Hùng Karô - Chương 23 - Part 2

 

Tôi hỏi lấy lệ với hy vọng cái bóng kia sẽ biến đi để tôi được một mình độc quyền cái không gian hoang mạc này và cũng để suy nghĩ thêm về cái hợp đồng mới mẻ tôi sắp nhận ngày mai. Nhưng cái bóng không trả lời và cũng không biến đi mà chỉ bất ngờ để bật ra một tiếng nói giọng Huế quen thuộc:
- Anh đấy à? Lạ chỗ không ngủ được phải không? Tôi cũng không ngủ được. Thời tiết trên này thế nào ấy. Ngồi xuống đi!
Tôi ngồi xuống, cách người đàn bà một đoạn. Bật lên một tiếng cười khẽ:
- Phùng đã có vợ hay người yêu gì chưa?
Tý nữa thì tôi đã không trả lời vì tưởng bà ta hỏi một người nào khác.
- Chưa.
- Cũng lạ nhỉ! Tưởng người như anh đàn bà con gái họ phải xếp hàng chứ.
Tôi im lặng, cả hai cùng im lặng. Gió từ mặt sông thổi lên lạnh buốt. Bất giác người đàn bà hơi co người lại:
- Lạnh quá...
Như một bản năng che chở, tôi cởi chiếc áo gió khoác ngoài ra choàng cho chị, khẻ kéo chị lại gần sát hơn:
- Đàn bà con gái như chị Mai đáng lẽ không nên làm cái việc trần ai chỉ dành cho đàn ông thế này.
Lại im lặng. Lát sau, một hơi thở ấm nồng phả đầy cổ tôi:
- Tôi đành trả lời cái câu hỏi lúc chiều Phùng hỏi mà không bao giờ muốn trả lời... Người ấy chết rồi, chết trong một chuyến xe cũng lên biên giới như thế này nhưng chết với một con đàn bà khác, chỉ bằng tuổi con... Đã được tròn bốn năm.
Câu nói đó làm đầu óc tôi se lại. Thảo nào mà đôi mắt lại buồn thế. Nhìn bề ngoài ai biết người đàn bà kiêu sa này lại có nỗi buồn không nói ra được như vậy. Niềm vui chóng quên, nỗi buồn dễ lây, tôi bất giác kéo chị lại sát người mình hơn. Chị ngoan ngoãn để mặc rồi từ từ áp mặt vào ngực tôi, áp nhẹ, mắt nhắm lại như ngủ, tin cậy, yếu đuối, bé bỏng, khuôn mặt nhìn nghiêng trong bóng đêm thật trẻ thật đẹp với cặp môi hé mở. Không kìm được và cần quái gì phải kìm, tôi cúi xuống đặt đôi môi khô nứt của mình lên cái hé mở thắm sâu và ẩm ướt đó với một suy nghĩ rất ư là chân tình rằng, đêm nay, ngay bây giờ, tôi một thằng cũng đang buồn, đang cô đơn sẽ bù trừ trở lại cho chị tất cả, bù dâng hiến. Bất ngờ người đàn bà vùng mặt ra khỏi ngực tôi, đứng dậy, nhìn tôi với cái nhìn của một cô giáo, lại như cái nhìn của một bà chủ, lạnh lùng, nghiêm khắc:
- Cậu hiểu lầm tôi rồi, chàng trai ạ! Thứ nhất, tôi không phải là loại người mà cậu vơ lúc nào cũng có như mấy con bé làm gái rẻ tiền trong kia. Hai, khi một người đàn bà cô đơn đang có nhiều tâm sự thì không có nghĩa là người đàn bà đó sẵn sàng nằm ngửa ra cho cậu muốn làm gì thì làm.
