các kho tàng trong cung vua.
5. Vương Duy (698-759) một thi hoạ nổi tiếng danh đời Đường. Ông được coi là người đã sáng lập ra phái Nam thuỷ hoạ.
6. Có nghĩa là: Phật - Nho - Lão tuy ba nhà nhưng chung một bếp. Vua - Cha - Thầy là cái lõi của năm luân.
7. Thầy học của Phùng Tá Thang là Đỗ Đô, đỗ Minh Kinh bác học xong lại đỗ ưu khi vào thi tam giáo năm Hội phong thứ sáu, tức năm Đinh Sửu (1097) triều Lý Nhân tôn. Đỗ Đô là người sáng lập giáo phái Hoàng Giang, tiền thân của phái Trúc Lâm sau này. Ông sống trên một trăm tuổi, trải 5 triều vua.
8. Tam giáo đồng nguyên: chữ Hán có nghĩa là: Ba đạo cùng một nguồn gốc. Liễu Tôn Nguyên đời Đường đã đứng ra giải thích việc này. Đương thời không chấp nhận.
9. Đàm Dĩ Mộng làm tới chức Thái phó triều Lý Cao tông. Ông cho việc làm rối loạn xã hội, kinh tế khó khăn là do nhiều người đi tu quá. Chủ trương bắt tới quá nửa số sư sãi phải hoàn tục.
10. Độ điệp: một loại giấy chứng chỉ của chính quyền cấp cho người tu hành. Ai có độ điệp mới được miễn sưu dịch.

CHƯƠNG 16

Bay đâu! Bà thiên cực công chúa Trần Thị Dung quát gọi đám nô tì.
- Dạ! Tiếng dạ ran lên từ miệng hàng chục đứa thị nữ. Chúng kéo đến vây quanh bà:
- Dạ, bẩm phu nhân, chúng con có mặt.
- Ta nghe có tiếng quân dẹp đường, có phải kiệu của đức ông về đấy không?
- Bẩm phu nhân, để con ra cổng ngó xem. - Trịnh Huyền vừa nói vừa nhanh nhảu chạy ra cổng. Một lát đã thấy về.
- Trình phu nhân, đấy là kiệu của quan Thái uý(1) phụ chính đi dạo mát.
Phu nhân lắc đầu nói nhỏ, nhưng vẫn không giấu nổi vẻ bực dọc: “Đi dạo mát mà cũng tiền hô hậu hét. Ngông nghênh quá thể. Không trách ông chú ghét là phải”. Mà lạ, hai chú cháu cứ như xung khắc ấy. Bà thầm nghĩ: “Nếu không có ta can ngăn ông ấy, không biết tình chú cháu sẽ đi đến đâu. Ta vừa là mẹ vợ nó, vừa là thím nó, nói mãi cũng chẳng lọt tai nó. Từ dạo lập phủ riêng, mộ quân luyện tập ráo riết, nó lại càng vênh váo lên mặt”.
Đám thị nữ đã lui ra hết, chỉ còn Trịnh Huyền vẫn băn khoăn đứng gần phu nhân, như muốn bày tỏ điều gì. Trịnh Huyền chính là thị nữ đã mật chuyển tờ chiếu Cần vương do quan thừa chỉ thảo đến cho Lý Huệ tôn ký, chẳng may bị lính tuần thám của Trần Thủ Độ bắt được. Việc vỡ lở, nhưng cả hai thầy trò đều được Trần Thủ Độ đại xá. Không những thế, quan thừa chỉ còn được cất nhắc, thị Huyền vẫn được tin dùng. Thị vẫn được ở lại trong cung hầu hạ đức bà, khiến thị cảm kích cái ơn cứu tử, dẫu có kết cỏ ngậm vành cũng chưa báo đáp được.
Đức bà là người khoan nhân đức độ, không chấp nê những chuyện đã qua. Nhiều lần phu nhân còn gia ân cho tiền bạc để thị về quê, chu cấp cho cha mẹ.
