Hùng Karô - Chương 22

Một tiếng nổ vỡ toác trong ngực. Tôi đã nhận ra cái tiếng nói ấy là của ai. Lừ lừ bước đến, tôi hất tung tấm mền và dừng sững, mắt lồi ra. Cái nhìn! Đúng là Cái nhìn, là Hiền chứ không phải ai khác. Hiền đang nhìn lên tôi, một thứ nhìn đa chiều đa thanh đa sắc, có cái gì vừa thương hại vừa khinh bỉ vừa vô cảm và lại vừa như... khó tả lắm chỉ biết rằng cái nhìn đó đã lột trần tôi ra, bao nhiêu gan thận phổi phèo bị lôi ra hết, nhúng sâu xuống chuồng trồ hôi thối, đẩy văng tôi ra khỏi cái tình thế hiểm nghèo ngàn cân treo sợi tóc.
Cái nhìn đó đã làm tôi lộn tiết. Lộn đến nỗi trong một hành động tư phát tôi đã quẳng cái túi ba gang đầy oặp đô la xuống sàn, quẳng tiếp những đồng đô la khác moi từ túi áo túi quần ra, trắng trơn, sạch bách, không thèm giữ lại đồng xu mẻ mẹ nào. Tất cả cái đống hổ lốn có thể làm đổi thay được cuộc đời của một kiếp người, cái đống mà vì nó tôi đã tự trát cứt vào mặt này phút chốc đã trở nên vô nghĩa vô cùng.
Và đáng lẽ vứt xong, tôi sẽ lập tức thoát hiểm ngay theo bản năng tự vệ, tôi lại chỉ thẳng tay vào giữa mặt người vừa cứu nứnh, nói một câu rất mất dạy:
- Sướng nhỉ? Tưởng cô đã ở tận chân trời nào với một con đực ra đực chứ ai ngờ đêm đêm cô lại phải nằm canh một tảng thịt mỡ hôi mù như thê'.
Cái nhìn vẫn nằm im nhìn lên, lần này là một cái nhìn tui tủi, xa xót, thì tôi cứ học theo mấy bác nhà văn mà phỏng đoán như thê' và chính cái nhìn ấy đã khiến tôi cúi xuống, bê xốc nàng lên, ghì xiết, nghe rõ được cả tiếng xương hông xương chậu xương sườn nàng kêu lên răng rắc, rồi đặt lên môi nàng một cú hôn như nhai như nuốt, bỏng rát, ngấu nghiến. Khẽ rên lên một tiếng não nuột, nàng cũng hôn lại tôi, bỏng buốt không kém và hình như có cả cái gì mằn mặn trộn vào đó. Vậy là nàng vẫn còn có lòng với tôi và hình như tôi cũng vẩn chưa quên được mối tình đầu này. Nhưng cũng chỉ thế thôi. Màn kịch cải lương có mùi máu lập tức được kết thúc khi nàng bừng tỉnh, đẩy mạnh tôi ra, nói như khóc:
- Anh nhặt lại ít tiền và đi ngay đi. Nêu thiếu thốn cái gì cứ nhắn cho em, đừng bao giờ dại dột làm thế này nữa.
Tất nhiên là tôi không nhặt. Thiếu thốn! Một gáo nước lạnh giội vào giữa tim. Tôi thiếu tất cả những gì cần có trên đời này, thiếu cả cô nữa, cô trọc phú đang sống cuộc sống trưởng giả ạ. Chào!
Một tiếng chó sủa như sấm nổ làm tôi tỉnh lại. Tiếng chó từ ngôi nhà u tịch kia. Bỗng toát mồ hôi lạnh. Trời ơi! Thì ra cả cái đoạn lùng nhùng đấm đá, máu me, xác thịt vừa rồi chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng bệnh hoạn mà gần đây đã bắt đầu có dấu hiệu nảy mầm mọc rễ trong tôi. Nó nảy mầm hay chính hình ảnh hoang tưởng về Cái nhìn đã kìm tôi lại, không cho tôi biến thành một tên đục tường khoét vách hèn hạ, điều mà dù có chết tôi cũng không bao giờ thèm làm. Có thể một mà cũng có thể cả hai hoặc thực ra cũng chẳng có cái quái gì cả, biết đâu chỉ là một chút tự trọng còn sót lại trong hố tim đen tối của tôi nó thoi thóp lên tiếng, kệ nó, chỉ biết rằng tôi đã kịp dừng lại.