Say máu, đúng là say máu, lại nghĩ một cách võ đoán rằng, lòng vả như lòng sung, con mụ này thèm chết người đi rồi mà còn sĩ, vớ vẩn, cứ phải đốt cháy rụi cái sĩ dở người ấy đi thi mụ sẽ lại nhũn như con chi chi ngay, thậm chí còn cuồng nộ hơn bất cứ con đàn bà đang đói khát nào khác. Nào, đốt tí nhé, nhanh thôi. Tôi nhào đến, ghì chặt lấy tấm thân mảnh gầy kia và định dằn xuống cỏ nhưng lần thứ hai chị ta lại vùng ra được và tiếp liền là một cái tát khá mạnh vào giữa mặt tôi nổ cả đom đóm.
- Cậu lại nhầm nữa rồi. Tôi đang cần một trợ tá chứ không cần một người tình và nếu có cần thì chắc cũng không tới lượt cậu, cậu không thuộc cái gu của tôi. Xin lỗi nhé!
Câu nói này làm thân thể tôi nguội hẳn. Nó đã chạm vào chỗ dễ bị tổn thương nhất của một thằng đàn ông xưa nay chỉ có chiến thắng chứ không hề nếm mùi chiến bại, và lúc này thằng đàn ông tự cho mình là kiêu hãnh ấy chỉ còn biết đứng im, trơ mắt nhìn, thở. Bà ta bước đến gần, đặt bàn tay nhẹ như lá xuống vai tôi, giọng dỗ dành:
- Không sao đâu, tôi hiểu tuổi trẻ là thế nào. Tôi vẫn quý cậu, vẫn muốn cậu về làm việc với tôi, Mai mốt nếu cậu muốn, vô trong kia tôi sẽ giới thiệu cho cậu một cô bé còn trẻ đẹp hơn tôi nhiều. Tôi già rồi, đáng gì để cho cậu phải mất công. Vậy nhen!
Giá mụ đừng nói câu này thì có khi tôi còn nghĩ lại nhưng một khi cái sự giả tạo, kệch cỡm, hoạnh tiền đã lên đến đỉnh điểm như thế thì...
- Xin lỗi! Bà chọn sai người rồi. Tôi không quen đi hầu hạ một kẻ có cái miệng lưỡi rắn rết như thế. Hơn nữa, nếu được khuyên bà một câu thì câu đó sẽ là: Tốt nhất bà đừng có tìm ra chỗ vắng ngồi một mình như thế nữa, vì rất may cho bà đêm nay là tôi chứ vớ phải đứa khác, nó sẽ không để yên cho bà thở ra cái giọng dạy đời giả dối ấy đâu. Chào!
Để mặc cho bà chủ đội xe hùng hậu đứng đó như một gốc cây im lìm, tôi bỏ đi một mạch về khu nhà trọ với tâm trạng thực sư chán ngán và có phần tủi hổ. Thì ra, rút cục lại tôi vẫn chưa hiểu quái gì về đàn bà, cứ tưởng mình có thể làm chủ hoàn toàn, có thể điều khiển được cảm xúc vui buồn của họ đề rồi chính họ lại điều khiển mình như một con nộm rơm rách mướp trên cánh đồng khô hạn.
Tại khu nhà trọ nhung nhúc bọn buôn lậu qua các hẻm núi, khe suối, tôi đã nhận được một vài lời rủ rê đi buôn cùng, hơi nguy hiểm song kiếm khá lắm. Tất nhiên là tôi lắc đầu. Buôn lậu giống như đánh bạc trước sau gì rồi cũng chết mà tôi lại chưa muốn chết, tôi thật sự muốn làm lại cuộc đời theo kiểu của tôi. Còn kiểu nào, giữa đồi núi biên cương ngày giáp tết đến chính tôi tôi cũng chưa biết nữa nhưng chắc chắn là không có tiểu tiếc gì cả mà phải là đại cơ, và có lẽ cái đại đó trước sau gì rồi vẫn cứ phải dính líu đến vàng đến đá như một nghiệp chướng, một tiền định.
