Kết Hôn - Ly Hôn - Chương 17 part 1
Chương 17: Phó tổng giám đốc
Một tháng sau, nhờ công sức của Văn Bác mà thị trường của chi nhánh công ty đã được mở rộng, số lượng công việc tăng lên trông thấy, mức tiêu thụ đã vượt quá con số mười triệu, vì vậy công ty đã đặc cách cân nhắc Văn Bác lên làm phó tổng giám đốc, tiền lương tăng lên 15 nghìn tệ một tháng, ngoài ra còn được nhận 200 nghìn tệ tiền thưởng.
Văn Bác vui mừng gần như phát điên lên, cuối cùng thì những nỗ lực của anh đã được đền đáp, anh có thể mua nhà được rồi. Thực ra, Văn Bác định chờ thêm hai năm nữa sẽ mua nhà, như vậy có thể trả hết tiền nhà một lần, hoàn toàn không cần phải vay tiền. Nhưng anh nghĩ đến việc cả gia đình nhà vợ đều đang khinh thường mình, anh lại thấy không thể chờ đợi được nữa, anh muốn mua nhà ngay lập tức để chứng minh rằng mình hoàn toàn có thế sống tốt mà không cần phải nhờ vào đàn bà. Với hai trăm nghìn tệ tiền thưởng, anh hoàn toàn có thể mua được một căn nhà bằng cách trả tiền đợt đầu, các lần thanh toán sau sẽ trả góp dần dần. Văn Bác cảm thấy nhà không cần quá lớn, chỉ cần hai phòng là đủ dùng.
Văn Bác bỏ ra 200 nghìn tệ để mua trả góp một căn nhà rộng hơn 80 mét vuông rồi đến ngân hàng vay dài hạn trong 10 năm, tiền lãi hàng tháng cũng không quá nhiều. Từ một nhân viên quèn, long đong không nhà, phải ở nhờ nhà người khác, cuối cùng anh đã có được một căn nhà thuộc về chính mình. Văn Bác bùi ngùi xúc động, nguyện vọng bao năm trời của anh cuối cùng cũng thành hiện thực rồi. Mặc dù căn nhà không lớn nhưng dù sao cũng là tiền anh tự bỏ ra, dựa vào chính sức lực của mình chứ không nhờ vào đàn bà. Cuối cùng Văn Bác cũng có thể ngẩng cao đầu, ưỡn thẳng lưng mà nhìn người đời.
Văn Bác có nằm mơ cũng không ngờ mình lại có thể mua được nhà nhanh như thế, hơn nữa lại đơn giản như mua một bao thuốc lá. Anh thực sự quá vui mừng, vui mừng đến phát điên lên. Lần đầu tiên anh gọi điện về cho bố mẹ, xúc động báo tin. Bố mẹ anh cũng vui mừng đến nỗi cả đêm chẳng ngủ được, không ngờ con trai mình lại giỏi giang đến thế.
Ngày thứ ba sau khi mua nhà, Văn Bác nhắn tin cho Y Đồng: “Tôi đã mua được nhà, phòng 303, tầng 3, toà 3A, khu đô thị Phú Qúy. Có ly hôn hay không, cô tự quyết.”
Hai câu lạnh băng, chẳng khác gì một hòn đá tảng giáng xuống đầu Y Đồng. Toàn thân cô lạnh ngắt. Ly hôn ư? Ly hôn thật sao? Y Đồng ngồi bệt xuống ghế, ánh mắt thất thần.
Y Đồng không biết trong lòng cô hiện giờ là cảm giác gì, nói tóm lại là rất phức tạp. Theo lý mà nói, chồng mua được nhà thì cô phải vui mừng mới đúng, nhưng đằng này cô chẳng thể nào vui nổi. Nhận được tin nhắn của Văn Bác, cô bỗng cảm thấy có một áp lực rất lớn đang đè lên người mình, nguy cơ đến rồi. Y Đồng nghĩ, có lẽ lúc Văn Bác mua được nhà cũng là lúc anh muốn ly hôn với cô. Với tính cách của Văn Bác, chắc chắn anh sẽ trả thù.