Tôi quyết định rời chỗ nấp để trở về nhà trọ với ý định sẽ chọn một cơ hội khác như tìm thời điểm thích hợp bắt cóc con tin hay cùng lắm là chặn cướp xe tiền của vợ chồng thằng tỷ phú kia chẳng hạn. Làm vậy vừa đúng cái thể tạng của tôi hơn lại tương đối an toàn. Tất nhiên vẫn phải trông nhờ vào tin tức dò la khá chuyên nghiệp của thằng Cộ.
Nhưng vừa ra khỏi chỗ tối thì bất thần một tiếng còi hụ rú lên cùng vệt đèn pha sáng loà từ đầu đường bên phải chém tới. Cả phía đường bên trái nữa. Inh tai nhức óc. Cảnh sát! Bị chặn cả hai đầu rồi. Bị phục rồi! Họ đã biết mình lảng vảng ở đây mấy ngày nay để rồi bây giờ mới làm cú giăng lưới đây. Lần này thì mới thật là hết, hết hẳn, đến con chuột cũng không thoát nổi. Hình ảnh phòng giam thối khẳm cùng với những hình nhân vật vờ cũng thối khẳm vụt hiện trong đầu. Đang thế, từ vũng tối bên kia đường bỗng một chiếc xe máy lao vụt sang. Chắc mẩm đó là một gã hình sự muốn lập công đầu, một quyết định loé lên:Quá hay, cứu tinh đây rồi, sẽ hạ thằng này thật gọn rồi dùng ngay chiếc xe của nó mà phắn. Nhưng tôi chưa kịp hạ thì một tiếng nói từ trên chiếc xe vừa phanh két đã rơi xuống:
- Lên! Lên xe đi anh Hùng!

Tiếng thằng Thư! Sao lại thằng Thư? Tôi vội nhảy phóc lên phía sau nó. Hai chiếc xe cảnh sát cũng vừa chồm tới. Dường như chỉ chờ có thế, chiếc xe Win xé một đường cháy bánh lên vỉa hè rồi cứ thế nó lao vun vút qua rãnh nước, bãi cỏ, khu đất trống, khu nhà đang xây... toàn những địa hình địa vật hóc hoắm mà chỉ có loại hai bánh mới qua nổi. Hai xe cảnh sát đuổi theo được một đoạn buộc phải dừng lại, thở hồng hộc, bắn theo mấy phát vu vơ rồi thôi. Ai dè một trong những cái vu vơ đó lại đã găm trúng bả vai tôi, chỉ thấy nhói một cái rất ngọt rồi thôi. Không muốn để cho thằng Thư biết, tôi im lặng xé gấu áo chịt cứng lại để cầm máu.

Chiếc Win vẫn không giảm tốc độ, có lúc vấp vật cản đã tưởng lộn nhào hất văng tất cả nhưng rồi vẫn gượng được, phóng tiếp, nhanh hơn, thục mạng hơn. Chạm bánh vào một con đường đá răm nhỏ tối, nó hơi chựng lại như để dò dẫm rồi lại băng đi, lại bãi cỏ, lại đất trống và cuối cùng, sau hai giờ mở hết tốc lực, chừng như đoán biết không còn gì đe dọa ở phía sau nữa, nó từ từ dừng lại. Hai thằng nằm vật ra. Xe thở người thở. Tôi hỏi:
- Giải thích đi! Thế này là thế nào? Ai cho chú bỏ chỗ?
- Nhìn trong mắt anh, em thấy có chuyện không lành.
- Và mò theo?
- Em theo anh ngay từ lúc đầu, đã nhìn thấy anh gặp ai, xuống thuyền làm gì rồi tối nay...