Tuy vậy trong gian nhà trọ nhung nhúc bọn tiêu ngạch ấy tôi cũng vô tình thu lượm được một thông tin dáng để lọt vào sọ: Thiên hạ lúc này đang đổ xô lên mạn Mường La vì nghe nói ở đó có rất nhiều vàng. Thì đi. Không cần rất, chỉ cần nhiều thôi là đủ tạo cảm hứng để đi. Ghé chợ mua kim chỉ, kiếm một miếng vải dai, Y hệt cái ông Giăng gì trong tiểu thuyết Pháp khi ra khỏi tù mà ông nhà văn tỉnh lẻ đã có lần cao hứng kể cho nghe, tôi lúi húi khâu một cái túi thật kín bên trong áo để nhét số vàng và tiền vào đó cho chắc rồi nhảy xe vượt 50 cây số đến toạ độ hy vọng. Nếu đúng như lời đồn thì sẽ hạ trại, hợp pháp hoá giấy tờ, chọn điểm, lập đội, sắm dụng cụ và a lê hấp, kiếp bưởng trưởng phu bãi lại bắt đầu.
Nhưng, sau một hồi trinh sát nghe ngóng, thậm chí lặn lội lên tận bãi, lang thang, sục sạo chỗ này chỗ khác đến cả ba ngày, chao ôi, hy vọng đã thành thất vọng. Địa hình hiu hắt, vỉa quặng mỏng tang, lại xâu nữa, bốc nắm vàng cám vừa được đãi trên tay cứ xin xỉn như màu cám gạo ẩm, bằng con mắt tạm gọi là tương đối có thâm niên nghiệp vụ, tôi biết chắc rằng vàng ở đây sẽ không tiêu thụ được ở bất kỳ thị trường khó tính nào, hoặc giả có tiêu được thì cũng chỉ là cái động thái vừa bán vừa cho, mất công.
Dân đào bãi lại kháo dọc sông Đà có nhiều vàng lắm, chỉ phải cái khai thác hơi khó thôi. Khó cũng đi. Đã mang xác đến đây rồi, khó thể chứ khó nữa cũng phải kịch mục sở thị một cú xem sao. Kể ra cũng là hoang khi dám bỏ ba chỉ vàng thuê riêng một chiếc Kole máy dầu để chạy thám thính dọc sông suốt một tuần. Thời buổi này muốn làm cái gì chả phải đầu tư, đến con điếm cũng phải đầu tư áo quần son phấn nghệ thuật làm tình huống chi là cái công việc liên quan trực tiếp đến kim tiền này, đầu tư một biết đâu sinh lợi được một trăm, một ngàn, còn nếu không, mất trắng, cũng không sao, coi như một kinh nghiệm.
Dòng sông hung dử ngày cuối năm cũng bỗng trở nên hiền lành, xao xác khác lạ. Chả lẽ giống con người, cứ đến những thời khắc linh diệu mơ hồ này cảnh vật cũng có hồn có vía hơn như thầm thì nhắc nhở, rủ rê con người đang xô dạt kiếm sống ở mọi phương trời hãy mau mau trở về với người thân, với mái nhà nồng nàn mùi bánh chưng đêm trừ tịch của mình. Mà hôm nay đã là ngày 23, ngày ông Táo lên trời rồi chứ còn sớm sủa gì nửa.
Sông thượng nguồn chảy xiết, nước đoạn trong đoạn đục, hai bên bờ toàn một màu xanh hiu hắt, chiếc thuyền con như trôi ngược dòng sông Mê về nơi chín tầng địa ngục. Toàn thân như tan chảy nhưng đầu óc lại sột sệt. Giữa cảnh sắc hư vô và mẩu đời hữu hạn trong tôi sao lại trái chiều nhau như thế, như không hề dính líu ăn nhập gì hết đến mọi đa đoan, khổ đau, tủi nhục của thân phận con người. Đã có lúc chìm giữa màn sương hoang vu trên mặt nước, tôi thầm ước mình được tan ra, biến mất như một hạt bui nước để ngày mai không còn lo lắng, trăn trở gì nữa về muôn vàn cái thống đau của kiếp người, của tôi, một kẻ có tiền án, đang bị đẩy ra ngoài lề xã hội ở đằng sau và quá sức mơ hồ chờ ở phía trước.