Thực ra Y Đồng cũng linh cảm ngày này sớm muộn gì cũng sẽ đến, nhưng cô không ngờ lại đến nhanh như thế. Mới có hơn một tháng mà anh đã mua được nhà, không biết anh lấy đâu ra tiền? Lúc mẹ Y Đồng về nhà, nhìn thấy con gái ngồi ngây ra trên ghế, vội vàng hỏi: “Y Đồng, con sao thế?”
- Mẹ, anh ta mua được nhà rồi! – Y Đồng nói.
- Ai cơ? – Mẹ Y Đồng ngạc nhiên hỏi.
- Còn có thể là ai nữa ạ? Văn Bác chứ ai?
- Hả? Nó lấy đâu ra tiền thế? – Mẹ Y Đồng kinh ngạc hỏi.
- Con không biết, anh ta nhắn tin bảo con là mua được nhà rồi!
- Haizz, nó mua được nhà rồi, sau này sẽ không ở nhà chúng ta nữa!
- Chắc chắn là vậy, với tính cách của anh ta thì đó là điều đương nhiên!
- Thế bố mẹ già rồi, sau này chẳng có hi vọng gì nữa à? Vốn dĩ mong nó ở nhà ta để sau này có người chăm sóc. Thế này thì sau này ai chăm sóc bố mẹ?
- Mẹ à, mẹ yên tâm, chẳng phải còn có con hay sao?
- Thế sau này con tuyệt đối không được bỏ mặc mẹ đấy!
- Làm gì có chuyện ấy? Mẹ à, mẹ cứ yên tâm đi!
Tối đó, cả nhà Y Đồng ngồi ăn cơm. Hai mẹ con Y Đồng mỗi người một tâm sự. Y Đồng nghĩ, sau này nên cư xử với Văn Bác như thế nào? Bởi vì hiện giờ cô đang có bầu, hoàn toàn không muốn ly hôn. Ly hôn rồi đứa trẻ biết làm thế nào đây? Bỏ đi ư? Như vậy quá tàn nhẫn, bây giờ cô đã có chút tình cảm mẹ con rồi, cô cũng đâu muốn bỏ nó đi. Văn Bác giờ đã mua được nhà, chắc chắn sẽ trở nên cứng đầu, chắc chắn không nghe sự chỉ đạo của cô, không bao giờ chịu cúi đầu trước cô nữa, những ngày tháng sau này của cô sẽ khó mà sống đây.
Mẹ của Y Đồng thì nghĩ, Văn Bác mua được nhà rồi, chắc chắn sẽ ở riêng, con gái mình là vợ nó, đương nhiên cũng phải chuyển về đó ở, nếu không đi có khi sẽ phải ly hôn thật. Nếu như hai đứa ra ở riêng, sau này mình già rồi ai sẽ ở bên cạnh chăm sóc? Sau này hai ông bà già cả ốm yếu, đi lại không được, ai sẽ chăm sóc? Bà vốn nghĩ rằng Văn Bác không mua nổi nhà, sau này sẽ phải ngoan ngoãn ở trong nhà mình, nào ngờ mọi việc đều không như bà tính toán, sau này rồi biết làm sao?
Y Đồng nghĩ ngợi suốt cả đêm, cũng chẳng nghĩ ra được gì, trong lòng cô vô cùng rối bời. Văn Bác nhắn tin cho cô, đợi rất lâu mà không nhận được hồi âm của vợ liền gửi thêm một tin nhắn nữa: “Nếu không muốn ly hôn thì lập tức chuyển về đây ở, không được ở nhà mẹ đẻ nữa. Nếu cô cứ kiên quyết ở nhà mẹ, chúng ta buộc phải ly hôn.”
Y Đồng nhận được tin nhắn liền nhắn lại: “Nhà mới phải xây sửa, chưa chắc chưa thể ở, không tốt cho thai nhi.”
Văn Bác nhắn tin lại: “Nhà đang sửa, nhưng tôi đã thuê một căn nhà ở ngay bên cạnh, tạm thời ở lại đó, nhà sửa xong, một thời gian sau sẽ qua ở.”