- Thôi, hiểu rồi, không cần lảm nhảm nữa. Chú láo và liều quá đấy. Tối nay chú đã cứu tôi, tôi ghi vào lòng nhưng nhỡ xảy ra điều gì cho chú thì tôi biết nói sao? Mà nói cho cùng tôi cũng đã có điều không phải với chú. Đúng vào lúc quan trọng nhất, tôi đã tỏ ra một thằng chả ra gì, dở hơi, nhớt nhát, đầu óc cứ để đi đâu.
- Em biết anh Hùng thương em, không muốn để em liên lụy, em còn biết anh định lo liệu tương lai cho em nữa nhưng em không cần, em không thích anh lo kiểu này.
Tiếng nói nó méo xẹo. Tôi tự nhiên cũng thấy mủi lòng. Hai thằng ngồi im lặng trong mênh mông gió đồi. Tôi hỏi nó cái xe máy này lấy ở đâu ra? Nó bảo chính anh Cộ cho mượn, anh ấy còn bảo em phải bí mật đi theo anh để đề phòng những tình huống xấu nhất vì lần này gặp lại anh ấy cứ thấy anh thế nào ấy, không còn sắc sảo, dũng mãnh, tỉnh táo như ngày trước nữa. Anh ấy sợ... Tôi chợt thấy nhẹ người. Ít nhất là ở đời vẫn còn có thằng biết giữ chữ tín, biết trọng luật giang hồ, huynh đệ.
Rồi nó phát hiện ra vết thương của tôi, cuống quýt xé lần áo ở bả vai tôi, sờ lên trán tôi, xót xa vô cùng:
- Ôi, anh bị thương lúc nào thế này?... Máu ra nhiều quá, đầu nóng như than.
- May mà viên đạn chỉ xước qua phần mềm, tất nhiên cũng hơi sâu một chút. Bỏ qua đi!
- Để tìm một trạm xá em đưa anh vào.
- Bậy nào! Đang không định chui vào rọ cho nó lóc thịt à?
- Vậy thì đi! Đi kiếm một cái nhà trọ nào đó, em sẽ tự chữa trị cho anh, để thế này, nhiễm trùng chết...
Giọng nó quá khổ sở, vả lại máu ra nhiều, thực sự tôi cũng cảm thấy chếnh choáng nên đành miễn cưỡng nghe theo.
*
Đi thêm được chừng ba chục cây số nữa, ra xa khỏi địa phận thị xã, hai thằng lặng lẽ chui vào một căn phòng ổ chuột mà bên ngoài có treo tấm biển đề Nhà trọ. Đỡ tôi nằm xuống, đắp nhẹ lên mình tôi một tấm mền màu nước dưa thoang thoảng mùi cứt dán, nó khép cửa đi ra ngoài. Lát sau, trong khi tôi vừa thiếp đi, nó trở lại với một cái chậu nhôm và phích nước nóng trên tay. Nó đánh thức tôi ngồi dậy và liền đó, như một người lính cứu thương thành thạo, nó lau rửa, sát trùng, bôi thuốc đỏ thuốc mỡ vào vết thương cho tôi. Bàn tay nó êm dịu đến nỗi tôi lại định thiếp đi nếu như nó không bảo tôi đừng ngủ, nó sẽ ra phố mua bánh mỳ, bánh giò nóng hoặc bún phở về cho tôi ăn lấy sức. Tôi ngoan ngoãn gật đầu. Nhưng khi lần thứ hai nó trở về thì tôi đã không còn dậy nỗi nữa. Cơn sốt đã chuyển sang mê man. Bên tai chỉ mang máng nghe tiếng nó gọi, hai lỗ mũi đã thoáng ngửi được cái mùi ngầy ngậy thơm thơm của hành tỏi của nước dùng mà mắt không tài nào mở ra được.