Có lẽ với tâm trạng châng lâng, bảng lảng như thế nên cả tuần trời, dù đã chú ý ghé lên hàng chục bãi vàng không chỉ bãi nhiều người mà cả bãi vắng người suốt dải Mường Tè, Sìn Hổ mà con mắt khá nhạy cảm của tôi vẫn chưa tìm dược cái cần tìm. Vàng còn xấu hơn cả ở Mường La, mà lại toàn nằm ở trong nước, sát mép nước, múc cả trăm thùng cát lên cũng chả lọc nổi một bụm gọi là. Đây không phải là vùng vỉa của những bãi vàng mà thực chất chỉ là những làng Tòi ven sông, thứ làng du mục, manh mún, chiều tan sáng hợp, đâu đâu cũng chỉ có một màu vàng của cát, của da người, mắt người, của cây cỏ, cái màu vàng chết chóc trong một ngôi làng đang mang bệnh dịch hạch mà dân đãi chuyên nghiệp chưa bao giờ để mắt đến.
Tạm biệt Mường Tù, tạm biệt mảnh đất sơn cùng thuỷ tận mà có lẽ suốt cả cuộc đời này chắc sẽ không có dịp trở lại.
Một lần nữa lại phải chán ngán nhổ neo. Nhưng để bù trừ, cái tâm hồn cằn cỗi và lở lác của tôi xuân này lại được một cú vi hành phương Bắc phiêu bổng và không thể nói rằng không có một chút ý nghĩa mới mẻ, khác lạ, thăm thẳm về cuộc đời, về con người và thiên nhiên. Thiên nhiên có thể xoa dịu, làm nhoà mòn đi tất cả và cũng có thể đánh thức dậy tất cả những gì ẩn chứa trong chiều sâu hóc hiểm của con người, ở tôi, có lẽ cả hai. Phải chăng, nói như cách nói của ông nhà văn già ở quê, đó có thể là một thứ hành trang phi vật thể nhưng vô cùng quý giá sẽ theo tôi đi hết quãng đời sau này, nếu còn có nó. Lạy trời!
Trên đường làm nước mã hồi thất thểu, đi qua khu vực Lai Châu, một cảnh sắc tang thương hiện ra trước mắt. Cơn lũ quét thế kỷ vừa liếm qua đây. Nó liếm kỹ càng, tỉ mỉ và cuồng nộ đến nỗi cả một vùng đất chỉ sau một đêm kinh hoàng đã biến thành bình địa, chỗ nào cũng thấy nhà đổ, đất đè, người chết, ruộng vườn tan hoang như có cả một đoàn voi rừng man rợ vừa kéo qua. Những bóng người vật vờ đi moi tìm người thân trong những tiếng khóc đặc nghẹn. Thấp thoáng đó đây có cả bóng dáng những bộ sắc phục bộ đội, công an lấm bùn đất. Rút cục, vẫn chỉ là những bộ sắc phục này xuất hiện bên cạnh nỗi đau trong những hoàn cảnh hiểm nghèo, chiến tranh hay địch hoạ. Một cái gì đó như bản năng hoặc cũng có thể những năm tháng làm lính biên cương đã ăn vào máu, bất chấp có thể gặp nguy hiểm nếu một khi đụng độ những bộ sắc phục kia, tôi quyết định rời thuyền đi lên, cởi áo xông vào đám đông, cũng moi tìm, bới móc, cũng hô hét, vận sức cùng mọi người lôi đỡ từ trong đống đổ nát ra những thi thể đàn bà, trẻ con còn nóng hay đã lạnh. Người bị vùi nhiều quá, càng đào tìm càng phát hiện thêm. Mải làm, mặt trời lặn xuống bên kia sông lúc nào không hay. Công việc tìm kiếm cũng đã vãn, tôi thả người ngồi xuống, lúc ấy mới thấy toàn thân rã rời, lỏng lẻo, chỉ muốn hạ lưng nằm ngửa giữa đất trời ngủ vùi một giấc.