Y Đồng không biết nói sao đành phải hỏi mẹ. Hai mẹ con bàn bạc suốt cả đêm, cũng chẳng tìm được cái cớ nào khác. Y Đồng nghĩ, chẳng còn cách nào khác cả, đành phải chuyển sang đó ở thôi.
Văn Bác thấy Y Đồng đã phải thỏa hiệp, trong lòng cũng thở phào nhẹ nhõm. Anh thầm mắng nhiếc trong lòng: “Mẹ kiếp, trước đây cô khinh thường tôi, làm gì cũng phải nghe theo cô, giờ thấy tôi mua được nhà là cô phải xuống nước ngay, đúng là đồ tiện nhân!”
Ngày thứ hai sau khi Y Đồng về nhà ở, Văn Bác liền đón bố mẹ lên. Vốn dĩ bố mẹ Văn Bác không muốn lên, nói rằng không quen cuộc sống thành phố. Văn Bác nói với bố mẹ:
- Con đã mua nhà trên này, bố mẹ chuyển lên đây sống cũng được nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng, dù gì con trai mua được nhà rồi, bố mẹ lên thành phố hưởng phúc ít ngày cũng là điều nên làm, nếu không người ngoài lại xầm xì, cho là con trai không hiếu thuận với bố mẹ.
Sau đó, Văn Bác lại đệ đơn xin phép công ty tạm thời chuyển về tổng công ty làm việc cho tiện việc chăm sóc vợ sắp sinh. Đương nhiên, công ty cũng phải cân nhắc đến vấn đề tình người nên chẳng bao lâu đã phê duyệt đề nghị của anh.
Một buổi tối, Y Đồng ăn cơm xong liền ngồi trên ghế xem bộ phim Hàn Quốc Ngôi nhà hạnh phúc. Đang xem đến đoạn hay thì Văn Bác đi vào, tay cầm điều khiển chuyển sang kênh khác.
Y Đồng nói:
- Em muốn xem Ngôi nhà hạnh phúc.
Văn Bác bảo:
- Anh muốn xem Diễn đàn Bách Gia.
- Để em xem Ngôi nhà hạnh phúc.
- Đây là ti vi anh mua, anh có quyền quyết định.
- Anh...
Y Đồng nhất thời nghẹn giọng không nói được gì, đành hậm hực đi vào phòng ngủ, tâm trạng vô cùng bực bội.
Văn Bác xem ti vi một lúc, thấy Y Đồng ngủ rồi mới lớn tiếng gọi:
- Em chưa tắm à?
Y Đồng chẳng động đậy gì, thấy vậy Văn Bác lại cao giọng:
- Em không nghe thấy à? Anh hỏi sao em không tắm?
Y Đồng vẫn chẳng động đậy.
Văn Bác lần này liền lớn tiếng nói:
- Cô còn đợi tôi tắm cho cô chắc? Tôi nói cho cô biết, sau này cô đừng có nằm mơ!
- Văn Bác, con làm gì mà lớn tiếng thế hả? – Mẹ Văn Bác vừa rửa bát xong, từ trong nhà bếp đi ra, lên tiếng hỏi.
- Mẹ à, không có gì đâu, mẹ ngồi nghĩ một lát đi! - Văn Bác kéo mẹ ngồi xuống ghế rồi rót cho mẹ ly nước.
- Văn Bác, rót cho Y Đồng cốc nước! - Mẹ nói.
- Cô ta không có tay à? - Văn Bác bảo.
- Cái thằng này, thật là cứng đầu! – Mẹ Văn Bác nói xong liền đứng dậy bê một cốc nước vào phòng ngủ cho Y Đồng.
- Mẹ, mẹ có mệt không? - Văn Bác hỏi.
Mẹ anh đi đến bên gường Y Đồng, gọi mấy tiếng nhưng Y Đồng vẫn quay mặt vào tường, lưng quay ra ngoài, chẳng động đậy gì. Mẹ anh tưởng Y Đồng đã ngủ rồi liền đặt cốc nước lên chiếc tủ đầu gường, sau đó đi ra ngoài.
