Từng Thề Ước (Tập 2) - Chương 15 - Phần 1

Chương 15:

Đương quyến luyến, hiệu kèn đã giục

 

Xi Vưu nâng cằm A Hành lên, nhìn sâu vào mắt nàng, nghiêm trang nói: “Nếu ta chết đi, nàng đừng oán phụ vương nàng, nếu Hoàng Đế chết, mong rằng nàng cũng sẽ tha thứ cho ta, đây chỉ là trận quyết đấu công bằng của hai nam tử mà thôi.”

Khóe mắt A Hành chợt đỏ hoe, “Ta lên tới đây gặp chàng, vậy mà chàng lại nói với ta rằng chàng nhất định phải giết phụ vương ta ư?”

Từ sau khi Du Võng bị chém đầu trước trận tiền, sĩ khí quân Thần Nông tan tác, lòng dân phân tán, liên tiếp thua trận, nhưng cái chết bi thảm của Chúc Dung đã khiến tất cả dân Thần Nông phấn chấn tinh thần, giống như đương lúc bị dồn vào đường cùng, lại nghe thấy tiếng kèn lệnh xung phong hùng dũng vậy.

Chúc Dung chẳng những đã đem thân mình thắp sáng núi lửa, mà còn thắp sáng lên vô số ý chí phản kháng của nam nhi Thần Nông. Tuy Thần Nông quốc đã tan rã, nhưng dân chúng Thần Nông còn đó. Vô số người ùn ùn từ bốn phương tám hướng đổ về, phất cao ngọn cờ chống đối, dùng máu và mạng sống để chống lại Hoàng Đế.

E rằng chính Chúc Dung cũng không tưởng tượng nổi, cái chết của hắn có thể xoay chuyển hoàn toàn cục thể đại hoang, cuộc đấu tranh của hai phe Viêm, Hoàng từ đây bắt đầu kéo dài suốt mấy trăm năm, vô số nam nhi đã khảng khái hy sinh, làm nên một trang sử bi tráng hào hùng nhất trong lịch sự Thần tộc. Đến nỗi sau này khi Chuyên Húc đăng cơ trở thành Thiên đế, cắt đứt giao lưu giữa trời và đất, đốt hết điền tịch, thì câu chuyện về cuộc đại chiến của Thần tộc vẫn còn lưu truyền giữa nhân gian.

Khác hẳn Chúc Dung, Hoàng Đế đã lường trước cục diện ngày nay, nên ông nhất quyết không dám bại, bèn lựa cách mềm mỏng để đối phó Chúc Dung. Nhưng người tính chẳng bằng trời tính, Chúc Dung lại dùng một đám cháy kinh thiên động địa thắp lên cả Thần Nông. Thần Nông hiện giờ tựa như những con suối nhỏ róc rách đang dần dần hội tụ lại thành dòng sông lớn cuồn cuộn chảy, đợi sĩ khí của chúng tụ lại rồi bùng phát, chi bằng ra tay tấn công ngay khi chúng còn chưa hoàn toàn tụ lại, nắm lấy quyền chủ động.

Hoàng Đế lệnh cho Hiên Viên Hưu và Thương Lâm tấn công Trạch Châu thành.

Hiên Viên Hưu dẫn hai vạn tinh nhuệ Hiên Viên, bày trận thế công thành, bắt đầu tấn công.

Theo thông lệ, Trạch Châu là cứ điểm quân sự quan trọng, có ưu thế về địa lý, chỉ cần tử thủ trong thành lấy tĩnh chế động là ổn. Làm vậy vừa phát huy được trọn vẹn ưu thế của tòa thành này, vừa có thể giảm thiểu thương vong, tiết kiệm binh lực. Nào ngờ Xi Vưu chơi cờ chẳng buồn tuân theo luật lệ gì hết, lại dẫn một cánh quân chừng trăm người xông ra, chính diện giao phong với đại quân Hiên Viên.

Nhờ quân số ít, hành động thần tốc, tấn công hay tập kích đều hết sức mau lẹ, lại thêm Xi Vưu khí thế dũng mãnh, tựa như mãnh hổ hạ sơn, xông xáo khi bên trái lúc bên phải, đánh cho đội hình hai vạn người của Hiên Viên rối loạn cả lên, giết liền một lúc hơn hai ngàn người. Đợi Hiên Viên Hưu kịp phản ứng, khống chế quân đội, hạ lệnh bao vây tiêu diệt Xi Vưu thì hắn đã rút trở vào thành như gió lốc.