Thị Huyền đứng mãi, không thấy đức bà cho lui, cũng không thấy sai bảo điều gì, Huyền bèn bê khay trầu từ bàn nước đưa lại chỗ đức bà đang ngồi trên kỷ. Thiên cực đang đắm chìm vào những suy tư, chợt giật mình, bà vẫy tay ra hiệu cho thị Huyền trở lui.
Thiên cực đang mong Thủ Độ trở về để khoe biết bao là chuyện. Nhất là từ hôm được tin con gái bà - hoàng hậu Chiêu Thánh đã tắt kinh hơn một tháng, lòng bà chấp chới như muốn bay lên. Thế là bà yên tâm. Con gái bà đã ấm chỗ, chắc chân. Thảo nào nom con bé khác quá. Đang ăn chơi phổng phao thì ốm đứng ốm ngồi, chợt ngửi thấy mùi cơm đã ậm oẹ nôn mửa. Mừng thì mừng thật, nhưng bà hơi ngại. Vì sức Chiêu Thánh mảnh mai quá. Còn trẻ quá. Con bé mới chớm sang tuổi mười lăm mà đã sắp làm mẹ.
Bà bấm đốt ngón tay nhẩm tính từ ngày thái sư thống quốc đi khỏi kinh thành. Cứ như lời ông nói lúc ra đi: “Tôi chỉ đi trọn một tháng” thì hôm nay đã là một tháng năm ngày rồi, vẫn chưa thấy về.
Bà mong chồng về còn vì có chuyện bà nhờ vả ông, xin cho một thằng cháu về bên ngoại. Tức là cái tên phải gọi bà bằng bà cô để được làm câu đương(2). Chả là bữa thái sư sắp ra đi, bà hỏi:
- Ông lại sắp đi đâu đấy?
Thái sư mỉm cười, đáp:
- Tôi đi có công việc của triều đình.
- Thì có bao giờ tôi nghĩ ông đi làm việc gia đình. Chẳng qua là vợ chồng ăn ở với nhau, quen hơi bén tiếng, ông đi, vắng cửa vắng nhà, tôi cũng hỏi thế thôi. Thiên cực nói hơi có ý hờn mát.
Trần Thủ Độ làm lành:
- Tôi đi xét định hộ khẩu mấy châu Sơn Nam, Thanh Hoá. Tiện thể lựa một số câu đương.
Thiên cực hỏi:
- Vậy chớ thời bình, sao phải xét định hộ khẩu làm gì?
- Để phòng việc binh. Mình sống cạnh một nước khổng lồ. Sểnh ra là mất nước như chơi. Thôi thì cái gì lo sớm được cứ lo, chẳng hơn lúc lâm sự, trở tay không kịp.
- Ông có về Long Hưng(3) chứ?
- Có. Tôi phải tuyển ở đấy hơn chục tên câu đương. Bởi có một số già quá không làm được việc. Còn một số trẻ quá lại chỉ ham cờ bạc, trai gái, hà lạm, đục khoét của dân.
Thấy Thiên cực có vẻ băn khoăn, Thủ Độ gặng hỏi tới hai, ba lần bà mới chịu nói:
- Tôi có một thằng cháu họ ngoại, muốn xin ông gia ân cho nó một chức câu đương.
Trần Thủ Độ cười lớn:
- Tưởng chuyện gì khó, chứ chuyện ấy trong tầm tay tôi. Bà cứ nói tên họ nó cùng quê quán, làng xã để tôi biên lại, thế nào tôi cũng cho nó làm câu đương.