Và tôi sẽ ngủ thật nếu như lúc ấy không có một tốp cả công an cả bộ đội quân hàm xanh lừ lừ đi tới. Bỏ mẹ rồi!
Chắc lộ rồi, chúng đến tóm mình đây. Ai bảo, dại chưa con, cá nằm trên thớt còn đua đòi làm hiệp sĩ. Tôi định trườn nhanh theo mô đất ướt lỉnh ra phía sau rồi lao cắm ra sông thì tiếng nói của người đi đầu cất lên: “Anh kia, chờ một tý!” đã khiến tôi không thể không dừng lại và dầu có không dừng cũng không được, kiệt quệ sức lực rồi.
Người công an thấp đậm, có mái tóc húi cua đi đầu đeo hàm đại úy bước đến cùng với một trung tá biên phòng, cả hai nhìn tôi lạnh lẽo, đúng cái nhìn của giám quản phòng giam đặc biệt:
- Anh người vùng này hay ở đâu đến?
Bắt đầu rồi đây, tôi nghĩ, và tốt nhất là cứ nói thẳng rồi liệu cơm gắp mắm:
- Thưa cán bộ... (Chết cha rồi, sao lại Cán bộ như ở trong trại thế này) Thưa đồng chí, dạ báo cáo em... em là dân đi đãi vàng ở xuôi lên ạ.
- Vàng ở Mường Tè, đây đâu có mà đãi?
- Dạ, nhà có việc, em phải về nên mới đi qua đây
- Vợ đẻ à?
- Dạ, đẻ, đẻ ạ!
- Có giấy tờ gì không?
- Dạ, có... có chứ ạ, có đủ, có cả giấv của xã cấp nữa nhưng vừa rồi bị... bị sập hầm, trôi sạch ra sông rồi, em định kỳ này về xin xã cho làm lại.
- Vậy anh có biết chúng tôi đi tìm anh để làm gì không?
- Dạ, không!
- Được, đồng chí trung tá biên phòng đây sẽ nói với anh.
Ông trung tá bước lên, mặt mày trang trọng như sắp
thi hành án nhưng, bất ngờ làm sao, thay vì nòng súng đen xì lại là một miệng cười hiền khô, nẻ toác cùng một cái xiết tay khá chặt, thô rám:
- Thế này đồng chí ạ! (Tốt, đồng chí thì ổn rồi) Chúng tôi thay mặt nhân dân và chính quvền ở đây mời đồng chí về trụ sở đồn biên phòng để cho thân nhân, đại diện của hai mươi nhăm gia đình có người bị nạn được tỏ lòng cám ơn.
- Về... về đồn ạ?
- Đáng lẽ sẽ về uỷ ban nhưng trụ sở uỷ ban cũng sập rồi. Đồng chí vừa rồi đã nêu một tấm gương quả cảm, hết lòng vì dân, xứng đáng phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ, à mà đồng chí chắc đã từng là bộ đội chứ?
- Dạ...
- Đó, cậu thấy chưa - Ông trung tá quay sang vị công an - Mình nói có sai đâu.
- Thì em cũng nói cậu ấy chắc chắn không bộ đội thì cũng là công an. Cám ơn chàng trai!
Lại một cái bắt tay nữa, tuy có mềm hơn, thì công an bao giờ chả mềm hơn bộ đội, nhưng chính sự va chạm này đã làm cho tôi tỉnh giấc vinh quang, một thứ cảm hứng rất dễ ru con người vào giấc ngủ. Về đồn bây giờ có khác gì tự chui đầu vào rọ nếu ở đó có một tay hình sự nào đó táy máy nhận ra. Tốt nhất là...