Vừa đụng độ một trận, khí thế đã nghiêng về phía Xi Vưu, Hiên Viên Hưu nháo nhác gào lên đòi chính diện giao chiến, nhưng bất luận hắn ở trước cổng thành chửi rủa thế nào, Xi Vưu cũng chỉ cười hề hề đứng trên đầu thành nhìn xuống như đang ngắm cảnh.

Xi Vưu còn cho người đem hơn hai ngàn đầu lâu vừa chém xuống, chưa khô hết máu, xâu lại thành từng chuỗi, mỗi chuỗi trăm cái, treo trên đầu thành, máu nhuộm đỏ thẫm cả tường thành nâu xám.

Binh sĩ Hiên Viên trông thấy chuỗi đầu lâu lõng thõng trên đầu thành, không rét mà run, vừa hận vừa sợ Xi Vưu.

Những ngày này, mỗi lần Hiên Viên và Thần Nông giao tranh, số đầu lâu treo trên thành lại tăng lên, tựa như những chiếc đèn lồng lắc lư trên cao vậy, hết lớp này say lớp khác, sin sít dày đặc, ngay cả kẻ to gan nhất trông thấy cũng phải giật thót mình.

Thoạt đầu, hành vi ngông cuồng tàn nhẫn của Xi Vưu đã chọc giận binh lính Hiên Viên vốn nổi danh dũng mãnh, khiến đấu chí của họ bốc cao ngùn ngụt, quyết lấy mạng Xi Vưu, trả thù cho đồng đội. Nhưng chiến thuật của Xi Vưu biến hóa đa đoan, khi hung mãnh như hổ, lúc kín đáo như rắn, khi lại giảo hoạt như hồ ly, bất luận binh sĩ Hiên Viên kiêu dũng thiện chiến chừng nào, số đầu lâu trên tường thành không ngừng tăng lên từng ngày.

Cảm giác của binh lính Hiên Viên đối với Xi Vưu càng ngày càng phức tạp, thoạt đầu họ tưởng Xi Vưu là một tảng đá, chỉ cần dốc sức là có thể khiêng đi, về sau họ lại phát hiện Xi Vưu là một ngọn núi, không cách nào lay chuyển được, họ cứ ngỡ chỉ cần tìm được chiến thuật thỏa đáng, đồng tâm hiệp lực, nhất định có thể vượt qua Xi Vưu, nhưng bất luận họ trèo thế nào, dùng phương pháp gì cũng vậy, càng leo lên cao thì càng nhận ra Xi Vưu đang ở cao hơn, vả lại bất cứ lúc nào hắn đều có thể lắc mình biến thành vực sâu, khiến bọn họ từng người ngã xuống chết.

Các chiến sĩ Hiên Viên tộc từ nhỏ đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cằn cỗi, dân chúng hiếu chiến, tính tình dũng mãnh, kẻ càng dũng mãnh càng không biết sợ, nhưng một khi có kẻ dũng mãnh hơn khiến bọn họ sợ hãi, thì nỗi sợ hãi đó còn có sức uy hiếp hơn cả tử vong. Dù ngoài miệng họ không chịu thừa nhận, nhưng nỗi sợ hãi cũng giống như ôn dịch, chưa nảy sinh thì không sao, một khi nảy sinh rồi, liền cứ thế lan ra, không cách nào không chế.

Cứ gián đoạn như thế, chiến dịch này đã kéo dài hơn một năm. Hiên Viên Hưu tổ chức hai đợt tấn công lớn cùng vô số đợt tấn công nhỏ, hết thảy đều bị Xi Vưu đập tan. Trạch Châu thành vẫn sừng sững đứng đó, chẳng hề suy suyễn, có chăng là số đầu lâu treo trên tường thành đã tăng lên đến hơn một vạn chiếc.

Treo lủng lẳng hơn một vạn đầu lâu trước thành, Trạch Châu thành trở nên đáng sợ hơn cả Ma vực Ngu uyên, mỗi lần nhác thấy bóng áo đỏ của Xi Vưu đứng trên đầu thành, mọi người đều như thấy Ma vương xuất hiện, cần cổ bất giác lạnh buốt, tựa hồ đã bị thanh trường đao của Xi Vưu cắt mất đầu vậy.