Bà Thiên cực thường nghĩ, mình xa quê quán kể tới mấy chục năm rồi. Nhất là họ hàng về phía bên mẹ cách sông cách đò, thảng có về thăm cũng không sang được. Nay cho thằng cháu làm chức câu đương, xem như đấy là một chút quà của bà với bên họ mẹ. Bà cũng biết tính chồng lắm. Ông ấy là người trọng nghĩa. Nhưng cũng là một người sống mẫu mực, nghiêm chính. Mấy năm ăn ở với nhau, bà còn lạ gì tính chồng. Ông chúa ghét bọn tham nhũng. Hạng người này ông ấy coi ngang với bọn lưu manh, trộm cắp. Cũng may, nhờ có nghiêm từ nhà nghiêm đi. Nghiêm từ trên nghiêm xuống, nên xã hội đã khôi phục lại được nền nếp, kỷ cương. Người dân đã được an cư lạc nghiệp. Bà Thiên cực cứ phiêu bồng hết ý nọ sang ý kia như một kẻ mộng du. Bỗng có tiếng trống điểm canh phía cổng dinh, một lát sau thị nữ Trịnh Huyền vào bẩm:
- Trình đức bà. Đức bà có người em bên quê ngoại ra thăm, đang chờ lệnh bà cho phép. Thiên cực công chúa gật đầu. Trịnh Huyền dẫn vào một bà nhà quê. Vừa trông thấy Thiên cực phu nhân, bà ta đã tru tréo lên:
- Ới cô ơi là cô, cô thương cháu mà suýt nữa cháu cô bỏ mạng rồi cô ơi.
Bà ta cứ hô hoán lên, vừa khóc vừa nói, khiến phu nhân phát hoảng. Không biết bà ta là ai, ở đâu đến. Bà ta la hét oán vọng cái gì mới được cơ chứ. Càng nghe bà ta nói, phu nhân càng không hiểu đầu đuôi sự thể ra sao nữa.
Phu nhân tỏ vẻ bực mình, truyền cho thị nữ hỏi cho ra nhẽ. Bọn thị nữ dỗ dành mãi, bà ta mới hét toáng lên:
- Thế ra cô vẫn không nhận ra tôi à? Bố tôi với mẹ cô là hai anh em ruột. Mới có một đời thôi mà đã quên hết cả họ nội, họ ngoại rồi sao?
Phu nhân vừa nhìn ngắm bà, vừa ngẫm nghĩ lời bà ta nói: “Bố tôi với mẹ cô là hai anh em ruột”. Chả lẽ đây chính là chị ta sao? Đúng rồi, chị ấy có nốt ruồi đen ngang đầu con mắt. Hồi mình còn sống ở làng Ngừ, chị ấy thường sang sông cắt cỏ trâu. Hai chị em đánh chuyền với nhau mãi không chán. Vẫn cái thói bô lô ba la, chưa thấy người đã thấy tiếng. Từ tính nết đến lời ăn tiếng nói vẫn y hệt thời con gái. Chỉ có khác là chị ấy thay đổi nhiều quá. Chị già quá, tóc bạc gần hết rồi.
Trong khi phu nhân còn đang hồi tưởng về những ngày thơ âu của hai chị em thì bà ta la lên:
- Thế ra cô vẫn không nhận ra tôi thật à, cô Dung?
Đám thị nữ xanh mắt nhìn nhau. Thị Huyền vội chạy lại bịt miệng bà khách. - Bà ăn nói gì lại không biết giữ mồm giữ miệng. Ai cho bà réo tên tục của phu nhân ra mà gọi.
Bà khách đấu dịu:
- Thế tôi phải gọi cô cháu bằng gì?
- Gọi là gì thì tuỳ bà. Hay bà cứ gọi là “Thiên cực công chúa”, hoặc “phu nhân” không thôi cũng được.
Chợt phu nhân sốc áo đứng dậy đi về phía người khách lạ. Phu nhân vái dài khách rồi nói:
- Chị Gái phải không? Bỏ lỗi cho tôi. Hơn mười năm không được về quê. Hơn hai chục năm chị em mình không gặp nhau. Bao nhiêu biến đổi tang thương đã xảy ra trên đất quê mình. Chị lên thăm tôi, quí hoá quá. Nhưng vừa rồi chị kể lể cái gì tôi nghe khiếp sợ quá. Cái gì sống sống chết chết hả chị?