Văn Bác thấy Y Đồng chẳng buồn ngó ngàng đến mẹ mình liền đi thẳng vào phòng ngủ, đập “bốp” xuống giường, nói:
- Cô điếc à? Mẹ cô không dạy cô thế nào là lễ phép à?
- Con làm cái gì vậy? - Mẹ Văn Bác vội vàng ngăn anh lại.
- Cô ta thật vô lễ, thái độ gì thế hả? Có đứa con dâu nào như thế không? - Văn Bác tức tối nói.
- Nó ngủ rồi, chớ làm phiền nó! Mau ra đây để cho nó nghỉ ngơi! - Mẹ anh bảo.
- Cô nghe thấy gì chưa hả? Tôi đang nói chuyện với cô đấy! - Văn Bác giật cái chăn trên người Y Đồng ra.
- Văn Bác, con mà còn không nghe lời, còn gây sự nữa, ngày mai mẹ sẽ về quê ngay! – Mẹ anh dọa.
- Mẹ, thế thì con không nói nữa! - Văn Bác vừa nghe thấy mẹ đòi về quê liền vội vàng im lặng, đi ra ngoài.
Ra đến phòng khách, mẹ anh nói:
- Văn Bác, con phải chăm sóc nó chu đáo, nó đang mang bầu, con phải nhường nó chứ, coi như mẹ xin con đấy!
- Mẹ à, con...
- Con muốn hiếu thuận thì hãy nghe lời của mẹ, thế thì mẹ sẽ ở đây thêm vài hôm, nếu không nghe lời, mẹ sẽ về quê ngay ngày mai!
- Vâng, vâng, con sẽ nghe lời mẹ mà!
- Vậy thì tốt, con ngủ sớm đu, mẹ đi xem bố con ngủ chưa!
- Khụ... khụ... khụ... – Đột nhiên, bố Văn Bác ho một tràng dữ dội ở trong phòng, sắc mặt ông rất xanh xao.
Văn Bác hoảng quá, vội đỡ lưng bố, hỏi han:
- Bố à, bố làm sao thế? Con đưa bố đi bệnh viện!
Bố Văn Bác nói:
- Không, không nghiêm trọng đâu, bố không sao, một lát, là khỏi thôi!
- Con rất lo cho sức khỏe của bố, hay là bố cứ đi bệnh viện đi! - Văn Bác giục.
- Ông à, ông đã đỡ hơn chưa? Nếu mà nghiêm trọng thì phải nghe theo lời con nó đấy!
- Không sao, bố nghe thấy con với Y Đồng bất hòa nên lo lắng, bệnh dạ dày lại tái phát đấy mà!
- Bố, sau này bố phải chú ý một chút, đừng có lo lắng, cũng đừng nổi cáu!
- Con à, con phải nhường nó, dù gì nó cũng đang mang trong mình cốt nhục nhà ta, sao con có thể...
- Bố, con sẽ nghe lời bố mà, bố cứ yên tâm!
Văn Bác thấy bố nói thế, trong lòng rất khó chịu, đành phải đồng ý với bố mẹ, sau này sẽ nhường nhịn Y Đồng. Thực ra trong lòng anh đang sục sôi ngọn lửa trả thù. Anh đã phải chịu bao nhiêu ấm ức, quá nhiều áp lực, giờ buộc phải giải tỏa chúng, nếu không đầu anh sẽ nổ tung mất. Mặc dù hiện giờ có “trung tâm giải tỏa stress”, chỉ cần bỏ tiền ra là có thể đập phá bất kỳ đồ đạc nào trong đó, nhưng dù sao vẫn không thể giải tỏa nổi nỗi ấm ức trong lòng anh. Muốn tháo chuông phải tìm người buộc chuông.
Nỗi oán hận trong lòng Văn Bác cứ như chất độc gặm nhấm gan ruột anh, anh rất muốn trút hết nỗi khó chịu này lên Y Đồng, nếu không anh sẽ cảm thấy mất cân bằng. Nhưng bố mẹ anh lại không cho phép anh làm vậy, thế nên Văn Bác cực kỳ u uất.