Tuy vậy trong giấc ngủ nặng nhọc, chập chờn tôi cũng lơ mơ nhận biết được tất cả những cử chỉ chăm sóc dịu dàng của nó. Nó lấy khăn ấm lau mặt, lau ngực cho tôi rồi lại dùng khăn lạnh chườm nhẹ lên trán tôi. Một cảm giác ngọt ngào tuổi thơ được mẹ chăm chút mỗi khi sốt ốm ngày nào khe khẽ trỗi dậy. Chỉ khác có lúc tôi cảm nhận rõ ràng được khuôn mặt thanh tú của nó áp nhẹ xuống ngực tôi, mặt tôi, đôi môi mềm ướt của nó chuyển dịch trên da thịt tôi, lên trán, lên má, lên cả đôi môi khô xác của tôi. Và hình như có cả nước mắt chảy theo những làn sóng mơn man đó. Nếu khoẻ mạnh, giây phút đó không hiểu tôi sẽ hành xử như thế nào, có thể tôi sẽ nằm im giả vờ như không biết để tránh cho cả hai khỏi rơi vào một trạng thái bẽ bàng hoặc cũng có thể tôi sẽ trở dậy ghì chặt lấy thân hình mảnh mai của nó, sẽ đam mê hôn lại nó cũng nên. Nhưng lúc đó tôi chỉ còn biết thụ động hưởng thụ và hứng trọn lấy tất cả mang vào giấc ngủ. Gần sáng, người đã thấy khoẻ hơn, vết thương cũng không còn nhức nhối nữa, tôi chuyển mình trở dậy. Bên tôi, thằng Thư nằm nghiêng, đút hai tay vào đùi, đúng cái dáng nằm ngủ của đàn bà con gái, mặt quay về phía tôi, đôi môi thơ trẻ hé mở, thỉnh thoảng lại mỉm cười. Một cảm hứng thánh thiện nhen lên, tôi cúi xuống hôn nhẹ vào trán nó rồi thả chân xuống đất đi ra ngoài, bước đến con suối đang chảy róc rách phía sau nhà. Trời còn mờ tối, sương đêm ướt đầm trên cỏ, suối chưa có người, tôi vùi cả đầu cả mặt xuống làn nước mát lạnh thoảng thơm mùi lá cơm xôi. Có con chim nào tần tảo hót sớm ở bên kia rặng cây. Đầu óc bỗng nhẹ tênh, trong thoáng chốc mọi chuyện xảy ra trước đó, xảy ra tối qua dường như không có thật, dường như chỉ là một cơn ác mộng.
Hít thở thật sâu mấy chục cái cho thấm thía vào tận đáy phổi, tôi khoác áo lần trở lại phòng. Phòng ắng lặng.
Trên giường, cái dáng nằm nghiêng con gái của thằng Thư không còn nữa. Tin rằng nó cũng lần ra chỗ nào đó thoáng rộng giống tôi nếu như ngay trên mặt gối cóc bẩn, nhăn nhúm không có một mảnh giấy được chặn bằng cái nắp phích đập chói vào mắt. Ngờ ngợ hiểu ra điều gì, tôi cầm lên. Những dòng chữ mềm mại được viết bằng bút bi hiện ra xiên xiên:
Hùng ơi! Đừng buồn em đã im lặng bỏ đi nhé! Bởi vì nếu gặp anh, em sẽ không đủ sức đi được nửa. Trong những chặng đường bụi bặm trước mắt, biết tính Hùng ngang tàng, bất cần đời, em chỉ khuyên Hùng hãy hết sức cẩn thận, cái gì có thể làm được thì làm, cái gì không làm được thì thôi; đừng cố. Còn em, em cũng không biết đi đâu, làm gì nữa, thôi cứ để mặc cho số phận xui khiến. Chỉ biết rằng, những ngày được kiếm sống bên Hùng là những ngày đẹp nhất của em. Thực lòng em muốn được sống nối tiếp những ngày đó bằng cách xin Hùng cho em đi theo, vui buồn, sướng khổ có anh có em nhưng em biết chắc Hùng sẽ không bao giờ đồng ý, Hùng sẽ mắng em, nặng lời với em như vừa rồi, chỉ buồn thêm.