Một sớm nắng đẹp, Xi Vưu đứng trên đầu thành vươn vai, nheo mắt nhìn vầng thái dương xán lạn một lát, đột ngột hạ lệnh cho Phong Bá và Vũ Sư: “Mở hết các cửa thành ra, dẫn mọi người cùng tấn công.”

Vũ Sư và Phong Bá mừng rỡ hô vang, chia nhau đi gọi các huynh đệ.

Binh sĩ Hiên Viên trợn mắt há miệng nhìn tất cả các cánh cửa thành lần lượt mở ra – họ vất vả giành co tại nơi này suốt một năm cũng chỉ vì mục đích ấy. Giờ đây cửa thành đều đã mở, nhưng họ lại thấy ớn lạnh.

Xi Vưu cưỡi Tiêu Dao xông ra khỏi thành, quân đội Thần Nông đông như kiến cũng từ trong thành tràn ra, như một bầy dã thú bị nhốt trong chuồng lâu ngày, con nào con nấy đều dũng mãnh vô song, khiến binh sĩ Hiên Viên tộc phát hoảng, không sao chống cự nổi, đành liên tiếp thoái lui.

Chiều hôm ấy, Hoàng Đế nhận được tin Hiên Viên đại bại. Hơn tám vạn chỉ còn chưa đến bốn vạn người.

Nỗi sợ hãi nhanh chóng như ôn dịch lan ra, từ chiến trường truyền đến cả Hiên Viên quốc. Trong quân doanh, các binh sĩ đều thao thao kể chuyện, sinh động như thật, nói mỗi lần Xi Vưu giết một người, hắn đều tắm trong máu người đó, giết càng nhiều người thì linh lực càng tăng cao. Cùng với những lời đồn đại, hình ảnh Xi Vưu trong lòng binh sĩ Hiên Viên vừa là tên ác ma tàn độc hung ác, vừa là vị chiến thần không thể đánh bại.

Mất thành trì đất đai cũng chưa phải điều đáng lo nhất, Hoàng Đế e ngại nhất là nỗi kinh hoàng của binh sĩ đối với Xi Vưu. Hơn ai hết, ông hiểu rõ sức mạnh của nỗi sợ hãi, chẳng phải Thần Nông vì sợ hãi mà tan rã trong một đêm đó ư? Trước đây, Hiên Viên liên tiếp giành thắng lợi, quyết không phải vì chiến sĩ Hiên Viên thiện chiến hơn chiến sĩ Thần Nông, mà chỉ bởi bọn họ tin rằng mình sẽ thắng, hai bên giao đấu, kẻ gan dạ hơn tất thắng.

Hoàng Đế hạ lệnh, hễ phát hiện kẻ nào bàn tán về Xi Vưu, liền định tội nói nhảm dụ người, lập tức nghiêm trị, nhưng chính ông cũng biết đây chỉ là uống rượu độc giải khát, tạm thời thì hữu hiệu, còn về lâu về dài, càng cấm đoán sẽ càng khiến mọi người sợ Xi Vưu.

Chỉ chiến thắng mới có thể đập tan nỗi sợ!

Hoàng Đế phái thêm đại quân, lệnh cho Ly Chu và Tượng Võng, hai phụ tá đắc lực của mình cầm quân, dẫn mười hai vạn người vây đánh Xi Vưu.

Hơn một năm sau, Hiên Viên tiếp tục đại bại, mười hai vạn quân chỉ còn lại năm vạn, bị Xi Vưu dồn đến Phản Tuyền.

Tin báo về Hiên Viên thành, Hoàng Đế thất thần đến nổi bủn rủn ngồi phịch xuống sập.

Phản Tuyền! Được Phản Tuyền thì được Trung Nguyên. Mất Phản Tuyền thì mất Trung Nguyên! Ông không thể để mất Phản Tuyền được!