- Báo cáo các anh, thấy người bị nạn thì xông vào, chuvện đó là bình thường, đâu cứ phái là bộ đội hay công an mới làm, vâng, các anh cho phép em đi luôn, chậm, sợ con vợ nó đẻ khó, không có ai nhảy mái nhà, lội xuống ao lại mang oán suốt đời.
Ông trung tá cười to, để lộ cả một hàm răng ám thuốc vàng khè:
- Cậu nghĩ thế là phải, không có gì kinh khủng bằng vợ vượt cạn mà chồng lại vắng nhà, nó chì chiết suốt đời, tôi đã trải qua rồi. Thôi thế cậu đi đi, khi nào trở lại nhớ ghé đây nhé! Bộ đội Cụ Hồ mình phải thế chứ.
Còn người đại úy đầu húi cua lại vỗ vai tôi đến bốp một cái:
- Mình là Lẫm, Lẫm lùn, chỉ huy đường sông, đến cứ
hỏi, bắt cá nhậu đã đời một bữa nhé!
Tôi vâng dạ lấy lệ rồi quyết định phải co cẳng phóng luôn xuống bến chứ nếu không cứ đứng đây bắt tay bắt chân một chập nữa có khi đến chính tôi, tôi cũng nhầm tưởng mình là công an, bộ đội thật mất. Thoáng chạnh lòng, nếu cuộc đời đừng rẽ ngoặt thì giờ đây biết đâu mình cũng đại uý, thiếu tá ngẩng cao đầu giữa nắng trời như họ rồi. Số kiếp chết tiệt! Chợt thấy có cái gì thiêu thiếu trong lồng ngực, luồn tay sờ vào, chợt giật nảy người. Cha mẹ ơi, toàn bộ tiền và vàng để ở túi trong đã biến sạch! Chắc trong khi tận lực đào bới, nó đã bứt khuy rơi ra rồi! Khốn nạn chưa! Đúng là làm phúc phải tội, có được một chút tôn vinh rổm mà cái giá phải trả đắt quá! Biết làm sao đây hở giời? ở lại tìm à? Biết chỗ nào mà tim và liệu có còn không mà tìm khi từ trưa đến giờ đã có biết bao người đi qua đi lại?
Thôi, coi như của đi thay người, thì cứ nói an ủi theo kiểu nói của ông bà cho đỡ choáng chứ ở đời có ối đứa của vẫn vào như nước mà người vẫn khoẻ như vâm, dừng lại đây phút nào là nguy hiểm phút đó.
Nhưng xuống bến, vừa định đặt chân lên mạn chiếc Kole thì có một tiếng bé gái gọi giật đằng sau:
- Chú ơi...
Tôi nhìn lại. Một cô bé người Thái chừng 13, 14 tuổi đang xăng xái chạy xuống, trên tay cầm một vật gì. Chắc lại một mo xôi hay mấy củ khoai của thân nhân người bị nạn muốn biếu mình đây, tôi nghĩ và xoay người bước lên. Lại tiếng gọi:
- Chú ơi! Cái này có phải của chú không?
Tôi trố mắt nhìn... Cha trời, cái quỷ gì thếnàv, không thể tin được, trên tay cô bé là gói vàng và tiền bọc trong miếng giấy ni long màu xanh của tôi!
- Cháu... cháu tìm thấy trong đống đất.
Cầm lại gói tiền, tôi bất giác nhóng mắt nhìn lên dốc: viên đại uý và ông trung tá cũng đang nhìn xuống, vẫy tay cười. Nhưng tôi lại không cười được. Không thể cười. Trước mắt tôi là một khuôn mặt bụi đất lấm lem nhưng đôi mắt lại rất trong như chứa cả bầu trời Lai Châu trong đó. Tôi nhảy xuống ôm lấy bé, dù không muốn nhưng giọng tự dưng cứ nghẹn lại:
- Cám... cám ơn cháu! Nhà cháu có ai bị sao không?