Y Đồng chuyển đi được mấy hôm thì mẹ cô đến thăm, còn mua rất nhiều đồ tẩm bổ cho cô, nhắc nhở mẹ Văn Bác làm cho Y Đồng ăn. Mẹ Văn Bác vui vẻ đồng ý. Y Đồng thầm than vãn, kể khổ với mẹ mình:
- Mẹ à, hiện giờ thái độ của anh ấy với con vô cùng khó chịu, con không thể chịu nổi!
- Có phải nó bắt nạt con không? Mẹ tuyệt đối không để nó bắt nạt con đâu!
- Thái độ anh ấy rất ngang ngược!
- Cái gì? Thái độ ngang ngược á? Sao cô không nghĩ xem trước đây cô đã đối xử với tôi như thế nào? - Văn Bác hùng hổ nói. Hóa ra, anh vừa mới đi làm về, về đến nhà thì nghe thấy Y Đồng nói xấu mình, do vậy anh không nhịn được liền gầm lên.
- Nó có nói gì quá đâu mà anh phải nổi nóng thế hả? – Mẹ Y Đồng bênh con, nói.
- Trước đây cô hung dữ với tôi như vậy, giờ tôi mới tỏ thái độ một chút mà cô đã không chịu nổi rồi à? Cô đã bao giờ nghĩ đến cảm nhận của tôi lúc ấy chưa? - Văn Bác gắt lên.
Y Đồng thấy Văn Bác càng nói càng gay gắt nên đành im lặng không dám nói gì nữa. Giờ thì cô đã hiểu được cái cảm giác bị người khác đay nghiến, chỉ trích là như thế nào. Lúc trước cô đối xử với anh ngang ngược, hung hãn như vậy, tại sao không nghĩ rằng mình cũng sẽ có ngày hôm nay? Rõ ràng là đầu lợn, mà lợn thì có thể nghĩ đước cái gì khác ngoài việc ăn chứ? Cô không ngờ rằng “cười người lúc trước, hôm sau người cười”.
Mẹ Văn Bác nghe thấy tiếng cãi vã vội vàng đến khuyên giải. Bà nói với con trai:
- Văn Bác, con không nói ít đi được vài câu à?
Văn Bác nghe mẹ nói vậy thì thôi không nói nữa, mặt mày tím tái vì tức giận, bỏ ra khỏi nhà. Tối hôm ấy, anh và Y Đồng quay lưng với nhau cả đêm, chẳng ai hỏi han ai điều gì.
Sáng hôm sau đi làm, tâm trạng Văn Bác vẫn vô cùng khó chịu. Bận rộn suốt cả ngày trời, người anh đau ê ẩm, đồng nghiệp Trương Tân Bảo:
- Văn Bác, hết giờ làm chúng ta đi mát xa chân đi! Tôi mời cậu!
- Mát xa chân á? Cảm ơn, nhưng tôi không cần đâu!
- Tôi thấy tâm trạng cậu không tốt, có thể là do quá mệt mỏi, đi mát xa chân có thể xoa dịu cơn mệt mỏi đấy!
- Không cần đâu, cảm ơn cậu! - Văn Bác từ chối.
- Có phải sợ vợ biết sẽ mắng không? – Trương Tân nhếch mép cười.
- Không phải, tôi không quen trò đó, chẳng thà về nhà ngâm chân còn hơn!
- Haizz, anh thật là chẳng biết hưởng thụ cuộc sống gì cả, lương mỗi tháng cao như vậy, sao không làm cho cuộc sống thêm màu sắc? Ngày nào cũng đi làm rồi về nhà, đi mãi trên một tuyến đường, chán chết đi được! – Trương Tân cười nói.
- Ha ha, tôi á, quen mất rồi!
- Người anh em, anh quá cứng nhắc rồi, không biết hưởng thụ cuộc sống gì hết, thế thì anh cần nhiều tiền làm gì?