Nhưng hiện giờ sĩ khí Hiên Viên đang suy yếu, trong khi sĩ khí Thần Nông lại tăng cao. Binh sĩ Hiên Viên chẳng có tình cảm gì đối với Phản Tuyền nên không có động lực tử thủ. Nhưng đối với binh sĩ Thần Nông, Phản Tuyền lại là cố hương của họ, Viêm Đế Du Võng cũng chết tại Phản Tuyền, nên đó còn là mảnh đất ô nhục của Thần Nông tộc. Con người ta vì hổ thẹn mà dũng mãnh, binh sĩ Thần Nông ắt không tiếc bất cứ giá nào để đoạt lại Phản Tuyền, rửa mối nhục khi xưa.

Đôi bên giao tranh, ai thắng ai thua dường như chỉ thoáng qua đã rõ cả rồi.

Vì binh lực không đủ, Hoàng Đế chẳng còn lòng dạ nào lo lắng Cộng Công nữa, bèn triệu hồi quân đội đang truy kích Cộng Công tăng cường cho Phản Tuyền, lại hạ tử lệnh cho Ly Chu và Tượng Võng phải tử thủ tường thành, không được ra ngoài nghênh chiến, nếu không giữ được Phản Tuyền thì cả hai đừng về nữa.

Nhưng Hoàng Đế cũng biết, đây chỉ là kế tạm thời mà thôi. Trừ khi viên đại tướng cầm quân khích lệ được sĩ khí của binh sĩ Hiên Viên, đập tan nỗi sợ hãi của họ đối với Xi Vưu. Nhìn khắp Hiên Viên quốc chỉ có hai người làm được điều này: người thứ nhất là Thanh Dương, người thứ hai là Hoàng Đế. Có điều ai cũng biết, Thanh Dương đang bị trọng thương không cách nào cầm quân tác chiến được.

Hoàng Đế bước vào Binh Khí thất trong Hiên Viên sơn, đám tùy tùng định vào theo nhưng Hoàng Đế xua tay, ý bảo họ chờ bên ngoài.

Hoàng Đế trọng võ nên Binh Khí thất được xây dựng xa hoa hơn cung điện nhiều, bố cục hình chữ nhật, ở giữa để trống, dưới đất nạm ngọc tủy của Ngọc sơn, trần nhà lại dùng thạch anh Quy khư, hai bên trái phải bày đầy những vũ khí và khôi giáp, thoạt nhìn có vẻ rất nhiều nhưng thực tế là chỉ đủ cho hai người sử dụng. Khôi giáp vũ khí bên tay trái là của ông, còn bên phải là của Luy Tổ. Những bộ khôi giáp bên trái đều được pha lẫn hoàng kim vào đúc, còn bên phải thì pha bạch ngân, lấp loáng chói lọi, một bên ánh vàng lóa mắt, một nên ánh bạc lung linh, ánh chiếu lẫn nhau, sáng rực cả phòng.

Hoàng Đế bước sang trái, quan sát kỹ từng bộ khôi giáp, mãi đến khi chọn được một bộ ưng ý. Ông tỉ mỉ lao chùi bộ khôi giáp đó, lau xong ngắm kỹ lại, mới nhận ra đó là bộ khôi giáp đầu tiên của mình.

Mấy ngàn năm trước, bản đồ lãnh thổ Hiên Viên ngày càng mở rộng, thì kẻ địch mà bọn họ phải đối mặt lại càng hùng mạnh, một đám thanh niên vừa có chút danh tiếng hi hi ha ha nói phải rèn cho ông một bộ khôi giáp ra dáng, bằng không sẽ rất mất mặt mỗi khi ra ngoài! Từng người lần lượt lấy ra những thứ bảo bối mình cất giữ bao năm nay, sau đó lại tranh cải ỏm tỏi không biết phải chọn chất liệu, màu sắc và hình dạng ra sao, chợt A Luy từ đầu chí cuối vẫn lặng thinh đột ngột lên tiếng, nói khôi giáp nên để thuần một màu vàng rực, chói lòa như vầng thái dương vậy, một khi xuất hiện sẽ giống như mặt trời ló dạng, khiến tất cả mọi người trên chiến trường đều trông thấy.

Ai nấy nhao nhao phản đối, nói nếu quá thu hút, chẳng phải sẽ trở thành đích nắm cho quân địch hay sao?

A Luy chẳng buồn cãi lại, chỉ đưa mắt nhìn ông. Ông liền mỉm cười, sang sảng tuyên bố, cứ dùng thuần một màu vàng rực như lời A Luy đi!