- Chị cháu chết rồi... Mẹ cháu được chú cứu thoát.
Tôi lấy trong gói ra một tệp tiền không biết là bao nhiêu đưa cho bé:
- Cháu cầm chỗ này về đưa cho mẹ.
- Không, mẹ cháu nói cháu chạy theo đưa cho chú, nhớ là không được lấy lại của chú một đồng nào cả.
- Nhưng cũng cần phải làm đám cho chị chứ?
- Cháu không biết. Cháu về đây. Cháu chào chú!
Không kịp để cho tôi nói thêm câu gì, cô bé quay người chạy luôn lên dốc. Nhìn theo tấm váy đen nhỏ xíu phơ phất ôm lấy đôi chân gầy ngang, xanh xao của em, tôi thấy tim mình thắt lại. Tôi chợt nhớ đến con Nết em tôi
ngày nào, cũng đôi mắt ấy, dáng chạy ấy, cái nhìn trong vắt ấy... Cũng như con Nết, tôi biết rằng hình ảnh cô bé người Thái có tâm hồn thiên sứ này sẽ còn nằm lại trong trí nhớ của tôi lâu lắm.
Chiếc Kole nổ máy lao ra giữa dòng để làm một đường cua về xuôi. Và tôi không biết sẽ trôi đi đâu trong dòng sông cuộc đời này nếu như lúc ấy bác chủ chiếc Kole suốt ngày chụp chiếc mũ lông Trung Quốc có tai che sùm sụp nhìn tôi ái ngại:
- Giờ cậu tính thế nào?
- Cháu cũng không biết nữa.
- Một tuần lênh đênh sông nước với cậu, thấy cậu là người hiền lành, sống có nghĩa có tình, tôi cũng quý. Giờ tôi chỉ có thê khuyên cậu một câu: nên vào Nam mà tìm việc. Trong đó đất rộng người thưa, việc làm dễ kiếm, con người thật thà hơn ngoài này. Thì hàng ngàn năm nay ông bà ta chỉ có Nam tiến chứ có ai lội ngược đâu. Tôi có một thằng cháu đang ở Tây Nguyên, mạn Đắc Lắc gì đó, cũng mới vào được đôi năm thôi mà nhắn tin ra nghe có vẻ ổn lắm.
Đắc Lắc! Một cái tên mới thoạt nghe đã thấy xa tít mù khơi, một địa danh chỉ thấy trên sách báo, phim ảnh với những cánh rừng cà phê bạt ngàn và màu hoa dã quỳ nở vàng rực cả sườn đồi, thế thôi. Chả lẽ tôi, một thằng từ đồng đất đi ra bây giờ lại trở lại đồng đất làm cái kiếp lão nông tri điền ư? Như đọc được cái suy nghĩ u ám ấy, ông chủ thuyền nói thêm:
- Vùng ấy người ta không chỉ sống bằng trồng trọt đâu, nó còn là cái vựa của gỗ quý, thú quý nữa.
Thú quý à? Một tiếng nổ khẽ trong ngực. Vậy thì hợp tạng tôi. Cứ cái gì quý quý là được. Vàng quý, đá quý, thú
quý, gỗ quý, gái quý... đều là quý hết. A lê, xin cám ơn ông bác, với thông tin cũng... quý này, cháu sẽ thử một phen lên đường, càng xa càng an toàn và biết đâu tại đó, đời cháu sẽ trộn sâu vào đất đồ cao nguvên, cũng đóng khố, cũng cà răng, cũng ở trần để vĩnh viễn không bao giờ trở lại đồng bằng, trở lại đất Bắc nữa. Khổ đau, vinh nhục thế đủ rồi.
Hôm ấy đã là ngàv 27 tết.