- Giời ơi, chính vì cái việc sống chết ấy mà tôi phải lặn lội lên đây tìm cô. Cô biết đấy. Từ cái thuở cô được tiến kinh, cô trở thành hoàng hậu, thì bên nội cô được nhờ vả thế nào không biết. Chứ bên ngoại, tịnh không có ai cầu cạnh xin xỏ phiền quấy gì cô. Có đúng thế không? - Bà Gái vừa nói vừa gạn hỏi, khiến phu nhân phải gật xác nhận.
Phu nhân hai tay nâng khay trầu mời:
- Chị hãy cứ nhai một khẩu trầu đi đã. Suốt mấy chục năm chị em không gặp nhau. Chị trách, tôi chịu. Nhưng chị hãy bình tâm. Tôi có lỗi nhiều với quê họ mẹ. Chị biết đấy, tiếng rằng được về kinh, nhưng tính mạng tôi, lúc nào cũng như cá nằm trên thớt ấy, sung sướng gì đâu. Bà mẹ chồng, tức bà thái hậu, luôn rình rập bỏ thuốc độc vào thức ăn thức uống của tôi. Nếu Huệ tôn không tận lòng thương, chắc là tôi không còn sống đến ngày nay để nghe chị trách móc. Cực lắm chị ơi, nay nhóm này, mai phe khác, loạn lạc khắp nơi, triều đình chạy như vịt. May có ông thái sư tài hơn thiên hạ, nên đất nước mới được yên bình mấy năm. Dào ôi, cứ nghĩ lại những năm tháng đã qua mà sởn gai ốc.
Phu nhân đổ một hơi thở dài, như vừa trút đi cơn ác mộng.
Bà khách ở quê ra nhón một khẩu trầu. Cầm miếng trầu têm cánh phượng rất khéo, bà ngắm nghía rồi mở ra. Vừa mở miếng trầu bà vừa nói:
“Ăn trầu phải mở trầu ra
Một là thuốc độc hai là mặn vôi”.
Xong bà ốp cả ba miếng trầu, cau, vỏ đút thỏm vào mồm nhai bỏm bẻm, nuốt nước miếng ừng ực. Bà lấy hai ngón tay tém từ hai khoé miệng đến vành môi, nhả miếng trầu ra cầm tay, lại nói:
- Ấy đấy, những chuyện cô nói chúng tôi bỏ ngoài tai hết. Cứ là ăn no vác nặng, tối lên giường đánh một giấc đẫy. Mặc cho ai tranh mồi phú quí, bả vinh hoa. Thời thế đổi thay như chong chóng, ai mà biết trước được. Đấy, mới hôm trước nhà Lý, hôm sau lại Trần, rồi còn cái gỉ cái gì nữa, ai mà lường hết. Mất mạng như chơi. Cánh nông phu chúng tôi không dính. Cô ngẫm xem, cô vinh hiển thế, nhưng tịnh không có một ai trong họ nhà tôi cậy nhờ cô điều gì. Có đúng không?
- Quả có như vậy. Phu nhân buồn rầu xác nhận. - À, nhưng sao chị vẫn chưa nói cho tôi hay cái điều gì “sống chết”, mà chị la trời la đất lúc vừa trông thấy tôi ấy.
- Ừ, cũng chỉ có mỗi cái việc ấy, tôi mới phải cất công lên đây, nói với cô, rằng từ nay, cô đừng có ban ân ban phước gì cho bên ngoại nữa nhé. Thằng con tôi suýt mất mạng vì chuyện cô xin cho nó làm câu đương đấy.
- Chị nói gì lạ thế chị Gái? Ông thái sư nói là đi xét định hộ khẩu, tuyển câu đương. Tôi hỏi có về vùng mình không. Ông ấy bảo “có”. Nhân tiện tôi dặn ông ấy tên tuổi làng xã thằng con chị, để ông ấy cất nhắc cháu. Tôi có ác ý gì mà chị bảo tôi giết cháu?