Mấy ngàn năm sau, bộ giáp vàng của ông đã trở thành dũng khí cho Hiên Viên tộc. Mấy lần rơi vào tuyệt cảnh, toàn quân sắp bị diệt tới nơi, nhưng chỉ cần ông mặc khôi giáp xông lên chiến trường, các chiến sĩ Hiên Viên ở bất cứ đâu cũng đều trông thấy, đều biết rằng tộc trưởng của họ không hề chùn bước, những chiến sĩ dũng mãnh can đảm nhất thế gian ấy sẽ lại theo ông chiến đấu đến giọt máu cuối cùng.

Đối với tất cả chiến sĩ Hiên Viên, bộ giáp vàng ấy còn chói lọi hơn cả mặt trời, bởi nó có thể soi sáng dũng khí của họ, nhưng đối với kẻ địch, bộ giáp vàng lại là biều tượng của tử vong, ánh sáng rọi tới đâu, nỗi kinh hoàng sẽ lan tới đó.

Hoàng Đế lại quay sang nhìn một dãy khôi giáp bày đầy bên phải, phía sau mỗi bộ khôi giáp là một trận huyết chiến. Bộ giáp vàng chói lọi đến nỗi người ta nhăng mắt, bóng áo giáp bạc đứng khuất sau vầng thái dương, nhưng những kẻ từng bôn ba chinh chiến, tắm máu sa trường như họ đều hiểu cả.

Sau khi Hiên Viên lập quốc, đã mấy lần ông định bỏ đám khôi giáp bên phải này đi, nhưng đều gặp phải sự phản đối kịch liệt của Tri Mạt. Tượng Võng đứng về phía của Tri Mạt, chỉ riêng Ly Chu không lên tiếng, nhưng rõ ràng cũng chẳng tán đồng. Qua đó, ông biết được địa vị của Luy Tổ trong lòng bọn họ vẫn không hề suy suyển.

Suốt ngàn năm ấy, đây là lần đầu Hoàng Đế nhìn kỹ lại những bộ giáp vàng giáp bạc của hai người.

Ông bước đến trước một tấm nhuyễn y màu bạc rất rộng, chuyện xưa lại chợt cuộn lên trong lòng, chiếc áo này không phải áo giáp, nhưng đáng sánh ngang với tất cả áo giáp ở đây.

Thụ Sa quốc và ba bộ tộc khác liên kết lại vây đánh Hiên Viên quốc, A Luy lúc đó đang có mang Thanh Dương, không thể ra trận, ông bèn phái thị vệ hộ tống nàng tránh vào tận trong núi sâu. Sau mấy ngày kịch chiến, ông rơi vào Lưu Sa trận, bị trận thế lôi kéo, bộ giáp vàng càng lúc càng nặng trịch, Ly Chu khuyên ông cởi giáp mà chạy, nhưng ông biết rõ là mình không thể. Chừng nào ông chưa cởi áo giáp, tất cả các binh sỹ còn bám vào chút hy vọng mong manh ông đem lại mà kiên trì chiến đấu, một khi áo giáp cởi ra rồi, chắc ông có thể chạy thoát, nhưng Hiên Viên tộc sẽ chấm dứt ở đây.

Trong Lưu Sa trận mù mịt cát vàng, dần dà che mờ cả ánh sáng chói lòa của áo giáp vàng. Khi tất cả mọi người tưởng như đã tuyệt vọng, chợt ông nhác thấy một vệt sáng bạc lấp lánh vụt qua chân trời. Thoạt tiên ông ngỡ ngàng mình hoa mắt, nhưng một thoáng sau, ông trông thấy A Luy vận tấm áo mềm dệt từ tơ tằm bạc, cưỡi trên Tứ Si Bạch nga[1] đã bị bịt hai mắt dẫn theo năm trăm binh sĩ mượn được từ Xích Thủy thị băng băng chạy tới.

[1] Bướm trắng bốn cánh. (ND)

Chỉ trong chớp mắt, toàn thân ông chợt căng tràn sinh lực, liền giơ tay hô vang, xốc lại sĩ khí toàn quân. Nhân lúc kẻ địch kinh hoàng thất thố, mà khí thế quân ta lại đang lên, ông và A Luy nội ứng ngoại hợp, cuối cùng chuyển bại thành thắng. Trận ấy không chỉ khiến Thụy Sa quốc quy thuận Hiên Viên mà còn có tác dụng răn đe, khiến các quốc gia miệt Tây Bắc không dám xâm phạm Hiên Viên nữa.