Đàn ông hiện nay, đặc biệt là những người đàn ông có mức lương cao liệu có mấy người không ăn chơi đàn đúm, không đi tìm thú vui bên ngoài? Văn Bác không thích những trò đó, anh cũng chẳng có hứng thú. Thực ra đàn ông cho dù thuộc tầng lớp nào, phần lớn đều thích chơi bời. Trương Tân thì khỏi cần nói rồi. Phó giám đốc Trần Giang của công ty cũng là người biết hưởng thụ, về cơ bản mỗi tuần đều ra ngoài chơi một lần. Lần trước, Văn Bác đến văn phòng của anh lấy tài liệu, vô tình nhìn thấy trên bàn anh ta có rất nhiều hóa đơn thanh toán của trung tâm mát xa, khách sạn cao cấp. Anh đoán chắc anh ta đã từng mát xa, xông hơi, nói không chừng đã xài cả dịch vụ từ A đến Z cũng nên. Trong khi đó, Văn Bác chưa bao giờ đi mát xa hay xông hơi. Trong các hoạt động làm ăn và trong cuộc sống hàng ngày, anh luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức của mình, chưa bao giờ dính vào những thứ trụy lạc, sa đọa như vậy.
Văn Bác nói chuyện với Trương Tân một lúc, cũng sắp đến giờ tan sở, anh đang chuẩn bị ra về thì bỗng nhiên nhận được điện thoại của một khách hàng, là của Hứa Đông, tổng giám đốc công ty khoa học kĩ thuật Thiên Lam. Hứa Đồng nói:
- Giám đốc Lý, hết giờ làm anh có rảnh không? Chúng ta đến trung tâm Qúy Phi mát xa một lúc đi!
Gần đây, Văn Bác đang làm ăn với Hứa Đông, đề án lên đến hơn ba triệu tệ. Làm thế nào bây giờ? Đi hay không? Nếu như không đi, vụ làm ăn này coi như đi tong. Nếu như vụ làm ăn này không thành, tiền lương của anh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, vậy làm sao mà mua xe được? Còn phải trả góp tiền nhà nữa chứ? Làm sao để bố mẹ hưởng phúc đây? Nếu như đi thì chẳng khác gì tự chìm xuống bùn? Thế này có khác gì khách làng chơi?
Những người trong giới kinh doanh thường vô cùng phức tạp, phần lớn những người đó đều sống một cuộc sống ăn chơi, trụy lạc. Có những người đàn ông không chỉ có vợ bé, đi cặp bồ mà còn thản nhiên đi chơi gái, thật là nhơ nhuốc! Giờ khách hàng quan trông lại yêu cầu Văn Bác đến trung tâm giải trí khiến cho anh vô cùng khó xử, cực kỳ mâu thuẫn. Anh nghĩ, nếu đi chắc chắn sẽ bị vấy bẩn, không đi thì vụ làm ăn hơn ba triệu tệ tan thành mây khói. Làm ăn không thành chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng là nó ảnh hưởng đến tiền lương và tiền thưởng của anh. Anh vừa mới mua nhà, còn phải trả góp, lại còn tiết kiệm tiền mua xe, còn phải chăm sóc bố mẹ, cải thiện điều kiện sống. Văn Bác đắn đo suy nghĩ, cuối cùng quyết định sẽ đi.
Trung tâm Qúy Phi nằm ở khu vực sầm uất nhất trong thành phố, rất nổi tiếng. Văn Bác hẹn thời gian cụ thể với Hứa Đông rồi vội vàng đến đó. Lúc Văn Bác đến nơi, Hứa Đông đã chờ sẵn ở đó rồi. Hứa Đông mặt đỏ phừng phừng, miệng phả ra toàn hơi rượu, rõ ràng là mới đi uông về, thậm chí còn uống nhiều nữa là khác.
Văn Bác mỉm cười, nói:
- Ông chủ Hứa, sao ông đến nhanh thế? Đã để ông phải chờ lâu rồi!
- Giám đốc Lý, anh đến rồi à, tôi đang định bàn bạc chuyện làm ăn với anh đây. Hôm nay mệt quá, tôi đang định đi thư giãn tí, thế nên mới gọi điện hẹn anh ra ngoài! – Hứa Đông lè nhè nói.