Em đi đâỵ. Chiếc xe máy này thực ra là của anh Cộ cho em, Hùng đừng đi mà tìm chỗ bán lại. Ở đâu đó kiếm chút tiền đi đường. Nếu còn cơ duyên, mình chắc chắn sẽ gặp lại nhau. Nếu không, Hùng cứ nghĩ rằng ở bất kỳ nơi nào cũng có một đứa em luôn cầu mong cho anh trai gặp được mọi điều may mắn.
Tôi vùng chạy ra cửa, nhìn nhanh sang hai bên đầu đường. Vắng tanh. Nhìn trở lại, chiếc xe máy cà khô vẫn còn đó, nằm im lìm một góc. Tự dưng nước mắt muốn trào ra. Vậy là suốt đêm qua nó đã không ngủ để chăm sóc cho tôi và lúc tôi trở dậy, nó vẫn chưa ngủ để thực hiện cái hành vi chia tay tức tưởi thế này. Thư ơi! Sao em tốt thế và cũng cơ khổ thế. Còn bao nhiêu điều chưa nói được với em vậy mà em đã đi rồi, đi đâu, gầm trời ác nghiệt này mỏng manh thế em sẽ đi đâu? Thôi đành vậy, em cứ đi đi, anh cũng đi, hy vọng rồi tới đây sẽ có dịp gặp lại nhau, em trai nhé, nhất định sẽ có dịp.
Trời vừa sáng, tôi chụp sâu cái mũ cối lên đầu, móc cây kính dâm gãy cọng ra đeo, gột sạch những vết máu còn vương lại trên vai áo, dắt chiếc xe ra đường nổ máy ngược về mạn Bắc Kạn. Đi được vài chục cây, thấy phía trước là một bến xe liên tỉnh, chọn một hàng sửa xe máy có cái tên khá nhộn: “ Vá 9” tôi rẽ vào, dọn một cái giọng rất ư là quê kệch, lành hiền:
- Thưa bác, nhà cháu ở gần đây, thằng bé nhà cháu không may phải đi bệnh viện mổ ruột thừa mà nhà lại hết sạch tiền, còn mỗi chiếc xe này, cháu xin cầm cố ít ngày rồi sẽ xin chuộc lại.
- Bao nhiêu? - Đôi mắt ông chủ hàng gườm gườm nhìn tôi qua cặp kính lão như nhìn kẻ trộm.
- Thôi thì tuỳ bác. Chỉ cần đủ viện phí bước đầu trả cho người ta thôi ạ!
- Biết thế nào là đủ?
- Bác cho con tạm... hai triệu.
- Cả cái xe ghỉ nát này liệu có được từng ấy không mà cậu đòi cao thế?
- Triệu rưởi vậy.
- Một triệu. Là tôi cũng thương hoàn cảnh cậu, không thuận thì thôi.
- Bác làm ơn nới ra một tý, đã dính vào dao kéo là nhiều khoản phải chi lắm, cháu sợ...
- Triệu hai. Không được thì đi đi, mới sáng ra đã ám!
- Vâng, thôi thì đành vậy.
- Mà không phải đồ ăn trộm đấy chứ?
- Bác nói thế phải tội chết. Cháu cả đời làm nghề nông có bao giờ...
- Nghề nông! Thằng trộm nào mà không bắt đầu từ nghề nông. Chờ đó!
Lão quay lưng đi vào. Trong khoảnh khắc tôi đã định lao vào theo nhưng chính chiếc xe nằm im lìm, tơi tả kia đã giữ tôi lại. Chiếc xe của thằng Thư, chiếc xe được mua bằng tất cả số tiền nó có được, chiếc xe đã cứu tôi khỏi một cảnh đời tù ngục, chiếc xe như có mắt của thằng Thư đau đáu ẩn vào hai bên chá đèn.