Hoàng Đế khẽ miết tay lên tấm nhuyễn giáp màu bạc, chỉ thấy lạnh thấu xương. Mới thế mà đã mấy ngàn năm rồi!

Hoàng Đế ra khỏi Binh Khí thất, men theo con đường mòn trên núi, đám tùy tùng toan đi theo đều bị ông ngăn lại: “Ta muốn đi một mình.”

Cứ dọc theo con đường mòn trong núi sẽ đến một hang động khuất nẻo có lối thông thẳng đến Triêu Vân điện, đây là thông đạo bí mật mà năm xưa khi xây điện ông đã phát hiện ra.

Phía sau Triêu Vân điện um tùm cỏ dại vì nhãng sửa sang. Hoàng Đế băng qua đám cỏ hoang lúc đầu gối, lặng lẽ đi thẳng đến sương điện.

Phượng hoàng trong sân đang nở rộ, đỏ rực cả tàng cây, từng chùm hoa rủ xuống trĩu cành, mỗi trận gió nhẹ thổi qua lại cuốn theo một cơn mưa hoa lả tả.

Trên cây mắc một chiếc đu, Cửu Dao đang đứng trên đó, vừa đu vừa gọi: “Bà ngoại, xem cháu này, bà xem, cháu đu cao hơn ngọn cây rồi này!”

Dưới hiên nhà kê một chiếc sập gỗ dâu, Luy Tổ dáng vẻ tiều tụy, mái tóc bạc trắng đang ngả mình trên sập, tựa hồ thiêm thiếp ngủ, nhưng mỗi khi nghe Cửu Dao gọi, bà lại hé môi cười.

Chuyên Húc ngồi xếp bằng dưới đất, tựa mình vào chân sập, cúi đầu đọc sách.

Chu Du và Vân Tang mỗi người bưng một chiếc giỏ trúc ngồi trên thềm đá, vừa lựa chồi non, vừa bàn xem tối nay ăn gì.

“Bác ơi, nhìn con đi”

“Ta thấy rồi, thấy rồi, con đu cao hơn ngọn cây chứ gì.” Vân Tang cười nói

“Biểu ca…”

Chuyên Húc giơ tay bịt tai, làm bộ không muốn nghe.

Cửu Dao đu lên đến đỉnh, đột nhiên buông đu nhảy xuống, ngắt một đóa Phượng Hoàng hoa trên ngọn cây, tà tà đáp xuống, được nửa chừng, bỗng cô bé vung tay ném cành hoa vào đầu Chuyên Húc, vênh vênh đắc ý.

Chuyên Húc khinh khỉnh lườm Cửu Dao, đột ngột từ dưới đất vọt lên tuốt ngọn cây, bẻ một đóa Phượng Hoàng hoa, rồi ung dung xoay người, vững vàng đáp xuống.

Cửu Dao đầy vẻ hậm hực, đang định bật lại thì A Hành ra tay can thiệp: “Không được cãi nhau! Hai đứa giỏi thế thì động tay động chân vào rừng dâu nhặt ít lá khô đi, bà thích uống canh cá hấp lá dâu.”

Cửu Dao ủ rũ gục mặt xuống, nguýt Chuyên Húc một cái, làu bàu: “Tại huynh hết.”

Chuyên Húc rất nghe lời, lập tức xách sọt chạy vào rừng dâu, còn Cửu Dao lại tức tốc chạy đến bên Luy Tổ, tấn công: “Bà ngoại, canh cá hôm nay là con nấu cho bà đấy, bà uống nhiều vào nhé.”

Vân Tang và Chu Du nghe vậy cười phá lên, Hoàng Đế cũng không nhịn được lắc đầu cười, con nhỏ này quả có tố chất làm gian thần, chuyên nịnh nọt bề trên, nói không thành có, vơ hết công lao vào mình.

Thấy mặt trời đã khuất núi, hơi ẩm dưới đất sắp bốc lên, A Hành bèn cùng Chu Du bê chiếc sập gỗ dâu vào nhà.