- Ông chủ Hứa, ông định bao giờ ký hợp đồng vụ làm ăn đó với công ty tôi?
- Không vội, không vội, chúng ta vào trong rồi từ từ nói! – Hứa Đông vừa nói vừa đi vào trong.
Văn Bác ái ngại đành phải đi theo. Nói thực lòng, đây là lần đầu tiên anh tới những chỗ này. Anh thấy rất khó chịu, không sao thích nghi được, thậm chí nhìn thấy nhân viên phục vụ, anh còn cảm thấy ngài ngại, bởi vì cho dù có là người bảo thủ mấy đi chăng nữa cũng biết thừa những nơi như thế này phục vụ cái gì. Sau khi vào trong, nhân viên phục vụ mang áo và khăn tắm ra, đưa cho họ. Văn Bác liếc nhìn cô nữ nhân viên, là một cô gái khoảng hơn hai mươi, rất xinh đẹp: mặt tròn, đôi mắt to, thân hình thon thả. Nói theo ngôn ngữ của thời buổi bây giờ thì cô gái này đúng vào dạng: ngực tấn công, mông phòng thủ, vô cùng sexy. Thêm vào đó, chiếc sườn xám xẻ rất cao ở đùi để lộ đôi chân trắng nuột, mịn màng. Văn Bác thấy mắt mình như hoa lên, đầu óc ong ong, chỉ nghe thấy Hứa Đông nói:
- Người đẹp, mau lại đây tắm chung với anh nào! Kì lưng cho anh đi!
- Thưa ông, đây là khu vực dành cho nam giới, tôi có thể gọi phục vụ nam giúp ông! – Cô nhân viên phục vụ nói.
- Thế hả? Hôm nay anh đến đây tiêu tiền, em phải phục vụ anh chứ? – Hứa Đông bảo.
- Thưa ông, tôi thực sự không thể nào làm được ạ! – Cô nhân viên như năn nỉ.
- Cái gì? Cô không vào thì làm sao phục vụ cho tôi?
- Tôi thật sự không thể, tôi chỉ là nhân viên phục vụ, không phải loại gái đó!
- Ở đây cô có thể làm gì nữa? Chắc chắn là cave rồi, hôm nay cô nhất định phải phục vụ tôi!
Hứa Đông ra sức kéo cánh tay cô phục vụ vào trong. Bởi vì Hứa Đông kéo quá mạnh khiến cho chiếc sườn xám của cô gái kia rách toạc ra, lộ cả áo ngực màu trắng ra ngoài. Tội nghiệp cho cô gái, phải chịu đựng ánh mắt hau háu của bao nhiêu gã đàn ông.
- Thưa ông, xin ông hãy thả tay tôi ra! – Cô nhân viên vừa vùng vẫy vừa cầu xin.
- Vớ vẩn, hôm nay cô muốn hay không cũng phải hầu hạ tôi. Ông đây không thiếu tiền! – Hứa Đông nói.
- Thưa ông, xin ông đừng làm như vậy, ông không thể... – Cô phục vụ vẫn gắng sức giằng co.
Văn Bác thấy Hứa Đông lì lợm không chịu buông tha, trong lòng rất khó chịu, nhất là khi nhìn thấy bộ dạng đáng thương của cô phục vụ. Anh đang định lên tiếng thì chợt thấy một nhân viên bảo vệ khoảng hai mươi tuổi, dáng vẻ rất khôi ngô lao vào.
Anh chàng bảo vệ lịch sự nói: “Thưa ông, xin hãy lịch sự một chút, cô gái này chỉ là nhân viên phục vụ, xin ông đừng làm khó cô ấy!”
- Cái gì? Lịch sự á? Lẽ nào tao chưa đủ lịch sự? Xéo đi! – Hứa Đông đẩy mạnh nhân viên bảo vệ, tức tối gào lên.
- Xin ông đừng dùng vũ lực, có gì từ từ nói ! – Nhân viên bảo vệ vẫn lễ phép nói.
- Cút ngay, ông đây đang hứng, đừng làm mất hứng của ông! Nếu không tao đá thẳng mày ra khỏi cửa đấy, mày có tin không? – Hứa Đông hầm hè uy hiếp.