- Thôi được rồi, cô để tôi nói rõ ngọn ngành cho cô chừa cái thói làm ơn, làm phúc ấy đi. Bà khách nhà quê bỗng nghiêm mặt lại. Bà vứt toạch miếng bã trầu ra thềm điện, tay bà vẫn sờ sờ vào hông chiếc ống nhổ bằng đồng mắt cua mát lạnh.
- Nó là như vầy cô ạ. Đúng là ông thái sư nhà cô có về xã tôi. Ông chìa mảnh giấy ra hỏi ông xã trưởng: “Làng này có tên mỗ này không? Tìm nó cho ta”. Thằng cả nhà tôi được xã trưởng cho người đến gọi ra hầu thái sư, mừng quá. Nó dặn vợ con: “Ta là dòng tôn thất ngoại tộc. Phen này ắt thái sư đưa ta tiến triều”. Nó hăm hở đóng khăn đóng áo đi gặp ông thái sư nhà cô. Bước ra khỏi ngõ, nó còn quay lại giơ nắm đấm doạ vợ con: “Phen này ông mà được vào triều, mẹ con mày biết tay ông. Còn coi thường ông nữa không nào”. Nói xong nó cắm cổ chạy. Đúng là nó chạy cô ạ. Chẳng biết đầu cua tai ốc ra sao, thế là tôi cũng chạy theo nó ra đình.
Vừa đến nơi, tôi đã thấy nó phủ phục lạy ông thái sư nhà cô.
Ông ấy liền hỏi thằng con tôi:
- Có phải mày tên mỗ, tên mỗ…?
- Dạ, bẩm thái sư, đúng tên con đấy ạ. - Thằng cả giả nhời ông chú dõng dạc lắm.
- Mày có họ hàng gì với công chúa?
- Dạ bẩm, con là cháu gọi công chúa bằng cô đấy ạ. Dạ là về bên ngoại. Ông ngoại con và bà thân sinh ra công chúa là chỗ con cô con cậu ruột.
- Tuy là ngoại, nhưng vẫn là họ gần. Công chúa thương, xin cho mày làm câu đương, mày có nhận không?
Ông thái sư nhà cô vừa dứt lời, thằng con tôi như một đứa động rồ. Lập tức nó nhảy cẩng lên, rồi cúi rạp mình xuống:
- Lạy thái sư, con thích lắm ạ, con đội ơn thái sư.
Ông ấy liền nghiêm mặt, lạnh như tiền, nói dõng dạc:
- Ngươi vì có công chúa xin cho mới được làm câu đương, không ví như người câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác.
Thằng con tôi sợ quá cô ơi. Mặt nó tái mét như con gà vừa mới cắt tiết, run lập cập, quỳ mọp trước ông thái sư nhà cô, xin được tha cho, không phải làm câu đương. Mãi ông ấy mới chịu. Về nhà, nó như thằng mất hồn.
Tôi sợ quá. Sau khi ông ấy sang xã khác, thế là tôi tốc táo lên gặp cô ngay. Sợ để lâu, cô không biết, lại xin cho cháu thăng thưởng lên chức gì đấy nữa, chắc là con tôi mất mạng!
Phu nhân chết lặng người đi. Bà không ngờ Trần Thủ Độ lại xử tệ với bà như thế.
=======.
1. Sau khi thượng hoàng Trần Thừa mất, Thái tôn phong cho anh ruột là Trần Liễu chức quan thái uý phụ chính. Đây là một chức quan đầu triều đứng trong hàng tam công.
2. Câu đương: Một chức quan đứng đầu hàng xã, tương đương với xã trưởng, đình trưởng hồi xưa, hoặc lý trưởng thời Pháp thuộc, chủ tịch xã bây giờ.
3. Long Hưng: Vùng đất huyện Hưng Hà- Thái Bình, quê hương bà Trần Thị Dung.