Cửu Dao nằm ườn trên sập, tựa vào người bà ngoại, lẩm bẩm nói gì đó. Động chân động tay? Động chân động tay nỗi gì? Bà ngoại kéo bé lại nói chuyện cơ mà!

Vân Tang đứng dậy, giũ hết những phiến lá vụn bám trên gấu váy, xách giỏ trúc bước vào sương điện, không quên ném lại một câu qua cửa sổ: “Tiểu Dao, khi nào con đi nấu canh cá?”

Cửu Dao làm mặt quỷ với Vân Tang.

Chuyên Húc đã bê sọt lá về, Chu Du đang hấp cá trong sân còn Vân Tang làm cơm dưới bếp.

Mùi khói bếp lan tỏa trong không gian – đối với Hoàng Đế lại vô cùng lạ lẫm, đã bao lâu rồi chưa ngửi thấy mùi này? Thậm chí ông còn chẳng biết nhà bếp trong cung ở đâu nữa. Nhưng đối với Hoàng Đế, thứ mùi này cũng rất thân quen, trước đây, tất cả những thứ này đều gắn bó với ông hằng ngày, ông còn nhớ, chính mình đã dạy A Luy hấp cá, chứ Tây Lăng đại tiểu thư ngày ấy chỉ biết ăn, nào biết hấp cá gì.

A Hành vào bếp phụ Vân Tang, còn Chuyên Húc và Cửu Dao ngồi chồm hổm bên sập của Luy Tổ nô đùa, lấy cuống lá dâu chơi kéo co, ai thua bị búng mũi, Luy Tổ làm trọng tài, giám sát cả hai đứa.

Bóng tối dần buông, cơm chiều đã dọn, mọi người đều vào nhà, chỉ để lại một khoảnh sân vắng tanh, lặng ngắt, tối mù.

Trong phòng sáng rực ánh đèn, cả nhà đang quay quần quanh Luy Tổ.

Cánh tay Luy Tổ cử động khó khăn nên A Hành phải bưng bát bón cho bà, như cho trẻ con ăn vậy. Nhìn cảnh tượng ấy, Hoàng Đế chợt thấy sống mũi cay cay, người đàn bà kia một thuở từng mặc khôi giáp, xuất lĩnh thiên binh vạn mã, oai phong lẫm liệt mà!

Dùng cơm xong, A Hành và Vân Tang lại cùng Luy Tổ uống trà nói chuyện. Chừng xuôi cơm, Vân Tang mới dắt bọn nhỏ đi rửa mặt nghỉ ngơi, A Hành và Chu Du ở lại chăm sóc Luy Tổ.

Sắp xếp cho mẹ nghỉ ngơi xong, A Hành bảo chu Du đi nghỉ, còn nàng ngủ trên chiếc sập kê ở gian ngoài, phòng khi nửa đêm Luy Tổ có khó ở, nàng cũng tiện trở dậy săn sóc.

A Hành ngả người nắm xuống sập, vừa lật được mấy trang sách, chợt một làn gió thơm ngát lùa qua, mí mắt bỗng nặng trĩu, nàng lịm người đi, chẳng còn biết gì nữa.

Hoàng Đế đẩy cửa sổ nhảy vào phòng, bước đến bên giường Luy Tổ.

Trướng rủ màn che, không trông rõ được nét mặt người bên trong.

Hoàng Đế đứng ngoài màn, hạ giọng nói: “Tôi biết bà đã quyết đoạn tuyệt ân tình, đành nhân lúc bà thiếp ngủ mà đến từ biệt. Hiện giờ quân đội Hiên Viên có vẻ hùng mạnh, nhưng thật sự tin tưởng được vẫn chỉ có mấy cánh quân khi xưa cùng chúng ta xông pha sa trường, tắm máu kẻ thù mà thôi, các cánh quân đầu hàng chẳng qua là thêu hoa trên gấm, chứ mong gì chúng ra tay tương trợ. Quân đội của Xi Vưu đã đến Phản Tuyền, tôi quyết định sẽ đích thân cầm quân nghênh chiến, chọn lựa cả nửa ngày mới được một bộ giáp, lại chính là bộ giáp đầu tiên các người rèn cho tôi. Bà còn nhớ năm đó mọi người đều phản đối chúng ta dùng màu vàng lóa mắt không?”

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3