Cầm món tiền sặc mùi dầu máy trên tay đi ra, dưới ánh nắng sớm vàng khè, tôi thấy đắng hết cả mồm miệng. Mẹ lão! Chiếc xe đáng giá gần chục triệu mà lão chỉ nôn ra có triệu hai thì quá đểu, phải như lúc khác tao đã cho cả nhà lão đi ăn mày rồi. Vả lại, cái này mới là nguyên cớ sâu xa hơn, sau này, có thể sớm có thể muộn, nhất định tôi sẽ chuộc lại nó, như chuộc lại một kỷ vật đớn đau, tủi nhục nhưng vô giá mà không phải ai cũng có được.

Tôi quyết định xa xứ.
Hay chính tấm tình và đôi mắt của thằng Thư đã cho tôi quyết định xa xứ. Chỉ có đi xa, đi thật xa, đi ra khỏi hẳn cái vùng bán sơn địa dằng dặc núi non, dằng dặc nỗi buồn này, thậm chí đi cả sang bên kia biên giới thì mới mong làm lại cuộc đời. Tôi muốn thật sự tự tẩy trắng tôi.
Nhưng tẩy trắng cả cuộc đời một con người với chỉ bằng một triệu hai thì ít quá! Phải một trăm, một ngàn lần hơn hoạ hoằn mới may ra. Mà lại không thể dấn sâu vào chuyện trấn cướp được nữa. Dấn thử thế là đủ rồi, thừa thãi rồi, ê chề nhục nhã quá xá rồi. Dấn thêm chỉ có nhúng đầu vào cõi tăm tối không cùng. Vậy chỉ còn cách dựa vào hảo tâm, nếu cuộc đời này vẫn còn có sự hảo tâm của bạn bè, những thằng bạn đã cùng chui nhủi vào lòng đất nhão nhợt, chết chóc trên bãi vàng Na Rì ngày nào.
Đường quá xấu, đoạn đường tám chục cây số xe khách phải chạy hết ba tiếng đồng hồ long xòng xọc mới đến nơi. Một giọng nói đàn bà không hiểu cất lên từ hàng ghế nào:
- Mọi người nên cẩn thận! Đoạn đường này hỗn hào lắm, coi chừng có bọn xấu trà trộn vào cũng nên.
- Đúng đấy! - Một giọng đàn ông - Thời buổi bây giờ trộm cướp như rươi. Thì đó, mới đêm qua công an người ta suýt bắt được một tên đang rình mò trước một căn biệt thự giàu có chứ nếu không, chưa chừng đã xảy ra án mạng.
Bất giác tôi cúi gằm mặt xuống vờ như đang say ngủ để tránh những ánh mắt soi mói, hãi sợ nhìn qua nhìn lại như đang sục tìm một tên cướp nào đó đang có mặt trên xe thật. Khi tiếng bàn tán dứt, sự chua chát trong tôi mới ựa lên. Thế là xong. Thế là chính thức đặt một chân ra khỏi
xã hội người. Khốn kiếp chửa! Chỉ trong vòng nửa tháng mà đã hai lần lên mặt báo, lần sau nặng nề hơn lần trước, hệt một tên cướp man rợ mang trong người những hành vi bí ẩn kinh hoàng. Chạnh nhớ ngày nào cũng nhảy lên ngồi xổm ở báo nhưng là ngổi một cách đường hoàng, kiêu hãnh với tư cách một chiến sĩ can tràng, một đảng viên ưu tú trong công cuộc bảo vệ biên cương, cõi bờ.
Xuống xe, tôi tìm đến một cái quán ăn lụp xụp kiếm đồ lót dạ. Những lời bàn tán vô tình hay độc địa trên xe khiến bụng dạ tôi no ngang rồi mặc dù tôi là một thằng rất háu đói. Vào quán là cốt để ẩn mình, để quan sát, để nghe động tĩnh, để thử nhân tình thế thái ra sao. Ai dè lại chính là bà chủ quán nhận ra tôi trước. Bà dừng sững lại với bát bún ngan bốc khói thơm ngậy trên tay:
- Trời đất cha mẹ ơi! Chú Hùng! Hùng Ka Rô! Chú đi đâu biệt tăm biệt tích bây giờ mới trở lại thế này. Mà độ này nhìn chú gầy và già quá! Có bệnh tật gì không?