Nhân viên bảo vệ bị Hứa Đông đẩy giật lùi ra sau mấy bước, tỏ vẻ bất lực. Hứa Đông liền tóm chặt lấy tay cô phục vụ không chịu buông ra. Cô gái bật khóc nức nở rồi ra sức vùng vẫy.
- Cô em có khóc rách cổ họng thì hôm nay cũng phải phục vụ ông đây. Tôi nói cho cô biết, ông chủ các cô nhìn thấy tôi cũng phải nhún nhường vài phần đấy! – Hứa Đông hơi thở nồng nặc mùi rượu, tỏ vẻ kênh kiệu.
- Tôi không cần biết, thả tôi ra! – Cô phục vụ ra sức vùng vẫy.
- Mày nghe rõ đây, cho dù ông chủ chúng mày có đến thì mày cũng vẫn phải phục vụ tao tử tế, còn giả bộ trong sáng gì chứ? Đồ làm đĩ lại còn bày đặt con nhà lành sao? Được ông để mắt đến là phúc cho nhà mày đấy!
Hứa Đông vừa nói vừa kéo tay cô phục vụ vào bên trong. Bộ mặt của ông ta đã biến đổi. Văn Bác cảm thấy, thứ biến đổi không chỉ có bộ mặt ông ta mà còn cả trái tim và tâm hồn ông ta nữa.
Văn Bác bỗng cảm thấy vô cùng ghê sợ, sao Hứa Đông lại là loại người như thế cơ chứ? Anh không nhịn được nữa liền nói:
- Ông chủ Hứa, thôi bỏ đi, đừng làm khó cô ấy nữa, người ta là con gái nhà lành chứ có phải cave đâu!
- Cái gì? Nó không phải là cave ư? Thế nó không phải là bạn gái của mày đấy chứ? Xéo đi! – Nói rồi, Hứa Đông liền vung nắm đấm về phía Văn Bác.
Văn Bác có lòng tốt khuyên nhủ Hứa Đông đừng làm khó cho cô phục vụ kia, nào ngờ Hứa Đông không những không nghe mà còn vung tay đánh anh. Văn Bác vốn dĩ có thể né tránh cú đấm ấy nhưng anh không hề né, anh hy vọng chuyện này có thể giải quyết một cách êm đẹp. Do vậy ngực anh lãnh trọn một cú đấm rất mạnh của Hứa Đông. Lồng ngực Văn Bác đau dữ dội, anh gần như ngã ngửa ra đất. Văn Bác vẫn tươi cười nói:
- Ông chủ Hứa, bỏ qua chuyện này có được không?
- Mày nói cái gì? Mày là cái thá gì chứ? Mày định “chọc gậy bánh xe” phải không? – Hứa Đông lớn tiếng mắng chửi.
- Ông chủ Hứa, ông cũng đánh tôi rồi, thôi thì nể mặt tôi chút đi? - Văn Bác nghiêm túc nói.
- Nể mặt mày á? Cút đi! – Hứa Đông lại chửi.
- Ông đừng có lên mặt nữa, tôi cảnh cáo ông, nếu ông còn không chịu buông tay cô ta ra, đừng trách tôi không khách sao! - Văn Bác phẫn nộ nói.
- Ái chà, tao sợ quá đi mất, sợ quá! Mày có thể làm gì được tao chứ? Cho dù có là vợ mày thì tao cũng dám chơi chứ đừng nói! – Hứa Đông đúng là một kẻ khốn nạn.
Văn Bác không thể nhịn được nữa, anh lúc này giống như một con sư tử bị chọc tức, hai mắt tóe ra lửa. Văn Bác túm lấy cổ áo Hứa Đông, vung nắm đấm thép của mình về phía ông ta. Chỉ nghe thấy một tiếng “bốp”, Hứa Đông đã ngã ngửa ra đất. Ông ta không ngờ Văn Bác dám đánh mình, cũng chẳng có phòng bị gì nên cú đấm như thép của anh khiến ông ta mãi không đứng lên được.