Câu nói nổ như một tràng liên thanh quét thẳng ấy đã đánh động tất cả các quán xá xung quanh. Phút chốc người kéo đến đông nghẹt. Nhìn lên thấy có cả khuôn mặt quen, hao hao quen và không hề quen. Những khuôn mặt đại diện cho sự vận hành lên xuống, qua lại của bãi vàng. Như vậy là cuộc sống nơi đây vẫn tồn tại. Họ bảo ngồi đây làm gì, lên bãi kiếm rượu thịt nhậu một chập để đón hung thần, lãnh chúa trở về. Tôi đi theo họ và họ, bằng đủ các loại phương tiện to nhỏ, xấu tốt áp tải tôi lên bãi như nghinh tiếp một vị vương triều lãnh chúa thật.
Đến khu hang cổ, nơi tôi bắt đầu đến và từ đây tôi đã ra đi, thật bất ngờ khi gặp lại hai thằng đàn em Hoà lợn và Phong mắm. Hai thằng tạo nên hai chiều nghịch đảo đến là vui mắt, thằng Hoà lợn đã có chiều đỡ lợn hơn, gọn gàng thon thả đáo để, còn thằng Phong khó có thể gọi nó là Phong mắm được nữa, đã có đùi có ngực hẳn hoi. Vậy là cuộc sống nơi đây cũng ổn đấy chứ. Gặp tôi cả hai đứa đều tỏ ra mừng rỡ lắm. Chúng nó bảo sau khi đến Võ Nhai, ăn chực nằm chờ cả nửa tháng không thấy tôi và thằng Thư đến, cũng không nghe tin tức gì, cả hai lại lộn trở lại đây, dầu sao cũng đã quen đất quen người, có khó thế nào chắc cũng không đến nỗi chết đói.
Bữa nhậu với các chiến hữu trên đỉnh bãi vàng mênh mang gió hú đêm ấy thật cảm động. Không cảm động vì rượu thịt ê hề, vì có cả gái non hầu rượu bên cạnh mà vì cái tình cái nghĩa những con người dưới đáy, những con người tận cùng khốn khổ đối xử với nhau. Uống hết, nói hết, cười khóc, hát hò thoả thuê không giữ lại cái gì trong người, như một bầy trẻ thơ lại như một đoàn binh vừa đi qua cái chết hội tụ lại. Họ nói họ biết ơn tôi, kính trọng tôi, rằng nhờ có bàn tay thép của tôi ngày ấy mà trật tư bãi vàng cho đến hôm nay đã trở nên hoà dịu, rằng nhờ có mối quan hệ tốt của tôi với chính quyền với cánh công an nên dân bãi được đối xử tốt hơn, có đường nước, có bảo hộ, có an ninh nên ba cái vu trấn cướp, thanh toán giết chóc gần như không còn nữa. Dòng rượu biến thành dòng bả chuột cháy trong cổ họng tôi. Chao ôi, thói đời đểu thật, nơi đây giờ không còn nạn trấn cướp nữa, thì cứ tạm coi là thế đi nhưng tôi, cái thằng đang được tôn vinh là người hùng, là cứu tinh trước mặt họ lại hiện thân thành một tên cướp chuyên nghiệp có vũ trang.
Có lẽ lâu lắm rồi tôi mới có một bữa rượu, một trạng thái thoải mái, hưng phấn như thế này, hưng phấn đến nỗi tôi đã nghĩ đến chuyện hay là mình không cần phải thất thểu đi đâu nữa, cứ dừng chân mẹ nó ở lại đây, giữa những con người trần trụi, hoang dã nhưng chân tình này để bắt đầu một trang khác của cuộc đời. Và ý nghĩ này rất có thể sẽ thành hiện thực nếu như lúc ấy, giữa lúc tâm trạng đang vui nhất thì có một ai đó bước vào, nhìn tôi, nhìn mọi người rồi lại nhìn tôi, sau đó cúi xuống nói cái gì với người ngồi ngoài cùng, người này nói với người kế tiếp, người kế tiếp thì thào vào tai người kế tiếp nữa... Tất cả mọi sự thì thào đó đều được lồng vào những ánh mắt nhìn chéo về phía tôi. Thoáng chốc bữa rượu bỗng chùng xuống, nguội ngoặm.
Cái gì thế nhỉ? Báo động có kẻ cướp hang à? Hay có hầm sập? Hoặc có sắc lệnh mới của công an, chính quyền? Đang chưa hiểu gì, qua men rượu rung rinh, nhìn qua nhìn lại tôi bắt đầu thoáng thấy có người len lén đứng dậy bỏ đi, bỏ đi nữa, nhìn qua nhìn lại chỉ còn dăm người rồi cái dăm người đó cũng dần dần biến mất. Cuối cùng trước mặt tôi chỉ còn hai người, thằng Hoà và thằng Phong! Hai thằng hai hình dáng nhưng lại chung một ánh nhìn lên tôi, cái thứ nhìn áy náy, khổ tâm và chấp chới. Mang máng đoán biết ra chuyện gì, tôi nặng giọng:
- Cái gì? Cái gì vừa xảy ra đây?
Thằng Hoà nhìn thằng Phong, thằng Phong lại nhìn lại thằng Hoà, cuối cùng chính thằng Hoà lên tiếng:
- Anh Hùng... Anh đang bị truy nã cấp độ một vì tội cướp có vũ trang phải không?
Tôi lặng lẽ gật đầu và chợt hiểu. Rốt cuộc dù giang hồ cở nào, dù con người tôi có ăn sâu vào tâm khảm họ cỡ nào thì tôi vẫn là một tên tội phạm và họ, họ chỉ muốn yên thân làm ăn. Cám ơn, cám ơn tất cả, kiếp sinh tồn nghiệt ngã này không có chỗ chứa cho lòng hào hiệp, đức hy sinh, chắc cả hai thằng đàn em kia cũng thế. Tôi đứng dậy.
- Anh định đi đâu bây giờ? - Thằng Phong mắm hỏi.
- Đi đến cái chỗ cần phải đi. Chào!
- Thì anh cứ để đến sáng đã - Thằng Hoà ái ngại.
- Rất có thể bọn cớm nghe tin bò lên đây bây giờ. Chỉ nhờ các cậu một việc, thỉnh thoảng dò hỏi xem thằng Thư hiện sống thế nào, đang trôi dạt về đâu, nếu có gì cần giúp thì cố mà giúp nó. Nó là thằng tốt nhưng yếu đuối, chỉ sợ không chịu nổi áp lực cuộc sống, nó nghĩ dại làm liều. Giữ gìn nhé!
- Chờ tụi em một tý!
Gần như cả hai thằng cùng đồng thanh rồi cùng bước nhanh vào trong lán. Lát sau chúng quay ra, trên tay mỗi đứa là một cốc vàng cốm li ti lấp lánh. Thằng Hoà mở miệng:
- Chúng em chỉ dành dụm được từng này, anh cầm đi mà lo liệu dọc đường.
Tôi lặng nhìn cốc vàng. Mỗi cốc ước chừng ba chục chỉ, mỗi chỉ thời giá lúc này là 200 ngàn, ba nhân với hai, vị chi cũng được sáu triệu, sáu cộng với triệu hai tiền bán xe là hơn bảy triệu... Cứ tạm thế đã.
- Tao chỉ lấy một nửa, mà vay thôi, sau này kiếm được sẽ trả cả gốc lẫn lãi. Nào chia tay!
Tôi ôm chặt từng đứa, đấm mạnh vào vai, đúng theo kiểu chia tay của phường rừng xanh thảo khấu rồi lao mình vào bóng đêm đen kịt vi vút gió.
Hú vía! Men theo bóng tối xuống được một đoạn thì tôi suýt đụng phải hai vệt đèn pha xe máy hồng hộc trườn lên nếu không kịp nhanh chân tránh vào bụi. Đó là hai vệt đèn xe công an.